Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Giáo dục Việt Nam: Nỗi đau nhiều kiếp chưa tan

( H1 )
- Quảng Cáo -
I- Ai đề xuất tư tưởng tích hợp ?
Khi nghe tin chương trình Giáo dục Phổ thông mới đã tiến hành gộp 3 môn Vật Lý – Hóa Học – Sinh Vật vào một môn để cho một giáo viên dạy, và gộp 2 môn Lịch Sử – Địa Lý cũng vào một môn và cũng cho một giáo viên dạy, thì hồn xiêu phách lạc. Bởi đó sẽ là tai họa lớn cho nền Giáo dục Việt Nam.
Không đi vào phân tích chi tiết, xin đưa ra vắn tắt mấy lý do cơ bản sau đây:
1. Đi ngược với xu thế chuyên môn hóa
Muốn đi xa, đua tranh đỉnh cao, thì phải rất tinh nhuệ. Vì thế cần phải được chuyên luyện. Thế giới khoa học và giáo dục từ đó mà lan tỏa, đi sâu vào các vấn đề rất tinh vi. Đó là quá trình vi phân hóa của tự nhiên.
- Quảng Cáo -
Cùng là dạy môn Vật Lý với cùng nội dung mà thầy giỏi sẽ dạy tốt hơn thầy không giỏi. Cùng một con người nhưng học chuyên về Vật Lý thì sẽ có kiến thức Vật Lý tốt hơn là bắt học cùng lúc 3 môn Lý – Hóa – Sinh.

Gộp 3 môn Lý – Hóa – Sinh là đi ngược với xu thế chuyên môn hóa. Không đào tạo được giáo viên giỏi. Không cho học sinh cơ hội có thầy giỏi và đi vào chuyên sâu. Là giảm khả năng cạnh tranh việc làm của học sinh trong tương lai.
2. Hiểu không đúng bản chất của khái niệm tích hợp
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, ở miền Bắc học sinh bắt đầu được học Địa Lý vào lớp 4. Các em được làm quen với đất đai, núi sông, khí hậu, khí quyển, mặt trời, trăng, sao. Địa Lý đã là một môn tích hợp cả các khoa học trái đất, cả thiên văn học, cả vũ trụ học!
Tương tự như vậy là môn Lịch Sử. Khi học “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” là các em được học về nhân cách, về luân lý, về đạo đức. Khi học về sự thay đổi các nền văn minh, thay đổi các triều đại, là các em biết được tính quy luật của triết học. Khi đối mặt với lịch sử các dân tộc khác là các em biết về tiến trình văn mình của loài người, là biết về chủng tộc, biết về xã hội học. Lịch Sử đã là một môn vô cùng phức hợp!
Nay lại có người muốn gộp Địa Lý – Lịch Sử vào một môn thì thật điên rồ.
3. Không đủ năng lực để dạy
Muốn dạy được 3 môn Lý – Hóa – Sinh ở phổ thông thì phải là thầy rất giỏi. Một lớp trung bình có 40 học sinh, có được mấy em học giỏi cả 3 môn Lý – Hóa – Sinh? Nếu không có các em học sinh học giỏi cả 3 môn Lý – Hóa – Sinh thì lấy đâu ra thầy giỏi cho 3 môn đó? Chưa nói là tất cả các em học sinh học giỏi cả 3 môn Lý – Hóa – Sinh sẽ đi theo nghề sư phạm.
Thế mà chương trình cải cách dự kiến trong vòng 3,4 năm tới đào tạo lại các giáo viên về Sinh Vật, ra trường đã hàng chục năm, đi học Vật Lý và Hóa Học để dạy 3 môn Lý – Hóa – Sinh!

H2

( h2 ) GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.
Xin hỏi ông Nguyễn Minh Thuyết, khoác hàm giáo sư, lại là tổng chỉ huy chương trình cải cách giáo dục phổ thông, rằng ông có dạy được Lý – Hóa – Sinh ở phổ thông không?
Câu trả lời dứt khoát là: KHÔNG.
Ông Thuyết có đi học được Vật Lý, Hóa Học, Sinh Vật sau mấy tín chỉ để dạy Lý – Hóa – Sinh không?
Câu trả lời dứt khoát là: KHÔNG.
Một ông tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, khoác hàm giáo sư, mà còn không đào tạo lại được thì đào tạo lại ai? Thật hoang đường.
Nếu Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai chương trình tích hợp, đào tạo lại các giáo viên qua các tín chỉ, thì ở cái thời này, trừ những người tự bỏ cuộc, còn tất cả đều qua, đều có tín chỉ thật. Chỉ có chất lượng giảng dạy là không thật.
Có người sẽ biện hộ, rằng đây là Lý – Hóa – Sinh cho trung học cơ sở, chứ không phải ở trung học phổ thông, nên giáo viên chỉ cần trình độ thấp hơn.
Muốn tiến xa, muốn đua tranh đỉnh cao, thì phải học với thầy giỏi từ đầu! Mà thời đại ngày nay là đua tranh quốc tế.
Cùng là thái thịt, nhưng dao cùn, dao sắc, dao rất sắc, sẽ cho kết quả rất khác nhau.
II. Bản chất của chương trình mới
Là dạy cái gì và dạy như thế nào, ai học điều gì và ai không học điều gì, học ở đâu và học lúc nào, ứng dụng ở đâu và vận dung như thế nào… chứ không phải là gộp các môn lại.
Chẳng hạn như môn Toán, không thể đưa ra toàn diện vấn đề ở đây trong bài viết ngắn gọn này, nhưng có thể nêu ra mấy nhân tố cấp 1 cơ bản sau đây ảnh hưởng đến việc xây dựng chương trình: 1) Theo mức độ cần thiết của các em học sinh cho sự nghiệp sau này; 2) Không phải bắt mọi người đều học như nhau, thi như nhau; 3) Theo tiến bộ công nghệ; 4) Theo mức độ ứng dụng trong cuộc sống; 5) Mặt bằng chung của thế giới.
Cải cách chương trình giáo dục là chú trọng vào nội dung từng môn. Các môn học đã được phân hóa trong quá trình phát triển chọn lọc của nhân loại, chứ không phải là các tỉnh, mà thích thì tách không thích thì gộp.
III. Thiếu các chương trình cạnh tranh
Trong bài “ Chương trình giáo dục phổ thông – Thư ngỏ gửi phó thủ tướng Vũ Đức Đam“ đã đề cập:
“Giáo Dục là Quốc gia Đại sự. Thêm một Hội Đồng xây dựng Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông sẽ mang lại cho Giáo Dục Việt Nam thêm hơn nửa bầu trời.”
Tiếc thay, ở nước ta thì việc bổ nhiệm bộ trưởng cũng độc quyền, chương trình giáo dục phổ thông cũng độc quyền. Và đó là tai họa cho nền giáo dục nước nhà.
Giáo dục Việt Nam rất cần các chương trình khác không phải do ông Nguyễn Minh Thuyết là tổng chỉ huy, để cạnh tranh, để chọn lọc.
Khoa học và Giáo dục rất khác với lãnh đạo đường lối. Muốn làm tổng chỉ huy chương trình Cải cách Giáo dục Phổ thông thì không chỉ am hiểu Giáo dục Phổ thông mà cần có kiến thức chuyên sâu để ngồi vào các hội đồng biên soạn tất cả các môn học để tranh luận và đề xuất. Phải dạy giỏi được hầu hết các môn học ở Phổ thông. Ông Nguyễn Minh Thuyết không làm được điều đó. Ông Nguyễn Minh Thuyết không phải là lựa chọn tốt cho vị trí tổng chỉ huy Chương trình Cải cách Giáo dục Phổ thông.
IV. Nguyên nhân số 1: Bộ trưởng

H 3

( h3 ) Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ
Nguyên nhân số 1 là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có một ông bộ trưởng giỏi thì Giáo dục đi lên. Gặp một ông bộ trưởng kém thì Giáo dục đi xuống.
Cay đắng thay, thực tế của Việt Nam cho thấy, từ thời GS Tạ Quang Bửu đến nay, thì ông bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đời sau kém hơn đời trước. Nền Giáo dục Việt Nam vì thế tụt dốc không ngừng.
V. Nguyên nhân thống soái: Độc quyền
Đẻ ra nguyên nhân số 1 là nguyên nhân thống soái ĐỘC QUYỀN. Độc quyền lãnh đạo. Độc quyền bổ nhiệm bộ trưởng. Độc quyền bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Độc quyền chương trình. Độc quyền viết sách. Độc quyền xuất bản sách. Độc quyền bán sách. Độc quyền dự án. Độc quyền cấp kinh phí. Độc quyền mua thiết bị… Độc quyền mẹ đẻ độc quyền con, nối đuôi nhau chặn hết đường của tự do phát triển, tự do cạnh tranh, tự do tỏa sáng.
VI. Lời giải
Giáo dục Việt Nam đang đối mặt với bao nhiêu vấn đề: Không có học sinh giỏi theo học ngành sư phạm; Học xong không có việc làm (đốt cả bằng tốt nghiệp); Lương giáo viên thấp; Chương trình giáo dục lạc hậu; Hệ thống thi cử không phù hợp; Bằng giả, học giả; Học thuê, viết thuê; Đạo đức một bộ phận giáo viên và học sinh xuống cấp; Dạy thêm học thêm; Tham nhũng; Cửa quyền… Vấn đề nào cũng trầm trọng. Vấn đề nào cũng cần phải giải quyết gấp.
Không thể giải quyết đồng loạt hết tất cả các vấn đề một lần. Cũng không thể chờ tuần tự giải quyết từng việc một. Phải biết lựa chọn nhóm vấn đề với thứ tự ưu triên để mà tác nghiệp. Tuy phức tạp như một rừng cây, nhưng lời giải cho bài toán Giáo dục Việt Nam lại rất rõ ràng.
Có thể thấy rằng, từ các nguyên nhân nêu ra ở trên, thì mọi vấn đề sẽ dồn về nguyên nhân số 1 và nguyên nhân thống soái.
Giải quyết nguyên nhân số 1 là giải quyết bài toán cục bộ. Giải quyết nguyên nhân thống soái là giải quyết bài toán toàn cục. Cho nên, muốn giải quyết triệt để vấn đề Giáo dục Việt Nam thì phải phá bỏ độc quyền. Muốn cải thiện giáo dục Việt Nam thì phải chọn được bộ trưởng giỏi. Đó là những điều cốt lõi.
VII. Thực tế chua chát
Hôm qua nhập VNEN của Colombia. Hôm nay nhập sách giáo khoa của Phần Lan. Ngày mai tích hợp … “ Thầy bói xem voi”.
Nền Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tuột dốc với các ông giáo sư thầy bói xem voi và các ông bộ trưởng đẽo cày giữa đường.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét