Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

TƯ LIỆU LỊCH SỬ: VỤ “XÉT LẠI CHỐNG ĐẢNG”

 Cái gọi là "Bất đồng chính kiến", "Chủ nghĩa xét lại" trong vụ án "Xét lại chống đảng".

Các ông Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang và nhiều người khác đã qua đời, mang theo đau thương và uất hận.

Những người gây ra tấn thảm kịch lớn nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam – Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Trường Chinh… cũng đã chết.

...

Những nhân chứng cuối cùng rồi cũng sẽ không còn, nhưng ký ức về vụ trấn áp sẽ còn sống mãi với thời gian.

Lịch sử không thể bị tẩy xoá.

VÌ LỊCH SỬ VÀ CÔNG LÝ, CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG

Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ.

Năm 1956, tại Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô, Bí thư thứ nhất Nikita Khrushev đã đọc báo cáo quan trọng về chống tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương “cùng tồn tại trong hoà bình” giữa hai hệ thống cộng sản và tư bản. Đường lối mới đã được hầu hết các đoàn đại biểu tán đồng tại Đại hội các đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moskva với 81 thành viên tham dự năm 1960.

Đoàn đại biểu Đảng Lao Động Việt Nam (ĐCSVN) do Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh cùng với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và các ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh tham dự đã ký vào bản Tuyên bố chung Hội nghị trên. Đường lối mới này đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kịch liệt lên án, gọi là “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”.

Sự thay đổi trong nhận định về quan hệ quốc tế đã phân hoá nội bộ một số đảng cộng sản. Trong ĐCSVN cũng xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau. Một bên ủng hộ “cùng tồn tại trong hoà bình”, phản đối đường lối giáo điều tả khuynh của ĐCSTQ, chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, phát triển kinh tế đa thành phần.

Bên kia, theo đường lối của ĐCSTQ, chủ trương chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, duy trì xã hội chuyên chính phi dân chủ, đẩy mạnh cải cách xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế kinh tế thị trường, kiên định chủ trương thống nhất đất nước bằng bạo lực.

Cuộc đấu tranh trong nội bộ diễn ra âm thầm nhưng căng thẳng đã kết thúc bằng nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 ĐCSVN họp năm 1963, đi ngược lại Tuyên bố chung Maskva 1960 đã được đoàn đại biểu Việt Nam long trọng ký kết. Nghị quyết 9 (phần đối ngoại), về thực chất là bản sao đường lối của ĐCSTQ đã khởi đầu cho cuộc trấn áp những đảng viên bất đồng chính kiến bị chụp mũ “chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Cần lưu ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh không tham gia biểu quyết nghị quyết này.

Toàn văn Nghị quyết 9 được giữ trong tình trạng tuyệt mật, nhưng nội dung tinh thần được phổ biến cho các đảng viên và trí thức. Vì có quá nhiều tranh cãi nội bộ nên Đảng tuyên bố cho phép bảo lưu ý kiến khác biệt. Thái độ cởi mở này chỉ là biện pháp để phát hiện những người không tán thành.

Nhiều ý kiến bất đồng được biểu lộ công khai như những bài viết của các ông Hoàng Minh Chính - Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, ông Trần Minh Việt, phó Bí thư Thành ủy kiêm phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội. Những tâm thư của nhiều đảng viên lão thành gửi đến Bộ Chính trị, phản đối đường lối đối ngoại thân Trung Quốc, tranh luận về đường lối giải phóng miền Nam bằng bạo lực, nóng vội trong cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa và tất cả các ý kiến phát biểu trái chiều tại các cuộc học tập đều được thu thập để rồi trấn áp khốc liệt vào cuối năm 1967.

DIỄN BIẾN SỰ KIỆN.

ĐCSVN gọi tắt vụ án này là “Vụ Xét lại chống Đảng” diễn ra năm 1967, nhưng đến tháng 3 năm 1971 mới báo cáo Bộ Chính trị, tháng 1 năm 1972 mới đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 (khóa III). Theo ông Nguyễn Trung Thành (vụ trưởng Vụ Bảo vệ đảng thuộc Ban tổ chức Trung ương) là người trực tiếp thi hành thì Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ nhân danh Bộ Chính trị chỉ đạo việc bắt giữ và giam cầm.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

SỐ PHẬN BI THẢM CỦA HOÀNG GIA LÀO SAU NGÀY 02/12/1975.

(Bài cũ đăng lại, có chỉnh sửa bổ sung) 


 

Theo lời một số du khách, khi tham quan cố đô Luang Prabang và những gì còn sót lại của nền quân chủ Lào và của vị vua cuối cùng Savang Vatthana, họ được nghe hướng dẫn viên nói rằng sau năm 1975, nhà vua đã về Vientiane hợp tác với chính quyền mới và mất năm 1981 vì già yếu. Sự thật về những giây phút cuối đời của vị vua đáng thương này hoàn toàn không phải như thế.

Ngày 02/12/1975, lực lượng Pathet Lào tiến vào thủ đô Vientiane. Từ Hoàng cung ở Luang Prabang, quốc vương Savang Vatthana thoái vị và từ chối đi sống lưu vong tại nước ngoài, chấm dứt sự tồn tại 622 năm (1353 – 1975) của Vương quốc Lào.

Để trình bày với thế giới một chế độ mới nhân đạo, chính quyền đã bổ nhiệm cựu hoàng Savang Vatthana làm cố vấn tối cao cho chủ tịch nước là hoàng thân cộng sản Souphanouvong, một chức vụ hữu danh vô thực. Chẳng bao lâu sau, vị cựu hoàng bỗng dưng lặng lẽ biến mất. Trong lần đến thăm Pháp năm 1989, nhà lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, thủ tướng Kaysone Phomvihane cho biết cựu hoàng mất vì già yếu vào năm 1981. Nhưng sự thật là như thế nào?

Ngày 11/03/1977, chính quyền áp giải cả gia đình Hoàng gia đưa đến trại cải tạo Sam Neua. Hoàng hậu Khamphoui bị tách khỏi gia đình và bị giam trong khu dành cho nữ giới. Tại trại cải tạo này, vị vua cuối cùng của Lào lúc này đã 69 tuổi được nghe tuyên cáo rằng tất cả những phạm nhân bị bắt đều bị coi là kẻ thù của nhân dân và dân tộc Lào, không quyền công dân, bị giam giữ không xét xử.

Cựu hoàng Savang Vatthana già yếu cùng Thái tử Vong Savang phải lao động ngoài đồng, với những khẩu phần ăn chết đói. Lao lực, ăn uống thiếu thốn, tuổi cao khiến nhà vua cao tuổi nhanh chóng suy kiệt. Không còn lao động nổi, nhà vua bị liệt vào thành phần chống đối và bị cắt khẩu phần. Thái tử Vong Savang phải chia sẻ phần cơm của mình cho cha, khăng khăng bắt ông phải ăn.

Đến ngày 02/05/1978, Thái tử qua đời vì kiệt sức khi khẩu phần cơm ít ỏi của một người tù không đủ nuôi sống cả hai.

Sau cái chết của con trai, vua Savang Vatthana bỏ ăn và buông xuôi số phận. Ngày 13/05/1978, ông qua đời, chưa đầy hai tuần sau cái chết của con.

Hai cha con được mai táng vội vàng như những kẻ vô danh và không hề có một bia mộ nào đánh dấu nơi an nghỉ cuối cùng của họ.

Hoàng hậu Khamphoui không hề được biết về cái chết của chồng con. Cuộc sống tù đày khiến tóc bà bạc trắng và đôi mắt đầy sự u uất buồn rầu. Ánh mắt đó cuối cùng cũng tắt vào ngày 12/12/1981. Cũng như chồng con, bà được chôn cất sơ sài trong một nấm mộ không có bia cách nơi an táng chồng con không xa.