Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

ĐỒNG TÂM: ĐỪNG ĐỂ OAN OAN TƯƠNG BÁO!


Ts Nguyễn Ngọc Chu

 
Mấy lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên. Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm.
Tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự. Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng, thì thật là đau xót. Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng. Mới thấy mạng người trong bi kịch Đồng Tâm không được quý trọng. Quyền được sống trong câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ - “ Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” - sau 74 năm vẫn còn là điều không đạt được với nhiều người.
Viết đến đây, nghĩ đến cách chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 9/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết. Và càng không phải chết thảm thương như vậy.
Nhiều người đợi chờ sự lý giải phải trái đúng sai ở Đồng Tâm vào lúc này. Phải trái đúng sai là để mà giải quyết tranh chấp. Nhưng tranh chấp đã được giải quyết bằng súng đạn, thì ý nghĩa phải trái đúng sai lúc này tuy quan trọng, vẫn không quan trọng bằng giải quyết hậu quả. Bài viết này không bàn về đúng sai của 59 héc ta đất Đồng Sênh giữa hai bên tranh chấp. Vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài viết khác. Về Đồng Tâm dù có nhiều bài viết nữa cũng không bao quát hết sự việc. Bài viết hôm nay chỉ nói về một phần hậu quả của bi kịch đêm 09/01/2020 ở thôn Hoành.
I. NHỮNG HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
1. CHIA RẼ SỰ ĐOÀN KẾT LÀM GIẢM SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC
Việc đưa cả ngàn cảnh sát cơ động đến thôn Hoành đêm 09/01/2020 dẫn đến 4 người bị thiệt mạng, đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với nhân dân. Và đó còn là sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền. Hãy lướt qua mạng xã hội để thấy sự chia sẽ này rộng lớn đến mức độ nào.
Trong lúc Trung Quốc đang mang tàu đến uy hiếp ở vùng biển Việt Nam thì nội bộ Việt Nam bị chia rẽ. Sức mạnh của Việt Nam bị giảm sút. Tinh lực và đồng lòng của Việt Nam bị phân tán. Tác hại của việc tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh thật nguy hiểm.
Phải nhìn nhận cho sáng, rằng sự chia rẽ này còn kéo dài lâu nữa, dẫu trên bề mặt sắp tới đây sẽ lắng xuống. Hơn nữa, sự chia rẽ sẽ còn tiếp tục lan rộng - chừng nào không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Những phát đạn không phải là kết thúc.
2. VẾT THƯƠNG LƯƠNG TÂM

Hãy nhìn vào biểu hiện của cộng đồng mạng để đánh giá cho đúng tình hình. Bi kịch Đồng Tâm là vết thương lòng của nhiều người. Đã có nhiều người khóc khi biết những mất mát ở thôn Hoành đêm 09/01/2020. Họ không trúng đạn mà cũng như bị trúng đạn.
Họ khóc vì thương xót. Họ khóc vì day dứt. Ở bình diện nào đó, trong cái chết của đồng bào ở thôn Hoành đêm 09/01/2020 có lỗi của họ. Những người đã khóc đều cố gắng tìm hiểu lỗi của mình ở đâu.
Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm không thể xóa bỏ bằng tuyên truyền. Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm phải chữa trị bằng cách khác.
3. MẤT NIỀM TIN VÀ SỢ BẠO LỰC
Thanh tra không phải là tòa án. Thanh tra là của chính quyền. Khi chính quyền tranh chấp với chính quyền thì có thể dùng thanh tra. Nhưng khi chính quyền tranh chấp với người dân thì phải dùng tòa án. Trong vụ Đồng Tâm không có tòa án. Trong vụ Đồng Tâm, thanh tra của chính quyền giải quyết tranh chấp của chính quyền với người dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin vào chính quyền vì sự không công bằng.
Rồi chính quyền dựa vào thanh tra của chính quyền để sử dụng vũ lực. Sau bi kịch Đồng Tâm đêm 09/01/2020, một nỗi sợ hãi nguy cơ bạo lực đang lảng vảng. Khi người dân mất niềm tin vào chính quyền, sợ bạo lực từ chính quyền, thì đó phải là nỗi lo của chính quyền.
4. HỆ LỤY QUỐC TẾ
Việt Nam đang hòa nhập cùng quốc tế. Trên con đường hòa nhập, Việt Nam phải thay đổi cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bởi vậy, các tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ… trong các hiệp ước song phương và đa phương - đều yêu cầu tuân thủ theo những chuẩn mực mà họ đã đeo đuổi. Khi tham gia một trò chơi, phải tuân thủ theo luật của trò chơi đó.
Nhóm người khởi xướng “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 đã không tiên lượng các hệ lụy quốc tế.
Bắt đầu từ tranh chấp 59 héc ta đất đồng Sênh có phải là đất quốc phòng hay không, cho đến việc chính quyền tuyên bố người dân Đồng Tâm “chống đối người thi hành công vụ” đã là một khoảng cách. Nhưng cho đến “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 thì đó là một trời một vực những bức thành ngăn cách về pháp lý.
“Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 không phải là một cuộc cưỡng chế, cũng không phải bảo vệ xây tường rào ở cánh Đồng sênh.
Tập trung cả ngàn CSCĐ với súng đạn đến thôn Hoành vào ban đêm, đưa đến kết quả là Cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình bị triệt hạ bằng nhiều phát đạn. Với thước đo của EU, sự vụ Đồng Tâm đêm 09/01/2020 sẽ lọt vào phạm trù khác.
Một điểm khác nữa ở bi kịch Đồng Tâm có thể ảnh hưởng tiêu cực lên vai trò quốc tế của Việt Nam - chính là sự hạn chế thông tin.
Việc không cho phép truyền thông đến Đồng Tâm đưa tin trực tiếp - không biện minh được cho sự minh bạch thông tin. Trong khi livestream là công nghệ truyền hình trực tiếp đơn giản mà ai cũng có thể phát được cho cộng đồng theo dõi, thì đã không được phép bất cứ dưới hình thức nào ở Đồng Tâm. Không cho bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài, ngoại trừ thông tin của chính quyền, đã dẫn đến sự chia rẽ trong xã hội về đánh giá vụ việc Đồng Tâm. Chính quyền hành xử đúng luật pháp thì càng phải để tự do thông tin cho toàn dân được rõ. Lúc đó không ai có thể lợi dụng để xuyên tạc.
Có thể giải quyết vụ tranh chấp Đồng Sênh bằng cách khác, không để xảy ra án mạng, không để xảy ra ảnh hưởng uy tín của Việt Nam. Nhưng tiếc thay, thực tế đã xảy ra theo chiều hướng bất lợi.
Đồng Tâm là trường hợp ‘kẻ mạnh làm điều họ có thể làm, kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng’. Ở Đồng Tâm không có chiến công. Ở Đồng Tâm chỉ có thất bại. Không có gì có thể biện minh cho sự mất mát con người ở Đồng Tâm.
Nếu muốn bắt những người có tội thì không khó. Càng không phải huy động đến cả ngàn cảnh sát. Chỉ “bảo vệ xây tường rào từ xa” mà làm mất đi 4 mạng sống! Trong khi lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ đánh chiếm nơi cứ trú được trang bị vũ khí bảo vệ nhiều lớp của Bin Laden, Abu Al-Baghdad mà không ai phải hy sinh. Chứng cứ nói lên rất nhiều.
Bị kịch Đồng Tâm sẽ còn được nhắc đến nhiều nữa. Bi kịch Đồng Tâm là một cột mốc đen. Không ai che dấu mãi mãi được sự thật. Sự thật Thủ Thiêm phải đến 20 năm mới tìm ra một phần. Sự thật Đồng Tâm chỉ có thể bạch hóa toàn diện sau vài chục năm nữa. Lịch sử sẽ có đánh giá công bằng về bi kịch Đồng Tâm.
ĐỀ XUẤT
Đoàn kết dân tộc là vô cùng quan trọng để đối phó với giặc ngoại xâm đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Bởi thế những vụ như Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng, Đồng Tâm - không thể tái diễn. Muốn vậy chính quyền phải có những thay đổi căn bản trong chính sách đất đai, là một trong những nguồn cơn của các xung đột vừa nêu.
1. Mọi sự việc khiếu kiện về đất đai cần được giải quyết qua con đường tòa án. Vai trò của tòa án phải được đặt đúng vị trí.
2. Mọi sự cưỡng chế đất đai phải thông qua quyết định và phương tiện của tòa án. Lực lượng công an vũ trang, quân đội - không tham gia bất cứ dưới hình thức nào vào các tranh chấp dân sự, kinh tế.
3. Nhất thiết phải sửa đổi luật đất đai, trong đó khẳng định quyền sở hữu tư nhân về đất đai.
4. Đối với vụ Đồng Tâm hiện nay, phải thực thi tư tưởng KHÔNG TRẢ THÙ. Tư tưởng này được Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thực hiện xuyên suốt trong các vụ tranh chấp đất đai mà ông được phân công phụ trách. Tiếc thay cho đồng bào Đồng Tâm đã không được gặp một người như Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.
‘Oan oan tương báo’ thì đến bao giờ mới có thể đoàn kết được dân tộc! Các bị cáo phải có luật sư bào chữa theo đúng quy định pháp luật. Những lời khai của các bị cáo phải được lấy trong chứng kiến của các luật sư và trong điều kiện bình thường. Thực tế đã chứng minh hàng ngàn phản cung do bị ép cung.
Đất nước đã đổ máu trong nhiều thập niên chiến tranh. Trong thời bình đất nước không thể đổ máu vì xung đột kinh tế nội bộ. Không ai dám chống chính quyền cả, ngoại trừ bị dồn vào tình thế bắt buộc. Còn lật đổ chính quyền - thì như ông Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đã nói hôm 25/12/2019: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta".
Lời thẳng khó nghe. Làm cho kẻ yêu quyền lực bực tức. Chỉ những bậc minh trị mới chịu nghe lời chỉ trích.
P/S Để tham chiếu xin xem bài “VỀ VỚI DÂN, ĐỪNG MANG SÚNG” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 12/02/2012.
Năm 1997, xảy ra "vụ Thái Bình", ông Nguyễn Công Tạn được phân công làm Tổ phó tổ công tác của Bộ Chính trị về Thái Bình xử lý vụ việc. Những kinh nghiệm xử lý "điểm nóng" của ông rất đáng được học hỏi, lưu tâm.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Ông bình luận ra sao về vụ Tiên Lãng (Hải Phòng)?
Vụ này, tôi theo dõi ngay từ đầu qua đài, báo. Đáng lẽ vụ Tiên Lãng đã không xảy ra vì chúng ta có kinh nghiệm với nông dân rất nhiều, nhất là sau vụ biểu tình ở Thái Bình khi tôi là Tổ phó tổ công tác của Bộ Chính trị, ông Phạm Thế Duyệt làm tổ trưởng.
Nhà lãnh đạo mà biết rút kinh nghiệm thì không xảy ra vụ Tiên Lãng. Khi xảy ra rồi nếu giải quyết ngay lập tức và tốt thì không để phức tạp thêm. Để xảy ra như thế là không hay và để chậm thế là không tốt.
Xử lý vụ việc này theo tôi phải cân nhắc, phải phân tích đầy đủ các khía cạnh để đưa ra những giải pháp sao cho chuẩn xác, công bằng. Tất nhiên là rất phức tạp. Xảy ra rõ ràng do hai phía, một phía của dân, một phía của chính quyền. Cái gì đúng, cái gì sai? Nguyên nhân sai đúng thế nào? Biện pháp xử lý ra sao? Phải đầy đủ, nghiêm túc, có lý có tình để mọi bên chấp nhận được.
Không thấm nhuần điều đó sẽ không được lòng dân. Con người có quyền sở hữu tài sản bất khả xâm phạm trừ khi vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia mà lấy đi phải đền bù thỏa đáng đằng này nhà của người ta không liên quan gì cũng đập mất là sai quá. Phía cơ quan nhà nước phải tính từ xã, huyện, thành phố. Chỉ đạo lực lượng cưỡng chế, có cái của xã, có cái của huyện, có cái của thành phố, theo tôi đều phải có trách nhiệm cả.
Ông có thể đưa ra một mẫu số chung qua những vụ khiếu kiện kéo dài?
Những năm tôi làm Phó Thủ tướng đi xử lý khiếu kiện rất nhiều nơi, kéo dài, từ Bắc chí Nam ở nơi nào có vụ phức tạp tỉnh nghe huyện một chiều, huyện nghe xã một chiều, không nghe phía trái lại, đặc biệt không nghe ý kiến của dư luận đều là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Có những vụ kéo dài hàng chục năm, có vụ đến giờ vẫn không xong, tôi về hưu lâu rồi mà vẫn đến nhờ giúp đỡ, giải quyết vì chính quyền cơ sở làm không đầy đủ, không nghiêm.
Nông dân ta chân lấm tay bùn, nhiều người nghèo, có mảnh đất kiếm sống, học vấn thấp, luật pháp cũng không phải ai cũng hiểu hết. Nông dân dễ manh động, tức lên là bất chấp, khi bộc phát lên khó mà tự kìm chế. Cho nên chúng ta là người lãnh đạo phải biết cách xử sự với họ bằng đạo lý, pháp luật, tình cảm. Khi nông dân nghe giải quyết có tình thì “tin sái cổ”, thậm chí thiệt mà không cần đền nhưng khi tức lên một đồng, một xu cũng đối đầu đến cùng.
Đi thực thi pháp luật với nông dân phải đi kiểu khác, vừa nói, vừa giảng giải cho họ, khi họ sai phải biết cảm hóa ấy thế mới là hiểu nông vận. Khi làm Nghị quyết 80 của Chính phủ về nông nghiệp (doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng), lúc anh em hỏi tại sao Chính phủ không đưa ra những quy định xử phạt nếu nông dân sai, tôi đã tránh điều ấy vì đưa vào ở thời điểm nông dân chưa cảm nhận được những chuyện như thế là rất khó.
Khiếu kiện của nông dân chủ yếu là đất đai. Khi tôi là Phó Chủ tịch Hà Nội giữa những năm 80 (TK XX) xảy ra vụ Song Phương (Hoài Đức), mâu thuẫn đến mức hai bên, phía nông dân và phía khác đã dàn trận chuẩn bị đánh nhau. Điều nguy hiểm là trong làng cất trữ nhiều vũ khí của dân quân. Tôi cho lực lượng đặc nhiệm đột nhập lấy vũ khí ra để khỏi đánh nhau nhưng do có canh gác kỹ quá, không lấy được.
Tình hình rất căng. Quân khu Thủ đô hồi ấy định đưa xe bọc thép bao vây làng, tôi bảo như thế chẳng khác đổ dầu vào lửa. Tôi cùng anh Phạm Chuyên, lúc đó là Phó giám đốc Công an Hà Nội, vào đối thoại với dân. Anh Chuyên hỏi: “Anh đi thế này có nguy hiểm không”. Tôi bảo: “Không, cứ vào đấy xem sao”. Anh Chuyên lại hỏi: “Em có mang súng theo không?”. Tôi bảo: “Bỏ súng, chúng ta tay không vào với dân”. “Nguy hiểm thì sao?”. Anh Chuyên vẫn băn khoăn. Tôi mới an ủi: “Dân thấy chúng ta vào tay không vì lợi ích của họ sẽ không nỡ lòng nào. Giả thiết họ đánh lại chúng ta đành chịu vậy vì ổn định xã hội”.
Sau khi nghe tôi giải thích dân rút hết. Lúc ấy anh Bí thư Đảng ủy xã dẫn đầu một phe, Thành ủy Hà Nội nói với tôi cho người bắt anh này. Tôi bảo không, chưa đủ chứng cớ để bắt. Vả lại anh ta đại diện cho một nhóm lợi ích của nông dân, đụng đến anh chưa chắc nông dân đã đồng tình. Tôi cho người đến gặp anh Bí thư này nói nên rút lui. Anh ta nghe ra và xin gặp tôi: “Em ở đây thì em chết, xin bác cho đi chỗ khác”. Tôi cho anh ta vào Lâm Đồng để lánh đi. Giải quyết tiếp dần dần sau đó Song Phương mới yên.
Vụ ở xã Thái Nguyên (Thái Thụy, Thái Bình) cách đây mười mấy năm cũng rất nóng bỏng. Khiếu kiện, biểu tình ngay ở huyện tôi. Lúc tôi về họ chuẩn bị dùng bạo lực. Cánh bên chính quyền bảo: “Chúng em chuẩn bị súng sẵn sàng rồi, chiến đấu thôi”. Tôi nói chúng ta mấy cuộc chiến tranh đổ máu rồi, các đồng chí có muốn đổ máu nữa không? Mối hận thù này bao giờ nguôi nếu đổ máu. Về bỏ hết súng ống đi. Nếu các anh em kia sai anh dùng súng ống với người ta thì anh cũng sai. Trước súng ống, người ta chống lại, lại sai tiếp. Đua nhau sai. Nghe xong họ mới thôi. Về sau điều tra, tìm hiểu mới biết phe chính quyền hồi đó sai, cậy quyền.
Ông có lời nhắn nhủ, cảnh tỉnh nào cho các cấp chính quyền sau khi xảy ra vụ Tiên Lãng?
Đất đai là mâu thuẫn phức tạp nhất trong xã hội mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân quan trọng như ở Việt Nam. Người lãnh đạo khi đụng đến đất đai, nông dân bao giờ cũng phải cân nhắc, phải tình nghĩa, đừng đòi hỏi người nông dân học hành ít phải giỏi luật, hiểu tất cả. Xử lý người ta cứ kiểu ngồi cửa quyền là không được mà phải dùng điều hay, lẽ phải thuyết phục. Nông dân đã thù là thù rất lâu, rất dai, hết đời này qua đời khác. Tôi ở làng tôi biết chuyện nếu mày đánh tao đến đời con tao cũng còn ghi tội. Khổ thế!
Xin cảm ơn ông!
ĐÌNH TƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét