Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

ĐÂU LÀ MỤC ĐÍCH và MỤC TIÊU TRẬN TẬP KÍCH vào ĐỒNG TÂM rạng sáng 9/1/2020?


-Nguyễn Đăng Quang-



Như mọi người đều biết, một chiến dịch quy mô lớn với một lực lượng hùng hậu được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết nhằm tập kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã xảy ra vào rạng sáng 09/01/2020 gây sự bất ngờ đến ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Kết quả đau lòng đã để lại cho cả hai bên: Cụ Lê Đình Kình bị sát hại bằng nhiều phát đạn ngay tại nhà riêng của mình, và 3 chiến sỹ CSCĐ hy sinh do “trượt chân ngã xuống giếng trời sâu 4 mét...”. Vậy đâu là lý do và nguyên nhân chủ yếu cho cuộc tập kích bất ngờ của chính quyền vào xã Đồng Tâm, hay nói một cách khác là, cuộc tập kích trên nhằm mục đích gì và để đạt mục tiêu gì là chính?
“Phải tiêu diệt bằng được Lê Đình Kình, tịch thu bằng hết hồ sơ, tài liệu, chứng cứ mà đương sự đang cất giữ, bắt bằng hết “nhóm Đồng thuận Đồng Tâm”, đồng thời phá hủy tan tành 3 ngôi nhà liền kề của đại gia đình Lê Đình Kình, để làm gương cho những kẻ
khác!”. Đây có phải là mệnh lệnh của thượng cấp, đồng thời cũng là mục đích và mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích vào thôn Hoành xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/01/2020 không?
“Nhóm Đồng thuận” hình thành vào năm 2014, ban đầu chỉ gồm khoảng 10 thành viên, chủ yếu là đảng viên, trong đó có 3 đảng viên lão thành làm nòng cốt, do cụ Lê Đình Kình đứng đầu! Từ khi ra đời cho đến nay, nhất là sau biến cố Đồng Tâm (15-22/4/2017), nhóm này chủ trương đấu tranh ôn hòa thông qua các kiến nghị và các kêu cứu gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương. Sách lược đấu tranh của họ là tuyên bố ủng hộ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng do TBT Nguyễn Phú Trọng phát động, đồng thời họ cũng giương cao các khẩu hiệu chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt coi tham nhũng là giặc nội xâm, để tập hợp và đoàn kết người dân. Nhóm này luôn khẳng định họ không chống Đảng và Nhà nước, họ chỉ chống bọn tham nhũng và các nhóm lợi ích trong ĐCSVN, mà họ gọi là giặc nội xâm trong Đảng!
Tôi đã nhiều lần về Đồng Tâm tiếp xúc với cụ Kình. Trao đổi và tâm sự với tôi về cách hóa giải mâu thuẫn trong xã hội, cụ thể là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, cụ xác quyết 3 nguyên tắc sau:
– Một là: Dứt khoát phải loại bỏ sử dụng vũ lực. Cụ nói: “Vũ lực chỉ nên sử dụng với kẻ thù khi không còn con đường nào khác. Tuyệt đối không bao giờ dùng vũ lực để chống lại nhân dân. Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực, đó là quy luật và hậu quả tất yếu”!

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

NHỮNG CÂU HỎI CHO TRUNG TƯỚNG LƯƠNG TAM QUANG

Lưu Trọng Văn
Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, cảnh sát vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9/1 để "kịp thời bảo vệ người dân" trước lời đe dọa của nhóm chống đối.
Rất tốt thưa trung tướng Quang.
"Theo kế hoạch, ngày 9/1, tường rào sẽ xây đến khu vực Đồng Sênh của xã Đồng Tâm nên từ rạng sáng Công an Hà Nội lập các chốt an ninh trong xã. Nguồn tin từ Bộ Công an thông báo "khi đi đến làm nhiệm vụ tại cổng làng Hoành, cán bộ của chốt số 16 bị ném quả nổ, bom xăng và bị phi dao phóng lợn". Khi bị cảnh sát truy đuổi, hơn 20 người chạy vào các căn nhà nằm sát nhau của Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Chức, ném chai xăng từ tầng 2-3 xuống.
Khi bị nhóm 3 cảnh sát do thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô) chỉ huy truy đuổi, những người chống đối chạy vào nhà Lê Đình Chức, rồi sang nhà Lê Đình Hợi. "Giữa hai nhà có một hố kỹ thuật, sâu khoảng 4 m, không nắp, cảnh sát đã ngã xuống và bị tưới xăng, châm lửa đốt theo chỉ đạo của Lê Đình Kình".
Việc cụ Kình chỉ đạo tưới xăng nếu là sự thật thì đó là tội ác. Tuy vậy xin có câu hỏi với tướng Quang: nhà cụ Kình chật, cái hố giếng trời nhỏ khi tấn công cụ Kình có ba sĩ quan an ninh của lực lượng CSCĐ vô cùng tinh nhuệ được đào tạo cơ bản tại sao lại dàn hàng ngang để rồi cùng rơi xuống hố vậy? Bởi vì theo nguyên tắc đánh trận thì người theo hàng dọc, người này bọc lót cho người kia thì người đi trước lọt hố, người sau sẽ biết để dừng lại và dùng bộ đàm kêu cứu tiếp viện cứu người lọt hố. Cả ba người lọt một hố chỉ có thể ngây ngô dàn hàng ngang mà thôi.
Cứ cho rằng cả ba người tiên phong đan hàng ngang để rồi cùng sập hố đi chăng nữa thì tại sao chỉ để ba người xông lên mà không có lực lượng bọc lót? Đánh trận kiểu gì kì cục vậy? Nếu sự thật đánh trận liều lĩnh, coi tính mạng của đồng đội rẻ vậy, thì phải kỉ luật ngay viên chỉ huy trận đánh.
Nếu có bọc lót thì khi cả ba sĩ quan cùng ngã hố sâu 4 m họ sẽ không bị chết ngay, sẽ la lên thì lực lượng bọc lót sẽ lập tức bảo vệ, khống chế cụ Kình làm sao có chuyện bị thiêu cháy?
Thứ trưởng Quang cho hay: "Ông Kình ném một quả lựu đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác."
Như vậy thông tin ban đầu cho rằng cụ Kình bị bắn khi đang đập phá hàng rào sân bay cách nhà cụ 3 km, chống đối người thi hành công vụ lúc 4 g sáng là bịa đặt.
Tại sao phải bịa đặt như vậy? Kẻ nào bịa đặt? Và, bịa đặt để làm gì?

VỤ ĐỒNG TÂM: TÔI KHÔNG TIN LẬP LUẬN CỦA CÔNG AN

Nguyễn Tiến Trung
Tôi rất khen ngợi nghiệp vụ báo chí của báo VietnamNet. Ban biên tập VietnamNet đã để chữ “mưu đồ” trong ngoặc kép nhằm cảnh báo người dân phải “nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng”, không được nghe lời tướng công an nói mà phải dùng lý trí để suy xét xem những gì họ nói ra có đúng không.
“Chính quyền” chưa bao giờ đồng nghĩa với “chính nghĩa”. Cũng như “đảng” chưa bao giờ đồng nghĩa với “tổ quốc” để đến nỗi ca ngợi các chiến sĩ cảnh sát cơ động đi trấn áp dân lành là “bảo vệ tổ quốc”.
Đến giờ này, nhà cầm quyền đã đưa ra kịch bản thứ ba sau 5 ngày suy nghĩ vì 2 kịch bản trước quá dở. Kịch bản đầu tiên là bộ đội đang xây tường bao sân bay Miếu Môn thì dân kéo đến ngăn cản, trong khi thảm kịch xảy ra tại thôn Hoành.
Kịch bản thứ hai là buổi sáng hôm ấy cảnh sát cơ động trang bị vũ khí tận răng đang đi “dạo” đến cổng thôn Hoành thì bị tấn công. Cho nên bây giờ nhà cầm quyền phải đưa ra kịch bản thứ ba là công an đã lên kế hoạch chốt chặn từ trước và bị tấn công, như thế thì mới lý giải cho chuyện hoàn toàn không có lệnh khởi tố hay lệnh bắt. Và cảnh sát cơ động mang vũ khí vào làng là vì có thông tin dân chống đối bằng các “biện pháp nghiệp vụ”.
Bài báo có đoạn: “Theo ông [tướng công an Lương Tam Quang], cũng có luồng dư luận đặt câu hỏi tại sao lực lượng công an triển khai vào lúc sáng sớm. ‘Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình xây dựng tường rào của sân bay Miếu Môn đến khu vực đất Đồng Sênh, khu vực của xã Đồng Tâm, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân xã Đồng Tâm, các trụ sở. Lực lượng công an phải tổ chức chốt chặn, nhằm kiềm chế không cho các đối tượng manh động sử dụng vũ khí. Tất cả các phương án bảo vệ đều căn cứ theo luật An ninh quốc gia’.”
Câu trả lời của tướng Quang hoàn toàn không thuyết phục và không đi vào câu hỏi của dân: Tại sao để đảm bảo an ninh trật tự ở tận đồng Sênh mà phải trang bị vũ khí đến tận răng tiến vào thôn Hoành lúc nửa đêm về sáng? Quân đội đi xây tường ở sân bay Miếu Môn vào ban đêm và cảnh sát cơ động phải đi bảo vệ an ninh ở cách đó 2.5 km?
Thật ra thì giữa quân đội và dân hoàn toàn thống nhất về các giới mốc trên đồng Sênh và người dân đã quay lại clip với sự có của các chiến sĩ bộ đội. Việc quân đội xây tường rất được dân Đồng Tâm ủng hộ để ranh giới được rõ ràng.
Cũng theo tướng Quang: “Lực lượng công an thu giữ tại hiện trường 8 quả lựu đạn và trên tay của Lê Đình Kình, sau khi ném quả lựu đạn nhưng không nổ. Đây là hành động rất dã man của nhóm này“.

Địch - ta hay là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

NB TRẦN QUANG VŨ:
1997, tôi làm nghiệp vụ báo chí trong tổ công tác của Bộ Chính trị giải quyết điểm nóng Thái Bình. Nay viết lại kinh nghiệm xử lý điểm nóng của các bậc tiền bối.
Ban đầu là vài xã của Quỳnh Phụ lan dần ra Vũ Thư, Hưng Hà, Thái Thụy, Đông Hưng...
Bốn sự kiện chuyển từ đấu tranh theo kiểu khiếu kiện sang khiếu kiện đông người và bắt đầu nhuốm màu bạo lực:
1. Hàng nghìn người bao vây trụ sở CA Quỳnh Phụ đòi thả người.
2. Dân tràn vào cướp diễn đàn Đại hội Đảng bộ xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy, đánh Chủ tịch xã bị thương tích nặng và nhóm cực đoan đập phá, đốt nhà của 9 cán bộ chủ chốt xã.
3. Bao vây, phá cổng, tràn vào đập phá UBND tỉnh Thái Bình.
4. Bắt, trói, làm nhục 21 cán bộ chiến sỹ CA trong nhiều ngày tại xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ.
Lãnh đạo địa phương, các cơ quan nội chính cấp tỉnh muốn xử lý theo quan điểm dùng chuyên chính, tức là vũ trang và pháp luật để bắt giam, khởi tố truy tố. Ở địa phương, ông Nuôi, anh hùng các lực lượng vũ trang, tỉnh đội trưởng không đồng tình dùng quân đội vũ trang trấn át dân.
Bộ Chính trị phân công ông Phạm Thế Duyệt làm tổ trưởng tổ công tác của Bộ Chính trị. Ông Duyệt biên chế vào tổ của mình gọn nhẹ những người giỏi và có trách nhiệm về hẳn Thái Bình làm việc tương đối độc lập với hệ thống chính trị địa phương theo hướng tìm ra bản chất xung đột. Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thường trực Đảng Lê Khả Phiêu hàng ngày nhận báo cáo trực tiếp của ông Duyệt và ý kiến độc lập các thành viên tổ công tác.
Khi tất cả mọi khía cạnh lộ sáng: cán bộ lãnh đạo chuyên quyền, tham nhũng và cấu kết đề nghị Trung ương dùng chuyên chính, bắt người tố cáo là muốn đè bẹp ý chí phản kháng của dân nhằm che dấu tội lỗi của những người có chức, quyền nhưng hư hỏng... Bộ Chính trị ban hành một văn bản: Không có vấn đề địch - ta. Chỉ có mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà nguồn gốc là cán bộ hư hỏng. Vì vậy, không được dùng Chuyên chính vô sản mà chủ yếu áp dụng phương pháp vận động, thuyết phục. Cần, nhưng rất hạn chế xử lý trước pháp luật một số vụ dân cực đoan để răn đe. Đối với cán bộ và hệ thống chính trị làm sai thì xử lý nghiêm. 242/285 xã phải xử lý cán bộ chủ chốt.
Thái Bình trở lại yên bình bởi Bộ Chính trị xử lý theo quan điểm dân vạn đại, dân là của mình.
Hằn thù dân chúng và đàn áp dã man là con đường nhanh diệt vong nhất. Đông, tây, kim, cổ có nhiều chứng minh.
Phim: Thái Bình, nguy cơ tiềm ẩn, thời lượng 180 phút của chúng tôi đã được Trung ương xác định là giáo khoa giải quyết vấn đề nông thôn. Vẫn còn trong kho lưu trữ đấy.
Tôi đã viết 21 status về vấn đề xử lý điểm nóng Thái Bình.
NB Trần Quang Vũ
‐----
P/S:
Sau ĐH12, trả lời truyền thông quốc tế, VVT tôi đã tiên liệu tình hình nhân quyền tại VN tới đây sẽ tệ hơn rất nhiều, vì chóp bu nhung nhúc nhân sự C.A, hoặc gốc C.A: CT nước - đại tướng, UV BCT Trần Đại Quang; PTT TT - trung tướng Trương Hòa Bình; Chánh án TANDTC, Bí thư TW đảng - thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình; Trưởng Ban TCTW, UV BCT - trung tướng Phạm Minh Chính... đứng đầu là Ng Phú Trọng, lúc nào cũng nơm nớp sợ đảng CSVN mất độc quyền cai trị, sụp đổ.
Thời gian từ đầu 2016 đến nay đã minh chứng nhận định trên: bắt bớ, khép án, và cả bắn giết ngày càng tàn bạo, khốc liệt.

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

ĐỒNG TÂM: ĐỪNG ĐỂ OAN OAN TƯƠNG BÁO!


Ts Nguyễn Ngọc Chu

 
Mấy lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên. Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm.
Tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự. Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng, thì thật là đau xót. Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng. Mới thấy mạng người trong bi kịch Đồng Tâm không được quý trọng. Quyền được sống trong câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ - “ Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” - sau 74 năm vẫn còn là điều không đạt được với nhiều người.
Viết đến đây, nghĩ đến cách chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 9/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết. Và càng không phải chết thảm thương như vậy.
Nhiều người đợi chờ sự lý giải phải trái đúng sai ở Đồng Tâm vào lúc này. Phải trái đúng sai là để mà giải quyết tranh chấp. Nhưng tranh chấp đã được giải quyết bằng súng đạn, thì ý nghĩa phải trái đúng sai lúc này tuy quan trọng, vẫn không quan trọng bằng giải quyết hậu quả. Bài viết này không bàn về đúng sai của 59 héc ta đất Đồng Sênh giữa hai bên tranh chấp. Vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài viết khác. Về Đồng Tâm dù có nhiều bài viết nữa cũng không bao quát hết sự việc. Bài viết hôm nay chỉ nói về một phần hậu quả của bi kịch đêm 09/01/2020 ở thôn Hoành.
I. NHỮNG HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
1. CHIA RẼ SỰ ĐOÀN KẾT LÀM GIẢM SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC
Việc đưa cả ngàn cảnh sát cơ động đến thôn Hoành đêm 09/01/2020 dẫn đến 4 người bị thiệt mạng, đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với nhân dân. Và đó còn là sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền. Hãy lướt qua mạng xã hội để thấy sự chia sẽ này rộng lớn đến mức độ nào.
Trong lúc Trung Quốc đang mang tàu đến uy hiếp ở vùng biển Việt Nam thì nội bộ Việt Nam bị chia rẽ. Sức mạnh của Việt Nam bị giảm sút. Tinh lực và đồng lòng của Việt Nam bị phân tán. Tác hại của việc tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh thật nguy hiểm.
Phải nhìn nhận cho sáng, rằng sự chia rẽ này còn kéo dài lâu nữa, dẫu trên bề mặt sắp tới đây sẽ lắng xuống. Hơn nữa, sự chia rẽ sẽ còn tiếp tục lan rộng - chừng nào không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Những phát đạn không phải là kết thúc.
2. VẾT THƯƠNG LƯƠNG TÂM

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

THƯ CỦA TS HÀ SĨ PHU và THƯ CỦA GS MẠC VĂN TRANG


 THƯ CỦA TS HÀ SĨ PHU
Thưa tất cả bè bạn trên Diễn đàn
Đọc tin hơn nghìn quân lực lượng vũ trang nhà nước CS đang đêm tấn công dân làng Hoành xã Đồng tâm, tôi đã đau lòng thốt ra "sao lại đến nông nỗi này", nhưng khi đọc bài của anh Mạc Văn Trang gửi các vị lãnh đạo, trong đó có trích những lời lẽ của bọn DLV "yêu Đảng yêu chế độ" xỉ vả một trí thức 82 tuổi luôn có lời lẽ ôn tồn, thì tôi thấy niềm rất đau về Đồng Tâm kia lại còn nhỏ bé! "Sao lại đến nông nỗi này, hả cả một thế hệ trẻ VN đang thành Hồng vệ binh như Tàu, sao lại đến nỗi này hả cái đất nước VN văn hiến nhưng muôn vàn khốn khổ này?. Tôi gửi bài của bác Mạn Văn Trang (đính kèm) để mọi người đọc, và các trang Dân sự của ta nên đăng bài này (với đầy đủ lời của các DLV, con cháu của chúng ta, để cùng chia sẻ cái nỗi đau đang trên đường tha hóa mất Dân tộc?
Mất Dân tộc còn đau hơn mất nước, vì Dân tộc còn thì còn cơ giành lại đất nước bị mất, chứ mất Dân tộc thì mất toàn cục và mất vĩnh viễn thôi!
Kính thư - hsp -
THƯ CỦA GS MẠC VĂN TRANG
THƯ GỬI TBT CHỦ TỊCH NƯỚC, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI,
CHỦ TICH MẶT TRẬN TỔ QUỐC NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
Kính thưa các Ông, Bà,
Tôi là Mạc Văn Trang (sinh 1938), Nhà giáo, ở Hà Nội, xin có mấy điều thưa với Quý Ông, Bà.
1. Vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào khoảng 4 giờ sáng ngày 09/1/2020 thật đau lòng. Trước sự việc đó tôi có đăng trên face book mấy dòng tâm trạng (status), đại ý:

Bảo vệ dân làng Đồng Tâm, nữ phóng viên Thông tấn xã bị gọi là “con đĩ già”.


 
Đây là bà Nguyễn Kim Chi, cựu phóng viên thông tấn xã Việt Nam. Vì bênh vực nhân dân làng Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội khỏi quân cướp đất, bà bị dư luận viên gọi là “con đĩ già.”
Cụ thể, ngày 08 tháng 01 năm 2020, bà Nguyễn Kim Chi biết được tin dư luận viên gọi cụ Lê Đình Kình là thằng kình thì bà không chịu nổi. Bà viết: “Chưa từng ai nghĩ dư luận viên là hiểu biết, có học.” Ngay lập tức, dư luận viên vào chửi bà là “con đĩ già”.
Xem ảnh chụp màn hình bằng chứng:

Hoàng Minh Danh, một dư luận viên khu vực Hà Nội chửi: “Nguyễn Kim Chi thứ 3 que súc vật rác rưởi.” Trong khi đó, bà Nguyễn Kim Chi cả đời đã làm việc tận tình cho Thông tấn xã Việt Nam. Kim Chi làm việc đúng theo Nghĩa đạo nghề làm báo. Trong khi bà làm việc chưa bao giờ xảy ra kỷ luật hay khiển trách. Nay bà Nguyễn Kim Chi đã nghỉ hưu, tác thành cho đôi lứa trong thiên hạ. Bà Nguyễn Kim Chi có thể im lặng để nhận lương hưu hàng tháng từ sổ hưu. Nhưng không, bà đã lên tiếng cho lẽ công bằng, cho những người nông dân thấp cổ bé họng ở cánh đồng Sênh xã Đồng Tâm, như câu nói của Xu khôm Linxki: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

SỰ NHẦM LẪN CỦA MỘT GIÁO SƯ

(Bàn về cuốn tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại)
Bài của GS Trần Đình Sử
                                                                        GS Trần Đình Sử
                                                    GS Hồ Ngọc Đại 
Tôi với GS Đại có chút đồng hương, đã từng học ở trại Thiếu sinh Quảng Trị. Tôi không có mâu thuẫn gì với anh Đại. Tôi cũng tán thành quan niệm mỗi ngày đến trường là một niềm vui, giáo dục học sinh để nó phải trở thành chính nó. “lấy HS làm trung tâm”… Nhưng đó là nói ở của miệng cho hay thôi, chứ hiểu cho đúng các mệnh đề ấy không dễ, và thể hiện trong chương trình với SGK thế nào mới thật là khó.
Tôi biết chắc anh Hồ Ngọc Đại chưa hề có một chương trình hoàn bị cho các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Cách dạy thực nghiệm của anh là nghĩ đến đâu dạy đến đó, chưa có hệ thống gì. Nếu ai không tin, đề nghị anh Đại công khai chương trình đầy đủ của anh cho mọi người biết và nhận xét, thẩm định. Và xin anh Đại đừng tự huyễn hoặc rằng không ai có đủ trình độ thẩm định sách của anh. Đó là nói về Chương trình, còn nhìn SGK của anh thì người ta thấy còn lâu mới đạt được yêu cầu đó, vì như SGK Tiếng Việt 1 công nghệ có quá nhiều sai sót ấu trĩ.
GS Hồ Ngọc Đại đi đâu cũng nói SGK tiếng Việt 1công nghệ của ông là môn khoa học, đã là khoa học thì phải học khái niệm. Tiếng Việt 1 theo ông, chỉ học một khái niệm , đó là cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Vậy chữ viết là gì? Là vật thay thế cho âm là vật thật. Để học cấu trúc ngữ âm, học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa, bởi nếu học nghĩa thì hoá ra học từ, mà theo ông đó là nội dung của lớp 2. Bài học của ông là một không gian chân không về nghĩa. Quy tắc chính tả là các quy ước. Sách của ông dạy HS phân biệt âm và chữ, tập đọc vần và viết theo vần, kết hợp dạy chính tả và cố nhiên là HS biết đọc và biết các quy tắc chính tả. Đây là một ưu điểm của SGK này. Nhưng HS đọc mà không hiểu nghĩa là một thiếu sót lớn. Cách dạy theo công nghệ là GV thực hiện răm rắp theo SGV, y như người thợ dạy một cách máy móc (xem hướng dẫn của SGV). Sách CN không đòi hỏi (thậm chí cấm GV thay đổi các quy định của SGV) GV được hình dung như một robot, cho nên GV lười và kém có thể thích SGK này. Sách CNGD không yêu cầu cha mẹ HS tham gia phối hợp. Về thực tiễn, nghe nói cách dạy này học chắc, không tái mù. Nhưng xin hỏi ai xác nhận điều này, có các khảo sát và đánh giá? Chỉ là do các anh kêu to lên mà thôi. Yêu cầu học chữ không chỉ để chống tái mù. Theo tôi cần có sự kiểm định khách quan, có đối chứng với SGK tiếng Việt 1 khác mới khoa học. Tôi nghe nói Viện KHGD đã nghiên cứu tiếng Việt 1 của CNGD, nhưng không đối chứng thì có giá trị gì? Tôi cũng nghe nói một số GV kêu phải thêm giờ thì mới dạy được, và các báo cáo kết quả sử dụng sách CNGD gửi lên trên trước đây do nhiều lí do còn thiếu khách quan, trong đó có vai trò của vụ chỉ đạo bậc học, nhiều cán bộ ở vụ Tiểu học đều là người của GS Đại cầm lái. Cần minh bạch với cái huyền thoại này.
Về lí thuyết, quan niệm của GS Đại còn nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng không thể chấp nhận đuợc.

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Lời vĩnh biệt Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh của Bauxite Việt Nam


Thương tiếc không nguôi Lão Tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh






Sinh ngày 1 tháng 10 năm 1916, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã có mặt giữa cuộc đời này 104 năm, vượt giới hạn bách niên 4 năm có lẻ. Không ai dám níu lại mệnh trời dành cho một bậc cao niên như thế. Nhưng sâu trong tấc lòng, tin chắc không ai không nhói đau trước việc Cụ từ trần, kể cả những người ngoài mặt phải tỏ vẻ lạnh nhạt, hoặc kẻ được giao phó phận sự trông chừng Cụ ngày ngày. Chỉ vì một lẽ, Cụ là người sống rất đàng hoàng, nói thế nào làm thế ấy. Mà làm vì sự thật mách cho Cụ thấy, chỉ cho Cụ hiểu, không một quyền lực nào hoặc một lý tưởng viển vông nào che lấp được mắt Cụ, ngăn cản nổi con đường Cụ đi. Ôn tồn, không nóng giận với một ai, cũng không cực đoan với những gì mình từ bỏ, song cũng vì thế những ai không còn dám đi cùng đường đều phải nể và sợ Cụ.
Đối với trang Bauxite Việt Nam, ngay khi vừa xuất hiện bằng một bản Kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu dừng khai thác bauxite ở Lâm Đồng do ngài Bí thư Nông Đức Mạnh tự tiện ký với Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào mang về bắt Nhà nước thực hiện mà không thông qua Quốc hội, do ba người khởi thảo và đăng lên ngày 12-4-2009 là Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng ký tên, chỉ trong một thời gian ngắn với 9 đợt chữ ký gần xa gửi tới, thu thập thành một danh sách 2764 người, chưa hề có tên Nguyễn Trọng Vĩnh. Điều ấy không có gì lạ. Vì Cụ là người cẩn trọng, một trang mạng quá mới với những cái tên người sáng lập còn rất xa lạ làm sao đã đủ uy tín để làm cho một nhà chính trị lão luyện như Cụ có thể tin ngay.
Tuy thế, chính trong thời gian đó, sự hưởng ứng bằng bài vở của độc giả khắp bốn phương viết cho trang mạng đã nâng cao vị thế của nó lên rất nhanh. Lòng tin của độc giả đối với Bauxiite Việt Nam hiện rõ từng ngày trong từng bài viết. Cụ và Nhóm cách mạng lão thành xung quanh cụ chắc đã theo dõi sít sao. Sau này, những người sáng lập mới được biết, nhiều bạn bè và đàn em của Cụ rất chăm chỉ in bài trên BVN thành từng tập mang đến tận tay Cụ. Và thật không ngờ, chỉ sau khi kết thúc bản Kiến nghị phản đối khai thác bauxite không lâu, Ban biên tập bỗng nhận được một lá Tâm thư gửi các đại biểu Quốc hội đề ngày 2/6/2009 nói sâu thêm âm mưu của Trung Quốc mượn cớ thúc giục Việt Nam khai thác Bauxite ở Tây Nguyên để phá hoại toàn bộ môi trường của vùng đất đặc biệt này, đồng thời khéo léo phê phán Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định vội vàng thành lập tập đoàn TKV trong khi chưa khảo sát kỹ mọi mặt môi trường ở đây cũng như cân nhắc trình độ kỹ thuật khai thác bauxite và các phương tiện bảo đảm an toàn còn yếu kém của ngành công nghiệp Trung Quốc; cũng phê phán cả Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường nói liều lĩnh rằng sẽ giám sát chặt chẽ môi trường khi TKV thực thi công việc là chuyện bất khả thi; còn ông Thủ tướng Chính phủ thì làm một việc trớ trêu là ký duyệt được trước khi trình Quốc hội, đó đều là những việc “đặt cái cày lên trước con trâu khá xa”, là bắt Quốc hội phải gánh cái tội “đổ mọi trách nhiệm cho Bộ chính trị và Chính phủ”, trong khi phải coi nó là trách nhiệm của chính mình. Một cách diễn đạt rất mềm dẻo làm nổi bật được sự ngang trái của vấn đề TKV nóng bỏng lúc bấy giờ mà vẫn không hề động đến Bộ Chính trị và Trung ương Đảng CS. Dưới lá tâm thư ký tên “Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. 23 Ngõ 5, Hoàng Tích Trí, Kim Liên, Hà Nội”, đi cùng với 15 tên người khác phần lớn là lão thành cách mạng. Đó là bài đầu tiên Cụ viết cho BVN. Anh chị em biên tập nhận được hết sức cảm động, biết đây cũng là một cách bổ sung chữ ký muộn của vị Thiếu tướng cùng với nhóm người tâm huyết với ông vì bản Kiến nghị đã kết thúc. Chứng tỏ tâm thành của những người đề xướng Kiến nghị Bauxite và xây dựng trang Bauxite Việt Nam đã được vị Thiếu tướng cùng thân hữu nhận ra và nhất loạt tán đồng.
Sau đó, trong vòng chưa đầy một tháng, người chịu trách nhiệm quản trị trang mạng thời kỳ ấy là GS Nguyễn Huệ Chi lại nhận được một lá thư mời ông đến dự họp với Nhóm lão thành cách mạng tại nhà một người trong nhóm là ông bà LHH. Theo Nguyễn Huệ Chi kể lại thì khi ông vừa xuất hiện, tất cả những người dự họp đều ồ lên vui mừng, dường như tìm được một đại diện của “tuổi trẻ” cùng chí hướng đến chia sẻ và đóng góp với các bậc tiền bối về những vấn đề nổi cộm của đất nước mà các vị đang hết sức quan ngại. Về phía Nguyễn Huệ Chi, ông cũng vừa vui vừa bỡ ngỡ, bởi lần đầu tiên được dự vào một cuộc họp của những người tuổi đảng cao ngất ngưởng, và bàn bạc những điều mang tính nguyên tắc ông chưa từng được nghe. Nhưng ông chú ý nhất là trong cuộc họp, tuy còn có mặt nhiều vị tướng tá khác, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh hình như vẫn là linh hồn, mỗi lần Cụ phát biểu đều được mọi người lắng nghe, nhiều hưởng ứng mà ít có lời tranh cãi lại. Cụ bộc lộ quan điểm của mình, vẫn vững tin rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể là người lầm lẫn giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa yêu nước; hai cái đó với Cụ Hồ và Đảng theo đường lối cụ Hồ nhất định phải thống nhất. Nhưng điều cần thấy ra là giữa Hồ Chí Minh với tập thể những người lãnh đạo hiện tại là hai thực thể khác biệt, nếu đánh đồng làm một sẽ nguy hiểm cho một kiểu ứng xử bắt buộc “nhất thành bất biến” của mình. Qua bấy nhiêu câu nói vắn tắt trong cuộc họp, như ông từng kể lại, Nguyễn Huệ Chi mẫn cảm hiểu ra rằng, ở trong tâm can vị lão tướng đang bắt đầu có một sự chuyển biến về nhận thức lịch sử, không còn dựa vào tín điều như vẫn được rao giảng, mà đã dựa vào quan sát thực tế của một đảng viên trong tư cách một con người có đầu óc suy xét riêng. Ông dự đoán cuối cùng con người ấy thế nào cũng sẽ đi hẳn với nhân dân.
Quả nhiên, từ đó, giữa trang Bauxite Việt Nam với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh bắt đầu một quan hệ thân gần. Cụ viết bài đều đặn cho trang mạng, bài dù ngắn dù dài cũng đề cập vào những chuyện tai nghe mắt thấy cụ thể, và rút ra những kết luận cụ thể không ai bác bỏ được. Cụ cũng tình nguyện giúp đỡ “một chút” cho BVN như lời Cụ, cụ thể là mỗi tháng bớt ra 1 triệu đồng tiền lương, nói trước sẽ giúp trong vòng một năm, để đỡ đần những khó khăn mà người này người khác gặp phải khi cần trang bị một phương tiện kỹ thuật nào đấy, hoặc khi trang mạng cần tổ chức một diễn đàn, một cuộc đi thực tế nào đấy. Và Cụ đã thực hiện lời hứa đều đặn không sai.
Qua Cụ, các lão thành cách mạng cũng trở nên ngày càng thân thiết với người điều hành trang mạng, thậm chí có người như ông Vũ Thuần, vào năm 2009 là 85 tuổi đời và 65 tuổi đảng, trước lúc qua đời vị bệnh nặng vào một vài năm sau, còn cho con trai đến gọi bằng được Nguyễn Huệ Chi đến bên giường bệnh để nói những lời căn dặn của người “tri thiên mệnh” đối với người đi sau. Có người như Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, năm 2010 vừa nghe Nguyễn Huệ Chi thoát khỏi cuộc thẩm vấn đằng đẵng của Phòng điều tra hình sự Bộ Công an trong vòng 22 ngày kể từ 13/1/2010, đã gọi điện đến ngay để báo tin việc Nhà nước cho Trung Quốc thuê rừng phòng hộ là một sơ hở chết người cần đưa ngay lên báo mạng. Liền sau đấy ông gửi đến bài báo Về việc các tỉnh cho người nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng với tên hai người đứng liên danh là Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, được đăng trên Bauxite Việt Nam vào ngày 11/2/2010.
Tất nhiên, dù giữa hai bên đã hết sức đồng cảm, lòng tin xây dựng trên cơ sở cùng hướng về mục tiêu độc lập dân tộc và cả yêu cầu tự do dân chủ thể hiện ra bằng chữ ký trên các loại kiến nghị khác nhau của BVN là chuyện có phức tạp hơn, bởi kiến nghị này hợp ý người này song người khác chưa chắc đã thấy cần thiết, và trái lại. Dầu vậy, có thể nói trong việc ký tên này thì vai trò lôi cuốn của Nguyễn Trọng Vĩnh đối với bạn đồng tuế và đồng hành trong hàng ngũ cựu tướng lĩnh, quan chức là rất quan trọng. Như đã lưu ý ở trên, trong danh sách Kiến nghị bauxite đầu tiên vào tháng 4 năm 2009 chưa thấy có tên Cụ. Cho đến bản Kiến nghị bauxite nhân nổ ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary đăng lên ngày 9/10/2010, tức là cách hơn một năm sau, trong số 2670 người ký tính đến ngày 4/11, Cụ đã tham gia ký tên song cũng chưa ký ngay trong đợt 1 mà phải đến đợt 2 hoặc đợt 3 vì đứng ở số 476. Có lẽ phải sau một số ngày kiểm tra tài liệu nước ngoài và trong nước, nhất là về việc xây dựng hồ bùn đỏ của TKV tại Tây Nguyên, cụ mới yên tâm đặt bút.

Nhưng đến bản Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ phát đi ngày 16/4/2011, chỉ trong ba đợt tính đến ngày 4/5, có 1889 người ký, thì tên Nguyễn Trọng Vĩnh đã đứng thứ 7 ở danh sách đợt 1, trên đó còn có Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (thứ 5), Trung tướng Lê Hữu Đức (thứ 6) và sau Cụ còn chữ ký của Thiếu tướng Trần Minh Đức, Thiếu tướng Tô Thuận, Thiếu tướng Bùi Quỹ cùng 10 vị Đại tá khác.

Chính đây là một trong những bằng chứng để chúng tôi xác nhận sức lôi cuốn mạnh mẽ của Nguyễn Trọng Vĩnh trên con đường đi đến với lẽ phải của dân tộc, một sức mạnh đến nay chưa thể lường tính hết. Mặc dù trên con đường ấy, vì lẽ này lẽ khác không phải ai cũng đi đến cùng được như Cụ, có người hăng hái lúc đầu, về sau do hoàn cảnh gia đình hay cá nhân phải lùi lại hoặc bỏ dở nửa chừng. Nhưng tấm gương trong sáng nhiều mặt của Cụ thì đúng là đã tỏa rạng đến nhiều người xung quanh, đó là điều không thể nghi ngờ.
Cũng vì sự trong sáng của một tâm hồn biết đặt lòng tin đúng chỗ, vào ngày 4/8/2011, khi được xem trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam bêu xấu chuyện cá nhân nhỏ nhặt riêng tư của TS Cù Huy Hà Vũ đang ở trong tù, trong đó có lời kết án trang mạng BVN là “một trang phản động”, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã trực tiếp gửi đến ông Tổng Giám đốc đài này một lá thư phản đối, trong đó có những câu:
“Tôi rất ngạc nhiên về câu mà đài gọi “Bauxite Việt Nam là một trang mạng phản động” (!)Như vậy có nghĩa là hàng nhiều triệu người truy cập trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN) và hàng bao nhiêu danh sĩ, trí thức có tên tuổi, lão thành cách mạng trong đó có tôi đều là hợp tác, đồng lõa với phản động à? Tôi được biết từ 13/1/2010, công an đến khám nhà Giáo sư Nguyễn Huệ Chi – một trong ba người chủ trì trang mạng BVN – tịch thu các “cục cứng”, cố tìm bài phản động mà không thấy, sau 22 ngày làm rầy ông, cuối cùng phải đưa trả các tài liệu và các “cục cứng’ đã tịch thu mà không nói được điều gì xấu về trang mạng BVN.
“Từ đó đến nay trang mạng đều đăng bài của những người tâm huyết với đất nước hoặc kiến nghị những ý hay, ý đúng, hoặc phê phán những sai lầm, bất cập có thật, cũng là mong cho Tổ quốc phát triển nhanh mạnh và giữ vững độc lập chủ quyền, sao buổi phát thanh 4-8-2011 trên VTV1 lại gọi BVN là trang mạng phản động?  
Tôi là một người thỉnh thoảng có bài viết gửi đăng trên mạng BVN, gọi trang mạng BVN là phản động có nghĩa là tôi cũng thuộc phái phản động? Tôi rất bất bình, vì tôi là người suốt đời yêu nước” (Thư ngỏ gửi anh Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đề ngày 11/8/2011).
Ai mà không xúc động và thêm kính trọng vị chủ nhân những phát ngôn trực tính, xuất phát từ ruột gan như vậy?
Bauxite Việt Nam ghi lại một vài điều không thể gọi là đầy đủ về con người Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể trên để bày tỏ nỗi đau xót chân thành của chúng tôi trước cái tang của một con người hết sức hiếm hoi trong hàng ngũ quan chức cao cấp của thể chế đã thật sự trở về với dân, nay vĩnh viễn từ giã cõi nhân sinh mà hẳn còn khá lâu chúng ta mới có thể tìm được một người tương tự. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã được Nhà nước Cộng sản Việt Nam làm lễ tang vô cùng long trọng. Đó cũng là điều nói lên nhân cách toàn vẹn của Cụ khiến không thể nào bài bác, bôi xấu. Ai cũng vui mừng về điều ấy. Diễn đàn Bauxite Việt Nam cũng chung nỗi mừng này. Có điều, đã xẩy ra một hiện tượng chua chát không thể không nói thêm ở đây, là cũng như nhiều người hâm mộ khác từ Nam chí Bắc, lại do có quan hệ sâu nặng với Cụ kể từ khoảng giữa năm 2009 đến nay, Ban biên tập BVN đã làm một vòng hoa viếng trang trọng và cử một phóng viên mang đến tận nơi cử hành tang lễ, số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội, để góp mặt vào buổi lễ nghiêm trang do Nhà nước đứng ra tổ chức. Có ai ngờ khi vòng hoa mang vào phòng tang lễ thì bị chặn lại. Và những người có trách nhiệm nào đó đã ngang nhiên tháo giải băng tang bằng lụa đen với dòng chữ Vô cùng thương tiếc Lão Tướng – Bauxite Việt Nam vứt ngay vào sọt rác, để thay vào đó một tờ giấy đen có hai chữ Kính viếng cụt lủn, rồi mới cho đưa vào (xin xem hình). Thật ngậm ngùi không thể nói nên lời. Như thế, thử hỏi, tính từ đám tang tướng quân Trần Độ cũng được Quốc hội cử hành ngày 14/8/2002 đến nay, đã 17 năm, trong phạm vi được hay không được bộc lộ quyền bày tỏ thương yêu người có công với đất nước, lịch sử đã nhúc nhích được chút nào chưa hay vẫn đứng yên một chỗ? Xin viết điều này ra để kính mong anh linh Cụ ở nơi cõi cao xa chứng giám và tha thứ cho mọi lỗi lầm của thế nhân.
Vĩnh biệt người bạn lớn của BVN.
Bauxite Việt Nam


Lễ tang cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: Cần để cho mát mẻ vong linh người quá cố

NGUYỄN TƯỜNG THỤY



Không biết chuyện giật vòng hoa ở các đám tang “nhạy cảm” có từ bao giờ nhưng tôi biết sớm nhất cũng là từ đám tang tướng Trần Độ.
Đám tang “nhạy cảm” nói ở đây là đám tang của những nhân vật bất đồng chính kiến, ví dụ chỉ trích chính sách, chủ trương của của đảng và nhà nước hoặc của cá nhân lãnh đạo. Thậm chí lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Cộng cũng được coi là “nhạy cảm”. Không chỉ bản thân những nhân vật “nhạy cảm” mà đám tang của thân mẫu, thân phụ những người bất đồng chính kiến cũng được cho là “nhạy cảm” nên phải canh phòng cẩn mật.
Lễ tang Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh tổ chức tại Hà Nội hôm nay cũng không ngoại lệ, tuy nhiên gần đây, sự thô bạo như giằng co, giật xé dòng chữ ghi trên dải băng đen trên vòng hoa cũng đỡ dần.
Người đã khuất rồi, không làm gì được nữa thì canh ai. Họ canh những người cùng quan điểm chính trị với người đã vừa qua đời, sợ những người này lợi dụng đám tang để tuyên truyền, bày tỏ tình cảm đối với người đã khuất, thậm chí có thể đề phòng lực lượng này gây rối hay lật đổ chính quyền?
Mà Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh nhiều fan lắm. Thế hệ đấu tranh sau rất quý trọng cụ ở tình yêu đối với đất nước, với nhân dân, ở tinh thần đấu tranh chống Trung Cộng, ở tính tình ngay thẳng và bất khuất của Cụ.
Vợ chồng tôi đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông thì thấy rất nhiều người quen đang tập trung ở đấy. Những người ở xa là ông Nguyễn ngọc Định, bố đẻ của tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh từ Nghệ An ra. Đi cùng ông Định có TNLT Trần Đức Thạch cũng từ Nghệ An. Anh Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng từ Sài Gòn đã ra Hà Nội “ém” sẵn từ ngay sau khi nghe cụ Vĩnh mất. Nghệ sĩ Kim Chi từ Sài Gòn ra từ khi cụ còn đang nằm ở bệnh viện. Người nông dân nổi tiếng Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng cũng đã kịp có mặt. Nhân sĩ, trí thức ở Hà Nội, anh chị em ở các hội nhóm xã hội dân sự mà tôi mong gặp hầu như không thiếu ai. Cả phu nhân của cụ Phạm Quế Dương mà tôi có dịp gặp trong một lần đến chúc tết hai cụ năm ngoái cũng có mặt. Tôi kể mấy dòng như thế để biết tinh thần cụ Nguyễn Trọng Vĩnh trong lòng anh em đấu tranh như thế nào. Chúng tôi đến, không phải vì xã giao mà để bày tỏ lòng thương tiếc Cụ, để vĩnh biệt Cụ lần cuối bằng tất cả tình cảm chân thành.

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

MỘT NHÀ QUÂN SỰ TÀI BA, MỘT NHÀ NGOẠI GIAO KIỆT XUẤT ĐÃ MÃI MÃI RA ĐI !

-Nguyễn Đăng Quang-


Thế là Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã từ biệt dương gian trần thế, trái tim cụ ngừng đập vào lúc 4 giờ 43 phút sáng 26/12/2019! Cụ đã mãi mãi đi xa, để lại 104 tuổi xuân cho đời và cả một trang sử cá nhân oai hùng, lẫm liệt cho dân, cho nước! Ngoài ra, cụ cũng để lại cho ĐCSVN cả  một tấm gương trong sáng về phẩm chất liêm khiết, tinh thần chính trực, đấu tranh kiên cường và đạo đức sáng ngời của một nhà cách mạng chân chính! Thế là một nhà ngoại giao kiệt xuất,  đồng thời cũng là một nhà quân sự tài ba đã vĩnh biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng!                                                                                                                              Tuổi thơ của cụ đầy dữ dội và gian khó. Song với nỗ lực cá nhân tuyệt vời, cụ đã vượt qua mọi gian khổ vừa để mưu sinh vừa để trưởng thành. Cụ rất chịu khó học qua sách báo và qua thực tiễn cuộc sống. Cụ có kiến thức sâu rộng, ý chí kiên cường và một tấm lòng vị tha, hết lòng vì nước, vì dân cho tận đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời!          
  
Cụ sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ. Cụ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 khi mới tròn 23 tuổi. Tháng 6/1940 cụ bị Pháp bắt giam, kết án 5 năm tù khổ sai, đày đi biệt xứ tại nhà ngục khét tiếng ở Đăc-Tô (Kon-Tum). Tháng 6/1945, mãn hạn tù, cụ chủ động bắt liên lạc với tổ chức và được Đảng giao nhiều trọng trách, lần lượt làm Bí thư tỉnh ủy 2 tỉnh Phúc Yên và Thái Bình.