Phạm Toàn
(Nhóm
Cánh Buồm)
Năm
1989, nhà văn Anh Justin Wintle là cây bút đầu tiên người nước ngoài được đến
thăm Việt Nam.
Nói
ông “được đến thăm” là một cách “chép Sử” thời đương đại khá trung thực, nếu ta
biết rằng Việt Nam mình thời đó vừa thoát ra khỏi cuộc chiến, và những thói
quen thời chiến vẫn còn sâu đậm; – trong tâm lý người bình thường, bất cứ người
nước ngoài nào nếu không là “ông bà Liên Xô” thì đều có thể bị coi là “gián
điệp”; – cũng tình trạng đó trong tâm lý những người trên mức bình thường không
thể không dẫn đến tình trạng một đất nước bế quan tỏa cảng; với những ai năm
nay ở tuổi 70 đến 90, điều đó chẳng lạ!
Justin
Wintle đã thăm Việt Nam, đã gặp gỡ rất nhiều người từ người bình thường đến
những người trên mức bình thường, và năm 1991, ông xuất bản tập sách nhan đề Romancing
Vietnam (Pantheon xuất bản lần đầu tháng 1 năm 1991) – dịch là
“Tiểu thuyết hóa nước Việt Nam” chắc là được nhỉ? Trong cuốn sách của ông có
một chi tiết liên quan đến chủ đề “nóng bỏng” mấy bữa nay kể từ cuộc “Hội thảo
Diên Hồng” về môn học Lịch sử, như nhiều tờ báo chạy tít. Chi tiết đó như sau.
Tác giả gặp một nhà Sử học Việt Nam, chính xác là giáo sư Trần Quốc Vượng. Giáo
sư than phiền nỗi Việt Nam thiếu tự do. Justin Wintle đã phản biện lại theo
cách rất Ăng-lê, “Ông nói không có tự do, nhưng ông có Viện Khảo cổ học đấy
thôi?”
Tôi
nhớ lại chi tiết này khi gần đây đọc được vô số phản ứng về chuyện “khai tử”
môn Lịch sử ở trường phổ thông, thậm chí trên báo mạng còn thấy xuất hiện khái
niệm rất là bi đát, “thời mạt sử”.
Một
vài khái niệm
Xin
được phép nhắc lại một vài khái niệm chính người viết bài này đã phát biểu (và
công bố trong một bài về nhà viết tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật).
Trước
hết ta có khái niệm Lịch sử. Lịch sử khác với Khoa học lịch sử, mà thường vẫn
được gọi tắt là Lịch sử, hoặc là Sử, hoặc là Sử học, và trong nhà trường cách
gọi tên còn tùy tiện hơn nữa: khi là Môn Sử, khi là Sử cộc lốc, khi lại là Lịch
sử (nhập nhèm giữa “cái” Lịch sử, với khoa học về “cái” Lịch sử đó).
Lịch
sử là một hiện tượng không biết nói, hoàn toàn không nói được, có thể gọi một
cách hình tượng là “thằng Câm”. Nó vốn không cất lời lên được, nó “nói” qua cửa
miệng kẻ khác, và khi đó, nó bị hai điều kiện khiến cho “thằng” Lịch sử trở
thành kẻ câm hoàn toàn: điều kiện khách quan chính là “thằng” Thời gian – thời
gian quá dài đã che khuất vô vàn tài liệu, mà ngay cả những chứng cứ khai quật
và đo đếm hết sức khoa học có khi cũng khai báo sai tới hàng nghìn năm tuổi.
Còn
yếu tố chủ quan là con người thì vừa khiến “thằng Lịch sử” khi thì bị câm, khi
thì khai báo sai lệch. Khi một “chuyện” gì đó xảy ra, người đời không kịp ghi
lại, rất nhiều khi còn không kịp hiểu. Do đó mà trong khi Lịch sử là một dòng
chảy tự nhiên chứa đựng những chuyện có thực của loài người, thì các nhà Sử học
ngay cả khi hành động “khách quan” nhất thì cũng thường chỉ có điều kiện bám
vào những sự kiện lịch sử nhất định để ghi lại, để phân tích theo nhận thức chủ
quan, sa đà vào những vùng sự kiện hợp khẩu vị, hợp với sở trường sở đoản, hợp
với quyền lợi riêng nữa, để trở thành nhà Sử học chân chính một cách tự nhiên,
hoặc để thành nhà Sử học có muốn chân chính cũng chật vật.
Nhiều
“thành tích nghiên cứu” kiểu ấy lại được chọn và đưa vào nhà trường, tùy theo ý
đồ và tùy theo cả cái gout, cái tasteriêng nữa. Thế
nên, nghệ sĩ Charles Chaplin trong “Tiểu sử tự viết” dù chỉ nói tâm
trạng của riêng mình, nhưng cũng vô tình nói được những “nhận thức chủ quan”
của những kiểu sử gia nào đó: “Giờ đây, nhà trường với tôi là đoạn khởi đầu
của những chân trời mới: lịch sử, thơ ca và khoa học. Nhưng [ . . . ]. Lịch sử
là một bộ lưu trữ tính ác và bạo lực, một sự liên tục các cảnh bầy tôi giết vua
còn vua thì giết hoàng hậu, giết anh em con cháu; [ . . . ]. Nền giáo dục đã
làm tôi hoang mang, vì các kiến thức và các sự kiện là những thứ tôi thật ít
quan tâm. (Ch. Chaplin, Autobiography, Penguin xuất
bản, 1962, trang 40).
Những
nghệ sĩ đau đáu chuyện đời không làm sử gia có cách của họ là làm ra những tác
phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử, ở đó chứa đựng những thông điệp gửi cho
người đời. Thông điệp của nghệ sĩ là một cách bổ sung, đôi khi uốn nắn, nhiều
khi chỉnh đốn cho những công trình “chủ quan” – hoặc thiếu khách quan hoặc
không thể đủ sức khách quan – của các Sử quan.
Tiểu
thuyết “Thiếp chàng đôi ngả” của Nguyễn Triệu Luật là một thông điệp về
mối lo mất nước vào tay quân xâm lược nhà Minh bên Tàu. Người chồng vốn là quý
tộc họ Trần báo cho vợ biết quyết định đổi họ theo họ Hồ để đoàn kết chống nguy
cơ ngoại xâm đang cận kề. Người vợ và chồng “thiếp chàng đôi ngả” từ đó. Chàng
ra trận. Chàng bị chết trận. Một tên giặc Tàu cũng chết trận. Ngòi bút tuyệt
vời Nguyễn Triệu Luật đã mô tả hai cái xác chết ấy bỗng vùng dậy đâm chém nhau
một lần cuối cho tới khi cả hai cùng gục xuống chết thêm một lần nữa. Dường như
trong tiểu thuyết này, Nguyễn Triệu Luật muốn mọi người không chỉ thấy “họ
Hồ chính sự phiền hà” và vì thế mà nên nhìn nhận những cải cách “phiền
hà” của họ Hồ sao cho khách quan hơn.
Tiểu
thuyết lịch sử “Chín mươi ba” của Victor Hugo lại mang một kiểu
thông điệp khác. Một mặt Hugo tiếp tục ca ngợi hùng khí của Cách mạng 1789 mà
năm 1793 là năm bi hùng nhất hạng. Tinh thần cực đoan của cuộc Đại cách mạng ấy
thể hiện trong việc ông giáo Cimourdain (một thầy tu trở thành chính ủy quân
cách mạng vô thần) dù hết lòng yêu học trò cũ Gauvain là tiểu đoàn trưởng dưới
quyền mình, vẫn tuyên án tử hình chàng sĩ quan trẻ về hành vi vô nguyên tắc đã
thả ông nội anh là hầu tước Lantenac. Sau khi tuyên án và thi hành án xử tử
hình Gauvain, Cimourdain đã rút súng tự vẫn, “và đôi linh hồn đồng điệu đau
thương ấy cùng cất cánh bay, bóng đen của linh hồn này hòa trong ánh sáng của
linh hồn kia». Tinh thần cực đoan ấy là Nhân đạo hết mực, Cách
mạng hết mực, Trách nhiệm hết mực, cho dù những giá trị Nhân đạo, Cách mạng và
Trách nhiệm nhiều khi như là không tương thích với nhau – thông điệp của nhà
văn V. Hugo là thế.
Thế
nhưng, ở nhà trường, học sinh không thể trông chờ vào tác phẩm nghệ thuật để có
những kiến thức chính xác, khoa học, và lắm khi đầy tồn nghi, thậm chí đầy mâu
thuẫn của những sự kiện lịch sử và những bài học lịch sử rút ra một cách trực
tiếp hoặc gián tiếp. Tác phẩm nghệ thuật (đề tài lịch sử) dù hấp dẫn đến bao
nhiêu cũng chỉ là những gợi cảm – trong khi Khoa học Lịch sử phải mang đến cho
học sinh những nhận thức không mập mờ. Khốn thay – và đây là bi kịch của những
nhà sư phạm tổ chức việc học Khoa học Lịch sử trong nhà trường.
Có
thể hình dung điều trớ trêu này, sẽ có vô số nhà viết Sử dù hăng máu tại Hội
nghị Diên Hồng về môn học Lịch sử đấy, nhưng chính các vị đó sẽ lại cắn bút
(hoặc cắn bàn phím) bó tay trước những cấm kỵ và kiêng cữ công khai hoặc hàm
ẩn.
Hành
động học
Nhóm
biên soạn sách giáo khoa thiện nguyện Cánh Buồm đã xử lý đúng khái niệm hành
động học theo đó mà hoàn thành dễ dàng việc biên soạn bộ sách 10 cuốn
cho hai môn Tiếng Việt và Văn bậc Tiểu học. Nhóm có ít người và eo hẹp nguồn
lực nên chọn đột phá làm mẫu vào những môn học khó nếu không
nói là khó nhất – theo đánh giá của Nhóm, là các môn Khoa học xã hội và nhân
văn – mà trong bối cảnh nước ta, đó là bốn môn: Tiếng Việt, Văn, Đạo
đức, và Khoa học Lịch sử. Nhóm chọn cách “làm mẫu”
không với ý nghĩa coi sản phẩm của mình là “mẫu mực”, mà là những gợi ý
đột phá về cách làm, như được nói rõ trong bản “Tường trình” tại Ủy ban Văn
hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội ngày 16 tháng 7 năm
2014 (được lưu tại www.canhbuom.edu.vn).
Xưa
nay, sách giáo khoa Lịch sử cho học sinh phổ thông thường chỉ có trần trụi
những sử liệu – những thứ vật liệu “khô khan” phù hợp với những đầu óc nghiên
cứu. Các nhà biên soạn sách học Lịch sử thường không chú ý đến những hành động
học của người học sao cho phù hợp với từng lứa tuổi ở từng bậc học.
Bậc
Tiểu học, là bậc dùng tình cảm để đến với phương pháp học Lịch sử. Lên bậc
Trung học cơ sở, học sinh dùng cả tình cảm và lý trí để đến với những kiến thức
Lịch sử. Bậc Trung học phổ thông là nơi dùng tư duy triết học để tập đi sâu vào
Khoa học Lịch sử, chuẩn bị cho bậc học cao hơn hoàn toàn mang tính tự nghiên
cứu.
Các
bậc học tuy khác nhau, nhưng có bốn hành động học chung nhau,
hoặc cũng có thể gọi đó là những việc làm của học sinh khi học
Lịch sử. Đó là:
-
Việc 1: Tiếp nhận sử liệu.
Sử liệu được tiếp nhận như là những “vật tự nó” đối với mọi người. Việc đọc, và
nhất là đọc thầm, được dùng để học sinh tự làm việc này.
Những
sử liệu này có thể rất khác nhau. Tại Pháp, riêng ở Paris có tới tám bộ sách
giáo khoa Lịch sử (theo bài báo điều tra của Nguyễn Thị Từ Huy, bản dịch của
Phạm Toàn, đã đăng trên báo Tia sáng).
Ở
những vùng “khó khăn”, có thể lấy sử liệu từ những giáo trình chính thống và
chính thức. Không sao hết!
-
Việc 2: Nhập thân vào sử liệu. Công
việc này sẽ tiến hành thuận lợi nếu học sinh học sách Văn của nhóm Cánh Buồm.
Cách học này giúp các em được luyện các thao tác tưởng tượng qua trò chơi đóng
vai, qua kịch câm và kịch nói. Học sinh sẽ dễ dàng vào vai các nhân vật lịch sử
trong những bối cảnh có kịch tính.
Đó
là bậc tiểu học. Lên bậc Trung học cơ sở, học sinh vẫn chơi đóng vai, ngoài ra
cũng bắt đầu nhập thân trong những tranh luận tại những cuộc Hội thảo do các em
tự tổ chức.
Ta
có thể hình dung là lên bậc cao hơn học sinh sẽ mang đến một chất lượng khác
cho cùng một việc làm nhập thân vào sử liệu.
-
Việc 3: Tự rút ra bài học lịch sử:
Phải có những bài tập để học sinh tự rút ra bài học lịch sử chứ không chép
những kết luận do giáo viên hoặc sách đưa ra.
Đây
là một vài thí dụ về những bài tập gợi ý cho học sinh tiểu học:
·
Em đi thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Hạ Lôi, em khấn Hai Bà một điều gì, em ghi
lời khấn đó vào vở.
·
Các em tự soạn và diễn một vở kịch ngắn Nguyễn Trãi liên hệ với người của Lê
Lợi mời gia nhập nghĩa quân ở Lam Sơn.
·
Ngày Tết, em đi ngang gò Đống Đa, em nói với Sầm Nghi Đống một điều gì, hãy ghi
lại.
-
Việc 4: Sưu tầm – tự làm giàu tri thức Lịch sử. Đây chính là phần tự học thêm, các tài liệu sưu tầm đi
từ tranh ảnh, phim, cho đến những tư liệu nghiên cứu. Một khi học sinh ngay từ
bậc tiểu học đã thích sưu tầm tư liệu lịch sử cho riêng mình, thì
đoan chắc các em sẽ tiếp tục hứng thú và ngày càng củng cố kỹ năng đó khi học
lên bậc học bên trên.
Bốn
hành động học (thực hiện qua những việc làm mang tính giáo khoa) như trên sẽ
giúp học sinh thích nghi với mọi trình độ của chương trình học. Mỗi cung cách
làm chương trình học đều thể hiện một tầm lý tưởng của nhà sư phạm. Các nhà sư
phạm ấp ủ một thế giới với những học sinh cũng yêu môn Lịch sử như mình, xin
đừng đợi chờ một hoàn cảnh đẹp như mơ (như những cơn mơ khi đang Hội nghị Diên
Hồng bên ngoài trời nắng bên trong có máy lạnh chạy ro ro). Đừng chờ những điều
kiện chỉ có trong tưởng tượng. Hãy sống trong cuộc sống thực với mọi rắc rối
của nó!
Lời
cuối
Nhóm
Cánh Buồm đang hoàn thành nốt sứ mệnh soạn sách Tiếng Việt và Văn cho bậc trên
Tiểu học. Đó là cột xương sống của chương trình Khai Dân Trí của
nhóm.
Nhóm
Cánh Buồm đã khởi động soạn bộ sách Giáo dục Lối sống bậc Tiểu
học nhằm tổ chức cuộc sống đạo đức thực của trẻ em mang tư duy Đồng
Thuận. Sách đang được hoàn thiện và dạy thử ở vài cơ sở thực hành của
chúng tôi.
Nhóm
Cánh Buồm cũng đã khởi động soạn bộ sách Giáo dục Lịch sử bậc
Tiểu học theo định hướng những hành động học Lịch sửnhư đã trình
bày bên trên. Tiếc rằng đề án nhỏ này cứ hoạt động được ít lâu lại tan, mà
nguyên nhân chính là không có người một lòng một dạ đeo đuổi một công việc vô
cùng khó khăn. Một công việc vừa đòi hỏi một trình độ khoa học không thể thấp,
lại vừa đòi hỏi một tầm trải nghiệm để biết cách vượt qua mọi rào cản một cách
đàng hoàng.
Xin
đừng bi quan: có thể có mạt vận nhưng không thể có mạt sử. Vấn đề là tìm ra
cách làm cho môn khoa học làm lay động lòng người đó. Phải tìm ra cách làm để
thành công mà không cần đến quá nhiều người hùng thất trận. Thời hiện đại,
chẳng cần thêm người chết trước khi tới đích.
Xin
nhắc lại, nhắc cho chính mình, để tự mình ghi khắc: không có mạt sử, chỉ chưa
tìm ra cách làm.
Để
vận không mạt, và sử không mạt.
Hà
Nội, 25 tháng 11 năm 2015
P.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét