TRỊNH ÁNH HỒNG
+ Lê
Quỳnh dịch
(tiếp theo - Kỳ 3)
… Nhận thức đầy đủ về sự hấp dẫn của các chính sách của mình và
căng thẳng giữa Đông Âu và
Liên Xô, Trung Quốc rất quan tâm đến những
khó khăn của lãnh đạo Liên Xô ở Đông Âu và trong một số trường hợp còn giữ liên
lạc với những nhân vật cải tổ mới nổi. Ví dụ, theo Janos Radvanyi, một viên
chức cao cấp ở Bộ Ngoại giao Hungary phụ trách châu Á và có quan hệ thân cận
với đại sứ Trung Quốc ở Budapest, sứ quán Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới
thông tin hiệu quả bên trong chính phủ và Đảng Cộng sản Hungary. Sứ quán thậm
chí có tiếng là “địa điểm ngoại giao hiểu biết nhất” ở thủ đô.
Thông
qua mạng lưới này, vị đại sứ Trung Quốc, Hác Đức Thanh, biết Nagy đang viết
bài, và khi bài này được gửi cho Ban Chấp hành Trung ương, thì ông Hao có được
một bản nhờ một người bạn Hungary làm trong ban thư ký tại trụ sở Đảng. Trong
khi sứ quán Liên Xô hay mời những công dân gương mẫu, thì ông Hao thích tiếp
đãi các nhà văn, nghệ sĩ, kinh tế gia và phóng viên Hungary – một số trong đó
không được chính quyền tin tưởng. Vị đại sứ cũng đi lại khắp nơi trong nước và
có thông tin từ cán bộ địa phương về không khí thay đổi sau cái chết của
Stalin. Tuỳ viên văn hoá của Trung Quốc, nói giỏi tiếng Hungary, cũng duy trì
liên hệ thân mật với các trí thức Hungary, trong khi các phóng viên
của Tân Hoa xã và du học sinh Trung Quốc báo cáo cho sứ quán về hoạt
động của Câu lạc bộ Petofi, một trung tâm tập hợp những người phản kháng.
Sau Đại hội 20 của Liên Xô, việc phê phán
chính sách của Stalin được hé lộ, và Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn ở Đông Âu,
và các hoạt động truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc tại đó trở nên mạnh bạo
hơn. Với việc công bố diễn văn của Lục Định Nhất, Trưởng ban Tuyên huấn của
Đảng Cộng sản Trung Quốc, mang tên “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh”, vào
tháng Năm 1956 và đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 13-6, Trung Quốc
mở đầu sự giải phóng cho trí thức với mục đích giải toả sức ép trong nước về
ngắn hạn, và với mục tiêu dài hạn là cho phép một chút cởi mở và phê phán bên
trong chính quyền để giành ủng hộ và phát hiện sai lầm. Chính sách Trăm hoa
nhanh chóng trở thành trọng tâm thu hút tại Đông Âu. Vào tháng Chín, Đại hội
Tám ở Trung Quốc khai mạc, và toàn bộ các đảng cộng sản ở Đông Âu gửi đại biểu
tới Bắc Kinh. Sự kiện này được Bắc Kinh sử dụng vào đúng khoảnh khắc quan trọng
ấy để giới thiệu con đường riêng tiến lên chủ nghĩa xã hội và xây dựng quan hệ
với thế hệ hậu Stalin trong các lãnh đạo Đông Âu. Ví dụ, Janos Kadar, trưởng
phái đoàn Hungary, người từng bị Stalin hạ bệ nhưng được phục hồi năm 1954, rất
được ưa thích trong Đảng ở Hungary vì quan điểm chống Stalin. Các nhà lãnh đạo Trung
Quốc rất quan tâm tới vị lãnh đạo mới nổi này, và Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ
và Chu Ân Lai, tất cả đều có cuộc trò chuyện dài với ông. Vào ngày 1-10, Kadar
một lần nữa đại diện cho Hungary
tại lễ ăn mừng Quốc khánh Trung Quốc tại Bắc Kinh [14] .
Một điểm về Chính sách Trăm hoa chưa được chú
ý đầy đủ là sự thể hiện ngôn từ (trực tiếp của Mao và rất tiêu biểu cho phong
cách của ông) đã tạo nên ấn tượng sai lầm rằng có sự dung dưỡng cho nhiều, tuy
chưa phải tất cả, ý kiến khác biệt; ấn tượng này đặc biệt có ở những ai không
hiểu về quá khứ đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như cuộc chỉnh huấn Diên
An thập niên 1940 và chiến dịch cải tạo tư tưởng đầu thập niên 1950. Ấn tượng
này đã xảy ra khi Chính sách Trăm hoa khơi dậy cảm tình với Trung Quốc ở Đông
Âu, nơi con người phấn khích trước khẩu hiệu nhưng không biết nhiều về lịch sử
của Đảng Cộng sản Trung Quốc và không có dịp xem kỹ nội dung của những tư liệu
giới thiệu chính sách mới của Trung Quốc. Tại Hungary, đại sứ Trung Quốc chộp
cơ hội củng cố tình cảm ủng hộ Trung Quốc bằng việc cung cấp thêm thông tin cho
trí thức và sinh viên Hungary, và thậm chí ông còn quảng bá về Đại hội Tám
thông qua cung cấp thông tin cho báo chí và đài phát thanh Hungary. Kết quả là
truyền thông Hungary
dành nhiều chỗ cho Đại hội Tám, lại càng củng cố thêm cảm tình dành cho Trung
Quốc. Nhiều trí thức cấp tiến Hungary
tin rằng chính sách này đích thực phản ánh ý định của những người cộng sản
Trung Quốc. Trong lúc đó, với việc phục hồi và đưa Nagy lên làm Thủ tướng, “Năm
nguyên tắc” của Trung Quốc được dùng để chống lại “chủ nghĩa nước lớn” của Liên
Xô – một cụm từ cũng do Trung Quốc nặn ra. Ảo tưởng của Hungary về Trung Quốc
kéo dài đến phút cuối cùng, khi tờ báo của các nhà văn cách mạng, Irodalmi
Ujsag, tuyên bố ngày 2-11 (hai ngày sau khi Trung Quốc thúc giục
Khrushchev đè bẹp cuộc nổi dậy Hungary) rằng “Phương Tây và phương Đông sát
cánh với chúng ta. Mỹ đã tuyên bố niềm tin vào chính nghĩa của chúng ta cũng rõ
ràng như các quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ.” [15]
Đáng chú ý là sau khi cuộc nổi dậy Hungary bị dập
tắt, vai trò giảm kiểm soát và dung thứ cho phản kháng của Trung Quốc lại càng
trở nên nổi bật trong những nhà cải cách Đông Âu. Trái với không khí chung ở
Liên Xô và Đông Âu sau sự biến Hungary,
Trung Quốc vẫn tiếp tục đường hướng khai phóng mà họ khởi sự từ tháng Năm 1956.
Chính sách Trăm hoa không bị ngưng, và vào tháng Hai 1957, Mao còn bổ sung thêm
với bài diển văn nổi tiếng “Bàn về mâu thuẫn”, thừa nhận sự tồn tại của mâu
thuẫn trong các nước xã hội chủ nghĩa và như vậy tức là đã chấp nhận một mức độ
bất bình nhất định, hay thậm chí một sự đối lập ôn hoà trước các chính sách của
chính phủ. Vào tháng Tư, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực thu hút sự phê phán thông
qua chiến dịch “chỉnh huấn”, kéo dài cho đến đầu mùa hè, khi Trung Quốc mở cuộc
phản kích chống lại các trí thức phê phán thông qua chiến dịch chống hữu
khuynh. Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì Mao quyết định dùng chiến dịch Trăm hoa và
Chỉnh huấn để “dụ rắn ra khỏi hang”, tuy một số người cho rằng đó có thể là
ngay sau cuộc khủng hoảng Hungary [16] . Dù ý định thực của
Mao là gì, thì đối với các trí thức Đông Âu đã chịu cảnh lạnh giá sau khi cuộc
nổi dậy Hungary bị đàn áp, việc Trung Quốc duy trì giai đoạn mở rộng tự do cũng
là ngọn đèn trong đêm đen và là hy vọng duy nhất để níu giữ sự tự do họ có được
sau Đại hội 20 của Liên Xô. Họ vui mừng với quan niệm của Mao về Trăm hoa Đua
nở và mâu thuẫn ôn hoà, bởi vì các quan niệm này hàm ý phê phán việc gán cho
mọi sự phê phán cái mác “tư sản”, “tư bản”, hay “đế quốc” và vì thế, chúng
không chỉ đặt nghi ngờ về việc chặn họng các tiếng nói chống đối mà còn hàm ý
là những khủng hoảng trong nước có thể là do các chính sách của chính quyền và
sự can thiệp của ngoại quốc. Người Đông Âu không phải là hoàn toàn hiểu nhầm
thông điệp của Trung Quốc. Trung Quốc xem khủng hoảng Ba Lan – Hungary chính là
ví dụ điển hình của các vấn đề mà sự đàn áp các tiếng nói đối kháng đã tạo ra,
đặc biệt trong nửa đầu năm 1957, khi Trung Quốc hoàn toàn tin vào sự ủng hộ mà
dân chúng dành cho chính thể [17] .
Chính trong bối cảnh này, nhiều nhân vật
chống Stalin ở Đông Âu “muốn nhìn thấy ở Bắc Kinh một thánh địa của chủ nghĩa
xét lại” (nghĩa là chống lại Stalin) [18] . Tại Đông Đức, những
người cộng sản cải cách, được dẫn dắt bởi những người như Karl Schirdewan, Paul
Wandel, và Jürgen Kuczynski, đã ca ngợi Trung Quốc vì đã phân biệt mâu thuẫn
“thù địch” và mâu thuẫn “ôn hoà”, nghĩa là khuyến khích sự phê bình. Schirdewan
nói, Trung Quốc biết dùng Đại hội 20 theo cách “sáng tạo”. Kuczynski công khai
cổ võ cho Chính sách Trăm hoa: “Hãy để hoa nở: mỗi loại hoa lại có kiểu riêng
biệt – mọi loại hoa đều tô điểm cho thế giới bằng muôn ngàn sắc màu, hương
thơm, hình dáng. Đó chính là thái độ tiến bộ đích thực đối với khoa học gia,
nhà văn và nghệ sĩ.” [19] Các hoạt động và diễn
văn của họ buộc phe bảo thủ của Ulbricht (tuy ông này từng có lúc tỏ ra quan
tâm đến việc quốc hữu hoá ôn hoà của Trung Quốc) phải tham gia tranh luận nhiều
tháng trong năm 1957. Một trả lời của Ulbricht là “vấn đề chính của chúng ta
không phải là ‘kêu gọi mọi loại hoa cùng nở rộ’ mà là phải tìm cho ra đúng loại
hoa phù hợp, chỉ trồng những gì mới và hữu ích, chứ không được dung dưỡng hạt
giống độc hại chỉ vì chúng cũng là hoa.” [20]
Tại Ba Lan, W. Gomulka, bí thư thứ nhất của
Đảng, người tìm cách duy trì quan điểm trung dung giữa phe thân Stalin và phe
cải cách, nói rằng Đảng của ông quan sát Trung Quốc “với sự cảm thông sâu
sắc.” [21]Ông ca ngợi Trung Quốc vì
“sự táo bạo” đóng góp vào “việc dạy sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin” nhờ việc
giới thiệu “các phương pháp mới để giải quyết mâu thuẫn ôn hoà” và xu hướng
“Trăm hoa Đua nở” mà “trước đây chưa từng biết tới trong công cuộc xây dụng chủ
nghĩa xã hội ở các nước khác.” Bình luận thân Trung Quốc của Gomulka là vào
ngày 15-5, khi ông phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ chín của Đảng. Một
tuần trước đó, một tạp chí Ba Lan đăng một bài báo, viết rằng “Mâu thuẫn trong
con người – bất chấp khác biệt giữa các quốc gia – cũng xuất hiện ở nước ta.
Vượt qua mâu thuẫn thông qua thuyết phục và thảo luận thì đòi hỏi một cuộc đấu
tranh chống tệ quan liêu, cải thiện bộ máy nhà nước và một chính sách mềm dẻo
với các đồng minh chính trị và giai cấp.” Bài báo cũng kêu gọi đem trồng “những
bông hoa Trung Quốc.” [22] …
(còn tiếp)
--------------
** Chú thích:
[14]Janos Radvanyi, "The
Hundred Flowers Movement and the Hungarian Revolution", trang 23–24
[15]Griffith, chủ biên, Communism in Europe, 1: 242
[16]Li Shenzi, “Chủ tịch Mao quyết định dụ rắn ra khỏi hang lúc nào?”,Yenhuang chunqiu, tháng Giêng 1999, trang 5-14. Li là cố vấn về quan hệ quốc tế cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thập niên 1950 và 1960, và cuối thập niên 1990 trở thành nhân vật hàng đầu trong giới trí thức cởi mở của Trung Quốc. Quan điểm của ông về quyết định của Mao trong chiến dịch chống phái hữu rất có ảnh hưởng.
[17]Ví dụ, trong một cuộc họp với các bí thư tỉnh ủy ngày 27-1, Mao nói các chính sách đàn áp của Rákosi (như không cho biểu tình, không nộp đơn thỉnh nguyện, không chỉ trích…) đã gây ra khủng hoảng ở Hungary. Mao Trạch Đông, Tuyển tập (Beijing: People's Publisher, 1980), 5: 354. Hai tháng sau, trong hội thảo của cục tuyên huấn, cục trưởng Lục Định Nhất, nhắc tên của Gero, Tổng Bí thư đảng của Hungary năm 1956, như ví dụ của tình hình đất nước nguy ngập vì đàn áp ý kiến khác biệt. Lục Định Nhất, Tuyển tập Lục Định Nhất (Beijing: People's Publisher, 1992), trang 556.
[18]Griffith, Communism in Europe, 1: 103
[19]Như trên, 1: 104
[20]Như trên
[21]Quyển The Warsaw Heresy của S. L. Shneiderman (New York: Horizon Press, 1959) là một mô tả minh hoạ về chính sách thận trọng của Gomulka sau cuộc khủng hoảng tháng 10 ở Ba Lan – Hungary.
[22]G. F. Hudson, "China and the Communist 'Thaw'", trang 30.
[15]Griffith, chủ biên, Communism in Europe, 1: 242
[16]Li Shenzi, “Chủ tịch Mao quyết định dụ rắn ra khỏi hang lúc nào?”,Yenhuang chunqiu, tháng Giêng 1999, trang 5-14. Li là cố vấn về quan hệ quốc tế cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thập niên 1950 và 1960, và cuối thập niên 1990 trở thành nhân vật hàng đầu trong giới trí thức cởi mở của Trung Quốc. Quan điểm của ông về quyết định của Mao trong chiến dịch chống phái hữu rất có ảnh hưởng.
[17]Ví dụ, trong một cuộc họp với các bí thư tỉnh ủy ngày 27-1, Mao nói các chính sách đàn áp của Rákosi (như không cho biểu tình, không nộp đơn thỉnh nguyện, không chỉ trích…) đã gây ra khủng hoảng ở Hungary. Mao Trạch Đông, Tuyển tập (Beijing: People's Publisher, 1980), 5: 354. Hai tháng sau, trong hội thảo của cục tuyên huấn, cục trưởng Lục Định Nhất, nhắc tên của Gero, Tổng Bí thư đảng của Hungary năm 1956, như ví dụ của tình hình đất nước nguy ngập vì đàn áp ý kiến khác biệt. Lục Định Nhất, Tuyển tập Lục Định Nhất (Beijing: People's Publisher, 1992), trang 556.
[18]Griffith, Communism in Europe, 1: 103
[19]Như trên, 1: 104
[20]Như trên
[21]Quyển The Warsaw Heresy của S. L. Shneiderman (New York: Horizon Press, 1959) là một mô tả minh hoạ về chính sách thận trọng của Gomulka sau cuộc khủng hoảng tháng 10 ở Ba Lan – Hungary.
[22]G. F. Hudson, "China and the Communist 'Thaw'", trang 30.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét