Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Địa mạch Việt Nam.


KTS TRẦN THANH VÂN
 
(Bài dài không cần động viên ai đọc nhưng đọc được thì rất đáng quý. Lưu về đây để tự nghiền ngẫm thêm)
Lâu nay mọi người vẫn nghĩ rằng tôi là một Kiến trúc sư cảnh quan có hiểu chút ít về phong thủy Thăng Long, âu cũng là chuyện bình thường, cho nên những vấn đề gì liên quan đến phong thủy của Kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội mở rộng ngày nay thì họ hay hỏi tôi, ngoài ra tôi không biết điều gì khác. Tôi cũng tự nghĩ như vậy, nên không muốn chen vào những lĩnh vực nhạy cảm mà tôi không thông thạo như kinh tế, xã hội, đặc biệt là các vấn đề an ninh, chính trị và thời sự quốc tế!
Cách đây vài tháng, khi xây dựng chương mục Địa linh của Chương trình văn hóa 1000 năm Thăng Long, một nhóm nghiên cứu của Ban khoa giáo Đài THTW đến gặp tôi để lấy tài liệu về Địa mạch và Hồn cốt Thăng Long. Giữa chừng câu chuyện, họ hỏi tôi “Chị nghiên cứu đề tài này lâu chưa?” Tôi lưỡng lự giây lát, rồi trả lời họ: “Khoảng chừng đã 55 năm”
– “Cái gì? 55 năm?”
– “Vâng! từ ngày còn là con bé con”.
Thế rồi tôi kể cho họ nghe những câu chuyện khiến tôi phải chứng kiến, phải tìm hiểu từ ngày tôi còn nhỏ.. Vào đại học, tôi làm đơn thi Bách khoa vô tuyến điện hoặc Tổng hợp Lý toán, nhưng lại bị phân công theo ngành Kiến trúc. Sau này, tôi học phong thủy cho biết để hành nghề kiến trúc sư, càng ngày tôi càng ý thức được đó là cái nghiệp đời người của tôi. Vâng, đúng là nghiệp đời người đặt tôi vào tình huống liên tiếp phải va chạm với những sự thật và tôi không thể không theo đuổi đến cùng sự thật đó. Xin nhắc lại rằng kiến thức của tôi bắt nguồn từ những sự thật, từ những điều mắt thấy tai nghe, không phải từ lý thuyết.
SỰ THẬT VÀ TRẢI NGHIỆM
Tôi xin mở đầu câu chuyện nghiêm túc này bằng mối “quan hệ” của tôi với vấn đề TQ mà tôi sắp kể ra, đó là lý do thôi thúc tôi phải đi sâu tìm hiểu bản chất của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa này. Có thể có những nhà nghiên cứu chiến lược lâu năm có cách nhìn khác và chưa công nhận những điều tôi sắp nói, nhưng với trách nhiệm của một công dân, một người con đất Việt, tôi như là một nhân chứng có thể khẳng định rằng ít ai có cơ hội để “hiểu” TQ hơn tôi. Cho nên, dù đã có thời gian dài tôi tránh nhắc tới những chuyện đó, nhưng càng tránh tôi càng thấy phải nói ra hôm nay để mọi người cùng biết.
Đúng vậy, tôi không chỉ từng có kỷ niệm 5 năm du học ở Thượng Hải, cái thời mọi người hay hát “Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông / Chung một Biển Đông, thắm tình hữu nghị…”; trước đó tôi đã có hai kỷ niệm sâu đậm và rất hãi hùng liên quan đến Trung Quốc.
KỶ NIỆM THỨ NHẤT: CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT NĂM 1953
Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm. Vùng quê ngoại Đức Thọ Hà Tĩnh, nơi chúng tôi theo mẹ tản cư về đã hết yên ổn của vùng tự do thời kháng chiến và bắt đầu chịu cảnh máy bay bắn phá. Nhưng, cuộc “bắn phá” tàn khốc hơn lại chính là những cuộc đấu tố địa chủ và Việt gian phản động trong mọi làng xã ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Ông ngoại tôi là một thầy thuốc Đông y giỏi có tiếng, chuyên nghề xem mạch bốc thuốc và ông tôi đã cứu sống nhiều người nên được dân trong vùng nể trọng gọi bằng thầy. Tiền bạc chắc chẳng có nhiều, nhưng mùa nào thức nấy, trong nhà ông ngoại tôi không bao giờ thiếu của ngon vật lạ do gia đình bệnh nhân mang đến tág¡ ơn cứu mạng như rổ lạc đầu mùa, cân đỗ xanh, thúng gạo nếp, mớ khoai lang, nải chuối chín, có khi còn có cả con gà sống thiến hay chục trứng tươi… Nhà chỉ có hơn một mẫu ruộng, ông ngoại tôi giao hẳn cho mấy người bà con trong họ trồng cấy và không thu tô, nhưng trong CCRĐ ông tôi vẫn bị quy là địa chủ, mà là địa chủ cường hào.
Mẹ tôi nguyên gốc là cô gái làng dệt lụa Tùng Ảnh ở Đức Thọ, đã theo ông ngoại ra sinh sống ở Hà Nội nhiều năm và có cửa hàng bán tơ lụa ở Hà Nội. Đêm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, mẹ tôi đã bỏ lại hết nhà cửa và tài sản, đưa chúng tôi tản cư về Đức Thọ Hà Tĩnh, vận động nhiều nữ thanh niên bỏ nghề dệt lụa, xây dựng một nghề mới là xe sợi, nhuộm sợi và đan áo rét cho bộ đội. Cặm cụi làm việc đó, mẹ tôi vừa nuôi sống cho gia đình và bản thân, vừa đóng góp tích cực cho kháng chiến. Tôi còn nhớ bài hát “Áo mùa đông” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác vào những ngày đó: “Gió bấc heo may / xào xạc rung cây lá lá bay / một mùa đông bao người đan áo…” chính là nói về công việc của mẹ tôi và các chị, các cô trong Hội phụ nữ kháng chiến cứu quốc. Vào những ngày đó, ở vùng tự do nghèo nàn Thanh Nghệ Tĩnh làm gì có len để đan áo, sáng kiến xe sợi bông, nhuộm sợi thành các màu xanh, màu nâu, màu cỏ úa rồi đan thành áo gửi ra chiến trường, đã được ca ngợi như một chiến công lớn.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

CHIỀU ĐÔNG


(Kính tiễn Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)
Bài của Trần Trung Đạo


Một ngày tháng 8 năm 1992, tôi nhận được một bài thơ của một người bạn tin cẩn gởi từ trong nước. Anh chép tám câu thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhưng không có tựa.
Tôi đọc và rất cảm động. Qua từng câu thơ tôi hình dung cảnh cô đơn, trống vắng, quạnh hiu mà Thầy đang sống trong thời gian lưu đày ở Thái Bình trong một buổi chiều đông.
Sau 1975, giữa lúc gần hết mọi người đều đi theo chiều gió, Thầy cố bước ngược chiều để mong cứu vớt những gì còn sót lại sau những điêu tàn, đổ nát. Tinh thần vô úy của đạo Phật đã giúp Thầy vượt qua bao thử thách, cực hình, đày đọa.
Trong đêm tối giữa nhà lao Phan Đăng Lưu hay trong buổi chiều mưa tầm tã tay dắt bà mẹ già 90 tuổi trên đường lưu đày từ Sài Gòn ra Vũ Đoài, Thái Bình, Thầy vẫn một tấm lòng son sắt với quê hương và đạo pháp.
Chúng ta sống trên đất tự do, dễ dàng nói với nhau về yêu nước, yêu đạo, dễ dàng nói với nhau về hy sinh, đại nguyện. Nhưng nếu chúng ta sống một đêm, một đêm thôi, trong đau thương trăn trở giữa ngục tối Hàm Tân như HT Thiện Minh, một đêm mang nặng ưu tư đau nhức tại nhà tù Phan Đăng Lưu như HT Quảng Độ, một đêm trầm mặc suy tư trên mỗi bước thiền hành ở Quảng Ngãi như HT Huyền Quang, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu ra rằng Bồ Tát giống tất cả chúng ta nhưng chúng ta không phải dễ dàng là Bồ Tát.
Ngày đó không có mạng xã hội Facebook như bây giờ. Chúng tôi là một nhóm vài trăm người sinh hoạt với nhau trong giai đoạn Internet còn rất phôi thai.
Tôi gởi bài thơ cho cả nhóm đọc. Nhưng bài thơ thì phải có tựa. Tôi không nói với ai, chỉ im lặng và mạo muội đặt tựa là Chiều Đông, phía dưới viết tên tác giả HT Thích Quảng Độ. Luôn dịp tôi họa lại bài thơ của Thầy đặt tựa Tấc Lòng Son, và sau đó in trong tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười xuất bản lần đầu tại San Jose cuối năm 1992.
Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa Thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng tráng rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30-4-1975 ở Đại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa Thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại.
Thầy dạy Triết Đông và tư tưởng Phật Giáo cho sinh viên các khoa Khoa Học Nhân Văn và Phật Khoa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v.. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm.

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

THƠ: KHEN, CHÊ VÀ NỊNH


(Khúc vĩ thanh của thơ giáo viên dạy văn)



Hai bài thơ (một của họ Trần, một của họ Chu) ra đời trong hai thời điểm, hai sự kiện khác nhau: Thơ cô Trần ra đời trong sự kiện Formosa huỷ hoại môi trường biển; thơ cô Chu ra đời trong sự kiện cả thế giới đối mặt với đại nạn CoVid-19, sự kiện nào cũng là thảm hoạ của con người. Vì thế, hai bài thơ được xuất bản đều mang hơi thở của thể: THƠ CHÍNH LUẬN (phản ánh tình hình chính trị, xã hội qua xúc cảm). Độ nóng bỏng, nung chảy mạng xã hội của hai bài thơ dường như đều có tỉ số 1 - 1. Thật khủng khiếp! Song nó lại ở hai thái cực KHEN hết tầm - CHÊ tận độ. Vì sao vậy? Trước khi bạn đọc trả lời câu hỏi, tôi muốn cung cấp cho các bạn hiểu đôi chút về khái niệm thơ.
I. THƠ
1. Thơ là một thể loại của văn học (văn chương), một loại hình tinh thế, tinh hoa... được khởi phát từ rung động của trái tim, tâm hồn người. Rung động (xúc cảm) ấy được gợi ra từ sâu thẳm tiềm thức (nội tâm) khi va chạm mạnh với những hình ảnh khách quan (hiện thực đời sống) mà rung lên, phát ra thành tiếng (ngôn ngữ).
2. Ngôn ngữ thơ giống như viên ngọc, viên kim cương được người làm thơ mài sáng long lanh, qua cách lọc đãi như đãi cát tìm vàng. Thế nên, ngôn ngữ thơ thi vị, giàu cảm xúc, nhạc điệu và hình ảnh. Thơ hay rất kén người đọc, nó là món ăn tinh thần sang trọng, cao siêu, không phải ai cũng biết làm thơ, làm được thơ và biết thưởng thức thơ. Thơ hay phải xuất phát từ cảm xúc chân thành, từ rung động thật sự của tâm hồn mới có thể truyền rung cảm ấy cho người đọc. Người đọc, khi đọc cũng phải chìm cảm xúc của mình vào trạng thái, xúc cảm, giọng điệu của bài thơ thì mới nắm bắt được những cung bậc, bước sóng tình cảm của tác giả, mà từ đó cũng thấy tiếng tơ lòng mình cùng rung lên đồng điệu... Từ đó, tâm hồn mình mới nảy sinh ra những cảm xúc, trạng thái buồn, vui, yêu, ghét phẫn nộ... cùng tác giả.
II. KHEN - CHÊ VÀ THƠ NỊNH
1. Người đọc khen thơ cô Trần bởi cảm xúc được rung từ một trái tim đau đáu, trăn trở, khắc khoải, lo âu... trước hiện tình vô cùng khủng hoảng của đất nước. Nỗi niềm ấy không chỉ của một cá nhân mà nó tiêu biểu, đại diện cho bao trái tim yêu nước. Xúc cảm ấy được kết nối logic từ chiều sâu tiềm thức, quá khứ của dân tộc với hiện tại và tương lai, được rung lên bởi những hình ảnh khách quan va đập mạnh vào trái tim yêu thương... Tù đó được thốt lên, viết ra bằng chuỗi ngôn ngữ mộc mạc, chân thành. Chính bởi cái cảm xúc chân thành ấy mà nó đi vào lòng người, làm rung lên những cung bậc cảm xúc, trở thành tiếng nói đồng cảm, đồng điệu, đồng tình...
Bởi thế, bài thơ đã được độc giả đón nhận với thái độ yêu mến, ngợi ca, trân trọng, bảo vệ, nâng niu. Từ một tiếng nói riêng, nó trở thành tiếng nói chung của những người cần lao yêu chuộng hoà bình và công lí. Nó neo đậu mãi trong kí ức độc giả và đi cùng với thời gian, năm tháng...
2.Người đọc chê thơ cô Chu bởi cái cảm xúc được "rặn ra" từ trái tim ngây thơ, từ một tầm nhìn hạn chế của một người có "thẻ đỏ". Những người có "thẻ" là những người luôn tự hào vì họ có "tổ chức" và luôn cho rằng vị trí của họ cao hơn quần chúng.
Bởi vậy, Khi những người có "thẻ" mà làm thơ thì thơ của họ cũng bốc mùi "thẻ và tổ chức", khiên cưỡng, trói buộc, tù hãm trong cái nhìn một chiều. Họ không được tự do tư duy, không thể tư duy, nhất là tư duy trái chiều để truy tìm một sự thật, viết lên một sự thật. Cái tạng thơ của họ thường khuếch trương, tô vẽ, tâng bốc, xu nịnh nhau và xa dời thực tế đời sống.
Cảm xúc thơ của họ giả tạo, hào nhoáng, trơn bóng như sơn chống thấm. Nó không có độ gai góc, chất chồng những khổ đau, nhức nhối của thời cuộc... khiến người đọc thấy chán ghét, bất bình mà chê bai, phê phán. Nó đi ngược lại tiếng nói, tiếng lòng chân thành, vật vã khổ đau của người yêu nước thật sự. Nó chỉ nhằm nịnh bợ tổ chức, phục vụ cho mục đích tuyên truyền chính trị, hay ít, dở nhiều. Nó được độc giả liệt vào hàng thơ XU THỜI, NỊNH THẾ, giả dối, sáo mòn. Làm thơ cốt để NỊNH TRÊN, trên tặng lại bằng khen cũng là để NỊNH DƯỚI - NỊNH NHAU. Trò cười cho thiên hạ.
III. BĂN KHOĂN
Cùng là hai cô giáo dạy văn, cùng sống trong một hoàn cảnh xã hội nhưng vì sao bài thơ: "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?" của cô Trần được khen mà cô Trần lại không được đánh giá như một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình? Ngược lại, bài thơ: "Đất nước ở trong tim" của cô Chu bị chê bầm dập mà cô Chu lại trở thành nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình - xã hội Việt Nam hiện đại?
Xin một đáp án từ bạn đọc!

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

CHUYỆN MỘT BÀI THƠ TÌNH Gửi em ở cuối sông Hồng BỊ ĐỤC BỎ 3 KHỔ THƠ


Đỗ Duy Ngọc






Lâu nay ta nghe bài hát Gởi em ở cuối sông Hồng ở đoạn cuối thấy ngô nghê và lạc lõng bởi những hình ảnh trong đoạn trên và khúc dưới trong ca từ không ăn nhập với nhau. Đi tìm bài thơ ta lại gặp ba dấu chấm như bỏ mất một đoạn. Đọc tờ báo Thể thao văn hoá thuật lại đoạn nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ nói về hoàn cảnh ra đời bài thơ trong chương trình Giai điệu tự hào, ta cũng bắt gặp ba dấu chấm lửng đó.
Hoá ra bài thơ đã bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt bỏ mất một khúc, mà lại là đoạn thơ quan trọng, là cái hồn của cả bài thơ. Tuyên huấn không dám nhắc đến cuộc chiến tranh chống bọn xâm lược Trung quốc năm 1979 nên không cho phổ biến đoạn thơ này, khiến bài thơ mất đi tính chiến đấu vốn có của nó. Điều đó cho thấy lãnh đạo ta cố tránh né không muốn nhớ đến cuộc chiến đấu chống bọn xâm lược Bắc Kinh khởi đầu từ ngày 17.02.1979.
Nguyên văn bài thơ đã bị cắt xén và phổ biến lâu nay:
“Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.”
(Dương Soái)
-------------------------------------
Nguyên văn bài thơ chưa bị kiểm duyệt cắt bỏ
(Copy từ face Nguyễn Anh Tuấn)
Gửi em ở cuối sông Hồng
(Dương Soái)

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

TÔI TỐ CÁO


Nhà văn Nguyên Ngọc


Trong nhiều năm qua, nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thuộc thủ đô Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của một số lão nông tri điền đứng đầu là Cụ Lê Đình Kình đã kiên trì đấu tranh quyết giữ cánh đồng Sênh mà cha ông họ đã khai thác, bồi bổ, xây dựng từ ngàn đời, và từ trước đến nay chưa hề có bất cứ lệnh thu hồi của nhà nước cho bất cứ mục đích gì, chống lại âm mưu cướp đoạt cánh đồng này của chính quyền Hà Nội cấu kết với một nhóm lợi ích có tính chất mafia. Cụ Lê Đình Kình là một đại lão nông, năm nay đã 84 tuổi, là một chiến sĩ cách mạng, 58 tuổi đảng, là cựu chiến binh trung kiên của mấy cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, là bậc hiền nhân được nhân dân rộng rãi coi là một vị Bồ Tát nhân hậu và ôn hòa, luôn chủ trương chấp hành mọi chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trung thành triệt để với quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Đối mặt với một con người chân chất, hiền minh, thâm thúy, và nhân hậu như vậy, trong những năm qua nhà cầm quyền cấu kết với bọn mafia âm mưu cướp đất đã không từ một thủ đoạn thâm hiểm và độc ác nào. Năm 2017 chúng đã một lần lừa Cụ ra cánh đồng Sênh nhờ đo ranh giới đất rồi bất ngờ đá Cụ gãy chân, gây tàn tật suốt đời. Sau đó là liên tiếp những âm mưu lừa bịp, dụ dỗ, uy hiếp, đe dọa, tráo trở, thậm chí cho cả bọn lưu manh len lỏi luồn sâu làm nội gián… không từ một thủ đoạn thô bạo, hung ác và đê tiện nào… Nhưng mềm dẻo, ôn tồn, thông minh, thôn Hoành, Đồng Tâm, dưới sự chỉ đạo bình tĩnh, ôn hòa của Cụ Lê Đình Kình và các bậc cao niên đoàn kết chặt chẽ cùng các tầng lớp nhân dân vẫn đứng vững.
Cuối cùng bọn quyết tâm chiếm đất mặt người dạ thú đã giở đến trò độc ác nhất. Trong đêm mồng 8 rạng sáng ngày mồng 9 tháng 1 năm 2020 (nhằm đúng ngày rằm tháng Chạp, mọi người đang nô nức chuẩn bị đón Tết Canh Tý), gần 3000 quân thuộc lực lượng vũ trang chính quy của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại và các khí tài công nghệ tác chiến tiên tiến đã được huy động (bởi ai, theo lệnh của cá nhân hay cơ quan tối cao nào?), bất ngờ tấn công vào thôn Hoành, lập tức bao vây không chế tất cả các nhà trong làng bằng cách phun hơi cay, bắt bớ đánh đập tàn bạo tất cả trai gái già trẻ, nhằm không cho ai chi viện để tập trung đột kích vào nhà Cụ Lê Đình Kình và hai con trai Cụ, dùng vũ khí phá cửa nhà Cụ Kình, phun hơi cay, xông thẳng vào giường Cụ Kình, kéo vợ Cụ vất ra bên ngoài, đánh đập tra tấn Cụ máu me lênh láng khắp phòng, chĩa thẳng súng bắn đúng vào tim Cụ, vào đầu Cụ, bắn nát chân Cụ, ngoài ra còn một số vết đạn khác nữa.

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

“MỪNG ĐẠI THỌ ĐCSVN (90 TUỔI)", CỰU ĐẢNG VIÊN LÃO THÀNH NÊU 10 LÝ DO THOÁI ĐẢNG


ĐÔI ĐIỀU BỘC BẠCH KHI NHẬN ”QUYẾT ĐỊNH XÓA TÊN”
-Nguyễn Đăng Quang-


Thằng con trai 46 tuổi của tôi hồ hởi báo tin: “Nhà mình hôm nay có tin vui. Bố phải thông báo cho tất cả anh chị em nội ngoại và bạn bè thân thiết biết để mọi người mừng cho bố. Có lẽ bố phải mở tiệc chiêu đãi cả nhà để đánh dấu sự kiện này”. Nói đoạn, nó mở bì thư, trịnh trọng đọc quyết định của Quận ủy Cầu Giấy v/v xóa tên tôi khỏi danh sách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) “do đã vi phạm quy định chuyển sinh hoạt Đảng”.
Tôi quyết định “thoái Đảng” (tức lẳng lặng bỏ Đảng, không chuyển sinh hoạt Đảng) từ giữa năm 2003 ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày 3/2/2020 này, tôi đã “thoái Đảng” được suýt soát 17 năm! Còn trong thực tế, xin tiết lộ điều “bí mật” sau đây: Ngay khi còn đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, tôi đã âm thầm “khai trừ Đảng khỏi lòng tôi” rồi! Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên là từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ! Mãi sau này, khi chính thức “thoái Đảng”, tôi mới biết là đã có rất nhiều đảng viên ĐCSVN cũng hành động giống tôi, nghĩa là âm thầm “khai trừ Đảng trong lòng” khi còn tại chức, không đợi sau khi nghỉ hưu mới “thoái Đảng”!
Công bằng mà nói, lý tưởng cộng sản đã từng một thời là khao khát và ước vọng của biết bao thế hệ trẻ. Trong thập kỷ 1960’s và 1970’s, lý tưởng cộng sản đã thôi thúc hàng triệu thanh niên trai tráng, trong đó có tôi, tự nguyện viết đơn xin đứng trong hàng ngũ ĐCSVN! Hồi tưởng lại, niềm tin vào lý tưởng cộng sản thật là trong sáng, nó đã không chỉ lay động trái tim tôi, mà còn sưởi ấm tâm hồn tôi. Chẳng thế mà Milovan Djilas (1911-1995) cố Chủ tịch Quốc Hội Liên bang Nam Tư, cố Uỷ viên BCT Đảng Cộng sản Liên bang Nam Tư, đã để lại một câu bất hủ cho hậu thế: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim! 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu!”. Vì thế, lòng tin vào lý tưởng cộng sản trong tôi phai nhạt dần, cho đến đầu thập niên 1990’s thì nguội lạnh và lịm tắt hẳnyHHH. Tôi thực sự đã mất hết lòng tin vào ĐCSVN, vào chủ thuyết Marx-Lenine, vào CNXH và CNCS, và cả vào cái gọi là “Đỉnh cao trí tuệ” nữa!
Tôi “thoái Đảng” vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của “một thời đáng quên!”. Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để “tạm biệt” Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45%! Số còn lại, mang tiếng là “vẫn yêu Đảng”, nhưng thực tế đa số họ đã “chán Đảng”, họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến “sổ hưu”, tức kế sinh nhai hàng ngày của họ.
Vậy phong trào “thoái Đảng” do đâu mà có? Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể khẳng định nó bắt đầu từ lòng tin (vào ĐCSVN) bị giảm sút, đến chỗ hồ nghi sự lãnh đạo của Đảng, và cuối cùng là mất sạch lòng tin vào Đảng. Thế là bệnh “chán Đảng”, như một hệ lụy tất yếu, nó xuất hiện trong sâu thẳm tâm can rất nhiều đảng viên. Bệnh “chán Đảng” nhanh chóng trở thành phong trào “thoái Đảng”. Căn bệnh này lây lan rất nhanh, song nó không gây nguy hiểm cho đất nước và xã hội, nhưng lại rất nguy hiểm cho đảng cầm quyền. Xét về khía cạnh luật pháp hay đạo đức, nó không vi phạm điều khoản nào trong mọi văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nó không thể bị quy kết là “có tội”. Lượng tích tụ lâu dần, từ ngày này qua tháng khác, sẽ biến thành chất. Đây là một quy luật tất yếu, không một ai có thể ngăn cản nổi!
*****************