Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

THƠ: KHEN, CHÊ VÀ NỊNH


(Khúc vĩ thanh của thơ giáo viên dạy văn)



Hai bài thơ (một của họ Trần, một của họ Chu) ra đời trong hai thời điểm, hai sự kiện khác nhau: Thơ cô Trần ra đời trong sự kiện Formosa huỷ hoại môi trường biển; thơ cô Chu ra đời trong sự kiện cả thế giới đối mặt với đại nạn CoVid-19, sự kiện nào cũng là thảm hoạ của con người. Vì thế, hai bài thơ được xuất bản đều mang hơi thở của thể: THƠ CHÍNH LUẬN (phản ánh tình hình chính trị, xã hội qua xúc cảm). Độ nóng bỏng, nung chảy mạng xã hội của hai bài thơ dường như đều có tỉ số 1 - 1. Thật khủng khiếp! Song nó lại ở hai thái cực KHEN hết tầm - CHÊ tận độ. Vì sao vậy? Trước khi bạn đọc trả lời câu hỏi, tôi muốn cung cấp cho các bạn hiểu đôi chút về khái niệm thơ.
I. THƠ
1. Thơ là một thể loại của văn học (văn chương), một loại hình tinh thế, tinh hoa... được khởi phát từ rung động của trái tim, tâm hồn người. Rung động (xúc cảm) ấy được gợi ra từ sâu thẳm tiềm thức (nội tâm) khi va chạm mạnh với những hình ảnh khách quan (hiện thực đời sống) mà rung lên, phát ra thành tiếng (ngôn ngữ).
2. Ngôn ngữ thơ giống như viên ngọc, viên kim cương được người làm thơ mài sáng long lanh, qua cách lọc đãi như đãi cát tìm vàng. Thế nên, ngôn ngữ thơ thi vị, giàu cảm xúc, nhạc điệu và hình ảnh. Thơ hay rất kén người đọc, nó là món ăn tinh thần sang trọng, cao siêu, không phải ai cũng biết làm thơ, làm được thơ và biết thưởng thức thơ. Thơ hay phải xuất phát từ cảm xúc chân thành, từ rung động thật sự của tâm hồn mới có thể truyền rung cảm ấy cho người đọc. Người đọc, khi đọc cũng phải chìm cảm xúc của mình vào trạng thái, xúc cảm, giọng điệu của bài thơ thì mới nắm bắt được những cung bậc, bước sóng tình cảm của tác giả, mà từ đó cũng thấy tiếng tơ lòng mình cùng rung lên đồng điệu... Từ đó, tâm hồn mình mới nảy sinh ra những cảm xúc, trạng thái buồn, vui, yêu, ghét phẫn nộ... cùng tác giả.
II. KHEN - CHÊ VÀ THƠ NỊNH
1. Người đọc khen thơ cô Trần bởi cảm xúc được rung từ một trái tim đau đáu, trăn trở, khắc khoải, lo âu... trước hiện tình vô cùng khủng hoảng của đất nước. Nỗi niềm ấy không chỉ của một cá nhân mà nó tiêu biểu, đại diện cho bao trái tim yêu nước. Xúc cảm ấy được kết nối logic từ chiều sâu tiềm thức, quá khứ của dân tộc với hiện tại và tương lai, được rung lên bởi những hình ảnh khách quan va đập mạnh vào trái tim yêu thương... Tù đó được thốt lên, viết ra bằng chuỗi ngôn ngữ mộc mạc, chân thành. Chính bởi cái cảm xúc chân thành ấy mà nó đi vào lòng người, làm rung lên những cung bậc cảm xúc, trở thành tiếng nói đồng cảm, đồng điệu, đồng tình...
Bởi thế, bài thơ đã được độc giả đón nhận với thái độ yêu mến, ngợi ca, trân trọng, bảo vệ, nâng niu. Từ một tiếng nói riêng, nó trở thành tiếng nói chung của những người cần lao yêu chuộng hoà bình và công lí. Nó neo đậu mãi trong kí ức độc giả và đi cùng với thời gian, năm tháng...
2.Người đọc chê thơ cô Chu bởi cái cảm xúc được "rặn ra" từ trái tim ngây thơ, từ một tầm nhìn hạn chế của một người có "thẻ đỏ". Những người có "thẻ" là những người luôn tự hào vì họ có "tổ chức" và luôn cho rằng vị trí của họ cao hơn quần chúng.
Bởi vậy, Khi những người có "thẻ" mà làm thơ thì thơ của họ cũng bốc mùi "thẻ và tổ chức", khiên cưỡng, trói buộc, tù hãm trong cái nhìn một chiều. Họ không được tự do tư duy, không thể tư duy, nhất là tư duy trái chiều để truy tìm một sự thật, viết lên một sự thật. Cái tạng thơ của họ thường khuếch trương, tô vẽ, tâng bốc, xu nịnh nhau và xa dời thực tế đời sống.
Cảm xúc thơ của họ giả tạo, hào nhoáng, trơn bóng như sơn chống thấm. Nó không có độ gai góc, chất chồng những khổ đau, nhức nhối của thời cuộc... khiến người đọc thấy chán ghét, bất bình mà chê bai, phê phán. Nó đi ngược lại tiếng nói, tiếng lòng chân thành, vật vã khổ đau của người yêu nước thật sự. Nó chỉ nhằm nịnh bợ tổ chức, phục vụ cho mục đích tuyên truyền chính trị, hay ít, dở nhiều. Nó được độc giả liệt vào hàng thơ XU THỜI, NỊNH THẾ, giả dối, sáo mòn. Làm thơ cốt để NỊNH TRÊN, trên tặng lại bằng khen cũng là để NỊNH DƯỚI - NỊNH NHAU. Trò cười cho thiên hạ.
III. BĂN KHOĂN
Cùng là hai cô giáo dạy văn, cùng sống trong một hoàn cảnh xã hội nhưng vì sao bài thơ: "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?" của cô Trần được khen mà cô Trần lại không được đánh giá như một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình? Ngược lại, bài thơ: "Đất nước ở trong tim" của cô Chu bị chê bầm dập mà cô Chu lại trở thành nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình - xã hội Việt Nam hiện đại?
Xin một đáp án từ bạn đọc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét