Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

LUẬT TRỜI VÀ LUẬT NGƯỜI

LUẬT TRỜI VÀ LUẬT NGƯỜI

Thái Bá Tân

 

Phật dạy: Nếu không có

Duyên nợ gì với nhau,

Thì làm sao con cái

Và vợ chồng gặp nhau?

Gặp nhau có nguyên cớ.

Chia tay có nhân duyên.

Kiếp này sướng hay khổ

Phụ thuộc vào kiếp tiền.

Đó không phải mê tín,

Mà nhân quả, luân hồi.

Là nghiệp mà sớm muộn

Cũng phải trả mà thôi.

Có thể vợ chồng bạn

Và con cái kiếp này

Là người thân, bè bạn

Của nhiều kiếp trước đây.

Họ đến để đòi nợ

Báo oán hoặc đền ân.

Theo đúng luật Nhân Quả

Và vòng Chuyển Pháp Luân.

Kiếp này ta sống thiện

Hay sống ác với nhau,

Nhất định sẽ dẫn đến

Duyên nghiệp ở kiếp sau.

Không ai tránh được nó,

Vì đó là Luật Trời.

Ta, con người, muốn tốt,

Phải sống theo Luật Người.

____________

DUYÊN NGHIỆP CHA MẸ VÀ CON CÁI

Theo quan niệm nhà Phật,

Có nghiệp quả, nhân duyên

Giữa con cái, bố mẹ,

Kiếp hậu và kiếp tiền.

Cơ bản có bốn dạng.

Một - con cái sinh ra

Là để mang phúc lộc

Đền đáp cho mẹ cha.

Hai là để đòi nợ.

Ba - trả nợ kiếp xưa.

Bốn là để báo oán,

Không thiếu cũng không thừa.

Cha mẹ và con cái,

Nếu không có nhân duyên

Thì đã không gặp gỡ,

Không hạnh phúc, buồn phiền.

Đức Phật đã dạy thế

Cả hàng nghìn năm nay.

Trong Kinh Phật có chép

Một câu chuyện thế này.

*

Ngày xưa ở làng nọ

Có một cặp vợ chồng.

Không giàu nhưng đủ sống,

Suốt đời làm nghề nông.

Sau nhiều năm cầu tự,

Họ sinh được người con.

Con gái, hay đau ốm,

Gầy yếu và héo hon.

Cô con đau ốm ấy

Là gánh nặng trong nhà.

Cả tinh thần, vật chất,

Đè lên vai mẹ cha.

Để có tiền chữa bệnh,

Họ nhịn mặc, nhịn ăn.

Phải làm việc vất vả,

Đồ đạc phải bán dần.

Đến năm mười tám tuổi,

Cô gái bảo người cha:

“Con muốn ăn thịt ngựa.

Con ngựa của nhà ta.”

Ông bố nghe, chết lặng:

Con ngựa ấy của ông

Là tài sản duy nhất

Phải giữ để làm đồng.

Nhưng nhìn con thoi thóp,

Cái chết đang đến gần.

Ông đành gạt nước mắt

Giết ngựa cho con ăn.

Ăn xong, cô gái chết,

Một cái chết an bình.

Để lại sự nghèo đói

Cho cha mẹ của mình.

Ông bố tìm gặp Phật,

Hỏi duyên cớ vì sao.

Vì sao có con gái,

Không được vui ngày nào?

Phật đáp: “Vào kiếp trước

Cô con gái của ông

Là tiểu thư giàu có,

Con cái hàng vương công.

Lúc nàng mười tám tuổi,

Một hôm theo mẹ cha

Cùng gia nhân, đầy tớ

Thăm thú một nơi xa.

Giữa đường gặp toán cướp

Xông ra cướp bạc vàng.

Tên thủ lĩnh vung kiếm

Giết chết cha mẹ nàng.

Bị tên cướp hãm hiếp.

May chưa bị chặt đầu,

Nàng leo lên đỉnh núi,

Gieo mình xuống vực sâu.

Trước khi chết nàng nguyện

Trả thù cho mẹ cha,

Giết chết tên tướng cướp

Ở một kiếp không xa.

Về sau, tên tướng cướp,

Vì tội lỗi của mình,

Chết hóa kiếp thành ngựa,

Sống như loài súc sinh.

Nó chính là con ngựa

Ông nuôi bấy lâu nay.

Còn nàng tiểu thư nọ

Thành con ông sau này.

Nàng đến để báo oán,

Trả thù cho mẹ cha.

Vì trong vụ cướp ấy

Ông là người tham gia.

May sau nhờ hối cải,

Làm việc tốt giúp đời,

Nên khi chết lần nữa

Được tái sinh làm người.”

Nghe Đức Phật dạy thế,

Người nông dân về nhà,

Cam chịu cảnh nghèo đói,

Không một lời kêu ca.

________________

DUYÊN VÀ NỢ

Một đôi vợ chồng nọ

Nhiều năm sống với nhau,

Sướng vui cùng chia sẻ,

Rất ý hợp tâm đầu.

Thế mà rồi bà vợ

Bỗng bỏ nhà ra đi,

Lấy người đàn ông khác,

Mà không chịu nói gì.

Người chồng quá đau khổ,

Đến gặp Phật Thích Ca,

Xin Ngài lời giải thích

Và bày cách giữ bà.

Nghe kể xong, Đức Phật

Lấy ra một chiếc gương

Có hình một cô gái

Chết lõa thể bên đường.

Người đi qua, đi lại,

Không một ai nhìn cô.

Một cô gái bất hạnh,

Chết còn phải lõa lồ.

Mãi buổi chiều hôm ấy

Mới có một chàng trai

Đắp cho cô chiếc áo,

Rồi đi, lén thở dài.

Nhưng một chàng trai khác,

Giữa nhá nhem hoàng hôn,

Đến, xót thương, bật khóc,

Rồi đem cô đi chôn…

Phật nói: “Con kiếp trước

Là chàng trai đầu tiên.

Vì thở dài, đắp áo,

Nên con chỉ được DUYÊN.

Còn chàng trai đã khóc,

Chồng vợ con ngày nay,

Đang được cô trả NỢ

Khi đầu thai kiếp này.

Đời người là nháy mắt

Trong dòng chảy luân hồi.

Sống, yêu nhau là NỢ.

DUYÊN chỉ gặp mà thôi.

Có người, chồng hoặc vợ,

Đang vui cửa yên nhà,

Thế mà yêu người khác,

Phải mang tiếng trăng hoa.

Không, đó là DUYÊN, NỢ.

DUYÊN, gặp nhau, và khi

Có NỢ, trả xong NỢ,

Người ta lại ra đi.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét