( Em mạn phép anh Chu Hảo và bạn Chu Quang Bình).
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Kính gởi: BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM,
Kính thưa các đồng chí,
Tôi là CHU ĐÌNH XƯƠNG, 70 tuổi, đảng viên kỳ cựu của Đảng ta, về mặt công chức Nhà nước thì đã hưu trí, nhưng về mặt trách nhiệm đảng viên thì không thể hưu trí được, nhất là trước tình trạng khó khăn và bê bối của đất nước hiện nay.
Mới đây, tôi được đọc bài phát biểu ý kiến của đ/c PHẠM HÙNG trước hội nghị tư pháp toàn quốc đăng trên báo Saigon Giải Phóng ngày 15/01/1983, một câu trong đó đã làm tôi quá đau xót, đau xót bến mức mất ăn mất ngủ: “Như các Nghị quyết số 128 và 188 của Hội đồng Bộ trưởng đã nêu lên, tệ tham ô lãng phí trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa còn nghiêm trọng ở hầu hết các ngành, các cấp”.
Trời đất ơi? Nhà nước của chúng ta lại bất lực đến thế kia ư?
Một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng trực tiếp làm công tác chuyên chính đàn áp mà phải công bố công khai điều đó trên mặt báo chí, là đúng hay là sai, đã làm tôi rất băn khoăn.
Nhưng điều làm tôi khắc khoải hơn cả là nguyên nhân của tình hình nghiệm trọng trên là đâu? Gần một tháng nay tôi lo âu suy nghĩ, sưu tầm và chủ quan thấy rằng mình đã tìm ra nguyên nhân chính xác:
Thủ phạm chính là MAO TRẠCH ĐÔNG và chủ nghĩa MAO.
Tôi xin phép được trình bày ý kiến của mình lên Trung Ương xem xét.
Kinh thân,
Ký tên CHU ĐÌNH XƯƠNG
31 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội (tháng 2 năm 1983)
BÀN TAY NHAM HIỂM VÀ TÀN BẠO CỦA MAO TRẠCH ĐÔNG ĐÃ THÒ SANG VIỆT NAM CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?
I. BẢN CHẤT MAO TRẠCH ĐÔNG
1. Về bản chất của Mao Trạch Đông thì thế giới đã bàn nhiều, rất nhiều rồi và cũng đi đến nhất trí tóm tắt như sau:
a) Mục đích, ý đồ, tham vọng của Mao là: làm bá chủ trước hết ở Trung Quốc, rồi đến Đông Nam Á, rồi ra cả thế giới, ngày nay Đặng Tiểu Bình vẫn đang tiếp tục thực hiện mục đích ấy. Trung quốc tuy rất nghèo, nợ nần quốc tế khá lớn, nhưng vẫn bỏ tiền bỏ của ra nhiều khu vực trên thế giới để phá hoại phong trào cách mạng.
b) Phương tiện, thủ đoạn của y là:
Xảo quyệt, đâm bị thóc chọc bị gạo, gây mâu thuẫn thường xuyên. “Toạ sơn quan hổ đấu, về quan hệ quốc tế Mao không thật thà tử tế với một nước nào. Về quan hệ cá nhân, Mao không tử tế, thật thà với một ai, thực sự y không có đồng chí, không có bạn.
2. Một vài sự kiện sau đây cũng đã chứng minh:
a) Năm 1930, tập thể tỉnh ủy Thiểm Tây đã ra một văn bản lên án Mao, theo đó y chỉ đáng khai trừ khỏi Đảng và xử tử, ấy thế mà hầu những năm 1945 y đã nghiễm nhiên là lãnh tụ số 1 của Đảng,
b) Y đã bí mật thủ tiêu chính con trai của y là Mao Ngạc Anh.
c) Cuối năm 1949 sau khi Cách mạng Trung quốc thành công, khi cử một số đông cán bộ sang giúp bổ Việt Nam (Đoàn cố vấn) y đã căn dặn bọn này:
“Trước đây giai cấp phong kiến Trung quốc, tổ tiên của chúng ta khi xâm lược Việt Nam, đã vơ vét biết bao của cải châu báu của nhân dân Việt Nam anh em, thâm chí bắt đúc cả người bằng vàng để cống nạp, ngày nay, các đồng chí sang Việt Nam cụ thể là để trả những món nợ ấy”.
Ôi! quân tử biết bao! Cao cả biết bao! Ấy thế mà trong những năm 1960 – 1965 đội quân công binh Trung quốc sang Việt Nam xây dựng giúp một số con đường hữu nghị, và đã có số hy sinh trên đất Việt Nam, rải rác đây đó, có một số nghĩa trang, ngay sau khi Trung quốc đã xâm lược ta, nhân dân Việt Nam vẫn trân trọng linh hồn của những người “bạn” đã “hy sinh” xương máu cho Việt Nam, vẫn thường xuyên hương khói, tảo mộ.
Đến năm 1979, vì cần thiết phải dời các nghĩa trang này ở Hoàng Liên Sơn để xây dựng công trình thì: thật “khủng khiếp” , khi đào các ngôi mộ lên, hoàn toàn không có một nắm xương nào, mà toàn là vũ khí, bảo quản rất chu đáo. Chỉ riêng dọc quốc lộ 11 đã có đến 20 nghĩa trang kiểu không xương toàn súng này.
d) Mao không hề bước chân ra khỏi đất Trung quốc, mà trong những năm 1960, y đã chia đôi được một số đảng cộng sản trên thế giới, gây cho chính những người cộng sản thù địch lẫn nhau.
3. Căm thù sâu sắc Mao và chủ nghĩa Mao, những người cộng sản Việt Nam đã phát hiện thêm ở Mao một vài điểm không kém phần cơ bản:
a) Mao ba vận dụng các “Mâu thuẫn luận” của y theo kiểu nào đó, y đã tự đặt cho y có hai loại kẻ thù:
i. Kẻ thù bên ngoài bao gồm: địa chủ phong kiến, tư sản, quốc dân đảng, Tưởng giới Thạch, Đế quốc Mỹ, phát xít Nhật và … Liên Xô.
ii. Kẻ thù bên trong là đồng chí của y, cũng chia làm 2 loại : một là những người kiên định lập trường quốc tế vô sản hoàn toàn coi Liên Xô là trụ cột, là chỗ dựa vững chắc của cách mạng thế giới nhất là của Trung quốc, hai là những người tuy cùng chí hướng bành trướng, bá quyền đại hán với y, nhưng lại có điểm bất đồng với y, chống đối y.
b) Điểm này khi đặc biệt: Suốt đời y, y không lo đánh kẻ thù bên ngoài, mà gạt cho người khác đánh, ví dụ: Trong những năm 1940-45, y đã án binh bất động, không đánh quốc dân đảng, không đánh Nhật để cho 2 kẻ thù đánh nhau, đồng thời gạt cho Liên Xô đánh Nhật, với ý thức rõ ràng là Liên Xô cũng là thù. Còn suốt đời y, y chỉ lo diệt đồng chí của y, cả hai loại đồng chí trên, diệt cho đến người bạn chiến đấu thân thiết nhất của y [người], thì y cũng chết theo sau đó. Nếu tính từ Vũ Phù Tiên, Vu Tuấn Nghĩa đến Vạn Lý Trường Chinh, đến Chỉnh Phong Diên An, đến Tam phản, Ngũ phản, đến Cách mạng Văn hóa v.v… thì bàn tay Mao Trạch Đông đã giết hàng chục triệu đồng chí của mình. Cái chết của Lưu Thiếu Kỳ mới tàn bạo làm sao, mới thê thảm làm sao! Phải nhắc lại ở đây y đã giết chính cả con trai của y Mao Ngạc Anh. Cái nham hiểm, cái xảo quyệt của y là: nói chung y đã dùng tay đồng chí nọ giết đồng chí kia, Y đã đi từ một tên tội phạm lên đến Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước bằng con đường nà Y đã dùng xác đồng chí của mình lót đường để leo lên đài bá chủ.
II. MAO TRẠCH ĐÔNG ĐÃ LÀM GÌ ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
(1) Mục đích và ý đồ của Mao như y thường nói ra miệng, cũng như học sinh phổ thông Trung Quốc vẫn học địa lý là Việt Nam là đất của Trung quốc, vậy Mao phải trở nên Bá chủ Việt Nam để từ đó tiến lên làm bá chủ Đông Nam Á, Muốn thôn tính Việt Nam thì kẻ thù của y là ai? Ai là người cản trở không cho y làm nổi việc này? Và y đã thấy đó là toàn bộ đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, vì Đảng này đã kiên định trên lập trường quốc tế vô sản, coi Liên Xô là người dẫn đường, là chỗ dựa vững chắc của cách mạng Việt Nam, như “Đường cách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng như Luận Cương chính trị của đ/c Trần Phủ đã nêu.
(2) Muốn thôn tính Việt Nam, muốn là bá chủ cả Việt Nam, Mao Trạch Đông nhận thấy trước hết là phải tiêu diệt Đảng Cộng Sản Đông Dương, Để đạt mục tiêu này, y sẽ có cả một kế hoạch gồm 4 bước, rất xảo quyệt, rất tinh vi, rất độc ác, như sau:
BƯỚC MỘT: Làm cho những người Cộng sản Việt Nam chấp nhận một cách tự giác tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam của mọi hoạt động của Đảng (Điều lệ Đảng của Đại hội II năm 1951).
Không thể ngẫu nhiên mà những người cộng sản Việt Nam chấp nhận điểm này một cách êm thấm, không một lời phản ứng. Muốn đạt điểm này, y đã phải gia công chuẩn bị trong hơn 4 năm, y đã cử cán bộ đắc lực của y luồn vào Đảng ta để truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông. Một khối tài liệu đồ sộ Chỉnh phong đích văn kiện đã thâm nhập vào Việt Nam tháng 12-1946, rồi từ 1947, 1948 trở đi toàn Đảng ta học tập chỉnh phong, ở Việt Bắc, Lý Ban là người giảng những bài đầu tiên, khẩu hiệu “chính trị là thống soái, tư tưởng đi hàng đầu”, trí thức không bằng cục phân đã thấm sâu vào từng đảng viên trung cao cấp. Toàn Đảng đã coi Mao Trạch Đông như thần thánh. Trong dân gian đã phố biến danh xưng “BÁC MAO” với ý thức là Bác MAO còn vĩ đại hơn Bác HỒ. Từng người cộng sản Việt Nam không được phép quên rằng trong Đại hội II năm 1951, có Hoàng Văn Hoan, có Lý Ban (và vân vân…?) có La Quý Ba ngồi chủ tịch Đoàn, có Đoàn cố vấn Trung Quốc nằm bên cạnh.
Đạt được bước một này là Mao Trạch Đông đã giành được thắng lợi cơ bản trong âm mưu thôn tính Việt Nam. Qua được bước một này, gần như Mao muốn làm gì cũng được.
BƯỚC HAI: Là bước chỉnh huấn, chỉnh đảng bắt đầu từ 1952 trở đi, kéo dài cho đến đầu những năm 60. Nhưng quan trọng hơn cả, cơ bản hơn cả là mấy khóa chỉnh đảng Trung ương 1, 2, 3 , v.v,.. mà học viên là toàn là đảng viên trung cao cấp, tiến hành trong 2 năm 1952-1953.
Yêu cầu của chỉnh huấn, chỉnh đảng là khẳng định lập trường quan điểm cách mạng của đảng viên để quyết chiến thắng quân thù. Muốn diệt được kẻ thù bên ngoài thì trước hết phải diệt được kẻ thù ẩn nấp chính trong bản thân từng đảng viên. Phương châm của chỉnh huấn là trị bệnh cứu người, muốn trị được bệnh thì từng đảng viên phải tự vạch ra chỗ yếu, chỗ nào có bệnh hoạn, không và chỉ ra chỗ khoẻ mạnh làm gi, do đó chỉ được nói khuyết điểm, không được nói ưu điểm. Kèm theo phương châm: Người nói không có tội, người nghe phải răn mình, nghĩa là người mới có quyền đao to búa lớn, sỉ vả đồng chí, nếu ai dại dột phản ứng lại sẽ được trả lời ngay là: Đây là tôi đang cứu đồng chí đấy. Chúng ta không được quên rằng: suốt mấy khóa chỉnh Đảng T.Ư. cả một đoàn cố vấn của Mao Trạch Đông đã giám sát chặt chẽ chúng ta. Thực chất là bọn chúng đã chỉ đạo chinh huấn. Trong quá trình chỉnh huấn, chỉnh đảng, vì thực hiện phương châm trị bệnh cứu người nên không ai được nêu ưu điểm của mình, mà chỉ lo sao tìm cho ra khuyết điểm, cố moi móc cho ra khuyết điểm, thậm chí muốn tỏ ra mình là “thành khẩn” nhiều đồng chí đã bịa ra, cố nặn ra khuyết điểm giả tạo. Nếu bị phê là thiếu “thành khẩn” thì cảm thấy như minh phạm trọng tội. Kết quả thực sự của chỉnh huấn là tất cả đảng viên trung cao cấp của Đảng tự thấy mình chỉ còn là cái giẻ rách, không còn là người nữa. Rời lớp chỉnh đảng ra về ai cũng thấy bàng hoàng tê tái, hoang mang, và tự hỏi: Mình là cái gì đây? Và chỉ còn một nếp suy nghĩ duy nhất là phục tùng Trung ương, Trung ương là rất sáng suốt, là tuyệt đối đúng. Thái độ của mỗi người chỉ còn biết là Tuyệt đối phục tùng Trung ương.
Điều gian xảo của Mao Trạch Đông ở đây là: Khi tiến hành chỉnh phong Diên An những năm 40 là thực thi ngay trong hàng ngũ Trung ương ủy viên, vì yêu cầu của Mao lúc này là phải hạ thủ những Trung ương ủy viên kiên định lớp trường quốc tế cộng sản, lấy Liên Xô làm cột trụ, đứng đầu nhóm này là đ/c Vương Minh và y đã thành công mỹ mãn.
Nhưng chỉnh đảng Việt Nam đã tiến hành sau Đại hội II của Đảng, nghĩa là một số đồng ủy viên Trung ương đã tuyệt đối tin tưởng ở Mao Trạch Đông, đã lấy tư tưởng của Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Vậy thì phải bảo vệ Trung ương để làm thần tượng, buộc toàn Đảng phải tin theo. Vì nếu Trung ương ủy viên cũng cùng chỉnh đảng với anh em cán bộ, cũng chỉ được nêu khuyết điểm, không được nêu ưu điểm, rồi anh em cũng phê phán đao to búa lớn. “Trị bệnh cứu người, thì còn đâu là uy tín để lãnh đạo. Đó là thực chất yêu cầu của bước hai.
Từ đó trở đi, mọi đảng viên lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi bị phê bình là mất lập trường, là quan điểm mơ hồ. Một số đồng [chí] do đó đã sa vào cơ hội chủ nghĩa, thấy sự thật hiển nhiên cũng không dám há miệng.
BƯỚC BA là tiến hành cải cách ruộng đất. Yêu cầu của Mao trong bước 3 này là diệt cơ sở Đảng Cộng sản Đông dương để xây dựng một cơ sở Đảng theo tinh thần mới, bao gồm những đảng viên kết nạp trong cải cách ruộng đất. Các cố vấn Trung Quốc đã trực tiếp chỉ đạo bước này, không có Đoàn ủy nào, không có 1 số cố vấn ở bên cạnh để chỉ đạo. Đầu tiên là chỉ đạo thí điểm cải cách ruộng đất ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ (Miền Bắc Thái Nguyên, căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến).
Hàng mấy ngàn đảng viên Trung cao cấp đã tập trung về đầy để học tập tổng kết thí điểm. Cuộc tổng kết này đã rút ra một kết luận như sau: Tất cả chi bộ nông thôn đều là chi bộ của địch. Hàng ngàn đảng viên đã ‘chấp nhận’ kết luận này, khi đeo ba lô lên vai để triển khai CCRĐ đợt một, về đến xã, mọi người đều hoang mang sợ sệt, gặp nông dân không dám hỏi chuyện vì không biết ai là địch ai là ta – trong lúc cách mạng Việt Nam đi gần bến thắng lợi: chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày chiến thắng đã xảy đến trước khi hoàn thành cải cách ruộng đất đợt 1.
– Tại sao từ 6 xã ở Đại Từ, Miền Bắc Thái Nguyên lại có được kết luận này? Chỉ có thể là nó từ Bắc Kinh luồn sang, thông qua Đoàn cố vấn của Mao Trạch Đông.
– Tại sao hàng ngàn đảng viên Trung cao cấp học tập tổng kết và chấp nhận cái nhận định: Tất cả chi bộ nông thôn đều là chi bộ của địch (kể từ mũi Cà Mau trở ra), chỉ vỉ số đảng viên Trung cao cấp đã trải qua các khóa học tập chỉnh đảng, tự thấy mình không bằng cái giẻ rách, không còn ra người nữa, vậy thì Trung Ương bảo gì nghe nấy. Nếu không có bước hai thi không có bước này. Cái nhận định: Tất cả chi bộ nông thôn đều là chi bộ của địch đã có ý nghĩa gì?
Một là: Đảng ta chỉ còn có T.Ư. ủy viên và tỉnh ủy viên nói chung, để chủ yếu là lãnh đạo địch.
Hai là: các cấp ủy trên của Đảng đều do địch bầu ra. Và nó đã đem lại kết quả như thế nào?
a) Ba vạn đảng viên cơ sở bị bắn.
b) Ba vạn đảng viên tự sát.
c) Từ 3 đến 4 vạn vừa người lớn vừa trẻ con chết đói.
d) Xô Viết Nghệ Tĩnh là một thành tích vang dội thế giới của Đảng Cộng Sản Đông dương, Đảng thành lập vừa xong đã lập ngay được chính quyền Xô Viết đầu tiên ở Châu Á! mà bị ban lãnh đạo cải cách ruộng đất ở Liên khu 4 kết tội là: Xô Viết Nghệ Tĩnh là do bọn phản động nguỵ tạo nên, cán bộ đảng viên Xô Viết Nghệ Tĩnh bị tàn sát gần hết.
e) Khối đại đoàn kết do Hồ Chủ Tịch vun đắp trong bao nhiêu năm đã bị đập nát.
g) Nông thôn Việt Nam trở nên xơ xác về tình cảm giữa người với người, về chính trị, về kinh tế, về xã hội và văn hóa vv…
Một dẫn chứng: Hà Tĩnh có 210 bí thư chi bộ thì 200 bị bắn, còn sót 10 người ở miền núi vì ở đây chưa tiến hành cải cách ruộng đất.
(Tài liệu và số liệu trên đây do đ/c Nguyễn Tạo (lúc bấy giờ làm Vụ Trưởng Vụ chấp pháp thuộc Bộ Công An cung cấp).
BƯỚC BỐN: là “Chỉnh đốn tổ chức”. Nếu bước hai là bước nô dịch hóa tư tưởng của đảng viên trung cao, thì yêu cầu của Mao ở bước 4 này là: diệt đảng viên Trung cao về thể xác.
Để đạt bước này, sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng cái nhận định:
“Tất cả chi bộ nông thôn đều là chi bộ của địch” đã được đổi là: “Tất cả chi bộ nông thôn đều do tổ chức của quốc dân đảng lồng vào“.
Tất cả đảng viên cơ sở kiên định cách mạng hoạt động suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã bị tàn sát gần hết, số còn lại đều là không có năng lực, đồng thời hoang mang sợ sệt, cộng với số đảng viên mới kết nạp trong cải cách ruộng đất tạo thành cơ sở mới của Đảng. Cái cơ sở mới này đã bị cưỡng ép phải tìm cho ra quốc dân Đảng ở địa phương mình. Phần thì non nớt, phần thì sợ sệt, phần thì không nắm được quá trình của phong trào cách mạng của địa phương, biết tìm đâu ra quốc dân đảng ở địa phương, nhưng vẫn bị bắt buộc phải tìm ra, thế rồi không địa phương nào bảo địa phương nào, địa phương nào cũng có “sáng kiến” cho những người đã thoát ly đi hoạt động là quốc dân Đảng, kết quả là một số lớn cán bộ trung cao đã được triệu từ Trung ương, từ tỉnh về để xử tội, cũng may mà mới tiến hành trong 7 tỉnh thì phát hiện ra sai lầm nên chỉ mới có chừng gần 1.000 cán bộ trung cao bị xử bắn.
Đó là kế hoạch 4 bước của Mao nhằm diệt Đảng Cộng sản Đông Dương. Cái kế hoạch mới nham hiểm và độc ác làm sao, và ta cũng phải thừa nhận là nó khoa học và thông minh làm sao? Nếu không hoàn thành bước 1 là toàn Đảng coi tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình thì không thể tiến hành bước 2 là nô dịch hoá tư tưởng đảng viên trung cao. Nếu tư tưởng đảng viên trung cao không bị nô dịch thì làm sao có thể chấp nhận cái nhận định quái gở: “Tất cả chi bộ nông thôn đều là chi bộ của địch” được, làm sao tự tay cán bộ trung cao lại đi diệt hết cơ sở của Đảng để xây dựng cơ sở mới. Chấp nhận nhận định này đã có nghĩa là phủ định Đảng cộng sản Đông Dương rồi.
Trong tủ sách nào của cán bộ, của nhân dân lại không có 1 tập thơ, trong đó có bài:
Đường sang nước bạn với những câu:
Tôi đã thấy:
Mao Trạch Đông
Dáng người cao lồng lộng
Đẹp như một ngọn cờ hồng,
Trên mặt người, mặt đất mênh mông.
Ta hãy tiếp tục tìm hiểu thêm bàn tay độc ác của Mao thò sang Việt Nam trong một vài lĩnh vực khác.
(3) Ta sẽ tiếp thu của Mao Trạch Đông các phương châm: chính trị là thống soái, tư tưởng đi hàng đầu, tri thức không bằng cục phân một cách hoàn toàn tự giác (consciemment) coi đó là chân lý và áp dụng cho đến ngày nay. Nếu nói rằng chính trị là thống soái là tất cả mọi sinh hoat chính trị kinh tế văn hóa xã hội của một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào đường lối chính trị của tập đoàn lãnh đạo quốc gia thì hoàn toàn đúng đối với bất cứ khu vực nào, nước nào tồn tại trên thế giới này. Ở Việt Nam ta, đường lối chính trị của lãnh đạo đã ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân một như thế nào, điều ấy ai chẳng thấy rõ.
Nhưng Việt Nam ta đã áp dụng phương châm “chinh trị là thống soái” ở một góc độ khác, hoàn toàn xa lạ với học thuyết Mác Lênin. Đó là thành phần chủ nghĩa. Ta đã coi những người thuộc thành phần cơ bản bao gồm công nhân, bần cố nông, dân nghèo thành thị bao giờ lập trường tư tưởng chính trị cũng vững vàng, cũng tốt (nhưng tiếc thay giai cấp công nhân Việt Nam lại chưa thành thục vì chưa có đại công nghiệp, mới thoát thân từ nông thôn, còn đang ở trình độ thợ thủ công).
Với nhận định trên nên trong cải cách ruộng đất ta đã chỉ kết nạp có bần cố nông nghĩa là những người mới thoát nên mù chữ, thậm chí còn noi gương điển hình KHẨU TÚ CẦN của Trung quốc, nhiều đội cải cách đã chỉ nhằm những cố nông ngớ ngẩn đần độn để kết nạp. Trong các cơ quan dân chính đảng cũng chỉ nhằm những người dốt nhất về kết nạp vào Đảng, giám mã, cấp dưỡng, liên lạc, bảo vệ, công nhân sửa chữa và vv… Một người trí thức được kết nạp vào Đảng thì thật là sỏi vẩy. Một người có học vị đại học tham gia cách mạng từ 1945, kết nạp vào đảng từ 1946 hoạt động liên tục cho đến nay mà không bao giờ được liệt vào hàng ngũ cán bộ chính trị vì không được vững vàng, nếu cũng người có quá trình hoạt động lâu như vậy mà trình độ văn hóa kém thì đã nghiễm nhiên là cán bộ chính trị, được tham gia cấp ủy lãnh đạo từ lâu rồi.
Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Các Mác và Angels dạy rằng: “về thực tiễn những người cộng sản là bộ phận tiên tiến nhất của các đảng công nhân ở tất cả các nước, về lý luận họ có ưu thế hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ có một nhận thức sáng suốt về điều kiện, về bước tiến và kết quả chung của phong trào vô sản”.
Còn Lênin thì dạy rằng:
“Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản sau khi đã làm giàu trí nhớ của mình bằng tổng số tri thức mà loài người đã xây dựng nên”.
Các bậc thầy của chủ nghĩa cộng sản đã dạy chúng ta như thế đấy, là người cộng sản phải có trình độ đại học là ít nhất. Ta hãy kiểm điểm lại hàng ngũ của ta, chưa kể đến đảng viên nói chung, ngay trong các cấp ủy Tỉnh và Trung ương, hãy hỏi được bao nhiêu người tốt nghiệp đại học, phó tiến sĩ, tiến sĩ mà phần lớn là con em công nông, con em cán bộ sinh ra trong chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Câu nói cửa miệng phổ biến trong hàng ngũ cán bộ, từ bao năm nay là: Cơ quan nào cũng nát, nó nát bởi vì nó dốt. Nát tới mức: “tệ tham ô, lãng phí trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa còn nghiêm trọng ở hầu hết các ngành, các cấp” đến nỗi Nhà nước phải công khai công bố trên báo chí thì thật là khủng khiếp.
Ta phải nghiêm khắc mà nhận thức đầy đủ rằng tình hình DỐT NÁT này đã tai hại cho cách mạng Việt Nam biết bao nhiêu! đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân tới chừng nào?
Mao Trạch Đông đã luồn cái khẩu hiệu chính trị là thống soái vào trong đảng ta, để chống lại học thuyết Mác Lênin, để phá hoại đảng ta như thế đấy. Nó đã tác hại, đang tác hại và còn tiếp tục tác hại không biết đến bao giờ! Các đồng chí ơi! Mau mau có biện pháp cấp cứu để ta thoát khỏi cái vòng vây quỷ quyệt này của Mao Trạch Đông đi!
(4) Cái kim chỉ nam Mao đã làm gì với với hoạt động kinh tế Việt Nam?
Nếu ta đọc bài: “Uốn nắn lại tư tưởng chỉ đạo công tác kinh tế” của Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh số ra ngày 9/4/81 do bản tin tài liệu tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã đăng tải lại ngày 9/6/81, thì ta thấy rằng, gần như Trung Quốc làm thế nào ta làm đúng như thế ấy. Xin trích dẫn 1 vài đoạn:
– … “Không căn cứ vào điều kiện khách quan, làm trái quy luật khách quan, coi ảo tưởng thành chân lý, làm việc theo ý muốn chủ quan hoặc đem những việc có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai cố gắng ghép vào hiện tại để làm”.
– …”Hình như chỉ có làm cho quan hệ sản xuất biến đổi không ngừng, mới có thể thúc đẩy sức sản xuất phát triển không ngừng. Hơn nữa sự biến đổi này của quan hệ sản xuất lại có thể thoát ly khỏi trình độ hiện có của sức sản xuất, nó hoàn toàn do ý muốn chủ quan của con người định đọat”.
– …”Chúng ta đã hơi nóng vội trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Trong quá trình đưa hợp tác xã bậc thấp, quá độ lên hợp tác xã bậc cao chúng ta đã bước những bước hơi dài một chút. Khi hợp tác xã bậc thấp còn chưa được thành lập một cách phổ biến chúng ta đã vội đưa lên hợp tác xã bậc cao một cách toàn diện”.
– …”Không phải chỉ quan hệ sản xuất lạc hậu 1 cách nghiêm trọng so với tình trạng của sức sản xuất mới làm cho sức sản xuất bị phá hoại mà quan hệ sản xuất chạy vượt lên trước sức sản xuất thì cũng sẽ làm cho sức sản xuất bị phá họai”.
-… Sai lầm đã có biểu hiện chủ yếu là chỉ tiêu cao, tích lũy nhiều, hiệu quả thấp, tiêu dùng ít, là coi trọng tốc độ, xem nhẹ tỷ lệ cân đối, là coi trọng xây dựng cơ bản, xem nhẹ sản xuất, là coi trọng sản xuất, xem nhẹ đời sống, là coi trọng sản xuất, là coi thường lưu thông phân phối v.v…
… “Qui mô nhập khẩu thiết bị toàn bộ của nước ngoài quá lớn. Theo kinh nghiệm quốc tế một nước nhập vốn nước ngoài nhiều hay ít là phải theo một tỷ lệ nhất định với tình hình xuất khẩu thu nhập ngoại tệ của nước đó ít hay nhiều, nếu vượt quá tỷ lệ bình thường thì sẽ xảy ra tình trạng hoặc là không vay được, hoặc là vay được thì sẽ không trả nợ đúng kỳ hạn được… Mặt khác, khi nhập thiết bị toàn bộ này, chúng ta lại chẳng nghiên cứu xem xét một cách toàn diện khả năng lắp ráp ở trong nước. Theo tính toán muốn hoàn thành việc xây dựng các công trình này, chúng ta còn phải bỏ ra một khoản đầu tư xây dựng lắp đặt đồng bộ… tốn gấp nhiều lần tổng số tiền nhập khẩu các công trình đó… khả năng tài chính vật lực của ta hiện nay không thể đảm đương nổi… chưa so sánh đối chiếu đầy đủ về hình thức lợi dụng tiền vốn nước ngoài và cái giá mà chúng ta phải trả, chúng ta chưa tính toán toàn diện thiệt hơn về việc này”, v,v…
Cứ xem đầy đủ rõ chính ngay kế hoạch 5 năm vừa qua ta đã làm nhiều việc đúng như Trung Quốc đã làm, tuy Mao Trạch Đông đã chết rồi.
(5) Hai việc mà chúng ta cần ghi nhớ đời đời để đời đời căm thù Mao Trạch Đông nó đã lấy danh nghĩa giúp đỡ ta tận tình để phá họai kinh tế của ta cũng tận tình:
Một là: Ta yêu cầu Liên Xô giúp ta làm gang thép Thái Nguyên. Liên Xô nêu ý kiến: “chúng tôi không tin vào số liệu điều tra cơ bản của Pháp, Nhật. Chúng tôi đề nghị chúng tôi qua Việt Nam cùng các đồng chí điều tra cơ bản lại, đồng thời các đồng chí cử cán bộ sang đây học tập kỹ thuật làm gang thép, sau đó hãy tiến hành làm”.
Ta không nghe – Ta nhờ Mao Trạch Đông làm giúp. Thực tế là không có trữ lượng mà kỹ thuật là kỹ thuật của thế kỷ 19. Kết quả là con số không. Tưởng cũng nên công bố con số thiệt hại về tài lực, vật lực và nhân lực để cho toàn dân biết mà căm thù thằng Mao.
Hai là: Mao Trạch Đông xung phong giúp ta xây dựng nhà máy phân đạm Hà Bắc.
Thực tế là: chuyên gia Trung Quốc chưa hề xây dựng nhà máy phân đạm bao giờ, đây là sản phẩm đầu tay của chúng nó. Đến nay kỹ thuật vẫn còn rất trục trặc.
Kết quả là: Nếu đem số than dùng để sản xuất ra 10 tấn phân đạm mà bán đi, thì có thể mua được 20 tấn phân đạm rồi, vẫn còn dư tiền nuôi toàn bộ nhà máy trong thời gian sản xuất ấy.
Đấy, nền công nghiệp nặng của Việt Nam bắt đầu như thế đấy.
(6) về vấn đề ta tiếp thu cái phương châm: “Tự lực Cánh sinh” của Mao.
Kinh nghiệm của thế giới cho biết rằng: Nửa cuối của thế kỷ 19 chỉ có một nước nông nghiệp lạc hậu duy nhất có thể “Tự lực cánh sinh” mà công nghiệp hóa được là Nhật Bản với những chủ trương và biện pháp khá độc đáo nhưng vẫn không tránh khỏi việc bóc lột nông dân nặng nề. Còn sang thế kỷ 20 sau Đại chiến lần thứ nhất, không có một nước nông nghiệp lạc hậu nào có thể tự lực cánh sinh mà công nghiệp hóa nền kinh tế của mình được cả, một là phải nhờ Mỹ, hai là phải nhờ Liên Xô.
Ngay như Liên Xô, sau cách mạng tháng 10 tuy đã có 1 số cơ sở công nghiệp nào đó mà Lênin vẫn phải dựa vào vốn nước ngoài bằng chính sách kinh tế mới vô cùng sáng tạo. Thế mà ở ta, đầu những năm 60 toàn Đảng đã được học tập như sau:
“Giai cấp tư sản thế giới đã bóc lột tàn tệ giai cấp nông dân để có vốn ban đầu mà tiến hành công nghiệp hóa, chúng ra đời, các lỗ chân lông đều vấy bùn và máu từ chân đến đầu, còn ta là xã hội chủ nghĩa thì không được phép bóc lột nông dân như chúng. Mà không còn con đường nào khác là “thắt lưng buộc bụng” để tích lũy.
Đến 1976, trong đại hội 4, chúng ta vẫn áp dụng phương châm “tự lực cánh sinh” của Mao một cách triệt để. Về đường lối kinh tế, Nghị quyết của Đại hội là:
“Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.”
Câu này thật là khó hiểu. Một là: với hoàn cảnh kinh tế bị tàn phá sau bao năm chiến tranh của ta nếu ta có phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ đến tột độ đi nữa cũng chưa chắc đã đủ nuôi nhau, tạo làm sao ra cơ sở để phát triển công nghiệp nặng được. Hai là; không có công nghiệp nặng thì lấy gì để phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Tự lực cánh sinh sao nổi.
Cuối năm 1978 ta ký hiệp định hữu nghị tương trợ dài hạn với Liên Xô. Đầu năm 1980, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng, đ/c Tổng Bí thư đã phát biểu:
“Nhằm xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong thời gian lịch sử tương tối ngắn, chúng ta ra sức mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ yếu với Liên Xô và Hội đồng tương trợ kinh tế, coi đó là bộ phận hợp thành của đường lối chiến lược kinh tế, chỗ dựa cực kỳ quan trọng để tạo cơ cấu kinh tế mới, biện pháp có hiệu lực để xây dựng công nghiệp và phát triển công nghiệp”.
Mọi người đã thở phào nhẹ nhõm, tưởng đâu sẽ được giải thoát hoàn toàn, và “vàng hương tống tiễn, gạo muối đưa chân” gửi trả lại cho Mao Trạch Đông và bè lũ của nó cái miếng đòn ‘tự lực cánh sinh” rồi.
Song trên thực tế dường như không hẳn như thế, cái hồn ma tự lực cánh sinh nó vẫn ngoan cố ẩn nấp đâu đấy trong chúng ta, cứ xem những lời phát biểu rất trúc trắc và đầy ẩn ý của đ/c Brơ-giơ-ni-ép thì đủ rõ.
– Tháng 6/1980 khi nhận Huân chương từ tay đ/c Tổng bí thư Lê Duẩn:
a) “Tình hữu nghị chỉ được biểu hiện qua việc làm thực tế mà giá trị của nó phải được kiểm nghiệm qua thời gian”.
– Tháng 9 năm 1981, trong buổi chiêu đãi tiễn đoàn đ/c Lê Duẩn và Tố Hữu:
b) “…Khái niệm về tình hình vừa qua, cũng như quan điểm về tình hình hiện nay, chúng ta không có gì khác nhau mà giống nhau”.
Và cụ thể hơn cả là: Đến ngày hôm nay, Liên Xô và Hội Đồng tương trợ kinh tế vẫn chưa dứt khoát về chỉ tiêu viện trợ kế hoạch 5 năm cho chúng ta, nên ta không có kế hoạch 5 năm (1981-85).
(7) Về chống chủ nghĩa xét lại hiện đại.
Trong quá trình hoạt động của mình, Đảng Cộng Sản Liên Xô chưa hề phạm sai lầm cơ hội hữu khuynh, xét lại hiện đại. Đường lối “bảo vệ hòa bình, chung sống hòa bình, hoà bình tiến lên, giữ gìn hòa bình, hoà hoãn quốc tế” vẫn hoàn toàn chính xác. Đ/c Brơ-giơ-ni-ép và Đảng cộng sản Liên Xô đã áp dụng nó một cách vô cùng sáng tạo và linh hoạt, đó là sự thực hiển nhiên, nó được toàn thể loài người tiến bộ đều hoan nghênh và thực hiện.
Đại hội lần thứ 26 của Đảng Cộng sản Liên Xô nêu rõ: “Ngày nay đối với chúng ta, nhân dân ta cũng như đối với tất cả các dân tộc trên thế giới, không có một vấn đề quốc tế nào quan trọng hơn là vấn về bảo vệ hòa bình”. Khơ-rup-sốp có phạm sai lầm, sai lầm khá nghiêm trọng, và đã bị xử lý với mức độ đúng với sai lầm của ông ta, trong đó không có sai lầm xét lại hiện đại. Còn Mao Trạch Đông thì sao? Trong hơn 10 năm từ 1949 đến 1960, y đã bám chặt lấy Liên Xô, lợi dụng Liên Xô công nghiệp hóa cho mình, y đã bắt đầu có lông có cánh, thì y bắt đầu công khai chống lại Liên Xô. Trong hội nghị 81 Đảng họp ở Mát-sxơ-va năm 1960, y đã bộc lộ đường lối bá quyền nước lớn của y, y đã thấy đường lối của hội nghị 81 Đảng là nguy hại cho mưu đồ bá chủ đại hán của y, y bèn xuyên tạc và thổi phồng những sai lầm của Khơ-rút-sốp lên. Mở một chiến dịch có tính chất quốc tế chống lại Liên Xô, quyết liệt và rầm rộ. Lớn tiếng chửi rủa Liên Xô là đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại, đã từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin, đã đưa đất nước Liên Xô đi vào con đường tư sản hóa, đã gắn cho Liên Xô cái danh hiệu Đế quốc xã hội chủ nghĩa.
Thế là lập tức ở Việt Nam cũng phát động một chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, cũng quyết liệt và rầm rộ, kéo dài gần suốt thập kỷ 60. Mao Trạch Đông nói Liên Xô là đế quốc xã hội chủ nghĩa thì ta nói Hội đồng tương trợ kinh tế là 1 tổ chức trá hình của chủ nghĩa thực dân mới, là công cụ nô dịch và bóc lột của Liên Xô đối với các nước XHCN Đông Âu. Có một điều khác với Trung Quốc là Trung Quốc thì trực tiếp công khai chống Liên Xô, còn Việt Nam thì chống chủ yếu trong nội bộ cán bộ đảng viên. Muốn chống chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam có hiệu quả, cũng cần nêu cao lên ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông”.
Bài phát biểu của đ/c Tổng bí thư trong hội nghị trung ương lần thứ 9 tháng 12 năm 1963, đã bước xuất bản thành sách bán tại các cửa hiệu sách với nhan đề: “Một vài vấn đề trong nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta”, đã có những đoạn như sau:
“Đảng cộng sản Trung Quốc đứng đầu là đ/c Mao Trạch Đông, là người đã thực hiện một cách xuất sắc nhất lời giáo huấn của Lênin vĩ đại. Sự phát triển và sáng tạo đặc sắc nhất của Đảng Cộng sản Trung quốc và đồng chí Mao Trạch Đông đối với lý luận cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác Lênin là lý luận cách mạng lấy nông dân làm quân chủ lực…………………………………đây không phải chỉ có vấn đề lực lượng cách mạng mà còn có một loạt vấn đề về đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng, …………………….. với sự thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, lý luận này đã trở thành một chân lý được kiểm nghiệm. Giá trị vĩ đại của lý luận này trước tiên là ở chỗ nó [thật] sự đưa 1/4 loài người vào con ‘đường chuyên chính vô sản.
Lý luận này không còn chỉ đóng khung trong phạm vi Trung Quốc, mà nó đã trở thành một lý luận có tính chất quốc tế và những người Cộng sản Việt Nam chúng ta, do đã học tập và vận dụng lý luận đó một cách sáng tạo nên đã đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đến thắng lợi. Nếu trước đây Lênin đã nói rằng sách lược của cách mạng Nga là một mẫu mực về sách lược cho tất cả mọi người cộng sản trên thế giới, thì ngày nay chúng ta cũng có thể nói rằng sách lược của cách mạng Trung Quốc là mẫu mực về sách lược cho nhiều người cộng sản ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, Không phải ngẫu nhiên mà Đảng Cộng sản Trung quốc là người đầu tiên sáng tạo ra lý luận cách mạng ấy”…………………………………………………………
Trong Đảng ta cũng có 1 số đồng chí chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại.
Để chống lại có hiệu quả sự xâm nhập của chủ nghĩa xét lại vào trong Đảng ta, chúng ta cần làm cho nó không còn có đất để mọc ra, bất kỳ tình hình biến chuyển như thế nào. Nó là một tai họa ghê gớm của phong trào cách mạng, vì một khi đã xâm nhập vào trong Đảng ta nó có thể đục ruỗng tinh thần cách mạng của Đảng và nhân dân ta, nó trở thành tay sai đắc lực cho giai cấp thù địch và là đồng minh khách quan của chủ nghĩa đế quốc….
Chủ nghĩa xét lại hiện đại sẽ bị đánh bại bằng cuộc đấu tranh tư tưởng của những người Macxit Lêninnit……” và thế là cuộc đấu tranh tư tưởng chống chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam đã được phát động.
Theo lời giáo huấn trên thì một số đồng chí đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại, chủ nghĩa xét lại đã xâm nhập vào Đảng ta đã đục ruỗng tinh thần cách mạng của Đảng và nhân dân ta, “chúng ta cần làm cho nó không còn có đất để mọc ra…”
Song, trên thực tế, Đảng Cộng sản Liên Xô không hề phạm sai lầm xét lại hiện đại bao giờ. Vậy 1 số đ/c ta đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại của ai? Từ đâu? Nó đã từ đâu xâm nhập vào Đảng ta để đục ruỗng tinh thần cách mạng của Đảng? Không có gốc thì làm sao có ngọn được.
Vậy mà sau mấy năm học tập đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại toàn thể cán bộ và đảng viên đã coi Liên Xô là xét lại, là xa rời chủ nghĩa quốc tế vô sản – là đi vào con đường tư sản hóa – là thực dân mới trá hình, lập ra Hội đồng tương trợ kinh tế làm công cụ bóc lột các nước XHCN ở Đông Âu – là từ bỏ đấu tranh giai cấp v…v…
Kết quả là:
– Cán bộ đảng viên nghe thấy hai tiếng Liên Xô sợ như nghe thấy hủi.
– Trẻ con gặp người Liên Xô ngoài đường cũng chửi.
– Một đ/c lãnh đạo, trên diễn đàn của rạp hát Hồng Hà, khi giảng về chống xét lại đã lớn tiếng tuyên bố rằng:
“Phụ nữ Liên Xô ngày nay sa đọa lắm rồi, nếu đồng chí nào không tin thì cứ lên đứng trước cửa sứ quán Liên Xô, thấy cô nào đèn đẹp, vẫy vẫy một cái là được ngay”.
– Một nữ bác sĩ người Pháp, công tác ở bệnh viện Việt-Xô, là vợ bác sĩ Chánh, khi đi ngoài đường đã bị một sĩ quan Việt Nam ghé vào tận tai chửi: sale soviétique (con mẹ Liên Xô bẩn thỉu).
– Gần 100 cán bộ trung cao bị tù đày lâu năm không được xét xử, hiện nay vẫn còn người chưa được tha.
– 4 Trung ương ủy viên bị khai trừ khỏi Đảng v,v.
Ở Liên Xô không hề tồn tại chủ nghĩa xét lại hiện đại, vậy tại sao lại có cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại ở Việt Nam, để làm cho nhân dân và cấp bộ Việt Nam căm ghét Liên Xô?”.
Phải chăng vì ta đã coi sách lược của cách mạng Trung Quốc là mẫu mực về sách lược cho nhiều người cộng sản ở Châu Á, Trung Quốc chống Liên Xô thì ta cũng chống Liên Xô.
III. KẾT LUẬN
Người đang viết mấy dòng này mang nặng một nỗi ưu tư từ lâu ngày, không sao tự giải tỏa được.
Từ vài chục năm nay, khi nhắc đến thiệt hại to lớn của cải cách ruộng đất ai cũng nghĩ rằng trách nhiệm ghê gớm này chỉ thuộc về 1 vài cá nhân đ/c nào đó. Theo tôi thì hoàn toàn không phải thế. Trách nhiệm này đã thuộc về toàn Đảng, nhưng như vậy cũng sai, nói vậy là oan uổng cho các đ/c ở cơ sở, nhất là các đ/c đã bị hy sinh, mà phải nói cho nghiêm khắc và chính xác rằng, trách nhiệm này trước hết thuộc về tất cả các đảng viên trung cao cấp đã học tập Tổng kết thí điểm cải cách ruộng đất ở Đại Từ rồi đi xuống xã công tác. Trong số đó có tôi.
Tôi là đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương. Bị đế quốc Pháp bắt bớ, tra tấn, và bỏ tù từ 1940 đến 1945, khi bị tra tấn đã giữ vững được khí tiết cách mạng, khi bị tù đày không hề sờn lòng, vẫn hăng hái xung phong trong mọi công tác cách mạng, đã mấy lần vào sinh ra tử, coi cái chết như sợi lông hồng. Ngày nay suy ngẫm lại cuộc đời mình, tôi tự thấy rằng: cả cuộc đời mình, chưa bao giờ tinh thần tôi lại lâng lâng sảng khoái như mấy năm hoạt động ở trong tù.
Ngày nay, ngồi viết mấy dòng này, đầu gục xuống, nước mắt lưng tròng, Đau đớn ư? Không phải, ăn năn hối hận ư? Cũng không phải.
Tôi đã có một quá trình hoạt động cách mạng đáng kể, có biết bao kinh nghiệm cách mạng, lại đồng thời cũng có một trình độ văn hóa và kiến thức không đến nỗi tồi, ở trong tù đã tham gia dạy anh em cả Pháp văn, cả Hoa văn. Tuổi đời cũng dày dạn rồi.
Ấy thế mà không hiểu tại sao hay là “gặp phải năm xui tháng hạn” chăng mà thằng Mao Trạch Đông có bảo gì nghe nấy.
Nó bảo:
Liên Xô là chủ nghĩa thực dân mới trá hình để bóc lột các nước anh em, cũng vâng.
Nó bảo:
Chính trị là thống soái, trí thức không bằng cục phân. Dạ đúng quá.
Nó bảo:
Phải tự lực cánh sinh để công nghiệp hóa thì mới không mất độc lập chủ quyền – cũng vâng, như thế mới thật sự cách mạng.
Thậm chí nó bảo:
Tất cả chi bộ ở nông thôn Việt Nam đều là chi bộ của địch mà tôi cũng chấp nhận được – Nhưng nếu chỉ chấp nhận không thôi cũng là quá xấu xa rồi. Đàng này tôi đã chấp nhận cái nhận định vừa độc ác vừa quá phi lý ấy để vác ba lô lên vai, đi xuống xã tham gia việc bắn giết đồng chí minh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mấy thằng cố vấn Trung Quốc. Đau đớn biết bao! Tủi nhục biết bao!
Tôi sống đã quá nhiều năm tháng rồi, tóc trên đầu chỉ còn có một nửa và đã bạc hết, không còn một sợi nào đen, răng long gần hết, phải dùng răng giả. Gần đất xa trời rồi, ấy thế mà kéo lê những ngày tàn để đợi chết cũng không yên, cái ác mộng cải cách ruộng đất thỉnh thoảng lại đến chụp lấy tôi để dày vò.
Mấy ngày nay, ngồi suy nghĩ viết bản đề cương này, viết xong lòng thật nhẹ nhõm, trước khi chết tôi đã vạch trần được tim đen của con quỷ sứ Mao Trạch Đông.
Tôi kêu gọi tất cả các đồng chí Đảng Cộng sản Đông Dương đã cùng tôi sống chung trong các nhà tù, đã cùng tôi đi học tập tổng kết thí điểm cải cách ruộng đất ở Đại Từ, rồi cũng đã cùng tôi trực tiếp tiến hành cải cách ruộng đất (hoặc ở các Đoàn ủy, hoặc ở các đội) và chúng ta đã hò nhau bắn giết đồng chí mình, hãy ghé vai san sẻ bớt cho tôi gánh ưu tư vừa quá nặng, vừa kinh hoàng này.
Vạch trần được ruột gan thằng Mao, đồng thời được cùng các đồng chí than thở tâm sự, trước khi từ bỏ cõi đời này lòng tôi sẽ được khuây khỏa phần nào đó.
Các đồng chí hãy cùng tôi hô lớn: Đông Dương Cộng sản Đảng bất diệt!
Tháng 02-1983
CHU ĐÌNH XƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét