Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

CON KIẾN AFGHANISTAN

*

Tin lực lượng Taliban đã vào thủ đô Kabul, chiếm phủ Tổng thống, chuẩn bị thành lập chính phủ mới của Afghanistan làm tôi nhớ tới bài thơ nhan đề như trên của nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko (1933 - 2017).

Năm 1979 Liên Xô đưa quân vào Afghanistan hậu thuẫn cho chính quyền mới ở đó. Sau mười năm họ thất bại phải rút về nước. (Bạn có thể đọc về cuộc chiến này ở tác phẩm "Những cậu bé kẽm" của Svetlana Alexievich, Noebel văn chương 2015, Phan Xuân Loan dịch, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, 2020). Liên Xô đi, Mỹ vào. Đến nay Mỹ cũng rút. Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.

Y. Yevtushenko viết bài thơ này khoảng giữa thập niên 1980. Và như lời ông ghi chú ở đầu bài thì nó đã đến được với các lính Nga ở Afghanistan. Bài thơ thể hiện ý thức công dân của nhà thơ trước một sự kiện gây đau khổ, tổn thất cho người dân nước mình. Tôi dịch bài này theo bản đăng ở tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" (Огонёк) năm 1988 và bản dịch đã đăng ở tạp chí văn nghệ "Nha Trang" cùng năm.

*

Lời tác giả. Tôi làm bài thơ này và chỉ đọc trong nhóm bạn bè. Năm đó quân đội nước ta đang chiếm đóng Afghanistan. Nhưng không hiểu trong số bạn bè nghe thơ hôm đó ở nhà tôi có ai nhớ tốt hay có mang theo máy ghi âm không, nhưng một thời gian sau tôi nhận được một cuộn băng cassete ghi lại những bài hát của chiến sĩ ta ở Afghanistan, trong đó có một bài phổ nhạc bài thơ này của tôi. Bây giờ tôi mừng là quân đội ta đã rút khỏi Afghanistan về nước.

Chàng trai Nga nằm trên đất Afganistan

Con kiến-tín đồ đạo Hồi bò trên gò má

Nó bò rất khó khăn – người chết đầy lông lá

Và con kiến thì thầm bên tai chàng trai:

“Anh không biết mình chết ở chính nơi này

Anh chỉ biết nước Iran ở gần đâu đó

Sao anh đến nước chúng tôi tay cầm vũ khí

Nơi lần đầu tiên anh nghe thấy từ Islam

Anh mang đến gì cho tổ quốc tôi chân đất nghèo nàn

Khi ở tổ quốc anh còn người xếp hàng mua phomát

Chẳng lẽ các anh hai chục triệu người bị giết

Chưa đủ sao mà còn phải thêm vào?”

Chàng trai Nga nằm trên đất Afganistan

Con kiến-tín đồ đạo Hồi bò trên gò má

Nó muốn cầu xin những con kiến chính giáo

Nâng anh lên, hồi sinh lại cho anh

Nhưng ở tổ quốc phương Bắc của những trẻ mồ côi, những người vợ góa

Những con kiến như thế kia chỉ còn ít quá.

(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

 

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

XỬ BẮN CHÚA JESUS, ngày 7/8/1936 tại Tây ban nha

 


Đó là tên gọi của bức ảnh và sự kiện nổi tiếng đi kèm với cuộc nội chiến Tây Ban Nha, xảy ra trong giai đoạn mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa xã hội cánh tả cùng nổi lên tại Châu Âu sau Thế Chiến Thứ Nhất. Trong ảnh, các thanh niên Cộng Sản Tây Ban Nha làm theo chỉ thị của Các Mác nhằm "xóa bỏ ảnh hưởng của tôn giáo". Những kẻ này đã giương súng nhắm bắn vào tượng Thánh Tâm Chúa Jesus ở Đồi Thiên Thần, Getafe, Tây ban Nha. Sau đó chúng đã phá hủy các đền đài và tượng đá xung quanh tượng Chúa.

Quân Cộng Sản Tây Ban Nha được sự hỗ trợ của Liên Xô, đã tiến hành chiến tranh tổng lực trên toàn Tây Ban Nha và nắm được hầu hết quốc gia này. Trong thời gian nắm quyền, chúng đã thi hành triệt để các chính sách như tịch thu ruộng đất tư và tài sản của Giáo Hội, lọai bỏ ảnh hưởng của nhà thờ khỏi trường học, kèm theo đó là tuyên truyền dối trá tạo sự thù ghét và kêu gọi thủ tiêu những người Kitô giáo. Trong thời gian này, quân Cộng Sản đã giết chết 40 ngàn người, trong đó có hơn 6800 linh mục và tu sĩ. Hơn 10 ngàn người bị giết vì không chịu bỏ đạo.

Sau này, Tây Ban Nha đã loại bỏ được nạn cộng sản khỏi quốc gia của mình, tái thiết lập địa vị của giáo hội Công Giáo, tu sửa lại tượng đài Chúa Kitô cùng nhiều công trình tôn giáo khác đã bị phá hoại trong cuộc chiến. Năm 2007, tại Vatican, Giáo Hoàng đã tuyên thánh cho hơn 400 vị tử đạo trong cuộc nội chiến Quốc - Cộng Tây Ban Nha, khiến đây trở thành lần tuyên thánh lớn nhất từ trước đến giờ. Quanh tượng Chúa năm xưa được xây thêm một nhà thờ lớn, một số tượng đá bị đập vỡ và các lỗ đạn trên thân tượng Chúa vẫn có thể được nhìn thấy.

(Hoài Thạch Sơn)