Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

TUẦN 49 NGÀY

HOÀNG TUẤN PHỔ
Lễ cúng cơm tính từ ngày thân nhân mới mất đến ngày thứ 49, cúng tuần “thất thất” hay “tứ cửu”. (Thất thất là 7 ngày x 7 ngày = 49 ngày; tứ cửu là “bốn chín” tức 49 ngày). Dân gian thường gọi con số 50 - tuần 50 ngày cho chẵn, và cũng tính 50 ngày để cúng cho dễ nhớ. Tất nhiên như thế là sai, dù chỉ sai một ngày, vì không đúng ý nghĩa của tuần “tứ cửu”, còn gọi là thất thất hay chung thất. Vậy, lễ cúng tuần 49 ngày có ý nghĩa gì? Chương “Sống chết - Hồn phách” của sách này đã nói rõ “hồn” và “phách” (tức hồn và vía), ở đây không nhắc lại. Sách Gia lễ xưa và nay, Phạm Côn Sơn viết: “Việc làm tuần “thất thất” (7x7) khiến cho một số người thắc mắc là, theo sách vở cổ, thì người đàn bà có tới chín vía mà mỗi lần làm “lễ kỵ” thì tan một vía. Sự việc cúng tuần “chung thất” chỉ có 7 lần như người đàn ông (có bảy vía) thì hai vía còn lại của người đàn bà giải quyết ra sao? Không thấy sách vở nào giải thích về việc dư thừa và trục trặc này!” (NXB Thanh Niên). Tân Việt giải thích Một trăm điều nên biết về Phong tục Việt Nam trong đó có điều: “Tại sao có lễ cúng cơm trong 100 ngày?”: Thờ cúng vong linh giống như khi đang sống, cũng là để thoả nguyện tâm linh, “lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”. Nhưng tại sao lại cúng 100 ngày? “Cũng tuỳ địa phương, có nơi chỉ cúng hết 49 ngày (tức là lễ chung thất): Theo thuyết của Phật giáo: qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức một tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn siêu thoát. Có nơi thờ cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc, nghĩa là thôi khóc). Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này (sau 49 đến 100 ngày) âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa”. (NXB Văn hoá dân tộc). Cách giải thích của Tân Việt tuy “kỹ hơn” so với các tác giả nói về gia lễ trước và sau ông, như Phan Kế Bính, Nhất Thanh, Phạm Côn Sơn,...nhưng vẫn nặng về “nói theo”. Chỗ nào dựa vào sách thì không đúng sách, chỗ nào không có sách để dựa thì suy đoán chủ quan. Ông vừa giải đáp thắc mắc của chúng ta lại vừa nêu lên thắc mắc để hỏi chúng ta rằng: Sự việc cúng tuần 7 x 7 = 49 là tính 7 vía đàn ông, còn đàn bà những 9 vía (7 x 9 = 63 ngày) tại sao không thấy sách vở nào giải thích về con số “dư thừa” (2 vía) này? Thuyết linh hồn phổ biến (Đạo giáo, Nho giáo, dân gian) là Tam hồn thất phách, nhà lý luận Đông y thêm “nhị phách” là thai phách và huyết phách để chữa bệnh cho phụ nữ, vì thế đàn bà mới có những “cửu phách”, tức 9 vía. Nhưng phụ nữ đến tuổi 49, 50, hết kinh nguyệt, huyết phách cũng tan; khi huyết phách tan tất không còn khả năng thụ thai thì thai phách cũng mất luôn. Rốt cuộc, đàn bà cũng chỉ có thất phách. Nếu họ chết sớm (trước tuổi 50) vẫn không thể có cửu phách, vì y học không can dự vào chuyện cúng lễ, tang ma. “Thất thất” là nghi lễ theo Đạo giáo. Sách Xuân Vũ dật hưởng của Điền Nghệ Hành: Người ta tính từ lúc mới lọt lòng, cứ 7 ngày là một lạp, phải 49 ngày mới đủ 7 lạp, thân thể mới hoàn chỉnh bảy phách (vía) để thành “tam hồn thất phách” (ba hồn bảy vía). Khi chết, người ta cũng phải 7 ngày mới tan một vía, sau 7 lần 7 ngày là 49 ngày, bảy vía (thất phách) mới tiêu hết. Lễ cúng giỗ theo Đạo giáo, tính từ ngày chết, cứ 7 ngày phải cúng một giỗ (kỵ) cho một vía (phách), sau 7 lần giỗ: 49 ngày, mới xong giỗ. Cúng 49 ngày, nói chính xác là ngày thứ 49 tính từ ngày chết là hết 7 lần giỗ vía, vì thế mới gọi là chung thất (chữ chung là hết, chữ thất là bảy). Đáng lẽ phải cúng 7 lần giỗ trong khoảng thời gian 49 ngày, dân ta do muốn giản tiện, bỏ qua 6 giỗ, chỉ cúng giỗ lần thứ 7. (Chú ý đây chỉ là giỗ vía, còn giỗ hồn mỗi năm cúng một lần vào ngày mất, và cúng cho đến hết đời thứ năm). Theo thuyết đầu thai luân hồi của Phật giáo: người ta sau khi chết, trong khoảng 49 ngày, A-lại-da-thức (tức Đệ bát thức, tức tâm, tức hồn) đầu thai chuyển kiếp (chuyển kiếp khác bằng đường đầu thai). Đạo Phật cũng không nói người ta có tam hồn thất phách, mà chủ trương con người ta có bát thức (8 thức), lục căn: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỵ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (thân thể), ý (tim óc) đối lục trần: sắc (màu sắc), thanh (tiếng), hương (mùi), vị (mặn, ngọt, chua, cay), xúc (cảm xúc), pháp (vật chất nói chung) sinh ra lục thức (6 thức): nhãn thức (nhìn thấy màu sắc xấu đẹp), nhĩ thức (nghe thấy âm thanh thế nào), tỵ thức (ngửi thấy mùi thơm, thối...), thiệt thức (lưỡi nếm vị ngọt bùi, cay, đắng), thân thức (cảm thấy nóng, lạnh), ý thức (quan sát, phân tích nhận định các hiện tượng). Sáu thức tương tự 6 giác quan trước đối tượng vật chất bên ngoài thiên nhiên xã hội: hình sắc, thanh âm, mùi, vị, thân thể, tâm não. Học thuyết này của Phật giáo hoàn toàn duy vật. Nhưng ngoài lục thức, còn thêm Đệ thất thức (Mạt-na-thức), Đệ bát thức (A-lại-da-thức), Phật giáo lại bước qua lĩnh vực duy vật, chuyển sang thế giới duy tâm. Thuyết Bát thức xuất xứ từ học thuyết Duy thức luận được Pháp tướng tông dùng làm căn cứ lý luận cho tông phái Phật giáo của mình thực chất là một học thuyết lý luận siêu hình, định nghĩa các thuật ngữ A-lại-da-thức, Mạt-na-thức về chữ nghĩa tuy cao siêu, có thể hiểu như cái “tâm” của nhà Phật thường được nói tới. Đó là nguồn gốc của thế giới vật chất bên trong có bản ngã. Đó còn là chủ thể tinh thần của luân hồi quả báo. Đó cũng là cái nhân dân ta quen gọi, thường gọi là linh hồn đầu thai quả báo. Thuyết nhân quả báo ứng là kết quả của nguyên nhân, gây ra thiện hay ác, tất nhận được kết quả tốt, xấu, không chỉ có làm việc ác mới nhận sự báo ứng, mà làm điều thiện cũng được sự báo ứng. Do đó, mọi người dù lúc sống thiện, hay ác sau khi chết đều phải luân hồi chuyển kiếp sướng, khổ khác nhau. Dân ta cúng tuần “thất thất” là theo thuyết “tam hồn thất phách” của Đạo giáo, nhưng nghi lễ cầu cúng vào dịp lễ này (kể cả cúng 100 ngày) lại thỉnh sư về nhà lập trai đàn làm lễ cầu siêu hoặc rước vong hồn lên chùa làm lễ cầu cúng cho linh hồn được siêu thoát, lại theo thuyết “siêu sinh tịnh độ” của Phật giáo. Siêu sinh tịnh độ là gì? Là linh hồn không phải đầu thai chuyển kiếp trong vòng luân hồi lục đạo để tiếp tục chịu bốn cái khổ lớn: Sinh (sống), lão (già yếu), bệnh (bệnh tật ốm đau), tử (chết chóc). Sự cầu mong ấy liệu có thay đổi được thuyết nhân quả báo ứng của chính nhà Phật đã đề xướng và gọi đó là “luật”? Hay đây là trường hợp “lách luật” hoặc chỉ một câu nói của Phật đủ thành “luật sửa đổi”, “luật bổ sung”? Không có cơ sở chứng minh sinh thời Phật tổ Thích-ca tỏ ra có ý muốn điều chỉnh luật nhân quả báo ứng. Chỉ thấy sách Vô Lượng Thọ kinh (Vô Lượng Thọ là tên khác của Phật A Di Đà) kể chuyện Phật Thích-ca lúc ấy đang ở vườn Kỳ Viên nói với các đại đệ tử Xá-Lợi-Phất, Ca-Diếp, A-Nan-Đà rằng chúng sinh nếu chăm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà có thể sẽ được ngài đón tiếp sang thế giới Tây phương Cực lạc do ngài làm giáo chủ. Đại ý Phật muốn đưa ra một phương pháp tu hành phù hợp với trình độ nhận thức quá thấp kém của loại chúng sinh (người) không thể hiểu được nghĩa lý sâu xa của nhà Phật và những phương thức tu hành cao siêu. Luôn luôn niệm Phật là luôn luôn hướng về đức Phật, luôn luôn hướng về đức Phật là luôn luôn nghĩ đến điều thiện, luôn luôn nghĩ đến điều thiện sẽ luôn luôn tránh được điều ác. Chúng sinh tránh được điều ác là không gây nghiệp chướng tất sẽ được kết quả tốt đẹp, đạt tới cõi an vui, cực lạc. Thực chất phương pháp tu hành này để đạt tới mục đích siêu sinh, vãng sinh không nằm ngoài luật nhân quả báo ứng. Cho nên giáo lý Tịnh Độ tông chuyên tu hành theo phương thức niệm Phật cầu siêu, sám hối, giải thích: Lấy niệm Phật, hành nghiệp của người tu hành làm nội nhân, lấy nguyện lực của đức A-Di-Đà làm ngoại duyên. Nội, ngoại tương ứng sẽ được vãng sinh sang thế giới Tịnh Độ (Tây phương) Cực lạc thoát khỏi kiếp sống trần gian. Như vậy, niệm Phật chỉ mới là ý nghĩ, sự cầu nguyện, còn phải kết hợp với hành nghiệp là hành động, việc làm mới tạo thành cái nhân bên trong chứa sẵn mầm thiện để được cái quả tức kết quả tốt đẹp. Thế nào là “Lấy nguyện lực của đức A-Di-Đà làm ngoại duyên”? Là có ý nói sự cứu giúp của Phật A-Di-Đà chỉ là tạo điều kiện đất nước, khí hậu để hạt giống lành (thiện) thành cây tốt, cho quả đẹp (sang thế giới Cực lạc). Nếu cha mẹ lúc sống không làm điều thiện, sau cha mẹ chết, con cái phải ra sức làm nhiều việc thiện hơn mới mong giúp cha mẹ siêu thoát. Lễ cầu siêu là lễ Phật cầu cho vong hồn cha mẹ được siêu thoát “vãng sinh Tây phương Tịnh độ Cực Lạc thế giới”, nhưng trai đàn dù lớn đến đâu, nhà sư hành lễ dù đông thế nào, thời gian tụng kinh niệm Phật dù bao lâu, cũng không thể dễ dàng xóa sạch mọi tội lỗi của người chết đã gây ra lúc còn sống. Đối với lễ cúng 49 ngày, chúng ta không bài bác lễ cầu siêu, cũng không mê tín lễ cầu siêu. Nhìn vào thực tế, nhiều địa phương, nhiều nhà, lễ cầu siêu chỉ là hình thức, từ lâu lễ đã biến thành lệ, một thứ “lệ” trước sao, nay thế, người ta thế nào, mình thế ấy, không tìm hiểu, không bàn cãi, bỏ thì không yên tâm, theo thì lắm khi cũng phiền toái. Tuy nhiên, các cụ xưa cũng đã cắt giảm đi nhiều không còn lệ 7 ngày một lần cầu siêu hay cúng giỗ, để đến ngày thứ 49 cúng “luôn một thể” và chẳng ai thấy “làm sao” cả. Còn lễ cúng Bách nhật (tuần Bách nhật) thường nói nôm là “100 ngày”. Các sách gia lễ đều ghi chép lễ này nhưng không giải thích ý nghĩa. Cách hiểu đơn giản gọi là 100 ngày sau khi chết là lễ Tốt khốc, cúng lễ này để thôi khóc, từ đây con cháu thôi không khóc nữa, dẫu thương nhớ cha mẹ đến mức nào cũng phải để trong lòng. Nhưng tại sao lễ cúng cơm đáng lẽ nên dừng, thôi ở tuần 49 ngày lại vẫn tiếp tục cho đến 100 ngày? Cứ như tục dân gian cúng 50 ngày (thay cho 49 ngày) thì 100 ngày là thời gian dài gấp đôi! Phải chăng có liên quan đến lễ Tế Ngu? Sau chôn cất, hồn phách chưa yên, nên làm lễ Ngu tế để tế hồn phách cha mẹ cho được yên (chữ “ngu” là yên). Cầu một lần chưa đủ, hai lần chưa được, phải ba lần mới xong. Lần thứ nhất là sơ ngu, lần thứ hai là tái ngu, lần thứ ba là tam ngu. Cụ cử Phan Kế Bính cho biết: Ngu tế tiến hành trong 3 ngày liên tiếp, mỗi ngày một “ngu”. Và “Nhà phú quý mới có Ngu tế, nhà thường thì trong 3 ngày chỉ những họ hàng thân thuộc đến phúng viếng mà thôi”. (Việt Nam phong tục - 1913-1914). Nhất Thanh nói về Lễ tang trong Đất lề quê thói (Sài Gòn 1970) “Thường thường hôm đưa đám về không thể nào kịp làm lễ tế, vì tế Ngu trọng thể và lâu thời giờ hơn tất cả các lễ tiết trong đám tang. Sau Sơ Ngu là Tái Ngu, chọn ngày nhu: những ngày hàng Can: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý làm lễ. Tam Ngu chọn ngày cương: cũng những ngày hàng Can: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm làm lễ. (Sách này cũng như các sách của Phạm Côn Sơn - Gia lễ xưa và nay, Tân Việt - Một trăm điều nên biết...đều chép thiếu, sai. Ở đây, tôi đính chính lại theo Vạn sự và Ngọc hạp, nhưng để bàn cho ra lẽ, không phải để theo). Chúng ta nhận thấy lễ Tế Ngu không thể tiến hành trong 3 ngày liền như các sách viết về lễ tang kể trên đã nói vì phải chọn ngày nhu, ngày cương cho Tái Ngu, Tam Ngu. Ví dụ: nếu tế Sơ Ngu là ngày Ất thì Tái Ngu là ngày Đinh, (phải qua ngày Bính), Tam Ngu là ngày Mậu (tiếp sau ngày Đinh), vậy là 4 ngày (cách quãng 1 ngày). Có lẽ bởi sự phiền phức: một là thời gian kéo dài, hai là phải tính toán “cương, nhu”, dân ta đã lâu tế gồm cả ba Ngu vào một ngày là ngày thứ ba sau khi chôn cất, dân gian thường gọi Mở cửa mả. Những nhà người chết 3 ngày thì chôn, họ làm lễ Mở cửa mả cùng ngày chôn, liền sau khi chôn, tức là 3 ngày họ tính từ ngày mất. Cách tính này cố nhiên là bất hợp lý vì nếu quá 3 ngày mới chôn thì sao? Lễ Tế Ngu không thể kéo dài thời gian trong khoảng 49 ngày hay 100 ngày. Lễ 100 ngày là lễ khác - lễ Tốt khốc (thôi khóc). Sau khi thất phách (bảy vía) đã tiêu tan hết không phải cúng cơm hàng ngày nữa, dân gian vẫn cúng cơm là bày tỏ thêm tình thương nhớ, thời gian này không còn là lễ cúng cơm mà chỉ là lệ cúng cơm. Đó là lệ tục, không phải lễ tục thì không thể truy tìm nguồn gốc từ sách vở kinh điển. (Còn nữa) HTP (Trích từ "Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt")

5 TUYỆT CHIÊU TRÊN ĐIỆN THOẠI CỦA BẠN

Có thể bạn chưa biết hết về chiếc điện thoại di động của mình : Mở cửa xe khi bị quên chìa khoá ở trong xe, mất chìa khoá xe vẫn lái xe được, hết pin vẫn sử dụng điện thoại được hoặc khi bạn cần SOS… Theo ước tính, toàn thế giới hiện có đến khoảng 4,5 tỷ người dùng ĐTDĐ nhưng số người hiểu hết những chức năng của chiếc điện thoại có lẽ chỉ khoảng 10% số người sử dụng! Một số chức năng đó sẽ giúp chúng ta “thoát hiểm” một cách ngoạn mục nếu ta biết được những “tuyệt chiêu” của chiếc ĐTDĐ. Kích hoạt pin dự trữ: Lúc cần gọi hay đang gọi ĐTDĐ lại báo… hết pin! Đừng hốt hoảng khi bạn gặp trường hợp này ở những nơi không thể sạc pin. - ĐTDĐ nào cũng được thiết kế với lượng pin dự trữ, tương đương với 50% dung lượng pin khi được sạc đầy. Vấn đề là biết được cách nào để khởi động nguồn pin dự phòng đó. - Đơn giản thôi, bạn chỉ cần bấm: *3370# và bạn sẽ thấy pin lại đầy 50% lằn vạch báo dung lượng… Lúc đó, bạn có thể tiếp tục các cuộc gọi ít ra trong vài tiếng đồng hồ nữa! Xin nhắc lại, chỉ cần 6 động tác trên bàn phím, khởi đầu là dấu hoa thị (*), tiếp đến là 4 chữ số (3370) và kết thúc với dấu thăng (#): điện thoại của bạn sẽ báo đang có 50% dung lượng! - Đây là phần năng lượng dự trữ trong máy điện thoại gọi là "Third Hidden Battery Power" để điều hành bộ phận báo hết pin của máy và lưu trữ các dữ liệu như ngày giờ, danh sách phone book... Khi bạn sạc lại pin, lượng pin dự trữ sẽ đầy lại trước khi lượng pin của máy được sạc đầy. SOS: Ở Mỹ số Điện Thoại cấp cứu là 911 nhưng bạn hãy nhớ số điện thoại cấp cứu trên toàn thế giới là 112, số này được tất cả các ĐTDĐ công nhận. Nếu chẳng may bạn đi lạc vào rừng, trượt chân trên núi tuyết, bị lạnh cóng ở Bắc Cực hay bất cứ một nơi nào đó, nếu không có ai cứu thì bạn sẽ chết. Hãy bình tĩnh bấm số 112 trên điện thoại di động của bạn. - Khi bạn bấm số 112, ĐTDĐ của bạn sẽ tự động tìm bất cứ mạng khẩn cấp nào hoặc những số cấp cứu nào gần nhất và tự động nối mạng cho bạn với đường dây đó. - Điều thú vị là con số cấp cứu 112 này có thể thao tác ngay cả khi bàn phím đang bị khóa mà bạn không biết mật mã để mở ra. Bạn cứ thử đi, nhưng ngay khi máy thông thì phải ngắt cuộc gọi kẻo lực lượng cấp cứu sẽ tìm đến bạn! Mở cửa xe hơi: Xe hơi của bạn có chìa khóa điện tử (tức là loại chìa khóa bấm để mở cửa hay khóa cửa xe) mà bạn sơ ý bỏ quên chìa khóa trong xe rồi xe tự động khóa cửa lại hoặc bạn làm mất chìa khóa xe. Bạn chớ vội lo. - Nếu bạn có một chìa khóa điện tử phụ đang cất ở nhà thì bạn nên dùng ĐTDĐ của bạn gọi về nhà cho thân nhân của bạn để nhờ người nhà giúp bạn mở cửa xe theo các bước như sau: + Bước 1: Bạn để điện thoại di động của bạn gần sát cửa xe của bạn. + Bước 2: Bảo người nhà lấy chìa khóa điện tử của xe để sát vào điện thoại di động của họ và bấm nút mở xe. + Bước 3: Khi người nhà bấm nút mở cửa xe thì xe của bạn dù đang ở một thành phố nào đi nữa sẽ được mở cửa. - Nếu chìa khóa xe bạn để quên trong xe thì bạn tiếp tục lái bình thường. - Nhưng trong trường hợp bạn đã bị mất chìa khóa thì sau khi mở được cửa xe theo cách trên, bạn có thể rút dây điện nối ở phần start cho nổ máy xe và chạy tạm đến chỗ thợ làm chìa khóa để làm chìa khóa phụ! Bảo vệ dữ liệu: Mỗi ĐTDĐ đều có “số căn cước” (serial number) hay còn gọi là ID của máy. Bạn cần làm ngay sau khi đọc bài này. Hãy bấm các phím *#06# (xin nhắc lại: hoa thị (*), dấu thăng (#), hai số 06 và kết thúc bằng dấu thăng (#)… lập tức màn hình điện thoại sẽ hiện lên một hàng số gồm 15 con số nối tiếp nhau. - Đây là số căn cước của máy. Bạn phải ghi 15 số nầy vào cuốn sổ hay một miếng giấy bỏ riêng trong bóp của bạn để khi cần có thể lấy ra. - Trong trường hợp bạn bị mất máy điện thoại, hãy gọi cho công ty đang cung cấp dịch vụ nối mạng. Ở Việt Nam có các công ty như Mobifone, Vinaphone, Viettel, FPT… Thông báo cho họ biết số căn cước của máy. Công ty sẽ khóa ngay điện thoại của bạn và kẻ nào lấy chiếc điện thoại đó cũng không thể sử dụng được. Nếu khi bạn tìm lại được điện thoại thì nhớ gọi cho công ty cung cấp dịch vụ để mở khóa và bạn tiếp tục sử dụng. - Nếu bạn bị mất điện thoại di động và nghi có kẻ đang sử dụng máy của bạn, bạn chỉ cần mang số Serial Number gồm 15 con số này đến báo cho cảnh sát. Ở Mỹ và các nước tiên tiến khác thì cảnh sát và ngành An ninh Viễn thông sẽ dùng vệ tinh theo dõi số Serial Number để biết máy của bạn đang ở địa chỉ nào và cảnh sát sẽ đến đó lập biên bản tịch thu máy và người sử dụng máy của bạn sẽ bị mời về văn phòng cảnh sát để lấy lời khai và đưa ra tòa xét xử. Truy xuất nguồn gốc sản xuất: Hãy đếm từ trái qua phải trên dãy số gồm 15 con số của Serial Number. Tại con số thứ 7 và thứ 8, bạn sẽ biết quốc tịch nơi sản xuất ra chiếc máy điện thoại của bạn đang sử dụng: - Nếu số hàng 7 và 8 là số 02 hoặc 20 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Trung Quốc, điều này có nghĩa là chất lượng của nó khá tệ, không bảo đảm! - Nếu hai số đó là số 08 hoặc 80 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Đức (Germany) nên chất lượng bảo đảm rất tốt. - Nếu hai số này là 01 hoặc 10 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Phần Lan (Finland) theo tiêu chuẩn Âu Châu nên rất tốt. - Nếu hai số kia là 13 thì đáng buồn cho bạn vì máy của bạn được sản xuất tại Azerbaijan với phẩm chất rất tệ ngang với… hàng mã để đốt cúng cô hồn! Nhiều người mua nhầm máy điện thoại có số 13 của Azerbaijan hay số 02 hoặc 20 của Trung Quốc nên khi sử dụng đã bị nổ, cháy khi sạc pin. Nên bấm số Serial Number của máy để biết xuất xứ sản xuất trước khi mua! - Nếu hai số ở hàng thứ 7 và thứ 8 là hai số 00 tiếp nhau thì chắc chắn máy ĐT Di Động của bạn được sản xuất ngay chính quốc giả phát minh ra nó. Ví dụ: iPhone có số 00 là do Apple của Mỹ sản xuất; hoặc Galaxy có hai số 00 là do chính hãng Samsung của Nam Hàn sản xuất. *** Trên đây là những lượm lặt nho nhỏ mà nhiều người sử dụng ĐTDĐ hầu như không bao giờ để ý đến. Bây giờ biết rồi nên cũng chưa muộn phải không bạn!!!

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

MỘT BÀI THƠ KỲ LẠ




Tiếng Việt của chúng ta thật tuyệt vời !

Phải nói là bái phục bài thơ lạ kỳ này. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học Đinh Trọng Hiếu ở Paris đăng trên "Khuôn Mặt Văn Nghệ".

Không biết tác giả là ai, nhưng khi đọc bài thơ này ta vô cùng khâm phục tác giả của bài thơ, càng thêm yêu quý và càng phải giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt. Vậy mà có kẻ bày ra thứ trò cải tiến nhảm nhí và muốn phá hoại chữ nghĩa của bao thế hệ tổ tiên để lại.

Bây giờ ta hãy chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của bài thơ này :

1. Bài thơ gốc:

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời

Thú vui thơ rượu chén đầy vơi

Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc

Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi

Qua lại khách chờ sông lặng sóng

Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người

Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng

Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

2. Đọc ngược bài gốc từ dưới lên :

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha

Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa

Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược

Sóng lặng sông chờ khách lại qua

Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá

Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa

Vơi đầy chén rượu thơ vui thú

Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,

(Sẽ có một bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng) :

Cảnh xuân ánh sáng ngời

Thơ rượu chén đầy vơi

Giậu trúc cành xanh biếc

Hương xuân sắc thắm tươi

Khách chờ sông lặng sóng

Thuyền đợi bến đông người

Tiếng hát đàn trầm bổng

Bóng ai mắt mỉm cười.

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

TRÍ THỨC VÀ TIẾNG NÓI PHẢN BIỆN

  


Tạ Duy Anh (Lao Ta)

Trong bất cứ xã hội nào, thì bộ phận có học vấn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi lĩnh vực. Điều đơn giản này thiết tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Nhưng thực tế lịch sử luôn khiến chúng ta không được yên lòng, chủ quan với bất cứ nhận định nào.

Số phận của trí thức luôn gắn liền với số phận của những cộng đồng, quốc gia cụ thể, nơi anh ta là thành viên. Trong những xã hội lạc hậu, bảo thủ, trí thức luôn bị dị nghị, bị nghi ngờ, bị lánh xa, thậm chí bị coi thường, bị biến thành kẻ thù nguy hiểm, như chúng ta từng thấy, đang thấy và chắc chắn sẽ còn thấy. Các đấng quân vương, những kẻ độc tài thường đòi hỏi mọi thần dân đều phải nhất nhất tin theo ông bà ta, cấm bàn cãi. Mọi lời ông bà ta ban ra là chân lý cuối cùng, bất khả tư nghị, không ai có quyền nghi ngờ tính đúng đắn tuyệt đối của nó. Trí thức trong những xã hội ấy thường đóng vai trò làm vật trang trí, không có tiếng nói, hoặc quay sang quy phục quyền lực để vinh thân phì gia, chấp nhận làm cái loa cho nó, trở thành những kẻ xu nịnh hèn mạt.

Trong khi đó, trí thức là “kho trí khôn” là “túi càn khôn”, là “mỏ trí tuệ” của những xã hội văn minh, đề cao tiếng nói phản biện. Tại đó, trí thức và giới trí thức không chỉ là những người cung cấp ý tưởng, tư tưởng, các sáng kiến, vạch ra kế sách, can dự vào các chính sách, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị tinh thần cao quý như đạo đức, lẽ phải, sự tiến bộ, định hình chiến lược giúp quốc gia hướng tới tương lai.

Vậy trí thức thực chất là ai?

Có khá nhiều định nghĩa thế nào là một trí thức? Theo tiêu chí học vấn và có vẻ cũng dễ được chấp nhận nhất, thì trí thức là người có bằng cấp, có học hàm học vị. Theo tiêu chí công việc, thì trí thức là những người chuyên nghiên cứu, phát minh, sáng chế, quản lý, truyền thụ kiến thức....nghĩa là làm việc bằng cái đầu. Rồi với mỗi chế độ xã hội lại có những định nghĩa khác nhau, theo quan niệm riêng của mình, về trí thức.

Một trí thức lớn (mà tôi không nhớ tên) có một cách nói rất hay, làm nổi bật chân dung của một trí thức. Ông bảo rằng: Người nghĩ ra bom hạt nhân, chắc chắn phải là một bác học.

Nhưng nếu anh ta không thấy trước để cảnh báo về tai họa của bom hạt nhân với nhân loại, thì anh ta chưa phải là một trí thức!”

Một người học đầy mình, có đủ kiến thức đông tây kim cổ nhưng nếu thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu đạo đức, vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì vẫn chưa phải là một trí thức.

Sự quan trọng của trí thức trước hết bởi họ vốn là những người luôn có óc hoài nghi. Người bình thường, những kẻ ít học, có thể yên phận tin theo số đông, nhưng một trí thức thì không, hoặc không dễ tin theo. Thậm chí anh ta sẵn sàng chống lại tất cả để bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình.

Nhưng giá trị đích thực, giá trị lớn nhất của trí thức lại ở chính cái phẩm chất ấy?