Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Lời vĩnh biệt Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh của Bauxite Việt Nam


Thương tiếc không nguôi Lão Tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh






Sinh ngày 1 tháng 10 năm 1916, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã có mặt giữa cuộc đời này 104 năm, vượt giới hạn bách niên 4 năm có lẻ. Không ai dám níu lại mệnh trời dành cho một bậc cao niên như thế. Nhưng sâu trong tấc lòng, tin chắc không ai không nhói đau trước việc Cụ từ trần, kể cả những người ngoài mặt phải tỏ vẻ lạnh nhạt, hoặc kẻ được giao phó phận sự trông chừng Cụ ngày ngày. Chỉ vì một lẽ, Cụ là người sống rất đàng hoàng, nói thế nào làm thế ấy. Mà làm vì sự thật mách cho Cụ thấy, chỉ cho Cụ hiểu, không một quyền lực nào hoặc một lý tưởng viển vông nào che lấp được mắt Cụ, ngăn cản nổi con đường Cụ đi. Ôn tồn, không nóng giận với một ai, cũng không cực đoan với những gì mình từ bỏ, song cũng vì thế những ai không còn dám đi cùng đường đều phải nể và sợ Cụ.
Đối với trang Bauxite Việt Nam, ngay khi vừa xuất hiện bằng một bản Kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu dừng khai thác bauxite ở Lâm Đồng do ngài Bí thư Nông Đức Mạnh tự tiện ký với Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào mang về bắt Nhà nước thực hiện mà không thông qua Quốc hội, do ba người khởi thảo và đăng lên ngày 12-4-2009 là Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng ký tên, chỉ trong một thời gian ngắn với 9 đợt chữ ký gần xa gửi tới, thu thập thành một danh sách 2764 người, chưa hề có tên Nguyễn Trọng Vĩnh. Điều ấy không có gì lạ. Vì Cụ là người cẩn trọng, một trang mạng quá mới với những cái tên người sáng lập còn rất xa lạ làm sao đã đủ uy tín để làm cho một nhà chính trị lão luyện như Cụ có thể tin ngay.
Tuy thế, chính trong thời gian đó, sự hưởng ứng bằng bài vở của độc giả khắp bốn phương viết cho trang mạng đã nâng cao vị thế của nó lên rất nhanh. Lòng tin của độc giả đối với Bauxiite Việt Nam hiện rõ từng ngày trong từng bài viết. Cụ và Nhóm cách mạng lão thành xung quanh cụ chắc đã theo dõi sít sao. Sau này, những người sáng lập mới được biết, nhiều bạn bè và đàn em của Cụ rất chăm chỉ in bài trên BVN thành từng tập mang đến tận tay Cụ. Và thật không ngờ, chỉ sau khi kết thúc bản Kiến nghị phản đối khai thác bauxite không lâu, Ban biên tập bỗng nhận được một lá Tâm thư gửi các đại biểu Quốc hội đề ngày 2/6/2009 nói sâu thêm âm mưu của Trung Quốc mượn cớ thúc giục Việt Nam khai thác Bauxite ở Tây Nguyên để phá hoại toàn bộ môi trường của vùng đất đặc biệt này, đồng thời khéo léo phê phán Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định vội vàng thành lập tập đoàn TKV trong khi chưa khảo sát kỹ mọi mặt môi trường ở đây cũng như cân nhắc trình độ kỹ thuật khai thác bauxite và các phương tiện bảo đảm an toàn còn yếu kém của ngành công nghiệp Trung Quốc; cũng phê phán cả Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường nói liều lĩnh rằng sẽ giám sát chặt chẽ môi trường khi TKV thực thi công việc là chuyện bất khả thi; còn ông Thủ tướng Chính phủ thì làm một việc trớ trêu là ký duyệt được trước khi trình Quốc hội, đó đều là những việc “đặt cái cày lên trước con trâu khá xa”, là bắt Quốc hội phải gánh cái tội “đổ mọi trách nhiệm cho Bộ chính trị và Chính phủ”, trong khi phải coi nó là trách nhiệm của chính mình. Một cách diễn đạt rất mềm dẻo làm nổi bật được sự ngang trái của vấn đề TKV nóng bỏng lúc bấy giờ mà vẫn không hề động đến Bộ Chính trị và Trung ương Đảng CS. Dưới lá tâm thư ký tên “Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. 23 Ngõ 5, Hoàng Tích Trí, Kim Liên, Hà Nội”, đi cùng với 15 tên người khác phần lớn là lão thành cách mạng. Đó là bài đầu tiên Cụ viết cho BVN. Anh chị em biên tập nhận được hết sức cảm động, biết đây cũng là một cách bổ sung chữ ký muộn của vị Thiếu tướng cùng với nhóm người tâm huyết với ông vì bản Kiến nghị đã kết thúc. Chứng tỏ tâm thành của những người đề xướng Kiến nghị Bauxite và xây dựng trang Bauxite Việt Nam đã được vị Thiếu tướng cùng thân hữu nhận ra và nhất loạt tán đồng.
Sau đó, trong vòng chưa đầy một tháng, người chịu trách nhiệm quản trị trang mạng thời kỳ ấy là GS Nguyễn Huệ Chi lại nhận được một lá thư mời ông đến dự họp với Nhóm lão thành cách mạng tại nhà một người trong nhóm là ông bà LHH. Theo Nguyễn Huệ Chi kể lại thì khi ông vừa xuất hiện, tất cả những người dự họp đều ồ lên vui mừng, dường như tìm được một đại diện của “tuổi trẻ” cùng chí hướng đến chia sẻ và đóng góp với các bậc tiền bối về những vấn đề nổi cộm của đất nước mà các vị đang hết sức quan ngại. Về phía Nguyễn Huệ Chi, ông cũng vừa vui vừa bỡ ngỡ, bởi lần đầu tiên được dự vào một cuộc họp của những người tuổi đảng cao ngất ngưởng, và bàn bạc những điều mang tính nguyên tắc ông chưa từng được nghe. Nhưng ông chú ý nhất là trong cuộc họp, tuy còn có mặt nhiều vị tướng tá khác, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh hình như vẫn là linh hồn, mỗi lần Cụ phát biểu đều được mọi người lắng nghe, nhiều hưởng ứng mà ít có lời tranh cãi lại. Cụ bộc lộ quan điểm của mình, vẫn vững tin rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể là người lầm lẫn giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa yêu nước; hai cái đó với Cụ Hồ và Đảng theo đường lối cụ Hồ nhất định phải thống nhất. Nhưng điều cần thấy ra là giữa Hồ Chí Minh với tập thể những người lãnh đạo hiện tại là hai thực thể khác biệt, nếu đánh đồng làm một sẽ nguy hiểm cho một kiểu ứng xử bắt buộc “nhất thành bất biến” của mình. Qua bấy nhiêu câu nói vắn tắt trong cuộc họp, như ông từng kể lại, Nguyễn Huệ Chi mẫn cảm hiểu ra rằng, ở trong tâm can vị lão tướng đang bắt đầu có một sự chuyển biến về nhận thức lịch sử, không còn dựa vào tín điều như vẫn được rao giảng, mà đã dựa vào quan sát thực tế của một đảng viên trong tư cách một con người có đầu óc suy xét riêng. Ông dự đoán cuối cùng con người ấy thế nào cũng sẽ đi hẳn với nhân dân.
Quả nhiên, từ đó, giữa trang Bauxite Việt Nam với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh bắt đầu một quan hệ thân gần. Cụ viết bài đều đặn cho trang mạng, bài dù ngắn dù dài cũng đề cập vào những chuyện tai nghe mắt thấy cụ thể, và rút ra những kết luận cụ thể không ai bác bỏ được. Cụ cũng tình nguyện giúp đỡ “một chút” cho BVN như lời Cụ, cụ thể là mỗi tháng bớt ra 1 triệu đồng tiền lương, nói trước sẽ giúp trong vòng một năm, để đỡ đần những khó khăn mà người này người khác gặp phải khi cần trang bị một phương tiện kỹ thuật nào đấy, hoặc khi trang mạng cần tổ chức một diễn đàn, một cuộc đi thực tế nào đấy. Và Cụ đã thực hiện lời hứa đều đặn không sai.
Qua Cụ, các lão thành cách mạng cũng trở nên ngày càng thân thiết với người điều hành trang mạng, thậm chí có người như ông Vũ Thuần, vào năm 2009 là 85 tuổi đời và 65 tuổi đảng, trước lúc qua đời vị bệnh nặng vào một vài năm sau, còn cho con trai đến gọi bằng được Nguyễn Huệ Chi đến bên giường bệnh để nói những lời căn dặn của người “tri thiên mệnh” đối với người đi sau. Có người như Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, năm 2010 vừa nghe Nguyễn Huệ Chi thoát khỏi cuộc thẩm vấn đằng đẵng của Phòng điều tra hình sự Bộ Công an trong vòng 22 ngày kể từ 13/1/2010, đã gọi điện đến ngay để báo tin việc Nhà nước cho Trung Quốc thuê rừng phòng hộ là một sơ hở chết người cần đưa ngay lên báo mạng. Liền sau đấy ông gửi đến bài báo Về việc các tỉnh cho người nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng với tên hai người đứng liên danh là Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, được đăng trên Bauxite Việt Nam vào ngày 11/2/2010.
Tất nhiên, dù giữa hai bên đã hết sức đồng cảm, lòng tin xây dựng trên cơ sở cùng hướng về mục tiêu độc lập dân tộc và cả yêu cầu tự do dân chủ thể hiện ra bằng chữ ký trên các loại kiến nghị khác nhau của BVN là chuyện có phức tạp hơn, bởi kiến nghị này hợp ý người này song người khác chưa chắc đã thấy cần thiết, và trái lại. Dầu vậy, có thể nói trong việc ký tên này thì vai trò lôi cuốn của Nguyễn Trọng Vĩnh đối với bạn đồng tuế và đồng hành trong hàng ngũ cựu tướng lĩnh, quan chức là rất quan trọng. Như đã lưu ý ở trên, trong danh sách Kiến nghị bauxite đầu tiên vào tháng 4 năm 2009 chưa thấy có tên Cụ. Cho đến bản Kiến nghị bauxite nhân nổ ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary đăng lên ngày 9/10/2010, tức là cách hơn một năm sau, trong số 2670 người ký tính đến ngày 4/11, Cụ đã tham gia ký tên song cũng chưa ký ngay trong đợt 1 mà phải đến đợt 2 hoặc đợt 3 vì đứng ở số 476. Có lẽ phải sau một số ngày kiểm tra tài liệu nước ngoài và trong nước, nhất là về việc xây dựng hồ bùn đỏ của TKV tại Tây Nguyên, cụ mới yên tâm đặt bút.

Nhưng đến bản Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ phát đi ngày 16/4/2011, chỉ trong ba đợt tính đến ngày 4/5, có 1889 người ký, thì tên Nguyễn Trọng Vĩnh đã đứng thứ 7 ở danh sách đợt 1, trên đó còn có Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (thứ 5), Trung tướng Lê Hữu Đức (thứ 6) và sau Cụ còn chữ ký của Thiếu tướng Trần Minh Đức, Thiếu tướng Tô Thuận, Thiếu tướng Bùi Quỹ cùng 10 vị Đại tá khác.

Chính đây là một trong những bằng chứng để chúng tôi xác nhận sức lôi cuốn mạnh mẽ của Nguyễn Trọng Vĩnh trên con đường đi đến với lẽ phải của dân tộc, một sức mạnh đến nay chưa thể lường tính hết. Mặc dù trên con đường ấy, vì lẽ này lẽ khác không phải ai cũng đi đến cùng được như Cụ, có người hăng hái lúc đầu, về sau do hoàn cảnh gia đình hay cá nhân phải lùi lại hoặc bỏ dở nửa chừng. Nhưng tấm gương trong sáng nhiều mặt của Cụ thì đúng là đã tỏa rạng đến nhiều người xung quanh, đó là điều không thể nghi ngờ.
Cũng vì sự trong sáng của một tâm hồn biết đặt lòng tin đúng chỗ, vào ngày 4/8/2011, khi được xem trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam bêu xấu chuyện cá nhân nhỏ nhặt riêng tư của TS Cù Huy Hà Vũ đang ở trong tù, trong đó có lời kết án trang mạng BVN là “một trang phản động”, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã trực tiếp gửi đến ông Tổng Giám đốc đài này một lá thư phản đối, trong đó có những câu:
“Tôi rất ngạc nhiên về câu mà đài gọi “Bauxite Việt Nam là một trang mạng phản động” (!)Như vậy có nghĩa là hàng nhiều triệu người truy cập trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN) và hàng bao nhiêu danh sĩ, trí thức có tên tuổi, lão thành cách mạng trong đó có tôi đều là hợp tác, đồng lõa với phản động à? Tôi được biết từ 13/1/2010, công an đến khám nhà Giáo sư Nguyễn Huệ Chi – một trong ba người chủ trì trang mạng BVN – tịch thu các “cục cứng”, cố tìm bài phản động mà không thấy, sau 22 ngày làm rầy ông, cuối cùng phải đưa trả các tài liệu và các “cục cứng’ đã tịch thu mà không nói được điều gì xấu về trang mạng BVN.
“Từ đó đến nay trang mạng đều đăng bài của những người tâm huyết với đất nước hoặc kiến nghị những ý hay, ý đúng, hoặc phê phán những sai lầm, bất cập có thật, cũng là mong cho Tổ quốc phát triển nhanh mạnh và giữ vững độc lập chủ quyền, sao buổi phát thanh 4-8-2011 trên VTV1 lại gọi BVN là trang mạng phản động?  
Tôi là một người thỉnh thoảng có bài viết gửi đăng trên mạng BVN, gọi trang mạng BVN là phản động có nghĩa là tôi cũng thuộc phái phản động? Tôi rất bất bình, vì tôi là người suốt đời yêu nước” (Thư ngỏ gửi anh Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đề ngày 11/8/2011).
Ai mà không xúc động và thêm kính trọng vị chủ nhân những phát ngôn trực tính, xuất phát từ ruột gan như vậy?
Bauxite Việt Nam ghi lại một vài điều không thể gọi là đầy đủ về con người Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể trên để bày tỏ nỗi đau xót chân thành của chúng tôi trước cái tang của một con người hết sức hiếm hoi trong hàng ngũ quan chức cao cấp của thể chế đã thật sự trở về với dân, nay vĩnh viễn từ giã cõi nhân sinh mà hẳn còn khá lâu chúng ta mới có thể tìm được một người tương tự. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã được Nhà nước Cộng sản Việt Nam làm lễ tang vô cùng long trọng. Đó cũng là điều nói lên nhân cách toàn vẹn của Cụ khiến không thể nào bài bác, bôi xấu. Ai cũng vui mừng về điều ấy. Diễn đàn Bauxite Việt Nam cũng chung nỗi mừng này. Có điều, đã xẩy ra một hiện tượng chua chát không thể không nói thêm ở đây, là cũng như nhiều người hâm mộ khác từ Nam chí Bắc, lại do có quan hệ sâu nặng với Cụ kể từ khoảng giữa năm 2009 đến nay, Ban biên tập BVN đã làm một vòng hoa viếng trang trọng và cử một phóng viên mang đến tận nơi cử hành tang lễ, số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội, để góp mặt vào buổi lễ nghiêm trang do Nhà nước đứng ra tổ chức. Có ai ngờ khi vòng hoa mang vào phòng tang lễ thì bị chặn lại. Và những người có trách nhiệm nào đó đã ngang nhiên tháo giải băng tang bằng lụa đen với dòng chữ Vô cùng thương tiếc Lão Tướng – Bauxite Việt Nam vứt ngay vào sọt rác, để thay vào đó một tờ giấy đen có hai chữ Kính viếng cụt lủn, rồi mới cho đưa vào (xin xem hình). Thật ngậm ngùi không thể nói nên lời. Như thế, thử hỏi, tính từ đám tang tướng quân Trần Độ cũng được Quốc hội cử hành ngày 14/8/2002 đến nay, đã 17 năm, trong phạm vi được hay không được bộc lộ quyền bày tỏ thương yêu người có công với đất nước, lịch sử đã nhúc nhích được chút nào chưa hay vẫn đứng yên một chỗ? Xin viết điều này ra để kính mong anh linh Cụ ở nơi cõi cao xa chứng giám và tha thứ cho mọi lỗi lầm của thế nhân.
Vĩnh biệt người bạn lớn của BVN.
Bauxite Việt Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét