Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Biển Đông và những diễn biến cần biết



Mặc Lâm, biên tập viên RFA 
17-10-2015


Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Chuẩn Đô đốc - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nhân dân Việt Nam.
Biển Đông trong những ngày này lại dậy sóng với những động thái mới của Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tuần tra trong vùng biển 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Mặc Lâm phỏng vấn Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Chuẩn Đô đốc - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nhân dân Việt Nam để tìm hiểu thêm từ một chuyên gia có thẩm quyền về vấn đề này.
Trung Quốc hoàn toàn sai trái
Mặc Lâm: Xin Thiếu tướng cho biết những hành động gần đây của Trung Quốc khi xây dựng, bồi đắp các bãi đá ngầm tại khu vực chủ quyền của Việt Nam, dưới cái nhìn của một chuyên gia hải quân ông có ý kiến gì về những việc làm này?
Tướng Lê Kế Lâm: Hành động của Trung Quốc vào năm 1988 thì họ dùng quân đội chiếm 6 bãi đá ngầm ở Trường Sa. Năm 1995, họ chiếm đảo Vành Khăn, gần Philippines hơn. Đến nay họ chiếm tất cả 7 bãi đá ngầm. Từ ngày họ chiếm cho đến năm 2014 thì họ cũng xây dựng với mức độ rất nhỏ ví dụ sự đồn trú với số quân rất nhỏ của họ ở những bãi đá ngầm đó. Nhưng từ năm 2014 đến nay, họ dùng sức vóc của họ để cải tạo những bãi đá ngầm đó thành ra 7 đảo nhân tạo lớn mà trong đó Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên họ làm thành những cái đảo có thể nói rằng là để tạo thành những căn cứ hải quân ở giữa biển Đông.
Việc làm đó của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái. Sai cả với đạo lý giữa Trung Quốc đối với Việt Nam. Sai cả đạo lý Trung Quốc phải thực hiện là một thành viên ký công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982. Họ không tuyên bố với thế giới họ làm cái gì mà họ ngang nhiên biến thành những cái đảo nhân tạo rất lớn; Vì thế cho nên đối với Việt Nam, nhân dân Việt Nam rất căm phẫn việc này. Đối với các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc cũng hết sức quan tâm vì họ sẽ thay đổi hiện trạng ở biển Đông và họ sẽ dần dần thực hiện chủ quyền mà họ đã từng tuyên bố mà không ai công nhận về đường lối mà họ chiếm hết 80% diện tích của biển Đông.
Là một người Việt Nam và là một cán bộ Hải quân đã nghỉ hưu, tôi thấy việc làm đó hoàn toàn phi đạo lý, hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế và luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Mặc Lâm: Sau khi Trung Quốc chiếm Gạc Ma, họ xây dựng những cơ sở quân sự tại Gaven và Châu Viên như chúng ta đã biết, cộng với việc Đài Loan xây dựng và củng cố thêm phi đạo cũng như cảng biến tại đây, những động thái này theo ông có đe dọa trực tiếp tới việc phòng thủ của Việt Nam hay không?
Tướng Lê Kế Lâm: Rõ ràng hiện nay do tình hình khu vực, tình hình thế giới và tình hình trong nội tình Trung Quốc nữa chưa cho phép họ làm những việc gây nên bất ổn ở biển Đông. Tuy nhiên, với tham vọng của họ, xây những bãi đá ngầm đó thành những đảo nhân tạo rồi thành những căn cứ hải quân và không quân ở trên biển thì rõ ràng nó uy hiếp đến toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Và uy hiếp cả những đảo, bãi đá ngầm mà Việt Nam đang quản lý hiện nay ở Trường Sa.

Chúng ta cũng không loại trừ âm mưu của họ giống như hai lần vào năm 1956 và tháng giêng năm 1974, họ dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà bây giờ họ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bất khả bàn cãi. Rồi đây tình hình phát triển lên thì Trường Sa họ cũng sẽ làm như vậy.
Mặc Lâm: Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công khai cho biết là hải quân Mỹ sẽ mang tàu chiến vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền,. Đây là động thái mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước tới nay, ông đánh giá thế nào về việc này?
Tướng Lê Kế Lâm: Với cá nhân tôi, tôi hoan nghênh việc làm của Hải quân Mỹ trong việc tuần tra ở biển Đông thuộc hải phận và không phận quốc tế. Việc làm này của Mỹ hoàn toàn đúng với luật biển cũng như luật pháp quốc tế. Do vậy, theo ý tôi, tôi thấy rằng Trung Quốc hiện nay chỉ còn sợ Mỹ thôi. Quan điểm của tôi, tôi nhìn thấy rõ ràng như thế. Trước kia họ sợ rồi nhưng bây giờ thực tế trên biển thì họ vẫn thừa nhận Mỹ là cường quốc số 1 trên biển cho nên họ sợ Mỹ. Nếu Mỹ có mặt ở biển Đông thì rõ ràng thành một đối trọng và làm cho họ bớt hung hăng. Theo tôi, đó là rất cần thiết và tôi hoan nghênh việc Mỹ tổ chức tuần phòng trên không, trên biển ở vùng biển quốc tế ở biển Đông.
Mỹ vào 12 hải lý TQ tuyên bố chủ quyền có cần VN cho phép?
Mặc Lâm: Trong khi đó thì báo Đất Việt được biết là ấn bản của Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam vừa cho đăng một bài viết cho rằng nếu Hoa Kỳ muốn vào khu vực 12 hải lý thì phải được sự cho phép của Việt Nam. Là một chuyên gia về hải quân ông có nhận định gì về ý kiến của bài báo này?
Tướng Lê Kế Lâm: Đây là quan điểm của người làm báo. Có thể họ chưa đọc hết và chưa hiểu hết tinh thần luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Trong luật biển năm 1982 có nói rằng việc tự do đi lại vô hại của các tàu, cả tàu quân sự cùng với máy bay là vùng tiếp giáp lãnh hải trở ra.
Tiếp giáp lãnh hải trở ra thì mọi phương tiện đều được quyền tự do đi lại vô hại. Có đi qua lãnh hải và đi vào nội thủy thì mới phải xin phép nước ven biển có chủ quyền. Nếu anh đi lại mà có hại thì lại là chuyện khác. Do đó, đối với vùng thông hải ở biển Đông, không một nước nào có quyền bắt các nước phải báo cáo hành trình của tàu mình cũng như máy bay của mình trừ khi các tàu đó, máy bay đó làm nhiệm vụ do thám và xâm phạm đến chủ quyền của đất nước ven biển. Khi đó sẽ bị các nước ven biển liên quan kiện hoặc sẽ có những thái độ chỉ rõ cho người có phương tiện do thám hay phạm pháp như buôn người, buôn ma túy. Trường hợp đó thì các nước ven biển có quyền gọi là quyền tài phán trên cái vùng đặc quyền kinh tế cũng như vùng thềm lục địa.
Mặc Lâm: Chắc Thiếu tướng cũng biết trong thời gian qua hàng loạt vụ tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam gây chết người và của cải bị xâm hại nghiêm trọng. Các vụ này xảy ra trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam nay đã bị Trung Quốc cướp mất từ năm 1974. Sự việc xảy ra nhưng không có một cơ quan hải quân, cảnh sát biển hay Kiềm ngư Việt Nam ra mặt giúp đỡ bảo vệ cho ngư dân. Có hai ý kiến cho rằng thứ nhất lực lượng của ta còn quá yếu không thể bao phủ hết một khu vực rộng lớn để kịp thời can thiệp. Thứ hai là do quan hệ hữu nghị hai bên khiến Việt Nam không dám phản ứng. Theo ông thì lý do nào ông cho là hợp lý hơn cả?
Tướng Lê Kế Lâm: Vấn đề này tôi thiên về ý kiến thứ nhất của anh. Hiện nay lực lượng hải quân của Việt Nam tuy được tăng cường nhưng mà vẫn đang là nhỏ yếu và thiếu. Kiểm ngư thì mới thành lập. Cảnh sát biển được thành lập cũng gần 20 năm nhưng phương tiện cũng hết sức thiếu thốn. Máy bay tuần thám trên biển chưa có do đó cho nên không kịp thời phát hiện để giúp đỡ ngư dân của Việt Nam và tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam an tâm làm ăn trên biển.
Với Trung Quốc, thật sự có nhiều vấn đề mà trong này nếu là những người dân Trung Quốc chính trực thì không bao giờ họ làm những chuyện trái với đạo lý như vậy. Theo quan điểm của tôi, đã làm ăn trên biển, kể cả tàu buôn, kể cả tàu đánh cá và những phương tiện đi lại trên biển thì khi phát hiện sự cố, phát hiện người ta bị tai nạn thì anh phải cấp cứu. Đó là đạo lý làm nghề ở trên biển. Nếu như những nước nào thấy như thế mà không cấp cứu mà còn tạo thêm những tội ác đối với những người làm ăn trên biển thì chúng ta phải lên án chuyện đó. Chúng ta phải làm cho thế giới rõ bộ mặt thật của họ không phải là hòa bình hữu nghị, không phải là hợp tác gì cả. Chúng ta phải nói rõ đó là hành động của những người xấu, người độc ác.
Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc thì tôi nghĩ rằng cũng vẫn giữ được tốt đẹp. Nhân dân hai nước Việt-Trung cũng vẫn đi lại làm ăn bình thường. Tất nhiên, trong thái độ của người Trung Quốc đối với Việt Nam, cái gì mà xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích và lòng tự trọng của người Việt Nam thì Việt Nam phải cương quyết phản đối, cương quyết chống lại. Theo tôi, tôi nghĩ như vậy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Thiếu tướng Lê Kế Lâm.
M.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét