Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Từ điểm nóng Bãi Tư Chính hiện nay, nghĩ về khả năng nổ ra chiến tranh


Nhà văn Triệu Xuân:
Hơn một tháng nay, Trung Quốc ngày càng ngang ngược gây hấn, khiêu khích, kiếm cớ để nổ súng tiến chiếm khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Việt Nam tìm mọi cách để gìn giữ hòa bình.
Trung Cộng tìm mọi cách để có cớ nổ súng tấn công.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hơn một tháng nay vẫn chưa hề lên tiếng. Sư im lặng đáng sợ này khiến lòng dân không yên. Không ít người cho là hèn đớn, thậm chí có kẻ còn lăng mạ là “bán nước”!
Có hai sự kiện rất lạ ở bãi đá ngầm Ga Ven thuộc Trường Sa:
Ga Ven là tên gọi để chỉ một cặp rạn san hô, gọi tắt là “đá"- thuộc cụm Nam Yết, quần đảo Trường Sa, đó là đá Ga Ven (cùng tên) ở phía bắc và đá Lạc ở phía nam. Các đá này nằm cách đảo Nam Yết lần lượt là 8,5 và 7 hải lý (13-15,7 km) về phía tây. Cùng với Gạc Ma, Trung Quốc kiểm soát đá Ga Ven từ năm 1988. Đây là hai rạn san hô "nửa nổi nửa chìm". Ga Ven có một dải cát cao 2 m. Diện tích của đá Ga Ven khoảng 86 ha và đá Lạc 67 ha.
Ngày 07-11-1990, hạm đội Nam Hải (Trung Quốc) được báo cáo là Đá Khói Nam (đá Ga-ven) bị mất liên lạc vô tuyến điện. Sau đó phát hiện đơn vị chốt ở đây có 6 người chết, 1 bị thương, 5 mất tích. Lô cốt đầy vết đạn. Nhiều súng trường và đạn dược chìm dưới biển. Không rõ đối phương!?
Ba năm sau, 1993, cũng tại Ga Ven, toàn bộ đơn vị lính Trung Quốc bị tiêu diệt! (19 người bị giết, 1 mất tích, trong đó 1 bị bắn vào đầu, số còn lại chết vì bị đạn hoặc bị dìm nước. Cũng không rõ đối phương!?
Khi lưu trữ hai sự kiện này vào “Kho lưu trữ tư liệu” của mình để viết tiểu thuyết, tôi nghĩ ngay đến những chiến tích thầm lặng của binh chủng đặc công quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến 1945-1975.
Tôi muốn bày tỏ ý kiến riêng của mình về: Chiến tranh Việt Trung có thể xảy ra hay không? Nếu xảy ra thì kịch bản như thế nào? Trước hết, tôi rút tỉa một số tư liệu trong “kho lưu trữ” tư liệu riêng của mình về Hoàng Sa, Trường Sa và hệ thống Nhà giàn ở Tây nam Biển Đông, trong đó có bãi Tư Chính:
1.Thực trạng ở quần đảo Hoàng Sa & quần đảo Trường Sa và khu vực tây nam Biển Đông trước ngày 03-7-2019:
Quần đảo Hoàng Sa cách lục địa Trung Hoa 270 hải lý. Quần đảo Trường Sa cách Hoa lục 750 hải lý. Cả hai đều không nằm trong thềm lục địa của Trung Hoa. 

Tại bờ biển Việt Nam, thềm lục địa chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra Hoàng Sa. Năm 1925, nhà địa chất học quốc tế, Tiến sĩ Khoa học A. Krempf, Giám đốc Viện Hải học Đông Dương, sau hai năm nghiên cứu và đo đạc đã lập phúc trình và kết luận: "Về mặt địa chất, những đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam" (Géologiquement les Paracels font partie du Vietnam).
Tại Trường Sa, các đảo nổi, đảo chìm, cồn cát, rạn san hô… là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam. Tại bãi Tư Chính, nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400 m, và tại vùng đảo Trường Sa độ sâu chỉ tới 200 m. Bãi Tư Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý và cách lục địa Trung Hoa tới 780 hải lý. Từ Trường Sa về bờ biển Trung Hoa có rãnh biển sâu hơn 4.600 m.
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đánh bại Pháp, kiểm soát Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, với đảo Ba Bình là căn cứ quân sự. Năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh. Pháp tiếp tục kiểm soát hai quần đảo. 
Năm 1951, tại Hội nghị Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản, phía Liên Xô đã đề nghị giao cho Trung Cộng quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đề nghị này bị hội nghị bác bỏ. 
Ngày 07-7-1951, ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch Phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam (ở thời điểm đó nằm trong Liên hiệp Pháp) tới dự Hội nghị San Francisco, tuyên bố: Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc về lãnh thổ Việt Nam, và yêu cầu LHQ minh định điều này. Thế nhưng, do nhiều quốc gia cùng tranh nhận chủ quyền, vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị bỏ ngỏ, Hội nghị San Francisco không xác nhận chủ quyền của bất kỳ nước nào. Văn kiện của hội nghị ký ngày 08-9-1951 chỉ ghi là "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo".
Năm 1956, Trung Cộng xâm chiếm một phần của quần đảo Hoàng Sa của Việt nam Cộng hòa. Ông Ngô Đình Diệm chịu thúc thủ vì lúc đó lực lượng hải quân của Sài Gòn còn nhỏ bé. 
Cũng năm 1956, ông Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Đài Loan cho quân chiếm đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất, có nước ngọt thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Ngô Đình Diệm, đang mải lo diệt Cộng và các giáo phái đối lập, không có hành động phản kháng nào. Nhân ngày Lễ Song thập (10/10), ông Diệm muốn giao hảo với ông Trưởng, chịu thúc thủ lần thứ hai. Hiện, Đài Loan hiện đại hóa căn cứ quân sự Ba Bình với hải cảng và sân bay lớn, thực sự một "pháo đài" với nhiều công sự phòng thủ kiên cố và có một đường băng cho phép máy bay vận tải C-130 Hercules lên xuống ngon lành, khi cần, chỉ sau vài chục phút là có thể oanh tạc Sài Gòn, Vũng Tàu! 
Tháng 01-1974, hai năm sau khi Mỹ và Trung Cộng ký Hiệp ước (Thỏa thuận) Thượng Hải, Trung Cộng cho hải quân thôn tính nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng không quân -khá hùng mạnh lúc đó - của Việt Nam Cộng hòa đã tập kết tại Đà Nẵng, sẵn sàng cất cánh tái chiếm Hoàng sa, thì vào phút chót, ông Nguyễn Văn Thiệu hủy lệnh cất cánh, vì Mỹ không đồng ý! Hạm đội 7 Hoa Kỳ đóng tại Phillipines không hề giúp thông tin tình báo, không hỗ trợ hạm đội Việt Nam Cộng hòa giao chiến với Trung Quốc, thậm chí còn từ chối cả việc cứu những thủy binh Việt Nam Cộng hòa của tàu HQ-10 đang trôi dạt trên biển!
Đài Loan và Trung Quốc đều không công nhận nhau là chính phủ hợp pháp của Trung Hoa, song cả hai đều coi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của người Trung Quốc. Tháng 3 năm 1988, khi Trung Quốc xung đột với Việt Nam, quân Đài Loan trên đảo Ba Bình đã tiếp tế lương thực và nước ngọt cho hải quân Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan là Trịnh Vi Nguyên (鄭為元) đã công khai tuyên bố "Nếu chiến tranh nổ ra, quân đội Quốc gia (tức Đài Loan) sẽ giúp quân đội của Đảng Cộng sản kháng chiến". Đến tháng 2/1995, khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát đá Vành Khăn từ Philippines thì Đài Loan cũng phối hợp giành quyền kiểm soát bãi Bàn Than vào tháng 3. 
Hải quân Trung Quốc đóng tại Trường Sa thường xuyên tiếp nước ngọt từ hải quân Đài Loan trên đảo Ba Bình.
Trước năm 1988, Trung Quốc chưa chiếm hữu bất cứ một phần nào của quần đảo Trường Sa.
Chín năm sau ngày Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tràn qua biên giới Bắc Việt Nam, ngày 14-3-1988. Trung Quốc tấn công bãi đá chìm Gạc Ma, đá Cô Lin, đá Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Kết quả: Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma. Việt Nam giữ được đá Cô Lin và đá Len Đao.
Kết quả: Việt Nam mất ba tàu vận tải, 64 người anh dũng hy sinh. Trung Quốc bị hư hại một số xuồng đổ bộ, thương vong 24 người. Trung Quốc đổ quân chiếm đóng bãi đá Gạc Ma.
Trong trận hải chiến Gạc Ma, Hải quân Liên Xô đóng ở quân cảng Cam Ranh không hề động thủ. Họ không hỗ trợ gì cho hải quân non trẻ, đang rất nghèo của Việt Nam.
Tháng 6-2012, Trung Quốc tấn công, chiếm đóng bãi cạn Scarborough từ tay hải quân Philippines.
Năm 2014, Trung Cộng đưa giàn khoan Hải Dương vào gần đảo Lý Sơn Việt Nam, đồng thời gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo chìm mà họ vừa chiếm đóng.
Đầu tháng 7-2019, 5 năm sau sự kiện Giàn khoan Hải Dương vào vùng biển Lý Sơn, Trung Cộng lại đưa tàu thăm dò địa chấn cùng hàng chục tàu chiến, tàu đánh cá có trang bị vũ khí (tàu dân quân) vào vùng biển Bãi Tư Chính. Trung Quốc hung hăng cản chặn Việt Nam thăm dò, hoạt động dầu khí, họ khiêu khích chúng ta để kiếm cớ sẵn sàng tấn công chiếm khu vực Bãi Tư Chính. 
Từ suốt tháng 7-2019, đến hôm nay, 07-8-2019, một tháng qua rồi mà Trung Quốc vẫn hung hăng, táo tợn quất phá Việt Nam hòng chiếm đóng Tư Chính. Trong khi đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa công khai một động thái nào với Trung Quốc và với dư luận thế giới.
(…) Mục tiêu của Trung Quốc lần này là ngăn cản Việt Nam thăm dò khai thác dầu khi tại lô 06.1. Trong mấy năm trước, họ đã thành công việc này. Công ty của Tây Ban Nha phải rút về nước, và tất nhiên Việt Nam phải đền bù cho họ một phần trong tổng đầu tư hơn 300 triệu USD ở đó.
Lần này, ngành Dầu khi Việt Nam đã liên doanh với một công ty của Liên bang Nga (công ty quốc doanh), và công ty này đã thuê tàu của Nhật Bản thi công. Như thế, nhân tố đa phương (không chỉ song phương như trước) đã bao trùm trong việc Trung Quốc ngăn cản, chống phá VN; và Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tái phán chính đáng của mình tại lô 06.1 và toàn vùng biển Tư Chính. Nếu Trung Quốc nổ súng, Nga thì chưa rõ chứ Nhật Bản sẽ không để yên! Đó là cái chắc! 
Việt Nam tìm mọi cách không để chiến tranh xảy ra. 
3.Trung Quốc đã quậy phá hơn một tháng rồi, sẽ tiếp tục quậy phá. Chẳng lẽ tung ra hơn một trăm tầu các loại mà chịu trợn mắt, há mồm nhìn Việt Nam ung dung khoan thăm dò, khai thác dầu khí ư? Bởi mục tiêu trên hết của Trung Quốc là khép kín “đường lưỡi bò” 9 đoạn; tức là thôn tính toàn bộ khu vực 7 bãi đá ngầm Việt nam đang kiểm soát với 15 Nhà giàn. Mà muốn thôn tính khu vực này, trước hết phải nuốt trọn khu vực bãi Tư Chính.
Bởi thế, chiến tranh tất xảy ra.
Chiến tranh xảy ra, Trung Quốc muốn tiến hành đánh phủ đầu. Trong vòng tuần lễ đầu, toàn bộ lực lượng hải quân và không quân Việt Nam bị tiêu diệt tối thiểu 50%. Hệ thống pháo và tên lửa phòng thủ bờ biển của Việt Nam bị vô hiệu hóa khoảng 70 %. Cùng lúc khởi chiến trên biển, Trung Quốc cho quân tràn qua biên giới. Họ nhanh chóng tiến chiếm các tỉnh phía Bắc VN trong tuần lễ đầu, rồi bao vây Hà Nội. Hàng trăm ngàn người Trung Quốc lâu nay làm ăn, du lịch tại Việt Nam sẽ có hàng ngàn tên thực chất là gián điệp và quân đội cài cắm, sẽ vùng dậy chỉ điểm mục tiêu cho không quân và bộ binh Trung Quốc tiêu diệt triệt phá Việt Nam. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu... đồng loạt bị không quân oanh tạc và gián điệp đặt bom… Lực lượng quân sự của Việt Nam sau nửa tháng giỏi lắm chỉ còn 30%!
Về phía Việt Nam, nếu ta đối phó với chiến tranh phủ đầu của Trung Quốc bằng chiến tranh tổng lực thì kịch bản nói trên sẽ thành hiện thực. Trung Quốc có thể bị ta tàn phá các căn cứ quân sự, mất toàn bộ vũ khí, khí tài xây dựng trang bị tại Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Hải Nam, nhưng…Việt Nam chả còn gì để chơi tiếp. Đạn pháo và tên lửa chúng ta mua không được nhiều, không đủ để bắn trong một tháng! Các thành phố lớn, đường sá, cầu cống, các nhà máy xây dựng từ ba chục năm qua sẽ tan tành. Cuộc sống của nhân dân sẽ trở lại thời 1965-1985!
4.Vậy, Việt Nam nên như thế nào?
- Kiên trì giữ hòa bình càng thêm ngày nào càng tốt! Trong thời gian ấy, gấp rút đàm phán để ký các hiệp định liên minh toàn diện với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và trước hết là Mỹ. Với khối ASEAN, nghỉ chơi ngay với những nước theo đuôi Trung Quốc. VN tách ra, lập khối ASEAN mới, hòa nhập cùng thế chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tận dụng sức mạnh đa quốc gia nhằm đương đầu với Trung Quốc.
- Về quân sự: Nhanh chóng phát triển công nghiệp quốc phòng, sản xuất đạn pháo và tên lửa. Mua chịu của Mỹ, Nhật những loại đạn pháo và tên lửa phù hợp mà ta đang có rất ít. Nhanh chóng huấn luyện đặc công biển, huấn luyện về ngư lôi cho quân đội chính quy và ngư dân. Khi có chiến tranh, mỗi tầu cá đồng thời là tầu chiến. Mỗi chiến sỹ hải quân có kỹ năng của đặc công thủy, đặc công biển. Phát huy truyền thống “Đi không dấu, nấu không khói” để tiến hành chiến tranh du kích, chiến tranh đặc công chống Trung Quốc lâu dài, bền bỉ, trường kỳ kháng chiến! Đưa ngay bộ máy lãnh đạo Nhà nước vào Tây Nguyên hoặc miền Cực nam đất nước. Đưa ngay những nhà máy quốc phòng vào hầm sâu, bí mật. Trước hết, thanh lọc hàng trăm ngàn người Trung Quốc đang làm việc, du lịch tại Việt Nam. Ngay sau khi Trung Quốc phát động chiến tranh, cần có biện pháp vô hiệu hóa những tên gián điệp Trung Quốc hiện ở trong hàng ngũ Đảng, chính quyền và trong số hàng trăm ngàn người Trung Quốc trên toàn cõi Việt Nam.
- Về quan hệ với Mỹ. Năm 2020, Mỹ bầu cử Tổng thống. Nếu là người khác thì hẳn Việt Nam lo ngại TT Mỹ không ủng hộ VN, không đưa tầu chiến vào Biển Đông… Nhưng, TT Mỹ hiện nay là Trump, cần hết sức tranh thủ Trump. Chuyến đi Mỹ tháng tới, ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn làm việc này. Liên minh với Mỹ nhưng phải tăng cường nội lực, phải tự lực. Bài học ông Ngô Đình Diệm bị Mỹ “thay ngựa giữa đường”, bài học ông Nguyễn Văn Thiệu bị Mỹ bỏ rơi; và tất nhiên, bài học Liên Xô bỏ Việt Nam ba năm trước khi họ tan rã, vẫn còn nguyên tính thời sự!

*Nhấp chuột vô đây đọc toàn bài qua link: https://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&catid=7&id=18226&fid=0
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07-8-2019
TX.
www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét