CHẾ ĐỘ PHÁT XÍT
Tác Giả: Tiến Sĩ JELIU JELIEV Dịch giả: Phạm Văn Viêm
Saigon Press Xuất bản
1993
MỤC LỤC
LờI TÒA SOạN
..............................................................................................................................1
LờI GIớI THIệU CủA
NGƯờI DịCH (PHạM VĂN
VIÊM).................................................................. 14
PHẦN MỞ ĐẦU
............................................................................................................................15
PHẦN 1: CẤU TRÚC CỦA
MỘT NHÀ NƯỚC PHÁT XÍT
.................................................................... 24
PHầN II: NHỮNG CHỨC NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỘC TÀI PHÁT
XÍT .............76
PHầN III: ĐẶC TÍNH TỔNG
QUÁT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỘC TÀI .................................................. .96
PHầN IV: SỰ TAN RÃ CỦA NHÀ NƯỚC PHÁT Xit.........................................................................109
Lời Tòa Soạn Tại sao
Cộng Sản Việt Nam lại sợ cuốn sách "Chế Ðộ Phát Xít" Một cuộc lùng bắt
tại Đông Âu LTS: Đây là câu chuyện của anh Phạm Văn Viêm. Thông thường ta chỉ
thấy chế độ Cộng Sản đi lùng bắt các nhà văn "phản động" trong nước,
nhưng chế độ XHCN VN đã lập nên một kỳ công mới là gởi công an
mật vụ từ trong
nước ra để săn đuổi lùng bắt một kỹ sư du học và đang "hợp tác lao động"
tại Bulgaria, chỉ vì anh này dám dịch một bộ sách nói về bản chất và tội ác của
chế độ phát xít. Việc lùng bắt này diễn ra tại Sofia, Bulgaria. Phạm Văn Viêm
là một trí thức hiện đang tỵ nạn tại Bulgaria. Anh đã dịch bộ sách "Bản chất
chế độ Phát Xít" của Julie Jeliev - đương kim Tổng Thống Bulgaria (1993).
Thật ra cuốn sách chẳng có gì quan trọng, nếu không hiểu rõ hoàn cảnh của dịch
giả. Anh Viêm trong thời gian đang dịch sách này là trưởng đội công nhân xuất
khẩu tại Bulgaria. Sứ quán Hà Nội tại Sofia hay tin anh Viêm dịch cuốn sách, đã
tổ chức khám xét phòng anh và lùng bắt anh ngay tại xứ Bulgaria. Điều đáng nói
là Hà Nội sử dụng công an đàn áp tại xứ mà chế độ Cộng Sản đã sụp đổ rồi. Khi bị
giam giữ, anh Viêm đã trốn thoát và xin tỵ nạn. Điểm đặc biệt nữa là cha mẹ anh
Viêm đều là đảng viên Cộng Sản Việt Nam và có chức vụ khá cao trong nhà nước.
Câu chuyện của anh Viêm có đăng trong phần đầu của cuốn sách do chính anh viết
lại. * * * Tháng 6/1990, tôi viết cho người yêu: "Nếu tháng 10 này anh vẫn
chưa về, anh mong em hãy tự quyết định lấy cuộc đời mình". Cho đến tận bây
giờ tôi vẫn không giải thích nỗi vì cớ gì mà tôi lại chọn đúng tháng 10. Phải
chăng linh tính đã báo trước sự kiện mà tôi sẽ kể cho bạn nghe sau đây? Hồi đó
chúng tôi mới chuyển đến Liên Hiệp Xây Dựng Varna (CMK). Tình hình "hợp
tác lao động" Bun-Việt đang ở vào giai đoạn chót, chẳng còn gì là hấp dẫn
nữa. Tôi mới sang Bulgarie được vài tháng, nhưng đã muốn xin về. Tôi đã nói
chuyện này với giám đốc CMK Vlado. Ông hứa sẽ giúp đỡ, nếu có đợt giảm biên. Sự
kiện xảy ra vào ngày 23/10/90 đã làm thay đổi mọi dự định của tôi. Hôm trước
tôi vừa đọc xong truyện Vanga (truyện về một bà tiên tri người Bun, hiện đang sống
tại thành phố Petrich). Đối với tôi câu chuyện thật hấp dẫn. Vài năm gần đây
tôi vẫn có linh cảm về một thế giới phi vật chất xung quanh mà ta không thể
nhìn thấy bằng mắt thường. Những con chó nghe được âm thanh ở tần số cao, mà
tai của chúng ta không hề cảm thấy. Biết đâu con mắt của chúng ta cũng như vậy?
Những cái mà chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy, thì không có nghĩa rằng
chúng không tồn tại, mà chỉ đơn giản là ta không cảm giác được sự tồn tại của
chúng. Tôi gần bị những mẫu chuyện trong bộ sách thôi miên. Tôi còn nhớ, lúc đó
tôi đang ngồi ngoài ban công. Buổi sáng mùa thu vắng lặng và se lạnh. Cả tầng
hình như chỉ còn lại mình tôi. Anh em trong đội đi làm hết. Tôi có việc phải
đưa một người đi khám bệnh, nên không vào nhà máy. Khi tôi đang đọc những trang
cuối cùng, thì một con bọ dừa nhỏ xíu, co cái vòi dài, bay đến, đậu trên mặt
sách. Tôi vốn tôn trọng mọi sự sống, dù nhỏ nhoi, nên chăm chú quan sát vị
khách tí hon. Tôi có cảm giác là con vật cũng đang nhìn tôi như thế. Nó lúc lắc
cái vòi dài, còn tôi hiểu đó là lời chào. Tôi chào lại và thầm nhắc một câu hỏi:
"Anh bạn muốn nói với tôi điều gì chăng? Như loay hoay như tìm phương hướng.
Rồi nó đứng im, cái vòi giơ cao hẳn lên, vẩy về một hướng xác định, như có ý bảo:
"Hướng này này", 3 lần nó làm như thế, cái vòi đều chỉ về một hướng
như trước. Sau đó con bọ cất cánh bay đi, nhưng nó va phải mặt kính, ngã sống
soài trên sàn ban công. Tôi nhặt con bọ lên, thả ra ngoài. Lần này thì nó bay
đi được. Tôi kinh hãi, đánh dấu cái hướng con bọ chỉ trên trang sách rồi vội lấy
bản đồ ra so. Cái hướng dó trùng lập hoàn toàn với hướng từ Varna đi Petrich!
Bên tai tôi văng vẳng như tiếng người bảo: "Hãy đến với ta!" Tôi nhìn
quanh: không có ai cả, căn phòng hình như vắng lặng hơn lúc thường. Tôi rùng
mình, một cảm giác ớn lạnh xuyên suốt từ đầu đến chân. Tôi đã quyết định là làm
theo tiếng nói vô hình đó, sẽ đi chuyến tàu tối từ Varna. Và chắc chắn là tôi
đã làm như thế, nếu như không có chuyện tài chính: lúc đó trong túi tôi chỉ còn
vài đồng bạc, phải 4 ngày nữa mới có lương, còn đi vay thì ngại ... Chiều hôm
đó tôi như dứt được cơn mê. Thậm chí còn cười mình là nông nổi. Tuy nhiên, tôi
vẫn định là lĩnh lương xong sẽ cố gắng dến thăm bà Vanga, nhân thể qua Sofia hỏi
thăm có nhà xuất bản nào nhận in bản dịch "Chế độ Phát Xít". Tôi đã
trả giá đắt cho việc trì hoãn này. Đêm hôm đó giấc ngủ đến với tôi một cách khó
khăn, lòng nôn nao, nóng như có lửa đốt. Bên ngoài gió lạnh gầm rú, như có ma
quỷ nô đùa. "Có điều gì đó không lành"- tôi tự bảo. Sáng ngày 23/10/1990,
khi tôi đang mơ màng thì nghe tiếng gõ cửa gấp gáp. Tôi vùng dậy, mắt nhắm mắt
mở đi ra phía cửa, hỏi: "Ai gọi đấy?" Có giọng xứ Nghệ pha Bắc cười
đáp: "Ngủ gì ghê thế?" Té ra là anh Nghĩa, đội trưởng - bí thư đảng bộ.
Tôi loay hoay tìm chìa khóa và hỏi: "Có việc gì đây?" Một giọng xứ
Nghệ đặc sệt ồm ồm trả lời: "Viêm, mở cửa ra!" Tôi nhận ra giọng của
đơn vị trưởng, đảng viên Hân. Tôi mở cửa, 2 người ập vào phòng. Hân bảo tôi:
"Mặc quần áo khẩn trương! Có sứ quán hỏi chuyện thằng Hồng và thằng Tuấn".
Hồng và Tuấn là 2 người trong đội của tôi. Mấy hôm trước có tin 2 người này
cùng mấy người khác nữa bị công an biên phòng Bulgarie bắt ở biên giới vì định
vượt biên. Tôi bảo 2 người: "Sao sớm thế!" và liếc nhìn đồng hồ, mới
hơn 6 giờ sáng. Tôi mặc vội quần áo. Đang buộc dở dây giày thì 4 người nữa ập
vào phòng. Tôi biết 2 người: Đề, trưởng vùng - đảng ủy viên, và Ngọc, bí thư
chi bộ. Một người nữa tôi quen mặt nhưng không biết tên, sau đó mới rõ là bí
thư đảng ủy Cường (Cường Bạc). Người cuối cùng tôi chưa gặp mặt bao giờ. Đơn vị
trưởng Hân mời người lạ mặt ngồi xuống cái ghế độc nhất trong phòng và giới thiệu:
"Đây là anh Kim, bí thư thứ 3 của Đại sứ quán". Tôi đã từng nghe tiếng
người này. Anh ta là đội trưởng đội an ninh. Tôi ngó nhìn nhà chức trách quan
trọng: da ngăm đen, môi thâm, mắt một mí, con ngươi đục ngầu, sắc mặt u ám. Một
kẻ nham hiểm - tôi thầm kết luận. "Thế này, anh Viêm nhé! - Người tên Kim
hằng giọng nói - Chúng tôi vừa ở chỗ anh Hồng đến. Anh Hồng khai là anh tổ chức
vượt biên, vì vậy chúng tôi đề nghị anh cho được khám nhà". Anh ta nhấn mạnh
2 chữ "đề nghị" như có ý bảo: "Nói thế cho nó lịch sự thôi, chú
mày ạ!" Tôi cãi: "Tôi không có tổ chức vượt biên. Còn khám nhà thì mời
các anh cứ tự nhiên". Tôi không lạ gì những hành động phi pháp của các
"nhân viên an ninh", nên cũng không buồn hỏi lệnh khám nhà. Họ cần gì
đến lệnh! Họ lại có tới 6 người, ai nấy đều "đằng đằng sát khí", nhất
là bí thư đảng ủy Cường, mặt trắng dã, môi mím chặt, hằn học. Khuôn mặt anh quá
nghiêm trang, đến mức tôi suýt phì cười. Chống cự hay hạch sách thật vô ích.
Thôi thì "mời" cho lịch sự. Vả lại tôi vẫn nghĩ là tôi không liên
quan gì đến chuyện vượt biên của Hồng và họ sẽ không tìm được gì cả. Tôi đã lầm.
Đó chỉ là cái cớ để họ khám nhà, còn nguyên nhân thực sự là việc tôi dịch
"Chế độ Phát Xít", có kẻ nào đã tố giác. Thật ra tôi đã dịch tác phẩm
này một cách công khai, không hề giấu diếm. Anh em trong đội đều biết tôi đánh
máy chữ đến tận khuya. Chẳng lâu là gì họ đã tìm ra được cái họ cần: 2 cuốn
sách "Chế độ Phát Xít" nguyên bản, bản dịch viết tay, 2 bản dịch tiếng
Việt đã đánh máy cẩn thận, vài lá thư của người yêu của tôi. Và thậm chí cả những
tờ giấy nháp mà tôi viết lung tung, không ra đầu ra đũa gì cả, đến tôi cũng khó
mà đọc, có lẽ họ nghi là "tài liệu mật". Tuy nhiên, bí thư Kim vẫn
yêu cầu các đệ tử của mình kiểm tra kỹ hơn lần nữa, trong khi anh tranh thủ
"tâm sự" với tôi. Anh hỏi bằng một giọng thật nhẹ nhàng,"thân
tình": - Viêm quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa phải không? - "Vâng" -
Tôi đáp. - Mình cũng là người Thanh Hóa - anh nói ra chiều thông cảm. Trên
phương diện "đồng hương", tôi chỉ khâm phục những người Nghệ Tĩnh, họ
quý nhau thực sự. Nhưng người Thanh Hóa không có được đặc tính này, tuy rằng
chúng tôi "xóm giềng" với những người Nghệ Tĩnh. Tôi chẳng mảy may
xúc động trước tình quê hương của nhân vật quan trọng này, tuy vậy tôi cũng hỏi
anh: - Anh ở huyện nào ạ? - Mình ở Đông Sơn - Anh đáp. Anh cầm bản đánh máy
"Chế độ Phát Xít" xoay xoay trên tay, nhìn tôi với ánh mắt của con rắn
đang thương hại con mồi mà nó sắp nuốt tươi, anh bảo: "Làm thế này chắc là
vất vả lắm nhỉ! Chắc là phải thức đêm, thức hôm?" Tôi bảo anh là tôi chỉ dịch
và đánh máy chủ yếu vào ban ngày, còn ban đêm thì nhiều lắm đến 12 giờ, rằng
tôi không hề giấu diếm việc làm của mình. Anh quay lại nhắc nhở các đệ tử:
"Các anh nhớ kiểm tra thật kỹ cho tôi!" Các đệ tử sốt sắng làm việc.
Quần áo, sách vở, chăn đệm của tôi đều bị bới tung. Cũng may cho họ là tôi
không có mấy đồ đạc. Bí thư đảng ủy Cường còn bươi cả các sọt rác sau nhà, mà
hình như đã rất lâu tôi quên không đổ. Giá tôi biết trước được là anh chịu khó
ngửi cả cái mùi không lấy gì làm mát mẻ đó, thì chắc đã dọn vệ sinh trước để khỏi
thất lễ. Đề khôn ngoan hơn, anh chỉ lởn vởn nơi này nơi kia, tránh những chỗ
"bẩn thỉu". Quả là có học cũng có khác. Chừng hơn 1 tiếng đồng hồ
"làm việc cần mẫn", lần giở từng trang sách, lục tung túi áo, túi quần,
"kiểm tra" từng kẽ hở trên nền nhà, nhưng họ không tìm được gì hơn.
Có gì đâu mà tìm! Bí thư Kim chỉ các "tang vật" trên bàn, bảo: :Chúng
tôi sẽ thu những thứ này. Đề nghị anh Hân lập biên bản". Tôi định hỏi lý
do tại sao lại thu, nhưng chợt nghĩ có hỏi cũng vô ích, tốt nhất là im lặng.
Tôi chỉ bảo: "Đề nghị các anh đừng thu những lá thư của người yêu tôi, vì
đấy là chuyện riêng tư của mỗi người". Kim ra hiệu. Bí thư chi bộ Ngọc mở
các lá thư, lướt đọc một cách tự nhiên, cứ như chính lá thư gửi cho anh ta vậy.
Không hiểu anh có tìm được điều gì quan trọng không, nhưng anh làm hiệu cho
Kim. Tôi bảo họ: "Tôi nói vậy thôi. Nếu các anh tôn trọng thì đừng thu,
còn nếu không thì tùy". Họ không hiểu ý tôi, hoặc cố tình giả vờ không hiểu.
Trong biên bản ghi chú: "Anh Viêm có xin lại những lá thư của người yêu,
nhưng sau khi xem xét, ban kiểm tra vẫn quyết định thu." Bí thư Kim hỏi
tôi: "Anh có ân hận gì với những việc anh làm không?" Thật là một câu
hỏi ngớ ngẩn! - Tôi thoáng nghĩ, nhưng vẫn bình tĩnh bảo anh: "Không"
- Và hỏi lại anh: "Tại sao tôi phải ân hận?" Anh không trả lời, quay
sang bảo Hân: - Anh ghi vào biên bản cho tôi! - Ghi thế nào? - Hân hỏi. - Ghi
thế này: "Anh Kim hỏi anh Viêm có ân hận gì về những việc đã làm không?
anh Viêm trả lời là không. Thật rõ ràng đến tận chân tơ kẽ tóc! Biên bản được đọc
lại cho tất cả mọi người cùng nghe. Bí thư Kim bảo tôi ký. Tôi ký, sau đó cả
"phái đoàn" lần lượt ký. Kim đứng dậy khỏi ghế. Anh suy nghĩ giây lát
rồi bảo: "Thế này, anh chuẩn bị theo tôi lên sứ quán!" Tôi nhã nhặn hỏi:
- Bao giờ thì đi anh? - Chưa biết được, để tôi còn chuẩn bị - Kim đáp, và nói
thêm: - Đề nghị anh Nghĩa và anh Ngọc ở lại đây với anh Viêm! "Lịch sự
quá!" - Tôi nghĩ. Sau đó họ ra khỏi phòng, mang theo các "tang vật".
"Trụ sở" của họ ở tầng 5, phòng Hân. Còn lại 3 người, Nghĩa có vẻ như
thương tôi. Trong các đội trưởng ở nhà máy này, tôi và anh thân nhau hơn cả, dù
anh hơn tuổi tôi rất nhiều. Anh ái ngại bảo tôi: "Chuẩn bị nhanh lên, ổng
sẽ bắt taxi đi luôn đến Sofia đấy. Mang ít áo ấm đi, trên Sofia rét hơn ở đây.
Đồ đạt để tí nữa tôi mang về phòng giữ hộ cho. Đi biết bao giờ mới về!"
"Có thể không bao giờ còn về - tôi nghĩ thầm - cũng là cái số. Giá đêm qua
đi Sofia thì có thể đã thoát khỏi chuyện này rồi". Tôi thay quần áo. Lòng
buồn khôn tả. Thật là tai bay bạt gió, chưa làm nên tích sự gì thì đã bị bắt!
Tôi buộc chặt dây giày, nghĩ cách trốn. Nửa đùa nửa thật, tôi cười bảo Nghĩa và
Ngọc: "Xin các anh cho em đi rửa cái mặt cho sạch sẽ". Quả tình là
tôi chưa kịp đánh răng, rửa mặt trước khi các nhà chức trách thi hành công vụ.
Nghĩa bảo: "Đi đi!" Tôi lấy bàn chải, khăn mặt. Định mặc thêm cái áo
khoác ngoài, nhưng sợ các "quý anh" sinh nghi, nên thôi. Tôi mở cửa
phòng, đi về phía nhà tắm. Liếc về phía sau, thấy Ngọc đã lẽo đẽo đi theo, cách
tôi vài mét. Tôi đánh răng, rửa mặt xong, quay ra vẫn thấy Ngọc đứng cạnh cửa
nhà tắm. Tôi đi trước, anh theo sau. Tôi bèn nhanh trí rẽ vào toa-lét cạnh đấy.
Thì cũng phải đi một cái chứ! Trước khi vào, tôi quay lại nhìn Ngọc cười cợt, cố
ý bảo: "Đứng cạnh người đi, đẹp mắt chưa!" Hình như anh hiểu điều đó,
vì tôi thấy anh cúi xuống, có vẻ như thẹn. Tôi vẫn xếp anh vào loại không đến nỗi
nào. Nhưng tôi chỉ đi ... "nhẹ" thôi. Tôi ra khỏi toa-lét, giả vờ đi
về phía phòng ở. Lần này Ngọc đi trước tôi. Tôi mừng thầm: "Quý anh"
mà tinh ý đi sau tôi thì hỏng bét! Tôi cố tình đi chậm lại để kéo dài khoảng
cách giữa tôi và "đối tượng". Ngọc không hiểu ý, vả lại hình như anh
xấu hổ với việc "canh phòng" vừa rồi. Anh đi nhanh về phía phòng tôi ở.
Tôi bước qua vị trí cầu thang vài bước, thì Ngọc đã đến trước cửa phòng tôi.
Anh mở cửa đi vào, nhưng vẫn cẩn thận ngoái lại nhìn xem tôi đã đến đâu. Chừng
như đã chắc chắn là tôi không thể "biến" được, anh khép hờ cửa lại,
cho tôi vào sau. Chỉ chờ có thế. Tôi quay người và nhảy 3, 4 bậc thang một, phi
mạnh xuống dưới (tôi sống ở tầng 8). Một kế hoạch rất nhanh vụt thoáng trong đầu
tôi. Tôi không thể núp vào các phòng có người Việt sống, vì sẽ dễ dàng bị bắt lại.
Tôi vừa đến đây có vài tháng, hầu như không quen biết anh em các đội khác, còn
đội tôi thì ở hết trên tầng 8. Thấy tôi "biến", các "quý
anh" nhất định sẽ lùng sục tất cả các tầng và trước sau cũng phát hiện ra.
Tôi cũng không thể thoát theo cửa chính của khu nhà vào lúc này, vì họ từng là
những "anh bộ đội cụ Hồ" dày dặn. Vả lại họ có thể dùng xe của sứ
quán đuổi theo. Khi đó thì dù tôi có cánh cũng khó mà bay thoát. Vậy là đành nấp
lại trong khu nhà này, chờ thời cơ thuận tiện. Nhưng nấp vào đâu? Tầng 3 có bộ
phận thiết kế của xí nghiệp làm việc. Tôi có quen vài người trong đó, thậm chí
đã nhờ họ giải thích cho một số từ trong khi dịch bộ "Chế độ Phát
Xít". Tôi chạy vào đó, nhưng thật không may. Còn sớm quá, chưa có ai đến
làm việc, tất cả các cửa đều đóng, đành lánh tạm vào toa-lét vậy. Tôi đứng ở chỗ
nấp chừng 20 phút. Thời gian dài lê thê, thật hồi hộp. Chỉ sợ có người vào
toa-lét hay các "quý anh" tìm đến. Rồi có tiếng khóa cửa lách cách,
tiếng người Bun trò chuyện với nhau. Tôi hiểu những người trong ban thiết kế
nhà máy đã đến làm việc. Tôi rời chỗ nấp, bước nhanh qua hành lang. Không có
người nào đứng ở hành lang cả! Thật may mắn, vì tôi phải giữ bí mật tuyệt đối.
Tôi gõ cửa phòng 309, mở cửa bước vào sau khi nghe rõ tiếng "Đa" của
người bên trong. Trong phòng chỉ có một người đàn ông, tôi biết tên anh. Tôi
chào X , anh chào lại và mời tôi ngồi. Tôi ngồi xuống ghế, từ tốn trình bày
hoàn cảnh. X là một trong những người đã từng giúp tôi dịch bộ "Chế độ
Phát Xít" nên anh hiểu ngay ra vấn đề. Tôi không phải giải thích nhiều.
Tuy nhiên, anh rất ngạc nhiên hỏi tôi: "Tại sao công an Việt Nam lại hành
động phi pháp và ngớ ngẩn như vậy?" Lát sau, một người nữa đến làm việc.
Phòng này có 2 người. Chúng tôi làm quen với nhau, vì tôi chưa biết người ấy.
Anh thật đẹp trai, tên là R. Anh là kỹ sư công nghệ dân dụng, cùng nghề với
tôi, nghĩa là chúng tôi cùng học một trường. Anh học sau tôi 2 năm. X nói tóm tắt
hoàn cảnh của tôi với R. Anh nhìn tôi thông cảm, pha chút ái ngại. Tôi ngồi
trong phòng nói chuyện tầm phào với 2 người. Mỗi khi có ai gõ cửa, tôi lại nấp
vào trong cái tủ đứng. Vì vậy ngoài R và X, không ai biết tôi ở đây. Tương đối ổn
- tôi nghĩ - các "quý anh" chắc không thể ngờ tôi trốn trong này. Vả
lại đây là nơi làm việc của người bản xứ, họ không dám tự tiện xông vào. (Sau
này tôi được những người trong đội kể lại là khi thấy tôi biến mất, các
"quý anh" nháo nhác đi tìm. Họ lùng sục khắp các khu nhà. Kim, Cường,
Đệ còn đánh xe tức tốc đến khu sinh viên, vì nghi tôi "tẩu" sang đó.
Bản thân Ngọc phải ngồi canh một cái tủ bị khóa đến tận chiều, vì cho rằng tôi ở
phía trong. Họ không dám phá tủ, vì sợ anh em vu cáo cho là ăn cắp). Bây giờ
tôi mới thực sự lo lắng. Trốn đi đâu? Sống thế nào? Trong túi tôi lúc này chỉ
có vỏn vẹn 15 Lêva, không đủ mua một vé tàu đi Sofia. Những người bạn Bungari
cùng học thời sinh viên thì đã lang bạt khắp nơi. Tôi không có tin tức gì về họ.
Còn một vài anh bạn người Việt sống rải rác ở các thành phố của đất nước này.
Nhưng đi đến những chỗ đó thì không xong, chẵng khác nào "lạy ông tôi ở bụi
này". Vả lại có thể vì tôi mà họ phải liên lụy, tôi không muốn như thế. R.
bảo tôi: "Tại sao anh không đến thẳng Phủ Tổng Thống xin bảo trợ? "Chế
độ Phát Xít" là tác phẩm của Tổng Thống J.Jeliev, ông ta chắc sẽ giúp
anh" Tôi ngần ngại, vì ý thức được rằng mình chỉ là một kẻ vô danh. Đến một
nơi tôn nghiêm như thế với mục đích cầu cạnh theo kiểu ăn vạ, thì thật không đẹp
chút nào. Vả lại chắc gì họ đã tin những việc tôi làm. Tôi không có bằng chứng
gì cả. Biết đâu họ chẳng sẽ nghĩ tôi là kẻ điên rồ! Nhưng suy đi tính lại vẫn
không còn tìm được cách nào hơn. Thôi thì đã liều, ba bảy cũng liều, cùng lắm
là chết. Nếu họ không đồng ý cho tôi sống tỵ nạn, tôi sẽ tìm một cánh rừng nào
đó để ... chết cho khỏi phiền hà đến người đời! Nào ai biết cuộc đời ta sẽ kéo
dài bao nhiêu! Thà chết còn hơn để "quý anh" tóm được, đưa về
"nghỉ mát" trong các nhà đá, các trại tập trung. Buổi trưa, X mua thức
ăn cho tôi. Tôi gửi tiền, nhưng anh nhất định không nhận. Nhìn qua cửa sổ, thỉnh
thoảng vẫn thấy bóng các "quý anh" lảng vảng quanh khu nhà. X và R hỏi
tôi kế hoạch "phá vòng vây". Tôi bảo họ: "Đêm xuống, tôi sẽ có
cách thoát". Khoảng 4 giờ chiều, X về trước. Anh bắt tay tôi: "Chúc
may mắn!" Tôi cảm ơn anh và bảo: "Tôi sẽ không bao giờ quên ơn
anh". Một lát sau R đi ra ngoài. Khi anh trở lại, tôi mới rõ là anh đi mua
thức ăn cho tôi: cả bữa chiều và cả thức ăn dự trữ cho tôi mang theo. Anh đun
nước chè, mở hộp thịt, cắt bánh mì, rồi bảo tôi dùng bữa. Xong anh lục ví tiền
của mình, đưa hết số tiền còn lại trong ví cho tôi, bảo: "Tôi không mang
theo nhiều tiền, ở đây chỉ còn 13 đồng, anh cầm lấy mà mua vé tàu". Tôi cảm
động đến suýt ứa nước mắt, vì không ngờ lại được đối xử tốt như vậy. Thế là tôi
có 28 đồng, thừa tiền mua vé đi Sofia. Trước khi ra về, anh bảo tôi: "Anh
phải cẩn thận. Chúc may mắn". Tôi chào anh, khóa trái cửa lại. Chỉ còn lại
một mình trong căn phòng xa lạ. Hoàng hôn dần buông sau dãy núi xa. Không gian
vắng lặng, thoảng hoặc mới có người qua lại phía sau nhà. Rồi màn đêm phủ trên
vạn vật. Thành phố lên đèn. Phía ngoài vẫn thấy bóng các "quý anh". Kế
hoạch phá vòng vây hình thành trong đầu tôi. Tất nhiên là phải chờ lúc bất ngờ
nhất, khi các "quý anh" đã chán việc canh phòng và đã ngon giấc. Bên
ngoài lạnh lắm, tôi hy vọng là dù với tinh thần Cộng Sản các "quý
anh" cũng không dại gì đứng mãi bên ngoài để chết rét. Họ sẽ cho là tôi đã
cao chạy xa bay. Và một giấc ngủ trong chăn ấm sẽ mạnh hơn cái tinh thần Cộng Sản
nửa vời. Trong phòng này chỉ có 2 lối thoát: qua cửa ra vào và qua ban công.
Tôi ngẫm nghĩ cả 2 phương án để chọn cái tối ưu. Phương án nào cũng có ưu, có
nhược. Nếu đi qua cửa ra vào, tôi sẽ không thể theo lối cầu thang thoát ra cửa
chính, vì ban đêm cửa này bị khóa. Như vậy tôi chỉ còn có thể đi theo hành lang
phía đông, mở cánh cửa sổ ở đây và nhảy xuống khu trường học một tầng kề đấy. Hồi
chiều, R đã quan sát và chỉ cho tôi lối đi này. Anh cho rằng đây là lối thoát
duy nhất, nhưng anh bảo: Từ tầng 3 đến mái khu một tầng còn rất cao, hơn 3 mét,
phía dưới lại có nhiều mảnh kính vỡ, nhảy xuống đó rất nguy hiểm. Phương án thứ
2 là dùng dây buộc vào thành lan can để tụt xuống đất. Lối này tương đối an
toàn, nếu các "quý anh" nhỡ may có nhìn thấy qua cửa sổ, thì khi họ
xuống được dưới đất, chắc chắn tôi cũng đã cao chạy xa bay. Ban đêm họ khó mà
lùa được tôi và lối này không có đường xe chạy, họ không thể dùng ô tô để đuổi
theo. Nhưng tôi lại không có dây nhợ gì cả. Trong phòng này không có gì có thể
làm dây, trừ tấm phong che bằng vải mỏng. Nhưng tôi không thể sử dụng nó cho mục
đích của mình, vì như thế thật là không phải đối với những chủ nhân tốt bụng của
căn phòng này. Tôi quyết định xé cái áo đang mặc trong mình, buộc lại làm dây.
Nhưng có mỗi một cái áo mà làm thành sợi dây dài gần 5 mét thì thật mong manh.
Tôi thở dài nhìn sợi dây yếu ớt vừa tạo ra. "Chọn làm phương án phụ
thôi" - tôi thầm bảo và buộc chặt nó vào chân lan can. Thời gian dần trôi.
Bên ngoài mỗi lúc một lạnh hơn. Các "quý anh" đã thôi không lảng vảng
nữa. Có lẽ họ đã đi ngủ, hoặc chỉ còn đứng trong nhà nhìn qua cửa sổ canh chừng.
Tuy nhiên, vẫn phải chờ lúc thuận tiện nhất. Chỉ cần sơ xuất hay vội vàng là
công sức và hy vọng sẽ tan thành mây khói. Tôi quyết dịnh sẽ hành động vào tầm
3 - 4 giờ sáng, khi con người ta đang ngon giấc nhất. Tôi nằm xuống nền nhà, định
chợp mắt một lát, nhưng không tài nào ngủ được. Tiếng bước chân đi lại ngoài
hành lang nghe rõ mồn một trong đêm vắng. Rồi tiếng động lắng dần, mọi người đi
ngủ hết. Không gian như được trải rộng, mênh mông. Cả thế giới chỉ có một mình
tôi đang thức! Tôi ngồi dậy quỳ trên nền nhà, tập trung tư tưởng vào một điểm
vô hình, lắng nghe nhịp thở đều đều của thời gian. Cô đơn quá! Cả 2 phương án
thoát thân đều nguy hiểm. Tôi cầu nguyện. Đây là lần thứ 2 tôi cầu xin Đức Chúa
Trời một cách thành kính nhất mà tôi có thể! Trước đây đã có một lần chúng tôi
bị lâm vào cảnh dở sống dở chết dở, và tôi đã cầu nguyện. Tôi cầu Đức Chúa
Giêsu, không phải vì tôi có sẵn đức tin, mà vì tôi chỉ biết rõ nhất về Người.
Tôi có nghe nói về Đức Phật, về đạo Hồi, v.v... nhưng chưa đọc về những tôn
giáo này. Tân Ước là cuốn kinh thánh duy nhất mà tôi đã đọc qua một cách tình cờ.
Mẹ tôi theo Phật giáo, nhưng chỉ theo chứ không hiểu gì, còn cha tôi không có đạo.
Tôi ở giữa, không ra duy tâm mà cũng không ra duy vật. Tuy nhiên, ngày nhỏ theo
mẹ đi chùa, tôi có cảm giác rờn rợn thế nào đấy. Nhà chùa âm u và buồn tẻ quá.
Còn sau này mỗi khi có dịp bước vào nhà thờ, tôi thấy ấm lòng và dễ cảm nhận
hơn. Nơi đây cao ráo, thanh thoát, mà vẫn có gì đó thật linh thiêng, thật khó tả.
Lần đó tôi đã thoát nạn một cách ngẫu nhiên. Nhưng sau đấy tôi vẫn giữ tâm trạng
bán tính bán nghi, vừa cho là "quý nhân phù trợ", vừa nghĩ có thể do
may mắn. Giờ đây tôi lại cầu xin Đức Chúa Giêsu. Ta có thể làm gì khác hơn là cầu
Chúa của lòng ta, khi đứng trước bước đường cùng? Tôi cầu thế này: "Chúa
ơi, hãy cứu con thoát khỏi cảnh này, dù con đầy tội lỗi". Quả là tôi đầy tội
lỗi và đã phạm muôn vàn lời răn của Chúa. Tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời cầu
nguyện, cho tới khi có cảm giác là nó đã thấu đấng thần linh. Bất chợt bên tai
tôi văng vẳng như có tiếng người bảo: "Trước đây ngươi đã nói Chúa không
chỉ là lòng tốt. Tại sao giờ lại xin cứu giúp?" Tôi giật mình, quả tình
cách đây một vài tháng tôi có viết cho người yêu: "Cuộc đời này cần có
Chúa, nếu không nó sẽ hết sức vô nghĩa. Nhưng theo anh, Chúa không đơn giản chỉ
là lòng tốt". Tôi lẩm nhẩm trong đầu: "Chúa ơi, con chỉ là một kẻ ngu
si, nông nổi như mọi người đời, tránh sao khỏi suy nghĩ và hành động sai lầm".
Bên tai tôi lại âm vang giọng nói uy quyền: "Ngươi phải nhớ, Chúa, đó là
lòng tốt!". Tôi làm dấu thánh giá, cảm thấy lòng thanh thản, yên tâm hơn,
dù lối thoát vẫn không rõ ràng. Tôi chợp mắt được một lát trên sàn lạnh. Có tiếng
động cơ ô tô vang đến. Tôi giật mình tỉnh dậy, nhìn qua cửa sổ về phía đường
cái: xe ô tô buýt. Có nghĩa là lúc này đã gần 5 giờ sáng. Phải hành động gấp.
Tôi tra chìa khóa vào ổ, định mở cửa, nhưng không tài nào mở được. Tôi thử một
lần, hai lần, ba lần, vẫn thế! Cứ như đây không phải là chìa khóa của ổ khóa
này vậy. Thật quái lạ! Hồi chiều tôi đã mở thử một vài lần rồi kia mà! Trên đường
xe cộ qua lại mỗi lúc một nhiều. Không còn chờ được nữa, đành phải theo phương
án phụ vậy. Tôi mở cửa hướng ban công. Gió hây hây thổi. Sương đêm giá lạnh.
Tôi nhìn sợi dây mỏng manh trên tay, nhìn độ cao chóng mặt. Từ tầng ba đến mặt
đất cao khoảng hơn 7 mét, lòng ngao ngán. Nhưng còn cách nào đâu. Lạy Chúa! Tôi
làm dấu thánh giá. Một, hai, ba! Lấy hết can đảm, tôi bám dây, tụt xuống. Tôi
đã tụt xuống ngang sàn tầng 2. Chỉ còn vài sải tay nữa là tôi đã ở vị trí an
toàn. Bỗng tay tôi nhẹ hỗng. "Dây đứt"!" - tôi thoáng nghĩ, miệng
kêu: "Chúa ơi!". Tôi rơi xuống đất nhẹ một cách không ngờ và đã mừng
thầm trong một giây ngắn ngủi. Nhưng khi nghiêng vai để giữ thăng bằng và đứng
thẳng dậy, tôi bỗng nghe tiếng "rắc" khô khan nơi cổ chân trái. Không
hề thấy cảm giác đau, nhưng rõ ràng là chân trái tôi lết đi hết sức khó khăn. Cần
phải nhanh chóng biến khỏi nơi này. Tôi tập tễnh bước đi, men theo bức tường về
phía hàng rào trước mặt. Hàng rào này thấp, tôi leo qua tương đối dễ dàng. Nếu
chân tôi không gãy, tôi có thể chạy qua khu vườn này, sau đó đi men theo bờ tường
của khu nhà máy điện là ra được đến đường cái. Nhưng tôi không chạy được, mà lối
này đèn sáng rực. Chỉ cần một "quý anh" lo việc nước, không ngủ được,
đứng trên nhà nhìn xuống là tôi sẽ bị phát hiện và không thể nào thoát với cái
chân tập tễnh này. Đành phải vượt qua hàng rào bên trái, qua khu trường máy vậy.
Tôi chưa đi lối này bao giờ, mà chỉ mới nhìn từ trên tầng cao xuống. Lối này phải
qua nhiều hàng rào, nhưng ở đây ít bóng điện hơn, an toàn hơn. Tôi leo lên hàng
rào sắt. Hàng rào này khá cao. Chân tôi lúc này đã bắt đầu đau. Nhưng tôi đã vượt
được hàng rào, bước lần đi dưới các bóng cây. Tôi sa xuống một rãnh nước. Rãnh
nước này không sâu lắm. Giá chân tôi không gãy thì chắc tôi đã giữ được thăng bằng
khỏi bị ngã sống soài. Tôi lồm cồm bò dậy, tiếp tục lần đi. Lại một hàng rào sắt.
Lúc này tôi leo trèo đã rất khó khăn. Mỗi khi sử dụng đến bàn chân trái tim tôi
co thắt lại. Đau ghê gớm, cứ như có ngàn mũi kim đâm vào tủy xương nơi cổ chân
trái vậy. Đành phải cắn răng chịu: một là chịu đau, hai là đứng lại để bị bắt.
Tôi chọn cách thứ nhất, rồi tôi cũng vượt qua được hàng rào. Lại tập tễnh lần
đi, trên mặt đất thì không đau như khi trèo hàng rào. Lại tiếp tục một hàng
rào, rồi lại hàng rào nữa, trán tôi vã mồ hôi, cổ chân đau đớn. Nhưng rồi tôi
cũng vượt được hàng rào sau cùng. Từ đây đến đường cái còn hơn 500 mét, nhưng
đã dễ dàng hơn vì chỉ cần đi theo một lối con bên bờ con suối cạn. Chân bước mỗi
lúc khó khăn, nhưng tôi vẫn lết được. Vậy là không còn có thể đi Sofia - tôi
nghĩ - ta có thể làm gì ở Sofia với cái chân gãy này? Tôi quyết định sẽ đi về
Tolbukhin. Đội tôi làm việc ở thành phố này 3 tháng trước khi chuyển đến Varna.
Ở đó tôi có một anh bạn người Bun, tuy không thân lắm. Tôi hy vọng anh sẽ giúp
tôi, hoặc ít ra tôi có thể nương náu vài tuần. Tôi leo lên một chiếc xe buýt.
Không cần nhìn số xe - tất cả xe buýt chạy tuyến này đều qua trung tâm thành phố.
Tôi định xuống đó, mua vé ô tô đi Abela, rồi từ đó đi Tolbukhin, thay vì từ bến
chính tại Varna, vì biết đâu các "quý anh" chẳng cho người đứng canh
tại các bến xe "bến tù". Bến xe đi Abela là bến "xe xép",
ít ai để ý. Xe dừng ở trung tâm. Tôi bước xuống. Nhưng Chúa ơi, sao thế này?
Tôi không thể bước được nữa! Mỗi khi đến lượt chân trái làm trụ để bước đi, để
chỉ chực ngã. Đau ghê gớm, thậm chí chỉ cần nhấc nhẹ bàn chân phải lên là đã
không chịu nổi. Tôi dùng chân phải nhảy lò cò đến bên một ghế đá. Hồi bé tôi
chơi chọi gà vào loại khá. Nhưng tôi thuận chân trái. Giá mà gãy chân phải thì
tôi đã nhảy lò cò không đến nỗi nào! Tôi ngồi xuống ghế đá để thở, vì kiểu đi bằng
một chân này thật dễ mệt. Tôi nhìn cái chân trái tội nghiệp của mình, lắc đầu:
hết phương cách. Trên hè đường đã có nhiều người qua lại. Phía đông bình minh
đã ửng hồng, mặc dù nơi đây vẫn còn tranh tối tranh sáng. Không còn đi
Tolbukhin được nữa. Với cái chân đau này ta chỉ còn có thể ngồi một chỗ mà
thôi. Sáng ra là các "quý anh" có thể đến rước đi ngay - tôi nghĩ,
lòng buồn khôn tả. Nhưng trước mặt tôi là nhà thờ trung tâm của thành phố
Varna, sừng sững uy nghiêm giữa đất trời. Trong buổi sáng ảm đạm đó, nhà thờ quả
như một tia hy vọng duy nhất còn sót lại của cuộc đời tôi. Tôi chợt nghĩ:
"Hay là Đức Chúa lòng lành đã dẫn tôi đến đây?" Tôi không biết. Nhưng
rõ ràng là tôi không còn có thể tự đi khỏi vị trí này. Tôi nhảy cò cò, men theo
đường, vòng về phía cửa chính của nhà thờ. Tôi gõ cửa và chờ đợi, nhưng vẫn
không có ai trả lời. Lại gõ, lại chờ đợi, vẫn không có dấu hiệu gì khả quan. Thật
ngao ngán! Trời mỗi lúc một sáng dần. Lúc này đã có thể nhìn tương đối rõ mặt
khách qua đường. Tôi hết kiên nhẫn, lấy hết sức đấm mạnh một hồi vào cánh cửa
lim. Tay tôi đau ê ẩm, mà bên trong vẫn im lặng như không có người. Tôi bảo thầm:
"Chúa ơi, Chúa bỏ con mất rồi!". Hết hy vọng, chỉ suýt nữa là tôi
phát khóc. Bỗng tôi như nghe văng vẳng một giọng nói bên tai: "Hãy gõ cửa
ngôi nhà bên trái". Bên trái cách nơi tôi đang đứng 15 mét có một ngôi
nhà. Nhưng tôi không biết đó là nhà ai ở. Tôi lại nhảy cò cò về hướng đó. Tôi ấn
vào tất cả các nốt bấm chuông điện phía ngoài, bên cạnh cửa. Vẫn không có ai mở
cửa, tôi thất vọng ê chề. Nhưng chừng 5 phút sau thì có một người đàn ông đi đường
đến bảo tôi: "Có người gọi anh đằng kia!". Ông ta chỉ tay về phía một
cánh cổng sắt cách đó một đoạn. Tôi lại nhảy cò cò đến đó. Phía sau cổng sắt, một
bà già phúc hậu hỏi tôi bằng một giọng thật êm ái: "Tại sao anh lại bấm
chuông?" Tôi trình bày vắn tắt hoàn cảnh, nhưng bà già không hiểu. Bà không
hề biết gì về tác phẩm "Chế độ Phát Xít". Bà nhìn tôi nghi hoặc. Dễ
thường bà nghĩ tôi là một tên lưu manh, bị đánh què chân trong khi làm
"phi vụ" cũng nên. Tôi bảo bà: "Nếu bà không cho tôi vào nhà,
người ta sẽ bắt tôi. Mong bà hãy vì Chúa mà làm điều thiện". Bà thoáng ngần
ngại, nhưng rồi bà bảo: "Hãy đi lại đằng kia, ta sẽ mở cửa cho anh".
Khi tôi đã vào trong nhà, bà già bảo tôi tháo giày, đặt bàn chân trái lên một
cái chai. Bà nói như thế sẽ đỡ đau hơn. Rồi bà bảo tôi kể lại tình tiết mọi
chuyện cho bà nghe. Tôi kể, lần này thì bà hiểu tôi hơn, mặc dù vẫn không biết
"Chế độ Phát Xít" là như thế nào. Bà chỉ hiểu là tôi đang gặp nguy hiểm
và cần người giúp đỡ, và tôi không phải là kẻ lưu manh. Tôi nói với bà là tôi
đã gõ cửa nhà thờ, nhưng không có ai mở cửa. Bà bảo rằng ban đêm không có ai ở
đó cả, và rằng ngôi nhà này cũng thuộc của nhà thờ, bà là người phục dịch, ở
đây cũng có một vị linh mục nhưng ông ta đang ngủ. Bà định đánh thức vị linh mục
ngay lúc đó. Tôi can bà, vì còn sớm. Vả lại ngồi đây là tôi yên tâm lắm rồi. Đoạn
Kết Từ hôm đó đến nay nửa năm đã trôi qua, cả một mùa thu lá vàng và một mùa
đông tuyết lạnh. Những ngày xuân tươi trẻ đã đến với xứ này. Tôi đã sống với
tình thương yêu trong các gia đình những người con của Chúa. Họ đã dành cho tôi
nơi ở tốt nhất, trong nhà của họ, ngồi cùng bàn ăn, cho tôi quần áo mặc, chữa
chạy vết thương cho tôi dù Bungari đang ở vào thời kỳ đói kém và khó khăn nhất.
Chân tôi đã khỏi, tôi đã đi lại và chạy nhảy bình thường. Tôi muốn bày tỏ lòng
biết ơn vô hạn của tôi đối với những người Bun, bình dị, khiêm nhường, đã coi
tôi - một người Việt Nam xa lạ, lạc lõng, đang bị những phần tử Cộng Sản vô cớ
săn đuổi - như người thân thiết của họ. Nhưng tôi thấy lời nói lúc này thật vô
nghĩa và không thể nào diễn tả được hết lòng tôi. Bên tai tôi âm vang giọng nói
uy quyền: "Con hãy sống vì lòng tốt, đó là cách cám ơn tốt nhất".
Tháng trước tôi gặp một người quen tên là H, anh bảo tôi: "Hôm nọ sứ quán
cử bọn em đi lùng bắt anh. Họ nói anh là phản động, nếu bắt được thì riêng tiền
thuê xe taxi hết một vài nghìn đối với sứ quán không có nghĩa gì, cứ lên đó
thanh toán. Bọn em đi vì nhiệm vụ nhưng lương tâm thì không nỡ nào. Nếu có gặp,
cũng chỉ bảo anh trốn cho kỹ hơn thôi". Thật như có phép mầu! Tôi đang là
người bình thường, đang vui buồn cùng các bạn, không làm gì nên tội, vậy mà
đánh đùng một cái trở thành "phản động". Lỗi chỉ vì dịch bộ "Chế
độ Phát Xít". Nhưng đây là tác phẩm lên án tội ác của các chế độ phát xít
và vạch trần bản chất vô nhân đạo của chúng! Những người Cộng Sản bảo thủ lại
đi bao che và bênh vực cho bọn Phát Xít thì kể cũng kỳ quặc. Hay là quả đúng
như lời nói đầu của tác giả cho tác phẩm này, rằng: "Mặc dù trong tác phẩm
không làm những so sánh không cần thiết, nhưng trên cơ sở tài liệu sử dụng và
phương pháp xây dựng, người đọc tự nhận ra một sự thật kinh hoàng rằng giữa chế
độ Quốc Xã và Cộng Sản không chỉ là không có những khác biệt đáng kể, mà giá có
những điểm như thế thì điều đó chỉ không có lợi cho chế độ Cộng Sản". Cổ
nhân nói "Nàng Tây Thi nước Việt, ai khéo chê cũng không che lấp được cái
đẹp. Nàng Vô Diệm nước Tề, ai khéo khen cũng không che lấp được cái xấu".
Cứ cho là với việc dịch bộ "Chế độ Phát Xít" tôi có ý đồ bôi nhọ chế
độ đi nữa, nhưng nếu chế độ ta thực sự tốt đẹp thì việc gì những người Cộng Sản
phải lo ngại. Sự thật tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào những lời khen
chê. Hành động của những phần tử Cộng Sản bảo thủ, đối với cá nhân tôi và biết
bao người có tư tưởng tự do khác, cho thấy một điều, rằng cái "dân chủ"
hiện tại ở VN chỉ là đồ rởm, chỉ là lời tuyên truyền. Những việc làm của họ mâu
thuẫn hoàn toàn với miệng lưỡi ngọt ngào, chà đạp thô bạo và vô liêm sĩ lên
nhân quyền, đạo lý. Không rõ những kẻ mặt người này có bao giờ để mắt tới Bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền, hoặc có đôi chút khái niệm nào về những quyền như thế
không? Hiện nay tôi được biết là mọi thư từ của tôi đều được "đồng chí bí
thư đảng ủy" (Cường Bạc) thu nhận và mở đọc một cách tự nhiên. Nhưng thôi,
nói làm gì đến những kẻ không hiểu thế nào là xấu hổ. Nghe đâu bên nhà nước điện
sang, lệnh cho sứ quán phải tìm bắt và dẫn độ tôi về nước, "nếu không sẽ
chịu hoàn toàn trách nhiệm!". Một lần tôi đem chuyện này nói với một anh bạn
Bungari. Anh bèn vào nhà trong lấy ra một khẩu súng săn đã cưa ngắn nòng và một
túi đạn. Anh đưa súng đạn cho tôi và bảo: "Tôi tặng anh. Anh hãy bắn tan
xác những kẻ nào định bắt anh!" Tôi bảo anh: - Nhưng Chúa có 3 điều cấm kỵ
cơ bản: không nói dối, không ăn trộm và không giết người. Vả lại những người đó
không có lỗi, lỗi do bọn chóp bu. Họ chỉ làm theo lệnh. - Đừng hiểu sai lời
Chúa. Chúa chỉ bảo anh đừng giết người, chứ không bảo anh đừng giết những kẻ định
giết anh, vì những kẻ định giết ta thì không còn là người nữa. Tôi từ chối
không nhận súng, đạn. Anh nhìn tôi chăm chú, rồi kết luận: "Còn lâu người
Việt Nam mới có tự do!" Tôi không rõ là anh bạn người Bun nghĩ gì khi nói
vậy. Dù sao tôi cũng thật cảm động trước "sự quan tâm" của nhà nước
và sứ quán. Nhưng xin phép là tôi sẽ về muộn hơn chút đỉnh. Hiện nay nhân dân
Việt Nam ít nhiều vẫn đang là lò than hồng cho nhà nước ngồi trên sưởi ấm.
Nhưng chẳng bao lâu nữa lò than này sẽ cháy bừng thành ngọn lửa và thiêu nhà nước
ra tro bụi nếu "nhà" vẫn khư khư bám giữ những chính sách phản động
quan liêu, phi dân chủ, ăn chơi phè phỡn và sa đọa trên lưng những người dân
lành. Phạm Văn Viêm, Bulgaria, 25/3/1991 Lời Giới Thiệu Của Người Dịch (Phạm
Văn Viêm) Chúng ta đang chứng kiến sự phá sản thảm bại của Chủ Nghĩa Mác Lê-
Ninhọc thuyết từng được xem là khoa học nhất, đúng đắn nhất cho sự phát triển của
xã hội loài người. Ðiều bất ngờ này đã được Tiến Sĩ Zheluy Zhelev tiên đoán
ngay từ năm 1967 trong tác phẩm "Nhà nước độc tài", được xuất bản đầu
tiên vào năm 1982 với tên gọi "Chế Ðộ Phát Xít". Ðọc "Chế độ
Phát Xít" ta có cảm giác như đang đọc chính những trang sử của các chế độ
Cộng Sản, trong đó có chế độ Cộng Sản Việt Nam của chúng ta. Thí dụ cuộc tấn
công của nhà nước quốc xã chống các hoạ sĩ hiện đại ("Triển lãm nghệ thuật
thoái hóa") không khỏi khiến chúng ta liên tưởng đến phong trào "Nhân
Văn Giai Phẩm" ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Những sự kiện chấn động
thế giới ở Ðông Âu đang làm cho chế độ Cộng sản Việt Nam hết sức lo ngại. Ðảng
Cộng sản Việt Nam tuyên bố dứt khoát không đi theo con đường của các nước Ðông
Âu, rằng đó là sự lựa chọn sai lầm, là vũ khí chống phá cách mạng của Chủ Nghĩa
Ðế Quốc v.v... Nguyên nhân của thái độ cương quyết này thật quá rõ ràng và
không đáng để cho chúng ta tranh luận. Chúng ta cần khiêm tốn học tập kinh nghiệm
của các nước Ðông Âu, sao cho không để xảy ra một cuộc nội chiến trong tương
lai. Bởi vì trình độ nhận thức chính trị lạc hậu của nhân dân và mức độ bảo thủ
ghê gớm của Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ làm cho quá trình dân chủ ở nước ta diễn
ra khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với các nước Ðông Âu. Và nếu không đủ tỉnh
táo và lòng can đảm để làm chủ tình hình, sẽ dễ dành dẫn đến một cuộc nội chiến
tàn khốc. Những chính sách kinh tế, mà Ðảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện ở nước
ta trong một vài năm trở lại đây như: công nhân nền kinh tế đa thành phần ...
đã không tương ứng với cơ chế một đảng độc đoán. Trên thực tế đó là phương án
Trung Quốc, sẽ không tránh khỏi dẫn đến quá trình phát xít hóa hệ thống độc tài
Cộng Sản, và là nguyên nhân của những bất công ngang trái đang diễn ra hàng
ngày trên đất nước chúng ta. Bối cảnh chính trị hiện tại của Việt Nam có gì đó
gần giống nước Tây Ban Nha Phát xit. Phải chăng chúng ta cũng sẽ lặp lại qúa
trình tan rã này, chấp nhận một "phương án Tây Ban Nha". Bở bì do những
hạn chế dân tộc "phương án Đông Âu" khó lòng tái diễn thành công ở Việt
Nam. Có thể nói rằng "Chế Độ Phát Xít" là bản án tử hình cho mọi chế
độ độc tài. Bởi vì tác phẩm này giúp chúng ta nhìn thấu cấu trúc nội tạng của
con quỷ độc tài, chỉ rõ bản chất vô nhân đạo, được che dấu đàng sau cái mặt nạ
giả nhân, bất kể đó là mặt nạ phát xít hay Cộng Sản. Hơn thế nữa, "Chế Độ
Phát Xít" vạch ra những khả năng, những con đường đế xóa bỏ chế độ độc
tài; đồng thời chứng minh một cách lôgíc và khoa học sự diệt vong tất yếu của
nó. PHẦN MỞ ĐẦU Ðáng lẽ, do khoảng thời gian rất dài cuối chiến tranh thế giới
thứ hai và những thế hệ mới ở cuối thế kỷ này, chủ đề phát xít sẽ ít được chú
ý, nhưng chúng ta quan sát thấy một xu thế hoàn toàn ngược lại. Chủ nghĩa phát
xít như hệ tư tưởng, như chế độ chính trị và hiện thực xã hội, ngày càng được
các nhà nghiên cứu quan tâm. Tài liệu về chủ đề này có thể chất cao như núi. Rõ
ràng, nguyên nhân của hiện tượng đặc biệt này không thể giải thích bằng mối
quan tâm đến lịch sử quá khứ. Tồn tại nhiều nguyên nhân chính trị và xã hội, bắt
rễ trong những điều kiện phức tạp của thế kỷ 20 có thể giải thích được điều
này: Một bộ phận đáng kể những người đương thời và cùng cộng tác với chế độ
phát xít vẫn đang còn sống; chiến tranh đã thay đổi số phận của họ và để lại những
dấu ấn không thể phai mờ. Ðối với những người này, nghiên cứu về chế độ phát
xít được xem như là mô tả về cuộc đời, cuộc đấu tranh và những khổ đau của họ .
Rất nhiều nơi trên hành tinh xuất hiện có tính chất định kỳ các chế độ cảnh sát
quân sự, sử dụng thẳng thừng những biện pháp chính trị của chế độ phát xít (kiểu
hủy diệt các đối thủ chính trị của Pinoche, chính sách diệt chủng ở Campuchia).
Những chế độ này có xu hướng tiến tới hiện tượng quái dị được gọi là chế độ
phát xít. Bối cảnh quốc tế phức tạp, mâu thuẫn thế giới càng ngày càng tăng và
mối đe dọa đối đầu gữa các nước có vũ khí hạt nhân khiến chúng ta nhớ lại những
bài học của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, mà châm ngòi là các nước phát
xít; càng làm chúng ta quan tâm đến chủ đề phát xít. Sau cùng để xác định những
di sản văn hóa và nhận định đúng chu kỳ chuyển động và phát triển phức tạp của
xã hội văn minh, chúng ta cần quan tâm đến chủ đề phát xít, vì biết đâu nó chưa
bị hủy diệt triệt để và cần phải nhổ tận gốc một lần chót mọi mầm mống của nó.
Rõ ràng, còn có thể tồn tại nhiều nguyên nhân khác. Nhưng điều đó càng nhắc nhở
chúng ta rằng, đã đến lúc phải xây dựng một Lý Thuyết Thống Nhất Về Chế Ðộ Phát
Xít, có thể thâu tóm mọi nghiên cứu riêng biệt đã làm. Sự thật là, dù tài liệu
về chủ đề này có thể chất cao như núi, nhưng một lý thuyết thống nhất vẫn chưa
được xây dựng. 1/ Tính thời sự của chủ đề: Ba mươi sáu năm trôi qua, kể từ khi
kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khoảng thời gian này đã xuất hiện
thêm hai thế hệ mới trong cuộc sống loài người. Các thế hệ này không có ấn tượng
cụ thể về chế độ phát xít, mà chỉ hiểu nó qua phim ảnh và sách báo. Vì lý do
này, đối với đa phần thế hệ trẻ, chế độ phát xít được xem như kỳ dị, nhiều hơn
là kinh hoàng. Những nỗi khổ đau, kinh hoàng, những cuộc giết người hàng loạt, đẫm
máu, mà chế độ phát xít đã gây cho các thế hệ tiền bối, đối với họ không còn sống
động và rõ ràng như đối với những người đương thời. Thời gian đã có tác động của
nó. Ðấy là lẽ đương nhiên. Những gì xảy ra hôm nay, ngày mai đã trở thành lịch
sử. Không thể bắt thế hệ trẻ sống với quá khứ, với khổ đau và hy sinh của thế hệ
trước đó. Họ có những nhiệm vụ mới, đeo đuổi mục đích mới. Nếu không, làm sao
có thể phân biệt được họ với các thế hệ tiền bối. Nhưng cũng chính tại đây chứa
đựng một mối nguy hiểm khôn lường. Bởi vì, cách sống này chỉ sinh ra ảo tưởng tốt
đẹp, làm lu mờ những mối nguy hiểm to lớn nhất của thời đại, trong khi đó rõ
ràng chủ nghĩa phát xít không chỉ là lịch sử . Chủ nghĩa phát xít tồn tại cả ở
thời kỳ hiện đại như một mối đe dọa thực sự .Rất nhiều sự việc khiến chúng ta
phải liên tưởng tới nó. Gần đây là cuộc đảo chính không thành công nhằm phục hồi
chế độ phát xít ở Tây Ban Nha, do những phần tử cận vệ dân tộc tiến hành bằng
cách tấn công vào quốc hội. Vụ mưu sát Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan cho thấy
có liên quan đến đảng Quốc Xã Mỹ, tồn tại gần như tự do ở đất nước này. Rất nhiều
đảng phái, nhóm quốc xã cận phát xít tồn tại công khai ở các nước Tây Âu. Hiện
nay những đảng này đang còn yếu và chưa gây ảnh hưỏng lớn đến đời sống chính trị,
nhưng không phải là không nguy hiểm. Một số trong những đảng này tổ chức huấn
lyện và vũ trang quân sự cho đảng viên, số khác tổ chức những cuộc gặp gỡ và hội
nghị quốc tế, những cuộc diễu hành trên đường phố và hát những bài hát phát
xít, đập phá tượng đài chống phát xít, tấn công nhà thờ người Do Thái, gây tội
ác với người da màu. Hiện tượng đặt bom nổ chậm ở những nơi công cộng trở thành
phổ biến, làm thiệt hại tính mạng cả những người hoàn toàn vô tội. Ở các nước
phương Tây xuất hiện thường xuyên khi thì mốt râu, khi thì mốt tóc cuả Hitler.
Chúng tôi cho rằng vấn đề khả năng phục hồi chế độ phát xít cần phải đặt ra và
giải quyết trên cơ sổ khoa học nghiêm túc, chứ không thể bằng hình thức hoặc
tuyên truyền. Nhưng trước tiên cần phân biệt giữ vấn đề tuyệt diệt của chủ
nghĩa phát xít trên quan điểm chính trị và lịch sử. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa
phát xít đã bị tuyệt diệt và không thể nói đến khả năng phục hồi. Ðiều đó có
nghĩa rằng, như hệ tư tưởng và thực tiễn chính trị được tô vẽ như con đường mới
mẻ của loài người, như một trật tự mới cho thế giới và mang ý nghĩa cao đẹp hơn
về cuộc đời, chủ nghĩa phát xít đã bị phá sản hoàn toàn và không thể tái sinh!
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là sau phiên tòa
Nuernberg, các dân tộc được chứng kiến những tư liệu khổng lồ về tội ác của chế
độ phát xít; do đó, nó không còn có thể thu hút bất kỳ dân tộc nào. Ðối với
loài người, chủ nghĩa phát xít là một thứ tư tưởng phản động, suy đồi.Trong thời
đại chúng ta, chủ nghĩa phát xít đồng nghĩa với đồi bại nhất về chính trị và
tinh thần. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng, trên quan điểm lịch sử chế độ
phát xít đã bị tuyệt diệt hoàn toàn! Nhưng từ đó không thể suy ra rằng, trên
quan điểm chính trị nó cũng đã bị tuyệt diệt, rằng trong những điều kiện nhất định
giới cầm quyền chóp bu của một nước nào đó sẽ từ chối không dám xử dụng những
vũ khí chiến lược của chủ nghĩa phát xít.Không ai có thể đảm bảo được điều này.
Hơn thế nữa, những người theo dõi tình hình chính trị đều không chỉ một lần quan
sát thấy những âm mưu tương tự của các tập đoàn quân sự giành chính quyền thông
qua đảo chánh. Chế độ chính trị của Pinoche là một dẫn chứng mới mẻ nhất. Về mặt
Chính Trị, khả năng tuyệt diệt của chủ nghĩa phát xít có cơ sở sâu xa trong
lĩnh vực kinh tế, trong quá trình tập trung, thâu tóm tư bản và sở hữunhững đặc
trưng của chủ nghĩa đế quốc. Ở đây không muốn nói về những hiện tượng lỗi thời,
mà về xu hướng khách quan của giới tư bản lũng đoạn. Mức độ tập trung và thâu
tóm phương tiện sản xuất vào tay bọn tư bản kếch xù và nhà nước càng lớn bao
nhiêu, tiềm lực kinh tế của chúng càng hùng hậu bao nhiêu, thì khả năng hủy diệt
những tư tưởng tự do và triệt tiêu quyền tự do chính trị, quyền tự do công dân
càng dễ xảy bấy nhiêu, rồi từ đó dẫn đến độc tài phát xít. Cách đây 60 mươi
năm, Lênin đã giành sự chú ý cho vấn đề này trong Chủ Nghĩa Ðế Quốc và nhiều
công trình khác: việc thay thế cạnh tranh tự do bằng thống soái trong nền kinh
tế tương ứng với việc thay thế nền dân chủ tư sản bằng chế độ chính trị phản động
tại thượng tầng kiến trúc. Nói cách khác, độc đoán trong nền kinh tế tất yếu sẽ
dẫn đến độc đoán trong chính trị và mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Và
như chúng ta đã biết, độc đoán trong chính trị chỉ có độc một hình thái duy nhất:
chuyên chính độc tài. Tất nhiên khả năng về chuyên chính phát xít không phải
bao giờ cũng được hình thành trong đời sống chính trị, nhưng nó tồn tại một
cách khách quan và trong những bối cảnh mâu thuẫn xã hội gay gắt ở thời đại
chúng ta thì điều đó không phải là không nguy hiểm. Xu hướng độc tài hóa trong
thế giới hiện đại mạnh đến mức ngay cả những nền dân chủ tư sản truyền thống
cũng không còn được bảo tồn như ở thế kỷ 19; trong đời sống chính trị của những
nước này thường xuất hiện những hành động và sự kiện gần với chuyên chính hơn
là dân chủ . Tính thời sự của chủ đề này còn được xác định từ một vấn đề khác:
sự cần thiết phải diễn giải cấu trúc, những quy luật, cơ cấu và đòn bẩy ẩn giấu
trong nhà nước phát xít. Thiếu cái đó, sẽ không thể giải thích được bằng cách
nào mà chế độ phát xít, đặc biệt là phát xít Ðức, với hệ tư tưởng phản động và
phản khoa học của nó, có thể lôi cuốn tất cả các dân tộc châu Âu, biến họ thành
những công cụ cho những mục đích tội lỗi; không thể hiểu được hệ thống chính trị
man rợ, mị dân, ngu dân, vô lương tâm, vô nhân đạo đã biến hàng nhiều triệu
công dân tự do, hàng triệu những người lạc hậu, phục tùng mù quáng thành một đội
quân hỗn tạp Tamerlanov hiện đại, đe dọa hủy diệt nền văn minh nhân loại. Chúng
ta biết rất nhiều về những tội ác của chế độ phát xít (trại tập trung cải huấn,
lò hơi độc, thiêu hủy sách báo tiến bộ, v.v...), nhưng biết quá ít về cơ cấu bộ
máy nhà nước phát xít đã gây ra những tội ác này. Chúng ta cũng biết rất nhiều
về "chế độ phát xít man rợ", nhưng hầu như không biết gì về chế độ
phát xít bình thường, mà từ đó mới phát triển thành chế độ phát xít man rợ .Bởi
vậy khi nghiên cứu những vấn đề này, không thể xem đã đầy đủ nếu chỉ kết luận rằng,
chế độ phát xít là nền chuyên chính của các tầng lớp đế quốc phản động nhất (tất
nhiên điều này hoàn toàn đúng), mà cần thiết phải phát triển rộng hơn nữa: tìm
hiểu chi tiết nền chuyên chính phát xít như hệ thống chính trị và hình thái
chính quyền. 2/ Những định nghĩa về chủ nghĩa phát xít: Trong những giai đoạn
khác nhau, rất nhiều định nghĩa về chủ nghĩa phát xít đã được đưa ra, dựa trên
những cơ sở khác nhau. Vào năm 1921, sau sự kiện "Tiến Về Thành
Rôma", bọn phát xít Italia cướp được chính quyền, rất nhiều nhà macxit đã
xem đó như là một cuộc cách mạng tiểu tư sản. Ngay từ năm 1923, X.M. Bronxci đã
xem đó như là một "cuộc cách mạng tiểu tư sản" và "cuộc đấu
tranh đòi quyền tự chủ của các tầng lớp trung lưu". Theo L. Longo, trong
nhận thức lúc bấy giờ của những người cộng sản và những người xã hội Italia,
phong trào phát xít được xem như "kết quả cuộc bạo loạn của giai cấp tiểu
tư sản, do nó bị chèn ép giữa giới đại tư sản và phong trào công nhân".
Sau năm 1926, khi bọn phát xít Italia xây dựng hệ cơ cấu nhà nước đặc biệt, và ở
chân trời đã xuất hiện thắng lợi của phong trào quốc xã Ðức phản động hơn nhiều,
người ta cũng bắt đầu thêm vào định nghĩa về chủ nghĩa phát xít tính chất phản
cách mạng của nó. Vào năm 1942, Ẹ Telman định nghĩa chủ nghĩa phát xít như
"cuộc phản cách mạng vũ trang, thể hiện như một phong trào quần chúng, được
chuyển thành những tổ chức hitlerist". Nhà sử học người Italia, Dele
Piane, gọi chủ nghĩa phát xít là "cuộc phản cách mạng triệt để"; còn
L. Longo thì xem đó là "một trong những hình thái phản cách mạng triệt để".
Vào những năm 1940, người Cộng Cản Pháp J. Politxer, định nghĩa chủ nghĩa phát
xít như "cuộc cách mạng phản động nhất trong lịch sử" và "cuộc
phản cách mạng của thế kỷ 20". Evgeni Cocx : "Cuộc cách mạng phản động".
E. Franxel : "Cuộc cách mạng cánh hữu". Erikh Hex : "Chủ nghĩa
phong kiến công nghiệp". Herman Rausing : "Cuộc cách mạng cuả chủ
nghĩa hư vô", và "Cuộc cách mạng phủ định". Uinxtun Trurtrin :
"Chủ nghĩa phát xít là cái bóng hay con đẻ của chủ nghĩa Cộng Sản?".
Giáo sư triết học và xã hội học Luidji Xturxo: "Thực chất nước Nga và nước
Italia chỉ có một khác biệt nhỏ: cụ thể là chủ nghĩa Bonsevist hay chuyên chính
Cộng Sản là chủ nghĩa phát xít tả, còn chủ nghĩa phát xít hay chuyên chính bảo
thủ là chủ nghĩa Bonsevist hữu. Nước Nga Bonsevist sinh ra huyền thoại Lenin,
còn nước Italia phát xít sinh ra huyền thoại Muxolini". L. Mumford cho rằng
cội rễ của chủ nghĩa phát xít phải tìm "Trong tâm hồn con người chứ không
phải trong cội rễ kinh tế". Vilhelm Raikh: "Là sự thể hiện cấu trúc
phi lý của con người đã bị bóp méo, trở nên đần độn". Cần phải nói rằng,
trong tất cả những định nghĩa trên đây đều chứa đựng một phần sự thật của vấn đề.
Chúng phản ánh những khía cạnh riêng biệt của một hiện tượng chính trị có thật,
được gọi là chủ nghĩa phát xít. Bởi vì chủ nghĩa phát xít đồng thời vừa là
"phong trào quần chúng", "cuộc cách mạng tiểu tư sản",
"cuộc cách mạng cánh hữu", "cuộc cách mạng triệt để",
v.v... Nhưng trong tất cả các định nghĩa trên không có một định nghĩa nào cho
thấy được cội rễ sâu xa và bản chất đặc biệt của chủ nghĩa phát xít. Tại đại hội
lần thứ 7 của quốc tế cộng sản, chủ nghĩa phát xít được định nghĩa như: "Nền
chuyên chính khủng bố trắng trợn của những phần tử đế quốc phản động và sô-vanh
nhất trong giới tư bản tài chính". Giới tư bản tài chính là cội rễ của chủ
nghĩa phát xít và xác định cương linh của nó. Thiếu sự có mặt của giới tư bản
tài chính, chủ nghĩa phát xít sẽ đánh mất bản chất, đặc điểm và nội dung chính
trị của mình. Thiếu sự có mặt của giới tư bản tài chính, chủ nghĩa phát xít
không thể trở thành một phong trào dân tộc sâu rộng và không thể cướp chính quyền.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa phát xít xuất hiện trong thời đại đế quốc,
trong điều kiện của cuộc khủng khoảng xã hội sâu sắc, đe dọa sự tồn tại của hệ
thống tư bản chủ nghĩa. Trong lịch sử đã từng có các phong trào quần chúng của
giai cấp tư sản và sinh ra chủ nghĩa Bonapac, nhưng không phải là chủ nghĩa
phát xít. Cho đến nay, định nghĩa của Quốc tế Cộng sản, trong diễn văn của
Georgi Ðimitrov tại Ðại Hội Quốc Tế Cộng Sản lần thứ 7 năm 1935, vẫn là định
nghĩa sâu sắc nhất về chủ nghĩa phát xít, thể hiện được bản chất xã hội và giai
cấp của hiện tượng này.Tuy nhiên, thật sai lầm nếu như cho rằng định nghĩa của
Quốc tế Cộng sản đã thâu tóm được mọi khía cạnh đặc biệt của chủ nghĩa phát
xít. Trong định nghĩa này còn thiếu hẳn cơ cấu chính trị đặc biệt và hình thái
chuyên chính đặc thù, mà nếu không có chúng thì không bao giờ có thể cắt nghĩa
được sức mạnh quỷ quái cuả các nhà nước phát xít, những kẻ đã châm ngòi cho cuộc
chiến tranh thế giới thứ hai đẫm máu với mức độ khủng bố và tội ác đối với loài
người đã đạt tới đỉnh điểm chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Rõ ràng rằng,
chế độ phát xít trước hết là chính quyền, là nền chuyên chính của giới tư bản
tài chính và đây là đặc thù xã hội giai cấp cụ thể nhất của nó, nhưng cũng rõ
ràng rằng, trong tất cả những nước tư bản phát triển, chính quyền nhà nước là
chính quyền của giới tư bản tài chính với những hạn chế nhất định về dân chủ,
quyền tự do công dân, tự do chính trị ... Ðiều này đúng cho tất cả các nước tư
bản phát triển trong thế giới hiện đại. Nhưng chỉ trên cơ sở đó, không ai có thể
khẳng định rằng, tại các nước này đang hiện hành chế độ phát xít, rằng hình
thái nhà nước là chuyên chính phát xít. Ðiều đó chứng tỏ, định nghĩa chế độ
phát xít như chính quyền, như chuyên chính của giới tư bản tài chính, dù thể hiện
được nội dung cơ bản nhất của hiện tượng này, vẫn chưa thâu tóm được toàn bộ bản
chất của nó. Cần phải thêm vào định nghĩa này cơ cấu chính trị đặc biệt và hình
thái chuyên chính đặc thù, mà chính quyền của giới tư bản tài chính đã được cấu
thành trong những điều kiện khủng khoảng xã hội tổng thể không bao giờ còn có
thể xảy ra giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Ở đây không chỉ nội dung giai cấp,
mà cả hình thái chuyên chính đặc thù cũng là khía cạnh đáng kể cuả vấn đề. Sự
thống nhất hai đặc tính này phản ánh bản chất đặc biệt của chế độ phát xít. Việc
thiếu mất khía cạnh "hình thức" này trong định nghĩa của Quốc tế Cộng
Sản kể cũng là lạ, bởi vì tất cả những nhà tư tưởng của Quốc Tế Cộng Sản đều đã
từng quan tâm nghiêm túc đến dấu hiệu này của chế độ phát xít. Như chúng ta sẽ
thấy trong những mục tới, ngay từ phiên tòa Laixich, G. Ðimitrov đã giành sự
chú ý đặc biệt đến cơ cấu chính trị đặc biệt và đặc thù độc tài của nhà nước quốc
xã. P. Toliati trong "Những Bài Giảng Về Chủ Nghĩa Phát Xít" đã phân
tích rất chi tiết về cơ cấu cuả chế độ phát xít Italia, đã nhìn thấy thực chất
đặc thù độc tài đặc biệt cuả nó. Và dựa trên tính chất đặc biệt này của chuyên
chính phát xít, các nhà Mác-xít như E. Telman, L. Longo, V. Pic, v.v... đã thử
giải thích một vài hiện tượng trong đời sống chính trị của những nhà nước này,
những hiện tượng có vẻ như là khác lạ, khó nhận biết, nếu đặt chúng ra khỏi cấu
trúc của các hệ thống chính trị này. Như vậy chúng ta có thể nói, dấu hiệu độc
tài là khía cạnh đặc biệt quan trọng của chuyên chính phát xít, phản ánh được bản
chất chính trị của nhà nước này, và vì thế, nó cần được thể hiện trong định
nghĩa về chế độ phát xít. Trong trường hợp đó, định nghĩa của Quốc Tế Cộng Sản
cần đuọc bổ xung như chính quyền độc tài, nền chuyên chính độc tài của giới tư
bản tài chính, của bộ phận tư bản tài chính phản động nhất. Vấn đề cụ thể ở đây
là chuyên chính độc tài - không phải chuyên chính quân sự, hay chuyên chính uy
tín, mà là chuyên chính độc tài. 3/ Khái niệm về nhà nước độc tài: Những người
sáng lập nhà nước phát xít xử dụng thuật ngữ "nhà nước độc tài" trước
tiên. Muxolini định nghĩa nhà nước độc tài là "nhà nước thâu tóm trong
mình toàn bộ sức mạnh, quyền lợi và hy vọng cuả một dân tộc". Pau
Riterbus, một trong những nhà lý luận quốc xã, đã định nghĩa: "Nhà nước độc
tài là nhà nước, mà với sự giúp đỡ của nó, một đảng hoặc một hệ tư tưởng được
nâng lên thành tổng thể, thành xu hướng đặc biệt trong xây dựng chính trị của đời
sống dân tộc. Nhà nước độc tài là sự phá vỡ mang tính nguyên tắc khái niệm
tương đối, trong đó bao hàm một vấn đề là bất cứ một đảng phái nào cũng chỉ chứa
đựng một sự thật tương đối". Tại tòa án Niurnberg, Speer, Bộ trưởng Bộ Chiến
Tranh trong chính phủ Hitler, đã đánh giá nhà nước độc tài như nguyên nhân quan
trọng nhất gây nên thảm họa cho nhân dân Ðức: "Nhưng mối nguy hiểm ghê gớm,
chứa đựng trong nhà nước độc tài, chỉ trở nên rõ ràng ở tận giai đoạn cuối. Hãy
cho phép tôi thể hiện điều này như sau: mãi tận giai đoạn cuối, trong sự tan rã
của chế độ này, mới thấy được mối nguy hiểm ghê gớm đến mức nào ẩn dấu trong những
chế độ như thế, thậm chí kể cả khi chúng ta đặt ra một phía những nguyên tắc tập
trung. Sự kết hợp giữa Hitler và hệ thống chính trị này đã mang lại thảm họa
kinh hoàng cho toàn thế giới". Tại tòa án Niurnberg, Soucrox gọi chính phủ
Hitler là "chính phủ độc tài" vì "không chấp nhận bất kỳ xu hướng
đối lập nào" và hủy diệt mọi quyền công dân và tự do chính trị . Eibl Plen
lên án đảng "Falanga- Tây Ban Nha" như "đội quân hiếu chiến",
"độc tài", xây dựng nhà nước độc tài đồng dạng với nó. Curt Rix mô tả
"hình thái chuyên chính độc tài" như sau: "Ðối với nó, tự do in ấn
và quốc hội bị hủy diệt". A. Mankhatan, khi trích dẫn báo cáo của Ðại sứ
Italia tại Madrid, ngày 25.3.1939, cũng đã nói đến "liên hiệp phát xít
châu Âu bao gồm những nước độc tài trên lục địa này". Thuật ngữ "nhà
nước độc tài" cũng được những tác giả Mác - xít sử dụng khi xác định chế độ
phát xít, đặc biệt là vào những năm cuối cùng của nó. Tại tòa án Laixich,
G.Ðimitrov đã dùng thuật ngữ này trong "Mười Câu Hỏi Cho Các Viên Cảnh
Sát", đồng thời đã xây dựng cho nó một nội dung cụ thể . Chúng ta sẽ trích
dẫn toàn văn câu hỏi thứ mười. "10- Có đúng là trong tình hình căng thẳng
như thế, vụ cháy tòa nhà quốc hội Raihxtaga được sử dụng như nguyên nhân để đàn
áp phong trào công nhân, như công cụ nhằm vượt qua những khó khăn trong
"liên minh dân tộc", nhằm thiết lập "chính quyền độc nhất"
quốc xã và nhằm xây dựng cái gọi là "nhà nước độc tài", nghĩa là dùng
bạo lực hủy diệt mọi đảng phát và tổ chức khác, nhằm "đồng hóa" mọi
công sở nhà nước, kinh tế, quân sự, văn hóa, tôn giáo, thể thao, thanh niên, ấn
loát, tuyên truyền, và những công sở khác, v.v... ?" Nói gọn hơn, theo G.
Dimitrov, nhà nước độc tài là nhà nước có tham vọng: thứ nhất, "dùng bạo lực
hủy diệt tất cả các đảng phái và tổ chức khác"; và thứ hai, nhằm đồng hóa
mọi công sở nhà nước, kinh tế, văn hóa, quân sự, thể thao, thanh niên, tôn
giáo, ấn loát, tuyên truyền, và những công sở khác, v.v...", nghĩa là nhằm
đồng hóa toàn bộ đời sống xã hội. P.Toliati, trong "Những Bài Giảng Về Chủ
Nghĩa Phát Xít" đã xem phát xít Italia như "chế độ độc tài",
"nhà nước độc tài". Với những khái niệm này, Toliati đã nêu bật được
bản chất của chế độ phát xít và xây dựng những nội dung sau: Thiết lập
"chính quyền độc nhất" hay cơ cấu một đảng quyền của chế độ phát xít
bằng cách dùng bạo lực hủy diệt tất cả những đảng phái và tổ chức quần chúng
khác, không kể là cánh tả hay cánh hữu; 1. Ðảng phát xít khống chế nhà nước, biến
nhà nước thành công cụ của nó; 2. Thiết lập hệ thống các tổ chức quần chúng quốc
gia, và thông qua chúng đảng phát xít kiểm soát toàn bộ xã hội công chúng (tổ
chức công đoàn, thanh niên, tổ chức Dopolavoro), v.v..; 3. Thành lập hệ thống hợp
tác xã như cơ sở kinh tế của nhà nước phát xít và "chế độ phát xít"
(Muxolini) tương lai. Trong tác phẩm Sau Franco "Ði Hướng Nào",
Cantiago Carino đã xác định chế độ phát xít Tây Ban Nha như "chính quyền độc
tài" và "chuyên chính độc tài". Trong tác phẩm Tây Ban Nha Thế Kỷ
20 của Hoxe Garxia, chúng ta có thể bắt gặp những nhận định về chế độ phát xít
như "chuyên chính độc tài phát xít tập trung", nhà nước với "đặc
thù độc tài", "chế độ độc tài phát xít", hay "nhà nước độc
tài phát xít", v.v... Như vậy khái niệm "nhà nước độc tài" mang
ý nghĩa như là nhà nước phát xít lý tưởng và thuần nhất cho một nhóm cụ thể những
hiện tượng, để sau đó có thể dùng mô hình này làm cơ sở, đi sâu vào bản chất đặc
trưng của từng hiện tượng riêng biệt. Xây dựng mô hình nhà nước phát xít
"lý tưởng" có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt, nó cho phép chúng ta trong
những trường hợp cụ thể, xác định một nước nào đó có thể xem là nhà nước phát
xít hay không? Và thí dụ, nếu không có mô hình tổng quát về nhà nước phát xít
điển hình, thì không thể phát hiện được "tính chất đặc biệt" của chế
độ phát xít Bungaria. Trước khi xác định tính chất dân tộc đặc biệt của một chế
độ phát xít cụ thể (Bungaria, Rumania, Hunggaria hay Anh), cần phải nhận biết
được thế nào là chế độ phát xít và những dấu hiệu cơ bản của nhà nước này. Trên
cơ sở những phân tích đã nêu, con đường nhiều hứa hẹn nhất để xây dựng được mô
hình nhà nước phát xít lý tưởng là nghiên cứu cấu trúc của các nhà nước phát
xít điển hình, nhằm phát hiện những nét chung tiêu biểu nhất, mà thiếu chúng một
nhà nước cụ thể không thể là phát xít. Bằng phương pháp so sánh, chúng ta thu
được những đặc thù cơ bản sau đây cho một nhà nước độc tài: 1. Thiết lập cơ chế
một đảng quyền bằng cách dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái khác; 2. Sát nhập
đảng phát xít và nhà nước; 3. Ðồng hóa toàn bộ đời sống xã hội; 4. Tư duy uy
tín với tôn thờ lãnh tụ dân tộc; 5. Trại tập trung cải huấn. Tất nhiên, các
nghiên cứu mà tác giả làm ở đây chưa thể giải quyết được ngọn nguồn mọi vấn đề
đặt ra. Mục đích những nghiên cứu này khiêm tốn hơn nhiều: nhằm chỉ ra một hướng
khác trong quá trình nghiên cứu chế độ phát xít và góp phần tiến tới xây dựng
"Lý thuyết thống nhất về chế độ phát xít". (Hết Phần Mở Đầu) PHẦN 1:
CẤU TRÚC CỦA MỘT NHÀ NƯỚC PHÁT XÍT I/ Thiết lập cơ chế một đảng quyền: Thiết lập
cơ chế một đảng quyền bằng cách dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái chính trị
khác là bước đầu tiên của bọn quốc xã, nhằm xây dựng nhà nước độc tài. Quy luật
này cũng đã được thực hiện ở Italia từ năm 1925-1926, và ở Tây Ban Nha năm
1939, nó được xem là dấu hiệu thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa phát xít. Trong
các tài liệu nghiên cứu, thường bỏ qua nguyên tắc cơ bản này của mọi nhà nước
phát xít và do đó đã làm giảm mất một nửa sự thật của vấn đề. Người ta chấp nhận
rằng sau khi nắm được chính quyền, chủ nghĩa phát xít hủy diệt tất cả mọi đảng
phái và tổ chức chính trị, vô sản cũng như tư sản, và thiết lập sự thống soái
toàn diện của đảng mình. Ðiều này có thể minh chứng không chỉ bằng những thực
tiễn lịch sử, mà còn bằng những tài liệu và những tác phẩm công khai của các
lãnh tụ phát xít. Nhận thức sai lầm này xuất phát từ quan niệm là chế độ phát
xít, một khi được xem là chuyên chính của giai cấp tư sản đế quốc, không thể hủy
diệt những đảng phái tư sản, hoặc giả sử tính logic này không được đảm bảo và
chủ nghĩa phát xít tiêu diệt các đảng phái tư sản ở một mặt nào đó thì đây chỉ
là ngẫu nhiên và có thể bỏ qua. Nhưng sự ngẫu nhiên này xuất hiện ở tất cả các
nước phát xít điển hình (Ðức, Italia, Tây Ban Nha), và như một xu thế hiện thực,
nó tồn tại ở cả những nước cận phát xít hay những nước phát xít phục hồi. Hơn
thế nữa, chỉ có những nước thiết lập được cơ chế một đảng quyền mới có thể xây
dựng thành công nhà nước phát xít toàn thiện! Thậm chí để thiết lập cơ chế một
đảng quyền của chế độ phát xít, không phải ở đâu cũng bắt đầu bằng việc hủy diệt
những đảng phái cộng sản và vô sản. Thí dụ ở Italia, chủ nghĩa phát xít đầu
tiên tấn công Ðảng Nhân Dân - đảng của giai cấp tiểu tư sản và tư sản trung
bình. P. Toliate giải thích điều này như sau: "Trước hết đảng phát xít tấn
công những đảng phái có cùng cơ sở quần chúng với nó. Ðảng Nhân Dân vì thế mà bị
tấn công trước Ðảng Cộng Sản Italia... Ðảng Nhân Dân có cùng cơ sở quần chúng với
Ðảng Phát Xít Italia - nó bao gồm những tầng lớp tiểu tư sản, tư sản trung bình
và tầng lớp điền chủ, nghĩa là những tầng lớp mà Ðảng Phát Xít cũng muốn thống
nhất trong đội ngũ của mình để trở thành một đảng quần chúng". Ở Ðức, sự
việc diễn ra theo một tiến trình khác. Thiết lập cơ chế một đảng quyền ở đây bắt
đầu bằng việc hủy diệt Ðảng Cộng Sản Ðức vì những nguyên nhân tương tự . Ðây là
đảng mạnh nhất, có thể dễ dàng tổ chức những cuộc đấu tranh. Nhưng sau khi đã
tiêu diệt được kẻ thù nguy hiểm nhất, chủ nghĩa phát xít không ngần ngại tiêu
diệt mọi đảng phái còn lại, không từ một đảng nào. Sau khi hủy diệt mọi đảng
phái chính trị và các tổ chức quần chúng - quá trình này kéo dài đến mùa hè năm
1933 - ngày 14.7.1933, chính phủ quốc xã ban hành sắc luật công nhận sự thống
soái tuyệt đối của ASDAP (Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức - ND). Ðiều luật này cấm
phục hồi những đảng phái chính trị đã bị tan rã và cấm thành lập những đảng
phái mới: "Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức là đảng phái chính trị duy nhất ở Ðức.
Kẻ nào còn bảo vệ cho cơ cấu những đảng phái chính trị khác hoặc có ý định
thành lập những đảng phái chính trị mới, sẽ bị phạt lao động khổ sai tới 3 năm,
hoặc bị phạt tù trong ngục tối từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp cố tình vi phạm
luật, sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn". Ở đây chỉ được phép tồn tại những tổ
chức quần chúng do Ðảng Quốc Xã tạo ra, chấp nhận cương lĩnh, điều lệ, và hoạt
động dưới sự kiểm soát, lãnh đạo của nó. Trong tài liệu hướng dẫn lãnh đạo đảng,
vấn đề này được nêu rõ như sau: "Ở Ðức chỉ tồn tại các tổ chức tin tưởng
vào những nguyên tắc tập trung và sự hiểu biết quốc xã về nhà nước và nhân dân
trong ý nghĩa quốc xã nhất của từ này, những tổ chức tự xem mình là một bộ phận
của đảng, được đảng thành lập và chịu sự kiểm soát của đảng cả ở hiện tại và
tương lai. Tất cả những cơ sở muốn được tự lập là những tổ chức lạc loài, hoặc
phải đi theo đảng, hoặc phải biến khỏi đời sống xã hội". Rõ ràng không còn
có thể nghi ngờ vào quyết tâm thiết lập cơ chế một đảng quyền của NSDAP. Giới
lãnh đạo quốc xã chóp bu nhận thức được giá trị vô cùng quan trọng của cơ chế một
đảng quyền trong cấu trúc chế độ này. Vì vậy, mọi ý đồ chống lại nguyên tắc
này, nhằm phục hồi nền dân chủ tư sản với cơ chế đa đảng bị xem là phá hoại nền
an ninh quốc gia và bị trừng phạt dã man, tàn bạo như những biểu hiện chống đối
nhà nước, chống đối nhân dân, bởi vì chuyên chính khủng bố không thể tồn tại
lâu dài, nếu không dựa trên cơ chế một đảng quyền. Ngày 19.4.1943, tại phiên
tòa xử nhóm sinh viên chống phát xít Bông Hồng Trắng, một trong những lời buộc
tội nặng nề nhất với Curt Huber - Giáo sư khoa triết học trường đại học Miuhen,
là ông đã chứng minh cho các sinh viên thấy sự cần thiết phải phục hồi nền dân
chủ và cơ chế đa đảng ở Ðức. Vì tội lỗi này, giáo sư Curt Huber đã bị tuyên án
tử hình. Tầm quan trọng của nguyên tắc một đảng quyền trong cấu trúc chế độ
phát xít, cũng được những người âm mưu đảo chính ngày 20.7.1944 đánh giá rất
cao. Dù nhận thức của các tướng lĩnh còn rất xa những nguyên tắc của nền dân chủ,
họ cũng đã đi đến kết luận là phải hủy diệt sự thống soái của đảng quốc xã. Kế
hoạch của họ bao gồm: tước vũ khí các đội SS - cảnh sát riêng của Ðảng Quốc Xã
và bắt giữ ban lãnh đạo của nó. Tham vọng thiết lập cơ chế một đảng quyền của bọn
quốc xã - bước đầu tiên quan trọng nhất khi xây dựng nhà nước độc tài - còn có
thể nhìn rõ hơn trong những dẫn chứng lịch sử. Trước hết bọn quốc xã tấn công Ðảng
Cộng Sản. Vụ cháy tòa nhà quốc hội Raihxtaga đêm 27 rạng ngày 28.2.1933 được sử
dụng như tín hiệu cho tội ác toàn diện chống lại những cán bộ lãnh đạo và tổ chức
cộng sản. Chỉ riêng đêm ấy, có tới 10 nghìn người bị bắt, trong đó đa phần là
những người cộng sản. Ngày hôm sau chính phủ quốc xã cấm tất cả những cơ sở ấn
loát cộng sản. Tại Berlin, các đội mật vụ chiếm tòa nhà Carl Libeneht và biến
nó thành trụ sở của cảnh sát chính trị. Cùng ngày, chính phủ quốc xã ban hành
hai sắc lệnh, về hình thức để chống "âm mưu cộng sản" nhưng thực chất
là chuẩn bị cơ sở nhằm hủy diệt mọi đảng phái chính trị ở Ðức: sắc lệnh
"Chống Ðảo Chính Nhà Nước và Những Hành Ðộng Phản Bội", và sắc lệnh
"Bảo Vệ Nhân Dân". Trong sắc lệnh thứ hai có đoạn viết: "Các điều
114,115,117,118,123, và 125 của Hiến pháp nước Ðức cần được sửa đổi cho phù hợp
với tình hình mới. Vì vậy việc hạn chế những quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận,
tự do in ấn, tự do thành lập hiệp hội, tự do hội họp, phá vỡ bí mật thư từ, điện
tín, điện thoại, và việc hạn chế những quyền sở hữu sẽ được thực hiện không cần
phụ thuộc vào khuôn khổ pháp luật đã ban hành". Những sắc lệnh này trên
ngôn từ là cấm Ðảng Cộng Sản, nhưng thực tế đã đặt nó ra ngoài vòng pháp luật.
Ngày 3.3.1933, Ernxt Telman bị bắt tại cơ sở bí mật của ông ta ở Sarlotenburg.
Hai thành viên trung ương đảng- Valter Stecer và Ernxt Snele cũng bị bắt. Bị mất
ban lãnh đạo, bị cấm in ấn, bị theo dõi, bị khủng bố gắt gao, Ðảng Cộng Sản
không còn giữ được vai trò như một lực lượng chính trị thực sự . Ðảng thứ hai
mà chủ nghĩa phát xít tiêu diệt là Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức. Lịch sử hủy diệt đảng
này là minh chứng hùng hồn cho luận điểm của chúng ta về tham vọng thiết lập cơ
chế một đảng quyền cuả bọn quốc xã bằng bất kỳ giá nào. Tiêu diệt Ðảng Xã Hội
Dân Chủ Ðức cũng bắt đầu bằng việc cấm cơ quan ngôn luận của đảng này hoạt động.
Hàng nghìn công nhân dân chủ xã hội bị bắt. Sau cuộc bỏ phiếu tại toà nhà quốc
hội Raihxtaga ngày 5.3.1933, chín nghị sỹ xã hội dân chủ cũng bị bắt. Cánh hữu
trong ban lãnh đạo của Ðảng Xã Hội Dân Chủ (Velx, Stampfer) vẫn nuôi ảo tưởng
vào chế độ mới, rằng sau khi Hitler đàn áp xong Ðảng Cộng Sản và cánh tả của Ðảng
Xã Hội Dân Chủ, thì sẽ dừng khủng bố, chính quyền quốc xã sẽ điều hành chính
quyền theo luật pháp, và Ðảng Xã Hội Dân Chủ sẽ giữ được vị trí của mình như
"xu hướng chính trị công khai". Báo Forbertx - cơ quan ngôn luận của
Ðảng Xã Hội Dân Chủ trong số ra ngày 26.3.1933 có đoạn viết: "Thắng lợi của
các đảng phái chính phủ (ở đây muốn nói đến bọn quốc xã và dân tộc Ðức - JJ) tạo
cho họ khả năng điều hành đất nước chặt chẽ theo hiến pháp, họ chỉ còn hoạt động
như một nhà nước pháp quyền. Từ đó suy ra rằng, chúng ta sẽ tồn tại như xu hướng
công khai. Chúng ta chỉ cần hạn chế vai trò công kích". Thậm chí cơ quan
ngôn luận của Ðảng Xã Hội Dân Chủ còn muốn được công nhận công lao của đảng
mình trong việc đưa Hitler lên nắm chính quyền. Báo Fornertx, số ra ngày
3.3.1933 đã viết cho Hitler như sau: "Thưa Ngài, Ngài gọi chúng tôi là những
kẻ phạm tội tháng 11 nhưng về phía Ngài, có thể nói là Ngài thuộc về các tầng lớp
công nhân không (?!), nếu không có chúng tôi, liệu Ngài có thể trở thành Quốc
Trưởng được không? Ðảng Xã Hội Dân Chủ đã mang lại cho những người công nhân
quyền bình đẳng và kính trọng. Chỉ với sự giúp đỡ của chúng tôi, thưa Ngài
Adolf Hitler, Ngài mới có thể trở thành Quốc Trưởng". Ban lãnh đạo quốc xã
đã sử dụng cả ảo tưởng này của những người đứng đầu Ðảng Xã Hội Dân Chủ cánh hữu
để ru ngủ dư luận quốc tế về những hành động khủng bố công chúng. Ðích thân
Hitler yên cầu những người này dùng quan hệ quốc tế của họ, để giúp ông ta gạt
bỏ nhận thức "sai lầm" xung quanh việc đàn áp, khủng bố ở Ðức. Các thủ
lãnh xã hội dân chủ chấp nhận yêu cầu này, cử đại diện ra nước ngoài, tác động
với diễn đàn dân chủ thế giới nhằm dập tắt những công kích nhằm chống lại chính
phủ quốc xã. Trên tờ báo Chính Trị ngay lập tức xuất hiện bài phê bình của nhà
xã hội dân chủ Herx, trong đó có đoạn viết: "Những tin tức lừa bịp về khủng
bố quốc xã, đăng trên các báo nước ngoài, chỉ gây ảnh hưởng xấu đến nền dân chủ
nước Ðức. Tôi sẵn sàng tuyên bố, rằng chúng tôi, những người xã hội dân chủ Ðức,
phản đối những thông tin lừa bịp về tội ác của những người quốc xã là hoàn toàn
sai sự thật". Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức còn đi xa hơn nữa. Khi
Ðệ Nhị Quốc Tế họp xét xử những vụ khủng bố quốc xã, đại diện Ðức Oto Velx đã bỏ
ra ngoài và Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức chính thức từ bỏ Ðệ Nhị Quốc Tế.
Ðể tỏ rõ nguyện vọng từ bỏ chế độ mới và để giữ cho đảng mình khỏi bị tan rã,
Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ khai trừ hàng loạt đảng viên và loại bỏ những
tổ chức phụ thuộc tuyên bố chống khủng bố và yêu cầu đảng này mở cuộc đấu
tranh. Tất cả những tổ chức thanh niên xã hội dân chủ Berlin đã bị giải tán.
Tháng 4.1933, Ðảng Xã Hội Dân Chủ tiến hành đại hội, bầu lại Ban lãnh đạo và đồng
thời khai trừ tất cả những thủ lĩnh đảng đã tố cáo những cuộc khủng bố quốc xã
và đang sống tị nạn ở nước ngoài. Và tất cả những điều này xảy ra cùng một thời
điểm, khi hàng nghìn thành viên xã hội dân chủ bị ném vào nhà tù và trại tập
trung. Nhưng điều đó cũng không cứu được Ðảng Xã Hội Dân Chủ khỏi bị tiêu diệt.
Ngày 10.5.1933, chính phủ quốc xã ban hành sắc lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của
Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức và những tổ chức phụ thuộc. Ngày 22.6.1933, Ðảng Xã Hội
Dân Chủ bị buộc tội là "kẻ thù của nhân dân và nhà nước ", và bị giải
tán theo sắc luật ban ngày 28.2.1933, cấm đảng này không được tuyên truyền, tổ
chức hội họp, phát hành báo chí. Sau đó Bộ trưởng Nội Vụ Fric, với sắc lệnh đặc
biệt, buộc tội toàn bộ các nghị sĩ dân chủ xã hội là không trung thực, và Ðảng
Xã Hội Dân Chủ bị loại ra khỏi vũ đài chính trị. Và giống như là điều vẫn thường
xảy ra với một đảng chính trị bị tan rã trong điều kiện bị khủng bố gắt gao, một
bộ phận các thủ lĩnh và đảng viên xã hội dân chủ đi theo chính quyền, cố gắng
phục vụ cho nó hòng chiếm lòng tin và sửa chữa "sai lầm" quá khứ; số
khác vẫn bảo vệ quan điểm chính trị của mình, bị chết mỏi mòn trong các trại tập
trung cải huấn và nhà tù hoặc phải sống tị nạn ở nước ngoài. Nhưng điều quan trọng
trong trường hợp này là, mặc dù đã tỏ rõ sự đầu hàng, sẵn sàng phục vụ chế độ mới,
sẵn sàng tuân theo và phục vụ mọi yêu cầu của nó, Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức vẫn
không tránh khỏi bị hủy diệt. Ðiều đó chứng tỏ, ngay từ đầu bọn phát xít đã có
tham vọng giành quyền thống soái chính trị tuyệt đối cho đảng mình, rằng mục
đích của chúng là cơ chế một đảng trị, chứ không phải là liên minh chính trị .
II/ Sát nhập giữa đảng và nhà nước phát xít: Sự thống nhất toàn diện của đảng
và nhà nước là bước đầu quan trọng thứ hai trong quá trình xây dựng chế độ độc
tài của chủ nghĩa phát xít. Nó liên quan chặt chẽ đến bước thứ nhất- thiết lập
cơ chế một đảng trị - đến mức có thể xem như sự tiếp diễn của bước này. Không
thể khẳng định triệt để sự thống soái chính trị của một đảng phát xít, nếu sau
đó đảng này không tự đồng nhất với nhà nước, không biến nhà nước thành sở hữu của
riêng mình hay ít ra là thành công cụ thống soái. Lúc đó đảng này có thể chia
quyền lợi cho các đảng viên của mình dưới các hình thức công sở nhà nước, trọng
trách nhà nước, và khiến họ quan tâm một cách vật chất đến sự thống nhất giữa đảng
và nhà nước. Ðây là con đường chắc chắn nhất để sát nhập đảng và nhà nước. Bọn
quốc xã đã nhận thức được giá trị quyết định của nguyên tắc này ngay từ năm đầu
tiên nắm chính quyền. Sau khi tiến hành rất nhiều phương cách theo hướng đó,
ngày 1.12.1933, nguyên tắc này được củng cố bằng điều luật đặc biệt Sự Cần Thiết
Phải Thống Nhất Ðảng Và Nhà Nước, trong đó tuyên bố: "Sau thắng lợi của cuộc
cách mạng quốc xã, Ðảng Công Nhân Quốc Xã trở thành người giữ trọng trách nhà
nước Ðức và liên quan mật thiết với nhà nước." 1/ Sát nhập giữa bộ máy
lãnh đạo nhà nước và bộ máy lãnh đạo đảng: Thực chất, việc thống nhất giữa đảng
và nhà nước đã được thực hiện ngấm ngầm từ phía dưới bằng cách cho các đảng
viên nắm giữ những vị trí và trọng trách nhà nước. Kết quả là đảng biến thành
nhà nước và ngược lạị Các thủ lĩnh phát xít trở thành những cán bộ nhà nước cao
cấp. Hitler vừa là Thống Lĩnh- theo trọng trách đảng, vừa là Quốc Trưởng- theo
trọng trách nhà nước; Goring vừa là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ trưởng - Toàn
quyền Pruxia - theo trọng trách nhà nước, vừa là Thủ lĩnh SA và SS theo trọng
trách đảng; Gobelx vừa là thủ lĩnh trong vùng Berlin, phụ trách tuyên truyền-
theo trọng trách đảng, vừa là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, thành viên Hội Ðồng Quốc
Phòng Tối Cao- theo trọng trách nhà nước; Himler trong đảng là Uy Viên Ban Lãnh
Ðạo Tối Cao về Bảo Tồn Ðặc Tính Dân Tộc Ðức, thủ lĩnh SS, trong nhà nước là Bộ
Trưởng Bộ Ngoại Giao, thành viên Hội Ðồng Quốc Phòng tối Cao; Ạ Rozenberg trong
đảng là Uy Viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao về Giáo Dục Tư Tưởng cho đảng viên, trong
nhà nước- Bộ trưởng Không Bộ; R. Hex trong đảng là - Phó Thống Lĩnh, Uy Viên
Ban Lãnh Ðạo Tối Cao, trong nhà nước- Bộ Trưởng Không Bộ, thành viên Hội Ðồng
Quốc Phòng Tối Cao, v.v... Sát nhập vị trí lãnh đạo của nhà nước và đảng được
thực hiện xuống một cơ sở . Tất cả những vị trí quan trọng trong Ðế Chế 3 đều
do các đảng viên quốc xã nắm giữ và đặc biệt là những kẻ phục vụ đắc lực cho
phong trào quốc xã. Tham gia đảng phát xít là dấu hiệu quan trọng nhất để được
phép đứng trên những vị trí trọng trách của nhà nước. Sát nhập bộ máy lãnh đạo
nhà nước và đảng là một hiện tượng tổng thể, đa hình, song một vài biểu hiện
mang giá trị cơ bản. Chúng ta hãy nghiên cứu kỹ từng trường hợp riêng biệt của
sự sát nhập này: A - Các đảng viên phát xít chiếm giữ những trọng trách nhà nước:
Cùng với việc Hitler lên nắm chính quyền, hàng nghìn đảng viên quốc xã đã tham
gia trong bộ máy nhà nước, "để củng cố chính quyền", đồng thời dần dần
chiếm quyền lãnh đạo bộ máy này. Ðối với những người đó, việc chủ nghĩa quốc xã
nắm quyền là lễ khải hoàn của "cuộc cách mạng quốc xã". Trong diễn
văn ngày 18.5.1933, Goring đã tuyên bố: "Ai chiếm được trọng trách, người
đó có thể điều hành." Một tháng sau, Rudolf Hex giải thích thêm: "Thậm
chí trong trường hợp những người có công lao với đảng không đủ khả năng, thì điều
đó sẽ được bổ xung bằng lòng nhiệt huyết của họ muốn được cống hiến cho sự nghiệp
của nhà nước quốc xã." Thậm chí cả trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa,
các đảng viên cũng giành được sự ưu ái đặc biệt. Trên thực tế, trước khi kết
thúc năm 1933, các đảng viên phát xít đã chiếm giữ tất cả mọi vị trí lãnh đạo ở
các cơ quan trung ương, vùng, tỉnh, địa phương. Giới lãnh đạo đảng quan tâm và
khuyến khích quá trình này. Ðể củng cố chính quyền, ban lãnh đạo đảng thi hành
kế hoạch làm trong sạch bộ máy nhà nước, và bằng cách đó, bật đèn xanh cho những
phần tử có công lao với đảng chiếm giữ những vị trí hành chính. Với sắc luật Phục
Hồi Viên Chức Lành Nghề, ngày 7.4.1933, tại các cơ quan trung ương, vùng, tỉnh,
và địa phương, người ta thải hồi "những nhân viên vì quan điểm chính trị
mà cho đến nay vẫn chưa chịu tuyên bố sẵn sàng phục vụ nhà nước quốc xã",
đồng thời những kẻ trung thành với chế độ lập tức chiếm giữ những trọng trách
này. Tháng 2.1935, chính phủ ban hành điều luật nhằm củng cố hơn nữa sự thống
soái của đảng trên các trọng trách nhà nước. Theo luật này, chỉ có những tổ chức
quốc xã cao nhất ở địa phương mới có quyền đề cử Thị Trưởng. Sau đó, đề cử viên
duy nhất này được Bộ Nội Vụ chuẩn y và giữ trọng trách Thị Trưởng trong vòng 12
năm. Những tổ chức phát xít địa phương kiêm luôn việc bổ nhiệm cố vấn cho Thị
Trưởng. Bằng cách đó, bọn Hitlerist hủy diệt quyền tự trị và thay thế bởi hệ thống
lãnh đạo tập trung, đứng đầu là giới cầm quyền của Ðảng Quốc Xã. Ngày
27.2.1936, Bộ Nội Vụ Ðế Chế và Pruxia ban hành sắc luật, trong đó nêu rõ, người
viên chức không thể không là đảng viên, "do mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ
giữa đảng và nhà nước" và đặc biệt là không thể từ bỏ hàng ngũ của đảng vì
không đồng ý với "cương lĩnh và điều lệ chính trị của đảng." Sắc lệnh
viết: "trong mọi trường hợp, cần phải tiến hành kiểm tra xem với mục đích
và những nguyên nhân gì, mà người viên chức ra khỏi đảng. Nếu anh ta hành động
như vậy vì không đồng ý với cương lĩnh và điều lệ chính trị của đảng, thì anh
ta không thể là viên chức". Và thậm chí không phải vì lý do như thế, việc
ra khỏi đảng của viên chức trong mối liên hệ tương hỗ chặt chẽ giữa đảng và nhà
nước có thể xem là anh ta đã không có lòng yêu mến nhà nước quốc xã và tinh thần
hy sinh tự nguyện. Ngày 26.2.1937, cái gọi là Những Cơ Sở Căn Bản Trong Luật Lệ
Nhà Nước Ðức Về Viên Chức được ban hành, theo điều luật này, mọi bổ nhiệm trọng
trách nhà nước đều bị xem là không có hiệu lực, nếu không được sự đồng ý của những
tổ chức Ðảng Quốc Xã. Bởi vì: "mối liên quan thân hữu giữa viên chức và đảng
là cơ sở để bổ nhiệm trọng trách của anh ta. Viên chức cần phải là người thực
hiện nghĩa vụ đối với nhà nước quốc xã, mà nhà nước quốc xã là do đảng lãnh đạo."
Ðiều luật này pháp luật hóa triệt để và toàn diện sự kiểm soát của đảng trên
các tổ chức nhà nước, thiết lập sự thống soái của Ðảng Quốc Xã đối với nhà nước
Ðức. Quá trình này không chỉ diễn ra tại các công sở hành chính mà còn ở cả các
tòa án. Các quan tòa là các thành viên của các đảng phái và hiệp hội cánh tả đều
bị thải hồi, còn những người không tham gia đảng phái thì dùng áp lực bắt buộc
phải trở thành đảng viên phát xít. Trong diễn văn đọc tại Quốc Hội Raihxtaga
ngày 20.8.1938, Hitler tuyên bố: "Không còn một công sở trong nhà nước này
mà không phải là quốc xã. Ở Ðức, mọi trọng trách đều do những người quốc xã nắm
giữ. Tất cả mọi cơ sở của Ðế Chế đều phục tùng Ban Lãnh Ðạo Chính Trị Tối Cao.
Ðảng ta lãnh đạo chính trị nước Ðức." Muxolini, ngoài Những Luật Phát Xít
Ðặc Biệt, cũng ban hành những điều luật về cán bộ viên chức với tên gọi không
được chính xác - Luật Hành Chính. Thông qua điều luật này, ông ta tạo điều hiện
cho những đảng viên phát xít nắm giữ những vị trí nhà nước. Nó buộc người viên
chức đứng trước sự lựa chọn: Hoặc trở thành đảng viên phát xít (nếu chưa phải
là đảng viên) và làm việc như một phần tử phát xít tích cực, hoặc phải xin từ
chức; đồng thời điều luật này loại bỏ những viên chức "công khai hoặc bí mật
chống đối hay không ủng hộ chính quyền." Theo điều luật trên, nhà nước
không thể chấp nhận những cán bộ viên chức chống lại chính phủ, bởi vì đối với
chuyên chính phát xít, "chính phủ và nhà nước" không thể tách rời
nhau, và những ai chống lại chính phủ thì cũng là chống lại nhà nước và chế độ
phát xít. Và do đó, viên chức này không thể giữ vị trí công tác trong bộ máy
nhà nước. Việc bắt buộc phải tham gia đảng phát xít được P. Toliati giải thích
như sau: "Thế nào là một đảng viên phát xít ở Italia hiện nay? Một bộ phận
đảng viên tham gia hoạt động tích cực, có quan điểm, thi hành nhiệm vụ chính trị
. Nhưng đa phần đảng viên có quan điểm chính trị tiêu cực. Song không vì thế mà
họ từ bỏ sinh hoạt đảng. Tại sao? Tại vì có vô số nguyên nhân bắt buộc họ phải
vào đảng. Thí dụ, vào đảng nghĩa là có quyền lựa chọn những vị trí công tác
trong bộ máy nhà nước, và để có thể chiếm được những vị trí nhà nước cao cấp,
thì tham gia sinh hoạt đảng là điều kiện không thể thiếu. Vì lý do này, rất nhiều
người trong những tầng lớp bần cùng tham gia đảng phát xít chỉ vì họ cần làm việc,
chỉ vì họ phải sống, và muốn sống thì bắt buộc phải có việc làm". Tại Tây
Ban Nha, quá trình đảng viên chiếm giữ vị trí trong bộ máy nhà nước còn được thể
hiện triệt để hơn nhiều. Theo nhân chứng của Eibi Plen, sau năm 1939 thậm chí kể
cả các vị trí giảng dạy cũng ưu tiên cho những người Falangist, mà không phụ
thuộc vào khả năng học vấn của họ. Chế độ chỉ quan tâm đến một phẩm chất duy nhất
- các giáo viên cần phải tuân theo và phục vụ đắc lực cho nó. "Toàn bộ đội
ngũ giảng dạy được cấu thành từ những phần tử Falangist kém cỏi và những kẻ có
công sức bảo vệ chế độ, những người này được trao tặng những vị trí giảng dạy
không phụ thuộc vào khả năng quá kém của họ, để thay thế cho hàng ngàn giáo
viên và giáo sư nổi tiếng bị sa thải, bị ném vào các nhà tù. Cái "mới"
do chủ nghĩa phát xít phát minh ra trong quá trình xây dựng nhà nước, là thiết
lập nhà nước, đảng hoàn chỉnh, chuyên chính, đảng tạo ra một bộ máy nhà nước,
mà ngoài con đường hành chính (cũng có nghĩa là con đường đảng), còn có thể kiểm
soát theo con đường đảng. Bằng cách đó, hệ thống kiểm soát kép của đảng phát
xít đối với nhà nước được cấu thành, mang lại sự ổn định và thuần nhất đặc biệt
cho chế độ này. B - Ban lãnh đạo phát xít trở thành chính phủ quốc gia: Ngày
30.1.1933, khi Hitler được bầu làm Quốc Trưởng và đứng ra thành lập chính phủ,
trong chính phủ mới chỉ có ba phần tử quốc xã: Hitler, Goring và Fric. Hitler
giữ trọng trách Quốc Trưởng, Goring- Bộ Trưởng Không Bộ, Fric- Bộ Trưởng Bộ Nội
Vụ . Còn những thành viên chính phủ khác không phải là đảng viên quốc xã - Bộ
Trưởng Bộ Ngoại Giao Fon Noirat, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính- Bá tước Sverin Fon
Cnizig, Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp- Hugengerg, Bộ Trưởng Bộ Bưu Ðiện và Giao
Thông- Fon Elx Rubenah, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Hertner. Những người này thuộc các
đảng phái chính trị khác và sau đó một vài tháng, tất cả những đảng này đều tan
rã. Bị mất chỗ dựa chính trị, những vị Bộ Trưởng này không thể tránh khỏi bị mất
ghế. Nhờ sự thống soái chính trị của đảng mình, đảng chính trị duy nhất ở Ðức,
Hitler đã biến chính phủ thành chính phủ quốc xã. Việc này được thực hiện bằng
hai cách: thứ nhất thành lập các Bộ mới, đứng đầu là những phần tử phát xít thủ
cựu; và thứ hai, trong đảng chỉ công nhận những Bộ Trưởng có quan điểm quốc xã.
Ngày 13.3.1933, thành lập Bộ Văn Hóa và Tuyên Truyền Nhân Dân, đứng đầu là
Gobelx. Ngày 5.5.1933, thành lập Bộ Không Quân, đứng đầu là Goring, và Bộ Giáo
Dục đứng đầu là Berigard, Bộ Các Vấn Ðề Nhà Thờ đứng đầu là tên trùm quốc xã
Hanarx Kerl. Sau khi chiến tranh bùng nổ, có hai Bộ mới nữa được thành lập:
ngày 17.3.40, Bộ Chiến Tranh và Dự Trữ Quốc Phòng đứng đầu là tiến sĩ Tod (sau
này Speer thay thế), và ngày 17.7.41, Bộ Các Vùng Thuộc Ðịa Phía Ðông đứng đầu
là nhà tư tưởng của đảng Rozenberg. Ngoài ra, trong nội các chính phủ còn có
Phó Thống Lĩnh của đảng R. Hex (sau này là M Borman) và thủ lĩnh SA Ernxt Rom
(sau ngày 30.6.1934 là Sepman) - những người này giữ ghế Bộ Trưởng Không Bộ. Việc
này được tiến hành từ ngày 1.12.1933 bằng Luật Thống Nhất Ðảng và Nhà Nước.
Trong điều luật ghi cụ thể: "Phó Thống Lĩnh và Thủ Lĩnh SA sẽ tham gia
trong nội các chính phủ, để có thể đảm bảo sự cộng tác chặt chẽ giữ đảng và SA
với chính quyền nhà nước". Ngày 30.2.1937, Hitler kết nạp tất cả những
thành viên không đảng phái của chính phủ vào đảng của mình: Fon Noirat, Fon
blomberg, Zeldte, v.v... Duy nhất chỉ Bộ Trưởng Bộ Bưu Ðiện và Giao Thông - Elx
Rubenarh, là từ chối đề nghị này của Hitler. Lý do từ chối không vào Ðảng Quốc
Xã có vẻ như không mang màu sắc chính trị, nhưng thực chất là tỏ rõ sự bất đồng
quan điểm với hệ tư tưởng phát xít: "Tôi tin vào những nguyên tắc của đạo
Thiên Chúa," Elx Rubenah viết cho Thống Lĩnh, "và tôi cần phải giữ niềm
tin vào Ðức Chúa và bản thân mình. Tham gia Ðảng có nghĩa là, tôi không thể chối
cãi, rằng đã công nhận và ủng hộ những hành vi chống lại những quan niệm tôn
giáo của các viên chức đảng viên, chống lại những người muốn bảo vệ quan niệm
tôn giáo của họ. Trên thực tế, đó cũng là đơn xin từ chức của Fon Elx Rubenah
và nó được chấp nhận ngay lập tức. Vào đầu năm 1937, nội các của chính phủ đã
được quốc xã hóa hoàn toàn, các thành viên của chính phủ đều là đảng viên quốc
xã, các thủ lĩnh phát xít đều trở thành những người lãnh đạo chính phủ. Nội các
chính phủ lúc này bao gồm những người: Hitler, Goring, Gobelx, Himler, Hex,
Rozenberg, Ðare, Fric, Fon Noirat, X. fanc, Ribentrop. Tất cả những người này đều
là đảng viên quốc xã và là thành viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao (chỉ trừ Fon Noirat
là đảng viên thường). Ở Italia, những quá trình tương tự cũng xảy ra. Lúc đầu,
trong chính phủ của Muxolini, ngoài ông ta cũng chỉ còn có ba thành viên phát
xít khác: nhà kinh tế Xtefan, hai đại biểu nhân dân, năm thủ lĩnh của những xu
hướng chính trị khác nhau, và hai anh hùng của cuộc nội chiến: Tướng Ðiiax
"Hoàng Tử Chiến Thắng" và Ðô Ðốc Toan De Revel "Hoàng Tử Biển Cả"
. Trong nội các đầu tiên, Muxolini, ngoài trọng trách Thủ Tướng chính phủ còn
giữ cả ghế Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ . Ðến năm 1925, Muxolini vẫn chưa thành lập được
"chính phủ phát xít thuần nhất" và vẫn phải biện minh với các đại diện
của những đảng phái chính trị khác. Mãi sau vụ bê bối xung quanh cái chết của
nghị sỹ Xã Hội Mteoti, vụ bê bối này kéo dài suốt cả năm 1924, Muxolini mới
thành lập được chính phủ phát xít thuần chủng. Một nhà sử học Italia đã viết về
sự kiện này như sau: "Toàn bộ chính phủ là những người phát xít. Các thủ
lĩnh chính trị khác hoặc trở thành đảng viên phát xít, hoặc phải từ bỏ vũ đài
chính trị . Những kẻ chống đối đều phải trốn ra nước ngoài, hoặc bị bắt buộc phải
sống tị nạn chính trị ở nước ngoài". Các sự kiện này xảy ra cùng một thời
điểm, khi những Luật Phát Xít Ðặc Biệt được ban hành, thông qua đó, bọn phát
xít cấm tất cả các đảng phái hoạt động và khống chế toàn bộ bộ máy nhà nước. Việc
thành lập "chính phủ phát xít thuần nhất" là dấu hiệu kết thúc quá
trình hình thành cơ chế một đảng trị của nhà nước phát xít. Tại Tây Ban Nha, Ðảng
Falanga đã biến quyền điều hành chính phủ và biến Ban Lãnh Ðạo Ðảng thành chính
phủ quốc gia. Ða phần các Bộ trong chính phủ và đặc biệt là những Bộ quan trọng
đều do các thủ lĩnh Falanga chiếm giữ. Thí dụ, thành phần chính phủ vào tháng
7.1939 bao gồm: Franxix Franco: trong Ðảng là Thủ lĩnh Tối cao của Falanga,
trong chính phủ là Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng; Ramon Xerano Xuner: trong Ðảng
Chủ Tịch tập Ðoàn Chính trị Falanga, trong chính phủ- Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, và
năm 1940-1942 kiêm luôn chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao; Munox Gradex- trong Ðảng:
Bí Thư Tập Ðoàn Chính trị Falanga, Trùm Công An Falanga, trong chính phủ- Bộ
Trưởng Không Bộ; Gamero Del Caxtilio: trong Ðảng- Thành viên Tập Ðoàn Chính Trị
Falanga, trong chính phủ- Bộ Trưởng Không Bộ; R. Xantrex Maxax: trong Ðảng-
Thành Viên Tập Ðoàn Chính Trị Falanga, trong chính phủ Bộ Trưởng Không Bộ;
Hoxex Ibanex Martin: trong Ðảng- đảng viên thường, không giữ trọng trách, trong
chính phủ Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Nhân Dân; Alono Penia Boeuf: trong Ðảng- đảng
viên thường, trong chính phủ- Bộ Trưởng Bộ Các Vấn Ðề Xã Hội. Bốn Bộ Trưởng còn
lại thuộc giới quân sự, không phải là những người phát xít: Tướng Hoxex Enrice
Varela- Bộ Trưởng Bộ Lục Quân; Huan Lague- Bộ Trưởng Các Lực Lượng Không Quân;
Ðô Ðốc xavador Moreno- Bộ Trưởng Các Lực Lượng Hải Quân; Ðại tá Baigbeder
Atienxa - Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao. Tất nhiên sau đó, trong chính phủ Franco, đại
diện Falanga thay đổi sao cho phù hợp với tình hình chính trị trong nước và thế
giới. Nhưng trên nguyên tắc, Ðảng Falanga chi phối chính phủ theo ba cách: 1. Nắm
giữ những Bộ quan trọng nhất 2. Kiểm soát những Bộ còn lại thông qua các đảng
viên Falanga đang giữ những chức vụ quan trọng trong các Bộ này; 3. Thông qua
Tướng Franco- vừa là Thủ Lĩnh của Ðảng, vừa là Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng, với
quyền lực vô hạn thường xuyên thay đổi nội các. Ở đây nổi bật lên một hiện tượng
là, kẻ nào đánh mất vị trí trong Ðảng cũng đồng thời mất luôn trọng trách trong
chính phủ và ngược lại. Thí dụ, Xerano Xuner, khi mất ghế Bộ Trưởng Nội Vụ và
Ngoại Giao, "cần phải từ bỏ vị trí lãnh đạo trong Ðảng"; Hoxe Luis
Areze (đã nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo trong Ðảng), khi mất ghế Bộ Trưởng Cải
Tạo Thành Phố, đồng thời mất luôn chức vụ trong Ðảng Falanga, v.v... Trên quan
điểm "Những Mối Liên Quan Chặt Chẽ Giữa Ðảng Và Nhà Nước" (Hitler),
hiện tượng trên đây hoàn toàn logic. Nếu một Bộ Trưởng bị mất ghế trong chính
phủ mà vẫn giữ vai trò lãnh đạo trong Ðảng, người đó có thể như là một "kẻ
bất mãn" và trong một thời điểm nào đó xúi Ðảng chống lại chính phủ, hoặc
ít nhất - trở thành kẻ tập trung những ý đồ chống chính phủ trong Ðảng. Nhưng
điều này mâu thuẫn với một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của nhà nước độc
tài: sự thống nhất giữa Ðảng và nhà nước, thiếu cái đó nó không thể tồn tạị Vì
vậy, mất trọng trách trong chính phủ cũng đồng thời phải từ bỏ vị trí lãnh đạo
trong Ðảng. C - Sự kiểm soát của đảng phát xít đối với nhà nước: Sự kiểm soát tổng
thể của đảng quốc xã đối với nhà nước, được luật hóa bởi nhà nước, là một trong
những hình thức quan trọng của việc sát nhập bộ máy nhà nước và đảng. Sự kiểm
soát này được thể hiện không chỉ trong vấn đề, rằng việc bổ nhậm các vị trí
hành chính sẽ không có hiệu lực, nếu không được sự đồng ý của cơ sở đảng tương ứng,
cũng không chỉ trong vấn đề rằng các thủ lĩnh đảng phát xít đồng thời nắm giữ
những trọng trách nhà nước, mà còn vì nó được phân chuyển trên pháp luật quốc
gia. Không một điều luật hoặc sắc lệnh nào được ban hành trong Ðế Chế 3 nếu như
trước đó không có sự đồng ý của giới lãnh đạo đảng quốc xã. Tất nhiên mọi luật
lệ ban hành đều được Quốc Hội thông qua, nhưng đó chỉ là hình thức bởi vì bọn
quốc xã chiếm đại đa số trong Quốc Hội. Trong trường hợp như thế, Quốc Hội bao
giờ cũng đồng tâm nhất trí giống như trong các Ðại Hội Ðảng: tất cả đều được chấp
nhận bằng cách hô: "Hail Hitler!" Hơn thế nữa, trước khi đệ trình Quốc
Hội, những điều luật này phải được văn phòng Trung Ương Ðảng Quốc Xã bổ xung.
Ngày 27.7.1934, Hitler ký sắc lệnh cho phép Hex, người thay thế ông ta, được
quyền kiểm tra mọi luật lệ ban hành trong Ðế Chế, và thậm chí được tham gia mọi
công việc quốc gia - Sắc lệnh nêu rõ: "Hiện nay tôi giao cho Phó Thống
Lĩnh - Bộ Trưởng Ðế Chế Hex - được quyền tham gia giải quyết mọi vấn đề có liên
quan đến công tác dự thảo luật lệ trong tất cả các cơ sở hành chính đế chế. Mọi
luật lệ do các Bộ trong Ðế Chế dự thảo cần phải được sự đồng ý của Hex".
Quyền lực này của Hex còn được phân chuyển xuống tận các tỉnh lẻ trong Ðế Chế.
Trong công văn gửi các Bộ của Tiến sĩ Lamerx ngày 12.4.1938, có đoạn viết:
"Phó Thống Lĩnh sẽ tham gia cùng các Bộ trưởng chuẩn y những sắc luật quốc
gia và những văn bản pháp luật tại các tỉnh lẻ theo điều của sắc lệnh ban hành
ngày 2.2.1934, do sự thay đổi cơ cấu của Ðế Chế". Sau năm 1941, khi Hex bí
mật trốn sang Anh, toàn quyền kiểm soát đối với các cơ sở nhà nước và mọi văn bản
pháp luật của chúng được trao lại cho Martin Borman - Thư ký của Thống Lĩnh và
Chủ Tịch Văn Phòng Trung Ương Ðảng. Sự kiểm soát của Ðảng Quốc Xã độc quyền về
chính trị - "người giữ trọng trách nhà nước" - không chỉ được phân
chuyển trên lĩnh vực pháp lý của các cấp chính quyền quốc gia, mà còn được củng
cố trên mọi thứ bậc hình kim tự tháp của đảng và nhà nước, xuống đến tận cơ sở
- tận làng xã. Trong lãnh thổ một khu vực, không một vấn đề quốc gia nào được
giải quyết nếu không được sự đồng ý cuả Bí Thư Khu Ủy, đại diện của Ðảng Quốc
Xã và là người lãnh đạo chính trị cao nhất trên lãnh thổ này. Bản thân Ðảng Quốc
Xã được tổ chức nhằm kiểm soát các cơ quan nhà nước, và đó là một trong những
nguyên tắc quan trọng của nó. Trong tài liệu "Hướng Dẫn Xây Dựng Ðảng"
nêu rõ: "Chúng ta xây dựng sự lãnh đạo của đảng trên cơ sở lãnh đạo chính
trị quốc gia". Tại Ðại hội Ðảng ở Niurnberg vào năm 1935, Hitler còn tuyên
bố công khai và chính xác hơn về quyền kiểm soát của đảng quốc xã đối với các
cơ quan nhà nước: "Không phải nhà nước ban hành sắc lệnh cho chúng ta, mà
là chúng ta ban hành sắc lệnh cho nhà nước". Ở Italia, vấn đề kiểm soát của
đảng đối với cơ quan nhà nước - một hình thức sát nhập đảng và nhà nước - còn
được thể hiện rõ ràng hơn, chính hiệu hơn. Tại đây chúng ta bắt gặp cái gọi là
"Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao" - cơ quan đảng nhà nước cao nhất - chịu
trách nhiệm "mọi vấn đề tư tưởng về nhà nước phát xít và chăm lo bảo vệ chế
độ". Hội Ðồng này được hình thành như cơ quan đảng cao cấp ngay từ tháng
10 năm 1922 và mãi sau này mới trở thành tổ chức chính quyền. Với sắc lệnh ban
hành ngày 28.9.1928, ba cơ quan cao cấp- Hội Ðồng Bộ Trưởng- Hạ Nghị Viện và
Thượng Nghị Viện- quyết định Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao từ tổ chức đảng thuần
túy trở thành tổ chức chính quyền. Như vậy Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao trở thành
tổ chức đảng- nhà nước cao cấp, "tổ chức cuả chế độ", thúc đẩy quá
trình sát nhập giữa đảng và nhà nước. Tại mục I trong sắc luật về Hội Ðồng Phát
Xít, xác định vai trò của nó như sau: "Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao là tổ chức
cao nhất Kiểm Soát Về Hoàn Chỉnh Mọi Hoạt Ðộng Của Chế Ðộ, được thành lập sau
cuộc cách mạng tháng 10.1922. Nó có vai trò quyết định đối với những trường hợp
đã được chỉ rõ trong sắc lệnh này, và ngoài ra còn có quyền được tham gia mọi vấn
đề chính trị, kinh tế và xã hội trong khuôn khổ quyền lợi dân tộc, thông qua
đàm luận với Thủ Tướng chính phủ ." Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao có quyền kiểm
soát mọi vấn đề trong nhà nước cũng như trong đảng. Hội Ðồng điều hành mọi hoạt
động pháp luật của các chính quyền nhà nước cao cấpHạ Nghị Viện- Thượng Nghị Viện,
Chính phủ . Trong vấn đề này, điều 12 và 13 đã xác định vai trò thuần túy nhà
nước của Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao: "Cần phải có ý kiến tham gia của Hội Ðồng
về mọi vấn đề có ý nghĩa pháp luật." Nói cách khác, quyền sửa đổi pháp luật
được chuyển giao cho Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao và chỉ có Hội Ðồng mới có quyền
thay đổi luật pháp. Hội Ðồng Tối Cao xét duyệt danh sách các nghị sĩ và thực tế
là tuyển chọn đa phần trong Nghị viện, bởi vậy, nếu nó không được xem là cao
hơn nghị viện thì chí ít nó cũng phải ngang hàng". Trong lĩnh vực đảng thuần
túy, vai trò của Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao được xác định ở điều 11 của sắc lệnh
nói trên: "(a) Xét duyệt danh sách nghị sĩ theo những điều khoản của sắc
luật bầu cử hiện hành. (b) xem xét điều lệ, tổ chức và những chỉ thị của Ðảng
Phát Xít Dân Tộc. (c) giải quyết những vấn đề bổ nhiệm và thải hồi bí thư, phó
bí thư, thư ký hành chính và những thành viên khác của ban lãnh đạo những tổ chức
đảng". Các thành viên của Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao đều là đảng viên phát
xít, giữ trọng trách trong đảng hoặc trong nhà nước, Chủ Tịch Hội Ðồng là
Mutxolini. Như vậy có thể nói, rằng Ban Lãnh Ðạo Ðảng Phát Xít và những kẻ cộng
tác đắc lực trong đảng sau khi đã nắm giữ mọi vị trí nhà nước quan trọng -
chính phủ, nghị viện, các cơ quan địa phương- đã thành lập tổ chức đặc biệt, để
củng cố hơn nữa quyền kiểm soát và thống soái pháp luật của đảng mình đối với
nhà nước. Do đó, Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao có thể định nghĩa như "Cơ Quan
Kiểm Soát Của Ðảng Phát Xít Ðối Với Nhà Nước", chính quyền kiểm soát pháp
luật. Trong vấn đề này, sự khác nhau giữa bọn quốc xã và bọn phát xít Italia và
Ban Lãnh Ðạo Ðảng Quốc Xã với đại diện Hex, và sau đó là Borman, trực tiếp thực
hiện sự kiểm soát đối với chính quyền nhà nước và những biểu hiện pháp luật của
chúng, trong khi Ðảng Phát Xít Italia thành lập cả một tổ chức kiểm soát đặc biệt,
được pháp luật hóa bằng sắc lệnh tương ứng của chính phủ và nghị viện. D - Chuyển
giao những nhiệm vụ nhà nước cho các tổ chức đảng phát xít: Khi cần phải thực
hiện những nhiệm vụ quan trọng, chế độ phát xít thường sử dụng các tổ chức của
đảng, bởi vì chúng được tin tưởng hơn những tổ chức nhà nước tương ứng. Ngay từ
khi mới nắm chính quyền, bọn phát xít đã dùng những lực lượng SS và SA (cảnh
sát và quân đội riêng của đảng) để tiến hành các cuộc khủng bố tiêu diệt những
đối thủ tư tưởng và chính trị . Ðiều này làm cho các cuộc khủng bố trở nên đặc
biệt dã man tàn bạo. Khác với cảnh sát quốc gia, bọn SS và SA không xem khủng bố
là thừa hành công vụ, mà như lễ khải hoàn để thể hiện sự cống hiến của bản thân
mình cho Ðảng Phát Xít, đảng hứa hẹn cho chúng những ưu ái vật chất và chính trị
tương lai. Quyền cai quản các cuộc tập trung cải huấn cũng dành cho SS và SA,
chứ không phải là cảnh sát quốc gia. Chúng giữ vai trò này cho đến tận ngày tàn
cuối cùng của chế độ quốc xã. Ðiều đó giải thích tại sao, trong thời gian rất
dài, giới cầm quyền Ðế Chế 3 có thể giữ được bí mật những tội ác tày đình trong
các trại tập trung cải huấn, ít ra là đối với nhân dân Ðức (những trại trung cải
tạo này được xem như trại cải tạo lao động hay giam giữ tù binh). Không phải ngẫu
nhiên mà trong một công văn nào đó, Hex đã công nhận rằng lính SS là đặc biệt cần
thiết cho những nhiệm vụ quốc gia quan trọng, vì chúng được giáo dục theo tinh
thần tư tưởng quốc xã tốt hơn, so với những bộ phận khác. Ðấy là những trường hợp
điển hình mà những tổ chức của đảng đảm nhận những chức năng quốc gia. Những chức
năng như thế cũng được cả những tổ chức đảng "thuần túy" đảm nhận, đặc
biệt là ở cấp Bí Thư Khu Ủy, nơi những nhiệm vụ của đảng và nhà nước giao nhau
một cách rõ ràng nhất. Một thí dụ điển hình, ngày 27.3.1942, Zaucel Bí Thư Khu
Uy Tiuringya được bổ nhiệm làm Toàn Quyền Ðặc Biệt về vấn đề sử dụng sức lao động
- một nhiệm vụ hành chính thuần túy. Và với sự đồng ý của văn phòng Trung Ương
Ðảng, Zaucel đã bổ nhiệm những Bí Thư Khu Uy khác làm Toàn Quyền về sử dụng sức
lao động trong những vùng tương ứng. Nhiệm vụ của những người này được Zaucel
xây dựng như sau: "Ðảm bảo sự cộng tác tương hỗ, liên tục giữa những cơ sở
nhà nước, đảng, quân đội và kinh tế nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong vấn đề
sử dụng sức lao động." Trong chiến tranh, tất cả những Bí Thư Khu Uỷ đều
trở thành Toàn Quyền Quốc Phòng Ðế Chế và chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế
quân sự (theo sắc lệnh đặc biệt ngày 1.9.1939). Về sau, các khu vực (vùng), đều
trở thành quân khu và các Bí Thư Khu Uy trở thành Tổng Chỉ Huy của vùng tương ứng.
Các chính quyền cấp huyện, giữ trách nhiệm kiểm soát giá cả, cũng chịu sự lãnh
đạo của Bí Thư Khu Uy trên danh nghĩa Tổng Chỉ Huy Quốc Phòng. Các Bí Thư Chi Bộ
cũng thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất chính quyền. Trong sách Hướng Dẫn
Tổ Chức có ghi: "Bí Thư Chi Bộ có nhiệm vụ phát hiện tất cả những kẻ có
quyền hay tung tin đồn có hại, và báo cáo với Bí Thư Huyện Ủy để vị này thông
báo với các cấp chính quyền". Những việc tương tự cũng diễn ra ở Italia.
Sau năm 1923, công an phát xít được thành lập - công an của đảng được trang bị
vũ khí của nhà nước và thi hành những nhiệm vụ quốc gia. E - Thống nhất những tổ
chức tạm thời của đảng và nhà nước phát xít: Trước khi nắm chính quyền, Ðảng Quốc
Xã đã thành lập lực lượng cảnh sát riêng (SS) và quân đội riêng (SA). Như chúng
ta đã biết, những năm đầu SS và SA là những tổ chức của đảng nhưng thi hành những
nhiệm vụ quốc gia: tổ chức những vụ khủng bố "kẻ thù của nhân dân và nhà
nước", tiến hành các cuộc bắt giam triệt để, tấn công các đảng phái chính
trị, kiểm soát những trại tập trung cải huấn, v.v... Những năm về sau, khi chế
độ quốc xã đã bền vững, "Ðảng đã trở thành Nhà Nước", những tổ chức
này cần được thống nhất với cảnh sát quốc gia để tập trung sức mạnh cho chính
quyền. Ngày 1.3.1933, 50 nghìn lính SS và SA được biên chế cho cảnh sát quốc
gia để "củng cố ngành cảnh sát". Ngày 17.6.1936, Hitler sát nhập Bộ
Chỉ Huy Cảnh Sát Ðức và thủ lĩnh SS. Việc sát nhập giữa SA và quân đội có phần
khác biệt. Trước đây Ðảng Quốc Xã đã sử dụng đội quân này trong nhiệm vụ kiểm
soát các đường phố. Vào năm 1934, SA phát triển rất nhanh và đạt tới con số 4,5
triệu. Các sĩ quan SA: Rom, Haincxt, Siretl, C.Ernxt, v.v... muốn SA được sát
nhập với quân đội để trở thành chỉ huy của nó. Nhưng điều này đe dọa toàn quyền
của các thủ lĩnh chính trị. Họ không an tâm với sức mạnh tiềm tàng của đội quân
đông đảo này. Ðiều đó gây nên mâu thuẫn giữa các thủ lĩnh chính trị (Hitler,
Goring, Gobelx, Himler...) và Ban Lãnh Ðạo SA, nên đã trở thành nguyên nhân gây
ra sự kiện ngày 30.6.1934 (Ðêm Của Những Lưỡi Gươm Dài - ND). Các thủ lĩnh
chính trị đã thủ tiêu toàn bộ Ban Lãnh Ðạo Quân Sự SA, và đẩy vai trò của đội
quân này xuống hàng thứ hai. Từ đó lực lượng SA rơi rớt dần, và đến năm 1940,
con số này chỉ còn 1,5 triệu. Trong chiến tranh, về hình thức SA vẫn là đội quân
riêng của Ðảng, song thực chất là đã sát nhập với quân đội chính quy. SA tham
chiến trong cùng điều kiện với quân đội chính quy, chịu sự chỉ huy của các tướng
lĩnh, không còn được hưởng ưu ái và những quyền lợi đặc biệt trước đây. Tạp chí
bí mật De Lage của Gobelx viết: "Vào mùa thu năm 1944, quân số SA là 1,7
triệu. Trong đó 1,2 triệu đã được động viên vào quân đội". Một thí dụ minh
họa khác là việc sát nhập giữa SD và Zetapo. Ban đầu SD được thành lập như là một
tổ chức mật thám cuả SS, và sau ngày 4.6.1934 trở thành đội quân đặc biệt của Ðảng
Quốc Xã; còn Zetapo là tổ chức cảnh sát nhà nước. Ngày 26.6.1936, Haidrex - thủ
lĩnh SÐ được bổ nhiệm là Giám Ðốc Cảnh Sát An Ninh, bao gồm Zetapo và mật thám
SS. Năm 1937, tổ chức đối ngoại của Ðảng Quốc Xã (AO) cũng được sát nhập vào Bộ
Ngoại Giao: "Mối liên quan chặt chẽ giữa AO và Bộ Ngoại Giao cho phép các
đại sứ quán Ðức kiểm soát được những hoạt động của những công dân Ðức sống ở nước
ngoài". F - Nhà nước bảo vệ đảng phát xít: Kết quả của việc sát nhập bộ máy
Ðảng và Nhà Nước là Ðảng Phát Xít trở thành Nhà nước, thành hạt nhân tổ chức của
nhà nước, vì vậy nhà nước cần bảo vệ đảng. Ðảng Phát Xít được pháp luật nhà nước
bảo vệ. Mọi hành động chống đảng được pháp luật xem như là chống lại nhà nước.
Bọn quốc xã ban hành điều luật đặc biệt về những hành vi chống lại nhà nước, đảng
và bảo vệ tổ chức đảng. Theo luật này, những người có biểu hiện chống lại Ðảng
Quốc Xã và giới lãnh đạo Ðảng sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề, bởi vì do
sát nhập giữa đảng và nhà nước, lãnh đạo đảng cũng là lãnh đạo nhà nước, xử tù
những người phát ngôn có hại nhằm chống lại chế độ quốc xã. Có thể hiểu rõ mức
độ liên quan mật thiết giữ Ðảng Quốc Xã và Nhà Nước, sự quan tâm của các cấp
chính quyền nhà nước đối với đảng và quyền lợi của đảng, thông qua một chỉ thị
của Martin Borman gửi các cơ sở đảng, trong đó cho phép những cơ sở này có thể
sử dụng sự bảo vệ của Zetapo: "Ðể hiện thực sự liên quan mật thiết giữa
các cơ sở đảng và những tổ chức của đảng trong Ban Lãnh Ðạo Cảnh Sát Bí Mật Quốc
Gia (Zetapo), Phó Thống Lĩnh đề nghị Ban Chỉ Huy Zetapo được mời tham dự tất cả
những cuộc mít tinh quan trọng của đảng và các cơ sở đảng." Một chỉ thị
khác yêu cầu các chính quyền nhà nước, đặc biệt là những chính quyền cao cấp,
phải giúp đỡ các Bí Thư Khu Ủy trong vấn đề sử dụng sức lao động: "Các cán
bộ trong những cơ sở kinh tế nhà nước cao cấp có nghĩa vụ phải giúp đỡ cho các
Bí Thư Khu Ủy và thông báo với họ những vấn đề quan trọng nhất trong việc sử dụng
sức lao động". Ðể bảo vệ Ðảng Phát Xít không bị các công dân công kích,
nhà nước quốc xã theo dõi gắt gao những người làm công tác nghệ thuật. Những
nghệ sĩ có tư tưởng chống đối đảng và nhà nước đều bị đuổi khỏi nghành nghệ thuật.
Báo Folcser Beobachter, số ra ngày 4.3.1939 thông báo: "Bộ Trưởng Bộ Tuyên
Truyền Và Giáo Dục Nhân Dân - Gobelx, thải hồi khỏi ngành văn hóa, nhà văn
Vener Finc, nhà đạo diễn sân khấu Peter Zahe (Curt Pabxt) và Bộ Ba Puland:
Xelmut But, Vilelm, Maixner và Marnfred Dlugi. Và đồng thời cấm những người này
không được công bố tác phẩm của mình ở Ðức". Tất cả mọi chuyện cười, tiếu
lâm chính trị nhằm công kích Ðảng Quốc Xã và giới lãnh đạo đảng đều gặp sự cản
trở của pháp luật. Ngày 20.12.1934, điều luật đặc biệt về sự phản bội trong đảng
được ban hành, những kẻ "phản bội" phải chịu những hình phạt nặng nề
nhất: trước hết bị khai trừ khỏi Ðảng Quốc Xã thông qua tòa án của đảng, sau đó
bị đuổi việc, bị bắt giam vào trại tập trung hoặc bị tử hình, phụ thuộc vào mức
độ phạm tội. Ở Italia, trong thời gian phát xít cầm quyền, cũng tồn tại điều luật
đặc biệt bảo vệ Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao và những thành viên của nó (nghĩa là
Ban Lãnh Ðạo Ðảng Phát Xít). Những người có biểu hiện chống lại Hội Ðồng Phát
Xít Tối Cao sẽ bị xử tử hoặc phạt tù khổ sai. G - Nhà nước trả lương cho bộ máy
đảng phát xít: Nắm quyền điều hành nhà nước, Ðảng Phát Xít tự đảm bảo cho mình
những khả năng tài chính vô hạn. Nó không chỉ trao vị trí trọng trách cho những
đảng viên của mình, mà còn trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước cho những nhu cầu
thuần túy của nó: thứ nhất, trả lương cho các cán bộ đảng; và thứ hai, cấp kinh
phí cho những hiệp hội và tổ chức của đảng. Các cán bộ đảng nhận lương như những
công chức về những nhiệm vụ mà họ hoàn thành, và bị mất lương nếu như cấp lãnh
đạo đảng cao hơn đánh giá là không xứng đáng. Lương của cán bộ đảng không chỉ
cao hơn, so với mức lương lao động trung bình, mà còn cao hơn cả lương của những
chuyên gia (kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, họa sỹ...), bởi vì đối với chế độ, những
người này được xem là có giá trị hơn nhiều so với các chuyên gia; chế độ dựa
vào họ chứ không dựa vào các chuyên gia. Do đó về vật chất, các cán bộ đảng được
ưu đãi hơn nhiều so với quần chúng nhân dân, họ tách khỏi quần chúng và tạo
thành một tầng lớp lãnh đạo xã hội đặc biệt mà ở Ðức gọi là "tập đoàn lãnh
đạo chính trị". Ðặc điểm của tầng lớp này không chỉ thể hiện ở chỗ nó lãnh
đạo và điều hành đất nước, mà còn ở cách sống tư bản hãnh tiến với khả năng ưu
đãi về tài chính. Trong bối cảnh đó, đảng cầm quyền phát xít bị mua chuộc, còn
các cán bộ đảng không tránh khỏi trở thành những kẻ quan liêu, gắn bó với ban
lãnh đạo đảng nhiều hơn là với tư tưởng của đảng, gắn bó với tài chính của đảng
nhiều hơn là với quần chúng đảng viên. Ðiều này giải thích một hiện tượng, mới
thoạt nhìn tưởng như khó hiểu, rằng trong cuộc sống tinh thần phát xít nghiêm
ngặt, những người trong giới cầm quyền chóp bu, được quảng đại quần chúng xem
như những tấm gương trong sáng về lòng tận tụy: Hitler, Goring, Gobelx, Himler,
Rozenberg, Laị.. - sau thất bại của nhà nước quốc xã mới lộ ra mức giàu có khủng
khiếp qua những khoản tiền khổng lồ gửi ở nhà băng nước ngoàị Những người đã từng
khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong nhân dân và thế hệ trẻ, khơi dậy lòng căm
thù trước những biểu hiện lạc loài (không Ðức), đã đánh cắp tiền của dân đi gửi
ở... nước ngoài, chủ yếu là ở các nhà băng Thụy Ðiển! Chỉ với việc xuất bản cuốn
sách Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi (Main Kampf), phát hành gần như bắt buộc, Hitler nhận
được 4 triệu Dola vào thời kỳ đầu chiến tranh; Gobelx có tài sản ở nước ngoài
trị giá 4,6 triệu Dola; Himler có khoảng 6 triệu; người giàu có nhất trong giới
cầm quyền chóp bu là Goring, với những biệt thự và lâu đài nguy nga, với nhà tắm
lát bằng vàng tấm. Ðương nhiên, ngân sách của đảng không phải là nguồn làm giàu
duy nhất cho bộ máy lãnh đạo. Cùng với ngân sách của Ðảng Công Nhân Quốc Xã, bọn
này còn có những vị trí, trọng trách nhà nước tại những cơ sở công - nông nghiệp
then chốt, những cơ sở mà vì vai trò đặc biệt của Ðảng Phát Xít cần phải có đại
diện được trả lương của đảng. 78 vị trí trong các Ban Quản trị và Cố Vấn quan
sát của 24 tập đoàn công nghiệp lớn nhất đều do các thành viên phát xít chiếm
giữ. Nắm trong tay một vài trọng trách đảng, nhà nước cộng với vị trí đại diện
danh dự cho một tập đoàn kinh tế nào đó, cho phép bọn chóp bu phát xít làm giàu
nhanh chóng. Ðiều này chỉ đặc trưng cho giới lãnh đạo lớn, hơn là các cán bộ đảng
cấp thấp. Khi công ty công nghiệp lớn nào đó chọn cán bộ đảng, để đại diện cho
quyền lợi của nó trước đảng và nhà nước phát xít, lẽ đương nhiên nó cần những
cán bộ cao cấp hơn cán bộ bình thường. Bởi thế trong vấn đề tài chính, giới
lãnh đạo đảng chóp bu và những Bí Thư Khu Ủy được ưu ái hơn hết. Trong vấn đề
này càng thể hiện rõ nét bản chất ăn bám của đảng phát xít. Song song với bộ
máy nhà nước, bộ máy đảng - bộ máy trên nhà nước (ở Ðức, con số này vào khoảng
800 ngàn người) cũng được thành lập như chỗ dựa xã hội của chế độ . Vì ngay từ
đầu đã không có những nhiệm vụ cụ thể, bộ máy ăn bám này hoạt động tích cực một
cách giả tạo bằng cách tổ chức những cuộc diễu binh, mít tinh, diễu hành, tuần
hành dân chủ, tưởng niệm những địa danh có các chiến sĩ phát xít hy sinh, các
chuyến bay tập thể, các cuộc thi thể thao, quân sự, những ngày hội dân tộc, làm
tổn hại rất nhiều cho ngân sách nhà nước. Chỉ cần dẫn chứng ra đây "những
ngày hội" của Ðảng Quốc Xã tại "Thủ Ðô Ðại Hội" - Nuernberg.
Trong suốt cả tuần lễ, Ðảng Quốc Xã phải chịu toàn bộ phí tổn về tàu, xe, ăn, ở
... cho hành trăm ngàn người đến từ mọi miền đất nước. Nếu như ở nền dân chủ tư
sản có nguyên tắc cơ bản: "Ai có tiền, người đó có quyền lực", thì tại
chế độ phát xít - hoàn toàn ngược lại: "Ai có quyền lực, kẻ đó có tiền",
và "quyền lực càng lớn, thì tiền càng nhiều". Ðiều này giải thích
nguyên nhân tranh giành quyền lực điên loạn của các cán bộ đảng và nhà nước,
khác xa với cách nhìn nhận về quyền lực tại các nước tư sản dân chủ. Ở các nước
này, những người làm chính trị có tài sản riêng (nhà máy, hãng, công ty ...), bởi
thế, về mặt tài chính họ không phụ thuộc vào nhà nước và không phải bao giờ
cũng liên quan chặt chẽ đến quyền lợi nhà nước, còn với đảng quốc xã và bộ máy
lãnh đạo của nó, thì nhà nước là nguồn thu nhập quan trọng duy nhất. Như vậy đảng
phát xít, và đúng hơn là bộ máy lãnh đạo đảng, đã biến nhà nước thành công cụ để
cùng nhau bóc lột xã hội và nền kinh tế quốc dân. 2/ Ðảng phát xít - "Nhà
nước của nhà nước": Quá trình sát nhập giữa đảng và nhà nước diễn ra sâu sắc
và triệt để đến mức, sau khi kết thúc, không còn có thể phân biệt được đảng bắt
đầu từ đâu và nhà nước kết thúc ở đâu. Các tổ chức nhà nước mang trong mình
linh hồn đảng, còn những tổ chức đảng thì mang tính chất nhà nước, quốc gia và
cảnh sát quan liêu. Như C.M. Xlobod đã nhận xét, đảng Phát Xít Italia đã phải
trả giá quá đắt cho mối quan hệ thân thuộc với nhà nước. Nó đánh mất cái vỏ
ngoài của một đảng chính trị và trở thành một tổ chức quan liêu sơ đẳng:
"Ðồng thời với quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước là quá trình nhà nước
hóa đảng phát xít, biến đảng này thành một tổ chức nửa vời, ngày càng dựa vào bộ
máy quan liêu và lực lượng vũ trang như chính quyền nhà nước". Nhưng không
phụ thuộc vào việc sát nhập này, đảng phát xít vẫn giữ vai trò là đảng độc quyền,
tự hình thành như cơ quan cao cấp, đứng trên nhà nước. Như vậy đảng phát xít
mang ý nghĩa "nhà nước của nhà nước" chỉ huy và kiểm soát nhà nước.
Hitler đã từng hài lòng tuyên bố: "Không phải nhà nước ban hành sắc lệnh
cho chúng ta, mà là chúng ta ban hành sắc lệnh cho nhà nước." Rõ ràng nhà
nước không có quyền điều hành đảng phát xít. Tại đại hội đảng ở Niurnberg vào
năm 1937, P. Lai đã nêu thành công thức về mối quan hệ giữa Ðảng Công Nhân Quốc
Xã và nhà nước như sau: "Ðảng quyết định, còn Nhà nước thực hiện các biện
pháp về hành chính." Với sắc lệnh về các công sở dân sự Ðức ban hành ngày
26.1.1937, Ðảng Quốc Xã có quyền gián tiếp kiểm tra mọi công việc cuả các cơ
quan nhà nước. Và từ ngày 30.9.1938, các cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng được
quyền kiểm tra công tác của các tổ chức tòa án. Ðiều này đã được thực hiện ngay
từ những ngày đầu của chính quyền quốc xã và giờ đây được pháp luật hóa. A - Ðảng
phát xít đứng trên pháp luật nhà nước: Trong chế độ độc tài, vai trò đặc biệt của
đảng phát xít không chỉ được thể hiện ở sự chuyên chính độc tài và quyển kiểm
soát nhà nước mà còn ở chỗ mọi luật lệ nhà nước không có hiệu lực đối với đảng
và các đảng viên. Trong chế độ quốc xã, các đảng viên không thể bị xét xử tại
các tòa án dân sự thông thường. Khi phạm tội, trước hết đảng viên cần phải được
"Tòa án Ðảng" khai trừ khỏi Ðảng, sau đó mới chuyển giao cho tòa án
quốc gia xét xử như một tội phạm thông thường của Ðế Chế Ðệ Tam. Các thành viên
SS cũng không thể bị xét xử ở những tòa án quân sự, mà phải xử theo luật của Bộ
Chỉ Huy SS. Theo Chỉ Thị được Phó Thống Lĩnh ban hành ngày 17.2.1934, các tòa
án đảng "có mục đích giữ gìn sự trong sạch cho đảng và các đảng viên, và nếu
cần thiết có thể gạt bỏ công khai những ý kiến phản kháng của các đảng viên.
Các tòa án đảng chỉ tuân theo sự chỉ đạo quốc xã và không thuộc quyền bất cứ
lãnh tụ chính trị nào, chúng chỉ thuộc quyền của Thống Lĩnh. Nói cách khác, những
đảng viên Ðảng Công Nhân Quốc Xã và thành viên SS được đặt trên các tòa án dân
sự, không phụ thuộc vào chúng và có thể thay đổi những văn bản tuyên án chúng.
Hiện tượng phổ biến là xóa án cho bọn tội phạm có công lao với chế độ, hoặc các
bản tuyên án bị những cơ sở đảng cao cấp sửa đổi. Những kẻ giết người Do Thái
năm 1938 được tha bổng, với lời biện bạch: "Trong trường hợp giết người Do
Thái có chủ ý hay không có chủ ý thì vẫn bị xem là không có tội. Tận đáy lòng
mình, những người này đã tin tưởng rằng bằng hành động đó họ đã thể hiện nguyện
vọng phục vụ Thống Lĩnh và Ðảng". Những đảng viên quốc xã phạm tội đều được
ân xá: "Vào năm 1935, một số cai ngục trong trại tập trung cải huấn
Hohstain, bị buộc tội đối xử tàn nhẫn với tù nhân. Những cán bộ quốc xã cao cấp
đã thử gây áp lực với các quan tòa, nhưng sau khi xem xét, Hitler đã tha bổng tất
cả" Việc đình chỉ không xét xử những tội ác do các thành viên SS, SA, và
Zetapo gây ra được biện bạch như sau: "Vì những hành vi này không phát xuất
từ những mục đích thấp hèn, mà ngược lại, chúng thể hiện lòng yêu nước cao cả
và giúp cho sự phát triển của nhà nước quốc xã, việc đình chỉ vụ án không nên
xem như những trường hợp bình thường trong khi vận dụng pháp luật." Những
vụ giết người, cướp của và phá hoại trong thời gian các chiến dịch bài trừ Do
Thái vào năm 1938, được Zetapo, các tổ chức đảng, các Bí Thư Khu ủy, và các
lãnh đạo chính trị cao cấp điều tra và kết luận như sau: "Trong các trường
hợp này, khi người Do Thái bị giết không có lệnh hoặc theo lệnh, đều không phát
hiện thấy những nguyên nhân xuất phát từ bản tính man dại". Và mục đích của
quá trình điều tra, do "Tòa án Ðảng" tiến hành này là nhằm: "Ðể
bảo vệ những đồng chí đảng viên đã hành động xuất phát từ những tình cảm và tư
tưởng quốc xã cao đẹp nhất." Trong đoạn trích dẫn sau cùng này thể hiện rõ
ràng tính chất đặc biệt cơ bản về luật lệ trong chế độ độc tài: đảng phát xít đứng
trên mọi luật lệ nhà nước, các thành viên và tổ chức đảng không bị pháp luật
ràng buộc. Ở đây, tòa án không có gì khác hơn là cơ quan trực thuộc của đảng
phát xít, có nghĩa vụ phải thi hành nguyện vọng của đảng: thứ nhất, các quan
tòa đều là đảng viên; thứ hai, tòa án không có cơ quan ấn loát độc lập với nhà
nước và đảng. Tất nhiên đôi khi, trong những tổ chức "Tư Pháp" có thể
có cả những thành viên không đảng phái, song điều đó hoàn toàn không làm thay đổi
vấn đề. Những người như thế thường còn tỏ ra cố gắng hơn bọn quốc xã chính hiệu,
và về sự cống hiến của họ, đối với chế độ, được thể hiện bằng những hành động
còn dã man hơn. Một "cán bộ lãnh đạo đảng có trọng trách" (Bí thư Khu
Ủy hoặc Bí Thư Tỉnh Ủy) có thể gây ảnh hưởng hay đình chỉ vụ án, đặc biệt là
sau năm 1938. Nếu bị can là đảng viên phát xít có nhiều thành tích đối với đảng,
và nếu lãnh đạo đảng thấy bị can cần phải được ân xá, họ thường chỉ đọc lời
tuyên án cho quan tòa qua điện thoại. Ở đây, Tính Khách Quan không có gì khác
hơn là "ảo ảnh của quyền tự do hình thức." Trước tiên người làm công
tác pháp lý cần phải ghi nhớ lời của Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Cerl: "Ảo ảnh của
quyền tự do hình thức là: các đồ đệ của công lý cần phải khách quan. Giờ đây
chúng ta đã chạm đến cội nguồn của sự khác biệt giữa dân tộc và pháp lý, và về
sự khác biệt này, bao giờ pháp lý cũng có sai lầm. Bởi vì, thế nào là khách
quan trong cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc? Vì lý do này, ta cần tự hiểu rằng
pháp lý của một dân tộc đang đấu tranh giữa cái sống và cái chết, không thể dựa
trên tính khách quan chết chóc. Mọi luận điểm của quan tòa, công tố viên và luật
sư cần phải được xác định triệt để trên một quan điểm. Không có khách quan vô
nguyên tắc - dấu hiệu của trì trệ, xa lạ và khác biệt với dân tộc, mọi biểu hiện
của tập thể và cá nhân cần phải phục vụ cho những hy vọng của nhân dân và dân tộc."
Ðây là những nguyên tắc cơ bản của pháp lý tại các nhà nước phát xít - Tính
Khách Quan tội lỗi và sự biến đổi của nó dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng phát
xít. Ðoạn trích dẫn trên, dù sao, cũng mới phản ánh vấn đề này trong giai đoạn
đầu chế độ quốc xã, khi nguyên tắc khách quan, trong nhận thức đa phần của bọn
quốc xã, gắn liền với yêu cầu "lịch sử", với những mục tiêu vĩ đại của
"cuộc cách mạng." Vào những ngày cuối cùng của Ðế Chế, yêu cầu tối
thiểu này đối với mọi cơ quan tư pháp càng trở nên quỷ quyệt và tráo trở. Trong
lời giới thiệu cho tạp chí Dax Raix (tạp chí lý luận cuả Gobelx) vào năm 1942
có viết: "Người quan tòa càng thấm nhuần tư tưởng quốc xã bao nhiêu, thì
càng tuyên án khách quan và công bằng bấy nhiêu." B - Tư tưởng của đảng quốc
xã trở thành hệ tư tưởng chính thức của nhà nước: Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng sự
thống nhất của đảng phát xít và nhà nước chỉ dừng lại ở việc chỉ sát nhập bộ
máy đảng và nhà nước. Thực chất, sự thống nhất này mang nội dung sâu rộng hơn
nhiều và bao hàm cả lĩnh vực tư tưởng. Tư tưởng của đảng Quốc Xã, nhằm xây dựng
nhà nước theo kiểu đồng mẫu đồng dạng với nó, được chuyển giao cho nhà nước và
trở thành tư tưởng quốc gia. Ðiều này cũng giống như lá cờ của Ðảng Công Nhân
Quốc Xã trở thành quốc kỳ nước Ðức. Ðảng Quốc Xã là một đảng độc quyền. Vì vậy
tư tưởng của nó không có gì khác hơn là tư tưởng độc quyền, hủy diệt mọi sự cạnh
tranh của những quan điểm và những tư tưởng khác nó. Và sự thống trị hợp pháp của
chủ nghĩa phát xít về tư tưởng không tránh khỏi chuyển thành cuồng tín và mê muội.
Hitler tuyên bố: "Khi theo đuổi những mục đích đã định, cần phải tiêu diệt
những kẻ cản trở". Gobelx cũng khai phủ nhận mọi tư duy khác với tư duy quốc
xã: "Những người quốc xã chúng ta khẳng định, chúng ta có quyền. Do đó
chúng ta không thể cho phép kẻ nào đó tự xem là đúng đắn, bởi vì điều đó có
nghĩa: người này phải là quốc xã, và nếu người đó không phải là người quốc xã,
thì không thể đúng". Ðể hủy diệt mọi tư tưởng khác và thiết lập sự thống
trị tuyệt đối cho hệ tư tưởng cuả mình, nhà nước phát xít xử dụng những công cụ
khủng bố đặc biệt. Nó dùng cả khủng bố thể chất và trại tập trung cải huấn. Ðây
là dấu hiệu cơ bản của chủ nghĩa phát xít trong tư tưởng. Chỉ ở nhà nước phát
xít, mới tồn tại hiện tượng có một không hai trong thế kỷ 20 - giam người ở
trong trại tập trung cải huấn chỉ vì người ta nghĩ khác nhà nước phát xít, thậm
chí kể cả khi người ta không thể hiện công khai điều đó (cái gọi là "bắt
giam triệt để"). Nhà nước độc tài không thể cho phép những công dân
"suy nghĩ khác biệt" được tồn tại tự do (nghĩa là ở ngoài trại tập
trung). Trên quan diểm nhà nước, nhằm đạt được sự thống trị tư tưởng triệt để,
những người này là mối đe dọa thực tế, bởi vì họ tung ra những dư luận có hại,
làm "ảnh hưởng đến tinh thần" của nhân dân, làm mai một sự thống nhất
chính trị của "nhân dân", làm lung lay niềm tin cuả họ đối với sự
đúng đắn cuả sự nghiệp phát xít và sự thông thái của lãnh tụ. Chúng ta không
nên quên rằng nhà nước phát xít là một hệ thống tập trung liên tục và nghiêm ngặt,
mọi bộ phận riêng lẻ liên quan chặt chẽ với nhau, và không thể chấp nhận những
lệch pha trong quá trình hoạt động. Chỉ cần một chi tiết không hài hòa với hệ
thống có thể dẫn đến sự đổ vỡ tổng thể . Thí dụ, chỉ cần có sự tự do in ấn cũng
đủ để cho hệ tư tưởng phát xít phá sản, hay tự do bầu cử sẽ phá vỡ toàn bộ hệ
thống chính trị. Ðôi khi một phiên tòa công khai cũng làm lung lay đáng kể nền
móng của chế độ này. Vì sự ràng buộc và phụ thuộc tương hỗ đặc biệt nghiêm ngặt
giữa các bộ phận, chế độ độc tài phát xít trở nên rất mẫn cảm đối với cả những
biến đổi nhỏ nhất. Vì vậy nó phản ứng một cách tàn bạo. Ðây là lý do tại sao chế
độ độc tài phát xít không thể chấp nhận và theo dõi gắt gao những người có suy
nghĩ và hành động tự do. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến lòng căm thù man dại đối
với tư tưởng tự do của nền dân chủ tư sản truyền thống được thể hiện trong tất
cả những tác phẩm và công trình của các nhà tư tưởng và lý thuyết phát xít. Chế
độ phát xít căm thù nền dân chủ tư sản vì nó chấp nhận cái mà đối với chế độ
phát xít là vô cùng nguy hiểm: sự khoan nhượng.Nhà nước phát xít có thể không
do bọn phân biệt chủng tộc hay bọn bài Do Thái lãnh đạo, như ở Italia và một
vài dạng nhà nước phát xít khác - đó không phải là điều bắt buộc - nhưng nó cần
phải căm thù tính đa quan điểm và sự khoan nhượng của chủ nghĩa tự do như một
tư tưởng. Thiếu cái đó, nó không thể tồn tại. Khi nhấn mạnh sự cần thiết của bảo
thủ trong lĩnh vực tư tưởng, Hitler tuyên bố: "Một tư tưởng nếu không muốn
bị hủy diệt thì bắt buộc phải trở thành bảo thủ, nghĩa là bảo vệ tính đứng đắn
của những quan điểm và chỉ thị của mình trong mọi hoàn cảnh. Ngày nay có một số
người không muốn hiểu sự cần thiết của bảo thủ quốc xã, nhưng trên thực tế đó
là nhận thức về trách nhiệm."Ðể thiết lập sự thống trị tuyệt đối tư tưởng
của mình trong nhà nước, đảng phát xít tiến hành hàng loạt những biện pháp: 1.
Với việc hủy diệt những đảng phái khác, đảng phát xít đồng thời tiêu diệt cả những
hệ tư tưởng của chúng. 2. Kiểm soát tất cả những phương diện tuyên truyền của
xã hội và nhà nước (diễn đàn, phim ảnh, nhà hát, phát hành sách ...)". 3.
Tuyên truyền cho hệ tư tưởng phát xít bằng mọi phương tiện và biện pháp. 4. Kiểm
soát hệ thống giáo dục từ mẫu giáo cho đến năm học cuối cùng trong trường đại học.
5. Cách ly hệ tư tưởng quốc gia để các hệ tư tưởng khác không thể xâm nhập được.
Với mục đích hủy diệt mọi hệ tư tưởng khác và thiết lập sự thống trị tuyệt đối
cho hệ tư tưởng cuả mình trong nhà nước, đảng phát xít kết hợp chặt chẽ với những
tổ chức quần chúng quốc gia tiến hành những chiến dịch sâu rộng, nhằm tiêu hủy
những tác phẩm văn học dân chủ tiến bộ, tẩy chay những truyền thống dân tộc dân
chủ của nền văn hóa đi ngược lại tinh thần độc tài phát xít. Trong cuộc tranh
giành sự thống trị tư tưởng toàn diện, đảng phát xít còn đi xa hơn nữa. Nó giải
tán tất cả những tổ chức tôn giáo, thậm chí cả những tổ chức lành mạnh nhất,
không liên quan gì đến chính trị, nếu những tổ chức này chứa trong mình khả
năng nào đó, mà trong những điều kiện xác định, có thể sinh ra những tư tưởng
hoặc quan niệm khác với tư tưởng của đảng phát xít. Ðảng phát xít, đặc biệt là
Hitler rất căm thù đạo Thiên Chúa. Tại biệt thự của mình ở tại Oberzalberg,
Hitler đã từng tâm sự với những người thân cận: "Chúng ta có nỗi bất hạnh
vô bờ là mang một tôn giáo sai lầm. Tại sao chúng ta không có thứ tôn giáo như
những người Nhật Bản, xem việc hy sinh cho tổ quốc là trên hết? Thậm chí cả đạo
Hồi vẫn còn tốt cho chúng ta hơn là Thiên Chúa Giáo, với sự nhẫn nhục rồ dại của
nó". Ban lãnh đạo quốc xã tổ chức tấn công nhà thờ Thiên Chúa một cách hệ
thống. Trong tài liệu mật của Văn Phòng Trung Ương Ðảng, vào tháng 6.1941 M.
Borman viết: "Cần phải cách ly hơn nữa giữa nhân dân với nhà thờ và những
tổ chức cuả nó, các mục sư. Không thể để nhà thờ tiếp tục gây ảnh hưởng tới
nhân dân và lãnh đạo họ. Ảnh hưởng này cần phải hủy diệt triệt để và mãi mãi.
Chỉ có chính phủ, đảng, các cơ sở và tổ chức cuả đảng mới có quyền lãnh đạo
nhân dân."Tên trùm quốc xã này không chấp nhận để các mục sư giáo dục và dạy
bảo nhân dân, hoặc đơn giản là làm ảnh hưởng đến cấu thành tinh thần cuả họ. Ðiều
này đối với Borman là đi ngược lại sự thống trị tư tưởng cuả đảng, được xem như
một tiên đề. Cần phải nói rằng, chỉ có phát xít Ðức mới tấn công nhà thờ Thiên
Chúa. Phát xít Italia và Tây Ban Nha không tấn công tôn giáo, mặc dù ở đây nhà
thờ và thế giới tinh thần cũng có những vấn đề về giáo dục thế hệ trẻ. Ðó là điểm
riêng biệt của phát xít Ðức, thể hiện một trong những khía cạnh đặc trưng cuả
chế độ độc tài - tham vọng về thống trị tinh thần tuyệt đối, điều mà cả phát
xít Italia và Tây Ban Nha đều mong muốn, nhưng các nước này không bao giờ đạt
được trường hợp lý tưởng như của Ðức, vì ở Italia và Tây Ban Nha, đạo Thiên
Chúa là bá chủ duy nhất, không thể chia cắt. Ðương nhiên cuộc tấn công tôn giáo
của đảng quốc xã dù tàn bạo đến đâu cũng không bao giờ đạt được chủ nghĩa vô thần,
bởi vì không một nhà nước phát xít nào có thể hủy diệt được toàn bộ niềm tin.
Chống lại tư tưởng Thiên Chúa, nhà nước phát xít nhằm mục đích nhồi nhét một thứ
tư tưởng khác - tư tưởng quốc xã của đảng phát xít.Ý nghĩa cuả cuộc tấn công
tôn giáo này không phải nhằm hủy diệt niềm tin trong nhận thức và tư duy, mà là
thay thế niềm tin này bằng một niềm tin khác. Chủ nghĩa vô thần thực sự đồng
nghĩa với tự do suy nghĩ, trao quyền tự do tinh thần không hạn chế cho các cá
thể, điều mà các nhà nước phát xít không bao giờ có thể cho phép. III/ Ðồng hóa
toàn bộ đời sống xã hội: Trong những điều kiện của nhà nước độc tài, khái niệm
"đồng hóa" không đơn giản chỉ là đồng nhất đời sống xã hội bằng cách
tiêu chuẩn hóa nền kinh tế quốc dân. Ở đây muốn nói đến sự đồng nhất, nhờ đó
quyền kiểm soát của đảng đối với nhà nước và tiếp theo là đối với xã hội được
thiết lập. Ðây là sự đồng nhất chính trị, thông qua đó đảng phát xít phân chuyển
quyền thống trị của mình trên mọi lãnh vực xã hội: nghệ thuật, văn học, thị hiếu,
thú vui ... thậm chí cả những vấn đề nội bộ của từng gia đình - những lĩnh vực
mà ở nền dân chủ truyền thống nằm ngoài khuôn khổ kiểm soát của nhà nước và các
đảng phái chính trị . Sự đồng hóa bao gồm - chúng ta hãy đọc hồ sơ của tòa án
Nuernberg - "Quyền lực của đảng được trải khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống
xã hội và cá nhân. Ðảng lãnh đạo nhà nước, đảng lãnh đạo các lực lượng vũ
trang, đảng lãnh đạo tất cả mọi cá nhân trong nhà nước. Ðảng hủy diệt mọi tổ chức,
mọi nhóm và mọi cá nhân không chấp nhận sự lãnh đạo của thống lĩnh". Sự đồng
hóa bắt đầu trước tiên ở lĩnh vực chính trị thuần túy bằng cách bãi bỏ mọi hình
thức tự trị địa phương và chủ nghĩa liên bang. Toàn quyền nằm trong tay chính
quyền tập trung đảng - nhà nước, biến bộ máy lãnh đạo ở địa phương thành công cụ
sai khiến, thi hành mọi mệnh lệnh cấp trên giao. Valter Fric, Bộ Trưởng Bộ Nội
Vụ đầu tiên trong chính phủ Hitler, trong một bài báo năm 1935 đã viết: "Mối
quan hệ giữa Ðế Chế và các tỉnh lẻ giờ đây được xây dựng trên những nguyên tắc
mới mẻ, chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc Ðức. Chính phủ Ðế Chế có quyền lực
vô biên. Không chỉ riêng quyền lực mà cả nghĩa vụ của chính phủ cũng trở thành
của Ðế Chế. Từ nay về sau chỉ còn tồn tại duy nhất một uy tín dân tộc - Ðế Chế.
Như vậy, Ðế Chế Ðức trở thành một nhà nước đồng nhất, và toàn bộ cơ cấu hành
chánh ở tỉnh lẻ chỉ còn thi hành theo mệnh lệnh của Ðế Chế hay trên danh nghĩa
Ðế Chế. Biên giới giữa các tỉnh chỉ mang tính chất hành chính, hoàn toàn không
bảo vệ chủ quyền cho các tỉnh này. Với quyết tâm không gì lay chuyển nổi nhằm bảo
vệ nhân dân Ðức, chính phủ Ðế Chế luôn luôn đi theo ước vọng ngàn đời của dân tộc
Ðức - thiết lập nhà nước quốc xã đồng nhất". Bãi bỏ quyền tự trị địa
phương - bước đồng nhất chính trị đầu tiên của chính quyền nhà nước - cũng được
thể hiện rõ nét ở Italia. Bọn phát xít nắm được những yếu điểm của quyền tự trị
địa phương để xóa bỏ nó; đồng thời xây dựng hệ thống chính trị tập trung nghiêm
ngặt của mình. Những yếu điểm này gồm: Quyền tự trị địa phương khiến chúng mâu
thuẫn với chính quyền tập trung, do đó "địa phương và nhà nước xem nhau
như kẻ thù". Quyền tự trị địa phương gây nên những cuộc tranh chấp ngấm ngầm
xung quanh việc bầu thị trưởng và các cố vấn khác, biến bầu cử từ công cụ thành
mục đích. Nói cách khác, quyền tự trị địa phương cản trở nhà nước hoạt động
linh hoạt, mà mọi việc chỉ được thực hiện bởi "cán bộ nhà nước có năng lực
và trong sạch (!), chịu sự chỉ đạo và kiểm soát trực tiếp của chính quyền nhà
nước". Tất nhiên bọn phát xít hủy diệt được quyền tự trị địa phương, không
phải vì đã làm cho các địa phương hiểu rõ tính ưu việt của chính quyền tập
trung, mà vì trước đó sự thống trị chính trị của đảng phát xít đã được thiết lập
ở khắp nơi (bằng cách hủy diệt các đảng phái khác) và do đó chúng có quyền tự
do làm theo ý mình. Bằng sắc luật ban hành ngày 4.2.1926, đảng phát xít thông
qua chính phủ Muxolini hủy diệt mọi quyền tự trị của các địa phương và biến
chúng thành những chi nhánh của chính quyền nhà nước tập trung, cũng như trước
đây nó đã làm như thế đối với chính phủ và nghị viện; đồng thời xây dựng nhà nước
phát xít đồng nhất, tác động chính xác đến từng mắt xích theo ý muốn của đảng
này. Một khi đạt được điều đó, đảng phát xít tiếp tục đồng nhất toàn bộ xã hội.
Muxolini đã nói về vấn đề này như sau: "Chính quyền cần thống nhất và duy
nhất. Nếu không như thế, nhà nước sẽ bị tan rã, nghĩa là phủ nhận một trong những
kết quả thắng lợi to lớn nhất của sự nghiệp phát xít: phấn đấu cho một quốc gia
hùng mạnh, lâu bền và uy tín, làm cho nó thống nhất tuyệt đối như một nhà nước
phát xít thực sự . Sau cách mạng, đảng ta và các cơ sở đảng trở thành vũ khí
sáng tạo và là một trong những nguyện vọng của nhà nước ở trung ương, cũng như ở
các tỉnh lẻ". Quá trình đồng hóa bắt đầu trong lĩnh vực chính trị và tiếp
diễn theo hai hướng: trong cuộc sống tinh thần của xã hội và trong nền kinh tế
quốc dân. Nhưng vì những điều này được tiến hành dựa trên cơ sở những nguyên tắc
tổ chức và tư tưởng của đảng phát xít, do đó trước tiên chúng ta cần nghiên cứu
cấu trúc và những nguyên tắc của đảng này. Việc nghiên cứu này là chìa khóa
giúp chúng ta đi sâu tìm hiểu quá trình đồng hóa độc tài: 1/ Vai trò của đảng
quốc xã: Ngay từ đầu, Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức đã được xây dựng với mục đích điều
hành nhà nước và đời sống xã hội. Trong điều lệ đảng ghi rõ: "Chúng ta xây
dựng sự lãnh đạo của đảng trên cơ sở lãnh đạo chính trị nhà nước". Ðảng quốc
xã công khai đồng nhất bản thân mình với dân tộc Ðức và những quyền lợi dân tộc:
"Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức thể hiện quan điểm chính trị, nhận thức chính
trị và nguyện vọng chính trị của dân tộc Ðức. Quan điểm chính trị, nhận thức
chính trị và nguyện vọng chính trị này được tỏ rõ trong nhân cách của Thống
Lĩnh. Trên cơ sở những chỉ thị của Thống Lĩnh và kết hợp với cương lĩnh của Ðảng
Công Nhân Quốc Xã Ðức, các cơ quan lãnh đạo Ðế Chế xác định mục đích chính trị
của nhân dân Ðức. Các cán bộ lãnh đạo Ðế Chế, nghĩa là các thủ lĩnh của đảng, nắm
giữ huyết mạch những tổ chức của nhân dân Ðức và các huyết mạch này quy tụ với
những huyết mạch của các cơ quan cao cấp nhà nước". Ðể có thể thực hiện được
sự lãnh đạo này, đảng phải mang hình thức một tổ chức tập trung nghiêm ngặt,
trong đó mọi thành viên giữ vai trò như một người lính thi hành vô điều kiện mệnh
lệnh của cấp trên. Ðiều lệ đảng ghi rõ: "Cơ sở tổ chức của đảng là nguyên
tắc tập trung". Tham gia đảng là đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi
cá nhân. Cương lĩnh của đảng là giáo lý, không thể nghi ngờ hay công kích, vào
đảng là để phấn đấu hết sức mình cho đảng. "Cương lĩnh này - điều lệ đảng
viết - cần phải xem như giáo lý của đồng chí. Nó đòi hỏi sự phục tùng toàn diện
cho phong trào quốc xã. Phục vụ cho phong trào là đúng đắn và cũng là phục vụ
cho nước Ðức". Và tiếp theo, cũng trong điều lệ: "Thống lĩnh sáng lập
Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức. Người đã cống hiến cho đảng tinh thần, nguyện vọng
của mình, và với sự giúp đỡ của đảng, ngày 3.1.1930, Người đã giành được chính
quyền. Nguyện vọng Thống Lĩnh là tối cao trong đảng". Ðảng Quốc Xã là trường
học về sự phục tùng. Người đảng viên tốt nhất là người phục tùng và thi hành vô
điều kiện mệnh lệnh của cấp trên. Lòng tận tụy đối với đảng là phẩm chất cơ bản
trong việc thăng cấp cán bộ. "Chỉ có những người đã trải qua trường học phục
tùng của đảng mới xứng đáng giữ những vị trí lãnh đạo cao cấp. Chúng ta chỉ cần
những cán bộ lãnh đạo biết tự nâng mình lên. Tất cả những lãnh đạo chính trị
không đáp ứng được yêu cầu này cần phải từ chức hoặc phải bổ nhiệm xuống những
cương vị như Bí Thư Chi Bộ, Bí Thư Ðảng Bộ để học hỏi thêm." Sự thật là về
hình thức, Ðảng Quốc Xã được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, không ai bắt
buộc phải tham gia vào đảng, và điều này được ghi rõ trong điều lệ. Nhưng với sự
sát nhập giữa đảng và nhà nước, đảng trở thành một tổ chức quốc gia, chi phối số
phận của mọi công dân; đảng chia quyền, chia ân huệ. Và nguyên tắc trên vì thế
mà bị phá vỡ hoàn toàn. Vấn đề chỉ riêng các đảng viên mới có thể trở thành
công chức của nhà nước quốc xã đã khiến hàng loạt quần chúng phải vào đảng, và
những ai đã vào rồi thì không thể bỏ được nữa. Bị khai trừ khỏi đảng là vô cùng
nguy hiểm, còn hơn cả khi không tham gia sinh hoạt đảng. Vì sự ràng buộc chặt
chẽ giữa đảng và nhà nước, "Bị khai trừ khỏi đảng cũng đồng thời mất luôn
phương tiện để tồn tại". Những công chức đảng viên phải chịu hai tầng áp bức:
từ phía cán bộ đảng và từ phía các thủ trưởng hành chính, cũng là đảng viên và
có quan hệ mật thiết với Ban lãnh đạo đảng. Ðây là một trong những trường hợp cụ
thể, khi đảng phát xít độc quyền sát nhập với bộ máy nhà nước, trở thành một tổ
chức quân sự quan liêu, loại bỏ nguyên tắc tự nguyện và không còn là một đảng
chính trị theo ý nghĩa đặc trưng của từ này. Bởi vì mọi đảng phái chính trị đều
phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện và quan điểm. Một đảng, thành lập với ý đồ
lãnh đạo nhà nước, không thể không chấp nhận những nguyên tắc muôn thuở của nhà
nước: quan liêu, tập trung quan liêu, uy tín, bảo thủ, cưỡng ép và khủng bố.
Ðây cũng là bối cảnh mâu thuẫn của đảng phát xít trong những điều kiện của nhà
nước độc tài. Về hình thức, trong điều lệ, đảng được xây dựng trên một thứ
nguyên tắc - tự nguyện, còn nguyên tắc trong cuộc sống và tinh thần nội bộ của
đảng lại hoàn toàn khác, thậm chí đối ngược. Theo điều lệ, vào đảng là tự nguyện,
còn trên thực tế là bắt buộc. Bởi vì muốn có vị trí xác định trong công sở nhà
nước thì bắt buộc vào đảng. Phẩm chất công tác, khả năng, bậc thợ còn đứng sau
một yêu cầu căn bản: có phải là đảng viên không? Trong chế độ phát xít, do việc
sát nhập với nhà nước, đảng cầm quyền đánh mất cả những tàn dư dân chủ cuối
cùng trong cuộc sống nội bộ, trở thành một tổ chức cảnh sát quân sự, giải quyết
mọi mâu thuẫn bằng nhà tù và tử hình. Trong đảng không còn tranh luận, bàn bạc
chính trị, nguyện vọng công khai, mà chỉ có sự thống nhất mù quáng, sự phục
tùng đồng loạt câm lặng, do thám và tố cáo lẫn nhau. Thay cho dân chủ là bè
phái chính trị, thay cho công khai là mờ ám. Ðảng trở thành hội những người
chung ý nghĩ, cùng một tư duy, vì họ không dám nghĩ. Vì lý do này, Ban lãnh đạo
đảng không bao giờ bị thay đổi theo nguyện vọng và ý muốn của quần chúng đảng
viên - một điều bình thường đối với một đảng chính trị. Trong lịch sử của chủ
nghĩa phát xít, chưa từng có trường hợp nào mà các đảng viên có thể lật đổ Ban
lãnh đạo đảng và thay thế bằng những người mới. Nếu có sự biến đổi nào đó trong
thành phần Ban lãnh đạo thì thường là do cấp trên tiến hành. Mọi ý đồ thay đổi
lãnh đạo bị giới cầm quyền chóp bu xem như dấu hiệu thiếu tin tưởng, làm lung
lay nền móng của đảng và bị trừng phạt dã man. Giới cầm quyền chóp bu nắm giữ mọi
phương tiện kiểm soát và trừng phạt, trong khi quần chúng đảng viên hoàn toàn
không có chút quyền hạn gì, và thực tế không có khả năng chống đối lại đảng. Quần
chúng đảng viên thậm chí không có cả quyền được phát hành báo chí, để trong trường
hợp không đồng ý với ban lãnh đạo có thể nói lên ý kiến của mình. Cơ quan ngôn
luận của đảng chỉ cho phép quần chúng đảng viên được quyền sử dụng khi họ bảo vệ
đảng mà thôi. Trong lời khai tại tòa án Nuernberg, Goring nêu rõ: "Chúng
tôi thấy cần thiết không thể để bất kỳ xu hướng chống đối nào được phép tồn tại.
Nếu ai cũng biết rằng, nếu chống đối lại đảng sẽ phải vào tập trung cải huấn,
điều đó đối với chúng tôi rất có lợi." Ðặc thù cảnh sát trong đảng phát
xít còn được thể hiện đặc biệt rõ ở vấn đề rằng, đảng viên không được tự ý rời
bỏ đảng, mà chỉ được ra khỏi đảng khi ốm nặng hoặc chết. Trong trường hợp vẫn cố
tình từ bỏ đảng, người đó cần phải bị khai trừ. Việc từ bỏ đảng là không thể
cho phép vì đối với quan điểm quốc xã, cá nhân đó có thể không còn phụ thuộc
vào đảng, thậm chí chống lại đảng. 2/ Cấu trúc của Ðảng Công Nhân Quốc Xã: Cấu
trúc của Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức được xác định từ mục tiêu chiến lược của nó
- lãnh đạo nhà nước và nhân dân. Vì thế đảng được xây dựng trên nguyên tắc lãnh
thổ. Ðế Chế được chia thành vùng (khu), khu chia thành tỉnh, tỉnh chia thành
huyện, huyện chia thành xã, xã chia thành thôn. Ðứng đầu một đơn vị lãnh thổ là
một lãnh đạo đảng: Thủ lĩnh vùng (Bí thư khu ủy), Thũ lĩnh tỉnh (Bí thư tỉnh ủy),
Thủ lĩnh huyện (Bí thư huyện ủy), Thủ lĩnh xã (Bí thư đảng bộ), Thủ lĩnh thôn
(Bí thư chi bộ). Lãnh đạo đảng ở Trung ương gọi là Thủ lĩnhÐế Chế
(Raihxlaiter). Thủ lĩnh Ðế Chế gồm: Himler, Gobelx, Rozenberg, Hex, Lai, Dare
... Mỗi Thủ lĩnh Ðế Chế phụ trách một bộ phận của đảng. Thí dụ: Gobelx phụ
trách tuyêntruyền, Rozenberg giáo dục tư tưởng và chính trị cho các đảng
viên... Ðứng đầu đảng là Thống Lĩnh. Nguyện vọng của Thống Lĩnh là pháp luật
trong đảng. Vì Thống Lĩnh đồng thời là Quốc Trưởng (người đứng đầu nhà nước)
nên cần bổ nhiệm Phó Thống Lĩnh. Phó Thống Lĩnh lãnh đạo đảng theo cương lĩnh
và hướng dẫn của Thống Lĩnh. Trong tạp chí của đảng năm 1941, đã nói về toàn
quyền của Phó Thống Lĩnh như sau: "Theo sắc lệnh của Thống Lĩnh ban hành
ngày 21.4.1933, Phó Thống Lĩnh có toàn quyền trên danh nghĩa Thống Lĩnh, quyết
định mọi vấn đề về lãnh đạo đảng. Như vậy, Phó Thống Lĩnh là đại diện cho Thống
Lĩnh với toàn quyền lãnh đạo Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức. Văn phòng Phó Thống
Lĩnh cũng chính là văn phòng Thống Lĩnh. Nhiệm vụ của Phó Thống Lĩnh là lãnh đạo
những vấn đề chính trị cơ bản, ban hành những chỉ thị và chăm lo sao cho công
tác đảng được tiến hành dựa trên những nguyên tắc quốc xã. Phó Thống Lĩnh nắm
giữ mọi đầu mối của công tác đảng. Phó Thống Lĩnh là người quyết định cuối cùng
về mọi vấn đề trong những kế hoạch nội bộ của đảng và về tất cả những gì liên
quan đến sự tồn tại của dân tộc Ðức" (84-705). Như vậy cấu trúc của Ðảng
Quốc Xã mang hình dáng kim tự tháp, đáy là những cán bộ cấp thấp nhất và đỉnh
là Thống Lĩnh của đảng. Ðáy của kim tự tháp này rất rộng. Ðiều này có thể minh
họa bằng số liệu trong hồ sơ của Ðảng Công Nhân Quốc Xã năm 1935-1939: Lãnh đạo
đảng: Thủ lĩnh vùng: 33 (năm 1935); 41 (năm 1939) Thủ lĩnh tỉnh: 855 (năm
1935); 808 (năm 1939) Thủ lĩnh huyện: 21283 (năm 1935); 28376 (năm 1939) Thủ
lĩnh xã: 55764 (năm 1935); 89378 (năm 1939) Thủ lĩnh thôn: 213737 (năm 1935);
463048 (năm 1939) Các cán bộ lãnh đạo đều có bộ máy dưới quyền. Bộ máy lãnh đạo
của vùng và tỉnh có những bộ phận sau: tổ chức, tuyên truyền, học tập, cán bộ,
hành động. Những người cộng tác trong các bộ phận này đều được trả lương. Trong
thành phần các bộ máy này còn có kế toán, nhưng kế toán này không thuộc quyền
cai quản của cán bộ đảng có trách nhiệm, mà chịu sự chỉ đạo trực tiếp của kế
toán trưởng của đảng.Trong Ðảng quốc xã còn có "những cán bộ danh dự",
bao gồm số lượng đáng kể các chuyên gia, phần lớn là luật sư, bác sĩ, giáo
viên. Họ được xem như cán bộ danh dự vì làm việc cho các đầu mối xã hội. Con số
này vào khoảng 140 nghìn người. Tất cả mọi cơ sở đảng đều có quyền hạn và nghĩa
vụ, thể hiện rõ nét đặc thù hành chính của nó, sau khi sát nhập với nhà nước. Ðối
với Thống Lĩnh, điều lệ ghi rõ: "Thống Lĩnh có quyền bổ nhiệm các Thủ Lĩnh
Ðế Chế và tất cả những lãnh đạo chính trị, kể cả Hội Trưởng Hội Phụ Nữ Ðế Chế".
Thống Lĩnh chỉ có quyền, không có nghĩa vụ. Thủ Lĩnh Ðế Chế không chỉ có quyền,
mà còn có cả nghĩa vụ. Thủ Lĩnh Ðế Chế do Thống Lĩnh bổ nhiệm và chịu sự chỉ đạo
trực tiếp của Thống Lĩnh. Vai trò của các Thủ Lĩnh Ðế Chế là: "Nắm giữ mọi
đầu mối các tổ chức nhân dân và nhà nước Ðức". Trong điều lệ của đảng quốc
xã về các Thủ Lĩnh Ðế Chế và nhiệm vụ của chúng được ghi như sau: "Cấu
trúc Ban lãnh đạo Ðế Chế cần phải thiết lập, sao cho hệ thống liên kết giữa những
tổ chức đảng đầu tiên và Ban lãnh đạo có khả năng nhận biết được những yếu điểm
và biến đổi nhỏ nhất trong tinh thần nhân dân". Một nhiệm vụ khác của Ban
lãnh đạo Ðế Chế là tuyển chọn cán bộ lãnh đạo và nhồi nhét hết khả năng tư tưởng
quốc xã trong mọi lĩnh vực đời sống. Bí thư Khu ủy cùng bộ máy dưới quyền và
lãnh đạo các cơ sở có nghĩa vụ, đảm bảo sự lãnh đạo của đảng quốc xã trong mọi
lĩnh vực của cuộc sống đảng và nhà nước, hướng dẫn những hành động của đảng và
các cơ sở đảng, tăng cường ảnh hưởng chính trị và tư tưởng của đảng trong nhân
dân thuộc vùng của mình. Bí Thư Tỉnh ủy phải phục tùng Khu ủy, nhưng được Thống
Lĩnh trực tiếp bổ nhiệm. Trong điều lệ đảng ghi: "Bí Thư Tỉnh ủy chịu
trách nhiệm toàn diện trước Khu ủy về nhận thức chính trị và tư tưởng của đảng
viên và quần chúng trên lãnh thổ của mình". Bí Thư Huyện uy phải phục tùng
Tỉnh ủy và được Bí Thư Khu ủy tương ứng bổ nhiệm: "Bí Thư Huyện ủy chịu
trách nhiệm toàn diện về nhận thức chính trị của các cơ sở, tổ chức và những
chi nhánh của đảng. Bí Thư Huyện ủy có quyền phê phán mọi quyết định của Bí Thư
Tỉnh ủy, nếu như những quyết định này mâu thuẫn với quyền lợi của đảng".
Bí Thư Ðảng Bộ là mắt xích trung gian giữa các Bí Thư Tỉnh ủy và cán bộ đảng thấp
nhất - Bí Thư Chi Bộ. Thông thường Bí Thư Ðảng Bộ chịu trách nhiệm về bốn hoặc
tám phố (thôn) và đảm nhiệm việc giám sát các Bí Thư Chi Bộ. Theo điều lệ, Bí
Thư Ðảng Bộ có nhiệm vụ như Bí Thư Chi Bộ. Bí Thư Chi Bộ thực tế là cán bộ đảng
duy nhất thường xuyên tiếp xúc với quần chúng. Bí Thư Chi Bộ chịu trách nhiệm về
phố (thôn) vào khoảng 40 đến 60 gia đình. Theo điều lệ, "Bí Thư Chi Bộ
không chỉ có nghĩa vụ bảo vệ tư tưởng quốc xã và mang tư tưởng này đến với các
đảng viên và dân chúng, mà còn phải xây dựng sự hợp tác hỗ tương giữa các đảng
viên trong khu vực của mình. Bí Thư Chi Bộ có nhiệm vụ thường xuyên nhắc nhở
cho các đảng viên về nghĩa vụ thiêng liêng của họ đối với nhà nước và nhân
dân". Vị trí lãnh đạo càng cao bao nhiêu, quyền lực trong đảng và trong
nhà nước càng lớn bấy nhiêu.Theo điều lệ của Ðảng Quốc Xã, Thống Lĩnh, Bí Thư
Khu ủy, Bí Thư Tỉnh ủy, Bí Thư Huyện ủy, Bí Thư Ðảng Bộ và Bí Thư Chi Bộ là
"những cán bộ đảng có trọng trách", họ có toàn quyền và còn được gọi
là "giới lãnh đạo chính trị" hay "tập đoàn lãnh đạo chính trị".
Ðảng phát xít Italia và Falanga Tây Ban Nha cũng được xây dựng nhằm mục đích
lãnh đạo chính trị nhà nước và xã hội. Tổng Bí Thư Ðảng Phát Xít Italia có những
bộ phận dưới quyền sau: Ban Bí Thư Chính Trị, Ban Bí Thư Hành Chính, các hiệp hội
tự quản, các cơ quan in ấn, tuyên truyền, các tổ chức thanh niên, Hiệp Hội Phụ
Nữ, Hội Các Gia Ðình Liệt Sĩ Phát Xít, Hội Sinh Viên Ðại Học, Ban Bí Thư Chính
Trị kiểm tra hoạt động của những hiệp hội sau: giáo viên phát xít, công nhân đường
sắt phát xít, bưu điện - điện tín phát xít. Các cơ sở trong bộ máy của Falanga
cũng thâu tóm quyền lực như thế: Ban đối ngoại, giáo dục nhân dân, diễn đàn và
tuyên truyền, phụ nữ, xã hội, công đoàn, thanh niên, cựu chiến binh, tài chính
- hành chính. Mục đích của đảng phát xít - lãnh đạo nhà nước và toàn bộ xã hội
- xác định nguyên tắc tổ chức của nó và nguyên tắc cơ bản là tập trung quan
liêu. Nguyên tắc này có thể tóm tắt như sau: (a) Cấp dưới phục tùng vô điều kiện
cấp trên. (b) Cấp trên bổ nhiệm cấp dưới, tổ chức cao bổ nhiệm tổ chức thấp.
(c) Cấp dưới chịu sự kiểm soát và chịu trách nhiệm đối với cấp trên. Chấp nhận
những nguyên tắc này, một mặt đảng phát xít bị biến thành cấu trúc đẳng cấp, và
nếu không xét đến sự cuồng tín, thì không khác gì một đẳng cấp nhà nước quan
liêu, cấp dưới không có một chút quyền tự chủ nào; mặt khác nó trở thành một đảng
quân đội, trong đó không còn tranh luận, bàn cãi, ý kiến công khai: mọi thành
viên đều là người lính của đảng, sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy.
Vào tháng 9.1928, Bí Thư Ðảng Phát Xít Italia tuyên bố công khai: "Thật
sai lầm nếu như nghĩ rằng, trong đảng có sự lựa chọn hay cấp dưới có quyền đối
với cấp trên. Những người phát xít không khác gì một đội quân. Và đội quân thì
phải phục tùng, chiến đấu, hy sinh, nhưng không thể bổ nhiệm cấp chỉ huy của
mình và không thể nghi ngờ các mệnh lệnh". Vào năm 1922, khi trả lời về những
lo ngại do sự phát triển đảng quá mức cần thiết, Muxolini đã nói: "Những kẻ
lắm lời có thể tham gia đảng của những người ưa tranh luận, chứ không phải là đảng
bao gồm các chiến sĩ như đảng ta. Kỷ luật chính trị của chúng ta cũng đồng thời
là kỷ luật của quân sự . Những chiến sĩ trẻ của chúng ta muốn chiến đấu chứ
không ưa tranh luận. Thậm chí chúng ta cũng không cho phép những tổ chức nghiệp
đoàn được như vậy. Chúng ta sẽ bảo vệ quyền lợi công nhân, nhưng nếu cần, chúng
ta cũng có thể đàn áp". Chúng ta hãy đọc một đoạn trong lời thề của đảng
viên mới được kết nạp: "Tôi xin thề sẽ thi hành vô điều kiện mọi mệnh lệnh
của người chỉ huy, sẽ phục vụ bằng tất cả khả năng của mình và nếu cần, cả bằng
máu cho sự nghiệp của cuộc cách mạng phát xít". Ông già, đã từng giữ chức
Bí Thư Ðảng Phát Xít trong những năm 30, cho rằng muốn có kỷ luật cho người
Italia cần phải bắt họ vào đảng. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 10.1937, đảng
phát xít có tới hơn 2 triệu thành viên, và nếu kể cả những tổ chức phụ thuộc là
10 triệu. 3/ Thâu tóm toàn bộ dân chúng vào các tổ chức quốc gia: Ðể kết thúc
quá trình đồng hóa, nghĩa là để phân chuyển sự kiểm soát của đảng phát xít trên
toàn xã hội, chế độ thâu tóm mọi thành viên của mình vào các tổ chức quần
chúng. Rõ ràng trên thực tế, đảng phát xít không thể kiểm soát từng công dân
riêng biệt. Nhưng điều này có thể đạt được bằng cách sắp xếp dân chúng vào những
tổ chức xã hội nào đó và đặt các tổ chức này dưới quyền kiểm soát của đảng thống
trị. Như vậy, các tổ chức quần chúng trở thành những tổ chức tiếp diễn của đảng
hay nhà nước (vì đảng và nhà nước đã sát nhập với nhau). Biện pháp chính trị
này là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nhà nước độc tài biến họ thành những
công cụ cho mục đích của mình, khiến họ không còn có thể phản kháng. Vì vậy,
nhà nước độc tài có thể xem là "xã hội được tổ chức". Bọn quốc xã đã
bắt đầu thực hiện chương trình này ngay từ những ngày cầm quyền đầu tiên. Ðể
thay thế cho những tổ chức quần chúng cũ từ thời nền cộng hòa Vaimar (2) đã bị
giải tán, bọn quốc xã thành lập các tổ chức mới, còn quần chúng hơn, và đặt
chúng dưới sự kiểm soát của đảng. Thay cho những tổ chức công đoàn tự do là Mặt
Trận Lao Ðộng Ðức, thay cho rất nhiều tổ chức thanh niên khác nhau là "Thế
Hệ Hitler", còn những tổ chức thiếu niên trong các trường học được thống
nhất lại thành tổ chức Nhi Ðồng ("Người Công Dân Trẻ"). Ðồng thời bọn
quốc xã thành lập các hiệp hội mới: Hội Sinh Viên Quốc Xã, Liên Hiệp Phụ Nữ,
Liên Hiệp Giảng Viên Ðại Học Ðức, Hội Luật Sư Ðức, Hội Quốc Xã Các Giáo Viên, Hội
Các Gia Ðình Người Ðức ... Các tổ chức quần chúng này thâu tóm toàn bộ nhân dân
Ðức. Không còn công dân nào trên lãnh thổ Ðế Chế mà lại không thuộc một tổ chức
hay hiệp hội nào đó. Vào năm 1939, chỉ riêng Mặt Trận Lao Ðộng Ðức đã có tới 23
triệu thành viên, "Thế Hệ Hitler" - 8 triệu. Tất cả các tổ chức quần
chúng đều không có cương lĩnh riêng, vì đều phải công nhận và thực hiện theo
cương lĩnh của Ðảng Quốc Xã; đồng thời được xây dựng trên nguyên tắc của đảng
này: tập trung, phục tùng và đẳng cấp, v.v... Về vấn đề này, Chủ Tịch Mặt Trận
Lao Ðộng Ðức, Thủ Lĩnh Ðế Chế R. Lai, trong diễn văn đọc tại Ðại hội Ðảng ngày
13.1936 đã nói như sau: "Mặt trận Lao động Ðức là tổ chức của đảng và chịu
sự lãnh đạo của đảng. Cũng giống như đảng, Mặt trận Lao động Ðức cần phải được
tự tổ chức trên nguyên tắc lãnh thổ". Ðảng phát xít đảm bảo sự lãnh đạo trực
tiếp của mình đối với các tổ chức quần chúng bằng cách cử những Thủ lĩnh chính
trị nắm giữ vị trí lãnh đạo của những tổ chức này. Ðứng đầu những tổ chức quần
chúng đều là các đảng viên quốc xã sừng sỏ nhất: đứng đầu Hội Cơ Khí Ðức là
Speer, Hội Giảng Viên quốc xã là Vexler, Hội Bác Sĩ là Coti, Hội Luật Sư quốc
xã là Tirac, v.v... Sự lãnh đạo của đảng, đối với các tổ chức quần chúng, được
đảm bảo gấp đôi. Không chỉ những thủ lĩnh các tổ chức quần chúng là những đảng
viên phát xít sừng sỏ, mà cả những vị trí lãnh đạo các tổ chức cơ sở của chúng
cũng đều do các đảng viên phát xít chiếm giữ. Nếu không có sự đồng ý của cán bộ
đảng cao cấp, lãnh đạo của các tổ chức quần chúng không được quyết định những vấn
đề mang ý nghĩa chính trị và quốc gia quan trọng. Trong sắc lệnh do Hex ban
hành ngày 25.10.1934, ghi rõ: "Các cán bộ của các tổ chức đảng, cũng như
các Thủ lĩnh Ðế chế, lãnh đạo SA, SS, "Thế Hệ Hitler" và những tổ chức
phụ thuộc khác không được phép thỏa thuận bất cứ một vấn đề mang tính chất
chính trị nào với các tổ chức khác, nếu như không được sự đồng ý của cán bộ đảng
có thẩm quyền tương ứng" . Khi bổ nhiệm cán bộ "Thế Hệ Hitler",
các cơ sở của tổ chức này bắt buộc phải tham khảo ý kiến của cán bộ đảng có thẩm
quyền trong vùng đó. Như vậy, "Lãnh đạo đảng có quyền bãi bỏ những cán bộ
không xứng đáng cho việc lãnh đạo thanh niên. Và nếu trước đó không có sự đồng
ý của lãnh đạo đảng, lãnh đạo đảng có thể thay đổi việc bổ nhiệm này trong trường
hợp thấy cần thiết." Việc các tổ chức quần chúng bị đặt dưới sự lãnh đạo,
hay đúng hơn - dưới sự kiểm soát của đảng phát xít, không tránh khỏi biến chúng
thành những tổ chức quốc gia (vì đảng thống nhất với nhà nước). Từ đó suy ra rằng
các tổ chức này bảo vệ quyền lợi cho nhà nước phát xít, chứ không phải cho những
thành viên của mình. Chúng ta hãy lấy ví dụ về Mặt Trận Lao Ðộng Ðức. Trước đây
trong nền Cộng Hòa Vaimar, tổ chức tương ứng (những tổ chức công đoàn) bảo vệ
quyền lợi cho giai cấp công nhân trước nhà nước của giới tư sản thông qua các
cuộc biểu tình, bãi công, đòi tăng lương, thay đổi điều kiện làm việc, chống việc
đuổi công nhân, v.v... Tất cả những vấn đề này bị thay đổi hoàn toàn sau khi Mặt
Trận Lao Ðộng Ðức được thiết lập. Trước hết, là tư tưởng bá chủ của đảng không
công nhận bất kỳ mâu thuẫn nào trong quyền lợi nhà nước và các thành viên của tổ
chức này. Bãi công, biểu tình, v.v... bị cấm hoàn toàn vì như thế là chống lại
nhân dân và nước Ðức. Theo hệ tư tưởng quốc xã, nhân dân, nhà nước, quê hương
và lãnh tụ được ràng buộc chặt chẽ với nhau. Và vì vậy, nếu ai chống lại một mắt
xích bất kỳ nào trong chuỗi này, cũng đồng thời chạm tới toàn bộ dây chuyền. Nếu
một cuộc bãi công nhằm chống lại chính sách kinh tế nhà nước, thì theo cách suy
luận logic quốc xã, nó đồng thời cũng chống lại quê hương và nhân dân. Do đó,
trên danh nghĩa nhân dân và quê hương, cần phải đàn áp thẳng thừng cuộc bãi
công này. Trong một tài liệu đặc biệt, việc chống bãi công được vạch rõ:
"Ðàn áp thẳng thừng cuộc bãi công đầu tiên là phương pháp tốt nhất để ngăn
chặn và làm gương cho những vụ tái diễn khác". Trong diễn văn ngày
17.5.1953, R.Lai, Chủ tịch Mặt trận Lao động Ðức, khi nói về tính chất và nhiệm
vụ của tổ chức này đã không quên nhấn mạnh rằng, không thể cho phép các cuộc
bãi công xảy ra, chỉ có kẻ thù mới quan tâm đến bãi công" . Không còn bãi
công, tranh luận, bàn cãi. Ðảng Công Nhân Quốc Xã sắp xếp tất cả, hơn ai hết đảng
biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Ðảng được công nhận một cách hiển
nhiên là không thể sai lầm và bao giờ cũng dẫn dắt nhân dân Ðức (trong đó có Mặt
Trận Lao Ðộng Ðức) đi theo con đường đúng đắn nhất. Và nếu con đường này yêu cầu
sự hy sinh, thì nhân dân phải sẵn sàng. Tính chất quốc gia của Mặt Trận Lao Ðộng
Ðức không chỉ thể hiện ở chỗ lãnh đạo của tổ chức này là đảng viên quốc xã, và
cũng không chỉ riêng trong lĩnh vực tư tưởng, mà còn cả trong chính sách kinh tế
hiện thực của nó. Với sắc luật "Về Trật Tự Trong Lao Ðộng", các hội đồng
công nhân từ thời Cộng Hòa Vaimar đều bị xóa bỏ và thay vào đó bằng cái gọi là
"Hội Ðồng Tin Tưởng". Chỉ có chủ xướng và lãnh đạo đảng quốc xã tại
cơ sở đó mới được quyền đề cử thành viên của những hội đồng này. Tháng 2.1935,
hệ thống "sổ lao động" được thiết lập. Trong sổ lao động ghi rõ nơi
làm việc, nơi cư trú của người công nhân. Nếu không được sự đồng ý của lãnh đạo
nhà máy tương ứng thì người công nhân không thể tự ý bỏ việc làm, vì không còn
nơi nào nhận anh ta nữa. Như vậy nhà nước độc tài phát xít đã đẩy lùi xã hội về
sau thời đại của nền dân chủ tư sản tự do, bãi bỏ quyền tự do lao động - quyền
lợi đầu tiên lớn nhất của nền dân chủ sau sự sụp đổ của chế độ phong kiến; đồng
thời tái lập chính sách lao động cưỡng bức kinh tế ngoại lệ đối với những người
lao động. Về vấn đề này, hệ thống nghiệp đoàn mà phát xít Italia sáng lập ra
còn hoàn thiện hơn nhiều. Muxolini đã từng nói: "Nhà nước nghiệp đoàn là hệ
thống điển hình và là niềm tự hào của cuộc cách mạng phát xít". Bằng 12
liên hiệp ngành nghề của công nhân và chủ xưởng, nhà nước phát xít thâu tóm
toàn bộ xã hội công chúng (công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông
đường biển, hàng không, đường bộ và đường sông); và kể cả những ngành nghề tự
do là liên hiệp thứ 13. Tham gia các nghiệp đoàn này là bắt buộc, bằng cách thu
đoàn phí thông qua hệ thống hành chính. Việc lãnh đạo và kiểm soát của Nhà nước
đối với hệ thống nghiệp đoàn được thực hiện nhờ "sắc luật nghiệp
đoàn" ban hành ngày 3.4.1926. Theo luật này, "mỗi một dạng chủ xưởng,
công nhân, nghệ sĩ, v.v... chỉ được công nhận một hiệp hội hợp pháp".
Không được phép nhiều hơn, vì như thế sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát của
nhà nước và đi ngược lại mục đích cơ bản của nó - đồng nhất xã hội. Ðối với những
hiệp hội được nhà nước công nhận, điều luật đưa ra hàng loạt hạn chế khiến
chúng phải phụ thuộc tuyệt đối vào nhà nước: "(1)Các hiệp hội không được
liên kết với những tổ chức quốc tế, nếu không được sự đồng ý của cơ quan nhà nước.
(2)Việc bổ nhiệm bầu cử chủ tịch và thư ký các hiệp hội cơ sở sẽ không có hiệu
lực nếu không có công văn xác nhận của bộ chủ quản và sự đồng ý của Bộ Nội Vụ".
Thậm chí từ ngày 20.3.1930 Hội Ðồng Dân Tộc Nghiệp Ðoàn đã trở thành cơ quan hợp
pháp của nhà nước, đứng đầu là Thủ Tướng chính phủ . Ðiều này đã khẳng định
toàn quyền của nhà nước đối với các tổ chức và hệ thống nghiệp đoàn. Thực chất,
phát xít Italia là thí dụ điển hình về việc đảng điều hành bộ máy của nhà nước
và thông qua đó mà khống chế toàn bộ xã hội. Những nghiệp đoàn thăng tiến của
Tây Ban Nha chỉ là bản sao của hệ thống nghiệp đoàn ở Italia. Chúng chỉ khác
nhau một điểm nhỏ là ở Italia các nghiệp đoàn phụ thuộc vào nhà nước nhiều hơn
là vào đảng. Còn ở Tây Ban Nha, Những Nghiệp Ðoàn Thăng Tiến bị đặt dưới sự kiểm
soát và giám sát trực tiếp của đảng Falanga. Nhưng dù có sự khác nhau trong việc
thành lập các tổ chức quần chúng tại ba nhà nước phát xít, nguyên tắc chung chỉ
là một - nguyên tắc độc tài. Theo những tài liệu chính gốc, việc đảng phát xít
sắp xếp thanh niên vào một tổ chức duy nhất không chỉ nhằm mục đích thâu tóm và
kiểm soát họ như một bộ phận nhân dân, mà còn xem tổ chức thanh niên như một
công cụ dùng để giáo dục thế hệ trẻ theo tinh thần tư tưởng và ý thức sẵn sàng
phục vụ cho sự nghiệp phát xít. Cũng giống như những tổ chức quần chúng khác,
"Thế Hệ Hitler" không có cương lĩnh riêng ngoài cương lĩnh của Ðảng
Quốc Xã. Trong tác phẩm Thế Hệ Hitler, Fon Sirah viết: "Nhiệm vụ của tôi
là giáo dục tinh thần thế hệ trẻ theo những mục đích, tư tưởng và chỉ thị của Ðảng
Công Nhân Quốc Xã, đồng thời lãnh đạo và tổ chức họ" . Giới lãnh đạo Ðảng
Công Nhân Quốc Xã chú trọng đặc biệt đến vấn đề giáo dục tư tưởng cho các thành
viên của "Thế Hệ Trẻ" theo tinh thần tư tưởng quốc xã. Trong một bài
báo về giáo dục chống tôn giáo cho "Thế Hệ Hitler", Rozenberg viết:
"Chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn trong sự nghiệp truyền bá tư tưởng
quốc xã cho thanh niên Ðức. Tổ chức thanh niên Thiên Chúa Giáo chỉ còn lại những
nhóm nhỏ và sắp tới sẽ được sát nhập vào các cơ sở của "Thế Hệ
Hitler". Tổ chức "Thế hệ Hitler" tiến hành nhiều biện pháp đặc
biệt nhằm nhồi nhét tư tưởng quốc xã cho thanh niên Ðức, trong đó có việc mở
các trường Aldolf Hitler mà chỉ những thành viên xuất sắc được tuyển chọn của tổ
chức Người Công Dân Trẻ mới có quyền được vào học . Ban lãnh đạo Ðảng Quốc Xã tổ
chức "Thế hệ Hitler" như lực lượng cán bộ dự bị cho bộ máy nhà nước.
Ðảng Quốc Xã chỉ kết nạp vào hàng ngũ của mình những đoàn viên thanh niên
"Thế Hệ Hitler" ưu tú nhất, và những người có khả năng làm công tác tổ
chức thì được gửi vào học tại trường đảng cao cấp Adolf Hitler. Sau khi tốt
nghiệp, những người này được đảm nhận công tác lãnh đạo trong bộ máy đảng và
nhà nước. Nếu tin vào những băng ghi âm của X. Rausing thì bản thân Hitler cũng
quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục thanh niên theo tinh thần quốc xã. Hitler
xem số phận tương lai của chế độ quốc xã liên quan chặt chẽ đến sự nghiệp giáo
dục này: "Tôi cần phải trở thành một nhà giáo dục nghiêm khắc. Chúng ta sẽ
bắt đầu một sự nghiệp giáo dục thanh niên vĩ đại. Chúng ta đã già rồi. Chúng ta
không còn bầu nhiệt huyết nóng hổi. Chúng ta đã trở nên hèn nhát và mẫn cảm.
Nhưng còn thế hệ trẻ tuyệt vời của tôi! Liệu trên thế giới này có gì đẹp hơn
không? Các ngài hãy nhìn những chàng trai và những cô gái trẻ này. Họ tuyệt vời
làm sao. Tôi sẽ dùng họ để xây dựng một thế giới mới. Biện pháp giáo dục của
tôi rất nghiêm khắc. Tôi sẽ dùng búa để đẽo gọt và vứt bỏ những gì bị hư hỏng.
Chúng ta sẽ tạo nên một thế hệ trẻ mà thế giới nhìn vào phải run sợ. Một thế hệ
trẻ hùng mạnh, quyền thế, dũng cảm và không hề biết run sợ. Tôi muốn một thế hệ
như thế. Thế hệ trẻ có thể mang được những gánh nặng bất hạnh trên vai. Tôi
không muốn thế hệ trẻ có những biểu hiện yếu đuối và ủy mị. Tôi sẽ huấn luyện
cho họ những bài tập thể lực. Trước hết cần mạnh mẽ: Ðó là điều quan trọng nhất".
Theo điều luật về thanh niên, từ tháng 12.1936 "Thế Hệ Hitler" được
tuyên bố là tổ chức thanh niên duy nhất ở Ðức có quyền tổ chức và giáo dục
thanh niên. Ðiều luật nêu rõ: "Toàn bộ thanh niên Ðức tham gia tổ chức
"Thế Hệ Hitler". Ngoài gia đình và nhà trường, thanh niên Ðức còn được
giáo dục thể lực, tri thức và đạo đức theo tinh thần quốc xã để phục vụ cho
nhân dân và tổ quốc của mình. Sự nghiệp giáo dục này được thực hiện thông qua
"Thế Hệ Hitler". Tính chất quốc gia của "Thế Hệ Hitler" được
thể hiện rõ ràng hơn trong mối quan hệ của nó với các tổ chức nhà nước phản động
nhất như cảnh sát (SS và SA) và quân đội. "Thế Hệ Hitler" tuyển chọn
hàng trăm ngàn thành viên của mình cho quân đội. Giáo dục quân sự cho thanh
niên được chú trọng cho tất cả mọi hình thức và tùy thuộc sở thích từng người.
"Trong các trường đào tạo cán bộ của "Thế Hệ Hitler" và đặc biệt
là tại hai trường cao cấp đều có môn tập bắn súng và huấn luyện trên hiện trường".
Nhà nước độc tài không chỉ quan tâm đến việc thâu tóm mọi công dân vào một tổ
chức nào đó, mà còn kiểm soát chặt chẽ từng giai đoạn trong cuộc đời của họ
theo lứa tuổi: Ở Ðức: Từ 10-14 tuổi thuộc tổ chức Người công dân trẻ . Từ 14-18
tuổi - "Thế Hệ Hitler". Từ 18-20 tuổi - các tổ chức đảng SS, SA,
v.v... Từ 20-21 tuổi: Mặt trận lao động. Từ 21-23 tuổi - tham gia nghĩa vụ quân
sự . Từ 23 tuổi trở đi - tham gia những tổ chức khác nhau của chế độ quốc xã và
Ðảng Quốc Xã. Ở Ytalia: Từ 8-15 tuổi thuộc tổ chức Balila. Từ 15-21 tuổi -
Abangard. Từ 21-30 tuổi - Công an phát xít. Sau đó tham gia Ðảng phát xít hay
những tổ chức quốc gia cho đến hết đời. Ở Tây Ban Nha: Từ 7-17 tuổi thuộc tổ chức
Mặt trận thanh thiếu niên, gồm 3 bậc: con trai - "Mũi tên",
"Pelalox", "Thiếu sinh quân"; con gái - "Hạt
xoàn", "Mũi tên" và "Mũi tên xanh". Sau đó những người
theo học đại học thì tham gia các tổ chức nghiệp đoàn sinh viên quốc gia, còn
những người trực tiếp sản xuất - "Nghiệp đoàn thăng tiến". Với tham vọng
thâu tóm và kiểm soát tổng thể xã hội, bọn phát xít còn thành lập những câu lạc
bộ quần chúng, kiểm soát mọi hoạt động của con người trong cả thời gian nghỉ
ngơi. Ở Ðức, tổ chức này mang tên "Sức mạnh niềm vui". "Sức mạnh
niềm vui" tổ chức những cuộc gặp gỡ, tọa đàm, những chuyến bay tập thể, những
nhóm nghiên cứu và tất cả những gì mà con người có thể làm trong thời gian rỗi,
nhưng bắt buộc phải theo tinh thần và nguyên tắc của cộng đồng quốc xã. Ở
Italia, tổ chức tương tự được gọi là "Dopolavoro" (nghĩa đen là
"sau công việc"). Ðây là tổ chức lớn nhất được thành lập từ năm 1926
như một bộ phận không thể tách rời còn nhà nước nghiệp đoàn phát xít Italia. 4/
Ðồng hóa cuộc sống tinh thần: Sau khi nắm quyền lãnh đạo nhà nước và các tổ chức
quần chúng, đảng phát xít phân chuyển sự kiểm soát của mình trên toàn xã hội và
cuộc sống tinh thần của nó. Việc kiểm soát này được thực hiện theo hai cách: A
- Thâu tóm tổng thể giới trí thức vào các hiệp hội: Với tham vọng kiểm soát tổng
thể toàn bộ cuộc sống tinh thần, đảng phát xít cưỡng ép tất cả những người làm
công tác sáng tạo trong lĩnh vực lao động trí óc (bác học, nhà văn, nhà thơ, họa
sĩ, điêu khắc, kiến trúc, đạo diễn, v.v...) tham gia những hiệp hội tương ứng. Ở
ngoài các tổ chức, hiệp hội này thì không ai có thể còn là trí thức: nhà văn
không còn là nhà văn, diễn viên không còn là diễn viên, nhạc sĩ không còn là nhạc
sĩ, v.v... Vào mùa xuân năm 1935, P. Toliati đã viết: "Hiện nay ở Italia,
không ai có thể trở thành nhà văn, giáo viên, giảng viên nếu không phải là đảng
viên phát xít. Ðiều này còn được thể hiện ở cả những nghề tự do như luật sư,
nhà báo ... Tất cả đều bắt buộc phải tham gia đảng phát xít, thâm chí cả bác
sĩ: không phải là đảng viên, thì không thể là bác sĩ công chính". Tại nước
Ðức phát xít, nguyên tắc này còn được thể hiện triệt để hơn nhiều. Chỉ thị số
112 của Ủy Ban Văn Hóa Ðế Chế ngày 20.8.1937 vạch rõ sự cần thiết "phải
thuộc một hiệp hội nào đó". Thực ra vấn đề này đã được tiến hành sớm hơn
nhiều bằng sắc luật ngày 22.9.1933: "Mọi sáng tác văn hóa cần được tổ chức
lại". Cơ cấu thâu tóm này được thể hiện như sau: "Toàn bộ cuộc sống
tinh thần tập trung tại Ủy Ban Văn Hóa Ðế Chế dưới sự kiểm soát của Bộ Trưởng
Tuyên Truyền và Giáo Dục Nhân Dân - Tiến sĩ Gobelx. Ủy Ban Văn Hóa có bảy ban:
Ban nhà hát, Ban thể hiện nghệ thuật, Ban văn học, Ban điện ảnh ... Các ban văn
hóa này thâu tóm những hiệp hội tương ứng. Thí dụ Ban nhà hát có những hiệp hội:
Hội Sân Khấu Ðức, Hội Diễn Viên Ðức, v.v... Cần phải hiểu chính xác ý nghĩa của
những hiệp hội trí thức mà chế độ phát xít tạo ra. Vấn đề không phải là sự tồn
tại các hiệp hội trí thức - xã hội nào cũng có những tổ chức như thế, cũng
không phải ở việc bắt buộc phải tham gia các tổ chức này, mà là ở vai trò của
chúng, bị nhà nước sử dụng như công cụ nhằm kiểm soát giới trí thức. Cũng tương
tự như các tổ chức quần chúng quốc gia, những hiệp hội trí thức được thành lập
không phải để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên của chúng trước hệ thống nhà
nước quan liêu, mà ngược lại - đặt quyền lợi nhà nước lên trên quyền lợi của những
người trí thức. Thông qua những tổ chức này, nhà nước phát xít bắt giới trí thức
phải quy phục. Bởi vì các hiệp hội cũng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc
quan liêu như nhà nước và đảng phát xít: tập trung cao độ, phục tùng vô điều kiện
cấp trên, giao vị trí lãnh đạo cho những kẻ có công lao chính trị, dễ sai ... Kết
quả là trình độ, khả năng, tài năng và thiên tài bị đẩy lùi. Một hiệp hội trí
thức, mà nhiệm vụ chỉ phục tùng, nghe lời nhà nước, theo dõi những tư tưởng và
suy nghĩ tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ tư tưởng quốc gia, là một hình thức
hủy diệt giới trí thức. Ðiều này thật có lợi cho nhà nước, vì đã không cần dùng
chính tay mình để thực hiện mưu đồ đó. Tập trung cưỡng ép tất cả những người
trí thức trong một lĩnh vực vào một hiệp hội, đặt trí tuệ và dốt nát, tài năng
và tầm thường vào cùng một vị trí, nhà nước phát xít tiếp tay cho bọn bất tài
chống lại những bộ óc thông thái, giúp bọn tầm thường chống lại các tài năng.
Hơn thế nữa, nhà nước trao tổ chức vào tay những kẻ dốt nát và tầm thường để chống
lại tài năng và thiên tài. Trong các hiệp hội, bọn tầm thường, dốt nát là những
kẻ cộng tác đắc lực với nhà nước chống lại tư duy và những biểu hiện tự do của
người trí thức. Nhà nước quan liêu và sự dốt nát liên quan chặt chẽ với nhau
trong lĩnh vực tinh thần, vì nâng đỡ sự tầm thường và vô bản sắc là một trong
những nguyên tắc cơ bản của đẳng cấp quan liêu. Ở đây nhà nước phát xít và bọn
tầm thường có cùng chung quyền lợi. Nhà nước phát xít quan tâm đến việc hủy diệt
tự do suy nghĩ và tính độc lập của giới trí thức, bởi vì điều đó đi ngược lại
những nguyên tắc cơ bản của nó. Nếu nhà nước độc tài cho phép tự do công kích,
bản thân chế độ sẽ bị tan rã vì trong công cuộc đấu tranh công khai, những
nguyên tắc quan liêu không thể đứng vững trước sức phản kháng của tư tưởng tự
do dân chủ. Do đó nhà nước độc tài cần phải hủy diệt giới trí thức chân chính với
tính tự chủ, công kích và độc lập của họ. Rõ ràng bọn tầm thường cũng quan tâm
đến những vấn đề này, bởi vì trong điều kiện cạnh tranh tự do, chúng không thể
thắng các tài năng. Như vậy với việc thâu tóm tổng thể giới trí thức vào những
hiệp hội quốc gia, dựa vào bọn tầm thường như những hạt nhân cơ bản, nhà nước
phát xít hủy diệt giới trí thức chân chính và tạo nên một giới trí thức giả
danh - tự xem là chiếm được lòng tin cao nhất đối với nhà nước và lãnh tụ dân tộc.
Tuy nhiên đối với nhà nước, quá trình này được nhìn nhận dưới một góc độ khác
hoàn toàn. Theo các nhà tưởng phát xít, nhà nước không hủy diệt giới trí thức
mà ngược lại chỉ đuổi những phần tử "vô chính phủ" và "hư
vô" - những kẻ ngăn chặn và cản trở giới trí thức trong công tác sáng tạo.
Khi nâng đỡ bọn bất tài - những kẻ sẵn sàng cộng tác hoặc đã thể hiện được lòng
trung thành của mình đối với nhà nước, nhà nước phát xít cho rằng đã sáng tạo
được một giới trí thức mới "chân chính" - giới trí thức sẵn sàng phục
vụ nhân dân và nhà nước, đồng thời trao quyền lãnh đạo các hiệp hội cho bọn bán
trí thức này. Ðứng đầu các hiệp hội trí thức ở Ðức là những kẻ bất tài nhất. Chủ
nhiệm Ban nghệ thuật là giáo sư A. Sigler, kẻ được Hitler ngưỡng mộ, một họa sĩ
dưới mức tầm thường. Hai bức họa điển hình của Sigler - "Nữ Thần Nghệ Thuật"
và "Bốn Cơ Cấu" - với tính thực dụng thô thiển và những chi tiết hủ lậu,
gây nên nỗi thất vọng vô bờ cho bất cứ người am hiểu nghệ thuật nào. Hội trưởng
hội Giáo sư là giáo sư - tiến sĩ Sulxe, kẻ không có tiếng tăm gì trong khoa học
nhưng có nhiều công lao chính trị ... Và sau hết Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa Ðế Chế
là tiến sĩ Gobelx. B - Nghệ thuật và văn học phải phục tùng đảng phát xít: Tổ
chức những người trí thức vào các hiệp hội không chỉ là mục đích mà trước hết
là công cụ, nhằm nhồi nhét tư tưởng và tiêu chuẩn của đảng cho nghệ thuật và
văn học. Sau khi đạt được sự thống trị chính trị tuyệt đối trên mọi lĩnh vực của
đời sống nhà nước và xã hội, đảng phát xít không thể cho phép văn học và nghệ
thuật đi ngược lại những quan niệm của đảng về cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái tốt,
anh hùng, lẽ công bằng ... Ngược lại đảng cần phải thấy những tư tưởng thẩm mỹ
và tinh thần của mình bao trùm trên mọi sáng tạo nghệ thuật. Trên cơ sở lập luận
như vậy, đảng phát xít tự cho là có quyền giao nhiệm vụ cho những người trí thức,
đồng thời đòi hỏi những tác phẩm nghệ thuật của họ phải phù hợp với thị hiếu của
đảng. Ðảng phát xít xem văn học và nghệ thuật như những thứ vũ khí đấu tranh
hay sự nghiệp giáo dục. Văn học và nghệ thuật chỉ có lợi cho đảng phát xít
trong trường hợp duy nhất: dùng những phương tiện nghệ thuật để giáo dục nhân
dân theo tinh thần và ý nghĩa của tư tưởng phát xít, nghĩ là mang đến cho nhân
dân những tư tưởng quốc xã dưới hình thức nghệ thuật. Ở đây văn học và nghệ thuật
được xem như công cụ tuyên truyền, chỉ khác tuyên truyền thông thường là có
tính lâu bền và tác động sâu sắc hơn. Bí thư Bộ Tuyên Truyền Valter Func đã từng
tuyên bố: "Tuyên truyền và lãnh đạo văn học là không thể tách rời".
Nhưng để có thể thực hiện được chức năng này, văn học và nghệ thuật được giao
nhiệm vụ trước tiên phải đi sâu đi sát quảng đại quần chúng, tác động đến quần
chúng thông qua việc lựa chọn chủ đề sáng tác và phương pháp thể hiện. Nhiệm vụ
đầu tiên này được gọi là Sự Gắn Bó Của Nghệ Thuật Với Nhân Dân. Tiến sĩ Hanx
Ciner viết: "Thống lĩnh muốn nghệ thuật Ðức phải từ nhân dân mà ra và vì
nhân dân phục vụ . Người muốn tác động giáo dục và luân lý của nghệ thuật cần
phải được trau dồi hơn nữa. Thống lĩnh muốn người họa sĩ Ðức phải từ bỏ tính
không cởi mở và phải gần gũi với nhân dân và điều này cần được phản ánh trong
việc lựa chọn chủ đề sáng tác: cần phải mang tính nhân dân, dễ hiểu và phải nằm
trong khuôn khổ tư tưởng quốc xã là dũng cảm và anh hùng". Chức năng xã hội
mà bọn phát xít giao cho nghệ thuật (giáo dục nhân dân theo tinh thần tư tưởng
của đảng), còn được thể hiện rõ ràng hơn trong tờ báo SS Ðội Quân Ðen số ra
ngày 25.2.1937: "Chức năng giáo dục của nghệ thuật là dạy bảo nhân dân
theo ý nghĩa lành mạnh nhất của từ này, bởi vì nó thức tỉnh trong con người những
tình cảm tốt đẹp, khẳng định cuộc sống". Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ
thuật của Ðệ Tam Ðế Chế đều viết trên tinh thần này. Thậm chí cả nhà thơ
Herbert Miulanbah viết: "Nhà thơ chân chính lớn lên cùng với hạnh phúc của
dân tộc, và có thể đồng thời mang cả nỗi đau dân tộc trong trái tim mình".
Ðể có thể gắn bó với nhân dân, người nghệ sĩ trước tiên phải thông suốt sự nghiệp
của Ðảng Quốc Xã, sự nghiệp mà theo tư tưởng của đảng là phản ánh đầy đủ nhất
quyền lợi của nhân dân. Vì vậy người nghệ sĩ phải là nghệ sĩ đảng. Riharg
Oringer viết vào năm 1935, "Nền thơ ca quốc xã, và trước tiên là những luật
lệ cơ bản của nó, không phải tính cá nhân mà là tính quốc xã đơn giản và thuần
túy. Tôi không sợ khi nói rằng, tôi mong đợi một nền thơ ca từ đảng. Ðảng là thể
xác của linh hồn quốc xã, và linh hồn quốc xã sống trong thể xác của quốc xã sẽ
sinh ra nền thơ ca điển hình của mình". Vấn đề chính trị và tư tưởng được
ưu tiên trước tiên so với nghệ thuật và thẩm mỹ, có thể minh họa bằng những dẫn
chứng sau. Trong bài báo nhan đề "Nền kịch nói trong nhà nước quốc
xã" đăng trên tạp chí Biune tháng 4.1936, tiến sĩ Vahter Smit viết:
"Cái mới nhất là: tư tưởng chính trị được ưu tiên và thể hiện rõ ràng
trong văn học và nghệ thuật. Thể hiện trên thực tế những yêu cầu tư tưởng quốc
xã trong đời sống ca kịch Ðức là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, mà ngày nay nền
ca kịch Ðức phải thực hiện trước tiên". Một nhà phê bình sân khấu khác, tiến
sĩ Valter Sang, viết trên báo Berliner Localanxaiger số ra ngày 17.1.1934:
"Bằng cách nào để chúng ta thể hiện được những tư tưởng quốc xã trong lĩnh
vực ca kịch, đó là vấn đề thời sự nóng hổi. Thay cho thẩm mỹ, ngày nay nội dung
tư tưởng cần phải là tính chất quyết định. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều có chủ
ý, đó là điều không thể chối cãi. Ngày nay những tư duy anh hùng và lý tưởng về
thế giới đang trị vì. Tư tưởng chính trị trong nghệ thuật phát xít được coi trọng
đến mức ngay cả mốt cũng bị can thiệp. Năm 1941 có tác giả đã viết: "Trong
quá khứ nước Ðức chưa hiểu hết ý nghĩa chính trị của mốt. Ðã không nhìn thấy rằng,
đồng thời với việc hấp thụ những mốt nước ngoài, một cách sống và ngôn ngữ ngoại
lai cũng xâm nhập vào đất nước. Mốt đã được xem như là vô chính trị".
Ðương nhiên trong hội họa và điêu khắc, những tư tưởng quốc xã có thể hiện dễ
dàng hơn trong ca kịch. Có vô kể những tranh, tượng minh chứng cho điều đó. Một
trong những tư tưởng quốc xã là mối quan hệ tinh thần sâu sắc giữa nhân dân và
lãnh tụ dân tộc. Bức tranh "Chúng Con Muốn Ðược Gặp Thống Lĩnh" của
Doroteia Hauer thể hiện niềm phấn khởi của nhân dân khi Thống Lĩnh xuất hiện.
Các em nhỏ đang túm quanh chân những chiến sĩ SS đáng yêu, các chiến sĩ sánh
vai nhau tạo thành hàng, và tất cả đều đứng lặng trước Thống Lĩnh kính yêu. Thể
hiện tình yêu của nhân dân đối với đảng quốc xã cũng là một trong những nhiệm vụ
của nền nghệ thuật Ðế Chế. Có hàng loạt tác phẩm điêu khắc về chủ đề này: người
mẹ và con trai đang đứng nhón chân hướng về bầu trời quốc xã. Một bức tranh thể
hiện niềm tin của nhân dân vào chế độ được đặt tại phòng làm việc của Hitler
như biểu tượng cho phong trào quốc xã có nội dung như sau: Một cánh đồng trống,
phía chân trời đang xuất hiện mặt trời dưới hình chữ thập gãy; nhân dân đang phấn
khởi chạy về phía mặt trời quốc xã với cánh tay giơ về phía trước. Trong lĩnh vực
kiến trúc, nguyến tắc thống trị là hình khối thô thiển và "những đường nét
lỗi thời", thể hiện rõ nét tư tưởng và tham vọng của nhà nước độc tài về
vĩ đại. Ðây là sự lạc hậu không thể chấp nhận, vì Ðức là nơi nghệ thuật kiến
trúc tân tiến xuất hiện đầu tiên ở Châu Âu. Ngay từ năm 1932, nghĩa là trước
khi bọn phát xít nắm quyền, theo thiết kế của giáo sư Valter Gropiux,
"Ngôi nhà Xây Dựng" nổi tiếng đã được thi công tại Dexau. Những đường
nét đơn giản, hài hòa và đặc biệt nhẹ nhàng, thanh cảnh đã biến nó thành hình ảnh
kiểu mẫu cho kiến trúc tân tiến. Mặc dù vậy, nền kiến trúc quốc xã vẫn hết sức
lạc hậu với những nguyên tắc hình khối thô thiển và cổ điển giả mạo. Những
nguyên tắc này được thể hiện trong tất cả các công trình kiến trúc cho đảng và
nhà nước, chúng mang dáng dấp lâu đài, thành quách thời phong kiến, nhưng được
xây dựng trong xã hội công nghiệp. Các khái niệm về anh hùng và bi kịch cũng bị
thay đổi do những nguyên tắc cơ bản của học thuyết quốc xã về mối liên quan giữa
cá thể và xã hội, giữa tự do và trách nhiệm. Về vấn đề này, trong bài báo
"Bước ngoặt trong bi kịch" vào tháng 9.1935, báo Baustaine Xur
Doitren Nasionalteater, tiến sĩ Herman V.Anderx viết: "Việc phủ nhận bi kịch
cá nhân thực sự là một bước ngoặt cách mạng về khái niệm bi kịch. Bi kịch xã hội
sinh ra trong quá trình quật khởi và thăm dò, từ những nguyên tắc tư tưởng quốc
xã cơ bản và từ những khát vọng vĩ đại về những giá trị tinh thần sâu sắc nhất
của nhân cách. Rõ ràng nó khác xa bi kịch ảo tưởng cổ truyền và bi kịch cá nhân
muôn thuở. Bản thân con người không phải là đối tượng của thông tin, không phải
là cuộc sống thế giới trong bức tranh vũ trụ. Ý nghĩa và bản chất của bi kịch
là nhân dân và cộng đồng, những người Ðức tồn tại trong những phẩm chất và giá
trị của dân tộc Ðức. Chế độ quốc xã, như nguyện vọng về giá trị tối cao, chính
là bi kịch - bi kịch khẳng định cao nhất cho cuộc sống". Cá nhân riêng biệt
không thể là bi kịch, bởi vì trước khi đạt được điều đó, cá nhân cần phải là
anh hùng. Mà anh hùng cá nhân thì mâu thuẫn với nhà nước và đảng phát xít, mâu
thuẫn với cộng đồng quốc xã. Ðối với con người quốc xã, điều này cấm kỵ, thậm
chí không được phép nghĩ tới, bởi vì đảng và nhà nước là những giá trị cao nhất
trong nhận thức của các cá nhân. Cá nhân nào chống lại nhà nước phát xít là vô
nghĩa và xứng đáng bị hủy diệt như kẻ phạm tội và không bao giờ có thể là anh
hùng hay bi kịch. Cá nhân chỉ có thể anh hùng như một phần tử trong cộng đồng
(nhà nước, đảng, nhân dân) và chỉ khi phục vụ cho cộng đồng này. Vì lý do đó, bọn
quốc xã công nhận bi kịch tập thể và phủ nhận bi kịch cá nhân. Ở ngoài tập thể
và chống lại tập thể thì không thể có anh hùng và bi kịch cá nhân. Từ đây suy
ra một cách logic rằng, những đối thủ chính trị của nhà nước độc tài và đảng cầm
quyền không thể là những nhân vật bi kịch, vì họ không thể là những người anh
hùng. Từ đây cũng dẫn đến những đạo luật man rợ của nhà nước độc tài: làm nhục,
buộc tội những tội nhân là phản bội trước khi giết họ. Ðể có thể thực hiện được
những chức năng xã hội và chính trị của mình - giáo dục nhân dân theo tinh thần
tư tưởng của đảng quốc xã - nghệ thuật cần phải gần gũi quần chúng, rõ ràng, dễ
hiểu, dễ tiếp thu, nói được chính xác với tất cả mọi người theo một ý nghĩa nhất
định, không có chỗ cho những cách hiểu bóng gió. Nói cách khác, yêu cầu của đảng
phát xít đối với văn hóa và nghệ thuật không chỉ giới hạn trong việc lựa chọn
chủ đề sáng tác phải mang tính đảng, mà còn ở cách thể hiện chủ đề này: quan trọng
không chỉ là thể hiện cái gì, mà phải thể hiện thế nào cho thành một tác phẩm
nghệ thuật. Tính thực dụng thô thiển và chi tiết vụn vặt được coi trọng hơn cả.
Ðây là nguyên nhân dẫn đến lòng căm thù man dại của bọn cầm quyền quốc xã đối với
những tư tưởng và mọi hình thái nghệ thuật hiện đại (chủ nghĩa ấn tượng, chủ
nghĩa tân thời, chủ nghĩa hình khối, chủ nghĩa hoài nghi). Năm 1937 những xu hướng
nghệ thuật này bị xem là "nghệ thuật thoái hóa" và bị theo dõi gắt
gao. Màn giáo đầu cho cuộc bài xích nghệ thuật hiện đại là "Triển lãm Nghệ
Thuật Thoái Hóa" tại Miunhen vào tháng 7.1937 theo sáng kiến của giới lãnh
đạo Ðảng Công Nhân Quốc Xã. Nhân dịp này, Hitler đọc diễn văn, trong đó có đoạn:
"Như vậy tôi đi đến kết luận, rút ra con đường vững chắc cho nền nghệ thuật
Ðức và giao cho công dân một nhiệm vụ duy nhất: bắt nó đi theo con đường mà cuộc
cách mạng quốc xã đã mở ra cho nhân dân Ðức. Ðây là giai đoạn của những sự nghiệp
vĩ đại trong mọi lĩnh vực vì sự tiến bộ của con người, quan tâm không chỉ đến
những nhu cầu tinh thần cấp thiết mà cả cái đẹp lý tưởng cũng không còn là biểu
tượng phô trương điên rồ và hoang dại trong nghệ thuật, của những tàn dư từ thời
kỳ đồ đá, của sự mù quáng màu sắc, của những phác thảo thử nghiệm ngờ nghệch bởi
những kẻ khùng điên vô tích sự trên đây. Nước Ðức của thế kỷ XX là nước Ðức của
nhân dân, dân tộc Ðức trong thế kỷ này đã được thức tỉnh về cuộc sống, hấp dẫn
bởi sức mạnh và vẻ đẹp, và là một dân tộc khỏe mạnh và yêu đời. Vì mục đích
này, toàn bộ gia sản nghệ thuật dân tộc cần được giữ trên nền tảng vững vàng và
chắc chắn, để cho những thiên tài thực sự có thể phát triển. Thiên tài không phải
là không suy nghĩ". Ðây là lời phê chuẩn của đảng cho nghệ thuật hiện đại.
Diễn văn chống "nghệ thuật thoái hóa" được các cán bộ đảng lớn nhỏ,
các lãnh đạo những hiệp hội trí thức nhắc đi, nhắc lại. Toàn bộ diễn đàn, đài
phát thanh, phim ảnh đưa những phân tích và đánh giá về diễn văn của Quốc Trưởng.
Một số người gọi bài diễn văn này là lịch sử, số khác gọi là cương lĩnh, số
khác nữa gọi là mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa nước Ðức,
v.v... Các họa sĩ hiện đại bị gọi là "những kẻ giết nghệ thuật",
"những kẻ điên rồ", "những kẻ thối nát", "chậm tiến",
còn những tác phẩm của họ bị gọi là "những tư tưởng thoái hóa vô ý thức".
Năm 1937 và cả nhiều năm sau đó, xuất hiện hàng loạt bài viết chống "nghệ
thuật thoái hóa" dưới nhiều hình thức khác nhau: phê bình, nghiên cứu ...
Sau khi cuộc tấn công chống "nghệ thuật thoái hóa" trở thành nhiệm vụ
quốc gia, toàn bộ bộ máy nhà nước bị thu hút và hưởng ứng chiến dịch này. Thí dụ
trong một bài báo có đoạn viết: "Từ nay chúng ta sẽ tiến hành một cuộc đấu
tranh triệt để nhằm quét sạch những phần tử cuối cùng nghệ thuật thoái
hóa". Sự thật là bọn quốc xã đã dùng nhiều biện pháp "hiệu quả"
để chống lại nghệ thuật hiện đại. Chiến dịch khủng bố nghệ thuật hiện đại kết
thúc bằng sắc luật thu hồi những tác phẩm nghệ thuật "thoái hóa" ban
hành ngày 31.5.1938. Theo luật này, "những tác phẩm nghệ thuật thoái hóa
được lưu trữ trong các viện bảo tàng trước khi sắc luật này ban hành và theo nhận
xét của Quốc Trưởng là nghệ thuật thoái hóa, có thể sẽ bị tịch thu vô điều kiện
vì lợi ích quốc gia. Ðối với những trường hợp đặc biệt có thể áp dụng những biện
pháp cương quyết hơn"."Những biện pháp cương quyết hơn" được thể
hiện bằng cách cấp "sổ lao động" cho những họa sĩ hiện đại không muốn
sửa chữa sai lầm và vẽ "sự thật" theo thị hiếu của giới lãnh đạo đảng
Quốc Xã, tước bằng họa sĩ của họ và biến họ thành những người lao động thể lực
thông thường. Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng những hành vi kỳ quặc chống nghệ thuật
này ở Ðức chỉ được tiến hành do ban lãnh đạo chính trị chóp bu. Những hành vi
này còn được bọn tầm thường trong các hiệp hội trí thức ủng hộ triệt để. Cụ thể
là trong những tổ chức quốc gia này, đảng và nhà nước phát xít đã huấn thị cho
bè lũ gián điệp của mình - bọn tầm thường và thông qua chúng, chà đạp nền nghệ
thuật tự do và chính hiệụ ở đây quyền lợi và sự cộng tác giữa bọn tầm thường và
đảng phát xít liên quan chặt chẽ đến mức dưới con mắt của người quan sát bên
ngoài, mọi vấn đề được thể hiện như sau: những nghệ sĩ "chân chính"
sáng tạo nghệ thuật, còn những người tân tiến cản trở họ, dẫn đến cần có sự can
thiệp của nhà nước; nhà nước liền gạt bỏ những trở ngại này và nền nghệ thuật lại
được phát triển theo con đường do Ðảng Quốc Xã vạch ra. Một câu hỏi lớn được đặt
ra: tại sao nhà nước độc tài phát xít lại theo dõi và căm thù vô độ nghệ thuật
hiện đại? Ðôi khi người ta đã thử giải thích hiện tượng này bằng chủ nghĩa bài
Do Thái, đặc biệt ở Ðức vì một phần trong các họa sĩ hiện đại là người Do Thái.
Cách giải thích này không thỏa đáng, bởi vì phần lớn những đại diện của
"nghệ thuật thoái hóa" là người Ðức thuần chủng. Thậm chí một vài người
trong đó còn là đảng viên quốc xã với những cống hiến nhất định cho đảng này.
Thí dụ: Emil Nolde vào đảng cùng thời với Hitler và là một trong những người
sáng lập đảng này. Mặc dù vậy, ông ta vẫn bị xem là "thoái hóa" và bị
chính quyền theo dõi. Thực chất một vài người trong những họa sĩ hiện đại bị
theo dõi vì họ đã vén tấm màn che sự thật. Nhưng cũng chỉ có vài người như thế.
Oto Dicx bị xem là "thoái hóa" vì vẽ "màu xám của chiến tranh
như màu xám", G.Grox - "thoái hóa" vì lên án chủ nghĩa bành trướng,
Paul Clei "thoái hóa" vì các "nhà độc tài nghệ thuật" không
hiểu được nghệ thuật của ông. Nguyên nhân thực sự là, nghệ thuật hiện đại vượt
ra ngoài những khuôn phép mà bọn phát xít áp đặt cho nghệ thuật nói chung - bắt
nghệ thuật phải mù quáng phục tùng những tư tưởng chính trị và nhiệm vụ giáo dục
của tư tưởng này. Ðặc trưng của nghệ thuật hiện đại là, tự do chủ thể rộng lớn
của người họa sĩ trong việc diễn giải chủ đề với những tính chất chủ quan không
tránh khỏi, khiến người họa sĩ trở nên ít phụ thuộc vào nguyện vọng và ý muốn của
giới lãnh đạo chính trị, nghĩa là tác phẩm của họa sĩ trở thành xu hướng chống
đối lại chế độ. Nhưng điều này mâu thuẫn với một trong những nguyến tắc cơ bản
của nhà nước phát xít: không cho phép bất kỳ xu hướng chống đối nào. Ngoài ra
nghệ thuật hiện đại không thể trùng lặp với những tiêu chuẩn của nhà nước độc
tài, vì nó không thể mang chức năng xã hội - chính trị nhằm giáo dục nhân dân
theo tinh thần tư tưởng phát xít. Ðiều này hoàn toàn không thể thực hiện được,
bởi vì người họa sĩ có quyền tự do rộng lớn khi thể hiện chủ đề, có thể cho chủ
đề những nội dung không lợi cho chế độ chính trị; hơn nữa nghệ thuật hiện đại để
cho người xem tự do phân tích, phụ thuộc vào trình độ, cảm hứng và kinh nghiệm
cá nhân của họ, và điều này rõ ràng không phù hợp với lối tư duy bất biến của đảng.
Ðể làm sáng tỏ vực sâu ngăn cách giữa những tư tưởng chính trị - văn hóa của
nhà nước phát xít và bản thân nghệ thuật, chúng ta sẽ dịch một số lời phát biểu
của các nhà văn hóa quốc xã về những yêu cầu đối với nghệ thuật. Vào năm 1937,
Gobelx đã nêu quan điểm của mình như sau: "Nghệ thuật Ðức trong những thập
kỷ tới cần phải anh hùng, sắt thép, thơ mộng, không mềm yếu thiếu nội dung, cần
mang tính dân tộc, với bầu nhiệt huyết nóng hổi, nghệ thuật hoặc đồng thời vừa
có nghĩa vụ và trách nhiệm, hoặc sẽ trở nên vô nghĩa". Tiến sĩ Adolf
Fiolner đã trả lời như sau về câu hỏi nghệ thuật mới cần phải như thế nào:
"Hình thái phải dễ hiểu và rõ ràng. Nội dung phải nói được với tất cả mọi
người. Nội dung nghệ thuật phải phục vụ mục đích giáo dục tư tưởng cho nhân
dân. Nghệ thuật cần phải mang sức sống như trước đây. Nghệ thuật cần phải mang
tư tưởng đến cho nhân dân. Nghệ thuật cần phải phát hiện những biểu tượng mới mẻ
của dân tộc". Dưới đầu đề "Văn học Ðức - Thể hiện Cảm hứng Yêu đời Quốc
Xã", báo Filmcurner viết: "Chế độ quốc xã giao cho các nhà văn nhiệm
vụ củng cố sức mạnh. Nó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm vô điều kiện trước cuộc sống".
Tóm lại, yêu cầu của bọn quốc xã đối với nghệ thuật là: nghệ thuật không được
xa rời quần chúng, vô chính trị, cá nhân, hoài nghi, hư vô, mềm yếu, tân tiến,
vô chính phủ; và nghệ thuật cần phải liên quan mật thiết với quần chúng, đi
theo con đường mà cuộc cách mạng quốc xã vạch ra (Hitler), anh hùng, thơ mộng
(Gobelx), đồng thời vừa có nghĩa vụ và trách nhiệm, hiện thực, phục vụ mục đích
giáo dục tư tưởng cho nhân dân, rõ ràng và dễ hiểu cho tất cả mọi người, khẳng
định cuộc sống, có hy vọng. Tác phẩm nghệ thuật nào không đáp ứng được những
tiêu chuẩn thẩm mỹ trên của đảng và chế độ quốc xã thì không có quyền tồn tại.
Đối với nhà nước phát xít, những tác phẩm như thế không phải nghệ thuật, mà là
chống đối chính trị và cần phải hủy diệt. Gyom Vaix, một trong những kẻ cộng
tác đắc lực cho Gobelx, đã từng phát biểu như sau: "Nếu một tác phẩm nghệ
thuật được thể hiện vì những tư tưởng quốc xã, chúng ta cần phải khích lệ. Còn
ngược lại, không những chúng ta có quyền, mà còn có nghĩa vụ phải hủy diệt nó.
Phê bình nghệ thuật không phải là vấn đề thẩm mỹ, mà là chính trị thuần
túy". C - Chấn chỉnh khoa học và đội ngũ cán bộ khoa học: Trong lĩnh vực
khoa học, đảng quốc xã cũng thi hành những chính sách như trong văn học và nghệ
thuật. Nguyên tắc cơ bản là, nền khoa học và sự nghiệp nghiên cứu khoa học phải
phục vụ cho sự nghiệp của đảng, và chỉ như thế mới có lợi cho xã hội. Từ đây
suy ra những kết luận cụ thể như sau: (1) Toàn bộ nền khoa học và sự nghiệp
nghiên cứu khoa học phải được xây dựng theo tinh thần tư tưởng và nhiệm vụ của
đảng. (2) Những cán bộ khoa học không đáp ứng vai trò này cần phải sa thải khỏi
trường đại học và các cơ sở nghiên cứu, đồng thời thay thế những cán bộ quốc xã
từng trải. Tháng 7. 1934, Hội đồng Ðại học gồm những cán bộ đảng dưới sự lãnh đạo
của Alfred Rozenberg được thành lập "với nhiệm vụ: kiểm tra tư cách của tất
cả cán bộ khoa học trong các trường đại học và nếu có nhận xét tốt thì gửi danh
sách cho Hội đồng Bộ trưởng". Bằng cách đó, việc bổ nhiệm cán bộ trong các
trường đại học phụ thuộc hoàn toàn vào đảng phát xít. Kết quả là hàng loạt cán
bộ khoa học bị sa thải vì quan điểm chính trị hay vì nguồn gốc "không thuần
chủng". Ðến giữa năm 1937 con số này lên tới 1684 người, trong đó có các
giáo sư Guxtax Fon Berman, Emel Lederer, Edauard Norden ... Ngoài ra còn có 5
người đã từng được giải Nobel: hai nhà vật lý - Albert Ainstain và Macx Born,
và ba nhà y học. Chỉ riêng trường Tổng Hợp Berlin đã có tới 230 giảng viên bị
thải hồi. Sau khi vấn đề cán bộ đã được giải quyết bằng phong trào "làm
trong sạch" đội ngũ, đảng phát xít chuyển sang phần công việc tiếp theo:
nhồi nhét tư tưởng quốc xã cho sinh viên và cán bộ giảng dạy, và chấn chỉnh lại
công tách nghiên cứu khoa học cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị của nó. Trong
các trường đại học, môn chính trị toàn cầu trở thành mộn học bắt buộc, và nhờ
đó mà một loạt bộ môn "khoa học" xuất hiện: kinh tế toàn cầu, chiến
lược toàn cầu, pháp luật toàn cầu ... Và như vậy, cái gọi là "đồng hóa
chính trị toàn cầu" (thuật ngữ này do bọn quốc xã sử dụng đầu tiên) các
môn khoa học được hình thành. Nội dung giảng dạy trong các trường học cũng được
cải cách theo tinh thần "lý thuyết chủng tộc". Hitler dạy: "Sự
nghiệp giáo dục cần tiến hành làm sao cho trẻ em Ðức ngay lập tức hiểu được nguồn
gốc thượng đẳng của mình". Trong công tác nghiên cứu khoa học, khẩu hiệu
cao nhất là: phục vụ chế độ quốc xã và tư tưởng quốc xã là trên hết. Kết quả cuối
cùng là, trong tất cả các giảng đường và cơ sở nghiên cứu, sự thống trị toàn diện
và không thể tách rời của đảng quốc xã được thiết lập - thống trị kể cả về vấn
đề cán bộ, cũng như mục đích, ý nghĩa và bản thân nền khoa học. "Tự do
sáng tạo" và "quyền tự trị của các trường đại học" bị hủy diệt
hoàn toàn. Hơn thế nữa, các trường đại học còn bắt đầu bị cưỡng ép. Nhà tư tưởng
của đảng - Alfred Rozenberg, khi trả lời những công kích ở nước ngoài về những
hành động chống "tự do sáng tạo" trong nước Ðức đã nói như sau:
"Không bao giờ đảng đe dọa quyền tự do nghiên cứu! Trong công tác nghiên cứu
khoa học không hề có đổ máu. Những binh sĩ SA rõ ràng đã mang lại cho sự nghiệp
nghiên cứu của nước Ðức nhiều hơn, so với một vài giáo sư trong các trường đại
học. Do đó phong trào cách mạng có quyền ấn định những luật lệ của mình cho thế
giới mới". Ða phần giới trí thức cộng tác với chế độ và tự thanh minh rằng,
như thế cũng là phục vụ cho nhân dân. Những nguyên tắc dân chủ tốt đẹp như tự
do ngôn luận, quyền độc lập cho các nhà bác học bị đẩy lùi và bị hy sinh cho
"những quyền lợi dân tộc". Ðó gần như là sự quy phục của giới trí thức
trước nhà nước phát xít. !!!5. Mâu thuẫn giữa đảng phát xít và giới trí thức
chân chính: Tổ chức những người trí thức vào hệ thống hiệp hội quốc gia, nhồi
nhét cho họ tư tưởng, tinh thần và thẩm mỹ quốc xã, đảng phát xít thực chất là
tước đi của họ mọi quyền tự do, biến họ thành những phần tự lệ thuộc vào đẳng cấp
quan liêu. Ðảng phát xít chỉ trao quyền tự do cho những kẻ sẵn sàng phục vụ và
cộng tác đắc lực với nó. Những ai không đồng ý với đảng thì không thể có quyền
tự do này và không còn là trí thức. Trên đây, đảng phát xít xuất phát từ học
thuyết của mình về nhà nước và xã hội, nhà nước và cá nhân. Theo học thuyết
này, cá nhân luôn luôn phải phục tùng "tập thể", "cộng đồng".
Ðứng ngoài cộng đồng và chống lại cộng đồng thì không thể còn là cá nhân. Tiến
sĩ Oto Ditrih, một trong những nhà lý luận của phát xít Ðức viết: "Cộng đồng
là, và bản thân nó là, cái mang đến cá nhân xứng đáng. Con người là cá nhân,
không phải vì tự nó thể hiện như vậy. Con người là cá nhân chỉ khi thông qua
quá trình sáng tạo trong cộng đồng và vì cộng đồng. Cá nhân chỉ là "cái
tôi" nhỏ nhoi, cô độc. Do đó người nào không tỏ rõ được bản thân mình,
thông qua cộng đồng hay thông qua sự công nhận của cộng đồng thì không thể là
cá nhân." Nói cách khác, người trí thức chỉ là cá nhân khi làm việc cho cộng
đồng quốc xã (nhà nước, đảng, nhân dân, tập thể ...) và được công nhận có cống
hiến cho "cộng đồng". Còn nếu người trí thức chống lại một dạng cộng
đồng nào đó, thí dụ đảng phát xít hay nhà nước, thì không thể là cá nhân nữa và
cần phải hủy diệt bằng mọi cách. Tất cả những kẻ thù của nhà nước phát xít đều
không còn là những cá nhân: họ là những kẻ phản bội, tráo trở và sa đọa ... Từ
đây cũng nảy sinh vấn đề về tự do. Oto Ditrih viết tiếp: "Mọi khái niệm về
tự do mà không xuất phát từ cộng đồng là sai lầm và không thể ứng dụng cho bất
kỳ nhận thức nào trong mọi lĩnh vực của cuộc sống chung. Tự do như thế không có
tác động khẳng định, mà phá hủy cuộc sống. Do đó cái gọi là "tự do cá
nhân" như những đồ đệ của nó khẳng định một cách thiếu suy nghĩ không phải
là cái mà thiên nhiên trao cho con người. Thiên nhiên ban cho con người nhận thức
về cộng đồng và con người được sinh ra trong cộng đồng. Tự do cá nhân là tự do
"từ cái gì", đó là vô trách nhiệm, hỗn độn và sẽ dẫn đến vô chính phủ
(tự do cá nhân = vô trách nhiệm và hỗn độn = vô chính phủ! thật là lối tư duy
phát xít điển hình! - J.J). Tự do sáng tạo là tự do "vì cái gì", đây
là tự do của cá nhân, tự do sáng tạo của con người cho cộng đồng. Ðây mới chính
làtự do thực sự duy nhất và xứng đáng với tên gọi của nó. Cuộc cách mạng quốc
xã về tư tưởng đã mang đến cho chúng ta khái niệm đúng đắn này của tự do và làm
cho nó trở thành thực tiễn sống động. Cái mà bọn cá nhân chủ nghĩa gọi là tự do
và một vài kẻ tự do chủ nghĩa tuy không nói ra nhưng thực chất rất mong muốn,
không phải tự do mà là vô trách nhiệm. Tự do "vì cái gì", tự do sáng tạo
cho chế độ quốc xã - ở đất nước chúng ta không cần phải mong ước, bởi vì nó đã
có sẵn." Nhưng giả sử có ai đó không muốn sáng tạo cho chế độ quốc xã? giả
sử có người mong muốn nhà nước và đảng phát xít trả tự do, người đó có được tự
do không? Về những câu hỏi này, Oto Ditrih trả lời công khai: "Nhưng bất kể
những phân tích trên, giả sử ở đâu đó vẫn có người đòi hỏi tự do, thì đó nhất định
là những kẻ không đồng ý và chống lại cộng đồng quốc xã của chúng ta. Tự do như
thế là tự do phá hoại và ích kỷ, và chúng ta không thể cho phép những kẻ đó có
quyền như vậy. Chúng ta chỉ mang đến tự do sáng tạo, tự do thực sự có lợi cho cộng
đồng". Như chúng ta thấy, những người không muốn cộng tác với nhà nước
không những không có quyền tự do sáng tạo mà còn bị xem là "phá hoại"
và "ích kỷ" và sẽ bị theo dõi. Phát xít Italia cũng đặt vấn đề cá
nhân - xã hội theo cách đó. "Dân tộc Italia là một cơ thể sống, mà mục
đích, sự tồn tại và phương thức sống mạnh mẽ hơn, lâu bền hơn mọi cá nhân và hiệp
hội riêng biệt". Guido Bartolto, một trong những nhà lý luận phát xít,
trong tác phẩm chế độ phát xít và dân tộc còn xây dựng rõ ràng hơn nguyên tắc
cơ bản này: "Ðối với chúng ta sự khác nhau đó là: theo chủ nghĩa cá nhân
thì cá thể làm chủ tổng thể, còn theo chủ nghĩa cộng đồng - tổng thể làm chủ cá
thể . Giữa hai lĩnh vực này là chủ nghĩa nghiệp đoàn, nhờ đó mà cá thể và tổng
thể tồn tại hài hòa". Sự khác nhau giữa chế độ quốc xã và phát xít chỉ là:
chế độ phát xít (Italia) dầu sao cũng thử dung hòa giữa tổng thể và cá thể, mặc
dù điều đó không bao giờ đạt được trong nhà nước độc tài. Nhà nước độc tài
không thể chấp nhận bất kỳ một sự khác biệt nào đối với chính nó, không chấp nhận
nhân bản, thậm chí kể cả nhân bản của một nghiệp đoàn. Vấn đề quan trọng là:
nhà nước phục vụ cá nhân, hay cá nhân phục vụ nhà nước, cả Ðức và Italia đều
cùng nhất trí hoàn toàn như nhau - sự phục tùng vô điều kiện của cá nhân đối với
nhà nước. Từ đây dẫn đến "tự do" của cá nhân để làm việc cho nhà nước.
Ngay từ năm 1933, tên quốc xã Gotfrid Buen, trong bài báo "Nhà nước mới và
bọn cá nhân chủ nghĩa", đã nêu chính xác nguyên tắc cơ bản này của chế độ
độc tài: "Tự do tinh thần? Trả lời: phục vụ nhà nước." Nhưng mặc những
điều kiện khốc liệt trong nhà nước độc tài, mặc dù không có khả năng để tạo nên
xu hướng đối lập, sớm hay muộn ở dạng này hay dạng khác, một xu hướng như thế
nhất định sẽ xuất hiện. Ðó là quy luật bởi vì ngay cả nền bạo chính dã man nhất
cũng không thể tiêu diệt được tư duy. Hơn thế nữa, bản thân nhà nước phát xít,
một mặt tiêu diệt tự do tư duy, mặt khác lại bắt buộc phải khuyến khích nó để
khỏi lạc hậu so với những nước dân chủ, hay ít ra để khỏi lạc hậu trong lĩnh vực
khoa học quân sự. Nhưng tư duy dễ dàng chuyển sang tư duy tự do, thành mâu thuẫn
với lối tư duy đang tồn tại. Từ đây tất yếu sẽ sinh ra xu hướng chống lại chế độ
. Trong giai đoạn cực thịnh của nhà nước phát xít, khi nhân dân còn mù quáng
tin tưởng vào những tư tưởng của nó và đi theo nó như thời kỳ đầu chiến tranh ở
Ðức, xu hướng chống đối này mang tính tiêu cực, bị cô lập, vì không được nhân
dân ủng hộ. Khi đó xu hướng này được thể hiện dưới dạng tỵ nạn ở nước ngoài hay
"ẩn dật ở trong nước". Ðến đầu chiến tranh, hàng trăm nghìn nhà bác học,
nhà văn, nhà thơ tài ba nhất đã rời bỏ nước Ðức, sống tị nạn ở nước ngoài. Một
bộ phận khác trong giới trí thức, vì lý do nào đó mà không thể sống tị nạn và
không bị ném vào các trại tập trung cải huấn, chuyển sang sống "ẩn dật
trong nước", nghĩa là không làm việc cho nhà nước, mà làm việc cho chính bản
thân mình và chờ thời. Trên quan điểm chính trị, kiểu chống đối này, dù không
góp phần làm lung lay chế độ, vẫn là biểu hiện của tinh thần dũng cảm. Nó đòi hỏi
quyết tâm và sức chịu đựng, vì thế một khi tinh thần đã cạn những người này thường
tự kết thúc đời mình. Tiếp theo, cùng với sự suy yếu dần của nhà nước phát xít,
xu hướng chống đối này ngày càng trở nên tích cực hơn. Nhận thức nhà nước quẩn
quanh không lối thoát, chuyển từ mê muội sang quỷ quyệt. Lúc này nhân cách con
người bị chia thành hai nửa đối kháng - một mang tính xã hội và một mang tính
cá nhân. Nửa nhân cách mang tính xã hội vẫn thực hiện những nhu cầu của nhà nước,
nửa nhân cách cá nhân chỉ được thể hiện trước những người thân thích. Sự quỷ
quyệt là đặc tính xã hội tổng thể trong giai đoạn suy thoái tư tưởng của chế độ
phát xít. Mọi người đều nói những điều trái với suy nghĩ, tán thành những việc
mà họ không bằng lòng, đồng thời công kích tất cả những vấn đề này trước những
người thân thích. Tuy nhiên, trong trường hợp này sự quỷ quyệt dầu sao cũng là
biểu hiện cao nhất trong quá trình tiến hóa của nhận thức xã hội ở chế độ phát
xít, bởi vì người ta đã bắt đầu nhận ra sự thật. Nếu như sự cuồng tín là niềm
tin mù quáng, thì sự quỷ quyệt là tư duy phản kháng ngấm ngầm, chưa thể hiện
công khai. Trong hoàn cảnh đó, giới trí thức chưa dám thẳng thừng công kích chế
độ phát xít, bởi vì người ta chỉ dám nói sự thật ở những nơi kín đáo và tin cẩn,
còn ở ngoài xã hội tất cả đều bắt buộc Hành động cao nhất mà giới trí thức có
thể làm lúc này là, dùng những sự kiện hay hình tượng lịch sử để nói lên những
việc hiện tại đang diễn ra. Thí dụ năm 1935, Vener Bergengruen viết tiểu thuyết
Bạo Chúa và Quan Tòa thực chất là "kín đáo buộc tội Hitler". B.
Breht, năm 1934, đã viết Năm cái khó cho những người viết về sự thật như sau:
"Ngày nay, những ai muốn vạch trần sự giả dối và quyết tâm viết về sự thật
đều phải vượt qua ít nhất 5 cái khó. Cần phải dũng cảm để viết về sự thật, vì ở
đâu người ta cũng cấm; Cần phải có trí tuệ để nhận ra sự thật, vì ở đâu người
ta cũng giấu; cần phải thông minh để biến sự thật thành vũ khí đấu tranh; cần
phải có khả năng để chọn những người có thể sử dụng vũ khí này; và cũng cần phải
khôn ngoan để truyền bá sự thật cho những người này". Ưu điểm của cách phản
kháng kín đáo này là, tác giả của nó có thể luôn luôn tự bảo vệ . Người ta chỉ
có thể nghi ngờ, chứ không buộc tội được tác giả, vì bao giờ cũng có thể nói, rằng
không có chủ định như thế. Nhược điểm lớn nhất của cách phản kháng này là không
phải ai cũng hiểu và dầu sao thì vấn đề này cũng vẫn không được đặt ra một cách
công khai như những vấn đề cần giải quyết hay cương lĩnh hành động. Ngoài ra những
người viết theo cách này luôn luôn có cảm giác về kiểm duyệt phát xít, dần dẫn
đến tự kiểm duyệt và làm giảm khả năng sáng tạo. Nhà văn Bồ Ðào Nha, Fereir Di
Kastru, viết: "Một câu hỏi luôn luôn ám ảnh chúng tôi: liệu người ta có
cho in không?". Chỉ có những người trí thức vượt qua được vòng ma thuật của
cách tư duy quỷ quyệt này, dám viết về những điều mà mọi người vẫn trao đổi kín
đáo với nhau, mới đạt thành hệ thống như cương lĩnh nhằm chống lại hệ tư tưởng
phát xít. Bằng cách đó, họ trở thành người cách mạng, đặt nhiệm vụ cho mình
trên bước đường công danh và không quản ngại những nguy hiểm có thể xảy ra. Ðồng
thời những người này trở thành những dại diện cho giai đoạn thứ ba trong sự
phát triển của cách tư duy lệ thuộc, khi nhà nước độc tài đã trở nên yếu đuối,
đến mức không còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng những người chống đối và
khi sự tan rã của nó đã trở nên rõ ràng. Khi đó những người phải sống giả tạo vứt
bỏ cái mặt nạ xã hội và thể hiện khuôn mặt thực sự của mình. Giờ đây họ công
khai nói những điều mà họ suy nghĩ. Do những dữ kiện quá dồn dập (chúng ta
không nên quên rằng, chế độ quốc xã chỉ tồn tại vỏn vẹn 12 năm và 4 tháng!) nước
Ðức không trải qua giai đoạn này. Diễn biến kinh hoàng của chiến tranh đã tạo
điều kiện cho bộ máy khủng bố của nhà nước - Zetapo và SS - đàn áp thẳng thừng
mọi xu hướng chống đối. Ngoài ra, trong ngọn lửa chiến tranh tàn khốc, những
sáng tạo nghệ thuật theo hướng này rất khó có thể trở thành trung tâm của cuộc
đấu tranh chống chế độ. Trong những điều kiện như thế, đảo chính quân sự là
hình thức thích hợp và hiệu quả nhất. Giai đoạn thứ ba này của quá trình tư duy
lệ thuộc, trong hình thức điển hình nhất, chỉ xảy ra duy nhất tại nước Tây Ban
Nha-Franco sau chiến tranh. Trong giai đoạn này, giới trí thức dựa vào các tầng
lớp xã hội, bao gồm những đối thủ của nhà nước phát xít, công khai đứng ra chống
lại nhà nước. Họ trở thành những nhà cách mạng, hay đúng hơn, những người dân
chủ, bởi vì lúc này những nguy hiểm không còn đáng sợ như trước nữa. IV/ Tư duy
uy tín với sự sùng bái lãnh tụ dân tộc: Trong lĩnh vực tinh thần, nhà nước phát
xít là nhà nước uy tín. Bởi vì nguyên tắc tư duy cao nhất trong đẳng cấp tập
trung quan liêu cao độ của nhà nước trở thành uy tín, thành niềm tin mù quáng
vào sự đúng đán của nó. Uy tín được xem như tiêu chuẩn cao nhất của sự thật:
không phải uy tín phụ thuộc vào sự thật, mà ngược lại - sự thật phụ thuộc vào
uy tín. Người ta ngấm ngầm công nhận rằng, trong hệ thống đảng cấp quan liêu, cấp
càng cao thì suy nghĩ càng ít sai lầm và có nhiều khả năng hơn để chứa đựng sự
thật. Với cách tư duy này, cấp cao nhất, nắm trong ty mọi quyền lực, được xem
là chứa đựng sự thật tuyệt đối, không còn phải bàn cãi hay nghi ngờ và đòi hỏi
phải được phục tùng và tin tưởng vô điều kiện. Thiếu niềm tin này, cơ cấu đó
không thể tồn tại. Ðây là dấu hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà
nước độc tài đến mức, sau ngày 20.7.1944 chánh án "tòa án nhân dân"
đã định đề xuất đạo luật với mục đích theo dõi những người nghi ngờ Thống lĩnh
và thắng lợi cuối cùng. Nhưng khi nói đến lối tư duy uy tín như một dấu hiệu đặc
biệt trong đời sống tinh thần của nhà nước độc tài, cần thiết phải xác định cụ
thể hơn vấn đề này. Tất cả mọi đẳng cấp quan liêu, mọi chế độ quân chủ, chế độ
tư bản, chiếm hữu nô lệ đều có mối tư duy này, chứ không phải chỉ riêng nhà nước
phát xít. Cái mới, cống hiến "chính hiệu" của chế độ phát xít trong
lĩnh vực này là tư duy độc tài, được phân chuyển tổng thể không chỉ tại các cơ
quan, công sở nhà nước, mà còn cả trên toàn bộ xã hội, các tổ chức quần chúng,
đến tận những cơ sở công nghiệp, nơi mà những ông chủ được xem như "thủ
lĩnh" của nhà máy, công xưởng ... "Nguyên tắc tập trung" được
nâng lên thành nguyên tắc lãnh đạo tối cao trong đời sống chính trị, kinh tế và
tinh thần của Ðệ Tam Ðế Chế và được pháp luật bảo trợ . Ở Italia, dưới hình thức
khác - thông qua yêu cầu phục tùng - lối tư duy uy tín được phân chuyển tổng thể
. 1/ Uy tín và sùng bái: Trong chế độ độc tài không thể tồn tại uy tín chính trị
thực sự. Uy tín thực sự chỉ có trong xã hội dân chủ, nơi mọi cá nhân cạnh tranh
trong cùng một điều kiện và ai có khả năng hơn, người đó sẽ chiến thắng. Chỉ có
trong những xã hội mà tài năng luôn luôn thắng tầm thường và bất tài. Do cấu
trúc đẳng cấp nghiêm ngặt trong nhà nước độc tài, "uy tín" phụ thuộc
vào quyền lực của các cá nhân chứ không phụ thuộc vào phẩm chất công tác và
trình độ tri thức của người đó. Nhưng vì quyền lực phụ thuộc vào vị trí cao thấp
trong đẳng cấp quan liêu, suy ra rằng "uy tín" phụ thuộc vào địa vị
chiếm giữ. Như vậy cái quan trọng không phải phẩm chất và khả năng của con người,
mà là địa vị chiếm giữ, thậm chí không phụ thuộc vào việc leo lên địa vị đó bằng
cách nào, có xứng đáng hay không. Người ta công nhận một khi đã có vị trí nào
đó cũng đồng thời có đủ phẩm cách cần thiết, rằng cấp trên thông minh và công bằng
hơn cấp dưới. Ðây là nguyên tắc cơ bản không thể thiếu cho mọi đẳng cấp quan
liêu. Những đặc thù đặc biệt này của nhà nước độc tài che chở cho nó khỏi lộ
nguyên hình là chế độ chính trị và phản động. Ðồng thời chúng giúp chúng ta
phát hiện ra một đặc tính đặc biệt khác: không tồn tại những cá nhân, những
công dân vĩ đại có vai trò xã hội không phụ thuộc vào nhà nước. Trong những điều
kiện của nền dân chủ truyền thống, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển của
nó có thể tồn tại những cá nhân đại diện cho xã hội trước nhà nước. Họ là nhà
văn, diễn viên, nhà bác học hay những người hoạt động chính trị tại những xu hướng
đối lập. Do sự cống hiến của mình cho xã hội, những người này có vai trò chính
trị đối với nhà nước. Bởi vậy họ có thể đại diện cho những bộ phận, những nhóm
công dân, đứng ra phê phán nhà nước hay cán bộ lãnh đạo của các cơ sở nhà nước.
Trong nhà nước phát xít không có các công dân, mà chỉ có những kẻ phục tùng, bắt
buộc phải phục vụ và thi hành. Nhà nước phát xít phân chuyển những nguyên tắc của
đẳng cấp quan liêu trên cả xã hội công dân. Xã hội không có chút quyền tự chủ
nào đối với nhà nước chứ đừng nói gì đến xu hướng đối lập. Trong hoàn cảnh đó,
đương nhiên nhà bác học hay người làm công tác nghệ thuật không có thể đại diện
cho nguyện vọng xã hội. Trong nhà nước độc tài, có thể có những nhà văn lớn,
nhà bác học lớn, nhà triết học lớn, song họ không thể trở thành những công dân,
mà chỉ là những công dân đáng tiếc, run sợ rước quyền lực của đảng và nhà nước
phát xít quan liêu. Trên thực tế, chỉ có bọn cầm quyền của chế độ phát xít là đại
diện duy nhất cho xã hội công dân. Quyền thống trị chính trị bạo tàn trên mọi
lĩnh vực của cuộc sống xã hội cho phép chúng tự khoác cho mình những đặc tính tốt
đẹp nhất: thông minh nhất, uy tín nhất, công bằng nhất, nguyên tắc nhất, trong
sạch nhất, v.v... Nhưng đó chỉ là ánh hào quang giả tạo, xuất phát từ quyền lực
chính trị vô hạn. Trong nhà nước phát xít có thể nói, cầm quyền không phải vì
thông minh, mà "thông minh" vì có quyền, cầm quyền không phải vì
trong sạch, mà "trong sạch" vì có quyền, cầm quyền không phải vì có
nguyên tắc, mà "có nguyên tắc" vì có quyền, giữ vị trí lãnh đạo không
phải vì uy tín, mà "uy tín" vì là lãnh đạo chính trị . Trên cơ sở những
phân tích trên, chúng ta rút ra một kết luận quan trọng rằng, trong nhà nước độc
tài không có và không thể có những uy tín chính trị thực sự, bởi vì con đường
duy nhất để đạt được uy tín là tham gia cộng tác với đẳng cấp quan liêu, nghĩa
là muốn có uy tín thì trước hết phải là người đảng, người nhà nước. Trong vấn đề
này sự khác nhau giữ nhà nước phát xít và nền dân chủ tư sản truyền thống là,
trong nền dân chủ tồn tại con đường khác, không phải là con đường hành chính
cho những người hoạt động chính trị và điều này có tác động ngược lại, làm thay
đổi bản thân hệ thống quan liêu. Vì lý do này, nhà nước phát xít bắt buộc phải
thay uy tín thực sự bằng uy tín giả hiệu, đạt được nhờ bộ máy tuyên truyền khổng
lồ của đảng, nhà nước và những tổ chức quần chúng. Hành động này không tránh khỏi
bị chuyển thành tôn thờ thần tượng hoang dại và vô độ. Nó tô vẽ cho lãnh tụ những
đặc tính siêu phàm, mà về nguyên tắc không thể tồn tại trong cùng một con người.
Như vậy, thay cho uy tín, nhà nước tạo nên sự sùng bái cá nhân các lãnh tụ
chính trị. Hitler được thể hiện như con người hoàn hảo nhất: "người bạn của
thiên nhiên", "người am hiểu nghệ thuật", "người đồng chí
kính yêu", "người bạn của công nhân", "người bạn của nông
dân", "người bạn của thế hệ trẻ", "con người vì sự nghiệp",
"người bạn của các vận động viên". Trên một số tranh ảnh trong thời
gian này, Hitler được ghi chú như "người cha của dân tộc", "người
cha của nhân dân", "người cầm lái vĩ đại", "người anh hùng
áo vải" v.v... Hay như các tác giả của Ðệ Tam Ðế Chế viết: "Người am
hiểu nền kinh tế nông nghiệp, cũng như kỹ thuật, như nghệ thuật và cả kỹ nghệ
đóng tàu". Ở Ytalia, cũng có sự sùng bái tương tự đối với Muxolini. Người
ta cũng tô vẽ cho ông những phẩm chất vĩ đại: Ðutre, trong bộ quân phục, đang
dùng cuốc chim phá vỡ hòn đá tảng, với thanh gươm trong tay đang chuẩn bị luyện
võ, điều khiển máy giặt, lái máy kéo, cỡi ngựa ... Franco ở Tây Ban Nha cũng được
giành một sự sùng bái vô độ: xung quanh tên tuổi ông ta được bao bọc sự sùng
bái chưa từng thấy trong lịch sử Tây ban Nha. Tất cả những gì tốt đẹp đều được
gắn cho Tướng Franco: "Chiến thắng Tây Ban Nha đỏ", "sự nghiệp
xây dựng" nhà nước Tây Ban Nha mới" - Hoxe Garxia đã viết như vậy. Trong
thời gian này ở Ðức, có một số lượng khổng lồ những bài thơ ca ngợi Hitler, ví
ông ta như ngọn cờ, như vì sao, như mặt trời... Chúng tôi xin dịch một số khổ
thơ như thế: *Trích từ bài "Kính Tặng Thống Lĩnh" của Herman Harder
viết năm 1936: Chúng con yêu người như yêu nước Ðức Chiến đấu cho Người, cho nước
Ðức thân yêu Và sẵn sàng hy sinh vì Người. Bởi có Người nước Ðức thành vĩ đại.
Giờ đây chúng con càng yêu thêm nước Ðức Và yêu Người lãnh tụ kính yêu Trong áo
vải giản đơn ánh hào quang vẫn tỏa. *Trích từ bài "Ðêm Thanh Bình" do
Frix Fon Rabenau viết năm 1934: "Ðêm thanh bình, đêm trong sáng Tất cả ngủ
yên rồi, Riêng Người vẫn thức thôi Ngườitrăn trở nỗi niềm hạnh phúc Cho chúng
con, cho nước Ðức thân yêu. Ðêm thanh bình, đêm trong sáng Tất cả ngủ yên rồi,
Riêng Người vẫn thức thôi Aldolf Hitler với số phận nước Ðức trong tay Dẫn
chúng con đến vinh quang, bình yên và hạnh phúc Cho chúng con niềm tin."
*Trích từ bài "Vĩ Ðại" do Fon Sirah viết năm 1937 như sau: Người là
hiện thân của vĩ đại lãnh tụ của chúng con, Vị anh hùng sao thân thiết và vô
cùng giản dị, Người nắn giữ cội nguồn vũ trụ vạch đường đi cho những vì sao, Và
vẫn hiện nguyên Người mộc mạc, giản đơn, bình dị dường nào. * Trích từ
"Khi Thống Lĩnh Nói" do Carl Emil Ufof viết 1935: Thống Lĩnh nói! Lời
nói thành sự nghiệp Và những câu từ bình dị bỗng trở nên có sức mạnh siêu phàm.
Thống Lĩnh nói: lời Người thành pháp luật! *Trích từ "Hình Ảnh người Trong
Trái Tim Chúng Con" của Hainrih Anacer: Chúng con mang hình người trong
trái tim, Chúng con nâng người trên biểu ngữ! Người vẫn cùng chúng con trên mọi
gian lao, Dẫn dắt chúng con qua hiểm nguy, giông tố. *Trích trong bài "Bài
Ca Tự Do của Adolf Hitler" do Luxca Irenau viết năm 1933: Chúng con trao
cho Người tất cả mọi trái tim, Luôn đứng bên Người trong niềm vui và đau khổ.
Hitler muôn năm! Ðó là bài hát tự do, Chúng con sẽ chiến đấu như Người hằng
mong muốn. Bình minh đến rồi, tự do vẫy gọi, Hãy ca vang bài ca nước Ðức tự
hào. Cầu Thượng Ðế! Xin giúp người tất cả! Người sẽ chiến đấu và đời đời sống
mãi với chúng ta. *Trích từ bài thơ của Volfarm Crupca - báo Fanalgedihte,
Berlin, 1933: Người đứng đó với đôi mắt sáng (Hitler không bao giờ có đôi mắt
sáng! J.J.) Dẫn dắt chúng con, dìu dắt chúng con đi, Từ trận thắng này tiếp kề
theo trận khác. Cờ Ðảng bay quanh Người. Người khẳng định: nước Ðức luôn chiến
thắng! Giản dị, đơn sơ, mà vô cùng vĩ đại, Người dẫn đầu thế hệ đấu tranh. Tất
nhiên, những khổ thơ như trên chỉ là một phần không đáng kể trong số khổng lồ
các bài thơ ca ngợi Hitler. Nhưng chừng đó cũng đủ nói lên rằng, trong nhà nước
độc tài, sùng bái cá nhân đã đạt đến mức tôn thờ thần tượng chính trị vô độ .
Những nhà thơ tài ba nhất là những người viết được những vần thơ đẹp nhất về
lãnh tụ đảng và nhà nước. Trong lĩnh vực báo chí cũng có thể quan sát thấy một
hiện tượng tương tự. Chỉ cần Thống Lĩnh đọc một vài lời nào đó, là đủ để cho
toàn bộ diễn đàn, như có người chỉ huy, phân tích, diễn giải hàng tuần sau đó.
Những lời của Thống Lĩnh được xem như "bước ngoặt số phận" hay
"cuộc đảo chính cách mạng" trong lĩnh vực tương ứng. Adolf Xigler Chủ
Tịch Ban Nghệ Thuật Ðức, đã đánh giá bài diễn văn do Hitler đọc nhân kỷ niệm
Ngày Nghệ Thuật Ðức năm 1937 như sau: "Kính thưa Thống Lĩnh kính yêu! Nhân
dịp kỷ niệm Ngày Nghệ Thuật Ðức, người đã đến dự; và bằng hành động trong sáng
này, Người không chỉ khai mạc cuộc triển lãm này, mà còn chỉ ra con đường đúng
đắn cho nền nghệ thuật Ðức. Mỗi người trong chúng con, được vinh dự sống trong
những ngày này, là nhân chứng cho bước ngoặc quyết định trong đời sống văn hóa
nước nhà. Cuộc triển lãm đầu tiên này được tổ chức theo nguyện vọng và với sự
tham gia của người, là khẳng định không còn bàn cãi, rằng cần phải chọn riêng
ra những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Ngoài ra cuộc triển lãm "Nghệ Thuật
Thoái Hóa" đã làm sáng tỏ nguyện vọng của người trước thế giới. Như vậy
Ngày Nghệ Thuật Ðức năm 1937 nhờ sự sáng tạo của Người đã trở thành một bước
ngoặc quyết định cho nền nghệ thuật Ðức, mà sự vĩ đại cùng tầm cỡ của nó ngày
nay chúng con chưa thể cảm nhận được đầy đủ . Song chúng con biết rằng, lúc nào
đó lịch sử sẽ viết về sự kiện này như mở đầu cho sự phục hưng mới của nền nghệ
thuật Ðức. Chúng con, những họa sĩ Ðức chân chính, xin chân thành cảm ơn Người
và chúng con xin hứa với Người là sẽ phấn đấu hết sức mình để xứng đáng với
ngày hôm nay." Báo chí Ðức ngày 20 và 21-7-1937 đăng hàng loạt những bài
tán dương diễn văn của Quốc Trưởng đến tận mây xanh. Diễn văn của Thống Lĩnh
hàng tháng sau vẫn được các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật quan tâm. Nó trở
thành chuẩn mực để đánh giá các tác phẩm nghệ thuật và sự nghiệp sáng tạo của
người nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, thành cương lĩnh nghệ thuật và phải
theo đó mà thực hiện và lãnh đạo. Khi chiến tranh bắt đầu xảy ra, báo chí Ðức đặc
biệt viết rất nhiều về "Thiên tài Quân sự" của Thống Lĩnh. Ngày
20-4-1941 Hitler tròn 52 tuổi. Toàn bộ diễn đàn chúc mừng ngày sinh nhật của Thống
Lĩnh bằng những bài viết dài, trong đó Hitler được vẽ lên như "Vị tướng
soái" vĩ đại nhất trong tất cả mọi thời đại. Thiên tài của Thống Lĩnh được
tô vẽ bằng những chiến thắng ở Ba Lan, Hà Lan, Pháp, v.v... Ðương nhiên, sự
sùng bái Thống Lĩnh được những lãnh tụ đảng khác châm ngòi. Thí dụ, Fon Sirah,
Thủ Lĩnh Ðế Chế về vấn đề thanh niên, là tác giả bài thơ "Vĩ Ðại".
Sau này tại tòa án Niurnberg, Fon Sirah công nhận: "Tôi tôn thờ Hitler và
tôi làm theo tất cả những gì ông ta nói và ông ta viết, như đối với một thần tượng."
Trong diễn văn nhân dịp thành lập Ban Ca Kịch Quốc Gia, Gobelx đã phát biểu như
sau: "Ngày nay các ngài được sống trong giai đoạn hạnh phúc và vĩ đại. Các
ngài có vinh dự nhìn thấy trước mắt mình một lãnh tụ của nhân dân và nhà nước,
đồng thời là người am hiểu và che chở cho nghệ thuật. Người yêu mến các nghệ sĩ
bởi vì bản thân Người cũng là nghệ sĩ. Dưới cánh tay thiên thần của Người, một
luồng hào quang sán lạng và mới mẻ đang tỏa sáng trên bầu trời nước Ðức".
Sùng bái lãnh tụ như mọi sùng bái khác đều có nghi lễ của nó. Trong mọi công sở,
văn phòng, giảng đường, trường học, trong từng nhà, từng gia đình, chân dung của
Thống Lĩnh được đặt nơi trung tâm trang trọng nhất. Xung quanh chân dung Thống
Lĩnh luôn luôn có hoa tươi, thể hiện tình yêu và lòng tôn kính vô hạn của nhân
dân đối với lãnh tụ. Thống Lĩnh khai mạc những cuộc triển lãm nghệ thuật lớn,
những ngày hội quốc tế và dân tộc long trọng, bổ nhát cuốc đầu tiên và cắt băng
khánh thành cho những công trình quan trọng ... Trong nghi thức sùng bái Hitler
bao hàm cả cách thể hiện hình ảnh ông ta. Ông ta không thể mệt mỏi, buồn rầu
hay chán nản, không thể có yếu điểm và khuyết tật thể chất. Ngược lại, Thống
Lĩnh cần trong sạch một cách lý tưởng và thẳng thắn như tia sáng. Mọi họa sĩ và
nghệ sĩ nhiếp ảnh có nghĩa vụ phải thể hiện Thống Lĩnh theo những phẩm chất đó.
Nghi thức sùng bái trở nên nghiêm ngặt đến mức bản thân Hitler cũng bắt buộc phải
quan tâm đến nó. Các tác giả của Ðệ Tam Ðế Chế định công bố ảnh của Thống Lĩnh
chụp khi ông ta đang viết với cặp kính trên mắt. Nhưng vì hình dáng ông ta với
cặp kính hoàn toàn không ăn nhập, bản thân Thống Lĩnh đã xé tấm hình này và cấm
không được công bố. Ðồng thời để khỏi phải mang kính, mỗi khi ra trước công
chúng, các thư ký của Hitler viết những bài diễn văn hay bài phát biểu cho ông
ta bằng kiểu chữ in to. Tuân theo nghi thức sùng bái của mình, nghi thức đòi hỏi
Thống Lĩnh phải khiên tốn và gần gũi với những người dân thường, Hitler không
bao giờ dùng trang phục trang trọng. Trang phục thường xuyên của ông ta sau khi
nắm chính quyền là bộ đảng phục, không có dấu hiệu gì khác biệt, so với những đảng
viên thường. Những câu nói, không phải bao giờ cũng liên quan lôgic của Thống
Lĩnh, được xem là mở đầu cho thời đại mới của nghệ thuật hùng biện: "Như mọi
thiên tài bẩm sinh, Hitler mang trong mình một thứ văn mỹ hoàn toàn mới mẻ. Những
lời của Người không ngọt ngào và đối xứng như bàn cờ. Những câu nói và suy nghĩ
của Người giống như những khối nặng, như dung nham thổi bùng lên từ ngọn núi lửa
và rơi tự do quanh đây, rồi bằng vẽ đẹp hùng tráng đầu tiên của mình, chinh phục
và điều khiển nhận thức con người. Những lời nói của Thống Lĩnh giống như những
nhát búa gõ vào cánh cửa đóng kín của nhận thức và trái tim chúng ta. Mục đích
của Người không phải an ủi mà là thâm nhập và điều khiển chúng ta". Những
địa danh liên quan đến tên tuổi của Thống Lĩnh cũng trở thành linh thiêng. Người
ta còn giữ được cuốn phim quay cảnh Fon Sirah - Thủ Lĩnh Thanh Niên- đang dẫn
những thành viên ưu tú của "Thế Hệ Hitler", với ngọn đuốc trong tay đến
thăm nhà tù Landberg, nơi Hitler đã viết Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi. Việc toàn dân
học tập Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi, thông qua cơ sở đảng và những tổ chức quần
chúng, là một trong những hình thức đặc trưng cho sự sùng bái Hitler. Ðảng phát
xít xem nó như cẩm nang cho chế độ quốc xã, còn trong lần tái bản Cuộc Chiến Ðấu
Của Tôi được xem như triết tác của các chiến sĩ lão thành. Trong những năm cầm
quyền của chế độ quốc xã, Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi được xuất bản tới 6,5 triệu cuốn.
Thậm chí có những lúc chính quyền với danh nghĩa đảng đã dùng nó làm quà tặng
cho những đôi vợ chồng mới cưới như quà tặng quý giá nhất cho gia đình tương lai.
Người ta còn tìm được những thước phim trong tài liệu của bọn quốc xã, kể về một
bản sao Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi, được gọi là Sách Của người Ðức. Bản sao này được
đặt trong hộp đặc biệt, có thể giữ được 1000 năm, thời gian dự trù tồn tại của
Ðệ Tam Ðế Chế. Giấy của bản sao được làm từ da trâu theo kỷ nghệ và dụng cụ đặc
biệt của thế kỷ XVIII. Một đội thợ mỏ được cử xuống lòng đất đào quặng và người
ta dùng quặng này để luyện kim loại đặc biệt làm chữ viết cho bản sao này! ...
2/ Biến nhân dân thành quần thể không tính cách: Rõ ràng, Hitler đã được tôn thờ
như thần tượng. Theo lời Hamsic: "Niềm say mê cuồng nhiệt đối với ông ta
đã đạt tới đỉnh điểm, mà không một nhà tiên tri tôn giáo nào dám mong ước."
Albert Speer, trong hồi ký viết tại nhà tù Spandaux, khẳng định rằng nhân dân
"Bị ông ta mê hoặc, như chưa từng có dân tộc nào trong lịch sử bị mê hoặc
đến mức đó". Tất cả những điều này là sự thật, rất nhiều tài liệu khẳng định
như thế. Tất nhiên khả năng đó của Hitler là do chế độ độc tài mang lại. Trong
chế độ độc tài không tồn tại xu hướng đối lập, các đảng phái đối lập, không cho
phép công kích, ý kiến xã hội khác với nhà nước; ngược lại, mọi phương tiện
tuyên truyền (diễn đàn, đài phát thanh, phim ảnh, nhà hát...) đều đồng loạt tô
vẽ cho sự thông thái của đảng quốc xã và lãnh tụ đảng. Ðây là cách giải thích
khoa học cơ bản cho việc tôn thờ Hitler vì một nhân cách chính trị không thể
không liên quan đến hệ thống chính trị được thiết lập. Một vài tác giả giải
thích khả năng đặc biệt này của Hitler là bằng nghệ thuật hùng biện của ông ta
và bản thân ông ta cũng tin như thế. Những đúc kết của Hitler về điều này là:
1. Lãnh đạo quần chúng là "nghệ thuật" theo ý nghĩa đúng đắn nhất của
từ này. Và cũng giống như mọi nghệ thuật khác, cái hoàn hảo chỉ đạt được bằng
lao động miệt mài". 2. "Tôi khuấy đảo quần chúng và chưa đi vào vấn đề,
trước khi họ bị biến thành quần thể ". 3. "Quần chúng như một động vật,
chỉ phục tùng bản năng của nó. Ðối với quần chúng, lôgic và lý lẽ là hoàn toàn
vô nghĩa". 4. "Tôi mê hoặc quần chúng để từ đó tạo ra những công cụ
chính trị ". Và đây là nguyên văn lời bàn của Hitler về vấn đề này với
Rausing, Bí Thư Khu ủy Ðanxig: "Những đối thủ của tôi nhìn tôi nghi ngờ. Họ
tự hỏi một cách ghen tị: Làm thế nào mà con người này thành công được trước
công chúng? Theo những người Xã Hội và Cộng Sản thì quần chúng là một thể độc
đoán, chặt chẽ. Quần chúng khống chế các phòng họp và là những ông chủ trên đường
phố. Thế mà tự nhiên có một người chạm đến và ngay lập tức sinh ra một phong
trào quần chúng rộng lớn. Ðây là ngẫu nhiên hay do sai lầm của quần chúng?
Chúng ta hãy tha lỗi cho các ngài đáng kính đó, nhưng rõ ràng là họ đi lạc vấn
đề và bản thân chúng ta cũng phải trả giá cho những cách thức và biện pháp của
chúng ta ... Quần chúng không có đầu óc phê phán, điều này không cần bàn cãi,
nhưng không phải theo cách hiểu của các nhà Mác - xít và những kẻ ngốc nghếch của
chúng ta. Quần chúng cũng có những cơ quan công kích, chỉ có điều chúng khác với
những cơ quan tương ứng của một con người. Quần chúng như một động vật chỉ phục
tùng bản năng của nó. Ðối với quần chúng, logic và lý lẽ là hoàn toàn vô nghĩa.
Nếu như tôi đã thành công trong việc tạo ra một phong trào quần chúng rộng lớn
nhất trong mọi thời đại, là vì không bao giờ tôi sử xự mâu thuẫn với tâm lý của
quần chúng và mạt sát những mẫn cảm của họ. Những mẫn cảm này có thể là nguyên
thủy nhưng chúng luôn mang trong mình một sức mạnh thiên nhiên không đổi. Khi
quần chúng phải chịu đựng những gì không thoải mái, như ở những giai đoạn đói
kém hay lạm phát, họ không bao giờ còn có thể quên được nữa. Quần chúng có bộ
máy cảm nhận và suy nghĩ đơn giản. Tất cả những gì họ không hiểu đều làm cho họ
sợ. Chỉ khi tôi làm chủ được những quy luật tự nhiên, tôi mới có thể điều khiển
được quần chúng. Người ta buộc tội tôi là đã mê hoặc quần chúng. Những nhà tâm
lý kinh nghiệm khuyên nên vỗ về quần chúng, giữ họ trong trạng thái mơ màng về
quyền bình đẳng. Không, thưa ngài, vấn đề là phải làm ngược lại. Tôi chỉ có thể
lãnh đạo được quần chúng khi họ đã bị mê hoặc mà thôi. Quần chúng thờ ơ là mối
nguy hiểm ghê gớm nhất cho mọi thứ chính trị. Sự thờ ơ bảo vệ cho quần chúng,
là nơi cư trú tạm thời, tích lũy sức mạnh và sẽ bùng nổ những phản kháng bất ngờ
hoàn toàn không mong đợi. Người lãnh đạo nhà nước mà không thi hành những biện
pháp khẩn cấp, một khi thấy quần chúng đã trở nên bình đẳng, thì xứng đáng đưa
ra tòa xét xử ... Tôi mê hoặc quần chúng - Hitler nói tiếp - để từ đó tạo ra những
công cụ chính trị. Tôi thức tỉnh quần chúng, bắt họ tự nâng mình lên, trao cho
họ chức năng và ý nghĩa. Người ta buộc tội tôi là đã khuyến khích cả những thú
tính thấp hèn nơi quần chúng. Hoàn toàn không phải như vậy. Nếu tôi tỏ ra thông
minh trước quần chúng, họ sẽ không hiểu tôi; nhưng nếu tôi kích thích được những
mẫn cảm mà họ có, họ sẽ chấp nhận ngay lập tức khẩu hiệu do tôi nêu ra. Trong một
cuộc họp quần chúng không có chỗ cho nghĩa lý. Và vì tôi cần đến môi trường
này, bởi đó là nơi bảo đảm cho những lời nói của tôi có trọng lượng, tôi tập họp
càng nhiều càng tốt những thính giả và biến họ thành một quần thể: Trí thức
cũng như công nhân. Tôi khuấy đảo quần chúng và chưa đi vào vấn đề trước khi họ
bị biến thành quần thể - Hitler suy nghĩ một lát rồi nói tiếp - Tôi tự khẳng định
rằng, trong nghệ thuật chinh phục quần chúng, không ai có thể sánh được với tôi
cả, ngay cả Gobelx. Cái đạt được bằng trí khôn là lĩnh vực riêng của Gobelx.
Nhưng điều khiển thực sự được quần chúng là điều không thể học được. Và ngài đừng
quên rằng, quần chúng càng đông bao nhiêu, càng dễ điều khiển bấy nhiêu. Hỗn hợp
quần chúng càng đa dạng bao nhiêu: nông dân, công nhân,viên chức thì càng dễ
mang đặc thù quần thể bấy nhiêu. Sẽ không đạt được gì trong cuộc họp những người
có văn hóa, những đại diện các tổ chức công đoàn ... Ðiều mà ngài khẳng định
hôm nay bằng những giải thích lôgíc, ngày mai sẽ bị phủ nhận với những minh chứng
đối ngược. Nhưng những gì mà ngài nói với nhân dân, khi họ đã là một quần thể
trong trạng thái dễ cảm nhận và hy sinh cuồng nhiệt, sẽ chịu được những công
kích lôgíc. Nhưng ngài chớ quên rằng, cũng như trong hệ thần kinh của một cá thể
có những điểm mà các bác sĩ không dám động đến, quần chúng có những chỗ đau
riêng không thể mạt sát. Một trong những điều tối kỵ này là các vấn đề liên
quan đến lạm phát và đói kém. Tôi có thể dễ dàng đòi hỏi quần chúng những hy
sinh to lớn, song đồng thời phải chuẩn bị tinh thần cần thiết để giúp họ chịu đựng.
Ngài hãy làm tất cả những gì ngài muốn, nhưng đừng nói với tôi thêm về mất giá
hay lạm phát. Bởi vì quần chúng không thể phân biệt được sự khác nhau giữa
chúng." Cái cho phép Hitler biến được nhân dân thành quần thể vô bản sắc,
không biết suy nghĩ, không thể công kích, là xuất phát từ nhà nước độc tài, chứ
không phải từ khả năng hùng biện của ông ta. Nhà nước độc tài đã làm cho nhân
dân thành quần thể, tước đi của họ các đảng phái và tổ chức chính trị, diễn đàn
đối lập, tính công khai, ý kiến xã hội, tự do bầu cử, cưỡng ép họ vào các tổ chức
quần chúng quốc gia và đặt những tổ chức này dưới sự kiểm soát tổng thể của nhà
nước. Nhà nước độc tài đã biến nhân dân thành quần thể, tiêu diệt mọi suy nghĩ,
thị hiếu và tư tưởng của họ. Như vậy ảnh hưởng đặc biệt của Hitler đối với quần
chúng không phải là do tài hùng biện của ông ta, mà xuất phát từ bản chất của
nhà nước độc tài. Và nếu cần phải đánh giá thiên tài quái đản Hitler thì đó
không phải là nghệ thuật lãnh đạo quần chúng, mà là việc đã tạo ra nhà nước độc
tài. Không phải bản thân nhà hùng biện, mà là chế độ chính trị này đã biến các
tầng lớp nhân dân khác nhau thành quần thể. Nếu trong một cuộc họp quần chúng lẫn
lộn hàng chục nghìn công nhân, nông dân, nhà văn, kỹ sư, bác sĩ... là do họ bị
các tổ chức quần chúng, mà trong đó họ là thành viên và không thể không là
thành viên, cưỡng ép đến. Tất cả đều hiểu rằng, sự tham gia của mình trong cuộc
họp thể hiện tư cách chính trị và cấp trên nhìn vào đó để đánh giá quan điểm của
họ. Ðây là đặc thù "tự nguyện - cưỡng ép" của chế độ phát xít. Nhà nước
độc tài thi hành khủng bố, kiểm soát tổng thể và toàn diện đến mức mọi công dân
đều sử xự đúng như nhà nước mong muốn. Người ta đã quen xem mọi hành động của
nhà nước là đúng đắn nhất, luôn luôn tán thành với chúng, không hề nghĩ là
không ai cho phép họ sử xự khác hơn. Kết quả là họ bắt đầu tự lừa dối rằng:
luôn luôn hành động một cách tự nguyện trong chừng mực cưỡng ép và tự nguyện
còn có thể dung hòa với nhau. Hitler xem việc mê hoặc quần chúng là một trong
những điểm cơ bản của nghệ thuật chinh phục quần chúng, nhưng cả điều này cũng
chỉ là kết quả của nhà nước độc tài hơn là khả năng hùng biện của ông. Toàn thể
nhân dân không thể bị mê hoặc nếu chế độ độc tài không được xây dựng. Chế độ
này đã sử dụng mọi công cụ tuyên truyền, cưỡng ép nhận thức của quần chúng một
cách có hệ thống, theo một đối tượng nhất định; đồng thời mọi vấn đề chỉ đưa
thông tin theo một chiều, phủ nhận và phỉ báng mọi ý kiến phản đối. Sự thật,
không một lãnh tụ chính trị nào có thể mê hoặc được quần chúng trong những điều
kiện của nền dân chủ tự do, là một minh chứng hùng hồn rằng, nếu không có sự thống
trị tuyên truyền thì không thể tồn tại những kẻ mị dân như Hitler vì các đảng
và diễn đàn đối lập ngay lập tức sẽ vạch mặt và đả kích chúng. Nơi nào có công
kích và tiếng cười nói công khai, nơi đó không thể có sự mê muội. Thực chất, bản
thân Hitler cũng chỉ mê hoặc được quần chúng và biến họ thành quần thể hoang dại
mãi sau khi nắm chính quyền và xây dựng bộ máy nhà nước của mình. Trước khi
Hitler tuyên bố là được thiên mệnh cử xuống làm Thống Lĩnh cho nhân dân Ðức, rất
nhiều người đã tin như thế. Ngay từ năm 1933, khi Hitler mới chân ướt chân ráo
lên nắm chính quyền, Fon Papen đã tiên đoán như sau: "Trong những thời kỳ
khó khăn này, Thượng Ðế nhân từ đã gia ơn, đã ban cho nước Ðức một lãnh tụ để dẫn
dắt nước Ðức vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, đến với tương lai, hạnh phúc huy
hoàng". Các nhà thơ cũng sáng tác dựa trên tinh thần này. Ðảng Quốc xã và
Hitler khuyến khích những tâng bốc vô độ, vì chúng nhìn thấy trong đó công cụ
thống nhất nhân dân để xây dựng sự thống nhất tinh thần - chính trị bền vững. Kết
quả là không chỉ đảng và nhân dân, mà ngay cả Hitler cũng tin vào "sự thật"
này. Trong vấn đề này, những suy nghĩ của Ialmar Saht về Hitler tại tòa án
Niurnberg rất tinh tế: "Tôi nghĩ rằng, ban đầu ông ta không có những tính
cách xấu xa như vậy; rõ ràng ông ta là nhà tư tưởng, mong muốn những điều tốt
lành, nhưng dần dà ông ta trở thành nạn nhân cho sự tôn thờ của quần chúng nhân
dân, bởi vì những kẻ làm tha hóa quần chúng đều kết thúc bằng việc bị quần
chúng tha hóa. Những mối quan hệ tương tự giữa người lãnh đạo và những người dưới
quyền, dẫn đến việc người lãnh đạo bắt đầu sai lầm phục tùng bản năng của quần
chúng, điều mà tất cả những lãnh tụ chính trị cần phải tránh xa". 3/ Tôn
thờ các lãnh tụ đảng và nhà nước khác của chế độ phát xít: Cấu trúc hình kim tự
tháp của nhà nước phát xít tạo ra sự tôn thờ cá nhân cán bộ lãnh đạo chính trị,
vì người này không thể bị thay đổi từ phía dưới, không bị kiểm soát và có quyền
lực vô hạn đối với những kẻ thừa hành của mình. Vấn đề chỉ còn là mức độ của sự
sùng bái này, rõ ràng là phụ thuộc trực tiếp vào khả năng quyền lực mà người đó
nắm giữ. Quyền lực càng nhiều bao nhiêu, sùng bái càng lớn bấy nhiêu. Như vậy
sùng bái không có gì khác hơn là uy tín giả tạo, mà sức mạnh ghê gớm của quyền
hành sinh ra chung quanh một cá thể, chỉ có điều cả người này và những người
xung quanh đều tin là thật. Vì vậy uy tín này chỉ tồn tại khi quyền lực bạo tàn
và vô hạn còn nằm trong tay cá thể đó. Mất quyền lực hay chính quyền sụp đổ,
cũng đồng thời mất luôn uy tín và sự tôn thờ. Trong đẳng cấp tôn thờ của Ðệ Tam
Ðế Chế, Hitler chiếm vị trí cao nhất. Ông ta là tuyệt đối và lý tưởng, tương ứng
với quyền hành tuyệt đối và vô hạn của Thống Lĩnh. Ông ta ở khắp nơi và biết hết
mọi điều như Ðức Chúa Trời. Sau Hitler đến các thủ lĩnh chính trị khác. Trong
các công sở, chân dung của Goring, Himler, Hex ... được treo bên cạnh chân dung
của Thống Lĩnh ở những vị trí trang trọng nhất. Ðường phố, trường học, nơi công
cộng ... thường mang tên một thủ lĩnh vĩ đại nào đó. Quỹ giúp đỡ những người
làm công tác nghệ thuật mang tên "Herman Goring". Các bài phát biểu
và "những công trình" của lãnh đạo đảng và nhà nước được xuất bản
ngay tức khắc với số lượng khổng lồ. Huyền Thoại Thế Kỷ XX của Rozenberg được
xuất bản tới hai triệu cuốn. Các nhà báo thường nhân cách hóa những thủ lĩnh đế
chế như những nhân vật thơ mộng. Hanx Frixrih Blunc, trong bài báo "Các
Nhà Lãnh Ðạo Chính Trị mới", đã mô tả như sau: "Cách đây 20 năm, họ
là những họa sĩ trẻ hay nhà thơ mơ mộng, đã từng rung cảm về tình yêu và tự do
của dân tộc và từng hạnh phúc về một buổi dạo chơi với người bạn gái ngây
thơ". Báo chí thường xuyên công bố long trọng ngày sinh của các Thủ Lĩnh
chính trị. Bằng vách đó, nhắc nhở một cách hệ thống vai trò của đảng quốc xã
như lực lượng lãnh đạo trong Ðệ Tam Ðế Chế, luôn luôn nhồi nhét vào ý thức của
mọi công dân rằng, nước Ðức không thể tồn tại nếu không có đảng quốc xã. Thí dụ
báo Nasional Xaitung trong số ra ngày 24- 4- 1941 đã viết về Rudolf Hex được gọi
là "linh hồn của đảng". Nếu như chúng ta hỏi tại sao Phó Thống Lĩnh lại
được tặng danh hiệu cao quý này, thì câu hỏi này có thể trả lời không chút khó
khăn: không một sự kiện nào trong cuộc sống chúng ta mà lại không liên quan đến
tên tuổi của Phó Thống Lĩnh. Người vô cùng năng động và sáng tạo trong công tác
và mọi lĩnh vực, đến mức không thể nói lên bằng một vài lời. Rất nhiều biện
pháp được chính phủ triển khai, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quân sự và
trong đảng là do sáng kiến của Phó Thống Lĩnh". Và đây là lời chúc mừng của
báo chí nhân dịp Alfret Rozenberg, nhà tư tưởng của đảng quốc xã, nhận giải thưởng
Dân Tộc Ðức năm 1937: "Alfet Rozenberg với những tác phẩm của mình đã giúp
đỡ đặt nền móng cho những cơ sở tinh thần và khoa học, củng cố và phát triển
triết học quốc xã. Chỉ tương lai mới có thể đánh giá được đầy đủ cống hiến của
Alfet Rozenberg cho những cơ sở triết học của nhà nước quốc xã". Như chúng
ta đã nhiều lần nhấn mạnh, cơ sở của sự sùng bái nằm trong quyền lực ghê gớm và
vô biên mà nhà nước quốc xã trao vào tay giới cầm quyền chóp bu. Bản thân cấu
trúc quan liêu tự tiến dần đến tập trung quyền lực. Do đó, các cán bộ trong đẳng
cấp này luôn có tham vọng thâu tóm quyền lực về tay mình. Ðây là một trong những
điều kiện quan trọng nhất, để có thể đứng vững trước những cuộc tranh giành quyền
lực ngày càng nhiều. Lúc đầu, Hitler chỉ mới là lãnh tụ tối cao và Thủ Tướng
chính phủ. Bằng sắc luật ra ngày 1.8.1934 Hitler sát nhập trọng trách Tổng Thống
và Thủ Tướng, thâu tóm quyền lực Tổng Thống vào tay mình. Ngày 4-2-1936, Hitler
tự phong làm Tổng Chỉ Huy Tối Cao các lực lượng võ trang Ðức. Như vậy, Hitler vừa
là lãnh tụ tối cao của đảng, nhà nước và các lực lượng vũ trang (Thống Lĩnh, Thủ
Tướng, Tổng Chỉ Huy Tối Cao), nghĩa là không còn chút quyền hành nào lọt qua khỏi
tay ông ta. Goring mới đầu chỉ là Bộ Trưởng Bộ Không Bộ của chính phủ Hitler, dần
dần biến thành Bộ Trưởng Bộ Không Quân, Tướng Lĩnh SS và SA, Toàn Quyền Ðặc Biệt
của Kế Hoạch Bốn Năm, Nguyên Soái Ðế Chế, Chủ Tịch Hội Ðồng Quốc Phòng, Giám Ðốc
Sở Mật Thám Zetapo tại Pruxia. Albert Speer là Bộ Trưởng Vũ Trang và Công Nghiệp
Quân Sự, đại diện trong văn phòng đảng về những vấn đề kỹ thuật, Hội Trưởng Hội
những Nhà Kỹ Thuật Ðức, Tướng Lĩnh SS, SA ... Ðiều này chỉ ra, thực chất quá
trình tập trung quyền lực vào một số người, đứng trên pháp luật và lương tâm,
nhưng lấy danh nghĩa là theo nguyện vọng của Thống Lĩnh, quyền lợi của đảng và
nhân dân, mang hình dáng hoàn thiện của nhà nước độc tài phát xít. 4/ Sùng bái
đảng phát xít: Việc đảng phát xít được xem là thông thái tuyệt đối và không thể
sai lầm cũng xuất phát từ quyền lực vô hạn của nó. Tất cả đều phải phục tùng vô
điều kiện nguyện vọng của đảng, nhà nước, các tổ chức quần chúng, những cơ sở
văn hóa ... thậm chí cả những vấn đề riêng tư của gia đình và cá nhân. Cuộc đời
người chỉ được xem là có ý nghĩa nếu có cống hiến gì đó cho sự nghiệp của đảng
quốc xã. Ðảng là uy tín tối cao về chân lý, sự thông thái, lẽ công bằng. Ðảng
không cần phải giải thích với bất cứ người nào về những hành động của mình, mà
xem đó như thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả. Chân lý là những gì phù hợp với
quyền lợi của đảng và giới lãnh đạo chóp bu. Ðối với chế độ phát xít, không tồn
tại chân lý khách quan, không phụ thuộc vào nguyện vọng và mục đích của đảng. Tại
đại hội đảng tháng 9-1935, Hitler tuyên bố, "Uy tín của đảng cần được chấp
nhận như tòa án tối cao, như cấp kiểm soát và quyết định cuối cùng. Ai không hiểu
được điều đó thì không có quyền suy nghĩ về lịch sử, sáng tạo và cấu trúc ở
đây, không thể nêu vấn đề sai lầm hay không sai lầm. Giống như một tướng lĩnh,
một cấp chỉ huy, một đội quân hay thậm chí một người lính không có quyền nghi
ngờ về sự đúng đắn của các mệnh lệnh được giao trong lãnh đạo chính trị và đeo
đuổi mục đích, một cá nhân riêng biệt không thể hành động theo những quan điểm
mà mình cho là đứng đắn và xem những quan điểm, chỉ thị và mệnh lệnh của đảng
là sai lầm". Từ cách "nhận thức" như trên về đảng dẫn đến không
ít những luân lý độc tài, rằng đảng luôn luôn quang minh chính đại. Do đó mọi
hành động xa rời đường lối của đảng đều là sai lầm và cần phải loại bỏ. Trong
điều lệ đảng ghi rõ: "Phục vụ cho phong trào (phong trào quốc xã - J.J.)
là đúng đắn và cũng là phục vụ cho nước Ðức". Gobelx năm 1933 còn xây dựng
rõ ràng hơn nguyên tắc tinh thần cơ bản này của đảng: "Tất cả những gì phục
vụ cho chế độ quốc xã là đúng đắn, tất cả những người làm hại đến chế độ quốc
xã là xấu xa và cần phải gạtbỏ. Ðứng ngoài phong trào quốc xã thì không thể phục
vụ cho nước Ðức và nhân dân Ðức, bởi vì như chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh,
trên quan điểm tư tưởng của chế độ quốc xã, đảng đồng nhất với nhà nước, nhân
dân và quê hương". Theo cách suy luận lôgíc này, đảng quốc xã có quyền lấy
danh nghĩa nhân dân để loại bỏ tất cả những gì không phù hợp với thị hiếu và
nguyện vọng của nó. Trong tập san lý luận của đảng quốc xã - Gương Mặt Ðảng -
có đoạn viết: "Cần phải sử dụng những biện pháp, và nếu cần cả những biện
pháp trừng phạt, nếu như cá nhân có những hành động làm tổn hại đến bản thân và
những người xung quanh". Cá nhân không có quyền và không thể đánh giá khi
nào thì những hành động của mình có hại đến bản thân và những người xung quanh.
Chỉ có đảng quốc xã mới có quyền đó và sử dụng những biện pháp tương ứng để
"giúp đỡ", không cần quan tâm đến việc người đó có yêu cầu hay không.
Theo quan điểm của đảng phát xít, cá nhân cần phải cảm thấy hạnh phúc trong những
điều kiện mà đảng cho phép. Cá nhân có thể có cách nhìn nhận về hạnh phúc, khác
với kiểu hạnh phúc tập thể quần chúng - kiểu hạnh phúc cơ bản của mọi nhà nước
phát xít, nhưng điều đó là vô nghĩa. Sự sùng bái đảng phát xít còn được thể hiện
trong những cống hiến đối với đảng.Trong lý lịch cá nhân cần phải nêu bật đã có
những cống hiến gì cho đảng quốc xã, có phải là đảng viên không, vào đảng từ
bao giờ, trước hay sau khi đảng nắm chính quyền được đặc biệt chú trọng. Trong
đơn xin việc hay xin tham gia một tổ chức nào đó, nhất thiết phải nêu rõ những
vấn đề như trên, đồng thời phải khai những chi tiết tương tự về cả những người
thân thích của mình. Tóm lại, đảng quốc xã là giá trị cao nhất trong nhà nước
phát xít. Vì vậy một khi đã có những cống hiến cho đảng thì điều đó được xem là
cơ sở chính trị tốt nhất và những người như thế có thể xứng đáng cho bất kỳ vị
trí công tác nào, thậm chí cả những nơi đòi hỏi phải có trình độ học vấn cao. Vấn
đề quan trọng không phải bằng cấp, khả năng tri thức, bậc thợ, mà là sự hy sinh
và những cống hiến cho đảng phát xít và lãnh tụ . Ðể "củng cố" uy tín
chính trị và bảo vệ sự sùng bái cho đảng, hàng loạt tượng đài ghi nhớ công lao
những chiến sĩ đã hy sinh vì thắng lợi của "cuộc cách mạng quốc xã",
đã được xây dựng. Nhưng vì đảng là một khái niệm tổng thể không biết suy nghĩ,
đồng thời lại phải trao tư duy cho những thành viên không biết suy nghĩ của
mình, nên tư duy tổng quát này cần được chấp nhận một cách chung nhất. Trong thứ
bậc của đảng quốc xã, tư duy này không thể là của người nào khác ngoài lãnh tụ
của đảng. Như vậy, tư duy của lãnh tụ trở thành tư duy của đảng, và tinh thần của
lãnh tụ cũng trở thành tinh thần của đảng. Những đặc tính cá thể của một nhân
cách trở thành của chung và đặc tính chung của đảng nằm trong nhân cách của
lãnh tụ . Từ đó, suy ra đảng và lãnh tụ không thể tách rời, hay đúng hơn: đảng
là lãnh tụ. Lãnh tụ ca ngợi đảng, cũng chính là ca ngợi mình và đảng tô vẽ cho
lãnh tụ thêm vĩ đại, cũng chính là khẳng định giá trị của mình. Tại đại hội đảng
ngày 16-9-1935 ở Niurnberg, chính Hitler đã nêu rất chính xác nguyên tắc này:
"Ở đây, cần phải chấn chỉnh lại một quan niệm sai lầm của một số công dân
khi họ nói: "Lãnh Tụ đúng đắn, nhưng còn đảng là chuyện khác". Hoàn
toàn không thể như thế, thưa các ngài! Lãnh Tụ là Ðảng và Ðảng là Lãnh Tụ . Tôi
có cảm giác mình như một bộ phận của đảng, thì đảng cũng phải là một bộ phận của
tôi. Tôi không biết bao giờ mình sẽ từ giã cõi đời. Nhưng đảng thì tiếp tục sống
mãi. Và đảng, thông qua mọi cá nhân, yếu đuối cũng như dũng cảm, sẽ làm nên
tương lai huy hoàng cho dân tộc Ðức, tôi tin tưởng và tôi biết như thế!".
Sự khác nhau giữa một đảng chính trị thông thường và đảng phát xít là: đối với
một đảng chính trị thông thường, các đảng viên giữ được nhân cách, suy nghĩ và
trách nhiệm của mình, còn đảng phát xít thì tước đoạt toàn bộ những cái đó và
biến những thành viên của mình thành công cụ vô bản sắc. Ðiều này giải thích tại
sao đảng phát xít có tất cả, trong khi các đảng viên của nó không có gì. Nếu
các đảng viên muốn có được quyền lợi nào đó, họ chỉ có thể nhận được thông qua
đảng: Ðiều này đúng cho cả lĩnh vực vật chất cũng như tinh thần. Từ đó sinh ra
niềm tin của các đảng viên, rằng cái gì đảng cũng có thể làm, cái gì cũng có thể
biết, sinh ra thần tượng đảng và sự tôn thờ. Sự sùng bái đảng phát xít đòi hỏi
đảng được công nhận không chỉ là vĩ đại, mà còn đồng thời phải thân thiết và
gia ơn cho những người tin tưởng vào nó. Ðảng quốc xã được thể hiện như
"trách nhiệm và nguyện vọng" của nhân dân. Trong những giờ phút lịch
sử hiểm nghèo, đảng như một anh hùng huyền thoại đã cứu thoát dân tộc Ðức khỏi
bị hủy diệt ngay trên bờ vực thẳm. Hitler từng tuyên bố trên diễn đàn tại Ðại Hội
Ðảng: "Ðảng quốc xã đã mang lại những cống hiến không kể xiết. Không phải
các nhà kinh tế, các nhà bác học, giáo sư, những người lính, các diễn viên, những
nhà tư tưởng, nhà thơ của chúng ta, mà là sách lược chính trị đặc biệt của đảng
đã cứu thoát dân tộc Ðức khỏi hiểm nghèo. Ngày nay chúng ta mới cảm nhận được
phần nào công ơn của đảng. Chỉ có các thế hệ tiếp theo mới đánh giá được đầy đủ
giá trị vĩnh hằng của đảng. Rồi đây, tất cả mọi cái rồi sẽ mất đi, chỉ riêng đảng
là vẫn sống mãi". 5/ Sùng bái và trách nhiệm: Hơn ai hết, nhà nước phát
xít nói nhiều nhất về trách nhiệm: trách nhiệm chính trị, lịch sử, tinh thần
v.v... Nhưng thực tế bản thân nó lại hoàn toàn vô trách nhiệm. Ðiều này có thể
giải thích dễ dàng. Sau khi sát nhập với đảng phát xít, nhà nước trở thành chủ
soái của toàn bộ đời sống xã hội. Tất cả đều phải có trách nhiệm trước nhà nước:
các tổ chức quần chúng, các hiệp hội trí thức, mọi công dân, mọi gia đình. Như
vậy, nhà nước là chủ soái của tất cả, còn Ðảng Công Nhân Quốc Xã là chủ soái của
nhà nước. Tất cả đều phải có trách nhiệm với nhà nước, kể cả xã hội công chúng,
còn nhà nước phải có trách nhiệm trước Ðảng Quốc Xã. Nhưng một khi nắm trong
tay toàn bộ quyền hành và số phận của nhà nước và xã hội, đảng quốc xã không
còn phải chịu trách nhiệm trước bất cứ ai ngoài chính bản thân mình. Song thế
nào là một đảng chịu trách nhiệm trước bản thân mình, khi đảng này được xây dựng
trên nguyên tắc tập trung quan liêu? Ðiều đó có nghĩa là đảng này phải chịu
trách nhiệm trước lãnh tụ cao nhất của mình. Chúng ta nhận được bức tranh toàn
cảnh như sau về đẳng cấp vô trách nhiệm: xã hội chịu trách nhiệm trước nhà nước,
nhà nước chịu trách nhiệm trước đảng phát xít, đảng phát xítchịu trách nhiệm
trước lãnh tụ của mình. Do đặc tính tập trung cao độ của đảng và nhà nước phát
xít, tất cả đều phải chấp hành mệnh lệnh và chỉ thị của cấp cao hơn. Ðồng thời
thói cơ hội cùng tham vọng quyền hành và tiền tài trong mọi cán bộ khiến kẻ đó
thêm bớt ít nhiều trong khi thừa hành mệnh lệnh. Người cán bộ không thể từ chối
không thi hành mệnh lệnh, mà chỉ có thể thực hiện thật tốt hay ít ra là ở mức
trung bình. Trường hợp từ chối không thi hành mệnh lệnh, người đó sẽ bị loại ra
khỏi "trò chơi" với lề luật hà khắc. Ðiểm đặc biệt này của chế độ độc
tài cho phép các tội nhân của chính quyền lẫn trốn và đùn đẩy trách nhiệm cho cấp
cao hơn. Khi phải trả lời trước tòa về tội lỗi của mình, tất cả các cán bộ cấp
thấp đều nói rằng, họ chỉ là những người thừa hành nhiệm vụ, mệnh lệnh hành
chính và không có quyền lựa chọn, hay mạo hiểm từ chối không thực hiện. Khi ra
trước tòa (thí dụ như tòa án Niurnberg) cho thấy một điều quái đản là, không ai
có lỗi cả: có nạn nhân, tội ác nhiều vô kể, nhưng những kẻ giết người, những tội
nhân thì không có. Không ai tán thành cùng với Hitler, đa phần bí mật công kích
ông ta, những người khác thì chống lại, nhưng mặc dù vậy, tất cả đều tham gia
vào những tội ác kinh hoàng chống lại con người và loài người. Chỉ một mình nhà
độc tài đã chết là có tội. Và nếu không có Hitler thì những tội ác tương tự chắc
chắn đã không thể xảy ra! Thật là kiểu bao biện chưa từng có trong lịch sử! Chỉ
một mình nhà độc tài đã chết là có tội, chứ không phải là chế độ chính trị quốc
xã (duy nhất chỉ riêng Speer có ý kiến ngược lại). Và những người khác không thể
theo ông ta, vì như thế là công nhận mình cũng tham gia gây tội ác và phải chịu
trách nhiệm. Nhưng một mình Hitler có thể xây dựng chế độ này không? Liệu một
người duy nhất có thể làm được điều đó không? Goring khai trước tòa rằng không
đồng ý với Hitler trong vấn đề hủy diệt người Do Thái, nhưng không thể ngăn cản
ông ta được. Fon Sirah khẳng định vì quá tin tưởng vào Hitler nên mãi tận giờ
phút cuối mới vỡ lẽ là ông ta phạm tội. Caitel và Iodul, những kẻ thiết kế các
đồ án quân sự phản động nhất của phát xít Ðức và đã ký những sắc lệnh giết hàng
loạt tù binh, cũng biện bạch là bị Hitler cưỡng ép. Họ cũng không đồng ý với
nhà độc tài tàn bạo, nhưng vì là người lính nên phải thi hành mệnh lệnh của người
chỉ huy quân sự tối cao. Nếu căn cứ vào lời khai của Speer Bộ Trưởng Bộ Chiến
Tranh, thì mãi tận giờ phút cuối ông ta cũng mới hiểu được những nguy hiểm ghê
gớm ẩn giấu trong nền chuyên chính của Hitler. Tóm lại, chỉ mỗi mình nhà độc
tài đã chết là có tội, toàn bộ trách nhiệm về tội lỗi đều đổ lên đầu ông ta.
Ông ta khống chế tất cả. Những kẻ giúp việc và cộng tác với ông ta trong nhà nước
này là vô tội. Họ là nạn nhân của một sự lừa dối quái đản: không biết tí gì về
việc giết người Do Thái, về máy hơi độc trong các trại tập trung, thậm chí cả sự
tồn tại của chính những trại tập trung này. Trong hồi ký của mình, Tiến sĩ
Djibert, bác sĩ tâm thần thuộc tòa án Niurnberg, đã kể về những phản ứng của
các bị cáo khi xem cuốn phim quay những cảnh diễn ra trong quá trình gây ngạt bằng
máy hơi độc tại các trại tập trung. Caitel: "Thật kinh khủng! Khi nhìn những
hình ảnh này, tôi thật là xấu hổ vì mình là người Ðức. Không bao giờ tôi còn
dám nhìn thẳng vào mặt người khác". Fon Papen: "Tôi không muốn nhìn nỗi
nhục của nước Ðức." Func, giám đốc nhà băng bảo quản tài sản cho SS gồm nhẫn
vàng và đồ trang sức của các nạn nhân, suốt buổi xem luôn nhắc đi nhắc lại:
"Thật kinh khủng! Thật kinh khủng!" Hanx Fritre, Thứ Trưởng của
Gobelx: "Tất cả nước đại dương cũng không thể rửa được nỗi nhục này cho đất
nước tôi." Như vậy bọn phạm nhân trở thành vô tội. Ðiều này không chỉ đúng
cho bọn tội phạm đầu sỏ tại tòa án Niurnberg, mà còn cho mọi tội nhân cấp thấp
khác. Tất cả đều đùn đẩy trách nhiệm cho cấp cao hơn, cấp cao này lại đùn đẩy
cho cấp cao hơn nữa, cứ như vậy đến tận đỉnh chóp. Kết quả là chỉ một mình lãnh
tụ tối cao có tội. "Sự thật đơn giản" là, tất cả các Thủ lĩnh đảng và
nhà nước, bọn tướng lĩnh, bọn chủ công nghiệp, bọn cảnh sát đều có tội. Và rộng
hơn, tất cả những kẻ đã phục vụ cho nhà nước này đều có tội. Vấn đề là, chế độ
phát xít gây tội ác ngay trong cơ cấu của nó, vì được củng cố bằng bạo lực và
khủng bố tổng thể (về thể chất, chính trị, tinh thần, tư tưởng). Chế độ phát
xít không thể tồn tại nếu không gây tội ác. Hủy diệt mọi quyền công dân và tự
do chính trị, trao quyền hành vô hạn vào tay một cá nhân, chế độ quốc xã phạm tội
trước cả khi gây tội ác chống lại các nước láng giềng. Vì vậy cần phải xử tội
chế độ này, những cơ cấu của nó cùng những cá nhân nắm giữ trọng trách. V/ Trại
Tập Trung Cải Huấn A - Ý nghĩa và mục đích của trại tập trung cải huấn: Nhà nước
phát xít không thể tồn tại nếu không có các trại tập trung cải huấn. Những trại
tập trung này là địa ngục trần gian của chế độ, và được giữ bí mật cả trong và
ngoài nước. Chúng trở nên cần thiết vì mức độ khủng bố và đàn áp tổng thể ghê gớm
của chế độ chính trị . Năm 1939, trong các trại tập trung và nhà tù ở Tây Ban
Nha có tới 1 triệu tù nhân. Nhà nước phát xít và trại tập trung liên quan mật
thiết với nhau đến mức có thể nói: không tồn tại nhà nước phát xít nào mà không
có trại tập trung. Những nhà tù điển hình không đủ cho nhà nước độc tài vì hai
nguyên nhân: Thứ nhất, không phải ai nhà nước cũng có thể buộc tội; Thứ hai, về
mặt tài chính nhà tù rất tốn kém. Các trại tập trung cải huấn, như một phát hiện
mới, khắc phục được những khó khăn này. Trại tập trung có nhiều ưu điểm hơn so
với nhà tù, vì kinh tế hơn và thậm chí có thể làm lợi về kinh tế bằng cách bóc
lột sức lao động của tù nhân. Ngoài ra thông qua cách giáo dục cải tạo lao động
quái đản này (trên cổng các trại tập trung ở Ðức thường treo khẩu hiệu
"Lao động giải phóng con người"), có thể công khai hủy diệt thể chất
(cho ăn đói, bắt làm nhiều) của những người không có lợi cho chế độ . Ý nghĩa
thật sự của trại tập trung cải huấn - phát minh quái đản của thế kỷ XX - được
Himler tuyên bố trắng trợn trước đội cận vệ của Thống Lĩnh: "Như tôi đã
nói, công tác này rất quan trọng, thứ nhất, để loại bỏ những phần tử xấu trong
nhân dân Ðức; thứ hai, bắt họ một lần nữa phải làm việc cho cộng đồng dân tộc
vĩ đại, phá đá và đúc gạch để Thống Lĩnh xây dựng những công trình của mình; và
thứ ba, để số tiền kiếm được bằng cách này dùng vào việc mở đất, xây các làng mạc
cho các sĩ quan và chiến sĩ của chúng ta sống, có nhà cửa, tạo nên những gia
đình hạnh phúc đông vui". Ở Ðức, lúc đầu các trại tập trung được sử dụng với
mục đích cách ly những đối thủ chính trị của chế độ, để họ không thể gây ảnh hưởng
"xấu" được nữa. Việc bắt người theo quyết định của cảnh sát, không cần
lập biên bản, không cần xét xử, tuyên án, không báo trước thời gian giam giữ được
gọi là bắt triệt để. Chính phủ quốc xã giam giữ tất cả các đối thủ chính trị của
mình trong trại tập trung, không phụ thuộc vào đảng phái, dân tộc, thế giới
quan, tuổi tác và giới tính. Khủng bố được tiến hành theo nguyên tắc: "Ai
không theo chúng ta là chống lại chúng ta". Tại tòa án Niurnberg, Goring
đã nói về vấn đề này như sau: "Người ta bắt giam vào trại tập trung cả những
người chưa phạm tội gì, nhưng nếu để họ tự do thì có thể gây những hành động có
hại cho nhà nước Ðức". Trong lịch sử của trại tập trung Ðức có hai giai đoạn:
trước chiến tranh (trước khoảng năm 1939), mục đích chính là để đàn áp những xu
hướng chính trị đối lập trong nước; và trong chiến tranh, mục đích chính là sử
dụng sức lao động cưỡng ép, bóc lột triệt để các trại viên như một lực lượng sản
xuất thực sự. Tất nhiên trong những ngày đầu tiên, các trại tập trung đã được
xem như những trại lao động bắt buộc, như một hình thức trừng phạt và để bù lại
những khoản chi phí cho tù nhân. Trong chiến tranh, khi số lượng trại tập trung
và số tù nhân tăng lên gấp bội, một vấn đề được đặt ra: bằng cách nào để có thể
sử dụng được sức lao động của những "phần tử xấu" này trước khi giết
họ. Lúc này vấn đề không chỉ bù lại những khoản chi phí của nhà nước cho các
nhà tù, mà chủ yếu là bóc lột trắng trợn sức lao động không lương của những tù
nhân vì lợi ích quốc gia, đặc biệt là trong ngành công nghiệp quân sự . Thậm
chí chiến tranh đã thay đổi đáng kể vai trò của các trại tập trung đến mức, có
những lúc ban chỉ huy và bản thân Thủ Lĩnh SS đã phải phấn đấu để giảm mức chết
cho tù nhân, vì lúc này mục đích chính là sức lao động của tù nhân, sau đó mới
đến việc hủy diệt họ . Trong một thông báo của Phòng Hành Chính Kinh Tế Cơ Bản
của SS ngày 28-12-1942, "Về công tác y tế trong trại tập trung", có
đoạn viết: "Chúng tôi gửi cho các anh bản thống kê danh sách tù nhân trong
tất cả các trại tập trung. Có thể thấy rõ một điều là, trong tổng số 1360000
người vào trại tập trung thì có tới 70000 người đã chết. Với mức chết cao như vậy,
số lượng trại viên sẽ không bao giờ đạt được con số ấn định của Thống Lĩnh. Các
bác sĩ trưởng, trong các trại tập trung cần phải sử dụng mọi biện pháp để giảm
mức chết này xuống. Người bác sĩ giỏi không phải là người tỏ rõ được sự độc ác
của mình, mà là người thông qua những phương tiện y tế hay thay đổi vị trí làm
việc, giữ được khả năng lao động càng lâu càng tốt". B - Thực chất của trại
tập trung cải huấn: Phụ thuộc vào điều kiện chính trị cụ thể, nhà nước phát xít
có thể chú trọng mặt này hay mặt kia trong mục đích của trại tập trung cải huấn.
Thí dụ trong thời gian chiến tranh, nước Ðức chú trọng đến vấn đề sử dụng sức
lao động cưỡng bức trong khi Tây Ban Nha tiến hành hủy diệt thể chất của các trại
viên (chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 1940-1945 đã có tới hơn 150 nghìn tù
nhân bị bắn). Việc hủy diệt tù nhân được chú trọng đặc biệt vào năm 1944 khi
quân Ðồng Minh đổ bộ vào Na Uy, và trên bầu trời Tây Ban Nha - Franco treo lơ lửng
một mối đe dọa quân sự. Nhưng dù có những dao động trong "chính sách trại
tập trung" của nhà nước phát xít, mục đích cơ bản hoàn toàn không thay đổi:
cách ly và từng bước hủy diệt, các đối thủ chính trị . Ở Ðức, chiến tranh có
thay đổi ít nhiều trong mục đích chính của trại tập trung, nhưng không hoàn
toàn từ bỏ nó. Ðiều này nói lên rằng, khi nghiên cứu mối quan hệ nội tạng giữa
chế độ độc tài và trại tập trung cải huấn, cần phải lấy giai đoạn trước chiến
tranh khi chúng đang tồn tại thuần chất, không có những ảnh hưởng bên ngoài.
Trong trường hợp đó trại tập trung cải huấn có thể xem như nhà tù kết hợp với
lao động cưỡng bách không hạn định thời gian. Nhà nước độc tài thường xuyên quảng
cáo các trại tập trung cải huấn như những trại cải tạo lao động. Năm 1944, Tổng
Giám Ðốc Các Nhà Tù ở Tây Ban Nha khoe khoang rằng, dưới sự lãnh đạo của ông
ta, các nhà tù đã "cải tạo" được ít nhất là 300 nghìn người. Tuy
nhiên ông ta đã quên không nói rằng cũng trong năm 1944, bình quân mỗi ngày ở
Tây Ban Nha có tới 400 người bị bắn. Và thế nào là giáo dục cải tạo trong những
điều kiện của nhà nước phát xít? Ðiều đó có nghĩa là mài mòn tinh thần, tư tưởng
chính trị và thể chất con người. Chế độ đạt được mục đích mà không cần phải bắn
những nạn nhân của mình. Thực chất chế độ độc tài không có lợi ích gì trong việc
trả tự do cho các trại viên, thậm chí kể cả khi họ đã làm việc hết sức mình và
cải tạo tích cực trong nhiều năm. Bởi vì không có gì để đảm bảo là sau khi được
tự do, những người đó lại không tiếp tục thực hiện hành động trước đây, thậm
chí dù đã "cải tạo", việc trả tự do cho những người như thế vẫn không
có lợi, vì họ là nhân chứng sống về những gì đã xảy ra trong trại tập trung, về
tội ác ghê tởm của chế độ trong các địa ngục trần gian này; trong khi mọi
phương tiện tuyên truyền ngày đêm ra rả tô vẽ cho nó như một nhà nước nhân dân
và pháp quyền: nghiêm khắc nhưng công bằng, đảm bảo luật lệ. Do đó đối với chế
độ, tốt hơn cả là hủy diệt thể chất và tinh thần những kẻ thù của mình, hoặc giữ
họ lại trong các trại tập trung, cho đến khi họ chết một cách "tự
nhiên". Trại tập trung cải huấn là sự chà đạp thô bạo và tội lỗi nhất đối
với nhân cách của con người và loài người nói chung. Mọi cái trong trại tập
trung đều nhằm mục đích làm giảm giá trị của con người và loài người. Những đặc
điểm đặc biệt trong địa ngục trần gian này là: 1. Không có con người, chỉ có số
hiệu trên lưng các tù nhân; con người trở thành con số vô nghĩa. Bọn quản đốc
trại không gọi ai theo tên mà chỉ gọi theo số; đối với chúng, không có nghĩa lý
gì việc số X là nhà y học lớn hay số Y là nhà văn lớn. 2. Tù thường phạm được
coi trọng hơn tù chính trị; tù thường phạm thường được bổ nhiệm làm tù trưởng,
giúp bọn quản đốc giữ trật tự trong trại. 3. Tù nhân làm việc dưới sự giám sát
của đội bảo vệ, có cho béc - giê đi kèm; chân bị xích vào nhau, theo luật có thể
bắn không cần báo trước. 4. Thời gian làm việc trên thực tế không hạn định, dẫn
đến hao mòn thể chất mau hơn và đến cái chết "tự nhiên". 5. Vì không
thể tránh được nạn tham nhũng trong bộ phận quản đốc trại, nên các trại viên
còn bị bóc lột thêm một lần nữa trong khẩu phần ăn; người tù luôn luôn ăn đói
và nếu không chết do bệnh tật, thì cũng chết vì hao mòn thể lực. 6. Giúp đỡ y tế
trong trại tập trung không phải vì nhân đạo, mà là nhiệm vụ chính trị . 7. Người
ta thưởng cho bọn cai tù có công bắn tù nhân trong trường hợp "có ý định
chạy trốn". Việc này đương nhiên là khuyến khích bọn cai tù và bọn quản đốc
phạm tội nhiều hơn. 8. Bất cứ ai bước vào trại tập trung cũng đều có tội, dưới
địa ngục không có người vô tội. Vì thế về nguyên tắc, không ai được sống sót ra
khỏi trại. VI/ Mối liên quan giữa các cơ cấu trong cấu trúc nhà nước độc tài:
1/ Tính cần thiết của mối liên quan: Mới thoạt nhìn có thể nghĩ, giữa các cơ cấu
trong cấu trúc độc tài không có sự kiên quan cần thiết, rằng đó hoàn toàn là ngẫu
nhiên và chúng có thể sắp xếp theo một thứ tự bất kỳ trong khi thiết lập chế độ
này.Thực chất, mối liên quan này rất sâu sắc, cần thiết và bắt buộc cho bất cứ
nhà nước phát xít nào. Mối liên quan này được thể hiện trong hai vấn đề: thứ nhất,
đối với dạng nhà nước này không thể thiếu được bất kỳ cơ cấu nào trong 5 cơ cấu
đã nêu; thứ hai, mọi cơ cấu muốn phát triển toàn diện và tổng thể nhất thiết phải
sản sinh ra và xác định cơ cấu tiếp theo. Nói cách khác, giữa các cơ cấu trong
cấu trúc độc tài, tồn tại một trật tự nghiêm ngặt: mọi cơ cấu đều có vị trí và
giá trị xác định đến mức không thể thay đổi mà không gây nên sự phá vỡ tổng thể
của toàn hệ thống. Sở dĩ chúng ta miêu tả cấu trúc độc tài bắt đầu bằng cơ cấu
một đảng trị và đặt nó lên vị trí thứ nhất trong quá trình nghiên cứu là vì bản
thân việc xây dựng nhà nước phát xít ở Ðức, Ytalia và Tây Ban Nha đều khởi đầu
bằng việc thiết lập cơ cấu này. Trong ba nhà nước phát xít điển hình thì Ðức là
kiểu mẫu hoàn thiện hơn cả; mọi dấu hiệu của nó được thể hiện rõ ràng và rạch
ròi nhất. Mặc dù Ytalia đầu tiên đi theo con đường phát xít, nhưng nó không thể
là hình ảnh hoàn thiện nhất của nhà nước độc tài. Thực tế này cũng là một trong
nhiều trường hợp trong lịch sử, khi phong trào xuất hiện lần đầu tiên chưa hẳn
đã hoàn hảo nhất. Nhà nước phát xít không thể được thiết lập nếu không có cơ cấu
một đảng quyền, không hủy diệt các đảng phái khác. Ðây là hòn đá tảng, là nền
móng để xây dựng nhà nước phát xít; và để ổn định bền vững, đòi hỏi phải có sự
sát nhập giữa nhà nước và đảng phát xít. Hình thức sát nhập và thống nhất này
phụ thuộc vào những điều kiện chính trị, tập tục dân tộc cụ thể của từng nước,
nhưng nhất định phải được tiến hành nhằm củng cố sự thống trị ổn định cho đảng
phát xít. Vì nếu không như thế, cơ cấu một đảng quyền có thể bị phá vỡ. Sau khi
cơ cấu một đảng quyền được thiết lập, sự thống nhất triệt để giữa đảng và nhà
nước phát xít là điều cần thiết tuyệt đối. Và để có thể tồn tại bền vững và lâu
dài, sự thống nhất này cần phải mang giá trị vật chất. Các đảng viên phát xít
chỉ cảm thấy nhu cầu thống nhất này cần thiết, nếu họ nhìn thấy trong đó những
quyền lợi vật chất và ưu ái cá nhân. Như vậy nguyên tắc thứ hai này (sự thống
nhất giữa đảng và nhà nước phát xít) không chỉ xuất phát từ nguyên tắc đầu
tiên, mà còn là sự củng cố và tiếp diễn của nó. Cơ cấu một đảng quyền chỉ được
xây dựng hoàn hảo nếu sau khi hủy diệt các đảng phái khác, đảng phát xít điều
khiển nhà nước và đồng nhất bản thân mình với nhà nước về mọi mặt: tài chính,
chính trị, cán bộ; khi mà "đảng trở thành nhà nước". Tiếp theo khi cơ
cấu một đảng quyền và sự thống nhất giữa đảng và nhà nước phát xít được thiết lập,
quá trình này vẫn chưa thể kết thúc. Còn xã hội công chúng, với quyền tự trị đối
với đảng và nhà nước phát xít, luôn luôn có thể là nguồn gốc cho mọi bất ngờ
chính trị . Trong xã hội có thể sinh ra những tư tưởng trái ngược, lòng căm thù
chế độ, v.v... mà trong những hoàn cảnh đặc biệt có thể làm cho nó tan rã, còn
trong điều kiện bình thường, ít nhất cũng khiến nền móng của chế độ lung lay. Từ
đây dẫn đến bước tiếp theo của quá trình xây dựng nhà nước độc tài: đặt xã hội
công dân dưới sự kiểm soát của nhà nước và đảng phát xít để khống chế mọi biểu
hiện và phong trào chống đối. Khi bước thứ ba này kết thúc, nhà nước phát xít
ít nhiều đã trở thành hệ thống hoàn chỉnh, những lực lượng bên ngoài đe dọa sự ổn
định của nó không còn nữa, nếu không phải vĩnh viễn thì chí ít cũng trong một
thời gian dài. Sau khi thiết lập ba cơ cấu trên, nhà nước phát xít về cơ bản đã
được xây dựng. Các cơ cấu này mở đường cho hai cơ cấu tiếp theo phát triển: tư
duy uy tín và trại tập trung cải huấn. Hai cơ cấu sau cùng này tu bổ nội tạng
cho chế độ và làm cho nó trở nên hoàn thiện. Dù vậy các cơ cấu này cũng có đặc
tính cần thiết và nếu thiếu chúng, hệ thống chính trị hoàn toàn không thể hoạt
động. Chúng có giá trị và vị trí xác định trong hệ thống chính trị, liên quan
khăng khít với nhau và không thể tách rời. Thí dụ, đồng hóa xã hội không thể
triệt để và hiệu quả, nếu không thâu tóm mọi suy nghĩ, tư tưởng và toàn bộ lĩnh
vực tinh thần. Tất cả cần phải phục tùng cách tư duy uy tín, bởi vì chỉ có thể
đồng hóa một khi đã đồng nhất về hình dạng. Ðến lượt mình, đồng hóa xã hội, sự
phục tùng của xã hội đối với nhà nước, phải sinh ra các trại tập trung cải huấn.
Cần phải cách ly những người không muốn phục tùng sự kiềm soát của đảng phát
xít và hệ tư tưởng của nó, để họ không thể "làm hại" xã hội bằng những
tư tưởng nguy hiểm. Trại tập trung cải huấn là công cụ lý tưởng của nhà nước
phát xít, để giải quyết những mâu thuẫn đối kháng giai cấp bằng cách hủy hại thể
chất các đối thủ chính trị. Từ những phân tích trên đây có thể rút ra kết luận
rằng, giữa các cơ cấu trong cấu trúc của nhà nước phát xít tồn tại một mối liên
quan mang tính quy luật, khăng khít và cần thiết, và nếu mối liên quan này bị
phá vỡ sẽ dẫn đến sự thay đổi tổng thể không tránh khỏi của toàn hệ thống.Ðương
nhiên trong giai đoạn đầu khi thiết lập chính quyền, bọn phát xít vẫn chưa biết
về sơ đồ lý thuyết quá trình xây dựng nhà nước đặc thù của mình. Ngược lại, thường
thường các Thủ lĩnh phát xít có những ý đồ chính trị xa rời hoặc thậm chí đi
ngược lại sơ đồ này, nhưng tính logic khách quan của quá trình đã điều chỉnh và
khiến họ đã đi theo phương án tối ưu. Sau khi thiết lập một cơ cấu đảng quyền,
theo bản năng họ tiến đến khống chế toàn bộ nhà nước và tiếp theo kiểm soát tổng
thể toàn xã hội. Thí dụ lúc đầu Muxolini dự định xây dựng "chế độ phát
xít" với cơ cấu không đảng phái vì nếu không: sẽ phải hủy diệt tất cả các
đảng phái chính trị khác. Nhưng sau đó cho thấy để có thể thiết lập sự thống trị
toàn diện của đảng phát xít, cần thiết phải hủy diệt mọi đảng phái khác. Và như
vậy, cơ cấu một đảng quyền của chế độ phát xít được thiết lập, lúc đầu chỉ là
công cụ để đạt được mục đích, sau đó trở thành mục đích.Trong những năm đầu
tiên, Muxolini cũng đã định điều hành nhà nước với chính phủ không đảng phái
(liên minh các Bộ Trưởng không đại diện cho các đảng phái của mình), nhưng sau
năm 1924, ông ta phải từ bỏ ảo tưởng này và thiết lập chính phủ phát xít thuần
chủng. Bọn quốc xã, đi theo con đường này 9 năm sau đó, đã không phải trả giá
cho những ảo tưởng tương tự. Ở đây, bằng con đường ngắn nhất, cơ cấu một đảng
quyền được thiết lập và được củng cố bằng sắc luật thống nhất giữa đảng và nhà
nước phát xít. Ở Ytalia, chế độ độc tài được xây dựng trong gần bốn năm, còn ở
Ðức việc này diễn ra vẻn vẹn không đầy mộtnăm, không kết thúc năm 1933, Ðức đã có
một nhà nước độc tài hoàn chỉnh. Tất nhiên, Hitler cũng bắt buộc phải sửa đổi một
vài chi tiết mâu thuẫn với sơ đồ lý thuyết nói trên. Nhưng ngay cả ở chi tiết
này, ông ta cũng buộc phải sửa sai, điều này càng cho chúng ta thấy mối liên
quan khắng khít giữa các cơ cấu của cấu trúc độ tài. Thời gian đầu, Hitler đã đồng
ý với tòa thánh Vatican, cho phép nhà thờ giáo dục một bộ phận thế hệ trẻ trong
các trường dòng. Sau đó ông cảm thấy, những trường này mang đến một thứ tư tưởng
khác xa tư tưởng quốc xã, từ đó dẫn tới việc giải tán các trường này. Một khi
đã được thiết lập, chế độ độc tài không thể chấp nhận những vật lạ trong cơ thể
mình. Vì mối ràng buộc khắng khít giữa các cơ cấu, bất kỳ một vật lạ nào cũng
làm cho hệ thống bị hư hỏng hoặc tan rã. Về mặt cấu trúc, nhà nước phát xít là
một hệ thống biệt lập, trong đó mọi chi tiết riêng lẻ ràng buộc chặt chẽ với những
chi tiết còn lại, và sự biến dạng của một chi tiết nào đó sẽ dẫn đến đổ vỡ
không tránh khỏi của cả hệ thống. Tính chất đặc biệt này là đặc trưng cho nhà
nước độc tài, và vì vậy, nó có vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm hiểu bản
chất nhà nước này. Trong vấn đề này nền dân chủ tư sản tỏ ra bền vững hơn nhiều.
Sự thay đổi cơ cấu thành phần tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nó,
nhưng không gây nên sự đổ vỡ tổng thể của toàn hệ thống. Ðể có thể phân biệt rõ
hơn sự khác nhau giữa nhà nước độc tài và nền dân chủ tư sản, ta hãy liên hệ
chúng với bộ máy cơ học và một cơ thể sống. Ở đây, nhà nước độc tài có thể ví
như một cỗ máy cơ học kiểu mẫu, hoạt động hết sức đồng bộ, khi mọi chi tiết của
nó đều làm việc chính xác, không sai sót. Nhưng nếu một chi tiết nào đó tách rời
khỏi cơ cấu, nó sẽ đe dọa phá vỡ toàn hệ thống.Trong điểm này nền dân chủ tư sản
gần giống một cơ thể sống hơn là bộ máy cơ học. Sự hư hỏng trong một chi tiết
nào đó không thể phá vỡ toàn bộ hệ thống. Nhờ tính bền vững cao trong mối quan
hệ giữa tổng thể với các bộ phận và giữa những bộ phận với nhau, hệ thống này
điều hòa những sai sót trong các chi tiết như một cơ thể sống tự thích nghi với
những biến đổi trong các tế bào riêng biệt. Vì lý do này, nền dân chủ tự do
trong khuôn khổ nhất định có thể tự điều chỉnh mà không dẫn đến hủy diệt, trong
khi nhà nước độc tài phát xít chỉ có một cách thay đổi duy nhất: sự tan rã hoặc
phá vỡ tổng thể. Vì những mâu thuẫn nội tạng khổng lồ và sự ràng buộc nghiêm ngặt
giữa các bộ phận, một hư hỏng nhỏ trong chi tiết nào đó, có thể đe dọa phá vỡ
toàn hệ thống độc tài. Và nếu không kịp thời sửa chữa sai sót này, thì sau đó
khó lòng chống lại được sự đổ vỡ dây chuyền. Ðây là lý do giải thích tại sao
nhà nước độc tài sử dụng những biện pháp hết sức tàn nhẫn, cương quyết và độc
ác để đàn áp cả những biểu hiện chống đối không đáng kể . 2/ Cấu trúc và chức
năng: Với sự phân tích này, chúng ta đã tiến gần đến mối quan hệ giữa cấu trúc
chính trị được thiết lập và phương thức hoạt động mang tính quy luật, xuất phát
từ cấu trúc đó. Ở đây, muốn nói đến khía cạnh nguyên tắc giúp chúng ta hiểu kỹ
hơn, đầy đủ hơn về bản chất của chế độ phát xít cùng những cơ cấu cơ học và đòn
bẩy tương hỗ của nó.Cấu trúc xác định phương thức hoạt động. Một khi được thiết
lập, cấu trúc hoạt động tương ứng với sự ràng buộc nội tạng của các cơ cấu
thành phần. Quy luật tổng quát của các cấu trúc xã hội là xu hướng tự bảo tồn.
Dưới tác động của ngoại cảnh, một cấu trúc nào đó, thay đổi phương thức hoạt động
hoặc không thể tự thích nghi sẽ bị biến dạng hoặc bị hủy diệt. Trong cả hai trường
hợp, nó đều không còn là cấu trúc ban đầu nữa, mà là chuyển sang một dạng khác.
Nhưng một khi đã được thiết lập, cấu trúc không thể hoạt động theo phương thức
nào khác ngoài phương thức xuất phát từ bản chất của nó. Trong trường hợp của
chúng ta, những phân tích tổng quát trên đây có ý nghĩa như sau: một nhà nước
phát xít không thể hoạt động theo phương thức dân chủ, giống như một chế độ dân
chủ không thể điều hành theo phương thức độc tài. Hitler chắc chắn sẽ không
sáng lập nhà nước quốc xã nếu như nền Cộng Hòa Vaimar có thể thực hiện được vai
trò mà ông ta cho là cần thiết. Những nhiệm vụ mới đòi hỏi cấu trúc mới, dạng
nhà nước mới, dựa hoàn toàn trên bạo lực. Từ đây suy ra rằng, hy vọng nhà nước
phát xít dân chủ hóa chỉ là ảo tưởng. Việc nhà nước phát xít tự dân chủ hóa hay
tự do hóa là hoàn toàn không bao giờ có, cũng như bắt một động vật ăn thịt phải
ăn cỏ vậy. Ðộng vật này sẽ chết vì cấu trúc sinh học của nó là động vật ăn thịt.
Trong thời gian này, phần lớn giới trí thức Ðức có suy nghĩ, sau khi củng cố chắn
chắn, chế độ quốc xã nhất định phải quay trở về phương thức điều hành theo hiến
pháp và sẽ phục hồi nền dân chủ tư sản truyền thống. Ảo tưởng này xuất phát từ
giới trí thức tự do, trong đó có cả những bộ óc vĩ đại như Marc Planc. Người ta
hy vọng rằng, chế độ quốc xã chỉ sử dụng những biện pháp tàn nhẫn và phi pháp
cho đến khi khống chế được toàn bộ bộ máy nhà nước; sau đó bắt buộc phải từ bỏ
bạo lực, thậm chí phải chấp nhận cả những xu thế đối lập và có thể công khai
phê phán chế độ . Không còn khả năng nào khác, vì sau khi đã điều hành toàn bộ
bộ máy nhà nước, sẽ không còn ai để chế độ dàn áp và theo dõi! Ảo tưởng này là
kết quả của nhận thức sai lầm về cấu trúc nhà nước mới mà chủ nghĩa phát xít
xây dựng. Chế độ phát xít không đơn giản là chế độ cảnh sát, mà là dạng nhà nước
mới - nhà nước độc tài. Về nguyên tắc, nhà nước này loại bỏ mọi tư tưởng tự do
thậm chí kể cả những tư tưởng có lợi cho nó. Ðôi khi người ta thử đồng nhất bản
chất nhà nước phát xít với tính chất giai cấp của nó rằng, nhà nước phát xít là
công cụ của bộ phận tư bản đế quốc phản động nhất, nên dân chủ với giai cấp này
và chỉ chuyên chính với các tầng lớp lao động. Trong ý nghĩa tổng quát, điều
này đúng: tư bản tài chính là tầng lớp có nhiều ưu việt về kinh tế nhất trong
nhà nước phát xít. Nhà nước phát xít đảm bảo cho giai cấp này sức lao động rẽ mạt,
không biết bãi công, không muống tăng lương và thay đổi điều kiện lao động, và
đồng thời là lực lượng dự bị hùng hậu cho quân đội. Nhà nước phát xít là thiên
đường cho giới tư bản tài chính trong ý nghĩa này. Nhưng mặc dù vậy vẫn không
thể ngây thơ với ý nghĩ rằng, nhà nước độc tài là dân chủ cho giới tư bản phát
xít, còn chuyên chính với các tầng lớp lao động. Ngoài lãnh tụ tối cao, không
ai có quyền được phê phán nhà nước và chế độ chính trị. Và thậm chí cả lãnh tụ
tối cao cũng không thể phủ nhận toàn bộ hệ thống chính trị, vì dù có sự tôn thờ,
ông ta vẫn sẽ bị giới cầm quyền chóp bu - những kẻ ràng buộc khăng khít với cấu
trúc nhà nước này - gạt bỏ . Thậm chí, cấu trúc chính trị này gạt bỏ cả những
tư tưởng dân chủ trong giới cần quyền chóp bu. Trường hợp xảy ra với Greger Straxer
và Ialmar Saht có thể minh họa cho điều này. Vì những biểu hiện không tán thành
với chính sách chính trị của chế độ, người đầu tiên bị giết ngày 30-6-1934, còn
người thứ hai sống sót một cách khó tin sau một năm bị giam trong trại tập
trung cải huấn. Mặc dù Saht là một trong những người đóng góp nhiều nhất và xứng
đáng nhất cho việc xây dựng Ðệ Tam Ðế Chế; đã từng là "nhà độc tài tài
chính" nhiều năm liên tục của nước Ðức Hitler. Bí Thư Khu ủy Herman
Rausning đã phải bỏ chạy sang tận bên kia đại dương để viết sách phê phán chế độ
quốc xã và Hitler. Nhưng vấn đề không phải bản thân các thí dụ này, mà là tính
logic của chúng: nhà nước độc tài không cho phép cả giới cầm quyền chóp bu có
quyền tự do (tự do ngôn luận, in ấn, kết hội, tị nạn ...), bởi vì điều đó có thể
làm tan rã nhà nước. Hơn thế nữa, đối với dạng nhà nước này, trao quyền tự do
cho giới lãnh đạo chóp bu đặc biệt nguy hiểm, vì họ là hạt nhân của chính quyền
và có thể làm cho nó tan rã từ bên trong. Vì vậy cả ba nhà nước phát xít - Ðức,
Ytalia và Tây Ban Nha - đều triệt để chống "chủ nghĩa tự do" và
"sự sa ngã". Tại đây, nguyên lý "cả những kẻ áp bức cũng không
có quyền tự do" được thể hiện một cách đầy đủ nhất. Bởi vì để có một hệ thống
có thể đàn áp, trước hết nó cần phải được tổ chức như một hệ thống đàn áp, nếu
không nó sẽ không thực hiện được chức năng đó. Mặt khác hệ thống này trao quyền
tự do cho những đại diện của mình được đàn áp, khủng bố theo luật lệ của cấu
trúc được xây dựng, nhưng không có quyền phê phán hay chống lại các luật lệ đó.
Trong trường hợp ngược lại, họ không tránh khỏi trở thành nạn nhân của hệ thống
này. (Hết Phần I) Phần II: NHỮNG CHỨC NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỘC TÀI PHÁT
XÍT 1/ Do thám tổng thể: Ðể có thể hiểu được do đâu dẫn đến "do thám tổng
thể" trong những điều kiện của nhà nước phát xít, chúng ta cần xem xét lại
cấu trúc độc tài của nó. Như một xã hội "được tổ chức", nhà nước độc
tài thâu tóm tất cả mọi thành viên của mình theo nghề nghiệp, giới tính hay tuổi
tác vào những tổ chức quần chúng. Hệ thống tổ chức quần chúng khổng lồ này đồng
thời vừa là công cụ để kiểm soát xã hội, vừa để nhồi nhét tư tưởng phát xít cho
xã hội. Nhưng ở đây ẩn giấu một mặt trái của vấn đề: Trong những điều kiện nhất
định, hệ thống tổ chức quần chúng này có khả năng quay lại chống nhà nước. Ðiều
này đúng cho mọi tổ chức. Bởi vì một khi đã được xây dựng, tổ chức là hình thức
có thể thực hiện những ý đồ chống nhà nước với sức mạnh được tổ chức sẵn, nếu vị
trí lãnh đạo của nó rơi vào tay những người mang trong mình tư tưởng đối lập.
Lãnh đạo một tổ chức quốc gia và chờ thời cơ, để dùng nó chống lại chế độ sẽ hiệu
quả hơn nhiều, so với việc xây dựng một tổ chức chống đối công khai. Bởi vì tổ
chức chống đối công khai ít có khả năng thành công hơn do sự khủng bố gắt gao của
lực lượng cảnh sát. Vì lý do này, những người hoạt động bí mật có kinh nghiệm,
làm việc trong những điều kiện của nền chuyên chính phát xít, không chống lại
nhà nước một cách công khai, mà ẩn giấu trong một tổ chức nào đó. Ở đó những
người này tiếp xúc với quần chúng, chiếm được lòng tin của họ và trở thành lãnh
đạo của tổ chức này. Ðạt được điều đó, tổ chức quốc gia không chỉ che chở cho
những người như thế, mà còn trở thành công cụ cho công tác bí mật của họ. Nói
cách khác, tổ chức quần chúng lúc này đã thay đổi ý đồ chính trị . Sự thay đổi
đó càng nguy hiểm hơn cho nhà nước, nếu đây là tổ chức được vũ trang đầy đủ như
quân đội hay những bộ phận của quân đội. Ðể chống lại những hành động chống đối
nhà nước công khai như bãi công, biểu tình... chính quyền phát xít có những công
cụ hữu hiệu: khủng bố cảnh sát và trại tập trung cải huấn. Nhưng để chống lại
những ý đồ bí mật, cảnh sát không còn giữ được vai trò hiệu quả như thế nữa. Rõ
ràng cảnh sát khó có thể phân biệt được ai bí mật chống lại nhà nước và ai
trung thành với nhà nước. Từ đây dẫn đến sự cần thiết phải có thứ vũ khí mới để
bảo vệ chế độ chính trị, và cụ thể đó là do thám. Nhưng đây không phải kiểu do
thám truyền thống mà cảnh sát vẫn sử dụng thông qua bọn mật vụ, mà là do thám
quần chúng, do thám tổng thể. Chỉ nhờ kiểu do thám này, nhà nước mới biết được
tất cả những sự kiện xảy ra ở mọi nơi, mọi thời điểm, phát hiện nhanh chóngvà hủy
diệt kịp thời những mưu đồ chống đối. Rudolf Hex đã xây dựng thành những nguyên
tắc cơ bản của do thám tổng thể như sau: "Ai cũng có thể trở thành do
thám. Ai cũng phải trở thành do thám. Không có bí mật nào, mà không thể thăm
dò." Trên thực tế, do thám tổng thể có nghĩa là: con cái do thám bố mẹ,
sau đó báo với cảnh sát, học sinh theo dõi thầy giáo, binh lính - các cấp chỉ
huy, thành viên những tổ chức quần chúng - cán bộ lãnh đạọ ... Và ngược lại,
gia đình, trường học, cơ sở nghiên cứu khoa học, công sở, quân đội, tổ chức quần
chúng, câu lạc bộ thể thao, trong đảng và thậm chí cả cảnh sát, đều là những hiện
trường do thám quan trọng. Nhà nước cần phải biết nguyện vọng và ý định của tất
cả mọi người. Không có bí mật nào mà nhà nước không quan tâm. Trong bối cảnh
đó, không còn ranh giới giữa kẻ do thám và người bị do thám. Tất cả đều đồng thời
là do thám và bị do thám. Do thám tổng thể trở thành do thám lẫn nhau. Nhà nước
phát xít khuyến khích kiểu do thám này, xem đó như dấu hiệu cơ bản cho sự tin
tưởng chính trị . Kẻ nào tố cáo được nhiều với cảnh sát sẽ được tin tưởng và có
ưu thế hơn để thăng cấp trong bộ máy đảng và nhà nước. Một ưu điểm khác của do
thám tổng thể là mặc dù mức độ rất rộng lớn, kiểu do thám này kinh tế hơn rất
nhiều cách do thám cảnh sát thuần túy. Nhà nước không cần thành lập những tổ chức
do thám đặc biệt, mà sử dụng ngay các tổ chức quần chúng sẵn có, các công sở
... cho mục đích này. Những người làm việc trong mọi tổ chức đều đồng thời là
do thám, nhà nước không cần trả thêm lương. Bản chất đặc biệt của nhà nước phát
xít, với việc không tồn tại của các xu hướng chính trị đối lập, diễn đàn tự
do... cho phép nó có thể làm được điều đó. 2/ Tuyên truyền trắng trợn: Trong
nhà nước độc tài, diễn đàn, đài phát thanh, phim ảnh, nhà hát, văn học, các tổ
chức quần chúng... đều bị đặt dưới sự thống trị toàn diện của nhà nước; mặt
khác do không tồn tại xu hướng chính trị đối lập, cho phép nhà nước này thực hiện
một kiểu tuyên truyền độc đoán. Tuyên truyền không tránh khỏi trở thành chủ
soái tuyệt đối của nhà nước, đưa tin tức và phân tích các sự kiện theo một chiều
duy nhất. Thông qua cưỡng ép một cách hệ thống, tuyên truyền mê hoặc quần chúng
và kết hợp với sự khủng bố, làm nên những điều kỳ dị . Tuyên truyền có thể tạo
nên một "sự thật thứ hai", và mặc dù đó chỉ là ảo tưởng và nằm trong
khuôn khổ những lời hứa hão. "Sự thật" này được quần chúng công nhận
là thực sự, còn sự thật thực sự thì bị xem như không thực và vô nghĩa. Bằng
cách nhồi nhét kiên trì, liên tục và duy nhất một thứ tư tưởng, tuyêntruyền biến
tư tưởng này thành huyền thoại trước mắt nhân dân, dù không có cơ sở. Không phải
ngẫu nhiên mà tại Ðại Hội Ðảng ở Niurnberg năm 1936, Gobelx đã nêu khẩu hiệu:
"Tuyên truyền đã giúp chúng ta giành được chính quyền. Tuyên truyền sẽ
giúp chúng ta giữ vững chính quyền. Tuyên truyền sẽ giúp chúng ta chiến thắng
toàn thế giới." Trước đó 10 năm, trong tác phẩm Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi, Hitler
đã giành vị trí đặc biệt cho công tác tuyên truyền: "Bằng cách tuyên truyền
kiên trì và liên tục, ta có thể khiến một dân tộc xem thiên đường là địa ngục
và ngược lại, một cuộc sống cơ cực nhất thành thiên đường". Nhưng điều đó
chỉ có thể thực hiện được trong nhà nước độc tài, nơi mà phản tuyên truyền và
thông tin khách quan hoàn toàn không thể có. Trong nền dân chủ tự do truyền thống,
tuyên truyền của nhà nước (và không phải là duy nhất) không thể có được sức mạnh
ghê gớm như vậy, vì nếu nó có ý định "khiến một dân tộc xem thiên đường là
địa ngục và một cuộc sống cơ cực nhất thành thiên đường", thì ngay lập tức
sẽ bị diễn đàn đối lập vạch mặt. Tại đây, diễn đàn đối lập đứng ra đại diện và
bảo vệ quyền lợi cho xã hội một cách khách quan, đại diện cho nguyện vọng xã hội,
và trong nền dân chủ tư sản, những nguyện vọng này thường không trùng hợp với
nguyện vọng của nhà nước. Trong chế độ độc tài phát xít, điều này hoàn toàn
không thể xảy ra ở đây, nhà nước cũng đồng thời là đại diện cho nhân dân, xã hội,
quê hương, dân tộc, tiến bộ, công bằng ... không có sự khác nhau giữa nguyện vọng
của nhà nước và xã hội, vì không tồn tại nguyện vọng xã hội công khai. Do có
quyền thống trị, nguyện vọng nhà nước trở thành nguyện vọng xã hội, còn nguyện
vọng thực sự của xã hội thì không được phép thể hiện công khai, mà chỉ lan truyền
kín đáo, thông qua những câu chuyện tiếu lâm chính trị, những lời đồn đại ...
Chúng ta có thể lấy những trích dẫn minh họa cho kết luận trên trong hồ sơ của
tòa án Niurnberg: "Do kiểm soát chặt chẽ diễn đàn, đài phát thanh ... từ
năm 1933, nhân dân Ðức đã bị ảnh hưởng nặng nề của tuyên truyền quốc xã; và
không chỉ công kích thù địch, mà bất kỳ công kích nào cũng đều bị cấm đoán. Quyền
tự chủ và tư duy tự do hoàn toàn không thể có," và, "Chính phủ quốc
xã có ý định thống nhất nhân dân theo đường lối chính trị của mình bằng cách sử
dụng tuyên truyền cưỡng ép. Ở Ðức có hàng loạt phóng viên được tuyển chọn với
nhiệm vụ kiểm soát và gây ảnh hưởng đối với diễn đàn, đài phát thanh, phim ảnh,
nhà xuất bản... mọi thú vui, nghệ thuật và văn hóa. Tất cả những phóng viên này
phục tùng Bộ Tuyên Truyền Và Giáo Dục Nhân Dân, đứng đầu là Golbelx; kết hợp với
tổ chức tương ứng trong Ðảng Công Nhân Quốc Xã và Ban Văn Hóa Quốc Gia, chịu
trách nhiệm sự kiểm soát này... Rozenberg, với danh nghĩa đại diện cho đảng quốc
xã, giữ vai trò lãnh đạo công tác tuyên truyền học thuyết quốc xã, còn Fritre
cùng Gobelx thực hiện nhiệm vụ tương tự dưới danh nghĩa các tổ chức nhà nước".
Ở đây cần nhấn mạnh một tình tiết, mà mới thoạt nhìn có vẻ như không mấy quan
trọng là: Ủy Ban Văn Hóa Tối Cao bao gồm bảy ban, thâu tóm toàn bộ cuộc sống
tinh thần xã hội - phim ảnh, nhà hát, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhạc thơ,
khoa học ... đều nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tuyên Truyền. Tất nhiên
điều đó chưa thể nêu bật được bức tranh toàn cảnh của tuyên truyền tổng thể.
Tính chất tổng thể của tuyên truyền được thể hiện rõ ràng hơn trong bộ máy về
công tác này, rằng mọi tổ chức và công sở đều bắt buộc phải tham gia tuyên truyền.
Ngoài các cơ quan tuyên truyền đặc biệt - Bộ Tuyên Truyền, các cơ sở ấn loát,
diễn đàn, đài phát thanh - tuyên truyền còn được tiến hành bởi bộ máy đảng và
nhà nước, các tổ chức quần chúng, các hiệp hội phụ nữ, trí thức... Tuyên truyền
độc đoán được thực hiện thông qua mọi tổ chức, công sở và trở thành tuyên truyền
tổng thể, còn các tổ chức quần chúng và công sở bị biến thành công cụ của nó.
Tương tự như "do thám tổng thể", nhà nước không cần thành lập bộ máy
tuyên truyền đặc biệt, mà sử dụng ngay những tổ chức và công sở quốc gia vào mục
đích này. Mọi tổ chức, hiệp hội, cơ sở nghiên cứu... ngoài công việc chính đều
phải tham gia công tác tuyên truyền và "do thám tổng thể". Những
nguyên tắc cơ bản đặc biệt của tuyên truyền trong những điều kiện của nhà nước
phát xít là: 1. Chỉ thông báo những tin tức có lợi cho chế độ, giúp chế độ chiếm
được lòng tin của xã hội. 2. Những tin tức không có lợi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến
chế độ . Thí dụ, diễn đàn thế giới trong nhiều năm đã viết về các trại tập
trung ở Ðức và những tội ác của bọn SS và Zetapo. Chỉ riêng báo chí và đài phát
thanh Ðức là không nói gì đến chuyện này. Trong nhật ký của mình, Gobelx viết:
"Tin tức chính trị là vũ khí quân sự . Ý nghĩa của chúng để thúc đẩy chiến
tranh, chứ phải đưa thông tin". 3. Nếu cần đưa những tin tức không có lợi
trong trường hợp không thể im lặng, thì những tin tức này đã bị bóp méo, đến mức
khó nhận ra sự thật. 4. Thổi phồng các sự kiện không có lợi cho dối phương. 5.
Tuyên truyền được đặt trước thông tin, nghĩa là thông báo sự kiện nào đó xuất
phát từ ý nghĩa chính trị của nó. 6. Khi bắt buộc phải tỏ ra khách quan, phải
đưa nhiều thông tin cụ thể hơn, thì tính "khách quan" này bị biến
thành nguyên nhân phụ, để tự phân tích tuyên truyền, như công cụ tìm hiểu
"sự thật" cho quần chúng. Fritre, người xếp thứ hai sau Gobelx trong
hệ thống tuyên truyền quốc xã từng nói: "Con người có thể tuyên truyền bằng
mọi phương tiện; có thể nói dối trước sự thật hiển nhiên, đơn giản là đặt những
thực tế ra ngoài bối cảnh tổng quát của chúng và tách đối tượng ra khỏi nhận thức
của họ về toàn bộ sự thật". Tuy nhiên còn tồn tại một lĩnh vực mà tuyên
truyền độc đoán của nhà nước phát xít không còn giữ được sức mạnh vốn có, đó là
công tác tuyên truyền ở nước ngoài. Tại đây, tuyên truyền của nhà nước độc tài
không còn có thể độc đoán, mà phải cạnh tranh trong cùng những điều kiện với
các đối thủ của mình. Lúc này, tuyên truyền độc tài đứng trước những khán giả
biết suy nghĩ và công kích. Do đó nó phải thay đổi công thức, phải từ bỏ kiểu
cách cảnh sát, đe dọa, từ chối sự giả mạo là không thể sai lầm. Cùng với những ấn
phẩm trong nước, nhiều tờ báo và tạp chí bằng tiếng nước ngoài được xuất bản.
Nhưng cuối cùng thì trò lừa bịp này cũng phải bị đổ vỡ, vì nó dựa trên sự lừa dối
trắng trợn. Và dầu sao, thế giới cũng có những nguồn thông tin riêng của mình -
đó là các nhà báo và những phóng viên điện tín, những người không dễ gì có thể
bị gạt. 3/ Cần thiết phải cách ly đất nước: Tuyên truyền độc tài trong nước trở
nên bất lực khi phải cạnh tranh với tuyên truyền nước ngoài. Việc phát minh ra
đài phát thanh trong thế kỷ XX đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực
tuyên truyền: thông tin ngay lập tức được truyền đến với hàng triệu người,
không phụ thuộc vào biên giới và khoảng cách. Nhưng điều này đe dọa quyền độc
đoán của tuyên truyền độc tài và gây khó khăn cho nó trong việc cạnh tranh với
tuyên truyền bằng đài phát thanh của các nước khác. Trong cùng một điều kiện,
tuyên truyền này có thể thắng tuyên truyền khác chỉ bởi chất lượng, tính chính
xác và khách quan của thông tin được đưa ra. Nhưng về những điểm này, thì tuyên
truyền phát xít rõ ràng là kém cỏi nhất. Vì tuyên truyền phát xít trở nên bất lực
trước ảnh hưởng của tuyên truyền nước ngoài, do đó nó phải nhờ đến sự can thiệp
của cảnh sát. Ðể giúp tuyên truyền độc tài, cảnh sát dùng những biện pháp cách
ly như sau: 1. Cố định các máy radio để không còn bắt được các đài khác ngoài
đài phát thanh trong nước, đồng thời trừng phạt tàn nhẫn những người vi phạm.
2. Thiết lập các hệ thống gây nhiễu sóng của những đài nước ngoài phát thanh vằng
tiếng của nhà nước phát xít. 3. Kiểm soát nghiêm ngặt những tác phẩm văn học và
báo chí nhập từ nước ngoài vào. 4. Thiêu hủy những tác phẩm văn học mang tư tưởng
tự do dân chủ . 5. Hạn chế đến mức tối thiểu việc du ngoại của các công dân. Việc
đi nước ngoài chỉ giành cho những người tin cẩn hoặc những người thừa hành công
vụ và đều phải thông qua sự kiểm tra của cảnh sát. Curt Rix đã viết về vấn đề
này ở Ðức như sau: "Ðể được cảnh sát đồng ý cho đi nước ngoài, cần phải
nêu rõ: đi đâu, và vì lý do gì; đi đến với ai; có bà con họ hàng gì ở nước
ngoài không; quan điểm chính trị của họ thế nào? Sau khi đến vị trí đã định,
ngay lập tức phải báo với đãi diện sứ quán Ðức gần nhất". Những biện phát
trên chứng tỏ, bản thân tuyên truyền độc tài dựa trên bộ máy đàn áp và khủng bố
cảnh sát. Sự thống trị tuyên truyền trong nước được bộ máy đàn áp đảm bảo; nó hủy
diệt tất cả những ai có ý định đưa thông tin, tuyên truyền. Sự cộng tác chặt chẽ
giữa tuyên truyền và bộ máy đàn áp trong cuộc đấu tranh chống tuyên truyền nước
ngoài, càng làm rõ thêm mối quan hệ giữa chúng. Tuyên truyền độc đoán không
tránh khỏi chuyển thành cưỡng ép và do thám, đến mức khó mà phân biệt được ranh
giới giữa chúng. "Ngoài khủng bố thể chất, bọn Hitler còn sử dụng cả khủng
bố tư tưởng đối với nhân dân Ðức. Bọn phát xít hủy diệt mọi quyền dân chủ của
người Ðức. Toàn bộ tuyên truyền, văn học, nghệ thuật đều bị đồng hóa. Trong nhiều
năm, hàng triệu người Ðức bị ảnh hưởng nặng nề của tuyên truyền Hitler, bị bưng
bít mọi nguồn thông tin về sự thật và tội ác của chế độ". Với bản chất phản
động và vô nhân đạo, nhà nước phát xít tự xem mình là trên hết, hủy diệt toàn bộ
quyền tự chủ của mọi cá nhân, cướp đi của họ quyền suy nghĩ và hành động độc lập.
Cá nhân trở thành công cụ của nhà nước. Trong hoàn cảnh đó, đương nhiên các
công dân mong muốn một nền tự do dân chủ hơn là chuyên chính độc tài. Bởi thế,
hệ tư tưởng độc tài rất lo sợ khi phải tiếp xúc và cạnh tranh tự do với tư tưởng
tư sản dân chủ . Hệ tư tưởng độc tài tất yếu sẽ bị tan rã, vì không chịu được
áp lực của hệ tư tưởng tư sản dân chủ, và do đó phải dùng những biện pháp cách
ly thông qua sự giúp đỡ của bộ máy cảnh sát. Phát xít Ðức, cũng như phát xít
Italia, quảng cáo hệ tư tưởng của mình là cách mạng, tiến bộ và nhân đạo hơn nhiều
lần hệ tư tưởng "cá nhân" và "ích kỷ" của nền dân chủ tự do
truyền thống. Thậm chí trong Học Thuyết Về Chủ Nghĩa Phát Xít, Muxolini còn nhiều
lần nhấn mạnh rằng: "Hệ tư tưởng phát xít tượng trưng cho tinh thần thế kỷ
XX, là hệ tư tưởng "tập thể", trong khi chủ nghĩa cá nhân là tư tưởng
lỗi thời của thế kỷ XIX". Thực chất, bản chất phản động của tư tưởng độc
tài nằm ngay trong nỗi lo sợ, khi phải tiếp xúc với tư tưởng tự do dân chủ; và
do đó phải cách ly quần chúng khỏi ảnh hưởng của những tư tưởng này. 4/ Thường
xuyên cần thiết mối đe dọa quân sự từ bên ngoài: Cần có cách giải thích thỏa
đáng, khi mọi quyền lợi cá nhân bị hy sinh cho nhà nước và việc đàn áp, khủng bố
thường xuyên xảy ra. Từ đó dẫn đến phải có những nguyên nhân bên ngoài không thể
bàn cãi. Thời gian đầu, nhà nước độc tài đang phải thanh toán các kẻ thù thực sự
nên chưa cần tuyên truyền những nguy hiểm tưởng tượng. Nhà nước liên tục gây
căng thẳng thêm cho sự cuồng tín trong nhận thức chính trị bằng cách lôi kéo quần
chúng chống lại một đối tượng nào đó. Ở Ðức đối tượng đầu tiên là những người Cộng
Sản, tiếp theo là những nhà dân chủ xã hội và cán bộ công đoàn, và sau cùng khi
mọi đảng phái đã bị tiêu diệt thì đến lượt người Do Thái. Bằng mọi cách, bọn quốc
xã nhồi nhét cho nhân dân Ðức rằng, những người Do Thái trong nước và trên thế
giới đang có âm mưu chống lại nhân dân Ðức. Mọi nguyên nhân tai họa của dân tộc
hay cá nhân từng công dân Ðức đều được đổ lên đầu người Do Thái. Một chiến dịch
tuyên truyền bài Do Thái toàn diện được tiến hành. Trong môi trường bị đầu độc
này, giới tiểu tư sản thí dụ như những người bán tạp phẩm, bắt đầu nhìn thấy
nguyên nhân những thất bại của mình trong việc cạnh tranh với các cửa hàng của
người Do Thái; kẻ trí thức không gặp may giải thích những thất bại của mình bằng
việc ganh đua với các đồng nghiệp Do Thái; người bác sĩ nhìn thấy số lượng con
bệnh của mình sẽ tăng lên gấp bội nếu những phòng khám tư nhân của các bác sĩ
Do Thái bị đóng cửa ... Còn gì đẹp hơn là sự cạnh tranh của những người Do Thái
sẽ bị loại bỏ trên danh nghĩa một mục đích xã hội "cao cả", giữ gìn
trong sạch dòng giống dân tộc, cứu dân tộc khỏi một kẻ thù số một! Nhưng để mối
nguy hiểm này được xem như thật, quần chúng nhân dân cần được tham gia những cuộc
đàn áp người Do Thái. Sự cuồng tín xã hội không thể căng thẳng thêm chỉ bằng
cách dùng tuyên truyền thổi phồng một mối nguy hiểm tưởng tượng. Cần thiết phải
để cho dân chúng tiếp xúc trực tiếp với mối nguy hiểm này và chuẩn bị một cuộc
phản công nghiêm túc chống lại nó. Không phải ngẫu nhiên mà bọn quốc xã kéo dài
việc giải quyết vấn đề người Do Thái trong suốt thời gian cầm quyền, mặc dù đã
có thể hủy diệt hay trục xuất toàn bộ dân Do Thái ngay từ những năm 1935-1936.
Nhà nước độc tài quốc xã luôn luôn cần có mối nguy hiểm nào đó, để lợi dụng vào
đó mà giữ tình trạng chính trị căng thẳng và liên tục đòi hỏi nhân dân phải hy
sinh. Nhà nước độc tài Tây Ban Nha cũng sử dụng nguyên tắc này. Mặc dù đã hơn
ba mươi năm trôi qua kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc và mọi cái đều đã đổi
thay, cho đến phút chót chính quyền vẫn chia dân chúng thành người thắng, kẻ
thua và thổi phồng lòng căm thù giữa họ. Sau một cuộc nội chiến tàn khốc, thông
thường một nhà nước dân chủ cần phải thi hành những biện pháp làm giảm dần các
mâu thuẫn vì hòa bình dân tộc, bởi ngọn lửa của cuộc nội chiến đe dọa hủy diệt
nhà nước này. Ðối với nhà nước độc tài thì ngược lại, linh hồn của cuộc nội chiến
cần thiết tồn tại. Vì bản thân cấu trúc nhà nước độc tài là khủng bố và không
thể tồn tại nếu không khủng bố, và để khỏi bị tan rã, nhà nước cần phải tìm đối
tượng cho sự khủng bố này (vì một bộ máy khủng bố, mà không khủng bố thì sẽ bị
tan rã). Khi nào những nguy hiểm bên trong đã bị mai một, nhà nước phát xít liền
dùng đến mối đe dọa bên ngoài. Một nước láng giềng hay một số nước nào đó, với
hệ tư tưởng khác, sẽ bị tuyên bố là mối đe dọa thực sự . Và để loại bỏ được
"mối đe dọa" này, nhà nước phát xít tăng cường vũ trang quân sự và xiết
chặt hơn nữa đời sống chính trị . Những mối đe dọa trong và ngoài thường được
xem là liên quan nhaụ Thông thường mối đe dọa bên ngoài được sử dụng như nguyên
nhân để đàn áp lực lương bên trong nào đó. Các lực lượng này bị buộc tội là bè
lũ gián điệp cho những nước mà nhà nước phát xít xem là mối đe dọa bên ngoài.
Thí dụ, nước Ðức - Hitler, trong một thời gian dài tuyên bố "chủ nghĩa
Bônsevic" là mối đe dọa bên ngoài, có nguy cơ tràn ngập Âu Châu và nuốt
tươi nước Ðức. Sau khi điều đó đã được công nhận, dễ dàng có thể tấn công những
lực lượng mácxít trong nước (Cộng Sản và xã hội dân chủ). Phát xít Italia nhìn
thấy mối đe dọa bên ngoài là chế độ"tài phiệt" Anh và Pháp. Do đó
chúng tiến hành công kích nền dân chủ tư sản, còn ở trong nước thì mở cuộc tấn
công điên cuồng chống những kẻ tôn thờ "giới tài phiệt phương Tây".
Thí dụ vào năm 1938 ở Italia, đã triển khai chiến dịch chống "ảnh hưởng
ngoại lai" và "tác phong tư sản". De Xtefan, một trong những kẻ ủng
hộ tích cực nhất cho chính sách của chế độ phát xít đã viết như sau: "Còn
rất nhiều vấn đề phải xem xét trong lĩnh vực nhập khẩu phi vật chất mà chúng ta
thu nhập được: cách suy nghĩ, cách sống, tác phong ngoại laị.. Chế độ phát xít
cần phải kiểm soát không chỉ riêng vấn đề nhập khẩu hàng hóa, mà cả tư tưởng và
cách sống". Thông qua mối đe dọa bên ngoài, nhà nước độc tài "bắn một
mũi tên trúng hai đích": thứ nhất, gây nỗi kinh hoàng cho nhân dân, bắt họ
phải đoàn kết xung quanh nhà nước; thứ hai, tạo điều kiện thích hợp để cách ly
và tiêu diệt đối thủ chính trị nào đó. Sự thống nhất nhân dân, trong nhà nước độc
tài, được hình thành trên nỗi lo sợ không chỉ từ bộ máy khủng bố của nó mà còn
từ những nguy hiểm bên ngoài, đã bị nhà nước thổi phồng và nhồi nhét thành công
cho nhân dân, thông qua tuyên truyền độc đoán. Nhà nước độc tài luôn luôn cần
có mối đe dọa nào đó từ bên ngoài, không phụ thuộc là phía bắc hay nam, đông
hay tây. 5/ Sự khác biệt giữa chế độ phát xít và nền dân chủ. Chủ nghĩa phát
xít nắm chính quyền với ý nghĩ hợm hĩnh rằng, đã sáng tạo ra một nền dân chủ quần
chúng và thực chất hơn nền dân chủ của "nhà nước tự do", nền dân chủ
mà thật may mắn "không bị xây dựng trên những cơ sở tài phiệt xấu xa nhất".
Báo Berliner Tageblat,trong số ra ngày 7.6.1933 đã viết về chủ nghĩa quốc xã
như sau: "Chủ nghĩa Hitler là phong trào dân chủ nhất ở Ðức trong vòng năm
mươi năm gần đây". Khi phát biểu trước cuộc họp quần chúng ở Coln ngày
26.3.1937, Gobelx đã tuyên bố: "Ở nước Ðức, một nền dân chủ thực sự đã trở
thành thực tiễn sống động, trong đó toàn thể dân tộc tự do bày tỏ nguyện vọng của
mình". Trong Học Thuyết Về Chủ Nghĩa Phát Xít, Muxolini cũng đã viết rằng,
nhà nước phát xít tượng trưng cho "một nền dân chủ có tổ chức, tập trung
và pháp quyền". Ðặc biệt, Hitler đã lên án gay gắt nền dân chủ phương Tây,
nền dân chủ theo như chính lời ông chỉ được sử dụng: "Bởi một tầng lớp tư
sản không đáng kể, trong khi nhân dân bần cùng thì đông hơn nhiều lắm".
Trong diễn văn đọc trước công nhân các nhà máy vùng Berlin ngày 10.12.1940,
Hitler công kích phương Tây tự do như sau: "Trong thế giới Anh - Pháp tồn
tại cái gọi là dân chủ. Nói cách khác, ở đó nhân dân điều hành chính quyền, do
đó nhân dân phải có khả năng thể hiện suy nghĩ và nguyện vọng của mình. Nhưng
nhìn kỹ hơn vấn đề này sẽ thấy, nhân dân không hề có được quan điểm của mình và
đó chỉ là, tất nhiên - như ở mọi nơi - quan điểm giả tạo. Vấn đề cốt lõi là: ai
dạy bảo và giáo dục nhân dân? Và trên thực tế, giới tư bản đang trị vì trong những
đất nước này, đó là một nhóm vài trăm người, giàu có không xiết kể và ít nhiều
có vẻ được độc lập vì cấu trúc đặc biệt của những nhà nước này. Những người này
nói: "Chúng tôi có tự do", và trước hết, họ hiểu đây là tự do kinh tế,
còn tự do kinh tế thì được hiểu không chỉ là tự do tích lũy tư bản, mà là tự do
sử dụng tư bản. Nói cách khác, họ chỉ cần được tự do, không bị nhà máy hay nhân
dân kiểm soáttrong việc tích lũy và sử dụng tư bản. Ðó chính là khái niệm của họ
về tự do". Trong thời gian chiến tranh, Anh là nước bị Hitler công kích dữ
dội nhất: "Tại đất nước này tồn tại những khác biệt giai cấp kinh khủng nhất
mà con người có thể tưởng tượng ra. Một bên là đói nghèo, cùng cực - và một bên
là giàu có không xiết kể. Ở đây không một vấn đề xã hội nào được giải quyết.
Các tầng lớp công nhân ở nước này, đất nước chiếm một phần sáu diện tích địa cầu
và những kho báu dưới lòng đất của toàn thế giới đều nằm tại đây, đang phải sống
bần cùng trong những ngôi nhà ổ chuột, và đại bộ phận là ăn mặc hết sức rách rưới".
Ðể đối ngược với nền dân chủ giả hiệu của phương Tây tự do, Hitler đã dùng nền
kinh tế "thật sự" và "thực chất" của nhà nước quốc xã, nơi
mà nạn thất nghiệp đã bị xóa bỏ và luân chuyển tư bản, nghĩa là phân chia và sử
dụng tư bản, nằm dưới sự kiểm soát toàn diện của đảng quốc xã. Như vậy nước Ðức,
từ một nền dân chủ cho "một tầng lớp không đáng kể những kẻ giàu có"
đã biến thành nền dân chủ cho "toàn thể nhân dân". Hitler nói:
"Trong thế giới tư bản dân chủ, nguyên tắc kinh tế quan trọng nhất là:
nhân dân chịu trách nhiệm sản xuất, và sản xuất sinh ra tư bản. Chúng ta đảo
ngược lại nguyên tắc này và nói: tư bản là để sản xuất, và sản xuất là để cho
nhân dân! Trong ý nghĩa rộng nhất: trước hết là vì dân, và những cái khác là
công cụ để đạt được mục đích này". Ở đây cũng như những lần khác, khi công
kích nền dân chủ tự do Hitler đã cố tình bỏ quên không nói đến một vấn đề cốt
lõi nhất: Thứ nhất, ai là sở hữu của tư bản trong nhà nước quốc xã? Thứ hai, sự
kiểm soát của đảng quốc xã đã làm thay đổi những gì trong những quan hệ về sở hữu
thứ ba, nạn thất nghiệp ở Ðức đã được loại bỏ bằng cách nào và nhằm mục đích
gì? Thứ tư, liệu giai cấp công nhân Ðức có khả năng kiểm tra sự luân chuyển của
tư bản, mà không phụ thuộc vào sự kiểm soát của đảng và nhà nước phát xít
không? Nhưng đối với bọn quốc xã, chỉ với việc loại bỏ nạn thất nghiệp cũng đã
là dẫn chứng không cần bàn cãi rằng, ở Ðức có nền dân chủ thực sự, khác hoàn
toàn với nền dân chủ giả hiệu của các nhà nước tự do. Bọn phát xít xem dấu hiệu
rõ ràng nhất cho nền "dân chủ" quần chúng của mình là những cuộc duyệt
binh, diễn hành chúc mừng Ðại Hội Ðảng ở Nuernberg và những cuộc mít tinh, biểu
tình, tuần hành chống kẻ thù của nhà nước và thường được toàn dân tham gia. Một
cách khách quan, chủ nghĩa phát xít khiến cho những quan niệm về nền dân chủ của
chúng ta cần được bổ sung và xác định lại. Chúng ta biết rằng bắt nhân dân xuống
đường, mang biểu ngữ và tuần hành hoàn toàn không phải là dân chủ, mà là sự cưỡng
ép kín đáo, được tiến hành nhờ những cơ cấu của chế độ độc tài; chúng ta biết rằng,
thậm chí việc xóa bỏ nạn thất nghiệp và đảm bảo mức sống tối thiểu cũng không
phải là dân chủ, nếu như những việc này được thực hiện nhằm chuẩn bị cho một cuộc
chiến tranh ăn cướp; rằng nền dân chủ là cấu trúc xã hội, mà mọi cá nhân được đảm
bảo quyền tự do công dân và tự do chính trị, và do đó cá nhân được xem là có
giá trị cao hơn nhà nước và các cơ sở nhà nước. A. Cá nhân bị dùng làm vật hy
sinh cho cộng đồng phát xít: Trong nhà nước phát xít không thể có dân chủ, vì
dân chủ và độc tài là những nguyên tắc thù địch và đối kháng. Bản thân cấu trúc
nhà nước phát xít không cho phép có thể có dân chủ, một khi nó bắt các cá nhân
phải phục tùng tuyệt đối và tước đi của họ mọi khả năng tự bảo vệ . Ðối với chủ
nghĩa phát xít, giá trị chính trị cao nhất là đảng và nhà nước phát xít, còn mọi
cái khác bắt buộc phải phục tùng và phục vụ chúng. Cá nhân bị biến thành vật hy
sinh cho "cộng đồng phát xít" và chỉ có quyền được tồn tại khi phục vụ
cho cộng đồng này hay ít nhất là tuân theo nó. Ðảng và nhà nước phát xít được
xem như những "cộng đồng" thể hiện đầy đủ nhất quyền lợi chung của mọi
công dân và đồng nhất với những quyền lợi này. Do đó đảng và nhà nước phát xít
đồng nhất với khái niệm nhân dân, dân tộc, quê hương... Vì vậy, giữa nhà nước
và các công dân không thể có mâu thuẫn, và nếu giả sử có trường hợp ngược lại
thì lỗi là do các công dân, và mâu thuẫn cần được giải quyết bằng cách trừng phạt
họ. Nhìn chung, nguyên tắc của chủ nghĩa độc tài là: sự phục tùng toàn diện của
cá thể, của cái riêng cho "cái chung"; sự thống trị của "cái
chung" trên cái riêng là không thể tách rời. Ngược lại, nền dân chủ truyền
thống mang một ý nghĩa hoàn toàn đối lập, dù những hạn chế và bản chất giai cấp
thế nào đi nữa, nó vẫn chú trọng nhiều hơn về cái riêng, về cá thể . Ðối với nền
dân chủ tự do, giá trị chính trị cao nhất là nhân cách công dân, và những giá
trị khác có tính chất chung hơn như nhà nước, các đảng phái chính trị, các tổ
chức quần chúng có nghĩa vụ phải phục vụ và giúp đỡ cho việc cấu thành và giữ
gìn nhân cách công dân, trước hết là bảo vệ quyền tự do chính trị và tự do công
dân. Khi xem nhân cách công dân là giá trị chính trị cao nhất, nguyên tắc dân
chủ xuất phát từ quan niệm rằng: sự phát triển và tính đa dạng của một xã hội
(chứ không phải của nhà nước) được hình thành trên sự đa dạng về nhân cách của
các công dân. Một xã hội phát triển, giàu có và đa dạng chỉ có thể được cấu
thành từ những công dân tự do và phát triển đa dạng. Ðể làm rõ hơn sự đối kháng
giữa nguyên tắc dân chủ và nguyên tắc độc tài trong quá trình xây dựng nhà nước,
chúng ta có thể nêu ra đây một thí dụ từ thời cổ về Ateln và Xpata. Mặc dù
Xpata chưa thể là nhà nước độc tài theo tinh thần của thế kỷ XX, những nguyên tắc
cơ bản của nó là độc tài. Trong chế độ quân sự này, mọi cá nhân đều phải phục
tùng nhà nước, giá trị cơ bản của người dân là phục vụ nhà nước, tự rèn luyện
mình để trở nên cứng cáp và được tôi luyện trong chiến tranh. Và toàn bộ cuộc sống
tinh thần, toàn bộ suy nghĩ của cá nhân đều nhằm phục vụ cho mục đích này. Trên
cơ sở đó, Xpata đã đạt được những thắng lợi to lớn trong chiến trận, trở thành
một trong những nhà nước Hy Lạp hùng mạnh nhất. Nhưng đó là tất cả những gì mà
Xpata đạt được; trong lĩnh vực văn hóa, nó hoàn toàn không sáng tạo được gì.
Ngược lại, Ateln là một nhà nước Hy Lạp lớn khác, trong đó nền dân chủ nô lệ
phát triển rực rỡ, tạo điều kiện để thu hút nhân cách cá nhân trong những công
dân tự do. Hay theo lời Hegel: "Thiên tài được tự do thể hiện những quan
niệm của mình và nguyên tắc này đã tạo nên những bức họa vĩ đại với nghệ thuật
thể hiện tinh vi cùng những văn phẩm thơ ca và lịch sử bất tử". Trao toàn
bộ tự do cho các nhà sáng tạo, Ateln như một khối nam châm khổng lồ thu hút mọi
tinh hoa của thế giới Hy Lạp: Exhil, Xofocul, Arixtofan, Apoloni, Pitago... và
trở thành thủ đô, thành trung tâm văn hóa của thế giới này. Ðây là lẽ đương
nhiên, nền dân chủ, với quyền tự do công dân rộng lớn mà nó trao cho các cá thể,
là miếng đất màu mỡ cho nhân cách cá nhân phát triển, và xã hội dựa theo đó mà
phát triển theo. Cũng vì lý do như trên mà không một nhà nước phát xít nào
trong thế kỷ XX sản sinh ra được cơ sở cho những tấm gương vĩ đại trong văn học,
nghệ thuật và văn hóa nói chung. Chỉ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự,
nhà nước phát xít mới vượt trước các nước khác, đạt được những kết quả đáng kể;
đồng thời bóc lột tài năng của hàng nghìn nhà bác học và hàng triệu người khác.
Nước Ðức - Hitler đã vượt xa trong những kỹ thuật sản xuất tên lửa tầm ngắn và
tầm xa (Fau 1 và Fau 2) và chỉ thiếu chút nữa là chế tạo được bom nguyên tử .
Italia với những hạn chế dân tộc đáng kể, cũng đạt được một số thành tích trong
lĩnh vực quân sự hàng không. Nhưng cả Ðức, Italia và Tây Ban Nha không để lại
được cho kho tàng văn hóa nhân loại ngay cả một tác phẩm nghệ thuật thô kệch.
Việc trả giá này của nền văn hóa - chính trị trong chế độ phát xít, không phải
vì nhà nước thiếu quan tâm săn sóc, như đôi lúc người ta đã nghĩ như thế. Trái
lại, đây là kết quả của sự quan tâm và săn sóc quá sâu sát của đảng và nhà nước
phát xít. Những lãnh tụ chính trị của nhà nước này đã dạy các họa sĩ, nhà văn cần
phải cảm hứng cái gì, thể hiện cái gì và như thế nào, để được chế độ công nhận
là tác phẩm nghệ thuật. Khi Hitler "tấn công" các họa sĩ tân tiến, giữa
những lời ông có một điều đúng, đó là: "Thiên tài không phải là không suy
nghĩ". Nhưng ông ta đã cố quên không nhắc đến một mặt khác của thiên tài rằng:
"Thiên tài không thể bị lãnh đạo". Bởi vì ai muốn lãnh đạo thiên tài,
thì cần phải thiên tài hơn. Thiên tài không cần phải có thầy dạy bảo. B. Cơ
quan hành luật được đặt trên cơ quan lập hiến: Cấu trúc của nhà nước độc tài
không thể trùng lặp với nền dân chủ. Việc tập trung quyền lực tuyệt đối khiến
nó không thể áp dụng nguyên tắc dân chủ cơ bản khi xây dựng nhà nước: NGUYÊN TẮC
CHIA QUYỀN. Về hình thức, nhà nước phát xít vẫn giữ ba cơ quan quyền lực (lập
hiến, xét xử và thi hành), vẫn giữ quốc hội, tòa án và chính phủ như những cơ
quan nhà nước tối cao. Nhưng đó chỉ là hình thức, vì sau khi sát nhập với nhà
nước, đảng phát xít có toàn quyền kiểm soát những cơ quan quyền lực này. Trên
thực tế, cả quốc hội, chính phủ và tòa án đều bao gồm từ những đảng viên phát
xít, và đảng này kiểm soát họ như những thành viên của mình. Từ đây suy ra rằng,
cả ba cơ quan quyền lực này đều là cơ quan của đảng, và đảng xem chúng như những
công cụ để thi hành chính sách chính trị của mình trong nhà nước và xã hội. Hoặc
nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách tổng quát hơn, sẽ nhận được bức tranh như
sau: Về hình thức, nhà độc tài được xây dựng giống nền cộng hòa tư sản, đảm bảo
chặt chẽ nguyên tắc chia quyền. Nhưng đứng trên nhà nước, với ba cơ quan quyền
lực và những tổ chức tương ứng của chúng, là đảng phát xít, đứng đầu là lãnh tụ
không thể thay thế của nó. Ðảng kiểm soát cả ba cơ quan quyền lực và toàn bộ bộ
máy nhà nước. Ðồng thời không ai có quyền kiểm soát lại đảng, kể cả nhà nước, kể
cả các tổ chức quần chúng và xã hội. ÐẢNG LẤY QUYỀN LỰC TỪ NHÂN DÂN, GIỐNG NHƯ
VUA CHÚA LẤY QUYỀN LỰC TỪ THƯỢNG ÐẾ. Việc biến đổi quyền lực nằm trong vòng luẩn
quẩn. Vì chính phủ, quốc hội và tòa án đều thi hành chỉ thị của đảng, nghĩa là
thực hiện cùng một chính sách chính trị và đều là vô quyền trước giới lãnh đạo
đảng. Trong đời sống chính trị thực sự, nhà nước phát xít bắt đầu từ bỏ kiểu
hình thức này bằng cách nhấn mạnh vai trò của cơ quan hành luật. Ðể tránh được
điều trái quy luật này và để bộ máy nhà nước có thể hoạt động linh hoạt, đảng
phát xít trao chức năng lập hiến cho cơ quan hành luật. Còn cơ quan lập hiến -
tức quốc hội - chỉ còn mang giá trị hình thức và được sử dụng để tuyên truyền
cho tính chất dân chủ giả hiệu của chế độ. Ngày 24.3.1933 chính phủ Hitler nhận
được từ quốc hội (Raihxtaga) sắc luật toàn quyền đặc biệt, theo đó, "Chính
phủ có thể ban hành các luật lệ trong Ðế Chế" (103-94). Với văn bản này, bản
thân quốc hội không còn là một cơ quan lập hiến. Toàn bộ luật lệ có giá trị tại
nước Ðức quốc xã đều do Hitler ban hành. Chính phủ Hitler là thí dụ điển hình về
cách thức nhà nước phát xít trao quyền lập hiến cho cơ quan hành luật và bằng
cách đó phá vỡ hoàn toàn nguyên tắc chia quyền. Sau ngày 24.3.1933, quốc hội Ðức
(Raihxtaga) được sử dụng như diễn đàn để Hitler đọc diễn văn tuyên truyền trước
những cán bộ ngoại giao và nhà báo nước ngoài. Những sự kiện tương tự cũng đã xảy
ra ở Italia bảy năm về trước. Sau khi ban hành "Những Sắc Luật Phát Xít Ðặc
Biệt" vào năm 1925-1926, kết quả là đảng phát xít thiết lập đưọc cơ cấu một
đảng quyền và điều hành toàn bộ bộ máy nhà nước, chế độ trao chức năng lập hiến
cho cơ quan hành luật. Chính phủ có thể quyết định những vấn đề mà trước đây được
giải quyết tại quốc hội. Những "cải cách" theo hướng này được phát
xít Italia thực hiện bằng hai sắc luật: - Sắc luật về quyền hạn và nhiệm vụ của
Thủ Tướng chính phủ, Bí Thư Thứ Nhất Nhà Nước, - Sắc luật về quyền của cơ quan
hành luật được ban hành những quy định pháp luật. Như vậy, vai trò của quốc hội
chỉ còn là con số không. Ðiểm đặc biệt này của các nhà nước phát xít cũng được
thực hiện ở Tây Ban Nha. Với sắc luật củng cố nghị viện ra ngày 17.7.1942,
Franco xác định vai trò của nghị viện như sau: "Nhiệm vụ chính của nghị viện
là dự thảo và ban hành luật lệ, nhưng không được ảnh hưởng đến toàn quyền của
người đứng đầu nhà nước". Ðiều 13 của sắc luật này cho phép chính phủ
"Trong trường hợp chiến tranh hoặc khẩn cấp được ban hành các sắc luật và
sau đó, chỉ cần thông báo lại với nghị viện" Tất nhiên, chủ nghĩa phát xít
không phủ nhận nguyên tắc chia quyền. Nó chỉ "điều chỉnh lại" cho phù
hợp với những nhu cầu của nhà nước. Raco, một trong những nhà lý luận của phát
xít Italia, đã viết về vấn đề này như sau: "Nguyên tắc chia quyền không phải
tuyệt đối, không phải là sự cần thiết để nhà nước có thể tồn tại, và nhà nước
không thể vì nó mà phải hy sinh. Nguyên tắc này có thể xem như nguyên tắc cơ bản
trong hiến pháp, duy trì sự sống và đảm bảo trật tự trong các hoạt động của nhà
nước. Nhưng trước sự sống còn của nhà nước, thì những chức năng của các cơ quan
quyền lực, đặc biệt là cơ quan lập hiến, cần phải được trao cho chính phủ - cơ
quan có nghĩa vụ và trách nhiệm duy trì sự sống liên tục cho nhà nước, khi đó
nguyên tắc chia quyền cần phải có một giới hạn và thay đổi nhất định. Tất cả những
điều này chỉ ra rằng, chia quyền là một nguyên tắc bình thường, chứ không phải
tuyệt đối và bất biến." Chế độ phát xít xem việc đặt cơ quan hành luật
trên cơ quan lập hiến là "ưu điểm" to lớn của mình, so với nền dân chủ
tự do truyền thống, rằng cách đó, nó đạt được tính năng động là linh hoạt, có
thể nhanh chóng giải quyết được những vấn đề xã hội quan trọng, không cần bàn
cãi và tranh luận dài dòng trong quốc hội. Ði Xtefan, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính
trong chính phủ Muxolini, đã từng tuyên bố: "Chế độ phát xít thay tranh luận
bằng hành động." Trong bài phát biểu ngày 16.1.1937, Rudolf Hex cũng tán
dương cho kiểu cải tổ hiến pháp, "điều chỉnh" nguyên tắc chia quyền:
"Chế độ quốc xã quan tâm đến vấn đề này, vì những nhu cầu sống bức thiết của
nhân dân không nên để lâu trong quốc hội và trở thành đối tượng thương mại giữa
các đảng phái. Các ngài đã biết, trong chính phủ mới những quyết định mang ý
nghĩa lịch sử được thống lĩnh và chính phủ thông qua - những quyết định mà ở
các nước khác còn bị quốc hội bàn cãi nhiều tuần lễ". Bằng cách đó, nhà nước
phát xít không chỉ đặt cơ quan hành luật lên trên cơ quan lập hiến và tòa án,
mà còn khiến cho những vụ bê bối chính phủ không thể xảy ra. Trong thời gian của
chủ nghĩa phát xít, ở cả ba nước Ðức, Italia và Tây Ban Nha, không hề có vụ bê
bối chính phủ nào. Năm 1965, Franco thành lập chính phủ thứ mười hai. Ông ta tự
chọn và thay đổi các Bộ Trưởng khi cần thiết. Hitler và Muxolini mặc dù không
có thời gian để thành lập chính phủ nhiều lần như vậy, nhưng nhìn chung cả hai
người này cũng thực hiện theo cách đó. Chế độ phát xít tạo ra cái gọi là chính
phủ quay vòng, các Bộ Trưởng có thể bị thay đổi, nhưng người đứng đầu thì vẫn
giữ nguyên lãnh tụ phát xít như cũ. Chế độ phát xít xem vấn đề này là một trong
những ưu điểm to lớn, so với nền dân chủ tự do, nơi vẫn thường xảy ra những vụ
bê bối chính phủ . Thực chất, "ưu điểm" giả tạo này có được vì chính
phủ chỉ là một công cụ mà đảng phát xít sử dụng để thi hành chính sách chính trị
của đảng trong nhà nước. Do đó người đứng đầu chính phủ luôn luôn không bị thay
đổi và cũng là thủ lĩnh của đảng phát xít. C. Viện kiểm soát phục tùng cảnh
sát: Ðây là một trường hợp phụ trong việc phá vỡ nguyên tắc chia quyền. Nhưng
nó cũng xuất phát từ cấu trúc nhà nước phát xít, hay đúng hơn từ việc biến đổi
quyền lực thực sự của chính quyền phát xít. Các thủ lĩnh đảng và nhà nước phát
xít điều hành điều hành đất nước dựa chủ yếu vào các cơ quan khủng bố: Zetapo,
SS, SA (ở Ðức), công an phát xít, tổ chức vũ trang "Những Người Phát Xít
Trẻ" (ở Italia), v.v... Ðó là chỗ dựa chính trị tin tưởng nhất của chúng
trong nhà nước và cả trong đảng phát xít. Bản thân Hitler đã nhiều lần nhấn mạnh
đến vai trò khủng bố trong việc điều hành hệ thống chính trị . Trong một lần
nói chuyện với các Bí Thư Khu Ủy tại biệt thự của ông ta ở Brehtexgadel, Hitler
tuyên bố: "Tôi sẽ tiến hành khủng bố một cách bất ngờ và bằng mọi phương
tiện hủy diệt mà tôi có. Khủng bố là vũ khí chính trị hiệu quả nhất, và tôi sẽ
không từ bỏ, nếu chỉ vì nó làm cho một vài tiểu thị dân ngu ngốc nào đó khó chịu.
Thành công phụ thuộc vào quả đấm thô bạo, gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp ... Và
nếu trong các ngài có những kẻ hèn nhát không chịu được điều đó, xin mời họ hãy
đến nhà chùa mà sống với các thầy tu. Không có chỗ cho những kẻ như thế trong đảng
của tôi". Biểu đồ "lãnh tụ dân tộc - đảng phát xít - nhà nước - xã hội
công dân" không phải là con đường biến chuyển quyền lực thực sự. Ảo tưởng
rằng các Thủ lĩnh phát xít điều hành đất nước bằng cách dựa trực tiếp vào đảng
phát xít, xuất phát từ tuyên truyền, nhằm thể hiện một cơ sở rộng rãi của chế độ,
nâng cao vai trò của đảng phát xít trong việc lãnh đạo đất nước. Thực chất, các
Thủ lĩnh phát xít điều hành dựa trên hệ thống khủng bố, nghĩa là dựa trên bộ phận
được vũ trang và trung thành nhất của đảng phát xít, mà quyền lợi vật chất của
nó liên quan đến việc củng cố chế độ. Giới cầm quyền chóp bu không thể dựa trực
tiếp vào đảng phát xít, bởi vì thành phần xã hội phức tạp của đảng và điều kiện
vật chất rất khác nhau của các đảng viên không tránh khỏi dẫn đến những cảm hứng
và suy nghĩ khác biệt. Một công nhân, đảng viên phát xít, không thể có những
suy nghĩ giống với giới cầm quyền chóp bu, với mức lương cao hơn hàng trăm lần
và còn được hưởng những ưu ái vật chất khác; một trí thức hay một sĩ quan, xuất
thân từ tầng lớp thượng lưu, không thể có cùng tâm lý với những cán bộ đảng
hãnh tiến. Sau cùng giữa các Thủ lĩnh của giới cầm quyền chóp bu cũng có những
mâu thuẫn, và với những điều kiện nhất định, có thể dẫn đến âm mưu đảo chính.
Ðiều đó giải thích tại sao giới cầm quyền chóp bu không thể dựa trực tiếp vào đảng
phát xít với số lượng không lồ các đảng viên. Chúng ta không nên quên rằng, cái
gọi là "xã hội phát xít" vẫn chỉ là một xã hội với sự phân chia giai
cấp sâu sắc. Dấu hiệu đặc biệt này chứa đựng những bất ngờ nguy hiểm - âm mưu,
xu hướng đối lập trong đảng ... Ðể có thể tránh được những nguy hiểm này, giới
cầm quyền chóp bu dựa chủ yếu vào lực lượng cảnh sát chính trị (cảnh sát mật),
sau đó mới đến đảng và nhà nước. Vì thí dụ, nếu trong đảng xuất hiện xu hướng đối
lập, giới cầm quyền chóp bu sẽ không tranh luận hay thuyết phục, mà sẽ đàn áp
thẳng thừng thông qua lực lượng khủng bố. Như vậy lực lượng cảnh sát trở thành
tổ chức tin tưởng nhất, thành chỗ dựa chính trị vững chắc nhất cho giới cầm quyền
phát xít chóp bu. Và để thực hiện được vai trò của mình, lực lượng khủng bố này
được trao quyền lực to lớn, có toàn quyền hành động trên danh nghĩa giới cầm
quyền chóp bu. Với cơ cấu hoạt động như thế - và không thể có cách nào khác -
tòa án và viện kiểm sát, hiển nhiên bị gạt ra rìa. Tòa án thường hành động chậm
chạp và ít nhiều mang tính công khai, đôi khi làm hỏng việc; còn đối với nền
chuyên chính phát xít, đòi hỏi trước tiên là khẩn trương và quyết đoán, không cần
đắn đo bất cứ một điều gì. Vì lý do này, trong nhà nước phát xít, các cơ quan
tư pháp thường hành động sau cảnh sát, bao che và hợp pháp hóa những việc mà lực
lượng khủng bố đã làm. Nếu cơ quan tư pháp chống lại những hành vi của cảnh
sát, nó sẽ phá vỡ mối quan hệ hỗ tương thực sự giữa các cơ quan quyền lực trong
nhà nước phát xít; và điều đó hoàn toàn không thể cho phép. Cũng vì thế, bất cứ
ai rơi vào tay cảnh sát đều có tội. Bởi nếu ngược lại thì chứng tỏ là cảnh sát
có những hành vi phạm pháp - điều không thể cho phép vì quyền lợi của phát xít.
Ðể minh họa cho những phân tích trên đây, chúng ta chỉ cần nhớ lại sự kiện
"Ðêm Của Những Lưỡi Gươm Dài" (ngày 30.6.1934). Chỉ trong một đêm,
hàng chục nghìn Thủ lĩnh và sĩ quan SA đã bị thủ tiêu, vì bị buộc tội là có âm
mưu chống lại Ban lãnh đạo đảng quốc xã, mặc dù không có cơ sở cho kết luận đó.
Chiến dịch này đã được thực hiện bởi các đội SS, chỗ dựa chính trị hứa hẹn nhất
của giới cầm quyền quốc xã chóp bu. Một vài tháng sau, tòa án mới dựa vào những
"dẫn chứng" của SS để khẳng định rằng Bộ chỉ huy SA quả có âm mưu chống
đối và việc hủy diệt nó cần phải được tiến hành khẩn trương. Một thí dụ khác,
trong những tháng cầm quyền đầu tiên của bọn quốc xã, hàng trăm nghìn đối thủ
chính trị của chế độ đã bị bắt giam vào các trường học, trại tập trung, không cần
xét xử và tuyên án. Mãi sau khi đã nhốt những người này vào nhà tù, đảng phát
xít mới quyết định hợp pháp hóa hành động khủng bố này. Các tòa án địa phương bắt
đầu tìm cách buộc tội những người đã nằm trong tù nhiều tháng. Thí dụ này cho
thấy rõ nhất những quan hệ tương hỗ giữa tòa án và lực lượng khủng bố. Mặc dù
chúng đều là những cơ quan của nhà nước, chế độ vẫn tin tưởng sử dụng lực lượng
khủng bố hơn, bởi vì đó là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để đạt được mục
đích, loại bỏ được những trình tự hình thức, trong khi thi hành pháp luật. Ðối
với các cá nhân trong nhà nước độc tài, sự phục tùng của tòa án trước cảnh sát
giống như một cái vòng thôi miên ma quỷ, mà không ai có thể bước qua. Cảnh sát
là cơ quan vi phạm nhiều nhất quyền tự do chính trị và tự do cá nhân của các
công dân. Ðể có thể kiện những hành vi phạm pháp của cảnh sát, người công dân cần
phải đưa đơn tại tòa án. Nhưng vì các tổ chức tòa án phụ thuộc hoàn toàn vào
các bộ máy cảnh sát, nên trên thực tế, những người này lại rơi vào tay cảnh
sát. Kẻ phạm tội trở thành quan tòa. Báo Folciser Beobahter số ra ngày
26.8.1933 viết, "Dân chúng thường kêu ca những hành vi lừa đảo của bọn mật
vụ ... Trong mọi trường hợp, cơ quan đầu tiên nhận những đơn kiện đó lại là đội
mật vụ địa phương". Bọn mật vụ phạm tội và cũng chính bọn mật vụ ban phát
công lý cho những nạn nhân của mình! Sở dĩ tồn tại vòng thôi miên ma quỷ này vì
cảnh sát và tòa án đều là những tổ chức của đảng phát xít và phải thi hành nguyện
vọng của đảng. Khi đảng phát xít ra lệnh khủng bố những kẻ thù của nhà nước,
không thể mong đợi tòa án sẽ tuyên bố chống lại sự khủng bố này, vì như một tổ
chức phát xít, tòa án phải bao biện và hợp pháp hóa những hành động khủng bố của
cảnh sát. D. Cương vị bù nhìn của quốc hội: Sau khi chức năng lập hiến được
trao cho cơ quan hành luật, vai trò của quốc hội chỉ là hình thức và một khi
còn tồn tại (cả ba nhà nước phát xít đều không hủy bỏ quốc hội), giá trị của nó
là để sinh ra ảo tưởng rằng trong nhà nước tương ứng vẫn hiện hành một chế độ
pháp quyền. Trong "Tuyên Bố Cương Lĩnh Của Chính Phủ" do Quốc Trưởng
Adolf Hitler đọc trước Quốc hội ngày 23.3.1933 có đoạn: "Nếu để cho quốc hội
bàn cãi và quyết định mọi vấn đề và mọi biện pháp, chính phủ Ðức có thể sẽ đi
ngược lại tinh thần phục sinh dân tộc ... Hành động như thế, chính phủ hoàn
toàn không có ý định bãi bỏ quốc hội và các chức năng của nó; ngược lại, chính
phủ vẫn để cho quốc hội tồn tại và được quyết định một số biện pháp có thể chấp
nhận, và thậm chí nếu cần thiết, có thể yêu cầu quốc hội bổ sung ý kiến".
Cũng trong tuyên bố này, Hitler giải thích tại sao chế độ quốc xã không công nhận
cơ cấu quốc hội: "Chúng ta không công nhận rằng, quốc hội thể hiện được
nguyện vọng của nhân dân, mà theo tính logic đó chỉ có thể là nguyện vọng bảo vệ
nhân dân; chúng ta nhìn thấy trong cơ cấu quốc hội sự thể hiện sai lầm nguyện vọng
này, thậm chí là xuyên tạc. Nguyện vọng của một dân tộc khẳng định sự tồn tại của
nó, được thể hiện rõ ràng nhất, có lợi nhất trong những nhân cách tốt đẹp của
dân tộc đó. Họ là ban lãnh đạo đại diện cho dân tộc và chỉ có họ mới có thể là
niềm tự hào cho nhân dân, chứ không thể là cái nhóm đại biểu quốc hội, mà nơi
sinh ra thùng phiếu và bố đẻ là bản danh sách bầu cử vô danh." Vai trò
hình thức của quốc hội trong nhà nước độc tài được xác định từ những tình tiết
sau: - Quốc hội phục tùng chính phủ, chính phủ thay thế quốc hội ban hành sắc
luật. - Thậm chí nếu quyền lập hiến vẫn thuộc về quốc hội và nó được xếp trên
chính phủ (như khi đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc chia quyền) thì điều đó cũng vẫn
không làm thay đổi cương vị bù nhìn của quốc hội. Bởi vì đứng trên quốc hội,
chính phủ và tòa án là "hạt nhân đại diện cho dân tộc", được gọi là đảng
phát xít. Trước khi đệ trình quốc hội, tất cả mọi luật lệ đều phải được hạt
nhân đại diện của đảng phát xít bổ sung. Nếu không được sự đồng ý của hạt nhân
đại diện này, thì không một điều luật nào đến được với quốc hội. Ðể minh họa,
chúng ta chỉ cần nhớ lại những quyền lực mà Hex (và sau đó là Martin Borman) đã
có đối với mọi hoạt động pháp luật trong Ðế Chế, hay là Hội Ðồng Phát Xít Tối
Cao đối với quốc hội Italia. Như vậy do cấu trúc của chế độ được thiết lập, mọi
hoạt động chính trị thực sự trong quốc hội đều bị loại bỏ, mọi vấn đề đều được
đồng tâm nhất trí thông qua, giống như trong các Ðại Hội Ðảng, bằng cách hô đồng
loạt: "Hail Hitler!" hay "Franco - Falanga!" Trong lịch sử
chủ nghĩa phát xít không có trường hợp nào mà quốc hội bác bỏ những sắc luật của
chính phủ và cũng không dám phê phán hay chê bai. Ðiều này cho thấy một cách rõ
ràng nhất tính hình thức của quốc hội và chỉ ra vai trò thực sự của nó: là diễn
đàn để lãnh tụ phát xít tán dương những quyết định của mình trước các công dân
và thế giới. Cách thức bầu đại biểu quốc hội cũng cho thấy vai trò hình thức của
nó. Các đề cử viên được đảng phát xít hoặc những tổ chức quần chúng chỉ định.
Thí dụ ở Italia, đề cử viên được các tổ chức nghiệp đoàn giới thiệu, sau đó
danh sách đề cử được Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao bổ sung thêm. "Các đề cử
viên được những nhóm sản xuất, cơ sở kinh tế và hiệp hội trí thức - nghĩa là cơ
sở và tổ chức của hệ thống nghiệp đoàn quốc gia - chỉ định. Sau đó Hội Ðồng
Phát Xít Tối Cao bổ sung thêm vào danh sách đề cử viên những người xứng đáng nhất
trong mọi lĩnh vực xã hội, những người mà dân tộc (cần phải hiểu: đảng phát xít
- J.J.) bầu lên thành những lãnh tụ của mình". Ở Ðức và Tây Ban Nha, việc
bầu cử quốc hội cũng được tiến hành theo cách thứ tương tự. Với kiểu bầu cử như
thế, các đại biểu quốc hội trên thực tế đều là những cán bộ lãnh đạo của đảng
và đại diện của cơ quan hành luật. E. Trò bầu cử hài hước: Các cuộc bầu cử trong
nhà nước độc tài chỉ là những trò hài hước chính trị. Ðáng lẽ ở những dạng nhà
nước này hoàn toàn không cần đến bầu cử, bởi vì kết quả thắng lợi luôn luôn được
đảm bảo. Nhà nước không bao giờ có thể thua trong các cuộc bầu cử, và nếu không
thắng lợi 100%, thì cũng phải gần sát con số đó. Thí dụ trong cuộc trưng cầu
dân ý vùng Xaarxvào năm 1935, 90% dân chúng đã bỏ phiếu tán thành việc sát nhập
với nước Ðức ... Chúng ta nên biết rằng trước khi nắm chính quyền, bọn quốc xã
chưa bao giờ chiếm đượcquá 37,3% số phiếu. Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày
19.8.1934 về vấn đề sát nhập các trọng trách Tổng Thống và Thủ Tướng, nhân dân
Ðức cũng "đồng tâm nhất trí" và "tin tưởng" trao toàn bộ những
quyền lực này vào tay Hitler. Ở Tây Ban Nha, trong cuộc trưng cầu dân ý vào
tháng 3.1947 về vấn đề "sau khi Franco chết, có cần giữ nền quân chủ nữa
hay không", chính phủ cũng thu được 80% phiếu thuận. Những cuộc bầu cử
chính trị trong nhà nước độc tài là hoàn toàn hình thức, vì mọi cái đã được sắp
đặt sao cho giới cầm quyền chóp bu có thể tự mình lựa chọn. Giả mạo phiếu bầu
là việc dễ dàng nhất và thường xuyên xảy ra trong thời gian bầu cử . Lúc thống
kê phiếu, thường gặp những trường hợp khôi hài khi số phiếu thuận nhiều hơn cả
số cử tri. Trong hồ sơ của tòa án Nuernberg có đoạn viết: "Tiếp theo, với
sự giám sát của những phần tử quốc xã, các cuộc bầu cử trở nên hoàn toàn hình
thức, không còn một chút tự do nào. Bầu cử, với ý nghĩa thực sự của từ này,
hoàn toàn không thể có trong chế độ quốc xã". Những tài liệu thu được sau
sự sụp đổ của phát xít Ðức cho thấy các cuộc bầu cử đã được tiến hành như thế
nào, đâu là sự thật ẩn giấu sau sự đồng tâm nhất trí của các cử tri, các lực lượng
khủng bố bí mật, dưới danh nghĩa giữ gìn trật tự đã hoạt động ra sao? Macxuel,
người buộc tội người Anh tại tòa án Nuernberg nói: "Chúng tôi thu được
toàn bộ hồ sơ của vùng Erfurt (Tiuringia), trong đó có những tài liệu liên quan
đến cuộc trưng cầu dân ý năm 1937. Các cán bộ đảng cơ sở có nhiệm vụ phải thông
báo những người có thể bỏ phiếu chống trong khu vực của chúng. SD ra các sắc lệnh
cho cán bộ đảng cơ sở và lãnh đạo những đội an ninh. Những cán bộ hành chính cơ
sở có nghĩa vụ phải cộng tác chặt chẽ với cán bộ đảng." Và trên thực tế,
SD đã thi hành sắc lệnh theo dõi các công dân xem họ bỏ phiếu thuận hay phiếu
chống, một việc có thể xác định dễ dàng. Trong một tài liệu khác có ghi:
"Người ta đã phải nhắc anh công nhân Otto Vigand đến lần thứ tư là phải đi
bỏ phiếu đúng ngày bầu cử; kết quả là anh ta đã bỏ phiếu, chỉ vì bị cưỡng
ép". "Tại Bremen, các Bí Thư Tỉnh Ủy, Huyện Ủy và Bí Thư Ðảng Bộ đã
phải báo cáo bằng văn bản về những công chức không tham gia bỏ phiếu trong cuộc
bầu cử ngày 26.3.1936" "Tại Tiuringa, các Bí Thư Ðảng Bộ và Chi Bộ phải
báo cáo vấn đề phản ứng của nhân dân về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm
1938, "đặc biệt là tại các làng mạc và thị trấn nhỏ". "Tại
Rotenburg, đảng phát xít tổ chức biểu tình chống một linh mục vì đã từ chối
không tham gia bầu cử". F. Hủy diệt mọi quyền tự do công dân và tự do
chính trị: Với việc thiết lập hệ thống phát xít, trước tiên những quyền tự do
công dân và tự do chính trị của cá nhân bị hủy diệt. Một khi toàn bộ quyền hành
đều nằm trong tay nhà nước, mọi cá nhân không còn một chút quyền gì. Cá nhân chỉ
có thể nhận được từ nhà nước những quyền tối thiểu, cần thiết để phục vụ tốt
hơn cho chế độ . Chủ nghĩa xuất phát từ quan điểm rằng, nhà nước là hiện thực
chính trị cao nhất và tất cả hoài vọng về hiện thực đều chỉ có thể nhận được từ
nhà nước. Bọn phát xít Ytalia thể hiện nguyên tắc này bằng khẩu hiệu: "Tất
cả vì nhà nước, đứng ngoài nhà nước và chống lại nhà nước là vô nghĩa."
Trên thực tế, phát xít Ytalia thành lập hệ thống nghiệp đoàn, thâu tóm tất cả mọi
tổ chức, hoạt động, thâu tóm toàn bộ xã hội và mọi biểu hiện của xã hội. Nhân
cách cá nhân chỉ có thể thể hiện trong nhà nước và thông qua nhà nước. Muxolini
viết trong Học Thuyết Về Chủ Nghĩa Phát Xít: "Nhà nước phát xít là biểu hiện
cao nhất và mạnh mẽ nhất của nhân cách, nó thể hiện tất cả mọi hình thức của đời
sống trí thức và tinh thần con người". "Ðối với chủ nghĩa phát xít,
nhà nước là tuyệt đối, còn các cá nhân hay nhóm xã hội chỉ "có nghĩa"
khi thuộc nhà nước. Nhà nước không chỉ là hiện tại, mà còn là quá khứ và trước
hếtlà tương lai. Thông qua cuộc đời ngắn ngủi của các cá nhân, nhà nước tượng
trưng cho sự trường tồn của ý thức dân tộc. Hình thái nhà nước có thể thay đổi,
nhưng cái quan trọng thì còn lại mãi". "Ðối với chủ nghĩa phát xít,
nhà nước không phải là người canh cửa ban đêm để chỉ chăm lo đến vấn đề an ninh
cho các công dân; cũng không phải là tổ chức với mục đích hoàn toàn vật chất,
thí dụ như cộng sinh hòa bình, mà để điều hành chỉ cần một ban quản trị, cũng
không chỉ là nhận thức chính trị thuần túy, không liên quan gì đến thực tế vật
chất phức tạp của cuộc sống mỗi cá thể và dân tộc. Theo chủ nghĩa phát xít,
nhưng là linh hồn và tinh thần, vì nó cụ thể hóa tổ chức chính trị, pháp luật
và kinh tế của một dân tộc". "Nhà nước giáo dục các công dân về những
phẩm chất tốt đẹp, trao cho họ nhận thức về giá trị của họ, dẫn họ đến sự thống
nhất, điều hòa quyền lợi của họ trong công lý; đồng thời thu nhận mọi thành tựu
trong khoa học, nghệ thuật, quyền lực cộng đồng con người". Nói cách khác,
nhà nước phát xít là nhà nước tổng thể, thâu tóm toàn bộ mọi hoạt động và biểu
hiện của các cá nhân và cả chính bản thân các cá nhân đó. Vì cá nhân gắn liền với
nhà nước, nên không có quyền được tự do, không phụ thuộc vào nhà nước. Theo
quan điểm phát xít, nhà nước đồng nghĩa với nhân dân, dân tộc, quê hương ...
chăm lo đến các cá nhân như mẹ đẻ. Và cá nhân không có quyền được yêu cầu tự
do, giống như đứa trẻ không thể xa mẹ nó. Muxolini viết tiếp: "Một nhà nước
dựa vào hàng triệu cá nhân được họ công nhận và sẵn sàng phục vụ, không thể là
nhà nước ghê tởm thời trung cổ". "Cá nhân trong nhà nước không bị hủy
diệt, mà được nhân lên nhiều lần, giống như trong một đơn vị quân đội, giá trị
của người lính không bị giảm đi, mà được nhân lên theo số lượng các đồng chí của
mình. Nhà nước phát xít tổ chức dân tộc, nhưng sau đó để cho các cá nhân đầy đủ
quyền tự do, nhưng chỉ hạn chế những quyền tự do không có lợi, những quyển tự
do có hại (!!!), và giữ gìn những quyền tự do chính đáng. Chỉ có nhà nước, chứ
không phải là cá nhân, được quyền phán xét trong lĩnh vực này".
"Trong nhà nước của chúng ta, cá nhân không thiếu tự do, cá nhân có nhiều
tự do hơn kẻ cô đơn, vì nhà nước che chở cho cá nhân, cá nhân là một bộ phận của
nhà nước, còn kẻ cô đơn thì không có người bảo vệ". Vì lý do này, chính phủ
phát xít không ngần ngại xét xử các tác giả tư tưởng tự do. Từ đây cũng dẫn đến
lòng căm thù nền tự do dân chủ, vì nó đặt cá nhân cao hơn nhà nước. "Chủ
nghĩa tự do cưỡng ép nhà nước theo quyền lợi cá nhân, còn chủ nghĩa phát xít khẳng
định nhà nước như một thực tiễn thực sự của cá nhân. Và nếu quyền tự do cần phải
thuộc con người, chứ không phải là con búp bê tưởng tượng mà chủ nghĩa tự do
ích kỷ đã nghĩ, thì chủ nghĩa phát xít thuộc về tự do, về tự do duy nhất, tự do
nghiêm túc, tự do của nhà nước và tự do của cá nhân trong nhà nước. Một khi là
người phát xít thì tất cả phải giành cho nhà nước, không còn tồn tại bất cứ thứ
gì thuộc con người hay linh hồn, và đứng ngoài nhà nước thì giá trị thật không
đáng kể. Trong ý nghĩa này, chủ nghĩa phát xít là tổng thể và nhà nước phát xít
- đỉnh cao và sự thống nhất của tất cả mọi giá trị - tư duy, phát triển và cống
hiến toàn bộ cuộc đời cho nhân dân". Và nếu cá nhân không đồng ý với chính
sách chúng ta của nhà nước, với hệ tư tưởng và tinh thần của nó; giả sử cá nhân
không cần đến sự chăm sóc, bảo vệ của nhà nước và muốn phê phán hay đấu tranh
chống lại nó, khi đó nhà nước phát xít thực sự sẽ tỏ rõ những ưu việt dân chủ của
mình. Bằng mọi biện pháp, từ sức ép của những tổ chức quần chúng đến trại tập
trung cải huấn, nhà nước sẽ ngăn chặn và uốn nắn cá nhân đó theo con đường
"đúng đắn". Sự so sánh của Muxolini về cá nhân trong nhà nước và những
người lính trong quân đội, mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Nó không những cho
chúng ta thấy sự giống nhau giữa nhà nước và trại lính, mà còn chỉ rõ "tự
do" của các cá thể trong nhà nước này. Giống như trong quân đội, theo luật
quân sự, người lính chỉ có quyền tự do để suy nghĩ bằng cách nào có thể thực hiện
tốt hơn mệnh lệnh của cấp chỉ huy (và không được do dự), cá nhân trong nhà nước
độc tài cũng chỉ có quyền tự do tìm cách phục vụ tốt hơn cho nhà nước,
"sáng tạo" cho nhà nước. Nói gọn hơn: tất cả những gì mang lại lợi
ích cho đảng và nhà nước phát xít, là tự do sáng tạo; và ngược lại, tất cả những
gì công kích lại chúng là tự do phá hại, vô chính phủ hay nổi loạn và nhà nước
không thể chấp nhận. (Hết Phần II) Phần III: ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỘC
TÀI 1/ Nhà nước độc tài có thể bị "lật đổ từ dưới" không? Theo cấu
trúc, nhà nước độc tài là hệ thống toàn diện và hoàn thiện nhất để đàn áp các
cá nhân và nhân dân. Nó không chỉ đàn áp, khủng bố mà còn lôi kéo cả dân tộc
tham gia vào những tội ác chống lại chính dân tộc đó. Không chỉ hành dộng trên
danh nghĩa dân tộc - điều đó thì nước nào cũng làm - mà là hành động thông qua
dân tộc. Dân tộc trở thành vũ khí của nhà nước chống lại chính dân tộc đó và những
đại diện xứng đáng nhất - những người bảo vệ quyền dân chủ, quyền tự do công
dân và tự do chính trị. Thâu tóm tổng thể nhân dân vào các tổ chức quốc gia,
nhà nước độc tài dễ dàng khiến nhân dân bằng chính tay mình hủy diệt những người
chống lại nền chuyên chính trong hàng ngũ của mình. Còn sự thống nhất nào sâu sắc
hơn giữa nhân dân và nhà nước, khi nhân dân bảo vệ nhà nước và tiêu diệt những
kẻ thù của nó. Thậm chí, khủng bố cũng không chỉ giới hạn trong vấn đề thể chất
(nhốt trong hầm ngục của Zetapo và lao động khổ sai trong trại tập trung), mà
còn có cả khủng bố tư tưởng một cách hệ thống thông qua đài phát thanh, phim ảnh,
báo chí, tổ chức quần chúng, v.v... Nếu như SS và Zetapo tiêu diệt những người
mang tư tưởng dân chủ còn sót lại từ thời nền Cộng Hòa Vaimar, thì tuyên truyền
và các tổ chức quần chúng nhổ tận gốc cả những mầm mống tự do suy nghĩ, đồng thời
nhồi nhét giáo lý của hệ tư tưởng quốc gia. Trong hoàn cảnh như thế không tồn tại
những điều kiện và con người cho một cuộc đấu tranh quần chúng chống lại nền
chuyên chính phát xít. Không thể thành lập được một tổ chức quần chúng với ý đồ
khởi nghĩa vũ trang nhằm lật đổ nhà nước phát xít, vì do thám tổng thể sẽ nhanh
chóng phát hiện ra mạng lưới bí mật và lực lượng khủng bố sẽ hủy diệt nó. Do đó
cho đến tận giờ phút cuối, tại nước Ðức - Hitler không hề có được một tổ chức
bí mật hoàn chỉnh để có thể khởi nghĩa vũ trang. Ðiều lớn nhất mà những người Ðức
chống phát xít đã đạt được là thành lập những nhóm bí mật trong các nhà máy,
hoàn toàn cách ly lẫn nhau và hoạt động tuyệt đối bí mật. Cá biệt chỉ có một
vài nhóm liên kết được với nhau. Các nhóm này xuất hiện trong giai đoạn khủng
hoảng của phát xít Ðức, khi chiến tranh đã đẩy đất nước này đến gần thảm họa
không tránh khỏi (nhóm của Xefcov- IacobBectlain, nhóm của Teo Noibauer, nhóm của
Georgi Suman- tất cả đều đã bị Zetapo phát hiện và hủy diệt trước khi kết thúc
năm 1944). Nhìn chung, số lượng người tham gia những tổ chức bí mật chống chế độ
quốc xã không vượt quá "vài nghìn" và với một nước như Ðức, con số
này quả là khiêm tốn. Tất nhiên, nói như thế không phải là có ý làm giảm uy tín
của Ðảng Cộng Sản Ðức và chủ nghĩa anh hùng của những con người dũng cảm đã tiến
hành cuộc đấu tranh trong chín tầng địa ngục. Nhưng điều đó chỉ ra rằng, không
thể tổ chức một cuộc đấu tranh vũ trang để lật đổ chế độ độc tài. Thật ngây thơ
nếu nghĩ rằng, tại nước Ðức- Hitler không có nhiều người căm thù và sẵn sàng đấu
tranh lật đổ chế độ. Nhưng những người này đã không hành động, bởi vì họ nhận
thức được sự thất bại tất yếu trong cuộc đấu tranh này. Trong điều kiện không
có tính công khai, thậm chí cả chủ nghĩa anh hùng cũng trở nên vô nghĩa, vì
không thể trở thành tấm gương hy sinh hay một hình thức tuyên truyền cho những
tư tưởng chống lại nhà nước. Những ai bị rơi vào nanh vuốt của Zetapo sẽ mãi
mãi là tù nhân của nó. Sẽ không còn ai thông báo hay nhắc nhở một tí gì về những
người này. Họ sẽ bị chết dần mòn sau những bức tường dày dưới lòng đất. Iamar
Saht, một trong những người sáng lập nhà nước quốc xã, vào năm cuối cùng của chế
độ này đã bị rơi vào trại tập trung cải huấn và sống sót một cách ngẫu nhiên, tại
tòa án Niurnberg đã nói như sau: "Những khổ đau mà con người phải chịu đựng
trong cuộc đấu tranh chống khủng bố sẽ có lợi ích gì, nếu nhân dân không có khả
năng biết tới và không thể trở thành tấm gương cho những người khác noi
theo?". Ðây có lẽ là lý do tâm lý cơ bản cho việc không tồn tại cuộc đấu
tranh quần chúng chống nhà nước quốc xã. Ðiều này có thể giải thích một hiện tượng,
mà mới thoạt nhìn tưởng như khó hiểu: quần chúng không hài lòng, có nhiều người
căm ghét chế độ trong bối cảnh tan rã của nó, thế nhưng vẫn không tồn tại lực
lượng chống đối hay một cuộc đấu tranh thực sự . Tóm lại, nhà nước phát xít khó
có thể bị lật đổ từ dưới bằng cuộc khởi nghĩa vũ trang do các lực lượng cánh tả
tổ chức và lãnh đạo. Trước hết vì chắc gì lực lượng này đã được tổ chức và vũ
trang đầy đủ. Với bộ máy khủng bố khổng lồ, do thám và tuyên truyền tổng thể,
cùng việc thâu tóm triệt để nhân dân vào các tổ chức quốc gia, nhà nước phát
xít có thể hủy diệt mọi ý đồ chống đối từ lúc còn trứng nước, trước khi các lực
lượng này đạt được tính quần chúng rộng rãi và đe dọa được nó. Nếu trong một
nhà nước phát xít có thể tổ chức lực lượng quần chúng chống đối, chẳng hạn như
phong trào du kích, thì điều này chỉ có nghĩa: nhà nước đó đã không còn là nhà
nước phát xít, mà chỉ có một vài cơ cấu nào đó được xây dựng như chế độ phát
xít. Trong nền chuyên chính phát xít, công tác chống đối bí mật mang một mâu
thuẫn không thể vượt qua: càng giữ bí mật bao nhiêu thì càng khó bị phát hiện bấy
nhiêu. Nhưng như thế nó lại xa rời với mục đích chính; chiếm được lòng tin của
quần chúng để có thể lật đổ chế độ. Mặt khác, càng mang tính quần chúng rộng
rãi bao nhiêu càng dễ bị phát hiện bấy nhiêu. 2/ Ba lực lượng vũ trang của nhà
nước phát xít: Nhà nước độc tài có ba lực lượng vũ trang mà trong những điều kiện
nhất định có thể tách rời và hoạt động độc lập: đảng phát xít, cảnh sát và quân
đội. Bình thường, các lực lượng này nằm trong mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ: cảnh
sát (bí mật và công khai) và quân đội phải phục tùng đảng phát xít. Mặt khác, cảnh
sát và quân đội là hai chỗ dựa căn bản của đảng phát xít trong nhà nước này. Cảnh
sát bao gồm những phần tử trung thành và ràng buộc với chế độ, là bộ phận được
vũ trang của đảng phát xít và được xem là chỗ dựa vững chắc nhất. Nhưng quân đội
thì không được tin tưởng như thế, vì theo luật quân sự, mọi công dân đến tuổi đời
nhất định đều phải xung lính, không phụ thuộc vào quan điểm của họ . Hơn thế nữa,
quân đội là mối hiểm họa cho nhà nước trong những hoàn cảnh khó khăn ( chiến
tranh, khủng hoảng) vì quân đội có quân số khổng lồ lại được trang bị những vũ
khí hiện đại (xe tăng, xe bọc thép, máy bay), nếu xảy ra đảo chính, cảnh sát
không bao giờ có thể chống trả được trước sức tấn công của nó. Ðiều này đã bắt
buộc đảng phát xít phải đặt quân đội dưới sự kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt: huấn
luyện quân đội chính quy một cách có hệ thống theo tinh thần tư tưởng của đảng,
đào tạo đội ngũ cán bộ sĩ quan trung thành với đảng, bổ nhiệm Bộ Trưởng Bộ Quốc
Phòng - vô bản sắc và trung thành tuyệt đối với giới lãnh đạo đảng, tổ chức mạng
lưới do thám để thăm dò tinh thần các sĩ quan. Sự kiện ngày 30-6- 1934,
"Ðêm Của Những Lưỡi Gươm Dài", là một minh chứng rằng quân đội là mối
hiểm họa đáng sợ nhất cho đảng phát xít. Cuộc đảo chính ngày 20-7- 1944 càng khẳng
định thêm kết luận này. Cuộc đảo chính này không thành công chỉ vì cách tư duy
hạn chế của các tướng lĩnh Ðức: không muốn phản bội lời thề của mình trước Thống
Lĩnh, hoặc vẫn bị ràng buộc bởi những nguyên tắc tư tưởng mà chủ nghĩa quốc xã
đã nhồi nhét cho họ . Nhưng dù sao, điều này vẫn chỉ ra một sự thật lịch sử là:
chỉ có quân đội mới có thể chống lại và lật đổ đảng phát xít. Cuộc đảo chính
quân sự ở Ytalia vào tháng 7-1943 là dẫn chứng thuyết phục hơn. "Một cuộc
họp phát xít lớn được triệu tập vào ngày 24-7-1943 và sau 10 giờ tranh luận
liên tục, với kết quả 19 phiếu thuận và 7 phiếu chống để đi đến kết luận: buộc
Muxolini phải yêu cầu nhà vua chấp thuận những quyết định của Bộ Chỉ Huy Quân Sự
Tối Cao". Hai ngày sau, 26-7-1943, bị cách ly khỏi những người ủng hộ
mình, trong đó có con rễ là bá tước Trao, Muxolini đã phải xin từ chức. Và trước
đó, ngày 25-7, Muxolini đã bị bắt. Như vậy là cuộc đảo chính đã được thực hiện
được. Chính phủ quân sự mới, đứng đầu là nguyên soái Badolio, giữ bí mật tuyệt
đối việc bắt Muxolini và giam ông ta ở đảo Ponxa. Chính phủ không tấn công cảnh
sát và đảng phát xít, chỉ vì bối cảnh đặc biệt của nước này: lúc bấy giờ tại
Ytalia có mặt nhiều sư đoàn quân Ðức (mùa hè năm 1943 có 7 sư đoàn quân Ðức
đóng ở Ytalia), các sư đoàn Ðức có thể dễ dàng lật đổ chính phủ mới và phục hồi
Muxolini để giữ Ytalia như một nước đồng minh của mình. Mặt khác do sự tồn tại
của các sư đoàn Ðức, một cuộc tấn công như thế có thể gây ra cuộc khởi nghĩa
phát xít, vì bộ máy đảng và nhà nước vẫn trung thành với Muxolini. Trong hoàn cảnh
đó, chính phủ Badolio chỉ có thể ra thông cáo, trong đó tuyên bố vẫn đứng về
phía Ðức trong cuộc chiến tranh; đồng thời giữ bí mật nơi giam giữ Muxolini để
quân Ðức không thể phát hiện ra, cho đến khi quân đồng minh tạo điều kiện cắt đứt
quan hệ với Ðức. Ðảo chính quân sự trong những điều kiện của nhà nước độc tài
là bước chuyển tiếp từ chuyên chính phát xít đến chuyên chính quân sự, đặc
trưng bằng việc kém ổn định và khủng bố tổng thể (nhưng không dã man!). Một cuộc
đảo chính quân sự không thể là bước chuyển tiếp thẳng từ chế độ phát xít đến nền
dân chủ tự do vì những mâu thuẫn chính trị khổng lồ mà nó giải phóng. Những mâu
thuẫn này có thể biến thành một cuộc khởi nghĩa chống phát xít hay phục hồi
phát xít, và sẽ dễ dàng dẫn đến một cuộc nội chiến. Trong mọi trường hợp, những
người đảo chính sẽ đánh mất quyền kiểm soát chính trị và sẽ trở thành nạn nhân
cho những lực lượng mà họ vừa giải phóng. Do đó, một cuộc đảo chính quân sự
thông thường phải chuyển thành chuyên chính quân sự để có thể giữ được chính
quyền mới và để khỏi xảy ra cuộc khởi nghĩa chống hay phục hồi phát xít. Vì vậy,
sau cuộc đảo chính, nguyên soái Badolio tuyên bố giới nghiêm, cấm các đảng phái
và những tổ chức dân chủ chống phát xít hoạt động, vỗ về các tầng lớp công
nhân. Ðồng thời do sự có mặt của các sư đoàn Ðức, chính phủ không thể giải tán
đảng và công an phát xít mà chỉ cố gắng đặt chúng dưới quyền kiểm soát của mình,
bằng cách sát nhập công an vào với quân đội và phong cấp sĩ quan cho những cán
bộ lãnh đạo đảng phát xít. Mặc dù vậy, trong 45 ngày cầm quyền, từ 29.7 đến
5.8.1943, Badolio đã thi hành hàng loạt chính sách nhằm phá vỡ cấu trúc của chế
độ phát xít: ban hành các sắc lệnh giải tán đảng phát xít, giải tán Hội Ðồng
Phát Xít Tối Cao, xóa bỏ Tòa Án Ðặc Biệt, giải tán hệ thống nghiệp đoàn, v.v...
3/ Sự khác nhau giữa nhà nước phát xít và nền chuyên chính quân sự: Ðể làm sáng
tỏ bản chất nhà nước phát xít như một chế độ độc tài, chúng ta cần so sánh nó với
nền chuyên chính quân sự. Trên thực tế, hai khái niệm này thường bị đồng nhất
và do đó, các nền chuyên chính quân sự cổ đại đều bi xem là chuyên chính phát
xít hay chế độ phát xít. Người ta ngấm ngầm công nhận rằng: dấu hiệu đặc biệt của
nhà nước phát xít chỉ là những cuộc đàn áp, khủng bố chính trị trắng trợn, cấm
biểu tình, hội họp, hủy diệt quyền tự do công dân. Thậm chí đôi khi người ta
xem dấu hiệu đặc biệt của nhà nước phát xít là bản chất chống cộng của nó. Thực
tế thì giữ nhà nước phát xít và nền chuyên chính quân sự có nhiều điểm khác
nhau về cơ bản: 1. Chế độ phát xít thiết lập cơ cấu một đảng quyền, đảm bảo sự
thống trị chính trị toàn diện của đảng mình; trong khi đó chuyên chính quân sự
là chế độ không đảng phái, nó giải tán tất cả mọi đảng phái không từ đảng nào,
"đảng" duy nhất có quyền tồn tại là quân đội. 2. Chế độ phát xít
không chỉ xử dụng khủng bố thể chất trắng trợn, mà còn chú trọng đến việc củng
cố quần chúng nhân dân (đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản), thâu tóm nhân dân
vào những tổ chức quốc gia khác nhau. Còn nền chuyên chính quân sự chỉ dựa vào
khủng bố trắng, hoàn toàn không xây dựng được cơ sở chính trị và xã hội. 3. Chế
độ phát xít thành lập các tổ chức quần chúng, thâu tóm tổng thể nhân dân, trong
khi chuyên chính quân sự cấm và theo dõi mọi tổ chức, hiệp hội trong ý nghĩa tổng
quát, quân đội là tổ chức quần chúng duy nhất được phép tồn tại. 4. Chế độ phát
xít đồng hóa thành công đời sống tinh thần xã hội, bắt xã hội phục tùng hệ tư
tưởng phát xít, trong khi chuyên chính quân sự chỉ biết khủng bố. 5. Chế độ
phát xít xây dựng nhà nước độc tài, thông qua đó mà kiểm soát toàn xã hội,
trong khi nền chuyên chính quân sự không phải bao giờ cũng xây dựng được nhà nước
uy tín- điều mà các nền chuyên chính quân sự thông thường đều mơ ước. Tất cả những
điểm khác nhau này làm cho nền chuyên chính quân sự không ổn định. Chỉ dựa vào
khủng bố, chuyên chính quân sự dễ dàng bị phá vỡ, một khi điểm tựa duy nhất này
bị mài mòn. Khác với chuyên chính quân sự , chế độ phát xít cơ động hơn nhiều,
tùy thuộc vào từng trường hợp mà sử dụng khủng bố hay công tác tư tưởng, tuyên
truyền. Do đó chuyên chính quân sự đứng trước hai con đường: hoặc quay lại với
những nguyên tắc tư sản truyền thống, hoặc chuyển sang chuyên chính phát xít với
cơ cấu độc tài tương ứng. Nếu tồn tại lâu hơn thời gian mà bản chất chính trị của
nó cho phép, chuyên chính quân sự thường bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân
sự mới. Về mặt ổn định, chuyên chính phát xít bền vững hơn nhiều. Với việc thiết
lập chỗ dựa trong xã hội, nó loại bỏ được mọi khả năng đảo chính quân sự trong
những điều kiện bình thường. Chỉ khi có khủng hoảng chính trị sâu sắc, do thất
bại trong chiến tranh, quân đội mới có thể làm đảo chính, cướp chính quyền từ
tay đảng phát xít. Thí dụ, ai có thể dám làm đảo chính quân sự ở Ðức vào những
năm 1937 hay 1938? Bản thân nhân dân sẽ đứng lên bảo vệ cho Hitler và chế độ quốc
xã. 4/ Sự khác nhau giữa nhà nước phát xít và nhà nước uy tín: Trong văn học,
các khái niệm "nhà nước uy tín" và "nhà nước phát xít" thường
bị sử dụng lẫn lộn hay thay thế nhau như những từ đồng nghĩa, đặc biệt là các
năm 30 và 40. Khi nghiên cứu phát xít Ytalia, thậm chí có tác giả đã sử dụng
cùng một lúc cả hai lhái niệm này. Thực chất, việc sử dụng thuật ngữ như vậy là
không chính xác. Ðiều này xuất phát từ những phân tích bề mặt, nhầm lẫn hình thức
với nội dung, còn nội dung thì bị che khuất. Mặt khác, sai sót này không phải
ngẫu nhiên, nó có cơ sở khách quan trong sự tương ứng thực sự giữa nhà nước độc
tài và nhà nước uy tín. Tất cả mọi nhà nước phát xít đều là nhà nước uy tín,
nhưng không phải mọi nhà nước uy tín đều độc tài. Uy tín là nguyên tắc cơ bản của
đẳng cấp quan liêu: Bởi vậy, mọi nhà nước quan liêu đều ít nhiều là nhà nước uy
tín. Thí dụ, nền quân chủ hay chuyên chính quân sự là những nhà nước uy tín,
nhưng không phải là những nhà nước độc tài. Sự khác nhau giữa nhà nước phát xít
và nhà nước uy tín là, nhà nước phát xít phân chuyển nguyên tắc của mình trên
toàn bộ đời sống xã hội: không chỉ trên bộ máy nhà nước mà còn cả trong đảng,
các tổ chức quần chúng, trong văn học, nghệ thuật, khoa học, ... Trong nhà nước
phát xít không còn tồn tại quyền tự chủ của xã hội. Tất cả các công dân đều là
những người lính của nhà nước, bắt buộc phải thi hành và phục tùng mọi mệnh lệnh
quốc gia. Những ai không tuân theo nghĩa vụ này sẽ bị xem là phản bội, lừa dối
và xứng đáng để nhà nước chà đạp và tiêu diệt. Nhà nước phát xít là trại lính,
trong đó không có các thường dân, không có những quyền lợi cá nhân độc lập trước
nhà nước. Ðối với nhà nước này, xã hội là hình thái tiếp diễn và là bộ mặt của
nhà nước, phục tùng toàn bộ vào nền chuyên chính. Từ đây dẫn đến những tham vọng
của nhà nước độc tài nhằm đồng nhất bản thân mình với dân tộc (không đơn giản
là với "quyền lợi dân tộc" - điều đó thì nhà nước nào cũng làm như thế
- mà là với chính bản thân của dân tộc đó!), với xã hội, quê hương... Và trên
thực tế nhà nước này đã lợi dụng danh nghĩa dân tộc, quê hương, xã hội... để hủy
diệt mọi biểu hiện chống đối nhà nước như "chống lại nhân dân",
"chống lại xã hội". Và cũng vì lý do này, những kẻ mị dân thường gắn
cái mác "nhân dân" cho các công sở hành chính. Thí dụ, ở Ðức có Tự Vệ
Nhân Dân, Những Công Dân Trẻ, Tòa Án Nhân Dân, v.v... Như vậy, nhà nước phát
xít có thể xem như hình thái cao nhất của nhà nước uy tín, như nhà nước uy tín
hoàn thiện, thi hành một cách tổng thể nguyên tắc của mình trên mọi lĩnh vực xã
hội và đời sống cá nhân. Khác với nhà nước phát xít, nhà nước uy tín thông thường
chỉ phân chuyển nguyên tắc của mình trong bộ máy nhà nước (viên chức, quân đội,
cảnh sát). Ngoài những lĩnh vực này, nguyên tắc đó không còn giá trị. Vì lý do
này, trong nhà nước uy tín vẫn còn tồn tại sự chống đối công khai của xã hội đối
với nhà nước. Ðiều này không có nghĩa rằng, nhà nước uy tín không muốn kiểm
soát xã hội công dân và phân chuyển trên đó những nguyên tắc của mình. Ngược lại,
nhà nước uy tín cũng có tham vọng về một nền chuyên chính tổng thể, nhưng vì những
lý do khách quan, nó không bao giờ đạt được điều đó. Bởi vì nhà nước này không
có những tổ chức quần chúng đặc thù như nhà nước phát xít, để thông qua đó mà nắm
giữ xã hội và mọi cá nhân trong tay mình. Thí dụ điển hình về nhà nước uy tín
là nền quân chủ Pruxia trong nửa đầu thế kỷ XIX. Pruxia kiểm soát xã hội công dân
và tư tưởng của họ, đồng thời tự xem mình là người thể hiện và chịu trách nhiệm
cho hệ tư tưởng của nhân dân - Ðạo Thiên Chúa. Nhưng trên thực tế nó không có
những tổ chức quần chúng để thực hiện việc kiểm soát này, mà chỉ sử dụng cảnh
sát như một cơ quan khủng bố. Và vì không có khả năng kiểm soát tổng thể, nên
ngay cả một nhà nước uy tín như Pruxia vẫn tồn tại những hiện tượng chống đối,
đi ngược lại những lợi ích của nhà nước. Trong thời gian này Ðavid Straux đã xuất
bản cuốn sách Cuộc Ðời Jêsu lật đổ mọi huyền thoại về Ðức Chúa. Việc này đã gây
nên những giông tố công phẫn của nhà thờ trong nước, cũng như thế giới "học
vấn" bên ngoài, và mặc dù vậy vẫn không có gì nguy hiểm xảy ra cho chính
tác giả. Tác phẩm vẫn được xuất bản và phát hành. Vào năm 1841, L.Foierbah còn
viết một cuốn sách còn tà giáo hơn nữa: Sự Thật Về Ðạo Thiên Chúa. Tác phẩm này
đã tẩy chay không những riêng đạo Thiên Chúa mà còn cả mọi thứ tôn giáo khác,
và trên cơ sở tư liệu lịch sử khổng lồ, nó chứng minh rằng thế giới siêu hình không
có gì khác hơn là ảo ảnh tưởng tượng hay hình chiếu của thực thể con người lên
bầu trời. Tác phẩm này có thể xem như một cuộc đảo chính tư duy của thế hệ trẻ ở
Ðức. Vì nó mà Foierbah không được nhận vị trí giảng dạy trong trường tổng hợp
Berlin và theo lời Angel, đành phải mài mòn cuộc đời mình nơi tỉnh lẻ. Nhưng
nhà nước cũng chỉ có thể trừng phạt đến thế. Tác phẩm của Foierbah vẫn được
phát hành và manh lại vinh quang cho tác giả tại nước Ðức cũng như trên toàn thế
giới. Trong thời gian này ở Ðức còn xuất hiện nhiều biểu hiện của tự do tư tưởng
và tà giáo khác trong các lĩnh vực triết học, văn học, ... và nền quân chủ
Pruxia đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Như một nhà nước uy tín, nó không có những
công cụ cần thiết để chống lại hoặc ngăn chận triệt để những biểu hiện này. Những
sự việc tương tự liệu có thể xảy ra ở Ðức một thế kỷ sau, khi nó đã là nhà nước
độc tài phát xít? Liệu có thể xuất bản những tác phẩm chống lại tư tưởng quốc
gia hiện hành, mà các tác giả vẫn được tự do và vinh quang của họ như những chiến
sĩ tự do vẫn được tỏa sáng trong nước và trên thế giới? Câu trả lời hiển nhiên
là không thể. Trước hết vì trong nước Ðức - Hitler không có người trí thức nào
lại viết và xuất bản những tác phẩm như thế. Họ biết trước là sẽ phải trả giá của
cuộc đời mình cho hành động đó và đây là sự hy sinh vô nghĩa. Nhưng thậm chí giả
sử vẫn tồn tại những tác giả như vậy, thì cũng không có nhà xuất bản nào dám
đánh đố cuộc đời mình vì một quyển sách. Là thành viên của hội các nhà xuất bản
quốc gia, họ sẽ bảo với Zetapo để cứu mạng mình, hơn là đưa lưng chịu hậu quả
việc xuất bản tác phẩm như thế, điều mà rõ ràng sẽ dẫn họ đến ngục tù hay trại
tập trung cải huấn. 5/ Nhà nước phát xít bắt buộc thế giới cũng phải độc tài
hóa: So với nền dân chủ tư sản, nhà nước độc tài có rất nhiều ưu thế quân sự.
Do bản chất phản động, nó luôn luôn là mối đe dọa cho các nước láng giềng.
Trong vài giờ, nhà nước độc tài có thể tập trung mọi lực lượng quân sự và tiến
hành tấn công. Với cơ cấu một đảng quyền, với những hạn chế tổng thể đối với xã
hội công dân và tuyên truyền tư tưởng độc đoán, nó là nhà nước quân sự hay bán
quân sự, luôn luôn sẵn sàng cho chiến tranh. Nhà nước độc tài có thể lợi dụng
những mặt yếu của nền dân chủ, trong khi nền dân chủ không thể có khả năng đó:
1. Nền dân chủ tự do cho phép mọi đảng phái chính trị tồn tại, kể cả đảng phát
xít - đảng đối lập với cơ chế đa đảng. Nhưng sự có mặt một đảng phát xít trong
nhà nước dân chủ tự do luôn luôn là bè lũ gián điệp của nhà nước phát xít
("Ðội Quân Thứ Năm"). Ðối với Ðức, "Ðội Quân Thứ Năm" ở Áo
là bọn quốc xã Áo, ở Tiệp - đảng thân Ðức của Heinlain, ở Bỉ - bọn quốc xã Bỉ, ở
Anh - đảng phát xít Moxli... Ngày nay chúng ta đã biết vai trò của đảng này trước
khi chuẩn bị chiến tranh thế giới thứ hai và trong cuộc chiến này. Chúng đã mở
đường cho quân đội Ðức, cộng tác với chính quyền đô hộ ... 2. Việc tồn tại các
quyền tự do công dân và tự do chính trị tại nền dân chủ tư sản, dù có thể chỉ
là hình thức, vẫn tạo điều kiện cho nhà nước độc tài mở rộng tuyên truyền có lợi
cho nó: thông qua đảng phát xít tương ứng trong nước này, mua chuộc một bộ phận
diễn đàn của nước láng giềng... Theo nhân chứng của Curt Rix, đến năm 1937
Gobelx chịu trách nhiệm kiểm soát khoảng 330 tờ báo phát ra nước ngoài bằng tiếng
Ðức. Ngược lại, nền dân chủ tự do hoàn toàn không có khả năng thực hiện tuyên
truyền tại nhà nước phát xít. Kiểm duyệt phát xít tổng thể không cho phép nhập
những ấn phẩm văn hóa mang tư tưởng ngoại lai, không cho phép các đảng dân chủ
tồn tại, không cho phép tiếp xúc tự do giữa các công dân. Nó gây nhiễu sóng các
đài phát thanh của những nước dân chủ và trong thời gian chiến tranh còn cố định
các sóng radio để chỉ nghe được đài dân tộc. 3. Trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước
phát xít có nhiều công cụ hữu hiệu. Trên thực tế, nó có thể liên tục giảm mức sống
bằng cách tăng thuế, bổ sung nhiều loại thuế mới, tăng giá hàng và giảm giá trị
thực của đồng lương. Nói cách khác, nhà nước phát xít có thể dễ dàng thi hành
những chính sách mà không một chính phủ dân chủ nào dám mong ước. Ðồng thời nhà
nước phát xít chi những khoản kinh phí khổng lồ cho vũ trang quân sự, xây dựng
những công trình quân sự lớn, mở rộng tuyên truyền và do thám. Nếu một chính phủ
trong nhà nước đa đảng tăng giá hàng vì yêu cầu bức thiết, nó sẽ bị phản đối và
bị bắt buộc từ chức. Ðối với nhà nước phát xít, điều đó hoàn toàn không bao giờ
xảy ra: chính phủ có thể cùng một lúc giảm mức sống của nhân dân về nhiều mặt
hàng mà không sợ phải chịu những hậu quả xấu. Nhân dân luôn luôn "ủng hộ"
các chính sách của chính phủ vì không có cách nào để thể hiện sự bất bình của
mình. 4. Sau cùng, trên quan điểm quân sự tuần túy, nhà nước phát xít cũng có rất
nhiều ưu thế lợi hại. Nó có thể giữ bí mật triệt để những ý đồ chuẩn bị chiến
tranh. Ðiều này có thể thực hiện dễ đàng, do không có diễn đàn đối lập và quyền
tự do ngôn luận. Với những "ưu thế" này, nhà nước phát xít luôn luôn
là mối đe dọa cho các nước láng giềng - mối đe dọa rất dễ chuyển thành những
hành động ăn cướp. Ðiều này đặc biệt nguy hiểm cho các nước dân chủ, nhất là
trong những giai đoạn khủng hoảng hay rối loạn nội bộ - những việc mà bọn phát
xít không chỉ lợi dụng mà thường còn khơi mào. Bởi vậy, để có thể hạn chế được
mối đe dọa thường xuyên của tên kẻ cướp phát xít độc tài, các nước dân chủ láng
giềng bắt buộc phải tự độc tài hóa, giảm bớt quyền tự do chính trị và tự do
công dân. Việc có mặt của nhà nước độc tài biến những ưu điểm của nền dân chủ
thành những yếu điểm và đe dọa an ninh của nó. Như vậy, nhà nước độc tài bắt
các nước láng giềng cũng phải tự độc tài hóa, từ bỏ những chính sách dân chủ.
Thí dụ, nước Anh - đại diện tiêu biểu của nền dân chủ tư sản quê hương của nghị
trường - trước khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đã bắt buộc phải hạn
chế hoạt động của đảng phát xít Moxli. mặc dù điều này mâu thuẫn với những truyền
thống của cơ cấu đa đảng. Trong thời gian này, đảng phát xít Moxli định cải tổ
theo kiểu mẫu của đảng quốc xã (có thủ lĩnh đứng đầu, có đảng phục, thành lập
các đội vũ trang), nhưng chính phủ đã không cho phép những thay đổi này. 6/ Những
cơ sở kinh tế của nhà nước phát xít: Thật sai lầm nếu nghĩ rằng, việc tập trung
quyền lực tuyệt đối trong tay nhà nước phát xít không liên quan gì đến vấn đề
kinh tế. Một thượng tầng kiến trúc tập trung tuyệt đối không thể dựa trên hạ tầng
cơ sở phân rã; thượng tầng kiến trúc độc tài đòi hỏi một nền kinh tế độc tài do
nhà nước kiểm soát triệt để. Không cần xóa bỏ sở hữu cá thể hình thức đối với
công cụ sản xuất, nhà nước phát xít là người điều hành nền kinh tế quốc dân.
Nhà nước xác định những vấn đề như sau trong nền kinh tế: a/ Phương hướng của nền
kinh tế - sản xuất để phục vụ cuộc chiến tranh tương lai hay cho nhu cầu tiêu
dùng? Nền kinh tế quốc dân có liên kết với các nước khác hay không, hay sẽ xây
dựng trên nguyên tắc tự cung tự cấp? b/ Cấu trúc sản xuất - sẽ sản xuất cái gì,
số lượng bao nhiêu? Người sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của nhà nước.
Chúng ta hãy lấy thí dụ về những luật lệ nông nghiệp trong nhà nước quốc xã. Tất
cả điền chủ nhận kế hoạch sản xuất từ nhà nước, nhà nước xác định cho những người
này phải sản xuất bao nhiêu khoai tây, sữa, trứng, thịt ... đồng thời định giá
sản phẩm mà họ phải bán cho nhà nước. Họ không được bán sản phẩm của mình cho
ai khác ngoài nhà nước. Như vậy trên thực tế, nhà nước là người điều hành thực
sự nền kinh tế, còn những người sản xuất chỉ là những ông chủ hình thức. c/ Nhà
nước can thiệp vào quyền thừa kế gia sản. Ở Ðức, với sắc luật về "quyền thừa
kế ruộng đất" ban hành ngày 29-9-1933, gần 5 triệu rưỡi điền chủ, mỗi người
có ít nhất là 10 hecta ruộng đất, được tuyên bố là có toàn quyền sở hữu. Những
ruộng đất này không chỉ con trưởng được thừa kế, mà trước hết phải là người được
nhà nước phát xít công nhận là xứng đáng (tất nhiên là về mặt chính trị).
Valter Ðare viết, "Theo hướng dẫn của Bộ Nông Nghiệp, nếu không có người
thừa kế xứng đáng, quyền sở hữu gia sản của điền chủ có thể bị tước bỏ và chuyển
giao cho một cán bộ phụ trách nông nghiệp nào đó. Ðiều luật ngặt nghèo này đã bắt
buộc những người nông dân phải giữ gìn phẩm giá của mình". Nhà nước quốc
xã cũng đặt toàn bộ nền kinh tế công nghiệp dưới sự kiểm soát của mình. Nó nhà
nước hóa Ban lãnh đạo và điều hành công nghiệp, không chỉ thể hiện bằng việc
thành lập các ban quản lý chịu sự chỉ đạo của bọn quốc xã sừng sỏ, mà còn trong
việc sử dụng phần lớn lợi nhuận cho vũ trang quân sự và những mục đích có lợi
cho nhà nước khác. Trong lời phát biểu trước công nhân các nhà máy công nghiệp
quân sự ngày 10-12-1944, Hitler đã nói về vấn đề này như sau: "Tôi lấy một
thí dụ, các nhà tư sản Anh có thể đóng góp 76, 80, 85, 100, 160 phần trăm lợi tức
công nghiệp cho vũ trang quân sự. Tôi nghĩ rằng, đối với chúng ta chỉ cần 6 phần
trăm, thậm chí từ 6 phần trăm này chúng ta có thể thu được một nửa, và nửa còn
lại người ta cần phải đưa cho chúng ta những bằng chứng là đã được sử dụng vì lợi
ích của cộng đồng dân tộc. Ðiều này có nghĩa là, cá nhân không có quyền dùng những
cái mà đáng lẽ phải giành cho nhà nước. Nếu cá nhân sử dụng phần đó một cách có
suy nghĩ thì điều đó đáng hoan nghênh, còn ngược lại cần phải có sự can thiệp của
nhà nước quốc xã". Hệ thống hợp tác xã nông nghiệp là đòn bẫy quan trọng
nhà nước quốc xã sử dụng để kiểm soát nền kinh tế nông nghiệp. Các hợp tác xã
này được hình thành ngay từ năm 1933. Vào năm 1939, số lượng các hợp tác xã đã
đạt tới 45545 đơn vị. 73 phần trăm sản phẩm sữa, 61 phần trăm sản lượng trứng
và phần lớn sản phẩm nông nghiệp là do các hợp tác xã này sản xuất. Việc can
thiệp thô bạo của nhà nước vào quyền sở hữu được thể hiện bằng sắc luật tịch
thu tài sản của những công dân sống tỵ nạn ở nước ngoài và có quan điểm chống đối
chế độ. Ðiều luật này tồn tại trong tất cả các nhà nước phát xít. Thí dụ, biệt
thự mùa hè của Ainstain tại Capute cùng với phần đất quanh đó bị chính quyền
Pruxia tịch thu theo "Sắc Lệnh Quốc Xã về thu hồi sở hữu của những người Cộng
Sản và kẻ thù của nhà nước" ban hành vào năm 1933. d/ Ðiều hành độc đoán sức
lao động quốc dân Tại nước Ytalia phát xít, chính sách này được thực hiện hóa
thông qua hệ thống nghiệp đoàn. Và sau đó, chính sách này cũng được áp dụng ở
Tây Ban Nha (thông qua "Các Công Ðoàn Thăng Tiến"). Ở Ðức, vai trò
tương tự cũng được Mặt Trận Lao Ðộng Ðức đảm nhận. Thông qua hệ thống nghiệp
đoàn, nhà nước thiết lập sự kiểm soát toàn diện của mình đối với giai cấp công
nhân, đồng thời cấm họ không được bãi công. Bằng cách đó, nhà nước bắt buộc
giai cấp công nhân phải phục vụ cho những lợi ích của nó. Nhà nước không chỉ cấm
công nhân không được bãi công, mà còn bắt họ phải làm việc cho nó, phục vụ cho
những tham vọng của nó. Vấn đề này cần phải hiểu thật cặn kẽ. Ðây không chỉ đơn
giản tiêu diệt khả năng phản kháng của công nhân, làm cho họ không còn có khả
năng bãi công - điều đó nền chuyên chính quân sự thông thường vẫn làm, mà là
thâu tóm giai cấp công nhân vào các tổ chức quần chúng quốc gia, và thông qua
những tổ chức này, "thu hút" họ về phía nhà nước để kiểm soát họ chặt
chẽ hơn. Nói cách khác, không cần thể hiện những quyền lợi thực sự cho giai cấp
công nhân, nhà nước phát xít vẫn đứng ra đại diện cho họ và trở thành ông chủ độc
đoán của sức lao động. Nói gọn hơn, trong lĩnh vực kinh tế nhà nước phát xít
thiết lập hệ thống lao động gần giống như của chế độ phong kiến. Hệ thống này
được đặc trưng bằng những dấu hiệu: trên thực tế, nhà nước cai quản phương tiện
sản xuất và sức lao động của xã hội; bãi bỏ quyền tự do lao động và thay thế bằng
chính sách lao động cưỡng ép kinh tế ngoại lệ. Hay là, từ cưỡng ép kinh tế thuần
túy của xã hội tư sản tự do, chế độ phát xít quay trở lại với hệ thống cưỡng bức
chính trị và kinh tế ngoại lệ của chế độ phong kiến. Nhờ đó, chế độ phát xít ép
buộc được những người lao động làm việc trong mọi điều kiện, không đếm xỉa gì đến
quyền lợi của họ. Họ trở nên gần như một đội quân lao động của nhà nước. Mọi biểu
hiện không phục tùng sẽ bị trừng phạt nặng nề, bị xem là đào ngũ hay phản bội.
Do sự thống trị của nhà nước đối với sức lao động, công nhân không có quyền lựa
chọn công việc theo bậc thợ và nghề nghiệp của mình nếu điều đó không có lợi
cho nhà nước. Thí dụ, bọn phát xít Ðức tước bằng của các tất cả các họa sĩ hiện
đại, cấp cho họ sổ lao động, bắt họ làm việc như những người đào đất thông thường.
Đồng thời, buôn bán những tác phẩm của họ trên thị trường thế giới. Với việc
bãi bỏ quyền tự do lao động và thiết lập hệ thống cưỡng bức kinh tế ngoại lệ,
nhà nước phát xít đã loại bỏ được nạn thất nghiệp, giống như không có những người
thất nghiệp trong chế độ phong kiến hay trong các trại tập trung. Thông thường,
người ta giải thích tiềm năng kinh tế "thần kỳ" của chế độ quốc xã bằng
sự phát triển điên rồ của nền công nghiệp, quốc phòng. Ðiều này hoàn toàn đúng,
nhưng vẫn chưa phải là nguyên nhân thực sự của vấn đề. Bởi vì trên cơ sở giải
thích như thế có thể đặt một câu hỏi ngược lại: bằng cách nào để chế độ phát
xít có thể chi những khoản ngân sách khổng lồ cho quân sự? Tại sao nền dân chủ
tư sản thông thường không thể hoặc không cho phép những hành động tương tự? Trả
lời những câu hỏi này sẽ không tránh khỏi dẫn chúng ta đến với những nguyên tắc
kinh tế chung của nhà nước phát xít, mà nguyên tắc cơ bản là bắt xã hội quay trở
lại với hệ thống cưỡng ép ngoại lệ: nhà nước cưỡng ép người công nhân làm việc
bằng cách dùng tòa án đe dọa, ấn định thời gian lao động, ấn định mức lương thu
nhập, cấm người công nhân không được tự do bỏ việc, cấm không được bãi công, bắt
làm việc theo ca kíp, cấm không được bỏ đi tìm việc làm ở các nước khác, v.v...
Nói gọn hơn, nhà nước đơn phương khống chế mọi điều kiện lao động của người
công nhân, đặt họ vào vị trí như của một người tù. Ðể có thể hiểu rõ cơ cấu bãi
bỏ nạn thất nghiệp (ở Ðức vào năm 1933, con số này lên tới 5,5 triệu người), ta
cần nhớ lại là nhà nước phát xít có thể luôn luôn giữ mức sống rất thấp và vẫn
liên tục tăng cường sản xuất. Thông qua bộ máy khủng bố và hệ thống tổ chức quần
chúng quốc gia, nhà nước làm tiêu tan mọi ý đồ chống đối ngay từ khi còn trứng
nước; còn thông qua tuyên truyền toàn diện và độc đoán, nó "thuyết phục"
được cho chính sách kinh tế đúng đắn của mình. Một khi lao động đã là bắt buộc,
giá trị sức lao động đối với nhà nước phát xít không còn là vấn đề lưu tâm. Nhờ
đó, nhà nước này luôn có trong tay sức lao động vô hạn và rẻ mạt. Do đó, khác với
chế độ tư sản tự do, nó có thể dùng những sức lao động khổng lồ cho những nhà
máy không có lợi ích kinh tế nhưng có giá trị quân sự quan trọng. Nó có thể xây
dựng nền kinh tế tự cung tự cấp dù tốn kém hơn nhiều so với khi sử dụng các
nguyên liệu nhập ngoại. Kết quả là trong nhà nước phát xít, một nền kinh tế
quân sự hiện đại nhất được phát triển, điều mà các nhà nước tư sản truyền thống
thậm chí không dám mơ ước. Tại hội nghị các nhà kinh tế nói tiếng Pháp năm
1938, Rapard đã có những suy nghĩ rất sâu sắc về nền kinh tế quốc xã: "Nếu
chúng ta công nhận rằng, tiêu chuẩn để đánh giá thành công sức là sức lao động
lớn nhất cho một thu nhập nhỏ nhất, thì thí nghiệm của người Ðức là một lễ khải
hoàn; nhưng nếu chúng ta xem giá trị của một hệ thống kinh tế được đo bằng mức
thu nhập lớn nhất từ một sức lao động nhỏ nhất, thì điều đó sẽ bị đổ vỡ hoàn
toàn. Người ta nói rằng, nền kinh tế tự cung tự cấp của Ðức đã tiêu diệt được nạn
thất nghiệp. Đà cả điều này cũng không làm chúng ta ngạc nhiên vì trong nhà tù
thì làm gì có người thất nghiệp". 7/ Nhà nước phát xít - con đẻ của xã hội
công nghiệp: Sự thâu tóm và phục tùng tổng thể của toàn xã hội đối với nhà nước
- dấu hiệu đặc thù của chế độ phát xít - hoàn toàn không thể được thiết lập trước
thế kỷ XX. Ðiều này có nghĩa là cả nhà nước phát xít cũng không thể xuất hiện
trước khi thời đại của chúng ta phát minh ra những cơ sở kỹ thuật cần thiết và
trước hết, đó là những phương tiện giao tiếp và tuyên truyền hiện đại: đài phát
thanh, phim ảnh, điện thoại, loa phóng thanh. Albert Speer viết trong lời khai
tại phiên tòa Niurnberg, "Chuyên chính Hitler khác hẳn với những nền
chuyên chính trước đó trong lịch sử. Ðây là nền chuyên chính đầu tiên của nhà
nước công nghiệp, trong thời đại kỹ thuật hiện đại, nó thống trị triệt để và
toàn diện trên dân tộc mình và kỹ thuật. Nhờ đó những phương tiện kỹ thuật như
đài phát thanh, loa phóng thanh, quyền độc lập suy nghĩ của 80 triệu người bị
tước đoạt và phải phục tùng nguyện vọng của một người duy nhất. Ðiện tín, điện
thoại, radio cho phép những tổ chức cao cấp có thể truyền mệnh lệnh trực tiếp
xuống các cơ sở. Và tại đây, nhờ uy tín của chúng, các mệnh lệnh này được thi
hành vô điều kiện". Các phương tiện giao tiếp hiện đại gây nên những biến
đổi quan trọng trong cấu trúc truyền thống của chuyên chính và trước hết là
trong cơ cấu hoạt động của nó. Ở dạng chuyên chính cũ, mọi mệnh lệnh hay sắc luật
phát ra từ trung tâm được thi hành theo từng bậc từ trên xuống dưới. Mọi mắt
xích trung gian đều có vai trò xác định như một cơ cấu thành phần, và nếu không
có sự tác động tương hỗ của nó, nguyện vọng của trung tâm không đạt được yêu cầu
như đã định. Trong những thời điểm cấp thiết, nếu mắc xích trung gian này từ chối
không hoạt động, sắc lệnh của trung tâm sẽ không được thực hiện vì lúc này đường
dây liên lạc đã bị đứt. Như vậy đối với cơ cấu chuyên chính cổ truyền, các mắc
xích trung gian có vai trò quan trọng đến mức trong mọi trường hợp, trung tâm đều
trở nên phải phụ thuộc vào chúng, không thể bỏ qua chúng, khi thực hiện những kế
hoạch của mình. Trung tâm có thể thay đổi cơ cấu trung gian, phê phán hoặc cải
tổ, nhưng không thể từ chối sự cộng tác của nó. Cái mới mà nhà nước phát xít
thu nhận được nhờ các phương tiện giao tiếp hiện đại là, khả năng có thể bỏ qua
các mắc xích trung gian nói trên, hoặc nếu không bỏ qua thì trong mọi trường hợp,
đều có thể sử dụng cả đường đây trực tiếp giữa trung tâm và các cơ sở. Và nếu một
mắc xích nào đó từ chối không hoạt động, thì điều đó không có nghĩa là sắc lệnh
của trung tâm không được thi hành. Radio đã loại bỏ được mọi hiểm họa này. Tính
chất đặc biệt này của nhà nước phát xít không chỉ giúp nó thông tin một cách
nhanh chóng, tuyên truyền mang tính quần chúng sâu rộng, mà còn tác động đến cả
bản thân bộ máy nhà nước và cơ cấu hoạt động của nó. Thông qua radio, trung tâm
có thể kiểm tra chính bộ máy này và mức độ khẩn trương trong khi thi hành các mệnh
lệnh của cấp trên. Như vậy mỗi một trạm trung gian của cấu trúc đẳng cấp, nằm
giữa trung tâm và cơ sở, bị đặt dưới hai tầng kiểm soát, từ trên xuống và từ dưới
lên, vì trung tâm có thể thông tin trực tiếp đến cơ sở nhờ hệ thống radio.
Trong trường hợp này, các mắc xích trung gian đánh mất vai trò tự chủ khi thừa
hành mệnh lệnh, cũng như quyền độc lập tương đối của mình. Radio đã thay đổi bản
chất của mắt xích trung gian, biến nó thành cơ cấu vô bản sắc của hệ thống, chỉ
biết truyền đúng toàn bộ mệnh lệnh. Như vậy, nhờ có các phương tiện giao tiếp
hiện đại, bộ máy nhà nước đã được cơ giới hóa và tạo nên những kết quả quan trọng
khác: 1. Bãi bỏ được tính chậm chạp và quan liêu, trong hoạt động và trở nên
linh hoạt hơn. 2. Bộ máy trở nên dễ điều khiển và làm việc tốt hơn. Chúng ta
hãy lấy ví dụ về vụ ám sát hụt trong ngôi biệt thự lớn của Hitler ở miền đông
Pruxia. Staufenbert quay trở lại Berlin bằng máy bay và thông báo với những người
âm mưu đảo chính là Hitler đã chết. Một số người nghi ngờ muốn xác định lại sự
thật về cái chết của Thống lĩnh để quyết định hành động. Nhờ có radio, chỉ 2 giờ
sau vụ ám sát hụt, Hitler đã phát biểu trên đài phát thanh và những người đảo
chính hết nghi ngờ. Nếu không có radio như phương tiện thông tin nhanh chóng
thì dù Hitler còn sống, binh lính ở Berlin đã có thể khởi nghĩa. Tất nhiên, đây
không phải là nguyên nhân thất bại căn bản của cuộc đảo chính, nhưng nó đã tạo
nên khả năng có thể xử sự kịp thời, mà trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, điều đó có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tóm lại, hoàn toàn không phải phóng đại khi khẳng
định, chuyên chính phát xít là con đẻ của xã hội công nghiệp. Kỹ thuật hiện đại
của thế kỷ XX không chỉ là hoàn thiện nền chuyên chính, mang lại cho nó những
công cụ tinh vi, mà còn tạo nên những cơ sở mà nếu thiếu chúng, nhà nước phát
xít không thể được hình thành trên phương diện kỹ thuật. Không có radio, điện
thoại, điện tín và phim ảnh, thì những đặc thù quan trọng sau đây của nhà nước
độc tài trở nên không tưởng: tuyên truyền mang tính quần chúng và tổng thể, do
thám tổng thể, cơ giới hóa bộ máy nhà nước, xây dựng và chỉ huy quân đội chính
quy, cơ động. (Hết Phần III) Phần IV: SỰ TAN RÃ CỦA NHÀ NƯỚC PHÁT XÍT 1/ Sự
tách rời của đảng phát xít khỏi nhà nước: Không thể xây dựng được chế độ phát
xít hoàn chỉnh, nếu không có sự thống trị chính trị tuyệt đối của đảng phát
xít, cũng như không thể tiêu diệt được sự thống trị này nếu đảng phát xít không
bị tách rời khỏi nhà nước. Bằng cách nào để thực hiện được điều này - theo con
đường chiến tranh như ở Ðức và Italia, hay theo con đường hoà bình như ở Tây
Ban Nha - là vấn đề phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trong mọi trường hợp,
nếu không có sự tách rời của đảng phát xít khỏi nhà nước này, thì không thể thực
hiện bước chuyển đổi từ chuyên chính một đảng quyền đến nền dân chủ tư sản truyền
thống với cơ cấu đa đảng, với những quyền tự do chính trị và tự do công dân ( tự
do ngôn luận, ấn loát, lập hội, lao động, nơi cư trú ...) Tại Tây Ban Nha, quá
trình này diễn ra trong những điều kiện hoà bình, do những biến đổi mang tính
quy luật của các mâu thuẫn bên trong. Do đó "phương án Tây Ban Nha"
mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó thể hiện bước chuyển tiếp thuần chất từ chế
độ phát xít đến nền tự do dân chủ, không bị ảnh hưởng của ngoại cảnh như ở hai
trường hợp của Ðức và Italia, những ngoại cảnh đã làm biến dạng đáng kể logic
khách quan của các sự kiện, làm mất tính chính xác và triệt để. Hơn thế nữa, những
biến động quân sự điên cuồng vào Chiến Tranh Thế Giới Thứ II đã không cho phép
những quá trình đó diễn ra trọn vẹn. Chúng chỉ sống dậy trong khoảnh khắc hoặc
bị giữ lại ở dạng phôi thai vì thiếu thời gian hoặc những điều kiện cần thiết,
thật khó có thể đoán trước sự tan rã của đảng phát xít sẽ diễn ra thế nào sau
khi nó bị cách ly và tách rời khỏi nhà nước. Thí dụ, tại Tây Ban Nha, chúng ta
có thể quan sát chính xác được diễn biến của quá trình này, chậm chạp nhưng
không thể tránh khỏi, bắt đầu phát triển từ sau năm 1955. Những cán bộ Falanga
dần dần bị sa thải khỏi các cơ quan đầu não của nhà nước và đảng này mất dần ảnh
hưởng đối với nhà nước. Nhà nước không còn là sở hữu riêng của Falanga. Sự thống
nhất giữa nó và nhà nước bị phá vỡ và đảng này mất dần nhựa sống. Vào năm 1956,
Areze, đương kim Bộ Trưởng, Bí Thư Ðảng Falanga, lo lắng báo cáo với Hội Ðồng
Dân Tộc (Ban Lãnh Ðạo Trung Ương Ðảng) rằng đảng này chỉ còn chiếm 5% trong các
cơ quan đầu não của nhà nước, và đề nghị phục hồi lại vị trí trước đây của
Falanga. Vì yêu cầu này, Areze bị Franco sa thải. Vào năm 1957, sau khi chuẩn bị
đầy đủ điều kiện, tướng Franco thực hiện một bước ngoặt quan trọng quyết định từ
chế độ phát xít đến nền chuyên chính quân sự. Franco chuyển chỗ dựa của mình từ
đảng Falanga sang giới quân sự và lực lượng cánh hữu của nhà thờ Thiên Chúa
Giáo được tập trung trong tổ chức Opuxdei. Falanga không còn được xem là chỗ dựa
chính trị quần chúng tin tưởng của chế độ như mấy chục năm trước đó. Một mặt, đảng
này đã bị thoái hoá về chính trị - tinh thần vì những quan hệ với đảng quốc xã
Ðức và đảng phát xít Italia, đến mức bản thân tên gọi "Falanga"bị xem
như điều xấu hổ và sỉ nhục. Vì vậy chính phủ phải đổi tên cho Falanga thành
" Phong Trào Dân Tộc ". Mặt khác, Falanga trong quá trình tan rã đã
đánh mất ảnh hưởng của mình và quần chúng đảng viên liên tục rời xa nó. Nếu như
trước đây, theo nhân chứng của Aibl Plen, đảng này có tổ chức tại mọi làng, bản,
thì ngày nay nó đã bị mất phần lớn những cơ quan đảng đầu tiên của mình: trong
9 nghìn làng ở Tây Ban Nha có tới 5-6 nghìn làng không còn tổ chức của đảng
này. Việc cách ly dần dần của Falanga khỏi các cơ quan nhà nước được thể hiện
rõ ràng nhất trong hai lần cải tổ nội các chính phủ. Trong cuộc cải tổ lần thứ
nhất (vào năm 1962) số lượng các tướng lĩnh tăng từ ba người lên bảy người, đồng
thời Franco sa thải một loạt các phần tử của đội cận vệ Falanga cũ, trong đó có
Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Thành Phố và Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Ariax Xalgado. Hoxe
Garxia đã viết về cuộc cải tổ nội các này như sau: "Trong 18 bộ của chính
phủ cũ có tới 8 bộ bị thay đổi. Trong chính phủ năm 1957, Falanga giữ ba bộ
chính thức thì nay chỉ còn một bộ. Phần lớn các bộ trưởng là những đại diện của
tổ chức Opux Dei, ngoài ra trong chínhd phủ còn được bổ sung thêm năm tướng
lĩnh và hai thuỷ sư đô đốc. Ðiểm dặc biệt nhất là trong chính phủ mới, Ðại Tướng
Munox Grandec được bổ nhiệm chức Phó Thủ Tướng chính phủ. Cựu chỉ huy Quân Ðoàn
Xanh trở thành người lãnh đạo nhà nước thứ hai sau Franco". Cuộc cải tổ nội
các lần thứ hai vào năm 1965 cũng nhằm đánh vào Falanga. Franco tăng ảnh hưởng
của giới tư bản tài chính; các Bộ Trưởng mới gồm :Bộ Trưởng Tài Chính Huxi Hoxe
Expinoxa - phần tử tích cực của Opux Dei, Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Fauxtino
Garxia Minho - cũng thuộc tổ chức Opux Dei và có mối quan hệ chặt chẽ với các
nhà băng, Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Adolfo Ambrona - một đại địa chủ, Bộ Trưởng
Bộ Tư Pháp Atonio Maria Orion Urkito - một trong những đại diện có thế lực nhất
của giới tư bản tài chính Tây Ban Nha. Những thực tế này cho thấy, chế độ
Franco thực sự đã thay đổi chỗ dựa cơ bản của mình, bằng cách chuyển từ Falanga
sang bộ phận quân sự của giới tư bản tài chính. Ðồng thời những thực tế này
cũng chỉ ra sự tan rã và đổ vỡ của nền chuyên chính, bởi vì chỗ dựa cơ bản của
nó - Falanga, đảng điều hành và chỉ huy đất nước - đã bị thay thế. Tách đảng
phát xít ra khỏi nhà nước, tức là phá vỡ chỗ dựa căn bản của nhà nước độc tài,
và tiếp theo đó, nhà nước này sẽ không tránh khỏi bị sụp đổ hoàn toàn. Ðảng
Phát Xít là nhà thờ của nhà nước độc tài phát xít, nó đánh giá tư tưởng chính
trị cho mọi biểu hiện trong nhà nước này. Ðây không phải là sự so sánh ngẫu
nhiên, mà xuất phát từ sự tương ứng sâu sắc giữa nhà nước phát xít thế kỷ XX và
nền phong kiến thời Trung Cổ. 1. Nếu như nền quân chủ phong kiến lấy nhà thờ
làm chỗ dựa tư tưởng thì nhà nước phát xít cũng có chỗ dựa tư tưởng là đảng cầm
quyền độc đoán. 2. Nếu nhà thờ là đại diện cho tinh thần phản động trong nhà nước
Trung Cổ, thì đảng phát xít cũng là đại diện cho tinh thần phản động trong nhà
nước độc tài. 3. Giống như nhà thờ Trung Cổ có cơ quan đặc biệt để theo dõi các
đối thủ tư tưởng và tà giáo dưới danh nghĩa Toà án Giáo Hội, đảng phát xít cũng
có cơ quan tư tưởng đặc biệt để chống lại những kẻ thù của "nhà nước và
dân tộc" trên danh nghĩa an ninh quốc gia và kiểm duyệt phát xít tổng thể.
4. Giống như nền quân chủ phong kiến dựa trên chính sách cưỡng ép kinh tế, cưỡng
ép chính trị, nền kinh tế của nhà nước phát xít cũng được củng cố trên chính
sách cưỡng ép chính trị thuần tuý: Trong cả hai trường hợp, người công nhân đều
bị xem là sở hữu của nhà nước và có nghĩa vụ phải phục tùng nhà nước. 5. Giống
như trong bước quá độ từ chế độ phong kiến đến xã hội tư sản, nhà thờ bị cách
ly khỏi nhà nước (điều mà mọi cuộc cách mạng tư sản vẫn làm), bước quá độ từ
chuyên chính phát xít đến nền dân chủ cũng đòi hỏi có sự tách rời của đảng độc
tài khỏi nhà nước. Ảo tưởng của một bộ phận trí thức quốc gia rằng, chế độ phát
xít sẽ tiến dần đến nền dân chủ không được thể hiện ở Italia cũng như ở Tây Ban
Nha. Kinh nghiệm cho thấy nhà nước phát xít không thể tự dân chủ hoá hay
"tự do hóa" (một thủ đoạn mà Franco thường tuyên cáo trong giai đoạn
cuối đời ông). Từ nhà nước phát xít đến nền dân chủ chỉ tồn tại một con đường
duy nhất - đó là sự sụp đổ của chế độ phát xít. Thời điểm quan trọng nhất trong
quá trình này là sự tách rời của đảng khỏi nhà nước và bước chuyển tiếp đến cơ
cấu đa dảng. 2/ Ðảng phát xít trở thành xu thế chống đối nhà nước: Ngay sau khi
bị tách rời khỏi nhà nước, đảng phát xit bắt đầu bị phân rã do những mâu thuẫn
bên trong. Sự thông nhất chính trị tinh thần trước đó (thống nhất tuyệt đối),
điều mà mọi đảng phát xít đều lấy làm tự hào giờ đây bị tan thành mây khói, thay
vào đó là những mối bất hoà, cạnh tranh nội bộ, bè phái, vây cánh. Ðây là lẽ
đương nhiên. Với việc tách rời khỏi nhà nước, đảng phát xít đánh mất những đòn
bẩy quan trọng nhất cho việc giữ gìn sự thống nhất trong đội ngũ của mình: quyền
được chia các vị trí nhà nước, cũng như bộ máy khủng bố, an ninh quốc gia,
thông qua chúng giới lãnh đạo đảng huỷ diệt mọi biểu hiện bất hoà trong đảng.
Trong cuộc sống nội bộ của đảng phát xít có một dấu hiệu đặc biệt là không tồn
tại những cuộc tranh chấp nội bộ. Ðảng phát xít đã từng thống nhất như một đội
quân. Ban lãnh đạo chỉ huy, còn các binh sỹ thi hành mệnh lệnh. Biểu hiện"
dân chủ" cao nhất trong các đảng phát xít là: đôi khi giới lãnh đạo thông
báo cho các cơ sở đảng cấp dưới về bước ngoặt chính trị nào đó. Và nếu giả sử ở
đâu đó xuất hiện những bất hoà trong đảng, thì giới lãnh đạo đảng và chính phủ
sẽ dùng bộ máy khủng bố để huỷ diệt ngay lập tức. Trước đây giới cầm quyền
Falanga thực hiện vấn đề này thông qua công an của đảng và nhóm trừng phạt. Tất
cả những lực lượng này đều do nhà nước cai quản. Giờ đây, sau khi đã mất quyền
điều hành nhà nước, Falanga không còn những công cụ để giữ gìn bộ máy khủng bố
của mình. Nó không còn có quyền chia địa vị, giúp dỡ và trợ cấp để giữ cơ sở xã
hội rộng rãi và tin tưởng của mình. Falanga trở thành một đảng chính trị thông
thường, bắt buộc phải giải quyết mọi mâu thuẫn nội bộ bằng tranh luận và bàn bạc
công khai. Sau khi bị tước bỏ những ưu ái vật chất và tinh thần của chính quyền,
Falanga bắt buộc phải trở thành xu hướng đối lập với nhà nước để tự bảo vệ mình
như một lực lượng chính trị. Trước đây nó có chỗ dựa xã hội thông qua nhà nước
(chia địa vị, chia lợi ích ...) thì giờ đây Falanga chỉ có thể đặt niềm tin vào
quần chúng với lòng căm thù chính quyền hiện hành. Nhưng để có thể tìm được chỗ
dựa trong quần chúng, Falanga trong chừng mực nào đó phải trở thành đại diện
cho tinh thần chống đối nhà nước của họ, nghĩa là phải trở thành xu hướng đối lập
công khai với nhà nước. Ðó là con đường của Falanga từ một đảng cầm quyền độc
đoán chuyển thành một đảng đối lập. Hoxe Garxia viết: "Một bộ phận của
Falanga trong thời gian đầu đã từng cộng tác với Franco, nay tự rời bỏ chế độ
và trở thành xu hướng đối lập."Quần chúng "của Falanga thụ động quan
sát cuộc đấu đá trên thượng đỉnh và có cảm tình với những người chuyển sang xu
hướng đối lập. Như vậy đa phần các đảng viên Falanga cuối cùng đã trở thành những
đối thủ của nền độc tài Franco, thành những người tiên phong của "đổi mới",
"cải cách", "tự do", với mục đích thay chế độ Franco bằng một
chế độ khác, phản ánh được "quyền lợi dân tộc". Falanga trở nên không
cần thiết cho tướng Franco và ông ta đã chia tay với nó không chút tiếc rẻ".
Mặc dù tất cả những mâu thuẫn nội bộ với nhiều xu hướng và phe phái khác nhau,
Falanga vẫn thống nhất trong một vấn đề: đó là lòng căm thù đối với nhà nước
Franco trong thời kỳ sau. Các đảng viên Falanga đều công kích chế độ một cách
có hệ thống, không phụ thuộc là cánh tả hay cánh hữu, xu hướng tiến bộ hay bảo
thủ. Sau đây là lời công kích của Luix Gonxalex Vixen, một trong những thủ lĩnh
có uy tín nhất của những người Falangist cánh tả, cựu đội trưởng đội cận vệ của
Franco: "Trong đảng Falanga, những mầm mống của "phong trào"
không còn nữa. Có thể khẳng định rằng Falanga và "phong trào" là đồng
nghĩa, điểm khác biệt duy nhất là chúng có những sách lược không giống nhau. Những
nhóm mạnh nhất đã từng nắm giữ trong tay mọi quyền lực của Tây Ban Nha tự xem
mình là đại diện cho các lực lượng cánh hữu và giới tư sản. Do đó đương nhiên
chúng có xu hướng bài bác những quan điểm tự do và những nguyên tắc tiến bộ của
Falanga trong lĩnh vực kinh tế". Kết quả là hiện tại Tây Ban Nha tồn tại
hai xu hướng khác biệt : một bên là những người Falangist mong muốn tự do và
cách mạng kinh tế xã hội, và một bên là "phong trào" bao gồm các lực
lượng cánh hữu cố tình gây trở ngại cho sự tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế. Các
lực lượng cánh hữu Tây Ban Nha có hai mục đích: chúng đã và sẽ làm rối loạn,
chia rẽ phong trào cách mạng - phong trào có ý định làm cuộc cải cách kinh tế
trong nước, đồng thời chúng tuyên bố chống lại những tư tưởng có thể dẫn đến việc
cấu thành các quyền tự do". L.Gonxalex Vixen thực chất là muốn phục hồi lại
đảng Falanga " thực sự" trước đây từ thời Hoxe Antonio Primo De
Rivera (người sáng lập Falanga) mà trong cương lĩnh từng có một vài xu hướng chống
tư sản. Ðây là một tham vọng hão huyền vì sau một phần tư thế kỷ cộng tác với
nhà nước, Falanga đã bị thoái hoá trầm trọng và không thể còn phục hồi lại trên
cơ sở chính trị tư tưởng thuần chủng ban đầu. Ðiều lý thú ở đây là sự dối lập
và lòng căm thù của những người Falangist cánh tả. Sự đối lập này còn được thể
hiện rõ ràng hơn trong một bài báo khác cũng của Vixen : "Chúng ta chống lại
mọi chính phủ độc tài, và ngẫu nhiên chúng ta chống lại chính phủ, với chiêu bài
củng cố nền kinh tế đất nước đã làm cho những giai cấp nghèo khó nhất càng trở
nên bần cùng hơn". Xu hướng đối lập của những người Falangist cánh tả đôi
khi sử dụng cả những cách thức gay gắt và liều lĩnh. Trong lễ tưởng niệm người
sáng lập Falanga, một người tên Hoxe Ramon Alonxo Urdialex đã hét thẳng vào mặt
Franco :"Ðồ phản bội!" và vì thế bị tuyên án 12 năm tù trong ngục tối.
Nhà báo Falangist, Antonio Himenex Pericax, bị tuyên án 10 năm ngục tối. Anh
sinh viên Hoxe Antonio Xantrex Maxax Ferloxio, con trai của một trong những người
sáng lập Falanga tên là Xantrex Maxax, bị ra toà vì ""tuyên truyền bí
mật". Labade Otermin, một trong những đại diện của Ðội Cận Vệ Falanga trước
đây, thành viên Hội Ðồng Dân Tộc Falanga và đã nhiều năm là toàn quyền vùng Axtuaria,
tuyên bố chống lại các tổ chức công đoàn quốc gia rằng: "chúng đã đánh mất
vai trò và ý nghĩa của mình, đã bị chuyển thành công sở của chính phủ, bị chính
phủ sử dụng như những công cụ chính trị và không còn thể hiện được nguyện vọng
của các tầng lớp lao động". Ðồng thời Labade Otermin đề nghị cái tổ các tổ
chức công đoàn sao cho "đường lối bầu cử thay thế cho đường lối áp đặt
chính trị hiện hành". Ngoài những công kích cá nhân nói trên, những người
Falangist đặc biệt là cánh tả, đã kết hợp với công nhân tổ chức tuần hành, biểu
tình tập thể. Trong cuộc diễu hành nhân kỷ niệm ngày 1-5 của giai cấp công nhân
vào năm 1963, xu hướng công đoàn đối lập nhận thấy: "Tại một vài nơi có cả
những người Falangist cánh tả tham gia, những người đang tự cảm thấy xa rời chế
độ". " Những người Falangist cánh hữu" công khai công kích chính
phủ. 52 người bao gồm cả chủ tịch" Hội Nghiên Cứu Hoxe Antonio" và 7
nghị sĩ đã gửi thư cho Hoxe Xolix Ruix trong đó có đoạn viết: "Trong sáu
năm gần đây, chính sách của chính phủ đã khiến những người công nhân không còn
phục tùng nữa, đã không trao cho họ công cụ nào khác ngoài việc nổi loạn, kết
quả là Tây Ban Nha và toàn thế giới biết được sự bất bình đối với nền chính trị
này". 3/ Sự tan rã của hệ thống tổ chức quần chúng quốc gia: Sau đảng
Falanga, hệ thống tổ chức quần chúng quốc gia không còn phải chịu sự chỉ đạo và
kiểm soát chính trị cũng bắt đầu tan rã. Sự tách rời của đảng phát xít khỏi nhà
nước và đặc biệt là lòng căm thù của nó đối với chế độ đã nhanh chóng vạch trần
bản chất phản bội giai cấp công nhân của các "nghiệp đoàn thăng tiến".
Sụp đổ toàn bộ vỏ bọc tư tưởng, được Falanga xây dựng công phu suốt mấy chục
năm trời với mục đích duy nhất là để che dấu bản chất và vai trò thực sự của
""các nghiệp đoàn thăng tiến". Các tổ chức này cũng bắt đầu xa rời
và tuyên bố chống lại nhà nước. Trước đây trong quá trình phát triển, nhà nước
phát xít đặt các tổ chức quần chúng dưới sự kiểm soát của mình và biến chúng từ
chỗ là vũ khí của giai cấp công nhân thành vũ khí chống lại chính giai cấp này.
Giờ đây một quá trình ngược lại đang diễn ra: khi tách rời và chống lại nhà nước
tư sản, các tổ chức công đoàn lại trở thành vũ khí của những tầng lớp lao động,
và nhà nước bắt buộc phảỉ dùng quân đội và cảnh sát để đàn áp. Quá trình này rất
đa dạng, từ biểu tình, đến hội họp chính trị, đến việc thành lập những tổ chức
quần chúng mới. Xu hướng cơ bản là xoá bỏ những nguyên tắc của các tổ chức quốc
gia, xây dựng những tổ chức quần chúng mới của các tầng lớp lao động và thanh
niên dựa trên những nguyên tắc dân chủ và hoàn toàn tự nguyện. Thí dụ, tổ chức
nghiệp đoàn thanh niên SEU được Falanga thành lập từ năm 1936 và là tổ chức
công đoàn phát xít bắt buộc của sinh viên Tây Ban Nha. Những yêu sách không đổi
trong các cuộc biểu tình của sinh viên từ năm 1956 - 1957 là : Xoá bỏ SEU và
thành lập những tổ chức công đoàn tự do, phục hồi quyền tự trị của các trường đại
học và trả lại quyền tự do chính trị, tự do công dân cho đất nước". Vào cuối
năm 1964, rất nhiều tổ chức sinh viên từ bỏ SEU". Các tổ chức sinh viên từ
bỏ SEU và thống nhất lại với nhau trong Ðại Hội Sinh Viên Tự Do, và trong quá
trình đấu tranh, tổ chức này được hình thành như một phong trào thanh niên dân
chủ mới. Ðại hội sinh viên lần thứ tư vào đầu năm 1965 đã ra thông cáo và đồng
thời cũng là cương lĩnh của phong trào sinh viên mới: a/ Quyền tự do công đoàn,
tức là thành lập tổ chức công đoàn tự chủ, dân chủ, đại diện, tự do và độc lập,
không chịu bất kỳ một sự áp đặt chính trị hay tinh thần nào. b/ Ðại ân xá cho tất
cả sinh viên đang bị theo dõi, bị phạt hoặc bị tù đày. c/ Tự do tư duy trong
các trường đại học. d/ Tự do lập hội trong các trường đại học. e/ Ðoàn kết với
các tầng lớp lao động đang đấu tranh cho những yêu sách dân chủ tương tự. Ngày
27-2-1965 trong một cuộc họp trên giảng đường của trường đại học tổng hợp
Madrit, Ðại Hội Sinh Viên lần thứ tư tuyên bố là: "Tổ chức đại diện cao nhất
của phong trào sinh viên dân chủ và độc lập". Tất cả những cuộc biểu tình,
bãi khoá hay tuần hành đều được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Ðại Hội Sinh
Viên. Ngày 2-3-1965, tức là ngày lễ của sinh viên, theo quyết định của Ðại Hội
Sinh Viên lần thứ tư, hàng nghìn sinh viên ở Madrit đã biểu tình chống lại sự
khủng bố và chiến dịch bài bác của cơ quan ấn loát Falanga. Trước trụ sở toà soạn,
sinh viên xé nát và chà sát trên mặt đường những tờ báo chính thức của Falanga.
Cảnh sát vũ trang đã can thiệp để giải tán cuộc biểu tình này. Các sự kiện tiếp
tục diễn ra. Tại Barxelona ngày 22 và 23-3-1965, Hội Nghị Sinh Viên Dân Tộc lần
đầu tiên được triệu tập, bao gồm đại diện sinh viên của các trường đại học ở
Madrit, Barxelona, Bilbao, Xalamarc ... Ðó là các đoàn đại biểu của những trường
đại học đã tuyên bố từ bỏ SEU. Họ đã thông qua tuyên ngôn trong đó nhấn mạnh rằng:
"Đối với sinh viên, SEU đã chết từ lâu". Ðồng thời thông qua tuyên bố
về những nguyên tắc cho cấu trúc tổ chức của Công Ðoàn Sinh Viên Dân Tộc Ðộc Lởp
Dân Chủ và Tự Do. Chính phủ Franco bắt buộc phải công nhận sự phá sản của SEU.
Ngày 2-4- 1965, Hội Ðồng Bộ Trưởng thông qua cái gọi là "Sắc Lệnh Hiện Thời
Về Những Hiệp Hội Công Ðoàn Sinh Viên". Mục đích của nó là xoá bỏ tên gọi
xấu xa, hình thức công nhận ban lãnh đạo của các hiệp hội sinh viên từ trên xuống
dưới và thử bảo vệ hệ thống kiểm soát của chính phủ đối với toàn bộ các tổ chức
sinh viên. Tất nhiên, các tổ chức sinh viên tự do đã bác bỏ hoàn toàn sắc lệnh
nói trên của chính phủ, và trên thực tế lúc này, tại các trường đại học Tây Ban
Nha, song song với SEU "đã chết" tồn tại các hiệp hội công đoàn sinh
viên độc lập - dân chủ - tự do, thể hiện quyền lợi cho các sinh viên. Những sự
việc tương tự cũng xảy ra đối với xu hướng công đoàn đối lập. Song song với các
"nghiệp đoàn thăng tiến" mà nhà nước cưỡng ép công nhân phải tham
gia, giai cấp công nhân trong các công đoàn quốc gia tự lựa chọn "Hội Ðồng
Công Nhân" của mình. Các tổ chức này thể hiện quyền lơi thực sự cho họ, hoạt
động trên danh nghĩa của họ khi cần phải cô lập ban lãnh đạo ép buộc trong thời
gian bãi công, tẩy chay hay biểu tình chính trị . Theo quan điểm nhà nước, những
Hội Ðồng Công Nhân này là bất hợp pháp. Nhưng khi những Hội Ðồng Công Nhân tổ
chức và lãnh đạo những cuộc bãi công lớn, các chủ nhà máy và chính quyền bắt buộc
phải đối thoại với chúng và như vậy trên thực tế đã phải công nhận các tổ chức
này là đại diện cho giai cấp công nhân. Khi nói về sách lược của những Hội Ðồng
Công Nhân trong những năm 60, X.Garxia đã đưa ra những nhận xét rất chính xác:
"Giai cấp vô sản Tây Ban Nha đã tìm được công cụ hữu hiệu để thay thế những
tổ chức công đoàn phát xít bằng các tổ chức của mình và đấu tranh bắt chế độ phải
công nhận chúng như "sự đã rồi". Ðây là một trong những thắng lợi
quan trọng của giai cấp công nhân Tây Ban Nha. Nhờ có những Hội Ðồng Công Nhân
này, xu hướng công đoàn đối lập không cần được công nhận chính thức đã không còn
phải hoạt động bí mật". Xantiago Carilo, Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Tây Ban
Nha lúc bấy giờ trong tác phẩm Sau Franco - Hướng đi nào? đã đạt rất nhiều hy vọng
vào những Hội Ðồng Công Nhân này như vũ khí của giai cấp công nhân để tiêu diệt
hệ thống nghiệp đoàn: "Các nghiệp đoàn thăng tiến đang trong cơn hấp hối.
Bằng những Hội Ðồng của mình, giai cấp công nhân đã tạo điều kiện để xây dựng
những tổ chức công đoàn dân chủ, thống nhất, tự do và độc lập, nhằm bảo vệ quyền
lợi của giai cấp công nhân và đấu tranh vì một xã hội không có người bóc lột
người". Xu hướng công đoàn đối lập trên thực tế đã chứng minh rằng, nó là
người lãnh đạo thực sự của giai cấp này. Xu hướng công đoàn đối lập đã chịu
trách nhiệm lãnh đạo các cuộc bãi công lớn vào những năm 1957,1958, 1961 - 1962
và đặc biệt vào năm 1964, bắt buộc chính phủ phải dùng cảnh sát và quân đội để
trấn áp. Thực chất, ý nghĩa của cuộc đấu tranh nhằm chuyển hoá các tổ chức công
đoàn quốc gia thành vũ khí của các tầng lớp lao động chống lại nhà nước, được
thể hiện rõ ràng nhất trong yêu sách của sinh viên Madrit: " Cho đến nay,
SEU là đại diện cho chính phủ trước sinh viên. Chúng tôi muốn những tổ chức
công đoàn của chúng tôi đại diện cho sinh viên trước chính phủ". 4/ Chuyên
chính quân sự - bước quá độ từ chế độ phát xít đến nền dân chủ: Trong những năm
50 và 60, trên thực tế Tây Ban Nha đã trải qua giai đoạn tan rã của nhà nước
phát xít khi nó đánh mất chỗ dựa xã hội quần chúng của mình và những đặc thù
quan trọng nhất: đảng phát xít và các tổ chức quần chúng. Lúc này nhà nước phát
xít đã bị chuyển đổi thành nền chuyên chính quân sự thông thường, dựa chủ yếu
vào cảnh sát và quân đội. Rõ ràng, để chống lại các cuộc bãi công và biểu tình
lớn trong thời gian này, chính phủ chỉ còn biết dùng cảnh sát và quân đội, vì không
còn công cụ nào khác. Một nước trong đó cho phép có thể tổ chức bãi công hay biểu
tình thì không còn có thể xem là nhà nước độc tài theo ý nghĩa chính xác của từ
này. Nhà nước độc tài phát xít nắm trong tay những công cụ để không chỉ có thể
tiêu diệt mọi mầm mống chống đối, mà còn hoàn toàn không cho phép tổ chức bất kỳ
một cuộc biểu tình nào. Do đó trong nhà nước độc tài thực sự hoàn toàn không tồn
tại những khả năng chống đối, đến mức xuất hiện những ảo tưởng rằng không có
người bất bình với chế độ, vì không có ai dám đứng lên đấu tranh. Lý do không tồn
tại những điều kiện cho đấu tranh đã giải thích tất cả những điều này. Tờ báo
tư sản Stampa số ra ngày 18-7- 1922 đã tiên đoán rất chính xác về nền chuyên
chính phát xít tương lai như sau: "Chủ nghĩa phát xít - đó là phong trào
nhằm xử dụng mọi công cụ hợp pháp và bất hợp pháp để điều khiển nhà nước và bắt
toàn bộ dân tộc phải phục tùng, để thiết lập quyền chuyên chính vô hạn và không
thể tách rời của mình. Phương tiện căn bản để dạt được những mục đích này, theo
cương lĩnh và tinh thần của các thủ lĩnh và những kẻ ủng hộ tích cực là huỷ diệt
triệt để mọi quyền tự do công dân và tự do cá nhân, nói cách khác - huỷ diệt mọi
quan điểm và mọi thành quả tự do của Rixodjiment - Ytalia. Khi nền chuyên chính
này đã được thiết lập bền vững đến mức chỉ có thể tồn tại những suy nghĩ, hành
động và lời nói xuất phát từ tinh thần phục tùng và hy sinh vô điều kiện cho chế
độ phát xít, khi đó chế độ sẽ tạm dừng những hành động khủng bố vì lúc này
không còn đối tượng cho chúng. Nhưng chế độ vẫn giữ những quyền này và bất kỳ
những thời điểm nào cũng có thể áp dụng trở lại nếu xuất hiện những dấu hiệu chống
đối." Ytalia và Ðức đã khẳng định toàn bộ những lời tiên đoán trên về chủ
nghĩa phát xít, được nói ra ngay từ buổi bình minh của nó, đúng đến từng chi tiết.
Tại đỉnh cao nhất của quá trình phát triển, chúng đã đạt được nền chuyên chính
triệt để, đến mức trên thực tế không tồn tại những biểu hiện đối kháng. Tình tiết
rằng, trong những năm 50 và 60, nhà nước phát xít Tây Ban Nha thường xuyên phải
chống lại các cuộc bãi công, biểu tình hay tuần hành, không có nghĩa là khủng bố
được tăngcường, mà chỉ đơn giản là nó đã trở nên rõ ràng hơn trước mắt đại
chúng. Ðiều này chứng tỏ đã có những điều kiện để tổ chức đấu tranh chống lại
nhà nước và nhà nước bắt buộc phải ngày càng lộ rõ bản chất phản bội giai cấp
công nhân và phi dân chủ của mình. Ðôi khi ở nền chuyên chính quân sự, khủng bố
có thể mang những hình thức tàn khốc nhưng nó không bao giờ đạt được mức độ
toàn diện và tổng quát như trong chế độ phát xít. Nếu nhà nước độc tài có thể đồng
thời và một cách hệ thống xử dụng khủng bố tư tưởng (thông qua tuyên truyền độc
đoán và giáo dục), chính trị (thông qua hệ thống tổ chức quần chúng) và cảnh
sát quân sự, thì trong giai đoạn chuyên chính quân sự nhà nước chỉ còn có thể
dùng hình thức khủng bố sau cùng. Chuyên chính quân sự bị cả xã hội liên tục tấn
công thông qua các tổ chức quần chúng, và để bảo vệ mình chế độ bắt buộc phải xử
dụng lực lượng khủng bố. Chúng ta hãy lấy một thí dụ minh hoạ đặc trưng cho
giai đoạn mới này của nhà nước độc tài. Một năm sau cái chết của Hulian Grimau,
xung quanh tên tuổi của thiếu tá Manuel Fernandex Martin, người buộc tội chính
trong vụ án này đã dấy lên một vụ kiện lớn. Người ta phát hiện ra là Martin
không có bằng luật học, mà theo điều 63 của luật quân sự thì thì bắt buộc phải
có. "Tất cả những điều này được phát hiện một cách ngẫu nhiên. Sau vụ án của
Hulian Grimau, Martin tham gia một phiên toà dân sự xử một vị tướng. Vị tướng
này đã "tự ái" và nói thẳng là Martin không có bằng luật học. Ngay
sau đó Martin đi thẳng đến trường đại học tại Xevilia với hy vọng là sẽ nhận được
bằng, nhưng Khoa Trưởng Luật Học đã từ chối thẳng thừng và không đưa bằng cho kẻ
mạo nhận này. Vụ kiện này đã gây nên làn sóng bất bình trong giới luật học và
các luật sư ở Madrit, Barxelona và trong quân đội. Nhưng chính quyền Franco từ
chối không xét lại vụ án của Hulian Grimau và những vụ án khác mà Martin đã từng
tham gia xét xử". Những sự kiện tương tự liệu có thể xảy ra trong chế độ
phát xít không? Chắc chắn trong những trường hợp như vậy, đảng phát xít sẽ ra lệnh
cho Khoa Trưởng Luật phải cấp bằng luật sư cho thiếu tá Martin, vì người này đã
từng tham gia xét xử tới bốn nghìn vụ án chính trị và rõ ràng đã có những cống
hiến không nhỏ cho đảng phát xít. Một thí dụ khác cũng trong giai đoạn này là,
việc ra đời bản tuyên bố của 1160 nhà trí thức có tên tuổi nhất ở Tây Ban Nha
nhằm bảo vệ các tù chính trị. Trong nhà nước độc tài không bao giờ có được những
sự kiện tương tự. Vì chỉ sử dụng khủng bố thể chất, chuyên chính quân sự trên
thực tế chỉ dựa vào một lá bài duy nhất, và nếu mất lá bài này nó sẽ không
tránh khỏi đổ vỡ. Bởi thế trên quan điểm chính trị, nền chuyên chính quân sự có
thể xem như một chế độ bi quan, không hy vọng và tất yếu sẽ bị diệt vong, đặc
biệt khi nó là kết quả trong quá trình tan rã của nhà nước phát xít. Bản thân
chính sách chính trị "tự do hoá" mà chính phủ Franco tuyên cáo là bằng
chứng không thể chối cãi của quá trình tan rã này. Nhà nước độc tài phát xít
không thể tự do hoá và dân chủ hoá mà không bị tan rã. Từ chế độ này đến nền
dân chủ chỉ có một con đường duy nhất - con đường tan rã, và chuyên chính quân
sự chỉ là giai đoạn quá độ, là bước chuyển tiếp trung gian. 5/ Xu thế dần tiến
tới cơ cấu đa đảng: Sự tan rã của chế độ phát xít và tác động kích thích của
các lực lượng đối lập không tránh khỏi dẫn đến việc phục hồi những vũ khí chính
trị quen thuộc trong xã hội: các đảng phái, những tổ chức và hiệp hội quần
chúng. Chúng là lối thoát tự nhiên cho nguồn năng lượng xã hội khổng lồ mà nhà
nước phát xít luôn giữ bên mình trong một thời gian dài, thông qua hệ thống
chính trị đặc thù của nó. Hoxe Garxia viết, trong giai đọan này tại Tây Ban Nha
" tồn tại nhiều đảng phái, những tổ chức công đoàn và thanh niên hơn cả thời
quân chủ và cộng hoà". Hơn bao giờ hết, tại Tây Ban Nha bắt đầu xuất hiện
hàng chục đảng phái và tổ chức từ mọi thành phần - cách mạng và phản cách mạng,
vô sản và tư sản, quân chủ và cộng hoà, thiên chúa giáo và nghiệp đoàn vô chính
phủ . Thành lập các liên hiệp của những đảng phái khác nhau và những phong trào
của các lực lượngchính trị riêng biệt. Ðây là quá trình khó khăn và phức tạp,
minh chứng trước hết cho những hoạt động tích cực của các lực lượng chống phát
xít bí mật và cho sự xuất hiện rất nhiều các đảng phái bán công khai. Nền
chuyên chính không còn đủ khả năng để ngăn cản được quá trình này". Những
đảng phái đáng kể xuất hiện trong thời gian này là: 1.Ðảng quân chủ Liên Hiệp
Tây Ban Nha thành lập năm 1959, đứng đầu là Hoahin Xatruxteti. 2.Ðảng Quân Chủ
Lập Hiến - muốn một chế độ quân chủ, thiết lập thông qua tuyển cử . 3. Ðảng
Hành Ðộng Dân Chủ . 4. Liên Hiệp Truyền Thống Dân Tộc Giữa Các Ðảng Quân Chủ -
đảng bảo thủ nhất, muốn có nhà vua điều hành đất nước với sự tham gia của nhân dân,
muốn phân chia công bằng thu nhập quốc dân. 5. Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa - Xã hội,
thành lập năm 1960. 6. Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa cánh tả . 7. Ðảng Hành Ðộng
Thiên Chúa. 8. Ðảng Thiên Chúa Dân Chủ . 9. Ðảng Hành Ðộng Cộng Hoà Vì Nền Dân
Chủ Tây Ban Nha thành lập năm 1959. 10. Ðảng Xã Hội Công Nhân Tây Ban Nha. 11.
Liên Hiệp Nghiệp Ðoàn Dân Tộc và Liên Hiệp Vô Chính Phủ Iberia. 12. Ðảng Cộng Sản.
Cùng với các đảng phái, một số lượng khổng lồ các tổ chức hiệp hội và các nhóm
xã hội cũng xuất hiện. Trong những năm 60 và đầu những năm 70 các tổ chức này
hoạt động dưới hình thức bán công khai mặc dù không công nhận sự tồn tại hợp
pháp của những tổ chức này nhà nước cũng không còn có thể huỷ diệt chúng để bắt
xã hội trở lại trạng thái trước đây. Xu thế của xã hội Tây Ban Nha về cơ cấu đa
đảng được thể hiện không chỉ ở số lượng khổng lồ các đảng phái chính trị, mà
còn cả trong cương lĩnh của những đảng này. Không một đảng phái chính trị nào,
kể cả những đảng quân chủ, còn mong muốn một cơ cấu đảng quyền. Bởi vì cơ cấu
này đã bị Franco làm tha hoá đến mức nếu một đảng nào còn có ý đồ đó, thì ngay
lập tức sẽ không còn những người ủng hộ. Cơ cấu một đảng quyền khiến người ta
liên tưởng đến nền chuyên chính phát xít, bởi vì đó là bước đầu tiên để xây dựng
nhà nước này. Bảo vệ tích cực nhất cho cơ cấu đa đảng là những người Thiên Chúa
Giáọ Giáo dân Himenex De Parga, giáo sư về quyền chính trị tại trường tổng hợp ở
Barcelona, công khai tuyên bố chống lại việc cấm đoán các đảng phái chính trị ở
Tây Ban Nha: " Theo bản chất của mình, con người là một thực thể quảng
giao nhưng hoạt động không đơn độc, mà nhờ các liên tưởng. Vì lý do này, các
quyền chính trị của con người trên thực tế được thể hiện dựa vào những liên tưởng
chính trị, và căn bản là thông qua các đảng phái chính trị .. .Nhưng đây không
phải là những liên tưởng được chính quyền và chính phủ tạo ra và các công dân
có thể hoặc bắt buộc tham gia. Ở đây muốn nói đến quyền được cấu thành những
liên tưởng như tthế, những liên tưởng mà bản thân các công dân cho là cần thiết
và hoàn toàn tự do, kể cả sự tồn tại, cũng như mục đích của chúng". Những
người Cộng Sản cũng bảo vệ quan điểm này, Xantiago Carilo viết: "Nhận thức
của chúng ta về nghị viện đương nhiên là đề xuất một cơ cấu đa đảng. Tuyên truyền
chính thức ở nước ta bài bác và phỉ báng cơ cấu đa đảng. Việc này không đáng để
cho chúng ta tranh luận: ý đồ của nó thật rõ ràng. Những người Tây Ban Nha
chúng ta đã có kinh nghiệm cay đắng về những gì xảy ra cho đất nước khi nguyên
tắc đa đảng bị huỷ diệt. Có thể nói rằng đây là bài học xương máu cho chúng ta.
Bất kỳ một chế độ nào đảm bảo được quyền tự do đảng phái thì dù với tất cả những
khuyết điểm của nó, vẫn nghìn lần tốt hơn chế độ hiện hành.Thậm chí với những yếu
điểm rõ ràng, các đảng phái vẫn là biểu hiện dân chủ trong đời sống chính trị của
một đất nước, vì chúng phản ảnh những quyền lợi và xu hướng đa dạng của các
giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau. Thậm chí cả những đảng phái mà ban lãnh
đạo phục tùng giới tư bản lũng đoạn, khi thành lập những phong trào quần chúng
rộng rãi, trên dư luận xã hội và trước các đảng viên, vẫn phải để ý ít nhiều đến
nguyện vọng của nhân dân. Mặt khác, sự tồn tại các đảng phái chính trị và công
tác tuyên truyền của chúng khiến đại công chúng quan tâm đến hay ít nhiều tham
gia vào đời sống của đất nước, nghĩa là chống lại cái mà chúng ta gọi là vô bản
sắc chính trị của nhân dân, điều mà giới tư bản lũng đoạn quan tâm và khuyến
khích". Theo Xantiago Carilo, cơ cấu đa đảng không chỉ cần thiết cho giai
đoạn sau Franco mà còn cho cả công cuộc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa: "Chúng
ta đã nói không chỉ một lần rằng ở Tây Ban Nha cơ cấu đa đảng là cần thiết cho
cả công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ðây không phải là sách lược chắp vá cho
đất nước chúng ta, mà là chiến lược tư duy tổng thể". Vấn đề này được xác
định từ tình tiết rằng,"ngày nay công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa không
chỉ là nhiệm vụ riêng biệt của giai cấp công nhân, mà còn là của những nhóm và
tầng lớp xã hội khác; tư tưởng cho luận điểm này là, ngày nay cùng với các lực
lượng Mác xít Lê Nin Nít, phản ánh thế giới quan của chủ nghĩa xã hội khoa học,
được thể hiện thông qua đảng cộng sản, còn tồn tại nhiều xu thế xã hội khác, được
phản ánh trong các đảng phái chính trị khác, mà sự cống hiến của chúng là tuyệt
đối cần thiết cho việc xây dựng một xã hội mới, không có người bóc lột người".
Ngay cả những "nghiệp đoàn thăng tiến", mặc dù thật ngượng ngùng cũng
tuyên bố chống lại một đảng quyền. Báo Pueblo vào tháng 2-1963 đã viết: "Một
đảng duy nhất không phải là phương án nhà nước tốt nhất, vì trong xã hội còn tồn
tại vô số những tư tưởng và ý niệm; cũng như phương án tồn tại một đảng phái vẫn
chưa phải là đúng đắn, vì sẽ dẫn đến hỗn loạn chính trị. Do đó cần thiết phải
có một giới hạn nhất định, trong đó những ý niệm khác nhau có thể ttồn tại trên
một hệ tư tưởng cơ bản. Bởi thế cần phải sử dụng cả những ưu điểm của độc nhất
và đa dạng". (Hết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét