Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Thư ngỏ của Giáo sư Tương Lai gửi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII THƯ NGỎ

Kính gửi HỘI NGHỊ lần thứ 11 BCHTƯ khoá XII
Tôi là Tương Lai, đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, vào Đảng ngày 6.1.1959 và ngày 2.9. 2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng bị Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, Đảng của Hồ Chí Minh như đã từng giữ đúng phẩm chất và nhân cách của một đảng viên trong suốt 58 năm qua, kính gửi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN lần thứ 11 những ý kiến dưới đây:
1. Hội nghị TƯ lần thứ 11 họp đúng vào lúc đất nước ta đang đối diện với những nguy cơ lớn do bọn xâm lược Trung Quốc với những toan tính nham hiểm của Tập Cận Bình gây ra. Sự kiện “Bãi Tư Chính” đã phơi bày rõ toan tính nguy hiểm đó: một mặt nhằm mục tiêu lợi dụng tình hình quốc tế đang có nhiều biến động rối ren hiện nay để đẩy tiếp chiến lược độc chiếm Biển Đông, mặt khác muốn lợi dụng thế mạnh áp đảo tại chỗ nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác trong lúc Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong đối nối nội và đối ngoại mà giai đoạn đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với những hệ lụy kinh tế và chính trị đối với nội trị Trung Quốc, lò thuốc súng ở Hồng Kông và tác động mạnh đến Đài Loan đang quyết tâm thoát khỏi mưu toan của giải pháp “một quốc gia hai chế độ” của Bắc Kinh.
Không chỉ thế, tờ International Business Times của Mỹ ngày 5.10.2019 đã chỉ rõ hai yếu tố giải thích hành động lần này của Trung Quốc. Thứ nhất là Bắc Kinh muốn tranh giành nguồn dầu khí tại Biển Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này. Thứ hai, là Bắc Kinh không bao giờ tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng như Việt Nam, thậm chí đã bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc... Việc điều giàn khoan Hải Dương 982 đến Biển Đông cũng nhằm gửi một thông điệp đến Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang củng cố sự kiểm soát của họ trên các vùng biển tranh chấp, xem đây là “mặt trận thứ hai” trong cuộc đối đầu với Mỹ. Lựa chọn mục tiêu bãi Tư Chính lúc này, Trung Quốc coi đây là hướng duy nhất có thể giành thế chủ động trong đối kháng Mỹ - Trung hiện nay. Nhưng lại cần phải thấy cho rõ, đó là sự lựa chọn trên thế yếu của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, cho dù là sự lựa chọn trên thế yếu về tổng thể, Bắc Kinh lại biết khai thác cái thế mạnh của chúng trước một thể chế độ toàn trị phản dân chủ của Việt Nam đang phải dồn sức vào cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa những nhóm lợi ích, khiến lòng dân ly tán, bộ máy quản lý đất nước rệu rã vì bị chi phối bởi kiểu tư duy nhiệm kỳ tranh thủ “ngoạm một miếng rồi chuồn” mà Lê Nin đã từng chỉ ra từ năm 1918. Kẻ thù đã hiểu được rằng, khi mà bằng cái chiêu bài “ý thức hệ XHCN” với phương châm mười sáu chữ bịp bợm “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”, chúng đã thao túng được một bộ phận cầm quyền chóp bu khao khát quyền lực bằng những thủ đoạn cực kỳ thâm độc và quen thuộc như xưa kia cha ông chúng đã làm. Chúng nghĩ Việt Nam đang là một miếng mồi ngon dễ nuốt.
2. Phải đau đớn mà nói rằng, lũ hậu duệ của những Minh Thành Tổ với cái “gen di truyền bành trướng Đại Hán” của Đặng, Giang, Hồ, Tập đã thực hiện thành công mưu ma chước quỷ xưa kia bằng cách “hiện đại hoá” những thủ đoạn nham hiểm của cha ông chúng. Gần ba thập kỷ qua, tính từ cái bẫy “Hội nghị Thành Đô” nhục nhã, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Đại hội X, qua XI, XII đến nay, chưa lúc nào mà sự thao túng và áp đặt của Bắc Kinh lại trắng trợn và nham hiểm đã được phơi bày trên mọi lĩnh vực rõ đến thế!
Bàn tay lông lá của Cục tình báo Hoa Nam đã thò sâu vào từng ngóc ngách quyền lực từ cơ sở cho đến trung ương, đến cấp cao nhất. Một tướng công an, từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân chỉ rõ: “Họ tìm cách làm suy yếu nước ta từ bên trong, cài cắm, móc ngoặc, lôi kéo. Hồi xưa chỉ một vài người đã chết, bây giờ con số đã hàng trăm mà không dừng lại, trăm này cộng với trăm kia...”.[1]  
Vạch trần bộ mặt ghê tởm của bọn bành trướng Đại Hán, trong cuộc Hội thảo khoa học Vùng Biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế ở Hà Nội ngày 6.10. 2019 vừa rồi, một tướng công an khác đã gợi lên hình ảnh “từng lỗ chân lông của Đặng Tiểu Bình thấm máu người Việt Nam” [2]. Phải chăng đó là lời cảnh tỉnh cho những kẻ ngoan cố quyết bám chặt vào sự bảo kê của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” nhằm giữ bằng được cái ghế quyền lực cho riêng mình và phe nhóm. 
Cũng tại cuộc “Hội thảo” này, một nhà văn cảnh báo “Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ mất nước, mà cái tội này là tội ác không thể tha thứ. Lịch sử không thể tha thứ cho bọn bán nước...”[3]. Ấy vậy mà, “mất bãi Tư Chính là mất hết tất cả các đảo còn lại” như nhận định của tướng Lê Mã Lương trong cuộc Hội thảo nói trên. Ấy vậy mà, nếu để “mất bãi Tư Chính là có thể dẫn đến mất Trường Sa và mất biển đảo sẽ dẫn đến mất nước” như đài BBC ngày 6.10.2019 dẫn lời TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp Luật và Phát triển. 
Chắc là các vị Uỷ viên Trung ương dự Hội nghị đều biết được Hội nghị họp trong một bối cảnh vận nước đang chao đảo với lớp lớp sóng triều Biển Đông. Nơi ấy, các chiến sĩ hải quân của chúng ta đang can trường đối phó với các chiến hạm hung dữ của kẻ thù, kỹ sư và công nhân ta trên các “nhà giàn” với các giàn khoan đang ngày đêm hoạt động, ngư dân ta bồng bềnh trên những con thuyền bám biển trước họng súng của bọn cướp biển cắm cờ Trung Quốc. 
Lòng dân đang sục sôi trước thế nước trực diện với nạn xâm lăng! Liệu Hội nghị Trung ương của các vị kỳ này có chút vang bóng nào của “Hội nghị Diên Hồng” trong dư âm lời cảnh báo của Trần Hưng Đạo: “Trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng mà phải hầu quân giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến nguỵ sứ mà không biết căm”.... “giặc Nguyên là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đế việc diệt thù, lại không biết dạy dỗ quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc... khiến phải chịu tiếng xấu muôn đời, còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa”. Tôi tin chắc rằng đang có nhiều Uỷ viên Trung ương, kể cả một vài người trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư vẫn lưu chảy trong huyết quản của mình tâm huyết và khí phách của Trần Hưng Đạo, của truyền thống yêu nước và ý chí quật cường của ông cha ta, không chấp nhận đường lối quy phục, không cam chịu thân phận chư hầu của “thiên triều” để giữ cái ghế quyền lực đang bị dân xa lánh, phỉ nhổ. Họ đang âm thầm nhẫn nại đợi thời cơ để không hổ thẹn với dân, với nước, với con em mình và với chính mình. 
Trong tuyên bố từ bỏ đảng của Nguyễn Phú Trọng thao túng, tôi cũng đã từng viết ra điều ấy: “...Sự phân hoá trong nội bộ các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, các nhân tố cấp tiến chống lại sự bảo thủ giáo điều nhằm bám chặt cái ghế quyền lực được bảo kê bởi Bắc Kinh là một thực tế. Đó là một tất yếu của mọi thực thể sống luôn diễn ra “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” mà Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc... Tôi hiểu rõ tôi không đơn độc. Trong Đảng còn nhiều đảng viên vẫn còn giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh, họ đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu bằng những cách riêng của mỗi người. Khát vọng xây dựng lại đất nước của lớp người đã ngoài 80, lớp người lót đường như tôi, “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ và đang lớn lên... Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm, và họ sẽ biết cần phải làm như thế nào”. Đây cũng là những điều tôi đã viết trong Tiểu luận “Chân lý là cụ thể” tháng 8.2005, vừa in thành sách năm 2019 đã nhờ một vị thiếu tướng Công An trong dịp đến “thân tình thăm hỏi” gần đây, nhờ chuyển cho ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên Giáo, và cũng bằng nhiều người quen khác nhờ gửi đến một vài vị trong Bộ Chính trị. 
3. Vậy thì, để chuẩn bị cho sự xuất hiện ấy, giờ đây, phải dứt khoát loại bỏ những kẻ quyết đẩy đất nước vào con đường lệ thuộc vào Bắc Kinh, đang ngoan cố duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ nhằm vớt vát chút quyền uy đã mục ruỗng nhờ vào sự hà hơi tiếp sức của kẻ thù mang mặt nạ “cùng chung ý thức hệ XHCN”. Không thể trông chờ gì một chuyển đổi theo hướng dân chủ hoá, tiền đề của việc tạo ra sức mạnh nội sinh để đủ lực chống chọi lại với quân xâm lược đang lăm le thực hiện tham vọng trắng trợn của chúng. Đó cũng là điều Bắc Kinh lo sợ và ra sức ngăn chặn nên chúng sẵn sàng loại bỏ những kẻ mà chúng đã dựng lên để tiện bề thực hiện tham vọng bành trướng của chúng. Bởi vây, những kẻ đã bị Tập Cận Bình khống chế không bao giờ dám trái lệnh người nắm vận mệnh của mình. Chuyện thay ngựa giữa dòng đang là cơn ác mộng của những người trót đã bán mình cho quỷ dữ. Đã đến lúc mà những người mang danh là gánh vác trọng trách với dân cần thấy thật rõ điều mà một người dân bình thường với đầu óc không quá lú lẫn cũng thấy được. Nếu dân chủ hoá là điều tối kỵ đối với mọi chế độ toàn trị phản dân chủ thì với “hoàng đế Tập Cận Bình” và những kẻ do hắn tạo dựng nên càng là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Đối với những não trạng đã đặc kín mớ giáo điều cũ kỹ nhưng lại là bùa hộ mệnh để có thể giữ được cái ngai vàng trong cuộc tranh giành quyền lực thì lại càng khủng khiếp hơn với ám ảnh ấy. Cho nên, chuyện “kiểm soát quyền lực” chỉ là trò chơi ngôn từ nhằm che dấu những toan tính tranh giành quyền lực ấy mà thôi . Khi mà “tam quyền phân lập”, một thành tựu của quá trình lịch sử dài lâu mà nhân loại có thể đạt được trong việc chế ngự và kiểm soát được phần nào sự tiếm quyền và lũng đoạn quyền được dân trao cho lại bị coi là suy thoái về tư tưởng và đạo đức như Nguyễn Phú Trọng từng công khai tuyên bố để giữ bằng được chế độ toàn trị phản dân chủ thì người kiểm soát quyền lực là ai nếu không phải là Trọng và phe nhóm của ông ta? Không chấp nhận con đường dân chủ hoá để huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức và thế hệ trẻ của thời đại công nghiệp 4.0 thì không thể giữ được độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, kế tục được truyền thống bất khuất quật cường của dân tộc Việt Nam từng đánh tan quân xâm lược Trung Quốc cho dù chúng hung bạo đến đâu, càng không thể tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế trên quá trình hội nhập với thế giới văn minh.
Sẽ là quá muộn nếu các vị Uỷ viên Trung ương đang họp Hội nghị 11 không đưa vấn đề chống Trung Quốc xâm lược thành đòi hỏi cấp bách nhất trong tình hình kẻ thù ngang ngược và trắng trợn thực hiện mưu toan thâm hiểm tại Bãi Tư Chính. Nhằm tạo dựng được một quyết sách đúng trong bối cảnh thế nước chênh vênh hiện nay, để chống xâm lược, việc lựa chọn bạn đồng minh để tiếp thêm sức mạnh phòng thủ đất nước chống lại quân xâm lược gắn liền với việc đẩy tới quá trình dân chủ hoá nhằm tạo ra động lực mới là hai mặt của một vấn đề. Sẽ không thể có bạn đồng minh đúng nghĩa nếu không có quyết tâm đẩy mạnh dân chủ hoá đất nước, gọi dậy những tiềm năng đang còn ấp ủ, khởi động những sức mạnh đang còn nung nấu không phân biệt chính kiến, tín ngưỡng, ý thức hệ để hướng về mục tiêu giữ nước và xây dựng đất nước bao đời ông cha để lại.
Tôi tin chắc rằng và cũng hy vọng rằng niềm tin ấy không là ảo tưởng, các vị Uỷ viên Trung ương sẽ biết cách hành động phù hợp với lương tri, lương năng của một người Việt Nam yêu nước, thương nòi, không nấn ná đợi chờ khi thời gian đang trôi đi rất nhanh để không phải hổ thẹn với con em mình khi đối diện với ánh mắt trông chờ của chúng. Kính chúc sức khoẻ quý vị, chúc Hội nghị có những bước đột phá mà dân mong đợi.
-----------------------------------------------
1. Trương Giang Long.Wikipedia Tiếng Việt . 2. “Tiếng Dân” ngày 6.10.2019 dẫn lời TS Nguyễn Xuân Diện : “Thiếu tướng Lê Văn Cương trình bày tham luận tại hội thảo, mở đầu tham luận, tướng Cương lên án Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông. Ông Cương nói: “Từng lỗ chân lông của Đặng Tiểu Bình thấm máu người Việt Nam“. 3. Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu tại Hội thảo. 
Ngày 7.10.2019

                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét