Không chỉ có Moskva: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Âu và Bắc Việt thời kỳ hậu Stalin
TRỊNH ÁNH HỒNG
+ Lê
Quỳnh dịch
(tiếp theo - Kỳ 2)
Những khoảnh khắc quan trọng nhất xảy ra vào
ngày 29 và 30-10. Vào chiều 29-10, Khrushchev và các lãnh đạo Liên Xô khác gặp
phía Trung Quốc tại nơi phái đoàn ở và cho biết cả Ba Lan và Hungary đang yêu
cầu Moskva rút quân khỏi hai nước. Mặc dù vẫn đòi Moskva thay đổi thái độ
“sôvanh nước lớn” đối với các nước cộng sản khác, nhưng ông Lưu Thiếu Kỳ nói
trong hoàn cảnh hiện tại, tốt hơn là quân đội Liên Xô hãy ở lại và đối đầu với
những phần tử phản cách mạng.
Trong lúc đang nói chuyện, phái đoàn Trung Quốc nhận
được điện thoại của Mao, người có đề nghị khác với Lưu. Mao nói đã đến lúc
Moskva phải rút quân ra khỏi cả hai nước và để họ được độc lập. Lưu chấp nhận ý
kiến của Mao và chuyển lại thông điệp cho Khrushchev. Nhưng ngày hôm sau, phái
đoán Trung Quốc nhận được báo cáo tình hình từ phía ban lãnh đạo Liên Xô. Báo
cáo được viết bởi Anastas Mikoyan, phó thủ tướng thứ nhất và là người liên lạc
khéo léo giữa Moskva và các nước cộng sản khác, người đã được gửi đến Hungary
trước khi phái đoàn Trung Quốc đến Moskva. Báo cáo nói rằng từ hôm 29-10, sau
khi quân đội Liên Xô rút khỏi Budapest và giải tán lực lượng an ninh Hungary,
thủ đô và nhiều nơi khác của Hungary đã rơi vào hỗn loạn và các phần tử phản
cách mạng đang tàn sát những người cộng sản. Phái đoàn Trung Quốc bị ngạc
nhiên. Sau một ngày thảo luận, họ kết luận rằng tính chất của sự kiện ở Hungary
khác với ở Ba Lan, vì thế quân đội Liên Xô cần quay lại thủ đô và đè bẹp bọn
phản cách mạng. Sau đó vào buổi chiều, Lưu Thiếu Kỳ gọi cho Mao. Mao thay đổi
quan điểm ban đầu rằng phía Nga cần rút quân, và nay đồng ý với kết luận của
phái đoàn vì ngoài báo cáo của Lưu, Mao còn nhận được báo cáo hàng ngày từ
Hungary của Hồ Đức Khánh, đại sứ Trung Quốc, và Hồ Quý Bang, phóng viên
của Nhân dân Nhật báo ở Budapest. Nhưng Mao nói nếu phía Nga chờ lâu
một chút để có thêm các phần tử phản cách mạng lộ diện thì sẽ tốt hơn – một
chiến thuật đặc Mao mà sau này được dùng để phát hiện phe hữu khuynh ở Trung
Quốc. Sau khi gọi cho Mao, phía Trung Quốc yêu cầu có cuộc họp khẩn với người
Nga. Tại cuộc họp, Lưu Thiếu Kỳ, phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Cộng sản Trung Quốc, mạnh mẽ đề nghị Khrushchev không “bỏ cuộc” ở Hungary mà
hãy nỗ lực hơn để cứu vãn tình thế, trong khi Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí thư Đảng
Cộng sản Trung Quốc, công khai thúc giục quân đội Nga quay lại thủ đô và nắm chính
quyền. Nhưng Khrushchev ngần ngừ. Ông nói với phía Trung Quốc rằng vì tình hình
đã thay đổi khá nhiều ở Hungary, nên sự trở lại của quân Nga sẽ đồng nghĩa với
sự chiếm đóng đất nước và người Nga sẽ bị xem là kẻ chiếm đóng. Vì thế ban lãnh
đạo Liên Xô, Khrushchev thông báo cho phía Trung Quốc, đã quyết định không đưa
quân quay lại.
Vì phía Nga đã quyết định như vậy, Trung Quốc không
dấn thêm nữa. Thay vào đó, Lưu nói đùa với phía Nga rằng hôm qua chúng tôi
thuyết phục các đồng chí rút quân nhưng các đồng chí không chịu; hôm nay các
đồng chí đến đây và tìm cách thuyết phục chúng tôi đồng ý với quyết định rút
quân. Mọi người có mặt ở buổi họp bật cười. Lưu lại nói phái đoàn Trung Quốc sẽ
trở về Bắc Kinh chiều hôm sau. Nhưng vào chiều hôm sau, 31-10, phái đoàn Trung
Quốc nhận được điện từ Kremlin ngay trước lúc họ ra sân bay. Các lãnh đạo Nga
yêu cầu phía Trung Quốc đến phi trường sớm hơn một tiếng để dự cuộc họp khẩn.
Tại phi trường, đoàn Trung Quốc gặp Khrushchev và các lãnh đạo khác của Nga.
Khrushchev nói ban lãnh đạo Nga đã thay đổi ý kiến trong đêm và quyết định đưa
quân quay lại Budapest.
Tỏ rõ phấn khởi, Lưu Thiếu Kỳ nói Trung Quốc vui mừng rằng ban lãnh đạo Nga đã
đứng ra bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Thực tế, trước cuộc họp ở sân bay, quân đội
Nga đã di chuyển quay lại thủ đô Hungary[4] .
Sự do dự của Moskva khi giải quyết cuộc khủng hoảng
Hungary, được phản ánh qua ghi chép của Trung Quốc, có thể được xác nhận bằng
chính lời của Khrushchev: “Không biết đã bao nhiêu lần chúng tôi thay đổi ý
kiến về việc rút khỏi Hungary hay ‘đè bẹp cuộc nổi loạn’” [5] . Khó xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh
đối với Moskva trong các quyết định, nhưng như ta thấy qua ghi chép trên của
Trung Quốc, phía Trung Quốc quả thực đóng một phần vai trò trong tiến trình và
phía Nga quả thực xem trọng thái độ của Trung Quốc. Ngày 3-11-1956, ba ngày sau
khi xe tăng Nga tiến vào Budapest, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc
là một trong các tờ báo cộng sản đầu tiên ca ngợi Liên Xô đè bẹp cuộc nổi dậy ở
Hungary. Trung Quốc còn ủng hộ thay đổi chính trị ở Hungary bằng việc gửi Thủ
tướng Chu Ân Lai đến Budapest giữa tháng Giêng 1957 khi tình hình còn bất ổn,
và xe tăng Liên Xô đã phải canh gác chỗ ở của ông Chu, mặc dù ông chỉ ở lại đây
một ngày.
Trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc, ảnh hưởng của
Trung Quốc trong khủng hoảng Ba Lan – Hungary đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc
bày tỏ quyền lực của họ tại châu Âu, “một diễn biến mà Liên Xô sau này sẽ ân
hận”, như lời của Joseph L. Nogee và Robert H. Donaldson [6] . Mặc dù các chi tiết về quan điểm cứng rắn của Trung
Quốc trong khủng hoảng Hungary không được biết tới cho mãi đến cuối thập niên
1990, nhưng sự ủng hộ công khai trước việc đè bẹp cuộc nổi dậy ở Hungary – thể
hiện qua sự có mặt của phái đoàn Trung Quốc ở Moskva vào thời điểm xảy ra, các
tuyên bố chính thức nhanh chóng, và chuyến thăm của Chu Ân Lai đến Budapest –
thường được xem là chỉ dấu về thái độ của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng
trong bốn thập niên kế tiếp.
Nhưng thái độ của Trung Quốc đối với khủng hoảng Hungary,
dù có cứng rắn và ấn tượng đến đâu, thì cũng chỉ là một khía cạnh trong chính
sách và ảnh hưởng của Trung Quốc trong giai đoạn hạ bệ Stalin hay còn gọi là
giải phóng. Sự chỉ trích “chủ nghĩa sôvanh nước lớn” của Nga, quyết định bác bỏ
sự can thiệp của Nga trong khủng hoảng Ba Lan, và ý kiến của Mao rằng quân đội
Nga nên rút khỏi Ba Lan và Hungary trước khi tình hình trở nên xấu đi, cho thấy
một thái độ phức tạp hơn của Trung Quốc. Nếu chúng ta mở rộng cái nhìn ra toàn
bộ giai đoạn phê phán Stalin và xem xét lại một số dữ kiện ít được quan tâm
trước và sau khủng hoảng Ba Lan – Hungary, chúng ta chắc chắn sẽ tìm
thấy một Trung Quốc khác. Một Trung Quốc mà thái độ mang tính cởi mở (nếu xét
từ góc nhìn thuần tuý Stalin và bất kể mưu tính đằng sau thái độ ấy là gì) cũng
xuất hiện giữa những người cải cách hoặc chống Stalin ở Đông Âu ngay từ năm
1955 và kéo dài cho đến mùa hè 1957, hơn nửa năm sau khi cuộc nổi
dậy Hungary bị dập tắt.
Có bằng chứng rằng Trung Quốc bắt đầu thu hút chú ý từ
một số nước Đông Âu trong thời gian khi, ngay sau cái chết của Stalin, ban lãnh
đạo Liên Xô bắt đầu chứng tỏ họ sẵn lòng cho phép các thay đổi chính sách, có
tên “Đường lối Mới”. Đường lối này do Georgi Malenkov, người kế vị gần nhất của
Stalin mà sau đó bị Khrushchev thay thế, khởi xướng (ngay từ mùa xuân 1953,
cùng sự hỗ trợ của Lavrentiy Beria, theo nghiên cứu của Geoffrey và Nigel
Swain.) [7] Ở trong nước, Đường lối Mới bao gồm việc bớt nhấn mạnh
đến công nghiệp nặng vốn được Stalin ưa thích, và thay vào đó, chú ý hơn đến
nông nghiệp và công nghiệp nhẹ thông qua việc bớt kiểm soát giá thực phẩm và
quần áo, và giảm bớt đàn áp chính trị. Trên trường quốc tế, Đường lối Mới bao
gồm việc phục hồi cho Tito của Nam Tư – người đã bị Stalin trục xuất khỏi thế
giới cộng sản năm 1948 – sau chuyến thăm bất ngờ của Khrushchev đến Belgrade tháng Năm 1955.
So với cơn bão mà Đại hội 20 sau đó tạo nên, thì Đường lối Mới này có vẻ chỉ là
cơn gió thoảng, nhưng quả thực nó “làm tan băng” mảnh đất đã bị đông cứng trong
chính thể Stalin cứng nhắc. Các đảng Đông Âu đã phản ứng theo Moskva – phần nào
được Kremlin khuyến khích – bằng việc đưa ra những thay đổi tương tự trong lĩnh
vực đảng, kinh tế, xã hội.
Để có thêm tự chủ trước Moskva, một số nước Đông Âu
quay sang Bắc Kinh tìm cảm hứng với cái cớ rằng Trung Quốc đang trong giai đoạn
chuyển đổi chủ nghĩa xã hội (từ “Dân chủ Mới” sang chủ nghĩa xã hội) tương tự
như Đông Âu, trong khi Liên Xô đã tiến vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội
cao hơn. Ví dụ, ở Đông Đức, nước đầu tiên ở Đông Âu thực thi một số chính sách
Đường lối Mới ngay từ 1953, Hội nghị lần thứ 25 của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống
nhất của Đông Đức thông qua nghị quyết ngày 1-11-1955, chuẩn thuận phương pháp
của Trung Quốc trong vấn đề quốc hữu hoá các doanh nghiệp lớn của tư nhân còn
lại bằng cách đề nghị bồi thường 50% cho những người chủ cũ [8] . Việc mua, thay vì tịch thu, phương tiện sản xuất và
cho phép chủ cũ tham gia quản lý là chính sách của Mao nhằm làm cuộc chuyển đổi
diễn ra êm thắm; nó rất khác với mô hình quốc hữu hoá chủ nghĩa xã hội của Liên
Xô. Đông Đức quan tâm đến phương thức quốc hữu hoá ôn hoà hơn của Trung Quốc,
và mối quan tâm này tiếp tục tăng trong năm 1956 và được phản ánh trong các bài
báo, phúc trình trên báo và tạp chí của Đảng.
Neue Zeit, một báo của Đảng, ngày 13-6-1956 đã in
lại một bài nhan đề “Vì sao các nhà tư bản của chúng ta hoan nghênh chủ nghĩa
xã hội”, do chủ tịch Hội Nông Thương Trung Quốc viết và đăng lần đầu
trênPeople’s China, một tờ báo tuyên truyền đối ngoại, để trả lời cho câu
hỏi của các chủ doanh nghiệp tư nhân ở Đông Đức. Trong ấn bản tháng Chín, tờ
báo lý luận Einheit có đăng bài báo Trung Quốc nhan đề “Giai đoạn mới
của sự chuyển hoá công nghiệp và thương mại tư bản ở Trung Quốc.” Khi Walter
Ulbricht, Tổng Bí thư của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất của Đông Đức, báo
cáo cho Đảng về chuyến đi thăm Bắc Kinh dự Đại hội Tám của Đảng Cộng sản Trung
Quốc tháng Chín 1956, ông nhấn mạnh đến liên minh giữa người cộng sản Trung
Quốc với cái gọi là “tư sản dân tộc.” [9] .
Ở Hungary, ảnh hưởng Trung Quốc được phản ánh trong ý
thức hệ của những người cộng sản dân tộc mới nổi lên của Hungary, đặc biệt thể
hiện qua việc Imre Nagy ngưỡng mộ “Năm nguyên tắc cùng chung sống” của Trung
Quốc. Nagy, người được đưa lên làm Thủ tướng từ cuối 1953 đến 1955, đề đạt
đường lối cải cách bao gồm việc giảm nhẹ nhịp độ công nghiệp hoá, cho phép nông
dân rời bỏ nông trường tập thể và giảm bớt sự khắc nghiệt của công an. Vì lẽ
này ông bị những người thân Stalin do Mátyás Rakosi dẫn đầu loại bỏ vào tháng
Ba 1955. Nhưng sau khi bị buộc về hưu non, Nagy cảm nhận trận bão chính trị
đang tới và viết một luận đề dài nhan đề “Bảo vệ Con đường Mới” vào cuối năm
1955 và đầu 1956. Bài này được in thành sách ở phương Tây với nhan đề Về
chủ nghĩa cộng sản, trong đó bốn vấn đề lớn được đề cập: công nghiệp, nông
nghiệp, đàn áp chính trị và chính sách ngoại giao.
Trong chương về chính sách ngoại giao, “Năm nguyên tắc
cùng chung sống” của Trung Quốc trở thành nền tảng lý thuyết cho Nagy khi ông
bảo vệ chủ quyền của Hungary
và độc lập trước Liên Xô. “Năm nguyên tắc cùng chung sống” bao gồm tôn trọng
toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm lấn, không can thiệp chuyện
nội bộ, bình đẳng và cùng có lợi, và chung sống hoà bình [10] . Trung Quốc lần đầu tiên nêu các nguyên tắc này trong
một tuyên bố chung với Ấn Độ năm 1954. Rồi vào năm 1955, tại Hội nghị Bandung của các nước Á và
Phi, Chu Ân Lai chính thức đề đạt chúng với các nước như nguyên tắc bang giao
quốc tế đối lập với chủ nghĩa thực dân. Các tuyên bố chính thức của Trung Quốc
liên quan năm nguyên tắc này thường thòng thêm một cụm từ hạn chế, “giữa các
nước có hệ thống xã hội khác nhau”, nhằm giảm nhẹ lo ngại của các nước phi cộng
sản châu Á về xuất khẩu cách mạng của Trung Quốc, nhưng không nói rõ liệu chúng
có áp dụng cho “các nước có cùng chế độ xã hội” hay không.
Nhan đề của chương đối ngoại trong bài của Nagy là
“Năm nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế và câu hỏi về chính sách đối ngoại
của chúng ta”. Tác giả không chỉ dùng “Năm nguyên tắc” làm luận đề chính mà còn
tuyên bố chúng phải “mở rộng cho quan hệ giữa các nước trong khối xã hội chủ
nghĩa và dân chủ”. [11]. Bài của Nagy được phổ biến trong những người cộng sản phản
kháng, và vào mùa Xuân 1956, Nagy chuyển một bản cho Ban Chấp hành Trung ương
Đảng và một bản cho Yuri Vladimirovich Andropov, đại sứ Nga ở Budapest [12] . Quả là một trớ trêu bi thương khi chưa đầy một năm
sau đó, mộng tưởng của Nagy về việc áp dụng “Năm nguyên tắc” cho quan hệ Hung –
Nga và ảo tưởng về cảm tình của Trung Quốc với Hungary đã vỡ tan, khi Bắc Kinh
thúc giục Moskva can thiệp và Nhật báo Nhân dân là tờ báo đầu tiên ca
ngợi cuộc đàn áp [13] . …
(còn tiếp)
------------
· Chú thích:
[4]Phần trên chủ yếu dựa vào bài “Sự biến Ba Lan / Hungary
và chuyến đi của Lưu Thiếu Kỳ đến Liên Xô” của Shi Zhe, Bai Nian
Chao 2 (1997): 11-17. Shi Zhe là thư ký và phiên dịch tiếng Nga cho Mao
vào cuối thập niên 1940 và 1950. Ông làm phiên dịch cho phái đoàn Trung Quốc
đến Moskva hồi tháng 10-1956. Xem thêm cuốn Mao's China and the Cold War của
Jian Chen để có ghi chép chi tiết hơn về chủ đề.
[5]N. S. Khrushchev, hồi ký Khrushchev Remembers (Boston: 1970), trang 418
[6]Joseph L. Nogee và Robert H. Donaldson, Soviet Foreign
Policy Since World War II (New York: Pergamon Press, 1984), trang 219
[7]Geoffrey Swain và Nigel Swain, Eastern
Europe Since 1945, trang 71–72
[8]William E. Griffith, chủ biên, Communism in Europe: Continuity, Change, and the Sino-Soviet
Dispute, vol. 2 (Boston: MIT Press, 1966), trang 101
[10]Robert V. Daniels, chủ biên, A Documentary
History of Communism(New York: Random House, 1960), trang 346–349
[11]Imre Nagy, On Communism (New York: Praeger,
1957), trang 23
[12]Janos Radvanyi, "The Hundred Flowers Movement and the
Hungarian Revolution", trong quyển Hungary and
Superpowers (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1972), trang 23.
Bài viết này ban đầu in trong tạp chí China Quarterly 43 (tháng Bảy
– Chín 1970): 121-129, dưới nhan đề "The Hungarian Revolution and the
Hundred Flowers Campaign", nhưng trước khi đưa vào sách, tác giả có bổ
sung và sửa chữa. Tác giả là một viên chức ngoại giao cao cấp tại Bộ Ngoại giao
Hungary giữa thập niên 1950 và trưởng phân ban châu Á của bộ này trong các năm
1958-1959.
[13]Ngày 1-11-1956, bình luận trên Nhân dân Nhật
báo nói quan hệ giữa các nước XHCN cần được thiết lập trên nền tảng của
“Năm nguyên tắc”. Nhưng ba ngày sau, tờ báo này lại ca ngợi việc Liên Xô dập
tắt cuộc nổi loạn của Hungary.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét