(Chu Mộng Long)
Một
số người có chút trình độ Hán học cho đến nay vẫn nuối tiếc chữ Hán hay chữ
Nôm. Rằng chữ Hán hay chữ Nôm là loại chữ tượng hình, vừa trực quan vừa thâm
sâu. Đó là cái lý luận kiểu Nguyễn Đắc Xuân ở phần hậu thư phản đối đặt tên
đường mang danh Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina:
“Từ
chữ Hán, chúng ta đã sáng tạo ra chữ Nôm. Trong vốn ngôn ngữ vốn có của ta mang
đậm hồn dân tộc Việt: “Thị tại môn huyền náo/Nguyệt lai môn hạ nhàn”. Còn chữ
quốc ngữ chỉ ghi lại âm của từ ngữ đó chứ không mang nghĩa lóng như chữ Hán –
Nôm trước đây. Chữ quốc ngữ có thể nói làm mất cả hồn dân tộc, việc dịch truyện
Kiều ra chữ quốc ngữ đã làm mất đi một phần, nếu không nói mất đi rất nhiều giá
trị của tác tác phẩm này. Mặt khác, chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển
văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ
để thực dân Pháp xâm lăng nước ta. Chúng ta cần phải hiểu, không nên có suy
nghĩ “nhờ vào chữ quốc ngữ (Latinh hoá) mà tiến bộ, văn minh”. Nhật Bản, Hàn
Quốc, Trung Quốc,… không sử dụng chữ La tinh hóa, vẫn giữ ngôn ngữ từ trước đến
nay, nhưng họ vẫn văn minh vẫn tiến bộ vượt bậc, chứ đâu phải chữ quốc ngữ La
tinh hóa làm cho dân tộc văn minh hơn. Lào, Căm-pu-chia, Miến Điện, Thái Lan
cũng thế.”
Trong
đoạn trích trên, có ít nhất 3 cái sai mà thường kẻ ít học muốn nói cứ nói và
người nghe cứ nghe chứ không biết sai chỗ nào:
Một
là, câu “Thị tại môn huyền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn” gốc Nguyễn Công Trứ
giải nghĩa lối chiết tự. Đúng ra là Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn
(在 門 前 鬧, 月 來 門 下 閒).Ông Xuân yêu chữ Hán nhưng đọc chữ Tác tạc ra chữ Tộ mới khổ.
Tiền chứ Huyền thì có nghĩa gì? Giảng cho ông nghe nè. Nếu đặt chữ Thị 巿 (chợ) vào trong chữ Môn 門 sẽ thành chữ Náo 鬧, tức ồn ào. Nếu lấy chữ Nguyệt
月 (trăng), đặt dưới chữ
Môn 門 thành ra chữ Nhàn 閒, tức nhàn hạ, an nhiên. Đó là
tư duy rặt Hán, sao lại gọi là “mang đậm hồn dân tộc Việt”, trừ phi người Việt
tự nhận mình gốc Hán?
Hai
là, chữ quốc ngữ là loại chữ chỉ mượn ký tự Latin ghi âm tiếng nói của dân tộc
Việt, tức tiếng ta được lưu giữ đúng hồn cốt của nó, sao lại nói “làm mất cả
hồn dân tộc”? Truyện Kiều cụ Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm, dù là loại chữ cải
biến từ ký tự Hán nhưng vẫn là ghi âm tiếng Việt, cho nên, việc thay chữ Nôm
thành ký tự Latin, âm và nghĩa vẫn không thay đổi, sao lại bảo là “dịch truyện
Kiều ra chữ quốc ngữ”? Ông Xuân hiểu dùng ký tự Latin thay cho chữ Nôm là dịch
ra một thứ tiếng khác? Hóa ra ông chẳng hiểu biết về chữ Nôm lẫn chữ Latin mà
chỉ hóng hớt rồi nói càn. Đến nước này mà người ta gọi ông là nhà sử học thì sử
ta không thành thứ phản văn hóa mới là chuyện lạ.
Ba
là, ông nói cho sinh viên rằng, “Chúng ta cần phải hiểu, không nên có suy nghĩ
“nhờ vào chữ quốc ngữ (Latinh hoá) mà tiến bộ, văn minh”. Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc,… không sử dụng chữ La tinh hóa, vẫn giữ ngôn ngữ từ trước đến nay,
nhưng họ vẫn văn minh vẫn tiến bộ vượt bậc, chứ đâu phải chữ quốc ngữ La tinh
hóa làm cho dân tộc văn minh hơn. Lào, Căm-pu-chia, Miến Điện, Thái Lan cũng
thế”. Nói như vậy là chứng tỏ ông không có hiểu biết tối thiểu về ngôn ngữ của
các dân tộc, kể cả tiếng mẹ đẻ của ông. Chữ viết các dân tộc mà ông nói đó
không hề giống tí nào với chữ Hán hay Nôm của người Việt, ông nhé. Nhật Bản,
Hàn Quốc, Trung Quốc dùng chung ký tự tượng hình để ghi ngôn ngữ của chính dân
tộc họ hay bỏ hẳn ngôn ngữ của dân tộc mình, dùng rặt Hán, như người Việt đã
dùng gần như toàn bộ trong các thư tịch cổ? Ngay cả khi đã chế biến ra chữ Nôm
suốt nhiều thế kỷ, từ thế kỷ 10 đến 19, nhưng vì sao chữ Nôm vẫn không được phổ
biến? Có phải do bị kỳ thị “nôm na là cha mách qué”, tức tầng lớp Nho học đã tự
khinh bỉ tiếng mẹ đẻ của mình?
Cũng
như thế, người Lào, Cambot, Miến Điện, Thái Lan dùng hệ ký tự Khmer để ghi
tiếng nói của dân tộc họ hay lệ thuộc hoàn toàn vào tiếng nói dân tộc khác như
người Việt? Họ có tự khinh bỉ tiếng mẹ đẻ của họ như giới Nho học người Việt
không?
Nếu
là nhà thơ như Vũ Đình Liên, Tú Xương nuối tiếc vốn cổ thì còn cảm thông được,
chứ nhà khoa học, nhà sử học mà tư duy như nhà thơ thì phải gọi là lú lẫn hết
cỡ.
Tóm
lại, có hai lý do chữ Nôm dù hình thành qua nhiều thế kỷ, từ Hàn Thuyên đời
Trần cho đến thế kỷ 19, đã là chữ ghi tiếng Việt ta, nhưng rất ít phổ biến. Một
là muốn biết chữ Nôm phải biết chữ Hán đã. Hai là bệnh sùng Hán của giới trí
thức Nho học, coi thường tiếng mẹ đẻ của mình với châm ngôn “Nôm na là cha mách
qué”. Chữ Nôm vì thế ra đời công phu và lại nhanh chóng thành tử ngữ!
Chữ
quốc ngữ là một lựa chọn đúng đắn, thông minh của trào lưu trí thức mới với tư
tưởng lật đổ nền Hán học, phục sinh tiếng nói dân tộc và tiến nhanh đến Âu hóa
văn minh để thoát khỏi tình trạng nô dịch Hán suốt cả mấy ngàn năm. Người Trung
Quốc, người Hàn, người Nhật không cần thay đổi chữ viết vẫn văn minh, vì chữ
viết của họ xưa nay vẫn là của ngôn ngữ của họ mà không phụ thuộc ai. Và để văn
minh thật sự, họ không nệ cổ mà đã cải biến hoàn toàn chữ phồn thể thành giản
thể. Cái trò chiết tự ghép tự gì đó, tức nghĩa trực quan của hình vì thế cũng
biến mất. Chữ là ký hiệu giao tiếp, càng giản tiện và càng vươn đến trừu tượng
thì càng biểu đạt sâu sắc tư tưởng chứ không phải cứ mãi nhìn hình đoán nghĩa
một cách trực quan trẻ trâu, ông Xuân và các ông sùng cổ ạ.
Bây
giờ thì hãy hình dung nếu Việt Nam vẫn giữ truyền thống dùng chữ Hán hay Nôm
thì sao?
Một
là, trong quá khứ, nhờ chữ Hán chỉ giới hạn trong giới khoa cử Nho học chứ nếu
rộng ra thành chữ viết cho toàn dân, thì tôi tin chắc suốt cả ngàn năm Bắc
thuộc ấy, tiếng Việt đã bị Hán hóa 100% chứ không chỉ 70% như hiện nay. Không
chỉ bị Hán hóa ở từ ngữ và trên mặt chữ viết mà còn bị Hán hóa luôn cả tiếng
nói. Nhiều dân tộc trên đất Trung Quốc đã bị như vậy. Chữ viết đóng vai trò tác
động ngược lại âm thanh, gọi là chuẩn hóa, thực chất là khống chế tiếng nói
thành một âm thanh chung. Không chừng đến lúc người Việt đọc theo âm người Hán
cho sang? May mà hơn 90% người Việt bị mù chữ, và vì nhờ mù chữ đông như vậy mà
tiếng Việt vẫn còn. Tiếng Việt còn nước ta còn.
Hai
là, không có chuyện như thầy Nguyễn Huệ Chi nói (trên trang thầy Hoàng Dũng),
rằng không cần biết chữ Hán vẫn đọc được chữ Nôm. Thầy bảo từng đưa bản Kiều
Nôm cho dân Tiên Điền đọc, dù họ không biết gì về chữ Hán vẫn đọc vanh vách.
Chuyện của thầy làm tôi nhớ thằng bé nhà tôi từng làm ông hàng xóm kinh ngạc,
tưởng là thần đồng, vì mới 3 tuổi, chưa biết chữ gì mà nó vẫn lật từng trang
truyện tranh và đọc vanh vách. Chỉ vì nó đã thuộc lòng sau nhiều lần tôi lật
truyện ra và đọc cho nó nghe trước giờ đi ngủ. Nôm ắt phải phụ thuộc Hán chứ
không có chuyện độc lập. Mà đã là Nôm, tức chỉ mượn cái vỏ Hán để ghi âm Việt
thì làm gì có chuyện giữ được cái “thâm sâu” của Hán (chứ không phải Việt nhé).
Cách lắp ghép, chế biến từ biểu hình đến biểu âm, ắt tính tượng hình biến mất.
Hơn nữa, việc chế biến chữ Nôm sẽ không bao giờ hoàn chỉnh được, vì khó dung
hòa hai thứ tréo ngoe: đem cái tượng hình để ký âm! Bằng chứng là một chữ Nôm
có nhiều cách đọc rất khác nhau. Không phải cùng một bản Kiều Nôm nhưng lại
được chuyển sang ký tự Latin với những âm khác nhau và gây tranh cãi sao?
Ba
là, chữ viết là ký hiệu thị giác, nếu chỉ để ghi lại cái được trực quan thì rất
vô nghĩa, bởi nó không thể thay thế cho hiện thực. Nó luôn có xu hướng giản
tiện hóa và trừu tượng hóa để biểu nghĩa ngày càng phức tạp. Chữ tượng hình có
ưu thế quy về trực quan nhưng rất hạn chế biểu đạt sự trừu tượng, trừ phi nó
phải được cải biến đến mức xóa bỏ hẳn sự trực quan ở hình ảnh ban đầu. Trực
quan chỉ là trình độ trẻ con, có gì phải tán dương? Việc thầy Huệ Chi nói
Derrida ca ngợi chữ Hán là không đúng. Derrida chỉ dùng chữ tượng hình để phản
biện siêu hình học về sự hiện diện, từ Aristotle đến Saussure.
1)
Chữ viết không là ký sinh của âm thanh mà tồn tại độc lập so với âm thanh. Chữ
tượng hình là bằng chứng.
2)
Không thể nói âm thanh gần với tự nhiên hơn mà chính chữ viết, cụ thể là chữ
tượng hình, gần với tự nhiên hơn.
3)
Cho nên, nói tính võ đoán của ngôn ngữ chỉ đúng cho tiếng nói hoặc chữ viết ghi
âm, không đúng cho chữ tượng hình. Cuối cùng Derrida cũng chỉ rõ, ngôn ngữ dù
muốn hay không cũng là cái ảo, tức huyền thoại. Trò chơi ảo này luôn có xu
hướng vươn đến tự do và khác biệt (differance), tức thoát ly khỏi hiện thực
trực quan hay cái được biểu đạt tiên nghiệm ban đầu. Do đó chữ ghi âm sẽ chiếm
ưu thế, vì nó thoát khỏi trực quan để vươn đến trừu tượng cao nhất!
Kết
luận, dùng ký tự Latin cho chữ viết tiếng Việt là lựa chọn khôn ngoan để đi đến
tiến bộ văn minh nhanh nhất mà những nhà cách mạng tiên phong đã làm, khỏi phải
bàn cãi nữa. Nhờ ký tự Latin mà chữ quốc ngữ mới ghi lại trung thực tiếng mẹ
đẻ, thoát Hán Nho để phục sinh tinh thần Việt, và từ cái chữ viết mới này, toàn
dân thoát nạn mù chữ nhanh nhất và tiếp cận với văn minh hiện đại phương Tây
nhanh nhất. Không có chữ Latin, không có văn chương nghệ thuật và khoa học hiện
đại đầu thế kỷ 20 đến nay. Tóm lại một câu, chữ quốc ngữ đã giải ngu cho người
Việt. Chỉ có kẻ ngu mới phủ nhận thứ chữ viết mà mình đang dùng một cách hiệu
quả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét