Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Bên Thắng Cuộc II. Quyền Bính ( 3 )



Bên Thắng Cuộc
II. Quyền Bính ( 3 )
Huy Đức
( Tiếp theo  )
Chương XIX: Đại hội VIII
Giữa thập niên 1990, đổi mới có khuynh hướng chững lại. Đây là giai đoạn trong Đảng vẫn có những người được coi là “bảo thủ”, có những người được coi là “đổi mới”. Các nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng thị trường rất có thể bị các nhà lý luận quy là “chệch hướng”; các nỗ lực dân chủ hóa cũng có thể bị quy là “diễn biến hòa bình”. Trong tình hình đó, thay vì có những tháo gỡ về mặt lý luận để tránh tụt hậu và tiếp tục cải cách, Đại hội VIII, diễn ra đầy kịch tính vào cuối tháng 6-1996, chủ yếu để những nhà lãnh đạo tuổi cao sắp xếp các vị trí cầm quyền trong Đảng.
Khúc dạo đầu

Nhân sự Đại hội VIII được chuẩn bị trong tình huống Tổng Bí thư Đỗ Mười đã bước vào tuổi tám mươi, người trẻ nhất trong “tam nhân” - ông Võ Văn Kiệt - cũng sắp bước sang tuổi bảy mươi tư, còn ông Lê Đức Anh vừa tròn bảy mươi sáu.
Trưởng Ban Bảo vệ Trung ương Đảng khóa VII, ông Nguyễn Đình Hương, nói: “Xu thế chung là muốn có sự thay đổi để đưa một thế hệ lãnh đạo hoàn toàn mới lên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đất nước ở giai đoạn cực kỳ quan trọng mà thay cùng lúc ba ‘cụ’ chủ trì thì rất mệt”. Để thăm dò mức độ hậu thuẫn cho cả ba tại vị, Tổng Bí thư Đỗ Mười bắt đầu bằng việc lấy ý kiến từ các vị “lão thành”446.
Trong vòng đầu tiên, ý kiến từ cả miền Bắc và miền Nam đều có vẻ như ủng hộ ông Võ Văn Kiệt. Từ Hà Nội, thư ngày 7-8-1995 của ông Trần Văn Hiển viết: “Nếu đồng chí Đỗ Mười xin rút vì đã ở tuổi tám mươi thì nên giữ lại anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) thay anh Mười làm tổng bí thư”. Theo ông Hiển, ông Kiệt năm ấy “tuy đã ở tuổi bảy ba, nhưng vẫn khỏe mạnh và đầu óc còn minh mẫn”. Từ Sài Gòn, cựu phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Vũ Đình Liệu làm hẳn một “tờ trình” đề ngày 7-8-95, cho rằng: “Nên giao chức vụ Tổng Bí thư cho đồng chí Võ Văn Kiệt; vì một lý do nào đó - chúng tôi không thể hiểu được - thì anh Đỗ Mười nên và cần làm thêm nửa nhiệm kỳ”.
Không rõ bằng cách nào, nhân vật mới vào Bộ Chính trị chỉ hơn một năm, ông Nguyễn Hà Phan, lại lọt vào mắt của một số cán bộ lão thành. Theo thư của ông Trần Văn Hiển, cho dù ông Đỗ Mười tiếp tục làm tổng bí thư hay trao lại cho ông Võ Văn Kiệt thì ông Nguyễn Hà Phan cũng cần được đặt vào vị trí của người kế vị. Chức vụ mà ông Hiển đề nghị cho ông Nguyễn Hà Phan là “bí thư trực thứ nhất của Ban Bí thư”.
Ở miền Nam, cả Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Phước Thọ và Cố vấn Nguyễn Văn Linh đều tích cực vận động cho Nguyễn Hà Phan đồng thời có những hoạt động làm giảm uy tín của hai ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Theo đặc phái viên Chính phủ, ông Đặng Văn Thượng447: Cố vấn Nguyễn Văn Linh đã gặp khoảng ba mươi cán bộ, gồm ủy viên Trung ương Cục miền Nam, ủy viên Trung ương nghỉ hưu và các ủy viên thường vụ tỉnh ủy thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ để phổ biến về chuyện, kỳ đại hội này cả ông Phan Văn Khải và ông Võ Văn Kiệt đều “không còn tham gia chính phủ”.
Ông Phan Văn Khải được nói là sẽ về “công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh thay ông Võ Trần Chí” vì “có vấn đề thuộc quan điểm lập trường giai cấp của gia đình trước đây”; vì “thả lỏng cho con trai lộng hành, dám cả gan xây dựng khách sạn cho đĩ hoạt động ở thủ đô Hà Nội”. Theo thư của ông Thượng, các cán bộ ở địa phương đã rất băn khoăn khi ông cố vấn và ông ủy viên Bộ Chính trị nói rằng ông Võ Văn Kiệt cũng “kiên quyết kêu nghỉ và đã được một số ủy viên Bộ Chính trị tán thành. Anh ấy rất tốt chỉ tội là vợ con”. Đây không phải là lần đầu tiên Cố vấn Nguyễn Văn Linh nói về chuyện vợ con của ông Võ Văn Kiệt.
Tại Hội nghị Cán bộ Tổ chức toàn quốc, họp tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8-1992, Cố vấn Nguyễn Văn Linh công khai phát biểu: “Tham nhũng đâu cần chống ở đâu, cứ chống ngay trong nhà Thủ tướng”. Phát biểu của ông Linh không chỉ râm ran trong nội bộ. Tối 8-11-1992, Đài Chân trời mới, trong một chương trình phát thanh của mình, nói: “Về vấn đề tham ô cửa quyền, ông Võ Văn Kiệt tuyên bố người nào tham ô thì phải bị cách chức. Nhưng khi một nhà báo hỏi ông về tin ông Nguyễn Văn Linh tố cáo ông tham nhũng, ông Kiệt đã không trả lời câu hỏi này448. Ông Kiệt cũng cho rằng việc diệt trừ tham nhũng cần phải có thời gian. Và ông chấm dứt trả lời câu hỏi của các nhà báo khi mọi người xoay quanh việc ông Linh tố cáo vợ ông Kiệt tham nhũng”.
Chương trình phát thanh đêm 19-10-1992 của Đài BBC nói thêm: “Mục T in tình báo của tạp chí Kinh tế Viễn Đông số ra tuần này, đề ngày 22-10, nhận xét về địa vị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Báo này cho rằng thủ tướng Việt Nam đang bị áp lực ngày càng nặng từ phía Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài diễn văn nhận chức, ông đã nhắc đến ‘các thử thách mà nội các của ông phải đương đầu’ tới tám lần. Các nhà quan sát nói điều này chứng tỏ đang có thêm những lời chỉ trích về khả năng hoạt động của ông. Trong cuộc họp với các viên chức Thành phố Hồ Chí Minh gần đây, ông Nguyễn Văn Linh công khai phàn nàn rằng hai vợ chồng ông Kiệt đang tham nhũng. Mặt khác, ông Kiệt không được ủy nhiệm vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mà chỉ có ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh và ông Đào Duy Tùng. Như vậy ông Kiệt không được tham dự vào các quyết định quan trọng nhất449”.
Tối 21-10-1992, Đài RFI đưa thêm: “Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đang phải đối phó với áp lực đến từ phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo tạp chí Kinh tế Viễn Đông số ra ngày 22-10 (trên thực tế xuất bản sớm hơn), hiện nay ông Kiệt đang bị yếu thế… Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gần đây đã công khai phê bình ông Kiệt và phu nhân là tham nhũng. Ông Linh đã tuyên bố như trên trong buổi họp với các cấp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh”. Những tin tức trên đây càng lan tỏa rộng hơn khi nó được “Bản tin A” của Thông tấn xã Việt Nam in lại đưa vào dạng tài liệu “lưu hành nội bộ”. Ông Võ Văn Kiệt đã gửi thư phản đối tới ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Hơn ba tuần trôi qua, ông Lê Phước Thọ vẫn im lặng. Ông Kiệt biết rõ lý do ông Thọ trì hoãn việc trả lời. Ngày 16-11- 1992, ông Kiệt gửi lá thư thứ hai, lần này ngoài Trưởng Ban Tổ chức, ông Kiệt còn chuyển thư đến các nhân vật trong Thường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Thư được viết tay trên mẫu thư của khách sạn Shangri-La, Singapore, với lời lẽ khá gay gắt, phê phán Ban Tổ chức chậm trả lời thư trước của ông. Ông Kiệt viết: “Nếu vấn đề không được làm sáng tỏ thì nguyên tắc kỷ cương trong Đảng đã bị buông lỏng từ trên. Tôi là Ủy viên Bộ Chính trị, nếu đúng như anh Linh nói trước hội nghị tổ chức toàn quốc thì tôi không những không xứng đáng là một ủy viên trong Bộ Chính trị nữa mà còn không xứng đáng là một người đảng viên”450.
Khi tháp tùng chồng trong các chuyến công du, bà Phan Lương Cầm có góp phần làm cho ông Võ Văn Kiệt có được một hình ảnh khác hơn so với các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia cộng sản. Nhưng ở trong chính trị nội bộ, chuyện tháp tùng chồng của bà cũng bị đánh giá và đàm tiếu. Càng ngày bà càng bị coi như một “gót chân Achilles” của ông Kiệt.
Bà Cầm có những hạn chế nhất định trong giao tiếp và trong tính cách nhưng để dẫn đến tình trạng này cũng không hoàn toàn do lỗi của bà. Phần lớn thời gian trong cuộc đời mình, kể cả sau khi kết hôn với bà Trần Kim Anh, ông Võ Văn Kiệt chủ yếu sống với thư ký, cận vệ, cần vụ. Những thư ký có gia đình riêng như ông Phạm Văn Hùng, Nguyễn Văn Huấn, trong giai đoạn sau năm 1975 cũng thường ngủ lại nhà của ông. Thầy trò thường bắt đầu làm việc từ 5 giờ 30 sáng. Lương thưởng, quà cáp đều do các bác sỹ, bảo vệ quản lý.
Những người bạn “tao, mày” với ông Kiệt như ông Bảy Phạm Quang Khai, hiệu trưởng Đại học Cần Thơ và ông Trần Bạch Đằng thì gần như coi nhà ông Kiệt cũng là nhà mình. Khi nào tiện đường là ghé qua, rồi với chai rượu, một ít khô cá sặc, gỏi xoài, họ lại ngồi với nhau nhâm nhi và đàm đạo. Trước đây, ông không bao giờ giữ cái gì là của riêng, kể cả tiền lương. Từ khi ông lấy vợ, đương nhiên bà Cầm trở thành người quản lý, kể cả quà tặng của Thủ tướng. Trong nhóm giúp việc cũng xầm xì và theo ông Phan Minh Tánh: Có lần một ủy viên Bộ Chính trị đến gặp ông, mang theo tấm hình bà Cầm đang cầm gói quà trong một chuyến công du rồi nói: “Ông xem, nó chỉ đi để lấy quà”.
Theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Nguyễn Văn Linh đi đâu cũng nói xấu ông Võ Văn Kiệt. Một lần, tôi dẫn các cán bộ trẻ trong Ban Tổ chức tới thăm, vừa vào nhà, ông Linh đã chỉ trích ông Kiệt ngay, bất kể người nghe là các cháu cán bộ còn ít tuổi”  451. Thư đề ngày 23-8-1995 của ông Đặng Văn Thượng còn nói rõ hơn: “Thật tình tôi rất buồn. Dù sai lầm đến đâu, giữa cuộc họp có cán bộ đảng viên, có cán bộ trí thức mà gọi đồng chí mình là thằng này, thằng nọ. Gọi vợ của đồng chí mình là con mẹ Giang Thanh này, Giang Thanh nọ”.
Theo ông Trần Trọng Tân, trong một lần ông Nguyễn Văn Linh ốm gần như thập tử nhất sinh, ông Tân vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm, hôm đó có cả vợ ông, bà Bảy Huệ, ông Linh nói: “Nhiều anh em không hiểu vì sao mình đi đâu cũng nói chuyện Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Trên thực tế mình lo. Nếu tới đây, Sáu Dân trở thành tổng bí thư thì gay lắm. Sáu Dân thông minh, phiếu cao, rất dễ thành tổng bí thư. Theo mình, Sáu Dân chỉ là người tổ chức thực hiện chứ không vững vàng khi cầm chịch”.
Không chỉ có ông Nguyễn Văn Linh, theo ông Phan Văn Khải: “Cái gốc của vấn đề là ông Đỗ Mười và các ông khác đều rất sợ ông Kiệt làm tổng bí thư”. Ông Khải cho rằng: “Nếu ông Kiệt làm tổng bí thư, Việt Nam sẽ đổi mới nhanh hơn. Tuy không được đào tạo hệ thống nhưng ông Kiệt luôn nhất quán ủng hộ cái mới. Ông chán đến tận cổ mô hình xã hội chủ nghĩa miền Bắc và ông làm tất cả để phá bỏ nó”. Ông Trần Trọng Tân giải thích thêm về sự “không vững vàng” của ông Võ Văn Kiệt: “Sáu Dân phát biểu nhiều cái ẩu, ví dụ như ông đề xuất dẹp quốc doanh, tư nhân hóa nền kinh tế. Có ông Trung ương đọc 'Thư gửi Bộ Chính trị' của Sáu Dân nói Sáu Dân nối giáo cho giặc”.
"Thư gửi Bộ Chính trị”
Khi Hồ Chí Minh còn sống, ông yêu cầu: “Chú Ba, chú Thận, chú Tô phải thống nhất ý kiến với nhau trước khi đưa lên Bác”. Cho dù bản chất mối quan hệ như thế nào thì các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ở mọi thời kỳ đều ý tứ để nó không bộc lộ. Giữ gìn sự đoàn kết luôn được dùng như một tiêu chí để đánh giá năng lực của người lãnh đạo. Hơn ai hết, Tổng Bí thư Đỗ Mười có lợi ích chính trị khi mối quan hệ giữa ba người được coi là “luôn luôn nhất trí với nhau”. Trên thực tế, mối quan hệ Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười là rất khó để dư luận lúc đó coi là “đoàn kết”.
Ngày 4-5-1993, ông Võ Văn Kiệt chuyển tới ông Đỗ Mười một số trích đoạn bức thư của “đồng chí có trách nhiệm, trên 60 tuổi” cho biết: Trong cán bộ cao cấp, “nghỉ hưu có, đương nhiệm có” đang có dư luận “hoài nghi sự đoàn kết của ba đồng chí chủ chốt, hoài nghi đường lối kinh tế, chủ trương chiến lược kinh tế, quốc phòng”. Dư luận cho rằng, “giữa ba ông không thống nhất với nhau về chủ trương đường lối phát triển. Đồng chí Đỗ Mười bản thân là một anh bần nông làm nghề tự do nên không có khả năng lãnh đạo chung”452.
Trong một bức thư gửi ông Đỗ Mười vào thang 6-1994, ông Võ Văn Kiệt cũng đề cập đến “tinh hinh rât phân tan trong lanh đao”. Bức thư của ông Kiệt không nói về các mối quan hệ cá nhân mà đi thẳng vào mối quan hệ lãnh đạo giữa Đảng và Nhà nước. Thư của ông Kiệt cho thấy, ở thời điểm ấy, vai trò của Đảng được nhấn mạnh trở lại, các cơ quan Đảng có khuynh hướng can thiệp một cách trực tiếp hơn dưới nhiều hình thức vào hoạt động của chính quyền453.
Có lẽ vì bức thư gửi Đỗ Mười vào tháng 6-1994 không có hồi âm nên ngày 9-8-1995, ông Võ Văn Kiệt gửi đi bức thư mà về sau được biết đến với tên gọi là “Thư gửi Bộ Chính trị”. Lấy lý do, khi “xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội”, Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng “cần tổ chức nghiên cứu và thảo luận sâu hơn” một số vấn đề thuộc về quan điểm, thư Gửi Bộ Chính trị của ông Võ Văn Kiệt nêu bốn nội dung: “1- Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay; 2- Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng; 3- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; 4- Xây đựng Đảng”.
Về tình hình quốc tế, ông Võ Văn Kiệt cho rằng “tính chất đa dạng, đa cực” đang chi phối quan hệ giữa các quốc gia thay vì “mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc” như Đảng từng quan niệm. Đó là lý do mà theo ông Kiệt, một nước đi theo chủ nghĩa xã hội như Việt Nam vẫn có thể trở thành thành viên ASEAN, ký kết hiệp định khung với EU. Thư 1995 của ông Võ Văn Kiệt viết: “Ngày nay, Mỹ và các thế lực phản động khác không thể giương ngọn cờ chống cộng để tranh thủ dư luận và tập họp lực lượng chống lại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như trước nữa”.
Trong thư, ông Võ Văn Kiệt cho rằng không nên kỳ vọng vào sự phục hồi của “phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, bởi nó không bao giờ có “giá trị và chất lượng cộng sản” như ngày xưa nữa. Với “bốn nước xã hội chủ nghĩa còn lại” 454, ông Kiệt cũng cho rằng “tính chất quốc gia sẽ lấn át tính chất xã hội chủ nghĩa”, thậm chí quan hệ Việt Nam - Trung Quốc còn “tồn tại nhiều điểm nóng”. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Sự chấp nhận đối với chế độ chính trị một đảng của Việt Nam cũng đang tăng lên - mặc dầu lúc nầy lúc khác vấn đề dân chủ và nhân quyền được sử dụng như một phương tiện chính trị đối phó với chúng ta”.
Ông Võ Văn Kiệt cảnh báo sẽ là “thảm họa cho đất nước” nếu Đại hội VIII “rụt rè bỏ lỡ cơ hội” xây dựng “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời, nếu không đáp ứng được đòi hỏi phát triển của đất nước, “Đảng sẽ đứng trước nguy cơ bị tước quyền lãnh đạo”455. Phê phán khuynh hướng khẳng định “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là một tiêu chí cho định hướng xã hội chủ nghĩa”456, ông Kiệt viết: “Để giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bức xúc là phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ không phải là dành cho nó quyền ‘nắm’ thứ nầy thứ khác”.
Theo ông Võ Văn Kiệt, “nguy cơ chệch hướng đang ẩn náu” trong nhiều hiện tượng như tham nhũng, cục bộ, cửa quyền và tính vô chính phủ, và “sẽ sai lầm nếu đem tất cả những phát triển không lành mạnh này đổ cho cơ chế kinh tế thị trường”. Theo ông: “Càng kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, càng phải hoàn thiện và phát triển thị trường, không thể có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Cần sớm xoá bỏ sự phân biệt hoặc sự hình thành các loại hình kinh tế phi dân sự, kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế các lực lượng vũ trang”.
Ông Kiệt cũng phê phán hệ thống pháp luật, bộ máy nhà nước và năng lực của cán bộ viên chức không đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ. Ông đề nghị chuyển “phương thức điều hành đất nước trong thời chiến” với “cơ chế chính ủy”, cơ chế “bộ máy của đảng đứng trên hoặc làm thay bộ máy chính quyền”. Ông Kiệt đề nghị để cho Quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp được “làm tròn chức năng quyền hạn” của mình, “các tổ chức cơ sở đảng không làm thay, không quyết định thay” nhà nước. Đồng thời, ông cũng đề nghị “bỏ cách suy nghĩ công thức” về nguyên tắc “dân chủ tập trung” hay còn gọi là “tập trung dân chủ”, cụ thể: “Để huy động trí tuệ của toàn đảng và bảo vệ sự trong sáng trong đảng, cần phải triệt để dân chủ, đồng thời để bảo đảm sức chiến đấu của đảng mọi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo điều lệ và phục tùng các nghị quyết của đảng”.
Người chấp bút “Thư gửi Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Trung, nói: “Ông Kiệt là người cảm thấy bức bối về sự mất dân chủ trong Đảng. Năm 1995 Việt Nam vừa kết thúc được thời kỳ hậu chiến, đổi mới lại bắt đầu chững lại. Trong khi, theo ông Kiệt, năm 1995 lẽ ra phải bung mạnh ra vì có rất nhiều cơ hội”. Ông Nguyễn Trung nói: “Ông Lê Đức Anh thì quá kín đáo, ông Đỗ Mười thì cản quá trình bình thường hóa với ASEAN thông qua lá phiếu của Đào Duy Tùng. Sau một loạt thành công của Chính phủ, năm 1995, uy tín bên trong, bên ngoài của ông Kiệt đều lên cao, có nguy cơ ông trở thành tổng bí thư, điều mà cả Trung Quốc, ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, đặc biệt là Nguyễn Văn Linh đều không thích. Trong bối cảnh đó, thư Gửi Bộ Chính trị ra đời. Ông Kiệt viết thư này, đụng đến một vấn đề cốt lõi trong sinh hoạt Đảng, với mong muốn làm cho mối quan hệ thật rõ ràng: dân chủ ra dân chủ, tập trung ra tập trung”.
Ngày 10-10-1995, "Thư gửi Bộ Chính trị" được đưa ra bàn trong Bộ Chính trị. Ông Kiệt bị nhiều thành viên trong Bộ Chính trị chỉ trích kịch liệt. Quan điểm không còn đấu tranh giai cấp, Mỹ không phải là đối tượng của Việt Nam, thế giới đang cần hợp tác, đến lúc cạnh tranh kinh tế chứ không phải coi nhau như kẻ thù,... chỉ được rất ít người ủng hộ457. Ông Phạm Thế Duyệt, ủy viên Bộ Chính trị khóa VII (1991-1996), nói: “Không có ai quá đao to búa lớn, khi Bộ Chính trị phân tích, anh Sáu Dân cũng bình tĩnh tiếp thu. Anh là một người hăng hái, suy nghĩ có lúc mạnh dạn. Nhưng dưới góc độ tổ chức, không nên coi cách làm đó là bình thường. Cho dù ý kiến của anh mang tính chiến lược, phù hợp với đổi mới của Đảng. Nhưng cách làm phải có sức thuyết phục”458.
Ông Nguyễn Hà Phan cho rằng: “Bức thư chệch hướng 100%. Nhưng cả tôi, anh Đỗ Mười, anh Đào Duy Tùng và anh Lê Đức Anh đều thống nhất một hướng là không làm to chuyện và không kỷ luật ông Kiệt mà chỉ phân tích làm sao cho ông Kiệt phải nhận khuyết điểm. Chúng tôi biết người chấp bút là Nguyễn Trung, cái nguy là ông Kiệt cũng bức xúc với đổi mới nên ký vào”459. Anh Đỗ Mười nói: “Anh Kiệt lập trường tốt thôi nhưng từ khi lấy anh Trung làm trợ lý thì hay có việc này việc nọ”460. Ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng: “Anh Sáu Dân đôi khi để bị tác động của các chuyên gia”.
Sau hội nghị Bộ Chính trị, theo ông Nguyễn Hà Phan: “Vì Bức thư ông Kiệt chỉ gửi cho các ủy viên Bộ Chính trị chứ không gửi cho các ông cố vấn nên ông Nguyễn Văn Linh có mượn bản của tôi. Tôi cũng muốn tranh thủ ông Linh nên dàn xếp êm, không đưa chuyện ông Kiệt ra Trung ương nên đưa cho ông. Ông Linh lại dùng lá thư có ghi tên tôi sao ra gửi cho các ông cố vấn khác”. Bức thư nhanh chóng được tán phát rộng rãi ở trong và ngoài nước.
Vậy nhưng, ngày 15-11-1995, ông Vũ Đình Liệu vẫn viết thư gửi Bộ Chính trị tha thiết đề nghị để ông Võ Văn Kiệt làm tổng bí thư “nhằm tiếp tục giữ và phát triển được cái đà của nền kinh tế”. Thư của ông Liệu viết: “Anh Đỗ Mười nên nghỉ vào thời điểm này là phù hợp vì đã ở tuổi tám mươi. Đồng chí Đỗ Mười đã vững vàng cùng với các đồng chí lãnh đạo khác, chẳng những đã khắc phục được những khó khăn mà còn đem lại bao nhiêu thành tựu to lớn cho tổ quốc, cho nhân dân. Đồng chí Đỗ Mười rút ở thời điểm này là phù hợp và rất vinh quang”. Lá thư của ông Vũ Đình Liệu cho thấy các bậc cách mạng lão thành chưa coi những quan điểm trong thư gửi Bộ Chính trị của ông Kiệt là lệch lạc.
Ngày 5-12-1995, ông Hà Sĩ Phu, tác giả của nhiều bài chính luận sắc sảo được truyền đọc ở thời điểm ấy, đang đi xe đạp trên đường phố Hà Nội thì bị hai người đi xe máy chèn ngã. Ông Hà Sĩ Phu kêu to: “Ăn cướp! Ăn cướp!”. Lập tức công an xuất hiện. Thay vì bắt “cướp”, công an đã đưa Hà Sĩ Phu về đồn, khám túi xách, phát hiện bản sao chép thư gửi Bộ Chính trị ngày 9-8-1995 của ông Võ Văn Kiệt. Hà Sĩ Phu khai tài liệu này ông lấy từ ông Nguyễn Kiến Giang; ông Giang khai lấy từ ông Lê Hồng Hà, một cán bộ lão thành, từng là chánh Văn phòng Bộ Công an và trước đó, từng là giám đốc trường Đào tạo sĩ quan công an 500. Ba người có liên quan đến tài liệu này đã bị bắt ngày 6-12-1996461.
Vụ án Hà Sĩ Phu ầm ĩ trên các đài báo nước ngoài và được Câu lạc bộ Ba Đình, nơi sinh hoạt chính thức của các cán bộ cao cấp nghỉ hưu, công khai bàn tán. Nhưng ngày 23-12-1995, một thành viên của câu lạc bộ này, ông Trần Lâm, ủy viên Trung ương Đảng khóa IV và V, trong thư gửi Bộ Chính trị, vẫn đánh giá cao vai trò của thủ tướng và yêu cầu “ba đồng chí chủ chốt hiện nay, dù tuổi đã cao, vẫn cần tiếp tục một nhiệm kỳ nữa”.
Thay vì đặt vấn đề “chệch hướng”, điểm yếu của ông Võ Văn Kiệt mà ông Trần Lâm chỉ ra vẫn là những tai tiếng liên quan đến bà vợ Phan Lương Cầm. Nhưng, theo ông Trần Lâm, miễn là ông Kiệt “không bao che”. Ông Lâm viết: “Trong xã hội phức tạp hiện nay, không phải chỉ một mình đồng chí Võ Văn Kiệt bị dư luận xì xào, mà hầu hết các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất đều bị dư luận bàn tán về người thân, ta cần cảnh giác với dư luận”.
Tuy nhiên, ý kiến của các bậc lão thành chỉ có ảnh hưởng phần nào. Uy tín của cả ba ông trong Trung ương đều giảm sút. Khi lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt, chỉ có Đỗ Mười đạt số phiếu hơn 50%, ông Kiệt có lúc chỉ còn mức tín nhiệm 40%. Cũng trong thời gian đó, theo ông Lê Khả Phiêu: “Ba đồng chí cố vấn Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công viết thư đề nghị những đồng chí đã ở trong độ tuổi bảy mươi nên rút lui. Bàn đi bàn lại mãi cũng không thống nhất được”. Đầu tháng 3-1996, Trung ương họp Hội nghị 11, về sau trong nội bộ gọi là Hội nghị 11a, đưa ra khỏi danh sách tái ứng cử các ủy viên Bộ Chính trị trên bảy mươi tuổi như Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đoàn Khuê, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Lê Phước Thọ, Vũ Oanh, Bùi Thiện Ngộ.
Ngày 13-3-1996, ông Vũ Đình Liệu gửi thư “Mật khẩn” cho Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Ban Nhân sự Đại hội VIII, nói rằng việc các ủy viên tới tuổi nghỉ hết đã làm cho “nhiều đồng chí, chủ yếu là các đồng chí cách mạng lão thành ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ băn khoăn lo lắng”. Ông Vũ Đình Liệu nói ông ủng hộ phương án cả ba ông - Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh - rút lui. Nếu “giữ lại một” thì theo ông Liệu “người cần giữ lại phải là đồng chí Võ Văn Kiệt”. Ông Liệu viết: “Đồng chí Đỗ Mười đã bảy mươi chín tuổi. Tôi nay đã bảy mươi tám nên tôi rất hiểu, khi tuổi càng cao sức khỏe càng thấp”.
Hơn một tuần sau, thư gửi Bộ Chính trị của ông Võ Văn Kiệt trở thành đối tượng phê phán trong bài phát biểu của Thượng tướng Lê Khả Phiêu tại đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị - Quân sự cao cấp462. Bài nói của Tướng Phiêu không chỉ đích danh Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng nội dung của nó “đập lại” khá đanh thép những vẫn đề được đặt ra trong bức thư.
Ba tháng trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VIII, toàn văn bài phát biểu của Tướng Lê Khả Phiêu được công bố trên trang nhất báo Quân Đội Nhân Dân463. Sau khi ca ngợi “bản lĩnh chính trị” của Đảng bộ Học viện, Tướng Phiêu nói đến “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ và đặc biệt ông nhấn mạnh “âm mưu phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang”. Những “âm mưu và thủ đoạn” mà ông Phiêu nói là của các thế lực thù địch ở “trong và ngoài nước”.
Tướng Lê Khả Phiêu nói: “Khi Liên Xô sụp đổ, các thế lực đế quốc chủ nghĩa và các trào lưu cơ hội xét lại đã chuyển phương thức tiến công lấy kinh tế, chính trị làm chính, kết hợp bạo lực và can thiệp vũ trang, hy vọng xóa bỏ những nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian ngắn nhất, trong đó có Việt Nam ta. Nhưng thực tiễn đã chứng tỏ rằng, lịch sử đã và đang diễn ra khác với mong ước của họ”. Tướng Lê Khả Phiêu cho rằng: “Các mâu thuẫn cơ bản của thời đại tuy có những biểu hiện mới nhưng vẫn tồn tại một cách khách quan, bất chấp cái mốt tư tưởng thời thượng về điều hòa và hợp tác giai cấp”.
Sau khi phân tích những “mưu mô điên cuồng hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong những năm cuối thế kỷ này”, Tướng Phiêu nói tiếp: “Không phải không có người muốn giã từ hệ tư tưởng mà thực chất là giã từ hệ tư tưởng Marx - Lenin để rơi vào một hệ tư tưởng khác; muốn phi tư tưởng hóa, coi việc phân chia ra ranh giới giữa hai chế độ tư bản và xã hội chủ nghĩa là một cái gì xơ cứng, giáo điều, gây trở ngại cho việc nước ta hòa nhập vào thế giới và gào lên cùng với thế giới đó”. Tướng Phiêu nhấn mạnh: “Cũng chưa có lúc nào mà các tuyên bố mang tính chất ‘cương lĩnh chính trị’ do các nhóm người ở trong nước và nước ngoài tự xưng là ‘chí sỹ yêu nước’ lại được đưa ồn ào như vậy! Người ta cho rằng, đất nước ta hiện nay chỉ cần ‘độc lập và dân chủ’ chỉ cần ‘độc lập và phát triển’ chứ chẳng cần định hướng phát triển nào, nhất là định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Lê Khả Phiêu coi những đề nghị cải cách cơ chế lãnh đạo là “cuộc tiến công vào tổ chức của Đảng ta. Tướng Phiêu nói: “Có người đang đòi hỏi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng, tập trung sẽ dẫn đến quan liêu, độc đoán; có người đang phê phán nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phân công phụ trách”.
Trong thư gửi Bộ Chính trị, ông Võ Văn Kiệt đề nghị xóa bỏ các tổ chức kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế của các lực lượng vũ trang. Trong phát biểu của mình, Tướng Lê Khả Phiêu nâng tầm quan điểm: “Không phải không có ý kiến cho rằng, lực lượng vũ trang chỉ nên làm một công cụ vũ trang thuần túy chỉ tập trung vào sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, cho rằng, cơ cấu Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang như hiện nay là không thích hợp. Về thực chất, đó là âm mưu ‘phi chính trị hóa’ lực lượng vũ trang nhân dân, làm suy yếu sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh hiện nay”.
Trước Đại hội, tinh thần bài phát biểu của Tướng Lê Khả Phiêu được phổ biến khá rộng rãi trong những đợt sinh hoạt chính trị của quân đội. Tên tuổi Võ Văn Kiệt bắt đầu được các sỹ quan chính trị nhắc đến một cách không chính thức khi họ phê phán “chệch hướng” và “khuynh hướng xã hội chủ nghĩa dân chủ” đang hình thành trong Đảng.
Vụ án Nguyễn Hà Phan
Trong những ngày ấy, ông Nguyễn Hà Phan đang làm trưởng Ban Tổ chức Đại hội Đảng lần thứ VIII, công việc thường được giao cho ứng cử viên của một trong những vị trí chủ chốt. Ông Đỗ Mười vẫn nắm giữ vai trò quan trọng nhất: Trưởng Ban Nhân sự Đại hội.
Nếu thế hệ các nhà lãnh đạo vào Đảng “trước Cách mạng” rời khỏi chức vụ trong Đại hội VIII, Nguyễn Hà Phan chắc chắn trở thành người kế cận có nhiều tiềm năng nhất. Điều này có thể trở thành niềm tự hào của các đảng viên miền Nam nếu như ông Nguyễn Hà Phan không trở thành một trong những ngọn cờ tiên phong chống lại ông Võ Văn Kiệt.
Năm 1991, khi được đưa từ Hậu Giang ra Hà Nội, với cách ăn nói khéo léo và với một bề ngoài toát lên quan điểm lập trường: thường  xuyên mặc những bộ đồ ba túi màu xanh xám, chân đi dép sandal, tóc tai bơ phờ “thâu đêm lo việc nước”, ông Nguyễn Hà Phan được đưa vào Ban Bí thư, giữ chức trưởng Ban Kinh tế Trung ương Tại Đại hội VII. Tháng 7- 1992 ông Phan được giao thêm chức phó chủ tịch Quốc hội. Như một người tiên phong bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa, cứng nhắc cả trong các chính sách kinh tế và trong các chủ trương đối ngoại, Nguyễn Hà Phan nhanh chóng làm hài lòng cả ông Đỗ Mười và ông Lê Đức Anh.
Khi còn là một nhà lãnh đạo địa phương, Nguyễn Hà Phan là một người năng động. Trước Đại hội VII (1991), theo ông Phan Văn Khải: “Khi dự thảo Luật Đất đai được đưa xuống Long An lấy ý kiến lãnh đạo các tỉnh miền Tây, Nguyễn Hà Phan khi ấy đang là bí thư Hậu Giang, ủng hộ chính sách đa sở hữu đất đai, công nhận quyền tư hữu về ruộng đất. Nhưng khi ra Hà Nội, vào Ban Bí thư, ông lập tức theo quan điểm của ông Đỗ Mười, chống tư nhân hóa đất đai và trở thành một trong những người lớn tiếng bảo vệ sở hữu toàn dân”.
Đặc biệt, Nguyễn Hà Phan luôn “sát cánh” bên cạnh nhà lý luận Đào Duy Tùng, phê phán thị trường, phê phán chính phủ nuông chiều đầu tư nước ngoài, nuông chiều tư nhân và các thành phần kinh tế, xem nhẹ vai trò quốc doanh. Những cải cách kinh tế theo hướng thị trường của Chính phủ bị coi là có “nguy cơ chệch hướng”. Theo ông Phan Văn Khải: “Trước Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Nguyễn Hà Phan đưa ra một bản thống kê mười sáu điểm chệch hướng của Chính phủ”. Tháng 1- 1994, trong hội nghị đó, Nguyễn Hà Phan được đưa vào Bộ Chính trị cùng với Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm.
Trong Bộ Chính trị, không chỉ có các tướng lĩnh nhân danh an ninh quốc phòng để ngăn cản một số dự án đầu tư nước ngoài. Điều mà ông Võ Văn Kiệt và nhiều thành viên Chính phủ cảm thấy khó chịu là, người nhiệt tình ủng hộ Tướng Lê Đức Anh nhất trong vấn đề này lại là một nhân vật được ông Kiệt cất nhắc từ miền Nam: ông Nguyễn Hà Phan.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá: Đầu thập niên 1990, Chính phủ chọn BHP làm đối tác thăm dò dầu ở mỏ Đại Hùng. Khi thông qua Bộ Chính trị, sau khi nghe ông Đậu Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các dự án Quốc gia trình bày, Nguyễn Hà Phan đứng dậy nói: “Đồng bào miền Nam chắc chắn không một ai đồng tình chọn Úc làm đối tác khai thác dầu khí vì bọn Úc đã từng đưa quân vào tàn sát đồng bào ta”. Ông Đậu Ngọc Xuân phân tích: “Căn cứ vào công nghệ thì công nghệ Úc là tiên tiến. Trong các nước phương Tây chỉ có Úc chịu đầu tư còn các nước khác sợ cấm vận Mỹ”. Ông Võ Văn Kiệt liền đứng dậy: “Nếu nói như Sáu Phan thì tôi đề nghị Bộ Chính trị nên chọn Lào đầu tư. Mỹ là kẻ thù mới đánh ta; Pháp đô hộ 80 năm; Nhật khiến cho 2 triệu người chết đói; Úc, Hàn theo Mỹ mang quân sang… Không có nước nào có công nghệ tốt lại không có dính líu vào một ‘tội ác’ nào đó”.
Ông Nguyễn Hà Phan thừa nhận: “Tôi còn phản đối nhiều quyết định đầu tư vi phạm an ninh quốc gia khác của Chính phủ. Sân bay Nội Bài, Chính phủ quyết định cho Malaysia đầu tư, họ đã bỏ vô 2 triệu USD nhưng tôi thấy không thể để cho nước ngoài đầu tư ở cửa ngõ Thủ đô như thế tôi phản đối. May mà ông Kiệt có quan hệ tốt với Thủ tướng Mahathia nên họ không phạt. Tôi cũng phản đối việc ông Kiệt cho phép Singapore đầu tư vào khu Ba Đình, xây dựng lại khu Nhà khách Chính phủ, 37 Hùng Vương, và Nhà khách Trung ương, số 8 Chu Văn An”.
Đặc biệt, Nguyễn Hà Phan rất được “ông cố vấn” Nguyễn Văn Linh và Trưởng ban Tổ chức Lê Phước Thọ ủng hộ. Theo ông Nguyễn Đình Hương: “Ông Linh muốn Nguyễn Hà Phan thay ông Kiệt làm thủ tướng”. Theo ông Đặng Văn Thượng, ông Cố vấn Nguyễn Văn Linh trực tiếp phổ biến với các cán bộ chủ chốt ở miền Tây: “Kỳ này, anh Sáu Phan, ủy viên Bộ Chính trị, sẽ được cử lên thay anh Sáu Dân, vì anh Sáu Phan có lịch sử chính trị suôn sẻ, tận tụy vô tư, sẽ giúp cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh hơn”464. Ông Đặng Văn Thượng viết tiếp: “Anh Sáu! Tôi đã dám viết và ký tên tức là tôi dám chịu trách nhiệm về những thông tin ấy. Có lẽ vì quá buồn chán tình đời ‘sớm nắng chiều mưa’ - Tôi hiểu trong Đảng còn nhiều người hết sức tốt, nhưng cũng không thiếu những kẻ trở cờ, trở rất nhanh, đổ tội cũng rất khéo. Có anh bây giờ nói ra câu nào cũng có anh Sáu nhưng không phải Sáu Dân, Sáu Khải đâu nghe465”.
Việc tạo dư luận cho Nguyễn Hà Phan không chỉ được tiến hành ở Nam Bộ. Hai tuần trước đó, ngày 7-8-1995, từ Hà Nội, ông Trần Văn Hiển, ủy viên Trung ương Đảng Khóa IV cũng đã viết thư gửi Bộ Chính trị, đề nghị: “Anh Đỗ Mười có thể ở lại thêm một nửa nhiệm kỳ ở chức tổng bí thư nhưng cũng với điều kiện để anh Sáu Phan làm bí thư trực thứ nhất trong Ban Bí thư nhằm khi anh Đỗ Mười nghỉ thì có người thay thế”. Nhưng điều mà ông Nguyễn Hà Phan “gặt” được sau những vận động chính trị này không phải là chức tổng bí thư hay thủ tướng mà là phản ứng của những người biết rõ quá khứ của ông.
Theo ông Nguyễn Đình Hương: “Chỉ còn mấy tháng nữa là đại hội, tự nhiên có hàng loạt đơn thư, tố cáo Nguyễn Hà Phan đã từng khai báo nghiêm trọng và khi ra tù nhận làm nội gián cho địch”. Khi đưa Nguyễn Hà Phan vào Bộ Chính trị, không phải ông Đỗ Mười không biết chuyện ông Nguyễn Hà Phan từng khai báo trong tù, nhưng khi ấy, do ủng hộ ông Phan, ông Mười chủ trương “không đào bới quá khứ”. Nhưng rồi, theo ông Nguyễn Đình Hương, những lá thư nêu các dẫn chứng thuyết phục đến nỗi làm cho các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh sợ, dù cả hai đều thích Sáu Phan.
Ông Nguyễn Đình Hương nói: “Ông Đỗ Mười bắt buộc phải đồng ý cho thẩm tra, ông Lê Đức Anh cũng bắt buộc phải đồng ý. Riêng cố vấn Nguyễn Văn Linh không đồng ý. Ông Mười tính giao cho Bộ trưởng Nội vụ Bùi Thiện Ngộ đi thẩm tra nhưng ông Ngộ từ chối. Ông Mười gọi tôi lên, tôi nói, gần đại hội quá rồi. Ông Mười nói phải làm. Tôi bảo, nếu anh giao cho tôi anh phải giao bằng văn bản. Ông Mười cho văn bản. Anh Bùi Thiện Ngộ tuy chối nhưng trong quá trình làm lại giúp tôi rất nhiều. Ông Kiệt thì nói ngắn: Anh cứ làm. Không có ông Kiệt thì tôi không làm được”.
Ông Nguyễn Đình Hương kể: “Trước khi vào Nam tôi hỏi ông Lê Phước Thọ có biết gì về trường hợp của Nguyễn Hà Phan không. Tuy đã từng là cấp trên của ông Phan từ trong chiến tranh nhưng ông Lê Phước Thọ nói không biết. Tôi bay vào Sài Gòn. Biết tôi ở T78, ông Nguyễn Văn Linh cho gọi tới nhà. Tôi đến, mặt ông hầm hầm: ‘Đồng chí vào lâu chưa? Làm gì?’. Tôi bảo: ‘Chúng tôi vào có hai việc: gặp lại các đồng chí Trung ương Cục xác mình lại câu chuyện ai viết Nghị quyết 15; xác minh các đơn thư tố cáo đồng chí Nguyễn Hà Phan’. Ngay lập tức, ông Linh mắng: ‘Cậu không xứng đáng làm trưởng Ban Bảo vệ Đảng’. Thái độ của ông Linh làm chúng tôi và cả người giúp việc của ông, cùng sững sờ. Tôi đứng dậy nói: ‘Tôi vào đây theo sự phân công của Bộ Chính trị, có ấn kiếm tổng bí thư giao, nếu anh thấy không xứng đáng thì đề nghị anh có ý kiến với Bộ Chính trị’. Rồi, tôi bỏ ra về”.
Ông Hương kể tiếp: “Cuộc tìm kiếm phức tạp hơn tôi tưởng. Trước khi vào Nam, tôi yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Bùi Thiện Ngộ ra lệnh cho bên tàng thư hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ quan này lưu giữ tới hơn hai triệu tàng thư, một số lại bị đốt trong những ngày tranh tối tranh sáng sau 30-4-1975. Tôi nghĩ thật khó mà tìm được. Nhưng, ông Kiệt nói: ‘Tôi sẽ tìm thầy lang giỏi cho anh’. ‘Thầy Lang’ mà ông Kiệt nói là một vị đại tá lớn tuổi, trước ở Quân khu IX. Tôi nhớ khi Nguyễn Hà Phan vừa vào Ban Bí thư, vị đại tá này đã viết thư cho tôi: ‘Chú làm bảo vệ Đảng, chú chú ý, Nguyễn Hà Phan còn định leo cao đấy’. Một người nữa cũng biết khá rõ Sáu Phan là ông Nguyễn Văn Hơn, Bí thư An Giang”.
Ông Nguyễn Hà Phan bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt vào tháng 12-1958, khi đang là tỉnh ủy viên Sóc Trăng. Ông Phan thừa nhận: “Tôi bị bắt sau khi cả bí thư và phó bí thư Tỉnh ủy đầu hàng, khai ra. Những gì nó khai rồi, không chối được thì mình cũng khai. Lúc kiểm điểm mình đã nói hết. Lỗi thì có lỗi nhưng thử hỏi có ai bị bắt mà không khai. Năm
1964, sau khi ra tù, Đảng đã kiểm thảo và thử thách tôi ba tháng. Từ đó ở đâu khó khăn nhất là lại cử tôi đi. Khi được giới thiệu vô Trung ương, khóa VI, tôi nói, cứ để tôi ở địa phương. Nhưng, ông Vũ Đình Liệu nói: ‘Mày phải ra’. Năm 1986, chính ông Kiệt rút tôi ra làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, đến năm 1988, khi xảy ra biểu tình ở Nông trường Sông Hậu, ông Linh bắt tôi quay về. Có lẽ chuyện của tôi xuất phát ở chỗ hay góp ý, có lần ông Sáu (Kiệt) nghe có vẻ không vui. Sau đó, ông Vũ Đình Liệu vào mượn hồ sơ trong tù của tôi rồi in ra”.
Đây chỉ là cách nói nhằm kịch tính hóa tình huống bị truất phế của ông Phan. Cho dù biết rõ quá khứ nhưng khi thấy Nguyễn    Phan  “lập  công  chuộc tội” chính  những  người  như  ông  Nguyễn  Văn Hơn,  Vũ Đình  Liệu  vẫn cất  nhắc ông. Nhưng, khi ông Phan phê phán ông Võ Văn Kiệt đi chệch hướng thì họ không ngồi yên nữa. Ông Nguyễn Văn Hơn tuyên bố: “Thằng ấy là cái gì mà đánh Võ Văn Kiệt. Tụi tao sẽ cho nó biết”. Trên thực tế, theo những gì mà Ban Bảo vệ Trung ương Đảng thu thập được, câu chuyện khai báo của ông Nguyễn Hà Phan phức tạp hơn điều ông nói trên đây rất nhiều.
Ông Nguyễn Đình Hương kể: “Chúng tôi phải lục tìm từ hàng triệu tài liệu trong tàng thư. Điều này vô cùng khó khăn vì Sáu Phan sinh ra ở Bến Tre, hoạt động địch vận ở Sóc Trăng và bị bắt ở đây. Tên khai sinh của ông không phải là Nguyễn Hà Phan, còn hồ sơ trong tù lại ghi là Phạm Khoa. Sau năm 1975, ta có thu được hồ sơ nhưng ông Mười Kỷ, bí thư Bến Tre, để thất lạc mất. Trong quá trình bị bắt, ông bị đưa ra bốn, năm nhà tù của chế độ Sài Gòn. Khi ra tù, ông viết một bản tự kiểm, khai đã đấu tranh bất khuất, có nhiều thành tích trong tù. Sau giải phóng, ông tiếp tục báo cáo thái độ trong thời gian ở tù tốt. Khi giới thiệu ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, ông được 100% phiếu tín nhiệm. Trong hai nội dung tố cáo, không có cơ sở để nói Nguyễn Hà Phan được địch cài lại làm nội gián; tôi chỉ chứng minh được, trong tù, Sáu Phan khai báo nghiêm trọng, những người được ông xây dựng cơ sở trong lòng địch đều bị ông khai ra và sau đó bị địch giết sạch”.
Ông Nguyễn Đình Hương mang hồ sơ tìm được ra Hà Nội. Ông Hương nói: “Tôi chỉ có hai ngày làm báo cáo để trình bày trước Bộ Chính trị. Khi họp nghe báo cáo về vụ Nguyễn Hà Phan, Bộ Chính trị mời cả hai ông cố vấn Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh. Tôi trình bày chi tiết, kể cả những bút tích của Nguyễn Hà Phan. Sau khi nói suốt hai giờ, tôi đề nghị ông Phan có mặt, muốn bảo vệ gì thì bảo vệ. Ông Nguyễn Hà Phan xin lỗi về những điều mình đã làm. Ông Nguyễn Văn Linh im lặng”. Theo ông Lê Khả Phiêu, Bộ Chính trị chỉ đề nghị cách chức Nguyễn Hà Phan chứ không khai trừ. Nhưng, ngay sau hội nghị Bộ Chính trị, hồ sơ về ông Nguyễn Hà Phan đã được lặng lẽ đưa tới tay các ủy viên Trung ương Đảng.
Ông Nguyễn Thái Nguyên kể: “Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh gọi tôi lên nói: Sáu Hơn (Nguyễn Văn Hơn) bảo ta có trách nhiệm phát tài liệu cho các ủy viên Trung ương từ Bình Thuận trở ra, phần Nam Bộ ông ấy lo. Tôi nhận các tập hồ sơ từ tay ông Lê Xuân Trinh, gửi ai, đã được ông Sáu Hơn ghi rõ”. Ngày 17-4-1996, chỉ trong vòng một buổi sáng, Trung ương họp biểu quyết khai trừ Nguyễn Hà Phan ra khỏi Đảng.
Ngay sau phiên họp Trung ương, Nguyễn Hà Phan chỉ có vài ngày để thu xếp hành lý. Ông gần như bị trục xuất khỏi Thủ đô và đưa ngay về Cần Thơ cho dù lúc đó ông vẫn còn là phó chủ tịch Quốc hội. Hành tung của ông Phan ở quê tiếp tục bị các nhà cách mạng lão thành theo dõi và nhiều người tỏ ra không hài lòng khi ông Phan không bị đối xử như tội phạm466.
Tam nhân tại vị
Từ ngày 3 đến ngày 9-6-1996, Trung ương tái nhóm họp để bàn về nhân sự. Tại hội nghị mà về sau ngôn từ nội bộ gọi là “Trung ương 11b”, Ban Nhân sự đã đưa bốn phương án về “ba đồng chí lãnh đạo chủ chốt” - Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt - ra Trung ương thăm dò. Kết quả, Trung ương đã không bỏ phiếu cho ba ông ở lại nhưng cũng không đủ phiếu để mời ba ông về làm cố vấn.
Phương án “cả ba đồng chí ở lại Bộ Chính trị” chỉ được 35 phiếu đạt 22,01%. Phương án “hai đồng chí ở lại Bộ Chính trị” được 11 phiếu, 6,9%. Phương án “một đồng chí ở lại Bộ Chính trị” được 68 phiếu, 42,76%. Còn phương án “cả ba đồng chí đều không tái cử Bộ Chính trị, làm cố vấn”, được 38 phiếu, 23,89%. Chỉ còn chưa đầy ba tuần là đại hội mà nhân sự chủ chốt vẫn rất mơ hồ. Trong lời bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Về danh sách giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, nếu có vấn đề mới, đến Hội nghị Trung ương 12, Bộ Chính trị sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương”467.
Hơn hai tuần trước khi Đại hội VIII bắt đầu, vấn đề nhân sự vẫn còn chưa có gì rõ ràng. “Cách mạng lão thành” lại viết thư góp ý. Phương án không để những uỷ viên Trung ương đã đến tuổi sáu mươi lăm tái cử bị một số người phản đối. Thư đề ngày 12-6-1996 của ông Trần Lâm viết: “Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục làm tổng bí thư ở độ tuổi tám mươi, mà gạt bỏ hết những ủy viên Trung ương ở tuổi sáu lăm thì khoảng cách về tuổi giữa tổng bí thư và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TW sẽ là mười sáu tuổi trở lên đến vài ba chục tuổi. Như vậy tổng bí thư sẽ dễ được coi như cha chú, như lãnh tụ”. Ông Trần Lâm ủng hộ việc “kiếm người thay thế Chủ tịch nước Lê Đức Anh” trong khi phê phán ông Đỗ Mười: “Trong vấn đề chuẩn bị nhân sự này đồng chí (Đỗ Mười) tỏ ra nể nang, chịu sức ép của một số người muốn gạt anh Võ Văn Kiệt vì định kiến hoặc vì chủ nghĩa cá nhân mờ ý chí sáng suốt”.
Ngày 19-6-1996, tại Hội nghị Trung ương 12, khi đọc “Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 11”, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Xin đề nghị đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII… Xin đề nghị thêm hai đồng chí nữa là đồng chí Đoàn Khuê và đồng chí Nguyễn Đức Bình tái cử Trung ương và Bộ Chính trị khóa VIII”. Tuy bị một số ủy viên phản ứng  468 nhưng Trung ương vẫn biểu quyết thuận đề nghị này của ông Đỗ Mười469. Chiều ngày 19-6-1996, Tổng Bí thư Đỗ Mười trấn an: “Chúng tôi - Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh - đã nhiều tuổi, tư tưởng của chúng tôi là muốn chuẩn bị tốt nhân sự cho khóa VIII, tốt nhất là đến Quốc hội khóa X có thể thay thế nhân sự chủ chốt, nhất là chức tổng bí thư. Thay thế đồng chí tổng bí thư là một vấn đề lớn. Chúng ta cần có thời gian chuẩn bị để thay thế các vị trí chủ chốt và nếu tìm được thì sẽ thay thế ngay, lúc đó chúng tôi sẵn sàng lui về tuyến hai”.
Cũng trong buổi chiều 19-6-1996, theo bản Tổng hợp ý kiến thảo luận tổ: “Nhiều ý kiến nhấn mạnh các đồng chí trên chỉ nên ở trong Trung ương và Bộ Chính trị đến hết nhiệm kỳ quốc hội (tháng 7-1997) rồi rút, phải kiên quyết chuẩn bị người đến lúc đó thay thế. Có ý kiến chức vụ tổng bí thư cũng nên như vậy. Bộ chính trị nói các đồng chí sẽ rút dần nhưng không rõ có thời hạn không. Ba đồng chí chủ chốt đều cao tuổi mà ở lại cả nhiệm kỳ thì không hay, nhưng có cơ sở gì đảm bảo các đồng chí rút dần hay bầu rồi là ở cả nhiệm kỳ?”470. Một số ý kiến cho rằng: “Bộ Chính trị nói phương án Trung ương 11 làm lòng dân không yên là không có cơ sở. Chính phương án ba đồng chí ở lại cả dân mới không yên lòng vì thấy lãnh đạo cao tuổi mà không chuẩn bị được người thay”471.
Đoàn Khuê và Trần Đức Lương cùng được dự kiến làm chủ tịch nước. Tháng 5-1996, Đoàn Khuê thăm Pháp với tư cách là bộ trưởng quốc phòng, theo ông Nguyễn Văn An: “Gặp Tổng thống Jacques Chirac, ông Đoàn Khuê nói: tôi rất vui mừng tới đây được đón ngài tại Hà Nội. Cố vấn Phạm Văn Đồng nghe hỏi: Đoàn Khuê nói thế với tư cách gì”. Trong một chuyến thăm Nhật, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương cũng nói ngụ ý rằng tới đây, Việt Nam sẽ có thay đổi lớn về nhân sự. Nhằm tìm người thay thế mình ở cương vị tổng bí thư, Đỗ Mười đã đưa ra “bốn phương án” thăm dò, gồm Đào Duy Tùng, Lê Xuân Tùng, Đặng Xuân Kỳ và Lê Khả Phiêu.
Cách làm này bị một số cán bộ lão thành phê phán: “Việc đưa ra hội nghị trung ương vừa qua ba bốn phương án để lấy biểu quyết tín nhiệm tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch nước, không phải là biểu hiện của phong cách làm việc dân chủ, tập thể, mà nó chỉ là biểu hiện sự không đồng nhất trong Bộ Chính trị và của sự thiếu quyết đoán (sự quyết đoán cần thiết) của tổng bí thư trong tình huống hết sức phức tạp này”472. Không phải ai cũng thực sự hiểu được chiến thuật nhân sự của ông Đỗ Mười. Theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Đỗ Mười đưa ra bốn người là rất có kỹ thuật để tranh thủ các lực lượng. Dù thật, dù giả, ai thấy tổng bí thư đưa mình vào danh sách kế vị cũng đều hài lòng. Đấy là nghệ thuật chính trị của anh ấy”.
Trước Đại hội một tháng, ứng cử viên Đào Duy Tùng bắt đầu ở trong tình trạng hôn mê sâu. Còn về ứng cử viên Đặng Xuân Kỳ, ông An nói: “Ông Đỗ Mười không có ý tiến cử mà chỉ là điệu hổ li sơn. Ông Mười muốn đưa Đặng Xuân Kỳ ra khỏi trung tâm lý luận của Đảng. Ở chỗ rộng, ông Mười nói ông giới thiệu nhưng ông Kỳ xin rút, thực ra ông Kỳ không hề xin rút. Ở chỗ hẹp, ông đánh giá Đặng Xuân Kỳ rất nặng nề về quan điểm”. Danh sách bốn chỉ còn lại hai, theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Lê Xuân Tùng thì sức khỏe kém chỉ còn lại ông Lê Khả Phiêu”.
Nhiều phương án thì phân tán phiếu. Qua thăm dò, không có ứng cử viên nào hội đủ số phiếu tín nhiệm để thay thế Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông Mười, tám mươi tuổi, như ông Trần Lâm viết, cũng không tiện ngồi lại một mình. Kết quả: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đoàn Khuê, Nguyễn Đức Bình tiếp tục tại vị; chỉ một số ủy viên Bộ Chính trị trên bảy mươi tuổi như Lê Phước Thọ, Vũ Oanh, Bùi Thiện Ngộ là nghỉ như đề nghị của ba ông cố vấn.
Sức khỏe Trung ương
Trước Đại hội VIII, ứng cử viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Lê Mai, bị mất đột ngột; ngay sau bầu cử, một tân ủy viên Bộ Chính trị, ông Nguyễn Đình Tứ, cũng đột tử trước khi nhận chức473. Cái chết của ông Tứ đã làm thay đổi chút ít phương thức tiến hành đại hội. Cho dù quy trình nhân sự vẫn được làm kỹ trong thời gian trù bị, nhưng từ Đại hội IX, chỉ khi đại hội chính thức khai mạc việc bỏ phiếu mới được tiến hành. Ngoài hai trường hợp chết bất ngờ này, chuyện sức khỏe Trung ương trước và sau Đại hội VIII cũng diễn ra đầy kịch tính.
Chỉ mấy tháng sau Đại hội, Tướng Lê Đức Anh bị đột quỵ. Ông bị xuất huyết não khá nặng. Thông tin về bệnh tình của Tướng Anh được giữ kín tuyệt đối. Hơn ba tháng sau, khi bắt đầu hồi phục, bằng một ý chí tại vị sắt đá, Tướng Lê Đức Anh quyết định vẫn xuất hiện trên truyền hình và đài phát thanh đọc lời chúc mừng năm mới.
Giám đốc Quân y viện 108, Bác sỹ Vũ Bằng Đình, nói: “Chúng tôi phải hộ tống ông từ bệnh viện ra phòng thu. Ống kính chỉ quay nửa người nên dân chúng không biết ông vẫn ngồi trên giường bệnh. Các bác sỹ nấp phía sau sẵn sàng cấp cứu”. Theo Bác sỹ Vũ Bằng Đình, sau khi đọc xong lời chúc năm mới, ông Lê Đức Anh về nhà, từ đây, ông được một ê-kip bác sỹ người Trung Quốc trực tiếp chăm sóc trong giai đoạn hồi phục. Các bác sỹ Việt Nam hoàn toàn không biết phác đồ điều trị mà các bác sỹ Trung Quốc dùng cho Tướng Lê Đức Anh.
Người Trung Quốc còn nắm giữ không ít bí mật về sức khỏe của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Giữa thập niên 1990, thỉnh thoảng, bị cánh nhà báo chặn lại khi vừa bước từ toilet ra, Tổng Bí thư Đỗ Mười, với quần quên kéo khóa, leo lên chiếc bàn nước nhỏ đặt phía sau Hội trường Ba Đình, ngồi xếp bằng vui vẻ chuyện trò với dân báo chí. Nhiều khi cao hứng, ông nói: “Tôi đã từng bị thần kinh đấy”. Không phải ông nói đùa, theo ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng khóa III, người từng hoạt động với ông, có thời gian ông Đỗ Mười bị bệnh thần kinh, gần như không thể làm việc, có lúc lên cơn, ông phải dùng một cây gậy múa cho hạ nhiệt, có lúc người ta thấy ông Đỗ Mười một mình leo lên cây... Năm 1963, ông đã phải đi Trung Quốc chữa bệnh tới mấy năm mới về Việt Nam làm việc474.
Từ trước Đại hội VIII, khi công việc cơ cấu nhân sự bắt đầu, theo ông Nguyễn Văn An, người có trách nhiệm nắm hồ sơ các nhà lãnh đạo, kể cả các hồ sơ về sức khỏe, trong Bộ Chính trị xuất hiện một số “ông giấu bệnh”. Ông Lê Xuân Tùng, sau khi bị tai biến, một chân gần như bị liệt vẫn khẳng định là đang rất khỏe. Ông Lê Minh Hương giấu bệnh tiểu đường nặng. Ông Đoàn Khuê giấu bị ung thư hạch. Ông Đào Duy Tùng bị ung thư nhưng vẫn bám giữ chức Trưởng Ban Văn kiện của Đại hội cho đến khi bị tế bào ung thư lan lên não.
Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Hà Đăng kể: “Trong nhiều cuộc họp, cả trong một vài cuộc tiếp xúc, thấy anh (Đào Duy Tùng) có những lúc lim dim, chừng như lơ đãng… Sau Hội nghị Trung ương 10, Tổ Biên tập Văn kiện chúng tôi họp lại trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của Trung ương, sửa chữa lần cuối bản Dự thảo Báo cáo chính trị. Tôi thay mặt Tổ trình bày nội dung và cách sửa. Anh vẫn lim dim. Và khi tôi trình bày xong, anh đặt một vài câu hỏi, lại chính là những điều tôi vừa nói”475. Tháng 5-1996, “ứng cử viên tổng bí thư” Đào Duy Tùng xuống Hải Phòng dự đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố,
đang phát biểu thì bị đột quỵ rồi từ đó, như đã nói, ở trong tình trạng hôn mê sâu cho đến khi qua đời476.
Tuy vẫn giữ nguyên chức vụ, nhưng ở Đại hội VIII, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt đều mất phiếu rất nhiều vì lớn tuổi. Cả ba ông chỉ đắc cử với số phiếu đứng áp chót trong Ban Chấp hành Trung ương. Theo ông Nguyễn Đình Hương: “Cả ba đều thấy xu thế của Đại hội nên đẩy nhanh quy trình chuyển giao”. Tháng 4-1997, khi chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội khóa X, Bộ Chính trị quyết định cả ba ông sẽ không tiếp tục ra ứng cử477. Công tác nhân sự vẫn diễn ra với nhiều kịch tính trong giai đoạn tìm người kế vị này.
Ông Nguyễn Văn An nói: “Ông Đỗ Mười muốn ông Lê Khả Phiêu thay thế mình. Ông Mười muốn có ảnh hưởng với quân đội. Về già ông ấy vẫn muốn tiếng nói của mình có trọng lượng. Nhưng uy tín của ông Lê Khả Phiêu trong quân đội rất thấp”. Ông Lê Khả Phiêu giải thích: “Khi sang chủ trì họp Quân ủy Trung ương, anh Đỗ Mười mấy lần nhấn mạnh sự ủng hộ tôi. Đối với anh Mười, có ba thành phần cán bộ mà anh nhiệt tình ủng hộ và cất nhắc: một là con cái gia đình cán bộ, hai là xuất thân từ giai cấp công nhân, ba là đã kinh qua chiến đấu. Lúc ấy, trong Quân ủy, ai cũng biết tôi là người ở lâu nhất trong các chiến trường chống Pháp, chống Mỹ, chống Khmer Đỏ. Mãi tới năm 1991, tôi mới thực sự rời khỏi chiến trường Campuchia”.
Theo ông Lê Khả Phiêu thì việc ông trở thành ủy viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị diễn ra khá thuận lợi. Ông Phiêu nói: “Khi anh Đào Duy Tùng còn, anh Đỗ Mười đã nói tôi qua cùng trực Bộ Chính trị. Làm thường trực thì anh Lê Đức Anh đồng ý nhưng làm tổng bí thư thì lúc đầu anh ấy hơi ngại. Trong thâm tâm, anh Lê Đức Anh vẫn muốn làm tổng bí thư. Có lần anh nói tôi sang làm thủ tướng”. Nhưng mối quan hệ Lê Khả Phiêu - Lê Đức Anh phức tạp hơn những gì ông Lê Khả Phiêu nói này478.
Theo ông Nguyễn Văn An, ông Đỗ Mười cử ông sang làm việc với quân đội hai lần để đưa ông Phiêu sang Thường trực, cả hai lần đều bị ông Lê Đức Anh và Đoàn Khuê trả lời “không đi được” vì “quân đội đang rất cần đồng chí Lê Khả Phiêu nắm Tổng cục Chính trị”. Ông Nguyễn Văn An nói: “Có vấn đề đằng sau. Ông Lê Đức Anh đang muốn đưa Đoàn Khuê lên giữ chức chủ tịch nước. Nhưng nếu ông Đoàn Khuê đã chủ tịch nước thì làm sao ông Lê Khả Phiêu có thể làm tổng bí thư. Tôi nói với ông Đỗ Mười, nếu anh thực sự muốn xây dựng anh Lê Khả Phiêu thì nên sớm có quyết định. Ông Mười quyết định và cử tôi sang gặp lần thứ ba. Ông Lê Đức Anh đồng ý để ông Lê Khả Phiêu đi nhưng vẫn giữ ý kiến sẽ đưa Đoàn Khuê lên làm chủ tịch nước. Tôi nghĩ, thời bình mà chính quyền để hai ông tướng nắm thì coi sao được”.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, thư ký của ông Đỗ Mười: “Khi Lê Đức Anh giới thiệu Đoàn Khuê, Bộ Chính trị họp mấy ngày. Ông Mười về hỏi chúng tôi: Đoàn Khuê làm chủ tịch được không? Tôi nói: anh định đưa ông tướng thứ hai lên nữa à? Ông Kiệt bằng tuổi Đoàn Khuê, các anh ép ông ấy nghỉ. Người giỏi thì không để, lại để một ông tướng ham chức ham quyền”.
Ông Nguyễn Văn An kể: “Khi chuẩn bị nhân sự chủ chốt, ông Lê Đức Anh vẫn giới thiệu Đoàn Khuê làm chủ tịch nước và Thường vụ không có ai phản đối. Tôi gặp anh Đỗ Mười nói Đoàn Khuê bị ung thư đấy, anh Mười nói: Đoàn Khuê nói với tao, uống tam thất nó tan hết rồi mà. Đoàn Khuê còn vạch bụng cho tao xem. Tôi bảo: thưa anh, theo chuyên môn thì đấy là khối u nó chạy chứ không phải tan đâu ạ”.
Theo Giáo sư Vũ Bằng Đình, viện trưởng Quân y 108 kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương: “Chúng tôi phát hiện Đoàn Khuê bị ung thư hạch rất sớm. Sau khi bí mật hội chẩn trên cơ sở các mẫu xét nghiệm mà không cho biết là của ai, tất cả các chuyên gia trong nước đều khẳng định đấy là ung thư hạch. Tôi đích thân trên dưới mười lần đến năn nỉ ông vào bệnh viện. Biết khi ấy ông Lê Đức Anh đang giới thiệu Đoàn Khuê kế vị, tôi trấn an ông: nếu anh đồng ý để chúng tôi chữa trị kịp thời thì anh không những có thể sống thêm một thời gian dài mà còn có sức khỏe để đảm đương những nhiệm vụ quan trọng hơn. Nhưng ông Đoàn Khuê vẫn phủ nhận kết quả hội chẩn và chỉ thị cho tôi phải báo cáo Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương là ông chỉ bị viêm hạch”.
Trước khi Quốc hội khóa IX nhóm họp để chuẩn bị nhân sự cao cấp, theo Đại tá Vũ Bằng Đình, Tướng Lê Khả Phiêu, với tư cách là ủy viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, cùng với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An yêu cầu Viện 108 báo cáo sức khỏe của cả hai vị tướng Lê Đức Anh và Đoàn Khuê. Ông Đình nói: “Tôi và bác sỹ Nguyễn Thế Khánh cùng ký vào bệnh án, bí mật báo cáo lên Bộ Chính trị”.
Theo ông Nguyễn Văn An: “Sau khi anh em đưa cho tôi bệnh án của Đoàn Khuê: ung thư gan giai đoạn ba, chỉ có thể kéo dài cuộc sống không quá một năm, họp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi đưa vấn đề sức khỏe ra, ông Đoàn Khuê vẫn cãi. Tôi phải công bố bệnh án”. Đoàn Khuê đập bàn tuyên bố: “Tôi là người khỏe mạnh, chúng nó phá. Tôi sẽ cho hai thằng đó nghỉ”. Đại tá Vũ Bằng Đình nhớ lại: “Cả tôi và anh Lê Thi, bí thư Đảng ủy Viện 108, nhận được quyết định nghỉ ngay lập tức”. Không chỉ “lỡ cơ hội” trở thành nguyên thủ quốc gia, bệnh tình Đoàn Khuê tiến triển xấu từng ngày. Cuộc sống của ông chỉ còn sáu tháng thay vì một năm như dự đoán. Ngày 16-1-1998, Tướng Đoàn Khuê chết.
Tháng 7-1997, Quốc hội khóa X khai mạc, chức chủ tịch nước được trao ông Trần Đức Lương,  một người  cùng quê Quảng Ngãi với ông Phạm Văn Đồng; chức thủ tướng thuộc về ông Phan Văn Khải. Từ nhiệm kỳ VII, lãnh đạo cấp cao có khuynh hướng được phân đều cho ba vùng: tổng bí thư miền Bắc, chủ tịch nước người miền Trung, thủ tướng người miền Nam.
“Tam nhân” khi ấy vẫn ở trong Thường vụ Bộ Chính trị, và ông Đỗ Mười thì vẫn còn là tổng bí thư. Tại cuộc họp Bộ Chính trị vào trung tuần tháng 12-1997, vấn đề đưa Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt ra khỏi Bộ Chính trị mới được đặt ra. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An báo cáo kết quả lấy phiếu thăm dò trong cán bộ chủ chốt từ cấp bộ trưởng trở lên, cho thấy có tới 80% đồng ý để cả ba ông nghỉ. Theo ông Nguyễn Văn Nam, thư ký ông Đỗ Mười: “Họp Bộ Chính trị, ông Lê Đức Anh sợ chết không nhắm được mắt nếu ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Anh nói không ứng cử đại biểu Quốc hội đã là một sai lầm rồi giờ ra khỏi Bộ Chính trị là một sai lầm nữa”.
Trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ Tư, khóa VIII, cố vấn Võ Chí Công đề nghị ba người nên rút ra khỏi Bộ Chính trị nhưng trong ba ông không ai có một quyết định dứt khoát. Trong tình thế đó, ông Phạm Văn Đồng đã vận động ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ Chí Công, cùng đưa ra sáng kiến cả ba từ chức cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi có thư của ba đồng chí xin Trung ương cho thôi vai trò cố vấn để giao cho các đồng chí trẻ làm, anh Đỗ Mười gọi tôi sang nói: như vậy là các cụ muốn mở đường để chúng tôi lui về”.
Chức vụ tổng bí thư lúc này coi như thuộc về ông Lê Khả Phiêu nhưng ông Đỗ Mười vẫn “dân chủ” đưa “bốn phương án” ra lấy phiếu thăm dò. Kết quả, ông Phiêu cao phiếu nhất, ông Nguyễn Văn An, người không có trong bốn phương án nay, đứng thứ hai, người thứ ba là ông Nông Đức Mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Nam: “Nhiều người chất vấn ông Đỗ Mười, sao thời bình lại chọn tổng bí thư là một ông tướng? Ông Mười phân bua: các anh xem, tôi chọn bốn, năm người mà đều hỏng cả, chỉ còn anh Phiêu uy tín nhất”.
Ngày 31-12-1997, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, ông Đỗ Mười chính thức bàn giao chức tổng bí thư cho Tướng Lê Khả Phiêu. Ba ông ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, chấp nhận giữ vai trò cố vấn.
Chương XX: Lê Khả Phiêu và ba ông cố vấn
Tháng 6-1991, ông Lê Khả Phiêu mới được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; năm 1992, vì giữ chức chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông được cơ cấu vào Ban Bí thư và tháng 1-1994, tại đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ, ông được đưa vào Bộ Chính trị. Vậy mà tháng 12-1997, ông Lê Khả Phiêu đã trở thành tổng bí thư. Nhưng, ông Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư ở một giai đoạn mà các nhà chính trị Việt Nam bắt đầu bị quan sát bởi Internet. Ông cũng làm tổng bí thư khi các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt vẫn giữ quyền bính như những “thái thượng hoàng”. Cho dù có không ít nỗ lực để thay đổi bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam, người bị thay thế lại là ông Lê Khả Phiêu chỉ sau hơn ba năm giữ chức.
Kỷ nguyên Internet
Tuy con đường phát triển hạ tầng viễn thông được đắp bởi công lao của rất nhiều người, sự chấp thuận của ông Lê Khả Phiêu vào năm 1997 là rất quan trọng để Việt  Nam có thể kết nối Internet.  Đó là giai đoạn ông Phiêu bắt đầu nhận chuyển  giao  quyền  lực và bản thân  ông  cũng  không  hình dung  được khả  năng  thay đổi thế giới của  công  nghệ  này. Internet từ đây sẽ đưa Việt Nam bước sang một kỷ nguyên rất khác.
Cuối thập niên 1980, điện thoại vẫn là một dịch vụ xa xỉ mà rất ít người dân miền Bắc biết tới. Cho dù tiếp quản một hệ thống viễn thông tương đối hiện đại của miền Nam, đến năm 1990, cả nước chỉ có chưa tới 80.000 máy điện thoại479.
Cho đến giữa thập niên 1980, Việt Nam hoàn toàn là một quốc gia bị đóng cửa. Năm 1985, phải mất chín mươi phút mới có thể có một cuộc điện thoại gọi từ Việt Nam ra nước ngoài. Theo ông Đỗ Trung Tá 480, lúc đó Việt Nam chỉ có sáu kênh vô tuyến nối Việt Nam với Hồng Kông. Năm 1993, cũng theo ông Tá, tỉ lệ điện thoại chỉ đạt 0,087%, nghĩa là một vạn dân Việt Nam chưa có được một máy điện thoại.
Năm 1987, ông Đặng Văn Thân481   đã có một quyết định làm thay đổi căn bản ngành viễn thông Việt Nam. Theo ông Đỗ Trung Tá: “Khi ấy, Liên Xô viện trợ không hoàn lại mười triệu rúp vàng để trang bị mạng thông tin cho Bộ Công an nhưng ông Thân thuyết phục ông Phạm Hùng không nên dùng vì cho dù đó là thiết bị hiện đại nhất của Đông Đức thì công nghệ analog của họ đã rất lạc hậu so với thế giới. Những thiết bị này sau đó được mang tặng Cuba. Trong số mười triệu rúp thiết bị ấy, ông Thân chỉ dùng bốn thứ: pin mặt trời, cột, kèo và xe chuyên dùng”. Công nghệ kỹ thuật số của “tư bản” được ông Thân chọn từ năm 1987, thông qua việc hợp tác đầu tư với Úc, đã mở ra một giai đoạn mới của ngành viễn thông Việt Nam cho dù đầu thập niên 1990, giá cước viễn thông của Việt Nam vẫn thuộc vào hàng đắt nhất thế giới482.
Năm 1992, trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Đặng Văn Thân đưa ra kế hoạch, đến năm 2000, Việt Nam sẽ có một điện thoại cho 100 dân. Ông Võ Văn Kiệt hỏi: “Tại sao phải là năm 2000 mà không phải là 1995”. Theo ông Tá, người cùng có mặt trong buổi làm việc: “Chúng tôi coi đó là một mệnh lệnh và trên đường về, chúng tôi đưa ra chiến lược tăng tốc hai giai đoạn: 1993-1995 và 1995-2000”. Khi bắt đầu đưa điện thoại di động vào Việt Nam, ông Đặng Văn Thân lại quyết định đúng khi chọn công nghệ số GSM, loại công nghệ mà châu Âu mới triển khai năm 1991. Ngày 16-4-1993, Mobifone, mạng di động đầu tiên của Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động483. Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ viễn thông phát triển là cơ sở để Việt Nam tiến tới kết nối Internet.
Chiến tranh đã đưa Việt Nam tiếp cận với máy tính khá sớm484, nhưng cho tới thập niên 1980, “tin học” vẫn là một khái niệm rất xa lạ đối với công chúng. Trong suốt thập niên 1980, khoa Toán trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đào tạo được 143 người có khả năng ứng dụng tin học vào quản lý kinh tế. Năm 1988, Tiến sỹ Nguyễn Quang A tiếp xúc với một Việt kiều có liên hệ với một công ty phần mềm của Pháp tên là Genlog. Một liên doanh 50-50 giữa Tổng cục Điện tử và Genlog, lấy tên là Genpacific, ra đời.
Theo ông Nguyễn Quang A: “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là nhận outsourcing phần mềm cho người Pháp”. Nhưng, kế hoạch này thất bại bởi không làm sao liên hệ được với các đơn đặt hàng. Khi ấy, phải chờ ít nhất bốn mươi phút mới có thể nối được một cuộc điện thoại với Paris, còn Air France thì phải hai tuần mới có một chuyến. Genpacific chuyển sang lắp ráp máy tính cá nhân.
Có khoảng sáu nghìn máy tính loại 286, tốc độ cực thấp: 8Mhz và bộ nhớ chỉ 20Mb, đã được Genpacific sản xuất trong năm 1989. Cho dù, theo ông Nguyễn Quang A, sản phẩm của ông chủ yếu được xuất sang Liên Xô, máy tính cá nhân đã được Genpacific tặng trường Nguyễn Ái Quốc và được nhiều doanh nghiệp, công sở, trường học ở Việt Nam trang bị. Sau Genpacific, Công ty 3C của Nguyễn Quang A và FPT bắt đầu kinh doanh máy tính, xã hội Việt Nam không còn phải học chay tin học nữa.
Tháng 8-1990, Giáo sư Phan Đình Diệu kêu gọi: “Nhà nước cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư tin học”. Ông cũng đề nghị Nhà nước đưa giáo dục tin học vào các nhà trường. Từ đầu năm 1990, ở Sài Gòn, tin học bắt đầu được ứng dụng trong ngành in ấn.
Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin đề cập đến khả năng “một số hệ thông tin trong nước được ghép nối với các mạng thông tin quốc tế”485. Tổng cục Bưu điện bắt đầu thiết lập mạng Vietpac X.25, cung cấp các dịch vụ truyền dữ liệu chuyển mạch gói công cộng, kết nối với mạng điện thoại tự động đã được số hóa. Đến cuối năm 1995, các dịch vụ thuê bao kênh X.25 đã đáp ứng nhu cầu đến tất cả các tỉnh lỵ và một số huyện, và cuối năm 1996 đến hơn 400 huyện trong cả nước.
Khoảng năm 1993, một kỹ sư ở Viện Công nghệ Thông tin, ông Trần Xuân Thuận lập ra mạng T-net với tham vọng tạo ra một mạng truyền dẫn mang tên ông nhưng không mấy thành công. Cùng thời gian ấy ở Viện Công nghệ Thông tin, ông Trần Bá Thái, trưởng phòng mạng trở thành người Việt Nam đầu tiên đi tiên phong khi Phòng của ông nhận chuyển giao công nghệ chuyển nhận thư điện tử UUCP từ Úc, lập ra mạng NetNam. Tháng 4-1994, NetNam đã chuyển một lá thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho Thủ tướng Thụy Điển. Ông Kiệt trở thành người Việt Nam đầu tiên từ trong nước chính thức gửi email ra nước ngoài.
Cuối năm 1995, từ Khánh Hòa, ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Tin học Teltic, Bưu điện Khánh Hòa, tiếp cận với  cả ông  Thuận,  ông  Thái,  tự mày mò  nghiên  cứu công  nghệ  giao  thức truyền  thông  Internet  rồi  lập  ra mạng VietNet. VietNet thuê cửa ra Úc của NetNam và sử dụng hệ thống điện thoại nội bộ để kết nối với các thuê bao cá nhân. Từ 31-1-1996,  VietNet  chính thức hoạt  động486.  Cuối  năm 1996, về mặt  nhà  nước, một  “taskforce”  được thành lập để chuẩn bị kết nối Internet gồm: Chu Hảo, thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Mai Liêm Trực, Tổng cục Bưu Điện; Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ Công an487.
Những điều kiện tối thiểu để có thể nối mạng đều đã được chuẩn bị, lợi ích thì ai cũng rõ nhưng làm cho các nhà lãnh đạo hết lo sợ là một điều không hề dễ dàng. Thời điểm quyết định kết nối Internet cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Việt Nam. Ông Chu Hảo nói: “Từ ông Võ Văn Kiệt đến ông Phan Văn Khải đều ủng hộ, nhưng khó nhất là phải được Bộ Chính trị cho phép”. Giáo sư Đặng Hữu, từ sau Đại hội VIII, tháng 6-1997, chuyển sang bên Đảng làm trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Từ bên trong, các ủy viên Bộ Chính trị lo sợ Internet nhất được ông Đặng Hữu tìm cách thuyết phục488.
Theo ông Đỗ Trung Tá, ông Đỗ Mười cũng trở thành một người ủng hộ, ông Mười nói: “Tôi mà thạo tiếng Anh có khi tôi còn sử dụng Internet nhiều hơn các anh vì tôi đọc nhiều hơn”. Phó Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu nhóm phải trực tiếp báo cáo Ban Bí thư. Theo ông Chu Hảo: “Đến ngày hẹn, ông Đỗ Mười đang ở miền Nam, đề nghị chúng tôi báo cáo trực tiếp ông Lê Khả Phiêu, thời gian ấy là ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị”.
Gặp ông Lê Khả Phiêu, ông Mai Liêm Trực trình bày về pháp lý, Chu Hảo nói về kỹ thuật, Nguyễn Khánh Toàn báo cáo về đảm bảo an ninh. Đây là giai đoạn mà ông Lê Khả Phiêu sắp trở thành tổng bí thư, ông tỏ ra khá cởi mở. Giáo sư Chu Hảo nói: “Chúng tôi chia sẻ những lo sợ của ông Phiêu cũng như của các vị trong Ban Bí thư về an ninh, về bí mật quốc gia, sợ văn hóa đồi trụy và phản động tràn vào Việt Nam. Chúng tôi nói về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành bảo mật thông tin nhưng không dám khẳng định là kiểm soát được tất cả. Chúng tôi cho rằng tường lửa cũng như cái khóa, khóa tốt thế nào cũng có người mở được, nên vấn đề quan trọng vẫn là con người. Ông Phiêu rất thích lập luận ‘vấn đề quan trọng là con người’, ông đồng ý”.
Tháng 12-1996, Trung ương Đảng khóa VIII họp Hội nghị lần thứ hai bàn về khoa học công nghệ. Ông Đỗ Trung Tá nói: “Tôi mở một phòng máy và dùng sơ đồ đơn giản nhất để ‘giới thiệu Internet và các biện pháp đề phòng’. Các ủy viên dự họp Trung ương được Tổng Bí thư Đỗ Mười cho phép tới tìm hiểu về Internet và tường lửa. Bằng vài thuê bao Internet nối với server của VDC, tôi cho tải các websites  có nội dung tốt xuống cho các uỷ viên Trung ương xem; rồi cho tải những web-sex, các uỷ viên Trung ương giữ ý quay mặt đi, tôi cho anh em biểu diễn kỹ thuật ngăn các web-sex này lại. Các ủy viên Trung ương nói: Nếu làm được như thế thì cho mở được. Hội nghị Trung ương 2 thừa nhận Internet tải được trí tuệ của nhân loại về và tin rằng có thể ngăn các nội dung xấu”.
Ngày 5-3-1997, Chính phủ ban hành Nghị định 21 “quy định tạm thời quản lý Internet” theo nguyên tắc “quản lý được đến đâu thì phát triển tới đó”489.  Ngày 19-11-1997,  tại trụ sở Tổng  cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du, Hà Nội, “Lễ kết  nối Internet toàn cầu” đã được long trọng tổ chức490.
Luân chuyển cán bộ
Ông Lê Khả Phiêu được đưa lên giữ chức tổng bí thư trong một hội nghị Trung ương, thay vì được bầu trong đại hội (12-1997)491.  Sau khi nhận chức không lâu, ông Phiêu xuất hiện trong một cuộc họp báo với gần 200 phóng viên trong nước và quốc tế. Bộ quân phục cấp tướng đã được thay bằng comple xám, cavat màu sáng, mái tóc vốn lòa xòa phủ trán, che sát cặp mắt nhỏ, được xịt keo, chải lật ra phía sau, để lộ vầng trán rộng. Cuộc họp báo được thực hiện vào buổi chiều, được ghi hình và sau khi biên tập, được phát trong chương trình thời sự tối của Đài Truyền hình Việt Nam. Ông Lê Khả Phiêu, rõ ràng, đã nỗ lực tạo ra khác biệt với những người tiền nhiệm.
Ngày 18-1-1998, khi đến thăm Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tuyên bố: “Dân chủ 100% là hình thức”. Trong nền chính trị của Việt Nam nơi mà các ứng cử viên của Đảng thường không lo sợ rớt mà chỉ lo mất phiếu mấy phần trăm thì phát biểu đó của Tổng Bí thư có rất nhiều thông điệp. Tuy nhiên, quyết định mang tính cải cách chính trị ngay sau đó của ông: “Quy chế dân chủ ở cơ sở” lại là một điển hình về hình thức492.
Quyền lực thực sự của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bắt đầu được thể hiện sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần hai493. Tuy trong Nghị quyết này, ông Lê Khả Phiêu đặt ra tham vọng “nghiên cứu lý luận trong nước và thế giới, làm rõ hơn mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” nhưng trên thực tế chỉ có “cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng” và “luân chuyển, điều động cán bộ” mới thực sự giúp ông tạo ra những bước đi quyền lực.
Vấn đề luân chuyển, điều động cán bộ từng được Hội nghị Trung ương 3 494, khóa VIII đặt ra như một giải pháp nhằm “bồi dưỡng toàn diện, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức”. Nhưng, kể từ khi Nghị quyết này được thông qua (6-1997), việc luân chuyển cán bộ gần như chưa thực hiện.
Từ thập niên 1990, vai trò địa phương trong hệ thống chính trị Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện qua con số các bí thư tỉnh ủy được cơ cấu vào Trung ương 495. Đặc biệt, đại biểu địa phương cũng thường chiếm hơn 80% số đại biểu của các đại hội Đảng, thành phần thực sự có tiếng nói thông qua các lá phiếu. Kinh tế thị trường đã làm cho con số các tỉnh thành tự túc được ngân sách tăng lên. Luật Đất đai và Luật Đầu tư bắt đầu tăng thẩm quyền được cấp đất, cấp giấy phép đầu tư cho tỉnh, thành. Chính quyền địa phương bắt đầu có điều kiện để độc lập hơn với trung ương. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện thuật ngữ “trên bảo dưới không nghe”, một câu đùa ý nhị còn để chỉ trật tự hành chính không còn trung ương tập quyền nữa.
Chính sách luân chuyển cán bộ không chỉ giúp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bố trí nhân sự của mình vào các vị trí chủ chốt mà còn đặt các nhà lãnh đạo địa phương vào thế phụ thuộc vào ông hơn. Đang là người đứng đầu một tỉnh, họ có thể bị “luân chuyển” đến một vị trí ngồi chơi xơi nước496. Các quyết định “luân chuyển” lại chủ yếu được thông qua trong Thường vụ Bộ Chính trị nơi mà tổng bí thư là người có tiếng nói quyết định.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Lê Khả Phiêu đã đưa Bộ trưởng Lao động và Thương binh Xã hội Trần Đình Hoan về làm chánh Văn phòng Trung ương. Quyết định này được coi là nhằm tạo chỗ trống để có thể đưa một ủy viên Trung ương cùng quê Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Hằng, lên bộ trưởng Lao động và Thương binh Xã hội. Cuối năm 1999, một ủy viên Trung ương người Thanh Hóa khác, ông Tô Huy Rứa phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia được luân chuyển về làm bí thư Thành ủy Hải Phòng. Tháng 2-2000, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bị “luân chuyển” về làm bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Trong tiệc tiễn do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ông Trương Đình Tuyển đã đọc một bài thơ của ông nói rằng, việc ra đi của ông đơn giản vì (Tổng Bí thư) cần “chỗ trống”. Chỗ trống để đưa Thứ trưởng kỳ cựu Vũ Khoan rời Bộ Ngoại giao, tạo “chỗ trống” cho ông Nguyễn Dy Niên, cùng quê Thanh Hóa với Tổng Bí thư, lên bộ trưởng.
Luân chuyển cán bộ còn ảnh hưởng tới các ủy viên Bộ Chính trị: Tháng 1-2000, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Phan Diễn được điều về làm bí thư Quảng Nam Đà Nẵng thay thế ông Trương Quang Được ra Hà Nội làm Trưởng  Ban Dân vận thay thế ông Nguyễn Minh Triết được điều trở lại Sài Gòn làm bí thư497; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang lại phải ra Hà Nội “lấp vào chỗ trống” Trưởng Ban Kinh tế của ông Phan Diễn.
Không mấy địa phương hài lòng với việc trung ương đưa người về nắm những vị trí chủ chốt, cho dù, có những người được điều “về quê” như Trương Đình Tuyển, bí thư Nghệ An, Phan Diễn, bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng, và có những người như ông Nguyễn Minh Triết, được đưa về một nơi thế lực hơn. Luân chuyển có thể là cơ hội của người này, có thể lại chấm dứt sự nghiệp chính trị của người khác. Luân chuyển cán bộ, vì thế, vừa có thể tạo ra đồng minh, vừa tích lũy “ân oán” cho ông Lê Khả Phiêu người vận hành cơ chế đó.
“16 chữ vàng”
Ông Lê Khả Phiêu còn phải nhận lãnh trách nhiệm lịch sử trong một giai đoạn mà quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Trung Quốc, có rất nhiều thử thách. Nguyên tắc “hai nước xã hội chủ nghĩa phải cùng chống âm mưu của đế quốc xóa bỏ chủ nghĩa xã hội” xác lập trước Hội nghị Thành Đô (9-1990) đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những đồng chí của ông đặt trên cả truyền thống cảnh giác nghìn năm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc498.
Là một vị tướng quân đội mới bắt đầu làm chính trị, ông Lê Khả Phiêu đã không tránh khỏi những ứng xử thiếu kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo cơ mưu của Bắc Kinh. Những quyết định đưa ra trong nhiệm kỳ của ông đã từng bị chỉ trích cả trong nội bộ và trên dư luận, nhất là đối với những quyết định gay go để kết thúc đàm phán Hiệp định Biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhưng, trên nhiều phương diện, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chỉ là người thừa kế những chính sách được thiết lập từ thời “Thành Đô”.
Đầu năm 1991, ông Đoàn Mạnh Giao được cử đi Đài Loan. Đây là chuyến đi đầu tiên của một quan chức Việt Nam đến một nhà nước không được chính quyền Trung Quốc công nhận. Đài Loan được coi là đối tác đầu tư tiềm năng số một của Việt Nam. Theo ông Đoàn Mạnh Giao: “Đôi bên cần mở một đường bay thẳng. Lâu nay, từ Đài Loan đến Việt Nam vẫn phải quá cảnh ở Bangkok. Tôi làm đề án, chuẩn bị khôi phục quan hệ kinh tế với Trung Quốc và khôi phục kinh tế dân gian với Đài Loan. Chủ nhiệm Văn phòng Trần Xuân Giá trình lên, ông Võ Văn Kiệt đưa ra Bộ Chính trị khóa VI, cả Bộ Chính trị đồng ý”.
Sau một thời gian ngắn đàm phán, Việt Nam chấp thuận cho hãng China Airline mở đường bay thẳng Kao Hung – Tân Sơn Nhất. Mọi việc chuẩn bị xong, China Airline mở tiệc ra mắt ở khách sạn Rex, Sài Gòn. Tiệc mời lúc 5 giờ 30 chiều, thì 1 giờ 30, Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Hoàng Thúc Tấn nhận được điện thoại từ đích thân Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông Đỗ Mười hỏi: “Ai phụ trách vấn đề Đài Loan?”. Ông Tấn: “Thưa anh, Đoàn Mạnh Giao?”. “Phải Giao con ông Đoàn Trọng Truyến không? Bảo cậu ấy nói chuyện với tôi”. Ông Giao cầm máy, ông Đỗ Mười hỏi: “Ai cho phép cậu bay với Đài Loan?”. Ông Giao: “Thưa, chính bác cho phép, Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua ạ”. Ông Đỗ Mười: “Đấy là trước khi khôi phục quan hệ với Trung Quốc”.
Ông Đỗ Mười yêu cầu, ngay trong chiều hôm ấy, Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ và Đoàn Mạnh Giao phải sang làm việc với Ban Bí thư. Chiều, ông Trần Quang Cơ sang, cuộc làm việc có cả Thường trực Ban Bí thư Đào Duy Tùng và Chánh Văn phòng Trung ương Hồng Hà. Đào Duy Tùng nói thẳng: “Trước thì Bộ Chính trị chủ trương như thế, nhưng nay kinh tế phải phục tùng chính trị. Không cho Đài Loan bay. Nếu ai cho bay, tôi sẽ ra lệnh cho tên lửa bắn hạ”.
Buổi tiệc hôm ấy ở Rex và các chuyến bay từ Đài Loan sang Sài Gòn bị hủy bỏ. Chủ tịch hãng China Airline gọi điện thoại cho ông Đoàn Mạnh Giao than phiền. Ông Giao trấn an: “Chuyện này sẽ được xử lý”. Ông Võ Văn Kiệt sau đó chỉ đạo lập hồ sơ cho thấy hàng không Đài Loan bay đến hầu như tất cả các nước, kể cả bay đến Quảng Châu, Trung Quốc, chứ không chỉ có bay đến Việt Nam để xin Bộ Chính trị khóa VII xem xét lại.
Ông Đoàn Mạnh Giao nói: “Ông Kiệt là người mà những lúc bế tắc luôn vượt ra khỏi ý thức hệ và ngoại giao kinh điển để đạt được mục đích”. Khi đó, ông Võ Văn Kiệt đang thèm khát nguồn vốn ODA từ Đài Loan cho đường dây 500kV và các công trình hạ tầng đầy tham vọng của ông. Đài Loan có quỹ OECDF có thể cho “những nước chậm phát triển có quan hệ kinh tế thực chất với Đài Loan” vay. Theo ông Đoàn Mạnh Giao: “Buổi tối trước khi tôi đi Đài Loan, ông Kiệt gọi lên Văn phòng. Tôi lên thấy ông đang ngồi một mình. Ông nói: ‘Qua đó, mày tìm cách vay năm mươi triệu USD cho đường dây
500kV’. Tôi nói: ‘Không được đâu chú ơi, quỹ này người ta chỉ cho vay cho các vấn đề xã hội’. Ông nói: ‘Vậy mới phải tìm cách’. Tôi sang gặp một quan chức quen của Đài Loan tên là Giang Bỉnh Khôn, chuyển thông điệp của Thủ tướng cho Đài Loan, ông Giang nói sẽ báo lên trên và tính”.
Ít lâu sau, Lâm Thủy Cát, vụ trưởng Vụ Á - Thái của Bộ Ngoại giao Đài Loan đến Hà Nội gặp ông Đoàn Mạnh Giao, nói: “Có một việc khẩn thiết tôi muốn bàn: Tổng thống Lý Đăng Huy đang ở Indonesia, trên đường về muốn dừng ở Đà Nẵng và muốn hội kiến với Thủ tướng Võ Văn Kiệt một giờ. Việt Nam có thể bố trí để Thủ tướng đi tuần du miền Trung ghé qua. Cuộc gặp sẽ được giữ hết sức bí mật để thỏa thuận một số việc, phía Đài Loan, sau cuộc gặp này có thể cho Việt Nam vay từ 300 đến 500 triệu USD”. Ông Giao nói: “Tôi báo lại với Thủ tướng, chỉ lưu ý ông là truyền thông Đài Loan có thể sẽ có được tin này và sẽ loan đi. Một tuần sau ông Kiệt nói ông Đỗ Mười đã đồng ý. Chưa kịp liên hệ với Lâm Thủy Cát thì mấy ngày sau ông Kiệt lắc đầu: “Hỏng rồi, ì xèo hết trong Bộ Chính trị. Căng lắm, không thuyết phục được”.
Nhưng chính quyền Đài Loan vẫn rất thực tế: Đường bay Kao Hung-Tân Sơn Nhất vẫn được mở. Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được thiết lập. Ông Võ Văn Kiệt vẫn vay được ba mươi triệu USD đầu tiên với lãi suất rất thấp.
Kể từ năm 1991, quan hệ giữa Hà Nội và Trung Quốc bắt đầu được thúc đẩy bằng các “chuyến thăm hữu nghị”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng dần nhịp độ đến Hà Nội: tháng 11-1992, Thủ tướng Lý Bằng; tháng 11-1994, Chủ tịch Quốc hội Kiều Thạch; tháng 6-1996, Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân; tháng 11-1996, Thủ tướng Chu Dung Cơ. Nhưng, có thể nói, phải đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới Bắc Kinh vào tháng 2-1999, công cụ “ý thức hệ” mới được Bắc Kinh khai thác ở “tầm cao” để đến gần hơn với Hà Nội.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh này, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đưa ra “hai phương châm” làm nền tảng cho quan hệ hai nước thể hiện trong “16 chữ vàng” và “4 tốt”. “16 chữ vàng” của Giang Trạch Dân là: “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Và “4 tốt” gồm: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. “Hai phương châm” cùng với Bản Tuyên bố chung giữa Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu đưa ra trong chuyến đi được hai Đảng đánh giá: “Đã xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, đánh dấu quan hệ Trung Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới”. Thủ tướng Phan Văn Khải (1997-2006) nói: “16 chữ vàng với 4 tốt chỉ là những lời nói. Tôi làm thủ tướng cũng muốn tạo ra sự tin cậy lẫn nhau nhưng Trung Quốc chẳng tin mình, mình thì cũng không tin họ”.
Nhưng, như Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố “Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”. Đây là thời điểm Trung Quốc cần những quyết định của phía Hà Nội để kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Biên giới.
Ngày 7-11-1991, trong chuyến đi Bắc Kinh của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết  các công việc trên vùng biên giới hai nước”, Việt  Nam - Trung Hoa, đã được ký kết. Đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc dài 1.406 km, có truyền thống lâu đời 499, bắt đầu được phân định lại.
Đường biên giới truyền thống đó là cơ sở để người Pháp, sau khi chiếm Bắc Kỳ, đàm phán với triều đình Mãn Thanh, ký Công ước 26-6-1887 và Công ước bổ sung 20-6-1895. Đây là hai văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên xác định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đường biên giới dài 1.406 km, từ Móng Cái đến biên giới Lào - Trung, chỉ có 341 cột mốc. “Lời văn công ước mô tả đơn giản, không rõ ràng, không phù hợp với thực địa, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh, khu vực không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót, nhiều khu vực chưa được phân giới cắm mốc hoặc cắm mốc quá thưa. Ngoài ra, qua hơn trăm năm, hệ thống mốc cũng bị hư hại, xê dịch, phá hủy do chiến tranh và thời gian”500.
Năm 1955, ngay trong giai đoạn mà tình hữu nghị Việt - Trung đang được mô tả là như “môi với răng”, chính quyền Trung Hoa cộng sản đã có ý “đẩy lùi biên giới” sâu vào phía lãnh thổ Việt Nam: “Tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Y ên Viên gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua… Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100m trên đường quốc lộ để xoá vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột kilômét số 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này”501.
Ngày 2-11-1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên giải quyết vấn đề biên giới trên cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử theo hai Công ước Pháp - Thanh (1887 và 1895) và mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng đàm phán. Tháng 4-1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam. Điều này có thể được coi là một “thắng lợi quan trọng của quan hệ Trung - Việt” nếu như hơn một thập niên sau, Trung Quốc không lặp lại những điều mà họ đã làm hồi năm 1955.
Có lẽ ít có một quốc gia to lớn nào lại sử dụng những phương thức lấn cõi theo kiểu người Trung Quốc đã làm ở Việt Nam: “Ở một số địa phương, do địa hình phức tạp, điều kiện sinh hoạt của dân cư Trung Quốc gặp khó khăn, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Việt Nam đã cho mượn đường đi lại, cho dùng mỏ nước, cho chăn trâu, lấy củi, đặt mồ mả,… trên đất Việt Nam. Nhưng, lợi dụng thiện chí đó của Việt Nam, họ đã dần dần mặc nhiên coi những vùng đất mượn này là đất Trung Quốc. Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông, suối biên giới như cầu ngầm Hoành Mô, Quảng Ninh, cầu ngầm Pò Hèn, Quảng Ninh, đập Ái Cảnh, Cao Bằng, cầu Ba Nậm Cúm, Lai Châu,… phía Trung Quốc cũng lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật làm thay đổi dòng chảy của sông, suối về phía Việt Nam, từ đó dịch dần đường biên giới”502.
Chuyện Trung Quốc tự ý di chuyển, lén lút đập phá, thủ tiêu các cột mốc, lấy tên bản của Trung Quốc đặt cho xóm của Việt Nam… có thể tìm thấy ở bất cứ địa phương nào trên vùng biên giới. Họ cũng không ngần ngại áp dụng những phương thức như vậy để lấn chiếm những vùng lãnh thổ nổi tiếng lâu đời của Việt Nam như Đồng Đăng, thác Bản Giốc.
“Ngày 20-2-1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc. Khi quan hệ hai bên còn hữu nghị, Trung Quốc đã xây dựng đường sắt vượt qua đường biên giới lịch sử 300m rồi coi điểm nối ray đó là biên giới. Họ trắng trợn nguỵ biện rằng khu vực hơn 300m đường  sắt  đó là đất  Trung Quốc vì không thể  có đường  sắt  của nước này đặt  trên lãnh thổ  nước khác”503.
Đàm phán biên giới Việt - Trung lần thứ nhất diễn ra tại Bắc Kinh ngày 15-8-1974, khi “tình hữu nghị” giữa hai nước bắt đầu có những rạn nứt sau chuyến đi năm 1972 của Nixon. Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa, ngày 19-1-1974, Trung Quốc bắt đầu gia tăng các hoạt động khiêu khích biên giới504. Đàm phán lần thứ hai, kéo dài từ ngày 7-10-1977 tới tháng 6- 1978, diễn ra khi các vụ khiêu khích vũ trang từ phía Trung Quốc tăng cao hơn505. Đối thoại chấm dứt khi xung đột lên đỉnh điểm bởi vụ “nạn kiều”. Sau cuộc chiến tranh biên giới, kéo dài từ ngày 17-2 đến 5-3-1979, ngày 18-4-1979, cuộc đàm phán lần thứ ba được nối lại tại Hà Nội. Nhưng, từ đó cho đến năm 1991, xung đột vũ trang liên tục diễn ra. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, mỗi năm Trung Quốc gây ra hơn tám trăm vụ khiêu khích biên giới506.
Đàm phán chỉ thực sự bắt đầu ở vòng thứ tư, tháng 10-1992, sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Ngày 19-10-1993, hai đoàn đàm phán chính phủ đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ507.
Trên cơ sở bản đồ và thực địa, hai bên đưa ra đường biên giới trên thực tế theo nhận thức của mình. Đây là một công việc không hề dễ dàng cho Việt Nam vì phần đất biên giới phía Việt Nam vẫn đầy mìn Trung Quốc. Chiến tranh cũng đã buộc dân chúng ở nhiều nơi phải rời khỏi những vùng đất sinh sống và canh tác truyền thống. Trong khi đó, các đoàn khảo sát từ Hà Nội lên lại chỉ tiến hành “xác lập bản đồ hiện trạng” trong bí mật. Những phần đất mà bản "Bị vong lục ngày 15-3-1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam" mô tả là đã “bị Trung Quốc dùng những thủ đoạn xấu xa” để lấn chiếm trong giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1978 giờ đây phần lớn được gọi là những khu vực “hai bên có nhận thức khác nhau”508. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và trưởng đoàn đàm phán giai đoạn đầu, ông Vũ Khoan, đều thừa nhận, các địa phương không hài lòng với kết quả này.
Trong khi đó, kể từ năm 1993, Trung Quốc tiếp tục gây xung đột ở nhiều sắc thái khác nhau để tiếp tục gây áp lực lên các vòng đám phán. Đường lên cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, phải dừng lại trước đường biên 63m. Cho dù cột mốc 44, cắm từ thời Pháp - Thanh vẫn còn, năm 1993, khi tỉnh Lạng Sơn cho rải đá, lực lượng vũ trang Trung Quốc từ phía Ái Điểm, đã tràn sang để ngăn cản việc thi công. Ngày 28-5, Trung Quốc đưa hàng trăm binh sỹ có vũ trang từ Ái Điểm sang, theo sau là mười lăm xe chở đá. Trong khi phía Việt Nam chưa kịp phản ứng, hai xe “vượt biên” sang đổ đá chồng lên đoạn công nhân Việt Nam đang thi công. Ngay lập tức bộ đội biên phòng, hải quan, công nhân và nông dân Chi Ma được huy động ra ngăn chặn.
Ngày 11-6-1993, lính Trung Quốc rút. Từ đó, Tổ cột mốc 44 được đồn biên phòng Chi Ma thành lập, bảy cán bộ biên phòng đã phải túc trực 24/24, trong gió Chi Ma thổi bạc mặt, trong rét Chi Ma có khi xuống dưới độ 0. Vì bị phía Trung Quốc ngăn cản không thể dựng nhà, Tổ cột mốc 44 chỉ có thể dựng một túp lều bằng sáu cọc tre và những thùng giấy carton nằm bên lãnh thổ Việt Nam năm mét.
“Nhật ký” của Tổ ghi nhận ba mươi hai sự kiện tiêu biểu xảy ra xung quanh mốc 44: một lần biên phòng Ái Điểm, Trung Quốc, cho dựng một nhà tạm lấn sang đất Việt Nam hai mét; hai mươi hai lần lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm nhập sâu vào đất Việt Nam từ năm đến ba mươi lăm mét, bảy lần xâm canh, một lần lén chôn một bia đá sang đất Việt Nam hai mươi mét… Phía bên kia mốc 44, Trung Quốc dựng một bức tường đá, dày một mét, cao ba mét, bao bọc đồn Ái Điểm. Trên bức tường đó, sâu hoắm những lỗ châu mai, nhìn sang.
Thiếu tá Lục Văn Moong, người từng là đồn phó Chi Ma bốn năm, nói: “Có rất nhiều chuyện không được ghi chép, đó là những cục đá được ném sang từ phía bên kia lúc nửa đêm”509. Mỗi tấc đất biên giới trong thời gian này, không chỉ để cấy lúa, trồng rau mà còn là khát vọng lãnh thổ và ý chí quốc gia của đôi bên. Tại Cao Bằng, nhiều nơi, bộ đội biên phòng phải dựng lưới B40 cho nông dân cày cấy ở những thửa ruộng giáp biên để ngăn phía Trung Quốc ném đá sang. Ở Hà Giang, cho đến trước khi tiến trình phân giới cắm mốc thực hiện xong, hầu hết các điểm cao chiến lược đều đang có quân Trung Quốc chiếm đóng.
Ngày 30-12-1999, sau sáu vòng đàm phán ở cấp chính phủ, mười sáu vòng đàm phán ở cấp chuyên viên, chủ yếu tập trung xử lý 164 khu vực C, hai bên đã ký “Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền”.Theo đó: “Quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam (gồm 112,3km2 thuộc khu vực C; 2,6 km2 thuộc khu vực A và B) và khoảng 117,2 km2 thuộc Trung Quốc (trong đó có 114,8 km2 thuộc khu vực C; 2,4 km2 thuộc khu vực A và B)”510. Nhìn qua các con số thì có vẻ như “đây là một kết quả công bằng”511. Nhưng, trên thực tế, chính quyền địa phương, các cán bộ biên phòng và người dân nhìn thấy từng tấc đất giờ đây đã thuộc về Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Khi tôi lên, Cao Bằng nói, những phần đất này lâu nay là của ta sao các anh để thế này. Tôi phải giải thích là phải theo các nguyên tắc đã thỏa thuận trong quá trình đàm phán”.
Quá trình “chuyển đường biên giới từ lời văn Hiệp ước 1999 và bản đồ ra thực địa, một cách chính xác, rõ ràng và đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính quy hiện đại” vẫn là một con đường cam go. Ở 109 “khu vực tồn đọng”, được coi là những “khu vực khó, nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời”, hai bên đã phải tiến hành thêm mười lăm vòng đàm phán các loại, “vòng ngắn nhất kéo dài chín ngày, vòng dài nhất hai mươi ba ngày, phiên họp dài nhất ba mươi mốt giờ liền” 512, để “giải quyết các mâu thuẫn giữa lời văn với bản đồ đính kèm Hiệp ước, giữa bản đồ với thực địa và sự không rõ ràng của một số từ ngữ trong Hiệp ước”513.
Một trong những “khu vực nhạy cảm”, cửa khẩu Hữu Nghị, mốc km0 nơi đường biên giới giờ đây đi qua vốn là mốc 19 cũ của Pháp, cách điểm nối ray 148m về phía Bắc. Đối chiếu với “Bị vong lục ngày 15-3-1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam” sẽ thấy cột mốc tham chiếu ở khu vực này không phải là “19 cũ” mà là “cột mốc 18 nằm cách cửa Nam Quan 100m trên đường quốc lộ đã bị Trung Quốc ủi nát để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột km0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m”. Nếu 300m từ đường biên giới lịch sử đến điểm nối ray này là khu vực có “nhận thức khác nhau”, thì việc Việt Nam được chia 148m so với phần nước lớn Trung Quốc được chia 152m là công bằng như các nhà đàm phán giải thích. Nhưng, phần 300m này là của Việt Nam, năm 1955 bị Trung Quốc lấn vào so với đường biên lịch sử514.
Tại khu vực thác Bản Giốc: “Theo quy định của Hiệp ước 1999, luật pháp và thông lệ quốc tế, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy phía Nam cồn Pò Thoong, hai bên đã điều chỉnh đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, qua dấu tích trạm thủy văn xây dựng những năm 1960, quy thuộc 1/4 cồn, 1/2 thác chính và toàn bộ thác cao cho Việt Nam”515. Thác Bản Giốc là một biểu tượng mà trong suốt hàng trăm năm đã nằm trong tiềm thức của người Việt Nam. Bức ảnh nổi tiếng về thác Bản Giốc do nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp đã từng ngự trị trong sách giáo khoa, trên các tờ lịch in màu hiếm hoi của miền Bắc thời trước năm 1975.
Theo "Bị vong lục 15-3-1979 của Bộ Ngoại giao" thì toàn bộ khu vực thác Bản Giốc nằm trong lãnh thổ Việt Nam cho tới ngày 20-2-1970 mới bị phía Trung Quốc “đưa 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang” sang lấn chiếm. Các tài liệu lịch sử của người Pháp và những người dân sống lâu năm ở khu vực Đàm Thủy đều biết rõ toàn bộ thác Bản Giốc nằm sâu trong biên giới Việt  Nam chứ không phải là phần được “quy thuộc” như các nhà đàm phán trong thập niên 1990 giải thích516.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thừa nhận: “Anh em Cao Bằng cũng phản ứng, nhưng muốn thỏa thuận được thì mình cũng phải nhượng bộ”. Tại khu vực thác Bản Giốc, theo quy định của Hiệp ước 1999, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy phía Nam cồn Pò Thoong. Ông Nguyễn Mạnh Cầm giải thích: “Sở dĩ chia thác Bản Giốc như vậy là vì trước đó mình đã thỏa thuận nguyên tắc ‘đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy’. Nguyên tắc này do anh Vũ Khoan trực tiếp đàm phán thỏa thuận với Đường Gia Triền. Tất nhiên là có xin ý kiến Bộ Chính trị”.
Theo ông Vũ Khoan: “Bản thân vấn đề là quá phức tạp, chúng tôi phải lần mò từng mét đất. Năm 1991, thỏa thuận nguyên tắc mở ra đàm phán biên giới. Năm 1992 bắt đầu đàm phán nguyên tắc, ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo trực tiếp cụ thể và phải bàn, quyết định tập thể. Nhiều người không hiểu, một con sông ở biên giới hai nước thì phải chia đôi. Thực tế lịch sử  có những  điều  mình nói  cũng  không  đúng”. Ông  Nguyễn  Mạnh Cầm thừa  nhận: “Năm 1993, khi thông  qua  những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, thấy rằng việc phân chia theo trung tuyến dòng chảy là một nguyên tắc hợp lý. Lúc bàn nguyên tắc này, Bộ Chính trị chưa nghĩ tới những trường hợp cụ thể như Bản Giốc”.
Theo Thủ tướng Phan Văn Khải: “Thác Bản Giốc mình không thể nào lấy hết. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chịu nhưng kéo dài quá thì không xong toàn cục. Bãi Tục Lãm họ có ý đồ lấn thật. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Cố vấn Đỗ Mười cũng phải đấu với Trung Quốc trên tình hữu hảo mới được như vậy. Tôi, ông Vũ Khoan và ông Lê Khả Phiêu đã đấu tranh rất căng thẳng nhưng đôi bên cũng phải có nhân nhượng, chẳng thà mình có một phân định sau này còn có cơ sở để đấu tranh”.
Việc hoạch định biên giới, cụ thể là phân chia 227 km2 nằm trong 164 khu vực có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, gọi là khu vực C được quyết định trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng Phan Văn Khải. Tương nhượng là điều không thể tránh khỏi trong các cuộc đàm phán, nhưng tương nhượng ở Hữu Nghị Quan, thác Bản Giốc, những nơi mà từ xa xưa các nhà nước Việt Nam đều đã khẳng định chủ quyền và trong tiềm thức nhân dân, đã trở thành một phần lãnh thổ thiêng liêng quả là những quyết định khó phân công, tội.
Còn một sự nhượng bộ khác mà chắc chắn lịch sử rồi sẽ có ý kiến đó là nhượng bộ trên điểm cao 1509, Vị Xuyên, Hà Giang.
Ngày 16-5-1984, sau mười tám ngày dùng một lực lượng lớn tấn công, Trung Quốc đã chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm dọc biên giới Việt Nam, trong đó có điểm cao 1509. Hàng ngàn người lính Việt Nam đã hy sinh trong các đợt phản công lấy lại hai mươi cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1984. Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới, đa số hy sinh trong giai đoạn 1984 - 1985, có người hy sinh năm 1988 khi tái chiếm điểm cao 1509. Giai đoạn 1984 - 1985, theo ông Nguyễn Thanh Loan, người trông coi nghĩa trang: “Cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau”.
Theo Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất: “Từ khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ý nghĩa thiêng liêng nên họ xin được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy chỉ có 0,77 hecta nhưng, 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang”.
Tuy không bình luận trực tiếp trường hợp điểm cao 1509, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm giải thích: “Tôi nghĩ, các anh ấy cũng biết, nhượng một tấc đất là có tội, nhưng với một nước lớn như Trung Quốc thì tranh chấp phải được giải quyết để có được một biên giới hòa bình. Trước đó không ngày nào là không có khiêu khích”. Chính quyền Trung Quốc đã liên tục gây sức ép, từ cả những việc nhỏ mọn như ném đá vào những người dân Việt Nam cày cấy trên lãnh thổ bên biên giới của mình. Điều này đe dọa sự ổn định mà chính quyền Việt Nam kỳ vọng nên không dám bảo lưu những “khu vực nhạy cảm” như thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan… Theo ông Vũ Khoan: “Bảo lưu là mình luôn phải sống trong nơm nớp”.
Đường biên giới trước đây chỉ có 341 cột mốc, nay được đánh dấu chi tiết hơn bằng 1.971 cột mốc, với 1.378 vị trí mốc chính và 402 vị trí mốc phụ. Theo ông Nguyễn Hồng Thao: “Kết quả này là sự thể hiện sinh động của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”(VNN). Nguyễn Hồng Thao là thành viên của Đoàn đàm phán, ông ấy có thể chỉ nhắc lại “phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” như một cái máy ngoại giao. Nhưng người dân Việt Nam thì không mấy ai thiếu trải nghiệm để hiểu sâu về người láng giềng tự cho là tốt đó.
Việt Nam đã phải phân chia biên giới phía Bắc trong thế yếu. Y ếu không chỉ vì đàm phán với một đối tác to lớn hơn mình gấp nhiều lần, với một chính quyền rất khó lường, mà còn vì, toàn bộ quá trình đàm phán, hoạch định và phân giới cắm mốc đều được tiến hành trong bí mật. Trí tuệ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước không được tập hợp. Sức mạnh của dư luận không được sử dụng để vạch trần những thủ đoạn khiêu khích của Bắc Kinh. Sự hiểu biết thực địa của người dân biên giới đã không được khai thác để giúp Việt Nam giữ từng tấc đất.
Hiệp định thương mại Việt-Mỹ
Cũng năm 1999, trong khi mang “Phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” về từ một láng giềng nhiều thủ đoạn, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại đánh mất cơ hội ký hiệp định thương mại với một đối tác tiềm năng: Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.
Tại tiểu bang Ohio (Mỹ), sau khi thông báo quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận của Tổng thống Bill Clinton với Bộ trưởng Lê Văn Triết, Bộ trưởng Ron Brown đề nghị bộ thương mại hai nước lập ra tổ công tác chuẩn bị cho quan hệ song phương. Brown cho biết luôn là ông sẽ lập nhóm USTA do bà Barshefsky làm nhóm trưởng. Khi trở về Việt Nam, Bộ trưởng Lê Văn Triết đến thẳng phủ thủ tướng, chờ ông ngoài Thủ tướng còn có Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
Ông Triết kể chi tiết cuộc trò chuyện với Ron Brown. Ông Kiệt hỏi: “Theo anh, điều này sẽ tác động đến việc mở cửa của Việt Nam như thế nào?”. Ông Triết: “Theo tôi, nó phù hợp với chủ trương đa phương hóa, thêm bạn bớt thù. Chắc chắn sẽ có một số anh chưa nhất trí, có anh sẽ phân vân, nhưng mình mà lẩn quẩn thì không những mất cơ hội mà còn ảnh hưởng đến việc mở rộng quan hệ với những đối tác khác”. Ông suy nghĩ rồi nói: “Các anh nghiên cứu ngay xem quyết định bỏ cấm vận sẽ tác động đến việc Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước như thế nào. Phần ngoại giao, anh Cầm phải có kế hoạch mở rộng quan hệ đa phương ngay sau khi Mỹ chính thức tuyên bố. Anh Triết chuẩn bị tờ trình, trình Bộ Chính trị xin chủ trương  cho đàm phán ký kết  hiệp  định thương  mại với Mỹ”. Ông Triết  hỏi: “Ký một  hiệp  định song phương như với các nước?”. Ông Kiệt nói: “Đúng!”.
Ông Lê Văn Triết kể: Tôi về làm phương án đàm phán, chuẩn bị xong, tôi mời đại diện Bộ Ngoại giao, Tài chánh, Ngân hàng, Bộ Kế hoạch Đầu tư… tới họp và góp ý. Văn phòng Trung ương cũng thông báo năm ngày sau đó Bộ Chính trị sẽ nghe trình bày. Tại cuộc họp Bộ Chính trị, tôi trình bày xong, ông Đỗ Mười nói: “Y êu cầu các bộ có phản biện trước”. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Đậu Ngọc Xuân vun xới mạnh. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu thận trọng. Thứ trưởng Bộ Tài chánh Chu Tam Thức thì chừng mực. Nghe xong, ông Đỗ Mười phát biểu rất căng: “Chúng ta đã đổi mới thành công, các nước đều thừa nhận, đời sống khá hơn có cần bàn tay của Mỹ?”. Ông Đậu Ngọc Xuân nói: “Sự giúp đỡ của Mỹ là cần thiết”. Ông Đỗ Mười: “Mình hoàn toàn độc lập, cần gì phải giúp đỡ. Việc gì phải ký hiệp định thương mại?”.
Hôm ấy, theo chỉ đạo của anh Kiệt, Bộ Thương mại trình một lúc hai đề án: một để đàm phán gia nhập W TO, một để ký BTA 517. Nhưng, theo ông Triết, với cả hai, ông Đỗ Mười nói: “Việt Nam còn nghèo, hàng hóa sản xuất tỷ trọng bao nhiêu, ăn thua gì, ra nó đè chết ngay lập tức. Cái thứ ba, mình xưa giờ chủ yếu quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, chỉ am hiểu xã hội chủ nghĩa. Giờ quan hệ với người ta, bị buộc phải theo những quy định của người ta mình càng mất độc lập”. Bấy giờ ông Triết mới nhận ra lý do ông Võ Văn Kiệt mời bằng được Cố vấn Phạm Văn Đồng tham gia phiên họp này. Theo đề nghị của ông Kiệt, Cố vấn Phạm Văn Đồng phát biểu ngắn: “Bây giờ là thời kỳ toàn cầu hóa, ai cũng phải có quan hệ với các quốc gia. Đường lối đa phương hóa mà ta đã đi là đúng. Đã đúng thì cứ tiếp tục. Thời đại này không ai còn tự cung, tự túc. Có gì mà không dám làm ăn với Mỹ với W TO”.
Ông Kiệt tiếp lời: “Tôi tán thành ý kiến anh Đồng. Xu thế đó là không thể tránh khỏi. Nói để anh Mười yên tâm, tiền thân của W TO là GATT, một tổ chức mà Liên Xô là sáng lập viên, lúc đầu có ba mươi quốc gia. Chỉ khi có khối SEV, Liên Xô mới rút ra. Bây giờ nước Nga cũng muốn trở lại W TO, làm đơn xin mà họ đã chấp nhận đâu. Những nước tham gia đều theo những nguyên tắc nhất định được hình thành bằng sự đóng góp của các thành viên. Đã có 100 nước tham gia, có những nước yếu hơn Việt Nam, nhiều nước còn phải sắp hàng. Anh Đồng rất đúng, Việt Nam tuy còn yếu, hàng hóa chưa nhiều, chưa hiểu hết quy luật. Nếu mình đứng ngoài thì sẽ như cũ. Tham gia vào thì đội ngũ mới trưởng thành. Mới hiểu thị trường, luật pháp ra sao mà ứng phó. Phải tham gia để có tiếng nói của mình, còn nếu đứng ngoài thì họ quyết sao mình chịu vậy. Trung Quốc đã gửi hàng trăm người đi đàm phán lâu nay mà vẫn chưa được. Giữ gìn chế độ là nhiệm vụ của mình, nhưng không thể giữ chế độ bằng cách không chơi với ai cả”.
Ông Phạm Văn Đồng tiếp: “Anh Mười lo lắng mình bị lép vế cũng có lý vì mình còn yếu. Nhưng, tôi thì tôi không sợ. Như anh Kiệt nói, phải vào hang mới bắt cọp”. Ông Đỗ Mười không kết luận. Ông Phạm Văn Đồng đề nghị: “Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao hoàn chỉnh phương án, để báo cáo lại”.
Tháng  5-1996, ông Nguyễn  Đình Lương  tháp  tùng  ông Lê Văn Triết  đi Washington,  DC., gặp Charlene  Barshefsky, trưởng Đại diện Thương mại Mỹ. Thông điệp mà Barshefsky chuyển cho ông Triết vẫn là Hoa Kỳ sẵn sàng ký hiệp định thương mại song phương. Ông Lương nói: “Khi về nhà, tôi biết số phận của mình. Tháng 8-1996, tôi chuẩn bị một tờ trình, phân tích bối cảnh quốc tế, phân tích những ý đồ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam rồi đề ra năm nguyên tắc để bộ trưởng ký trình thủ tướng. Ông Triết đưa ra lấy ý kiến trong Bộ, một số cán bộ chủ chốt không đồng ý, lấy lý do, “không cần bàn nguyên tắc, cần bàn cụ thể thôi”, ông Triết cũng phân vân chưa ký. Phải một tháng sau, trước giờ ông Lê Văn Triết ra sân bay đi nước ngoài, tôi nói: “Anh ký đi, Văn phòng Chính phủ giục”. Ông ký. Chiều tôi mang lên Văn phòng Chính phủ. Sáng hôm sau, Văn phòng gọi: Lương ơi, báo tin mừng cho mày, anh Sáu (Võ Văn Kiệt) chỉ ghi một chữ: ‘Đồng ý’, viết từ bên này trang giấy kéo sang tới bên kia”.
Đàm phán Việt- Mỹ, theo ông Nguyễn Đình Lương: “Lên bờ xuống ruộng. Năm năm cực kỳ khó khăn. Khó nhất là vì ngay từ khi bắt đầu, ông Võ Văn Kiệt đã không còn ở vị trí quyết định. Trong các vị lãnh đạo, số người đồng ý không nhiều, lý do: đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều người muốn mình không trắng, không đen, công được hưởng, tội không phải mình. Tôi là một quan chức bé tí. Nhưng cuộc họp nào cũng phải có mặt, vì viết bài, sửa bài cũng tôi. Bộ Chính trị họp xong bảo chuẩn bị bài ra Ban Chấp hành. Cứ tiếc, ông Kiệt không còn làm Thủ tướng nữa”.
Lúc ấy trên Bộ Chính trị còn có ba ông cố vấn: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt. Ông Lương nói, chúng tôi gọi tổng bí thư là “hoàng thượng”, trên “hoàng thượng” là “vương gia”. Trước khi quyết, “hoàng thượng” còn phải xem ý “vương gia”. “Vương gia” lại có hai phía, người ủng hộ quyết liệt, người thì không. Theo ông Lương: “Cứ mỗi khi họp Bộ Chính trị, chúng tôi lại phải hỏi Văn phòng: ông Kiệt có ra họp không. Có mặt ông Kiệt thì cán cân sẽ khác. Từ đầu, quan điểm của ông Kiệt đã rất rõ ràng: phải bình thường hóa với Mỹ, ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc, ký Hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Trong cuộc họp, có khi ông mở đầu, nhưng thường, ông nghe hết các ý kiến. Cho dù các ý kiến trong cuộc họp phát biểu theo chiều hướng nào thì ý kiến của ông Kiệt vẫn là phải ký”.
Ngày 30-8-1999, ông Nguyễn Đình Lương sang Washington, D.C., hoàn tất văn bản để chuẩn bị ký. Theo ông Lương: Ngày 1-9, khi tiếp ông Lương tại phòng làm việc, Phó đại diện thương mại Hoa Kỳ Richard Fisher nói: “Lương, tôi hỏi ông một câu thôi: phía Hoa Kỳ định ký BTA tại Hội nghị APEC 518, Việt Nam có ký không?”. Ông Lương nói: “Chắc chắn ký với điều kiện ông giải quyết cho tôi mười vấn đề”. Thực ra, theo ông Lương: “Mười vấn đề mà tôi đề nghị ấy chỉ là tiểu tiết nhưng các nhà lãnh đạo bên Đảng đòi giải quyết”. Fisher nói: “Ông về báo với lãnh đạo của ông, nếu Việt Nam quyết định ký tại Auckland, có sự chứng kiến của Bill Clinton thì những vấn đề còn lại sang đó sẽ được giải quyết hết”. Hội nghị APEC cấp bộ trưởng dự kiến nhóm họp vào ngày 9 và 10-9-1999 và cuộc gặp cấp cao lần thứ 11 sẽ diễn ra ngày 12 và 13- 9-1999 tại Auckland, New Zealand.
Ông Nguyễn Đình Lương nói tiếp: “Tôi về báo cáo. Bộ Chính trị họp đồng ý nhưng chưa ra thông báo. Hai ngày trước khi APEC nhóm họp, phía Hoa Kỳ cử bà Ngoại trưởng Madeleine  Korbelová Albright sang Hà Nội. Albright sang, chỉ làm một việc duy nhất là thuyết phục ký. Bill Clinton muốn gây tiếng vang, ông ta muốn kết thúc trang sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nếu việc ký kết thành công, tháng 11-1999, Bill sẽ sang thăm Việt Nam luôn. Người Mỹ khi ấy còn có một mục tiêu khác: đàm phán Mỹ - Trung đang bế tắc sau chuyến đi của Chu Dung Cơ, Bill Clinton muốn việc ký BTA với Việt Nam như một tín hiệu gửi tới Bắc Kinh”.
Ông Võ Văn Kiệt nhận được những thông tin này ngay khi ông Nguyễn Đình Lương chưa về tới Hà Nội. Ngay 05-9- 1999, từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông viết thư gửi Bô Chinh tri, xin vắng mặt phiên họp ngay 7-9-1999 ban vê Hiêp đinh Thương mai Viêt-My và “xin phat biêu vơi Bô Chinh tri môt sô y kiên”. Ông Kiệt cho biết, nhưng y kiên nay, ông đã trao đổi với ông Nguyên Manh Câm tai Ha Nôi trong lần gặp tuần trước đó. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Nên lưu ý nhưng diên biên trong quan hê My - Trung va nên tinh tơi tinh hinh chinh tri nôi bô cua My. Chung ta không đăt vân đê nhât thiêt, băng moi gia phai ky nhanh hiêp đinh nay nhưng nêu co điêu kiên thi nên ky sơm đê phia My co thê phê chuân hiêp đinh trươc bâu cư”. Ông Kiệt cũng đưa ra một số lập luận để cho thấy việc hai nước ký hiệp định tại một nơi thứ ba, Auckland, New Zealand, nhân Hôi nghi APEC la “binh thương va ngay cang thông dung”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Ngày 7-9-1999, Bộ Chính trị họp đồng ý ký hiệp định tại Auckland. Anh Phiêu đã rất hào hứng nói, nên thưởng gì cho anh em đàm phán. Tôi nói khoan đã anh ạ, chờ xem thế nào, nhỡ người Mỹ lật lọng”. Người Mỹ không lật lọng nhưng nhà ngoại giao lão luyện người Mỹ, bà Albright, đã phạm một lỗi nhỏ góp phần làm hỏng việc lớn. Mười giờ sáng ngày 8-9-1999, gặp Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, bà Albright được ông Cầm xác nhận “sẽ ký”; hai giờ chiều gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Khải vui vẻ trả lời: “Sẽ ký”.
Có lẽ, nghĩ sứ vụ đã hoàn thành, cho nên năm giờ chiều hôm ấy, khi hội đàm với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thay vì chỉ đề cập đến việc ký kết BTA, bà Albright đã buột mồm hỏi: “Thế giới giờ chỉ còn bốn nước xã hội chủ nghĩa, theo ông, có tiếp tục giữ được không?”. Sau khi khẳng định với bà Albright, “chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp hai ông cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Mọi việc bắt đầu thay đổi.
Ông Đỗ Mười thừa nhận: “Buổi chiều, khoảng năm giờ, trước ngày đi họp APEC, anh Phan Văn Khải sang gặp tôi, nói: ‘Anh Mười ạ, mai tôi đi, anh cho ký đi’. Tôi bảo chưa được. Mai anh gặp Clinton, tôi đề nghị anh nói ba điểm: Chúng tôi muốn ký trong nhiệm kỳ của ngài nhưng hiệp định phức tạp quá không như hiệp định chúng tôi ký với EU, nên còn một số vấn đề trong Đảng và Chính phủ có ý kiến khác nhau. Tôi đề nghị ngài chỉ thị cho phái đoàn đàm phán phía Mỹ cùng chúng tôi bàn tiếp những vấn đề đó rồi sẽ ký. Ký được trong nhiệm kỳ của ngài thì tốt, nhưng nếu chưa ký được thì trước khi ngài nghỉ, mời ngài sang thăm Việt Nam để quan hệ giữa ngài và Việt Nam có trước, có sau”.
Trước đó, theo ông Đỗ Mười: “Hiệp định nó dày thế này, Bộ Chính trị ít người đọc. Tôi có thời giờ, đọc thấy nhiều vấn đề quá. Tôi gọi các vị lãnh đạo đến, nói: ‘Cái này mới quá. Đây là hợp tác toàn diện chứ đâu có phải chỉ là thương mại. Tôi đề nghị Bộ Chính trị bàn tiếp’”.
Theo  ông Nguyễn Đình Lương: “Hôm sau, 8-9-1999,  trước giờ chuyên cơ chở Thủ tướng  Phan Văn Khải, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đi Auckland, tôi nhận được điện: Ông Lương ngồi đấy, chờ có lệnh mới đi”. Ông Lương chờ, ngày thứ nhất Bộ Chính trị chưa họp, ngày thứ hai nghe tình hình khó khăn. Ngày thứ ba, quyết định không ký. Ngày thứ tư, tôi về. Vừa tới nhà đã thấy chuyên viên trong vụ ngồi đợi, bảo “lên văn phòng Ba Dũng ngay”. Ông Lương chạy lên thấy Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nhăn nhó.
Ông Lê Khả Phiêu giải thích về việc trì hoãn ký BTA một cách thận trọng: “Tôi bảo anh Phan Văn Khải cứ đi, mời Tổng thống Bill Clinton sang, sẽ ký. Lúc đó có chế độ cố vấn, dù sao cũng phải tôn trọng. Trong Bộ Chính trị, tuyệt đại đa số cũng chưa đồng ý. Ta không được chuẩn bị kỹ. Có hai chương họ tự đưa vào, năm thành bảy chương. Trước những vấn đề quốc tế khi có những ý kiến khác nhau thì phải đảm bảo chín muồi cả về nội dung lẫn kỹ thuật và phải tôn trọng tính tập thể”.
Trong nhiều tình huống “tập thể” chỉ là nơi pha loãng trách nhiệm cho các cá nhân. Phiên họp Bộ Chính trị mang tính quyết định này diễn ra khi những người am hiểu quá trình đàm phán nhất như ông Phan Văn Khải, Trương Đình Tuyển (ủy viên Trung ương thường được mời dự), Nguyễn Mạnh Cầm đều đang ở Auckland. Ông Đỗ Mười chỉ tay hỏi: “Các anh đã đọc chưa mà biểu quyết? Các anh biểu quyết bán nước à?”.
Đúng như ông Đỗ Mười nói, trong Bộ Chính trị rất ít người đọc và gần như không có ai đọc kỹ như ông. Ông Nguyễn Đức Bình buông một câu: “Toàn cầu hóa chỉ đem lại đói nghèo”. Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng lưu ý về “diễn biến hòa bình”. Tuy không có được vai vế như Đào Duy Tùng nhưng từ khóa VIII, ông Nguyễn Đức Bình trở thành “nhà lý luận hàng đầu của Đảng”. Theo ông Nguyễn Đình Lương, trong suốt quá trình đàm phán, mỗi khi xin ý kiến Bộ Chính trị, ông Nguyễn Đức Bình lại nói: “Chúng ta không chống toàn cầu hóa nhưng chỉ tham gia phong trào toàn cầu hóa do vô sản lãnh đạo chứ không nên tham gia toàn cầu hóa do giai cấp tư sản lãnh đạo hiện nay”.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Lương: “Chúng tôi rất khó để biết ý kiến thật sự của ông Lê Đức Anh. Không chống BTA nhưng ông Lê Đức Anh nói: nên ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc trước khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Trong khi đó, nhiều ủy viên Bộ Chính trị nhận được những ‘thông tin mật’ từ Tổng cục II: Trung Quốc phản ứng rất xấu nếu ký hiệp định thương mại”519. Theo ông Phan Văn Khải, khi ông Đỗ Mười đặt lại vấn đề về BTA, ông Lê Đức Anh đã đồng ý với ông Mười là chưa ký. Tại Auckland, theo ông Phan Văn Khải, ông và Bill Clinton vẫn gặp nhau. Clinton biết rõ nội tình Việt Nam nên cả hai đều không nhắc tới BTA.
Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói: “Tôi tiếc đứt ruột. Năm 1999, Bill Clinton muốn ký trước mặt các nhà lãnh đạo đủ cả phương Tây lẫn phương Đông. Khi ấy các tập đoàn sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chờ có hiệp định là nhảy vào Việt Nam. Mình quyết định không ký, mất biết bao nhiêu cơ hội”. Những thỏa thuận đạt được với Mỹ đã giúp Trung Quốc gia nhập W TO vào tháng 11-2001520. Thị trường 1,2 tỷ dân này đã có một sức hút to lớn đối với các nhà đầu tư. Năm năm sau, năm 2006, Trung Quốc trở thành quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới: 10,7% so với năm 2005.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Mất thêm một năm đàm phán, phía Mỹ cũng chấp nhận một số đề nghị của ta nhưng đồng thời cũng bắt mình phải chấp nhận thêm những yêu cầu của họ”. Mãi tới ngày 14-7-2000, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ mới được ký ở W ashington, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton chỉ còn chưa đầy 6 tháng.
Về tổng thể, theo Thủ tướng Phan Văn Khải: “So với những nội dung định ký năm 1999, Hiệp định Thương mại (BTA) Việt - Mỹ ký năm 2000 không đạt được thêm tiến bộ nào”. Nhưng, về mặt thời gian, thất bại năm 1999 đã đánh mất của Việt Nam hơn hai năm cơ hội. Ngày 4-10-2001, Thượng viện Mỹ mới thông qua BTA và hai tuần sau, ngày 17-10-2001, được Tổng thống G.W .Bush phê chuẩn. Cứ mỗi năm chậm trễ, người dân Việt Nam phải chịu thiệt hại hơn 1,5 tỷ USD521.
Bill Clinton và Lê Khả Phiêu
Gần cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Ông là vị tổng thống Mỹ thứ hai đến nơi mà ông nói, giờ đây là tên của một đất nước chứ không chỉ là một cuộc chiến tranh, và là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Hà Nội. Tại đây, Bill Clinton đã được đón tiếp bằng hai thái độ có thể nói là trái ngược nhau, một của người dân và một của các nhà lãnh đạo trong các nghi lễ đón ông chính thức.
Bill Clinton và tùy tùng tới sân bay Nội Bài lúc 11 giờ đêm ngày 16-11-2000. Điều ngạc nhiên là vị tổng thống của quốc gia mà chính quyền đang coi như kẻ thù lại được hàng ngàn người dân Hà Nội và các địa phương lân cận đứng chờ trong đêm lạnh dọc hai bên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Dường như cảm kích trước sự chào đón đó, Tổng thống Clinton đã bật đèn trong khoang xe của mình để vẫy tay đáp trả người dân Hà Nội. Dân chúng cũng đã chen chúc đến khu Văn Miếu để nhìn thấy Bill Clinton. Hai hôm sau, khi rời Hà Nội đến Sài Gòn cũng vào lúc mười một giờ đêm, Bill Clinton lại được người dân đứng chờ và reo hò khi thấy ông xuất hiện từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó, Bộ Chính trị đã phải tính đến từng nụ cười, cái bắt khi đón vợ chồng Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Phan Văn Khải kể, khi tiếp Clinton, ông đã không cười và bàn tay thì chỉ đưa ra nhẹ mà không nắm lại. Ông Nguyễn Đức Hòa, trợ lý của ông hỏi: “Người ta đã sang tận đây, tiếc gì anh không nở một nụ cười với họ?”. Ông Khải nói: “Không được đâu mày ơi, Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười”522. Chiều 17-11-2000, một ngày trước khi Tổng thống Bill Clinton nói chuyện với sinh viên ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Tướng Nguyễn Chí Trung, trợ lý của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã mấy lần xuống “quán triệt” với Ban Giám đốc các nghi thức, khi nào thì đứng dậy, khi nào vỗ tay.
Bill Clinton là một nhà hùng biện, bài nói chuyện ngày 17-11-2000 tại hội trường Đại học Quốc gia Hà Nội của ông được chuẩn bị kỹ. Thay vì theo kịch bản, sinh viên đã vỗ tay gần như liên tục ở các đoạn đầu. Trước hàng trăm sinh viên, Bill Clinton đã bập bẹ vài từ tiếng Việt mà ông nói là vừa cố học: “Xin chào các bạn”. Clinton đã làm cho các sinh viên phải vỗ tay lần thứ hai trong đoạn mở đầu khi ông nhắc tới thành tích của vận động viên Trần Hiếu Ngân 523, người Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương tại một Olympic, và các tuyển thủ bóng đá như Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn, đang tranh giải ở Tiger Cup 2000 Bangkok.
Bill Clinton cho rằng, lịch sử giữa hai quốc gia “vừa là nguồn đau thương cho các thế hệ đã qua vừa là nguồn hứa hẹn cho các thế hệ sắp tới”. Ông nói: “Cách đây hai thế kỷ, trong những ngày đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng tôi đã vượt biển để tìm các đối tác thương mại và một trong các nước mà chúng tôi tiếp cận đầu tiên là Việt Nam”. Clinton dẫn thêm một câu chuyện, cho tới lúc đó, ít người biết đến: hơn 200 năm trước, Thomas Jefferson đã cố gắng để đưa các giống lúa Việt Nam về trồng trong trang trại của ông ở Virginia. Jefferson là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của nước Mỹ. Bản tuyên ngôn mà Clinton nói là đã “vang vọng trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1945” của Việt Nam.
Theo Bill Clinton: “Tất cả những điểm gặp gỡ nhau trong lịch sử 200 năm này đã bị lu mờ trong vài thập niên vừa qua bởi cuộc xung đột mà chúng tôi gọi là Chiến tranh Việt Nam và các bạn gọi là Kháng chiến chống Mỹ”. Bill Clinton nhắc đến bức tường đá đen ghi tên những người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam, nhắc đến điều mà theo ông, các cựu binh Mỹ gọi là “mặt sau của bức tường”, đó là “sự hy sinh lớn lao” 524 của ba triệu người Việt Nam. Đứng giữa thủ đô của một chế độ coi chính quyền miền Nam là “ngụy quyền”, coi những người lính miền Nam là “ngụy quân”, Bill Clinton đã gọi đội quân người Việt ở cả hai bên là “những người lính dũng cảm”.
Không đến hội trường Đại học Quốc gia như một khách mời, nhưng có thể nói, người lắng nghe đầy đủ nhất bài phát biểu của Bill Clinton chính là ông Nguyễn Chí Trung 525. Thế hệ Nguyễn Chí Trung rất khó để chấp nhận cách gọi những người Việt ở phía bên kia, những người mà ông coi là kẻ thù là “những người lính dũng cảm”.
Nhưng ông Trung còn quan ngại khi Bill Clinton giải thích toàn cầu hóa và nói: “Theo kinh nghiệm chúng tôi, giới trẻ sẽ có nhiều niềm tin hơn vào tương lai nếu họ có tiếng nói trong việc định hướng tương lai, trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính phủ của họ và có một chính phủ có trách nhiệm đối với những người dân mà chính phủ phục vụ”. Mặc dù nhấn mạnh “chúng tôi không tìm cách và cũng không thể áp đặt những ý tưởng này”, Bill Cliton nói với sinh viên: “Chỉ có các bạn mới quyết định xem có nên chăng tiếp tục mở cửa thị trường, mở cửa xã hội của mình và củng cố nền pháp trị. Chỉ có các bạn mới quyết định liên kết như thế nào giữa tự do cá nhân và nhân quyền trên nền tảng giàu mạnh của bản sắc quốc gia Việt Nam”.
Vào thời điểm mà Bill Clinton đang nói chuyện với sinh viên ở Hà Nội, Lý Tống, một cựu phi công của Không lực Việt Nam Cộng hòa, từ California bay về Thái Lan, thuê một máy bay thể thao bí mật bay vào vùng trời Việt Nam, rải truyền đơn ở Sài Gòn và Tây Ninh, kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản. Lực lượng phòng không hôm ấy đã bị Lý Tống qua mặt và hôm sau, 18-11-2000, vì quá cảnh giác đã nổ súng sượt vào một máy bay dân dụng.
Cuối buổi chiều 18-11-2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chào đón Tổng thống Bill Clinton bằng một bài phát biểu dài526, sau khi mở đầu theo đúng thủ tục: “Tôi hoan nghênh Ngài và Phu nhân cùng phái đoàn Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam”. Ông Lê Khả Phiêu bắt đầu: “Tôi đồng ý với Ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành… Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang đánh Việt Nam? Cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với chúng tôi, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh”.
Ông Lê Khả Phiêu nói tiếp: “Bà bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi… Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền… Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi”.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kết thúc bài phát biểu “chào mừng” tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến Văn phòng Trung ương Đảng: “Chúng tôi quý trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily527, con gái của Morrison528, và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Bill Clinton nhớ lại: “Lê Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm là hành vi đế quốc. Tôi đã rất giận dữ nhất là khi ông ta nói vậy trước sự có mặt của Đại sứ Pete Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh. Tôi nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt Nam, những người theo đuổi nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt chiến đấu chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói, ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn thực dân hóa Việt Nam”529.
Ông Phan Văn Khải nhớ lại: “Ông Phiêu nói như thời chiến tranh làm cho họ rất khó chịu. Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình hình thế giới giờ đây đã khác. Phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Vấn đề là mối quan hệ giữa hai quốc gia, chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không vào thì những công ty lớn trên thế giới không có ai vào cả”. Theo Tổng thống Bill Clinton thì giữa ông và Thủ tướng Phan Văn Khải đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp trong lần gặp ở Auckland, khi đó ông Khải cũng nói là ông cảm kích trước việc Bill Clinton đã từng phản đối chiến tranh Việt Nam. Clinton nhớ lại: “Khi tôi nói: những người Mỹ phản đối hay ủng hộ cuộc chiến tranh đó đều là người tốt. Ông Khải nói: tôi hiểu”. Clinton nhận xét, dường như những người mà ông gặp ở Việt Nam, chức vụ càng cao hơn thì ngôn ngữ càng “sặc mùi” cộng sản theo kiểu cũ hơn530.
Đại hội IX
Ông Lê Khả Phiêu giữ chức tổng bí thư được ba năm. Trong ba năm đó ông luôn chứng tỏ sự vững vàng, kiên định lập trường của mình531. Nhưng những nỗ lực của ông trước hết lại bị chính các ông cố vấn sử dụng như một lý do để chống lại ông. Thái độ “kiên định” trước Tổng thống Bill Clinton rồi sẽ bị các cố vấn phê bình là cứng nhắc. Trước Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) ông Lê Khả Phiêu đã bị cả ba ông cố vấn hiệp sức ép ông phải rời chính trường.
Kiến nghị buộc ông Phiêu thôi chức được cả ba ông cố vấn đồng tình và cùng ký. Ông Nguyễn Văn An nói: “Nó có kịch tính, chính các ông ấy đưa ông Lê Khả Phiêu lên rồi lại đưa xuống. Những khuyết  điểm của ông Lê Khả Phiêu chỉ là nguyên cớ. Sẽ không làm được điều đó nếu cả ba ông cố vấn không đồng tình, đặc biệt là vai trò của Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Rất ít trường hợp cả ba ông lại đồng tình như vậy”. Ông Nguyễn Văn An cũng thừa nhận: “Nếu để ông Phiêu tiếp tục giữ chức thì sẽ dẫn đến tiền lệ tổng bí thư vi phạm nguyên tắc cả đối nội và đối ngoại”. Điều đáng nói là sự “vi phạm nguyên tắc cả đối nội lẫn đối ngoại” của ông Lê Khả Phiêu đều có bàn tay của Tổng cục II.
Về đối ngoại, ông An nói: “Ông Lê Khả Phiêu gặp Giang Trạch Dân không theo con đường chính thống bằng quan hệ Đảng, Nhà nước mà theo con đường tình báo”. Theo ông Nguyễn Đình Hương, thành viên Ban Chuyên án A10: “Tháp tùng chuyến đi ấy của Lê Khả Phiêu gồm Trần Đình Hoan, Nguyễn Mạnh Cầm và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục II Nguyễn Chí Vịnh. Vịnh bố trí một cuộc gặp giữa ông Lê Khả Phiêu và Giang Trạch Dân. Khi gặp, cả ông Nguyễn Mạnh Cầm và ông Trần Đình Hoan cùng đi nhưng phía Trung Quốc ngăn ông Cầm và ông Hoan, chỉ cho Vịnh vào. Theo báo cáo của Vịnh thì hội đàm cũng không có thỏa thuận riêng gì nhưng có nhiều người đặt vấn đề trong đó có Trần Đình Hoan”532.
Theo ông Lê Khả Phiêu thì đây là một cuộc gặp theo đề xuất của Giang Trạch Dân, phía Việt Nam cũng nhân đấy, muốn “thăm dò thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ và đối với chủ nghĩa xã hội”. Phía Trung Quốc thỏa thuận thành phần, mỗi bên bốn người, chủ yếu là chỉ để tổng bí thư gặp tổng bí thư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trong khi ông bị chặn lại thì phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Đường Gia Triền vẫn vào ngồi cùng Giang Trạch Dân.
Ông Lê Khả Phiêu giải thích: “Tôi gặp Giang Trạch Dân hai lần, lần thứ hai, hai bên thống nhất là nên có gặp riêng để bàn về biên giới và Biển Đông. Trước cuộc gặp tôi có xin ý kiến Bộ Chính trị nhưng nhiều anh quên. Tôi và Giang Trạch Dân chỉ thỏa thuận, trong vấn đề Biển Đông, cái gì chỉ liên quan đến hai nước thì đàm phán song phương, cái gì còn liên quan đến quốc gia khác thì đàm phán đa phương. Cho đến bây giờ thỏa thuận này vẫn còn được thực hiện”533.
Về đối nội, ông Lê Khả Phiêu bị cáo buộc làm trái nguyên tắc khi ký Quyết định 234, cho lập ra một cơ quan theo dõi nội bộ, chủ yếu là cán bộ cao cấp. Theo ông Vũ Quốc Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng: “Việc xem xét những sai lầm của Quyết định 234 bắt đầu sau khi ông Lê Đức Anh chính thức đặt ra”. Một ban chuyên án được Bộ Chính trị cho thành lập với thành phần gồm: Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ nghiệm Ủy ban Kiểm tra Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Trưởng Ban Bảo vệ Đảng Nguyễn Đình Hương534.
Ông Vũ Quốc Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, người được giao thẩm tra các sai phạm của ông Lê Khả Phiêu, cho biết: “Đầu năm 2001, Bộ Chính trị họp chuẩn bị Đại hội IX, chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ đi họp về nói, Bộ Chính trị đang kiểm điểm anh Phiêu gay gắt nhiều chuyện: vấn đề Campuchia, quan hệ nam nữ, vô nguyên tắc khi ra Quyết định 234, ngành tình báo lâu nay chỉ nắm địch, nay được theo dõi nội bộ, gặp Giang Trạch Dân, đi không hỏi, về không trình. Từ đó, Ủy ban Kiểm tra phải vào cuộc, họp cả ngày cả đêm. Trong khi Bộ Chính trị vẫn cứ họp. Ông Phạm Thế Duyệt, ủy viên thường trực Thường vụ Bộ Chính trị, thường xuyên gọi tôi sang, dặn: phải có trách nhiệm với Đảng, phải khách quan, không chịu áp lực của mấy ông cố vấn”.
Theo ông Vũ Quốc Hùng: “Quyết định 234 được ký theo tham mưu của ông Vũ Chính. Lẽ ra anh Phiêu phải thận trọng. Khi Vũ Chính tham mưu thì nói là làm sao để ngăn chặn diễn biến hòa bình, ngăn chặn những xu hướng không tốt trong nội bộ Đảng. Tham mưu bằng mồm và có tham mưu cả bằng giấy. Ông Phiêu thấy cần phải có một văn bản, một tổ chức nên ký”. Ông Lê Khả Phiêu giải thích: “Lúc đó, có nhiều tin tình báo được đưa ra thiếu kiểm chứng nhiều người có ý kiến. Tôi còn giữ thư anh Võ Văn Kiệt yêu cầu phải chấn chỉnh công tác tình báo, nguồn tin tình báo cần được thẩm định trước khi cho lưu hành trong nội bộ. Bản thân anh Lê Đức Anh cũng đồng ý là phải chấn chỉnh. Vì thế tôi lập ra bộ phận này giao cho anh Phạm Thanh Ngân phụ trách”.
Về “quan hệ nam nữ”, theo ông Vũ Quốc Hùng: “Trước khi đi Cuba, ông Lê Khả Phiêu có đến nhà anh Đoàn Mạnh Giao ăn cơm. Tới đó có cả cô Đặng Thu Hà, con gái Trung tướng Đặng Kinh. Ông Phiêu giải trình, quan hệ giữa ông và ông Đặng Kinh là quan hệ giữa cấp dưới với thủ trưởng, ông coi cô Hà như là cháu. Tôi có hỏi anh Trần Đình Hoan, anh có thấy yếu tố quan hệ nam nữ không. Anh Hoan nói không thấy. Còn “quan hệ với CIA”, khi đi Cuba, đoàn có Ngô Xuân Lộc, Nguyễn Mạnh Cầm, Đỗ Trung Tá đi cùng, chuyển tiếp máy bay ở Thụy Điển. Tại đây thông qua Hà có gặp một phụ nữ tên là Vũ Thị Dung, có người tố cáo Dung là CIA”.
Trên thực tế, Vũ Thị Dung chỉ là một cán bộ doanh nghiệp đi trong phái đoàn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm châu Âu. Một tấm hình chụp có Vũ Thị Dung trong chuyến đi này được photoshop, cắt hình những người cùng chụp chỉ để lại hình Lê Khả Phiêu và Vũ Thị Dung để nói ông Phiêu lén lút quan hệ với “gái” là một nữ điệp viên. Tại phiên họp Bộ Chính trị mà tấm hình này được đưa ra, ông Nguyễn Mạnh Cầm xác nhận bức ảnh này khi chụp có cả ông nhưng đã bị xóa. Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Văn An thừa nhận: “Bức ảnh được cắt xén quá ấu trĩ. Tổng cục II đưa ảnh cho ông Đỗ Mười, ông Đỗ Mười đưa cho nhiều người xem trước mặt Bộ Chính trị rồi đưa lại cho tôi quản lý”.
Đường đi của Quyết định 234 cho thấy, khó có viên tướng nào trưởng thành trong thời gian ông Lê Đức Anh cầm quyền lại có thể dễ dàng thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của ông. Khi trở thành tổng bí thư, kiêm bí thư Quân ủy Trung ương, ông Lê Khả Phiêu bàn với Tướng Phạm Văn Trà, bộ trưởng Quốc phòng và Phạm Thanh Ngân, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, lập ra một cơ quan, thành phần gồm Tổng cục II, Cục Bảo vệ An ninh, Tổng cục Chính trị. Người mà Tướng Lê Khả Phiêu giao thiết kế mô hình, chức năng, nhiệm vụ lại là Trung  tướng  Vũ Chính.
Tướng Vũ Chính đã “thiết kế” chức năng quyền hạn cho cơ quan này gồm cả quyền “theo dõi lực lượng cấp tiến trong và ngoài quân đội”. Ông Phiêu được nói là đã gạch bỏ đoạn này nhưng, Tướng Chính chỉ bỏ trong phần quyết định còn phần phụ lục hướng dẫn thì vẫn giữ nguyên. Sau khi Tướng Phạm Thành Ngân ký nháy, Bí thư Quân ủy Lê Khả Phiêu đã ký Quyết định 234.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, từ khoảng tháng 6-2000, Vũ Chính đã báo cáo với Cố vấn Lê Đức Anh rằng Quyết định 234 do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ký là sai. Nhưng đến ngày 5-1-2001, khi Bộ Chính trị họp bàn chuẩn bị nhân sự Đại hội IX, Tướng Lê Đức Anh mới đưa ra Bộ Chính trị, đòi kỷ luật ông Lê Khả Phiêu vì đã có “chủ trương theo dõi cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội”. Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng: “Quyết định 234 là một kịch bản của ông Lê Đức Anh nhằm hạ bệ ông Lê Khả Phiêu, nhất là sau khi ông Phiêu tuyên bố bỏ định chế cố vấn”. Ông Phiêu nói: “Có thể có mưu mẹo gì đấy nhưng tôi thì chỉ nghĩ đơn giản”.
Trong tuần lễ từ ngày 3 đến 11-1-2001, nhân Đại hội Đảng toàn quân, cố vấn Lê Đức Anh đột ngột buộc tội Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trong Hội nghị Bộ Chính trị, ông Lê Khả Phiêu thừa nhận có sơ hở về hành chính trong việc ký Quyết định 234, ông vẫn còn giữ được bản thảo và chứng minh Tướng Vũ Chính đã không sửa phần ông gạch bỏ. Ông Phiêu cũng cho biết trước khi quyết định có họp Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương gồm Lê Khả Phiêu, Phạm Văn Trà và Phạm Thanh Ngân. Hội nghị Bộ Chính trị ngày 5-1-2001 kết luận việc ông Lê Khả Phiêu ký quyết định 234 là vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể, yêu cầu hủy bỏ ngay Quyết định 234, giải tán ngay bộ phận tình báo theo dõi nội bộ.
Sau Hội nghị Trung ương 11, các vị cố vấn, đặc biệt là Tướng Lê Đức Anh cử người gặp các cán bộ lão thành, thông báo những thông tin liên quan đến các “sai phạm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu”. Theo ông Vũ Quốc Hùng, đây là những việc làm sai nguyên tắc của Đảng và chính Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã gửi công văn yêu cầu các vị cố vấn phải giải trình.
Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, trước khi có kết luận chúng tôi đã mời ông Lê Khả Phiêu sang Ủy ban Kiểm tra chất vấn. Ủy ban Kiểm tra kết luật không đề nghị kỷ luật ông Lê Khả Phiêu và ông Phạm Thanh Ngân nhưng không để tái cử trong nhiệm kỳ IX. Bộ Chính trị họp nói thẳng, ông Phiêu phải rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Có ý kiến đòi phải kỷ luật ông Phiêu trước khi cho nghỉ.
Ở Bộ Chính trị, ông Lê Khả Phiêu chấp nhận, nhưng tại Hội nghị Trung ương 12, theo ông Nguyễn Văn An: ‘Khi Trung ương bỏ phiếu, số người đồng ý cho ông Lê Khả Phiêu nghỉ chỉ chiếm 50,5%, số không đồng ý là 49,5%, trong khi có năm ủy viên Trung ương vắng họp. Ông Phiêu không tâm phục khẩu phục mà những người ủng hộ ông Phiêu cũng không tâm phục khẩu phục. Chúng tôi cũng lo ngại rằng ra đại hội sẽ lộn xộn. Trong Bộ Chính trị thì còn phân hóa. Ông Phiêu lại đang nắm quân đội. Tôi bàn với anh Phạm Thế Duyệt cho bỏ phiếu lại. Bộ Chính trị đồng ý. Các ông cố vấn phản đối nhưng chúng tôi kiên quyết làm. Thực ra khi đó đánh giá tình hình, bỏ phiếu lại thì ông Lê Khả Phiêu chỉ mất thêm phiếu. Đưa ra Trung ương cũng bàn cãi mãi thì Trung ương mới biểu quyết đồng ý cho bỏ phiếu lại. Ngày 18-4-2001, Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu lại, ông Phiêu chỉ còn một số phiếu rất thấp. Ông chấp nhận”.
Khi Ban Chấp hành Trung ương khóa IX họp phiên thứ nhất (22-4-2001) để bầu tổng bí thư, ông Phan Văn Khải được giao chủ trì phiên họp. Trong danh sách thăm dò mà Ban Tổ chức công bố, ông Nông Đức Mạnh đứng đầu, kế đó là Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An và Phạm Thế Duyệt. Ông Phan Văn Khải đã đề nghị “để thể hiện thái độ nhất trí cao trong Đảng” chỉ giữ một mình ông Mạnh trong danh sách bầu tổng bí thư. Trung ương vỗ tay đồng ý. Ông Mạnh “được bầu” với số phiếu 100%.
Ở sau hậu trường, theo ông Nguyễn Đình Hương: “Ba ông cố vấn cũng đã có bàn nhau, cả ba nhân vật được các cố vấn đưa ra cân nhắc trước như Lương, Trọng, An, đều có những vấn đề. Ông Mạnh nhờ không nằm trong danh sách được chuẩn bị nên không có phản đối, con người ông Mạnh lại trung dung, các ông tính, đưa ông Mạnh lên là yên. Nhưng cách tính trước mắt ấy đã dẫn đến một sai lầm chiến lược”.
Chương XXI: Định hướng xã hội chủ nghĩa
Cho dù vẫn là quốc gia một đảng, kể từ khi chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, về bản chất, Việt Nam không còn là quốc gia cộng sản. Thế nhưng, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn như một “nơi trú ẩn” của đảng cầm quyền và ý thức hệ vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình ban hành chính sách. Thật khó để khẳng định, chủ nghĩa xã hội có thực sự là niềm tin của một số nhà lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ nhưng nó đã trở thành quyền lực chính trị, ngăn chặn thành công những chính sách phát triển đất nước theo hướng kinh tế thị trường. Quan điểm lấy quốc doanh làm chủ đạo được thiết lập trong thập niên 1990 đã để lại di chứng lâu dài cho đất nước.
Quốc doanh chủ đạo
Không phải ngẫu nhiêu mà ở giai đoạn 1991-1995, GDP tăng bình quân 8,2%, mức tăng trưởng cao nhất so với cả thập niên sau đó535. Từ chỗ bị cấm đoán, trên nhiều lĩnh vực, Nhà nước đã để cho người dân được tự do làm ăn536. Kinh tế thị trường đã đánh thức khát vọng cơm no, áo ấm của người dân và trong giai đoạn sơ khai, các nguồn lực trong dân như những chiếc lò xo đã bung ra mạnh mẽ537. Nhưng, khi sức đàn hồi tự nhiên yếu dần, những bất cập về chính sách, luật pháp và thủ tục hành chính mới bắt đầu bộc lộ.
Đổi mới bắt đầu chững lại vào giữa thập niên 1990, và tốc độ chuyển sang kinh tế thị trường có nguy cơ dẫm chân tại chỗ. Sự sốt ruột được ông Võ Văn Kiệt thể hiện một phần trong "Thư gửi Bộ Chính trị".538. Nhưng Đại hội Đảng lần thứ VIII, giữa năm 1996, từ nhân sự cho đến đường lối, đã không cung cấp được nhân tố mới nào. Theo ông Phan Văn Khải, nói là Đảng bắt đầu đổi mới từ năm 1986, nhưng trên thực tế trong suốt nhiệm kỳ VI (1986-1991), trong Đảng vẫn tranh cãi liên miên về đường đi. Chấp nhận kinh tế tư nhân vì thấy “vẫn còn cần” nhưng mối quan tâm chính của Đảng vẫn là kinh tế quốc doanh.
Trước khi cho phép tư nhân lập công ty, tháng 3-1989, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Ban Chấp hành Trung ương đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ và thiết thực để cởi trói, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho kinh tế quốc doanh nâng cao hiệu quả kinh tế của nó, khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần”. Cuối năm 1989, sau mấy tháng áp dụng các biện pháp chống lạm phát, trong đó áp dụng khá triệt để nguyên tắc tự hạch toán kinh doanh đối với các doanh nghiệp, thị trường tốt hẳn lên. Nhìn kết quả chung của toàn nền kinh tế thì đó là một thành công. Khu vực kinh tế phi nhà nước được lợi, người dân được lợi lớn. Nhưng các doanh nghiệp nhà nước thì bế tắc.
Quen được bao cấp từ cung cấp vật tư cho tới khâu tiêu thụ, nay phải tự vay vốn, tự tính đúng, tính đủ giá thành sản phẩm, nhiều doanh nghiệp nhà nước đứng bên bờ vực vì thiếu vốn, hàng làm ra không bán được. Than Quảng Ninh bốn năm tháng không có lương trả công nhân. Nhà máy Diesel Sông Công, Thái Nguyên, niềm tự hào của nền công nghiệp Việt Nam, trong năm 1989 sản xuất được 5.000 đầu máy 50 mã lực nhưng chỉ bán ra được một cái.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, thư ký của ông Đỗ Mười: “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bốn lần gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê phán. Giữa năm 1989, khi họp Trung ương, nghe ông Đỗ Mười báo cáo những mặt tích cực của nền kinh tế, ông Linh nói: ‘Mất chủ nghĩa xã hội tới nơi rồi còn nói thành tích’. Ông Linh đòi ông Mười phải bỏ áp dụng các biện pháp chống lạm phát áp dụng từ quý II năm 1989. Ông Mười triệu tập các chuyên gia bàn cách thi hành lệnh của Tổng Bí thư”.
Thôi áp dụng các nguyên tắc trong đề án chống lạm phát đồng nghĩa với việc từ bỏ những nguyên tắc của kinh tế thị trường, yếu tố giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Các chuyên gia gặp nhau, hết sức lo lắng, Giáo sư Đào Xuân Sâm đề nghị: “Tôi đến tuổi rồi, có gì thì về hưu, các cậu cứ để đấy tôi nói”. Vào họp, Giáo sư Đào Xuân Sâm hỏi ông Đỗ Mười: “Anh làm thủ tướng của sáu mươi triệu dân hay chỉ là sáu triệu cán bộ quốc doanh?”. Ông Đỗ Mười nói: “Làm gì tới sáu triệu, chỉ khoảng ba, bốn triệu thôi”. Giáo sư Sâm tiếp: “Quốc hội bầu anh đứng đầu Chính phủ là để lo cho toàn dân chứ đâu phải chỉ lo cho mấy triệu công nhân quốc doanh. Một phương án đang đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân mà anh tính bỏ sao được”. Bị đặt giữa hai dòng áp lực, ông Đỗ Mười đành phải duy trì những chính sách đang phát huy hiệu quả đồng thời yêu cầu: “Các anh tìm cho tôi phương án cứu quốc doanh”.
Nhóm chuyên gia của ông Đỗ Mười bàn và đưa ra lý lẽ: Kinh tế thị trường là thả các doanh nghiệp, trong đó có quốc doanh, ra bơi chung trong một biển hồ. Vì quốc doanh chưa biết bơi nên thả ra là chết. Ngày xưa bao cấp như những chiếc lồng ấp, nên nếu quốc doanh ngắc ngoải có thể vớt lên đưa vào lồng may ra sống lại. Nhưng nay, những chiếc lồng ấp không còn, có vớt lên bờ nó cũng chết. Nguyên tắc của doanh nghiệp là phải bơi trong thị trường. Nếu chưa biết bơi thì thả thêm phao cho nó.
Ông Nguyễn Văn Nam giải thích: “Cái phao được thả ra vào thời điểm này là vốn, toàn bộ khấu hao, Chính phủ cho các doanh nghiệp quốc doanh giữ lại. Các doanh nghiệp còn được cấp trực tiếp một khoản tiền: Than Quảng Ninh và Diesel Sông Công được cấp bốn tỷ trả lương; quốc doanh được áp dụng tín dụng ưu đãi, được vay vốn với lãi suất khoảng 6-7% thay vì 13% như thị trường”. Các ngân hàng quốc doanh lại trở về với nguyên tắc bao cấp khi phải cung cấp một lượng tín dụng rất lớn cho ngân sách có tiền chi tiêu và cho các xí nghiệp quốc doanh539.
Theo ông Nguyễn Văn Nam: “Sự trì trệ của quốc doanh bắt đầu từ chính sách này. Họ đã không dựa vào phao để học bơi mà suốt đời cứ bám vào cái phao Nhà nước. Sức bám càng ngày càng nặng dần đó là lý do mà khu vực kinh tế quốc doanh chậm đổi mới và hiệu quả của nền kinh tế thì càng ngày càng thấp”. Sự tồn tại của quốc doanh, từ đó, theo ông Trần Đức Nguyên540, “chủ yếu dựa vào những ưu ái của Nhà nước: được khai thác tài nguyên, đặc biệt là đất đai; được độc quyền trong những ngành mà Nhà nước giữ quyền chi phối; nhận được tín dụng ưu đãi theo kênh hành chánh, người vay không phải chịu trách nhiệm gì”.
Những người soạn thảo “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”541, một trong ba văn kiện chính của Đại hội Đảng lần thứ VII, tháng 6-1991, đã cố gắng đặt các khung chính trị để phát triển kinh tế nhiều thành phần, chỉ giữ quốc doanh trên những lĩnh vực mà các thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh. Tổ phó Biên tập Chiến lược, ông Trần Đức Nguyên, thừa nhận những quan điểm này được hình thành sau chuyến đi “khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế ở bốn nước châu Á”542.
Tuy ghi nhận kinh nghiệm sử dụng vai trò nhà nước trong giai đoạn đầu đối với các nước từ nông nghiệp lạc hậu đi lên543, nhưng đoàn của ông Phan Văn Khải chủ yếu tiếp thu các khuyến cáo về kinh tế quốc doanh. Ở cả bốn nước mà đoàn đi qua đều có tình trạng chung: trong cùng một ngành hoạt động, quốc doanh thường kém hiệu quả hơn tư nhân, do ít tự chủ, được ưu đãi nhưng lại bị nhà nước can thiệp sâu, nên bị động và ỷ lại.
Báo cáo chuyến khảo sát của ông Phan Văn Khải viết: “Cuối cùng chính các quốc gia này rút ra: cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm; Khác với quan điểm cái gì quốc doanh không làm được mới để tư nhân làm. Cả bốn nước đều tư nhân hóa khu vực quốc doanh, nhưng vẫn giữ lại những cơ sở cần thiết như cơ sở phục vụ công cộng, cơ sở khai thác tài nguyên quan trọng như dầu mỏ, cơ sở ở những lĩnh vực tư nhân không muốn làm hoặc không đủ sức làm”544.
Thị trường và lập trường
Đầu thập niên 1990, người Nga sang Việt Nam đàm phán không nói chuyện buôn bán mà chỉ đòi nợ cũ của Liên Xô. Nền công nghiệp gia công mũi giày, may áo sơ mi, xuất sang Liên Xô, Đông Âu bắt đầu điêu đứng vì thị trường truyền thống không còn nữa. Hàng vạn công nhân thất nghiệp. Việt Nam bắt đầu phải tìm kiếm bạn hàng từ những thị trường khác.
Các doanh nghiệp phải trầy vi, tróc vảy, đi dần từng bước, từ các bạn hàng Hồng Kông, Đài Loan rồi mới nhích tới EU. Đã có biết bao công ăn, việc làm được phục hồi nhờ những bạn hàng mới đó. Nhưng do chưa quen gia công hàng cao cấp, hàng hóa cứ bị trả vì không đạt chất lượng. Khách hàng khắc phục bằng cách cử chuyên gia sang kiểm tra. Hàng hóa không còn bị trả lại nữa nhưng việc các chuyên gia tư bản ngồi trong các nhà máy quốc doanh làm cho nhiều người chạnh lòng.
Bộ trưởng Lê Văn Triết kể: “Tôi báo với ông Kiệt, ông Kiệt nói: làm với ai, làm gì mà có lợi cho đất nước thì mình cứ làm. Nhưng rồi bên Ban Bí thư nói vô nói ra, có người sợ cho tư bản kiểm tra hàng hóa của mình là mất chủ quyền, mình lệ thuộc vào nó. Có người thậm thà, thậm thụt với ông Đỗ Mười. Ở nhiều hội nghị, kể cả trong hội nghị trung ương, ông Đỗ Mười cảnh báo: Coi chừng mất định hướng, mất chủ nghĩa xã hội”. Theo ông Phan Văn Khải, tết năm 1989, tuy chúc “người dân làm giàu”, nhưng ông Đỗ Mười vẫn dùng ảnh hưởng của mình để bảo vệ quan điểm kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác là nền tảng.
Ông Phan Văn Khải nói: “Tôi và Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, phải phá bằng được thế kế hoạch hóa tập trung, phải chuyển nền kinh tế từ chỗ nhà nước quyết định đến chỗ do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ tạo ra hành lang pháp lý còn chuyện làm giàu thì phải để cho người dân, nhân dân phải là người quyết định sự nghiệp của đất nước. Trong suốt một thời gian dài chúng tôi phải tranh cãi để bảo vệ quan điểm này với những nhà lý luận mà ông Đỗ Mười tập hợp, từ Đào Duy Tùng đến Nguyễn Đức Bình và kể cả Lê Xuân Tùng. Mãi về sau này, chúng tôi mới có thêm những người ủng hộ như Phan Diễn, Nguyễn Văn An. Còn những người còn lại trong Bộ Chính trị thì không quan tâm đến lý luận”.
Trong hai ngày 30 và 31-7-1993, ông Võ Văn Kiệt tổ chức một phiên họp thường kỳ của Chính phủ tại Dinh Thống Nhất. Sau khi đánh giá: “Tình hình kinh tế xã hội đang có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đã vượt qua được những thử thách to lớn, đi dần vào thế ổn định”. Trước sự có mặt của báo giới, ông Kiệt gửi đi thông điệp: Phải làm bật dậy mọi tiềm năng trong cả nước, khai thác khả năng tiềm tàng của các thành phần kinh tế, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài nhằm đẩy nhanh công cuộc xây dựng đất nước.
Ngay sau phiên họp, khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, tuy cho rằng “trong giai đoạn trước mắt, dân doanh còn nghèo, quốc doanh còn phải trụ cột”, nhưng vẫn nhấn mạnh: “Quốc doanh vẫn chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các thành phần, các ngành kinh tế phát triển”. Mặc dù vẫn “hướng tới thành lập những công ty lớn và những tập đoàn [quốc doanh] có sức cạnh tranh với bên ngoài”, Chính phủ sẽ cho cổ phần hóa để huy động vốn đầu tư vào những công trình quan trọng hơn”. Nhưng theo ông Phan Văn Khải: “Chính phủ củng cố quốc doanh không có nghĩa là tiếp tục ôm lấy gánh nặng cho nền kinh tế”545.
Cũng từ giai đoạn này, chính phủ chủ trương bỏ dần khái niệm bộ chủ quản và khái niệm xí nghiệp trung ương, xí nghiệp địa phương, tách bạch vai trò quản lý nhà nước của các bộ với quản lý sản xuất kinh doanh. Chính phủ, kể từ năm 1991, thể hiện khá nhất quán chính sách nhắm tới nền kinh tế nhiều thành phần546.
Hơn bốn tháng sau khi đứng đầu chính phủ, ông Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập Hội đồng Trung ương Lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Thương mại Hoàng Minh Thắng làm chủ tịch. Ông Thắng nói: “Chủ trương của ông Kiệt khi cho ra đời tổ chức này là để khuếch trương kinh tế tư nhân, coi tư nhân là lực lượng chủ lực của nền kinh tế”. Từ tháng 12-1991 cho đến tháng 10-1993, Hội đồng Trung ương Lâm thời đã tổ chức được ba mươi tám hội đồng lâm thời ở ba mươi tám tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, các hợp tác xã đã được tổ chức lại theo tinh thần hợp tác tự nguyện.
Nhưng, cuối tháng 10-1993, khi đại biểu của ba mươi tám tỉnh, thành bắt đầu về Hà Nội để dự đại hội thành lập hội thì Trung ương Lâm thời được Ban Bí thư triệu tập. Theo ông Hoàng Minh Thắng: “Tôi trình bày trước Ban Bí thư về công tác chuẩn bị, về lực lượng hơn hai trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân và ba trăm nghìn hợp tác xã và tổ kinh tế hợp tác. Ông Đỗ Mười nghe, nói: rộng quá, to quá! Không cần giải thích, ông quyết định thành phần hội viên chỉ còn là tổ hợp tác và hợp tác xã, không cho bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân. Đại hội, do đó, vẫn diễn ra vào ngày 30-10-1993 nhưng thay vì thành lập Hội Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trở thành đại hội thành lập Liên minh các hợp tác xã”.
Ba tháng sau, từ ngày 20 đến 25-1-1994, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng, ông Đỗ Mười đã đọc một văn kiện chỉ ra bốn nguy cơ: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện, nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu, nguy cơ “diễn biến hoà bình” của “các thế lực thù địch”. Nói là “bốn nguy cơ”, nhưng chỉ có “chệch hướng” và “diễn biến hòa bình” là thực sự được nhấn mạnh. Nền “kinh tế thị trường” mà Đại hội Đảng lần thứ VII đưa vào văn kiện “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” đã được thêm “đuôi” để trở thành: “Xây dựng đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”547.
Không đơn giản chỉ là chuyện câu chữ, cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” được gắn vào “kinh tế thị trường” phản ánh mối tương quan quyền lực, cho thấy những nỗ lực để Việt Nam thoát ra khỏi mô hình kinh tế kế hoạch hóa là không hề dễ dàng. Sự nửa vời này gây bức bối cho cả khu vực kinh tế nhà nước lẫn khu vực kinh tế tư nhân.
Ngày 8-2-1995, ông Võ Văn Kiệt vào Sài Gòn, gặp 300 nhà doanh nghiệp tại Dinh Thống Nhất548. Ông Kiệt phân bua: “Chính phủ đang làm dâu hai họ, quốc doanh và tư doanh ai cũng kêu mình không được đối xử bình đẳng”. Các xí nghiệp quốc doanh cho rằng họ đang phải chịu nhiều thuế và phí hơn tư doanh, trên đầu họ, ngoài pháp luật còn có một cơ quan chủ quản. Trong khi, các giám đốc tư nhân lại cảm thấy bị thua thiệt với không chỉ quốc doanh mà còn với các doanh nhân nước ngoài549. Sau cuộc họp đó, ông Kiệt cử người vào Nam và mặc dù bị các tổng công ty nhà nước kinh doanh lúa gạo phản ứng khá dữ dội, ông Kiệt quyết định, thay vì tập trung quyền xuất khẩu gạo cho hai tổng công ty, chính phủ còn trao quyền này cho các tỉnh550.
Ông Khải cho rằng chưa có một chính phủ nào trong một thời gian ngắn có thể ban hành nhiều văn bản luật như Việt Nam của thập niên 1990. Điều mà nền kinh tế cần, theo thuật ngữ lúc đó, là một “hành lang pháp lý” để các thành phần kinh tế đều có thể vận hành theo kinh tế thị trường. Nhưng thị trường chính là điểm xung đột đối với những người coi lập trường quan trọng hơn quốc gia phát triển.
Khi Luật Thương mại được Chính phủ Võ Văn Kiệt biên soạn theo nguyên tắc “công dân có quyền tự do mua bán, tự do sản xuất kinh doanh”, theo Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, trước khi Quốc hội họp, ông Đỗ Mười kêu ông lên, mắng: “Tự do gì cũng phải ở trong khuôn khổ, quốc doanh phải nắm, nước nào nhà nước cũng phải quản lý”. Rồi ông Đỗ Mười yêu cầu Bộ Thương mại biên soạn lại theo hướng “quốc doanh thống lĩnh thị trường, kiên quyết không để cho tư thương đẩy lùi trận địa”. Ông Triết nói với ông Mười: “Thưa anh, đây là Hiến pháp”. Ông Mười nói: “Hiến pháp thì cũng phải vận dụng. Anh phải hiểu chứ”. Ông Triết buộc phải cắt bớt mấy chữ “tự do mua bán”, các đại biểu không đồng tình, Quốc hội biểu quyết giữ nguyên như dự thảo ban đầu. Ông Đỗ Mười lại kêu ông Triết lên, mắng: “Anh làm lỡ hết, Quốc hội biết rồi. Bây giờ phải tìm cách sửa khi làm nghị định hướng dẫn”.
Sở dĩ hàng chục năm sau đổi mới, Việt Nam vẫn không có một thị trường phát triển đúng tầm, không có những nhà tư sản thương nghiệp có khả năng tìm kiếm thị trường bên ngoài, theo Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, là do “những nỗ lực theo đúng kinh tế thị trường rất dễ bị coi là chệch hướng. Đề án xây dựng thị trường nội địa của tôi bị bác bỏ gần hết. Bản dự thảo sau khi đưa lên mấy tầng, cuối cùng trở về không còn là bản của mình nữa. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng không bảo vệ được”.
Ngay cả khi không còn giữ chức tổng bí thư, ông Đỗ Mười còn có ảnh hưởng quyết định trong việc duy trì vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Khi chuẩn bị Nghị quyết 05551, Chính phủ Phan Văn Khải lưu ý: “Có nơi còn coi trọng số lượng hơn chất lượng, hiệu quả, còn cho rằng doanh nghiệp nhà nước phải chiếm tỉ trọng lớn, phải có mặt và phải chi phối ở hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế thì mới làm được vai trò chủ đạo”552. Nhận xét này đã bị ông Đỗ Mười phê phán.
Trong thư gửi Bộ Chính trị đề ngày 2-11-2000, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười cho rằng quan điểm “thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh các thành phần kinh tế khác là một khuynh hướng sai lầm cần uốn nắn”. Theo ông Đỗ Mười: “Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên ‘chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu’ là một trong những đặc trưng của xã hội chủ nghĩa... Mọi sự coi nhẹ, làm suy yếu kinh tế nhà nước chính là biểu hiện của nguy cơ chệch hướng”. Ông Đỗ Mười cho rằng: “Luận điệu tuyên truyền và sức ép của các thế lực tư bản đế quốc bên ngoài về ‘tư nhân hóa’ đã tác động không ít đến nhận thức một số cán bộ, đảng viên ta”. Cuối năm 2000 mà ông Đỗ Mười còn đề nghị quốc doanh nắm lại các ngành vận tải ô-tô, ngành bán buôn và bán lẻ vật tư và hàng hóa tiêu dùng,… vì ông cho rằng đó là những ngành “then chốt của nền kinh tế”553.
Cố vấn Đỗ Mười đưa ra nguyên tắc: “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải nhằm tăng cường kinh tế nhà nước, chứ không phải làm suy yếu nó”554. Trong một bức thư khác, gửi đi ngày 14-11-2000, Cố vấn Đỗ Mười còn dẫn những số liệu cho thấy cổ phần hóa trên thực tế đã không theo đúng những nguyên tắc này555.
Hội nghị Trung ương 3, cho dù họp vào tháng 9-2001, khi ông Đỗ Mười đã thôi cố vấn hơn nửa năm, vẫn phải thông qua Nghị quyết  05, theo hướng tuy “đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thực hiện giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà nước”, nhưng lại coi “quy mô còn nhỏ là một trong những mặt hạn chế, yếu kém rất nghiêm trọng”. Nghị quyết 05 “trao” cho kinh tế nhà nước “vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước”.
Tháng Giêng năm 2004, khi vai trò thái thượng hoàng của “tam nhân” không còn nhiều, Chính phủ của ông Phan Văn Khải mới có thể mạnh tay sắp xếp lại khu vực kinh tế quốc doanh sau khi đạt được thỏa thuận trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa IX: “Cổ phần hóa không chỉ được đẩy nhanh tiến độ mà còn được mở rộng diện, kể cả một số tổng công ty và doanh nghiệp lớn”.
Phan Văn Khải
Cuối thập niên 1990, sau khi ông Phan Văn Khải đã trở thành thủ tướng, gia tộc họ Phan ở Nghệ An có mời ông về nhân một lần nhóm họ, ông Khải cho vợ, bà Nguyễn Thị Sáu, mang quà về. Sự xuất hiện của phu nhân thủ tướng tại gia tộc họ Phan đã khiến cho nhiều người tin vào những lời đồn đoán: Ông Phan Văn Khải là con của ông Phan Đăng Lưu556, một người từng lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ.
Trên thực tế, mãi tới năm 1939, Phan Đăng Lưu mới vào Nam Bộ trong khi ông Phan Văn Khải sinh ngày 25-12-1933 tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Mẹ ông, bà Phan Thị Mung557   là con của ông Phan Văn Ngoan558, một người có bảy mẫu ruộng, theo Thiên Địa Hội và có uy tín ở trong làng. Ông Ngoan và vợ, bà Trần Thị Lược 559, chỉ có được một người con gái sau bốn lần sinh con trai mà không nuôi được.
Năm mười chín tuổi, bà Mung mang thai với ông Nguyễn Văn Phèn, thường gọi là ông Cả Phèn, sinh ra Phan Văn Khải. Ông nội ông Cả Phèn từng làm cai tổng vùng Củ Chi. Theo ông Phan Văn Khải: “Ông ngoại tôi ghét ông Cả vì mẹ tôi vừa lớn lên, có bầu với ông rồi bị ông bỏ rơi. Nhưng, trong làng ai cũng biết, ông Cả hay đón tôi ở ngoài đường rồi chở tôi đi chơi bằng xe đạp. Các ông anh cùng cha cũng hiền và một người chị gái thì rất thương tôi. Vợ ông Cả thậm chí thỉnh thoảng còn cho mẹ tôi tiền. Khi tôi đi kháng chiến ông Cả có nhắn về để ông lo cho ăn học”560.
Ông Phan Văn Khải kể: “Khi tôi ra đời thì gia đình phá sản, phải bán đất. Ông ngoại chỉ còn lại một hecta ruộng và một hecta vườn. Ông không có con trai nên không có lao động. Năm 1940 khó khăn, ông ngoại phải bán luôn cả cái nhà bằng gỗ. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh nghèo nhưng ông ngoại vẫn cho đi học. Học hết tiểu học, thi lên lớp xong thì Việt Minh cướp chính quyền, thế là từ đó chỉ ở nhà giữ em, chăn trâu, làm thuê; ai kêu gì làm nấy, nhổ đậu, cắt lúa, nhặt đậu”. Chính những công việc này lại là cơ duyên để ông Khải “thoát ly”.
Ông Phan Văn Khải kể: “Một lần, đi chăn trâu ở Tân Phú Trung, tôi gặp mấy ông cán bộ xã trốn ở đây, huyện đưa giấy tờ về họ đọc không được, họ nhờ tôi đọc, riết thành ‘giác ngộ cách mạng’. Năm 1947, tôi về làng tham gia đội thiếu nhi cứu quốc, lập ban chấp hành thiếu nhi cứu quốc, làm thư ký ban chấp hành chi đội. Tháng 2-1948, ông Tám Hòa, chủ nhiệm Việt Minh Hóc Môn, thấy tụi tôi khai hội, ông kéo lên huyện họp, lập Ban Chấp hành Thiếu nhi Hóc Môn, tôi là ủy viên. Họp xong, từ An Nhơn Tây về nhà, tới Mũi Lớn, nghe tin ông bố dượng là chủ nhiệm Việt Minh thôn bị bắn chết, tôi lội bưng về thì má vừa chôn cất dượng xong”.
Bố dượng mất khi mẹ đang mang thai, ông Khải định ở nhà làm ăn đỡ đần mẹ nuôi ông bà. Nhưng, ông Khải nói: “Cấp trên thấy tôi lâu không lên, cử một người xuống xã Mỹ Hạnh gọi tôi qua. Ăn cơm xong, tôi nói hoàn cảnh. Vị đại diện này nói một câu: ‘Xã đang căng, mày ở nhà trước sau cũng chết. Nợ nước thù nhà, mày phải đi mới trả được’. Tôi nghĩ, chết mà không làm tròn nghĩa vụ thì không đáng làm trai nên quyết dứt áo ra đi. Về gặp ông ngoại, ông nói ‘nên đi’, bà ngoại dặn, ‘đừng ra nơi làn tên, mũi đạn’. Không dám gặp má từ giã, tôi viết thư, dặn ông ngoại đợi tôi đi rồi mới đưa cho má”.
Từ đó, ông Phan Văn Khải học cách khai hội, phát biểu trước thanh niên. Huyện Hóc Môn chia thành năm khu, ông phụ trách công tác đoàn đội ở một khu. Năm 1950, ông được điều lên Văn phòng tỉnh đoàn Gia Định. Ông Khải nói: “Tất cả sách vở của Xứ ủy và Trung ương gởi vô, tôi đọc hết. Vừa làm vừa thi vào tiểu học tỉnh Gia Định, đậu thứ chín nhưng ông tỉnh đoàn trưởng không cho đi vì có một thằng nó đi ai làm. Tôi hứa sẽ vừa làm vừa học, 6, 7 tháng thì xong lớp 4”.
Đầu năm 1954, ông và bà Nguyễn Thị Sáu561   cùng ba người bạn khác được đưa xuống miền Tây học, mới tới Hồng Ngự thì nghe tin Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Ông cùng bà Sáu vào tỉnh ủy, ông bí thư là Nguyễn Trọng Tuyển, giữ lại ăn cơm. Đang ăn thì ông Tô Ký đi họp về, ngồi vào bàn, nói: “Cho mấy đứa này ra Bắc học”. Tháng 10-1954, hai người cùng lên một chuyến tàu của người Pháp chạy ra Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Ông Phan Văn Khải kể: “Lúc đầu mấy ông định cho đi học, nhưng sau lại đưa đi làm giảm tô đợt 7. Trước khi đi, ông Tố Hữu tới giáo huấn một buổi rồi đưa xuống Bình Nghĩa, được bố trí ở trong một nhà nghèo. Mùa đông, đi cày, đi cấy, rét gần chết. Năm ấy, dân tình rất đói. Tôi thấy một bãi đất rộng khoảng hai mươi hecta, liền kêu gọi thanh niên trồng khoai lang. Đoàn về kiểm tra, thấy có thằng miền Nam năng nổ, quyết định tặng Huân chương Lao động hạng III, nhưng khi huân chương về thì tôi đã được đưa lên Sơn Tây, học trường cải cách ruộng đất. Học xong được phân công về xã Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Tây. Mấy ông Đội khác rất hống hách. Ở Võng Xuyên, Đội tôi cũng có bắn một cai tổng vì được tố là đã giết chết nhiều người ở gốc đa đầu làng. Lúc đó tôi là đội phó”.
Trong thời gian đó, bà Nguyễn Thị Sáu được đưa đi học Đại học Nhân dân, trường do ông Phạm Văn Đồng kiêm hiệu trưởng. Bà Sáu và ông Khải bắt đầu phải lòng nhau từ khi bị kẹt lại ở Hồng Ngự, mối quan hệ này trở thành tình yêu trong những ngày họ cùng ở trên đất Bắc. Ngày 16-8-1956, tại Y ên Mỹ, nơi ông đang làm cải cách ruộng đất, họ chính thức làm lễ cưới với sự chứng kiến của ông chú ruột của ông Khải, nguyên chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Chợ Lớn, cùng tập kết.
Tháng 9-1956, ông Khải nhận được thư của Ban Tổ chức Trung ương kêu về học trường Bổ túc Công nông Trung ương, nơi mà những người nổi tiếng lúc đó như anh hùng Ngô Gia Khảm, anh hùng La Văn Cầu đang học. Ông Phan Văn Khải kể: “Trường bắt đầu với hai lớp, 4 và 5, tôi thi đậu vào lớp 5. Tôi học hết 6 lớp trong ba năm thay vì theo quy định là bốn năm, vừa học vừa làm công tác Đoàn toàn trường. Năm 1957, vợ tôi sinh con trai đầu lòng, hàng ngày tôi đi bộ từ trường về nhà ở số 4 Thụy Khê. Năm 1959, ông anh vợ mới dành tiền, thương, mua cho cái xe đạp. Sáng vô trường mua nắm xôi, vừa lật bài, vừa ăn, vừa học. Học hết cấp III tôi thi đậu vào bách khoa, định sẽ làm kỹ sư điện nhưng vừa nhận chức lớp trưởng thì có quyết định qua trường ngoại ngữ, ở đó, 1/3 sinh viên học tiếng Trung Quốc, 2/3 học tiếng Nga. Tôi học tiếng Nga rồi đi Liên Xô học ngành kinh tế kế hoạch”.
Năm 1965, tốt nghiệp về nước, ông Khải muốn đi dạy nhưng bà Sáu, lúc ấy làm ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, muốn ông về cùng. Ba năm sau ông được cử giữ chức trưởng phòng. Đến năm 1972, chuẩn bị ký Hiệp định Paris, ông Lê Duẩn có kế hoạch lập chính phủ ba thành phần, ông Khải cùng một số cán bộ được đưa vào Trung ương Cục. Khi kế hoạch này bất thành, hè năm 1973, ông ra Bắc trở lại nhận một chức vụ phó ở Ủy ban Thống nhất. Tháng Giêng năm 1976, ông Phan Văn Khải được đưa về Sài Gòn. Lúc này, Ủy ban Nhân dân Cách mạng vừa được thành lập, ông Khải được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, ông Võ Văn Kiệt khi ấy là chủ tịch Thành phố kiêm chủ nhiệm.
Ông Phan Văn Khải là một cán bộ mẫn cán. Thật khó để đánh giá ông là một người không muốn tranh đua danh vọng hay là một người không muốn đặt mình trong các tâm điểm của đấu trường. Khi về Sài Gòn, ông Trưởng Ban Tổ chức Trương Văn Tư hỏi: “Mày về đây muốn làm chức gì?”. Ông Khải trả lời: “Ở ngoài kia, cháu vụ phó, chú có thể giao cháu làm phó chủ nhiệm Ủy ban, nếu một thời gian thấy cháu không làm được thì cho cháu thôi”. Một năm sau ông Tư nói: “Mấy ổng kêu mày khá”.
Làm phó cho ông Võ Văn Kiệt muốn được khen thì phải vô cùng nỗ lực. Ông Phan Văn Khải kể: “Khi ở Liên Xô về, tôi cân nặng 52 kg, vào Thành phố một thời gian còn 43 kg, Thành phố cho ra Thanh Đa an dưỡng lên được 3 kg”. Năm 1976, ông Phan Văn Khải được giới thiệu vô Thành ủy nhưng đã rút lui để không chia phiếu của ông Vũ Đại, một người đồng cấp lớn tuổi. Nhưng từ khi đó, ông đã là người được ông Lê Đức Thọ xếp vào diện cán bộ nguồn. Năm 1978, ông được Ban Bí thư chỉ định làm Thành ủy viên, năm sau, 1979, được đưa bổ sung làm phó chủ tịch trực Ủy ban Nhân dân Thành phố kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch.
Những năm đầu thập niên 1980, ông Phan Văn Khải đã sử dụng các thương nhân người Hoa, lập các trạm thu mua nông sản để xuất khẩu. Ông cũng được ông Võ Văn Kiệt, khi đó đã là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ủng hộ lập công ty vận tải biển Saigonship. Ông cũng là người chủ trương mở đường cho tư nhân ở Thành phố được làm xăm lốp ô tô, xe đạp,…
Giai đoạn này, ông Nguyễn Văn Linh được điều trở lại thay ông Kiệt làm bí thư Thành ủy. Theo ông Khải: “Khi mới về gặp công nhân, ông Nguyễn Văn Linh nói: Bây giờ chúng ta làm chủ nhà máy, xí nghiệp. Công nhân nói: Hồi xưa làm thuê chúng tôi có việc làm bây giờ làm chủ thì chúng tôi không có việc làm nữa. Ông Linh tỉnh ra. Ông Linh cũng đổi mới nhưng không phải bắt đầu bằng sự lăn lộn, nghiên cứu, tổng kết như ông Kiệt”.
Thời gian đó, Thành phố bươn chải trong một khung cảnh, nhận thức của nhiều địa phương còn ấu trĩ. Ông Phan Văn Khải nhớ lại: “Thấy chúng tôi thu mua lương thực, thực phẩm, bí thư Đồng Nai than: Chiều chiều thấy bắp, trái chở về Sài Gòn là tôi lại xót xa. Trong một hội nghị ở Vĩnh Long, có người nói: Gạo thịt của chúng tôi bị chở về Thành phố hết. Chủ trì hội nghị, ông Kiệt nói: Sau này, nếu Thành phố không tiêu thụ thì dân họ sẽ níu áo ông vì bán không được đấy”.
Cuối thập niên 1970, ông Phan Văn Khải luôn có mặt bên cạnh ông Kiệt trong những chuyến đi cơ sở gỡ rối cho doanh nghiệp. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, ông, một người được đào tạo về kinh tế kế hoạch hóa ở Liên Xô, bắt đầu nhận thấy nhu cầu tìm hiểu nền kinh tế của các nước phương Tây. Từ Sài Gòn, ông Phan Văn Khải đề nghị Bộ Chính trị cho ông tổ chức một đoàn nghiên cứu đi các nước trong khu vực. Mục đích của chuyến đi được đề nghị công khai là “thăm dò cơ hội đầu tư và thái độ của các nước ASEAN đối với chính sách đổi mới của Việt Nam”. Tháng 9-1988, đề nghị của ông Khải được Bộ Chính trị đồng ý sau nhiều lần thảo luận.
Ông Phan Văn Khải lúc đó là chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhưng xin visa với danh nghĩa là trưởng đoàn doanh nhân Thành phố. Theo ông Nguyễn Văn Kích, thư ký ông Khải: “Lúc đầu Đoàn dự định đi năm nước, bao gồm cả Hồng Kông, nhưng sau khi đi Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, do có vài trục trặc nên chuyến đi đến Hồng Kông không thực hiện”.
Chuyến đi được sắp đặt bởi Charles Đức. Ở Singapore, theo ông Võ Tá Hân: “Tôi bỏ việc để đưa đoàn tham quan. Vì chưa có quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore nên Đoàn không thể thăm trực tiếp nhiều chỗ, chẳng hạn như khi muốn xem cảng Singapore thì tôi phải đưa lên tầng cao tòa nhà IBM đang xây của tập đoàn CDL - Hong Leong để ngắm”.
Sau mấy ngày thăm Singapore, ông Khải muốn có một buổi nói chuyện và câu hỏi mà ông đặt ra là, “Việt Nam phải làm gì để đi theo con đường của Singapore?”. Chiều 28-9-1988, Đoàn họp tại Vietnam Trade House 562. Ông Lương Văn Tự khi ấy đang là trưởng đại diện thương mại của Việt Nam tại Singapore chủ trì. Ông Võ Tá Hân, diễn giả được ông Tự mời đến cuộc họp này, kể: “Buổi họp kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ. Tôi chuẩn bị mười bốn trang ghi chú viết tay, điểm qua mọi vấn đề như đâu là năm thế mạnh của Việt Nam, chiến thuật giúp tăng trưởng kinh tế, chống lạm phát phi mã, và nói về việc chống tham nhũng... Tôi bắt đầu buổi họp bằng một câu phát biểu rất ngắn gọn: Việc đầu tiên là các anh phải để dân chúng tự do làm ăn!”.
Trong cuộc họp này, ông Hân mang theo một chồng sách tặng ông Phan Văn Khải, trong đó có cuốn Singapore, The Socialist Model That Works. Theo ông Hân: “Tôi nói với ông, Singapore thực sự cũng là một mô hình xã hội chủ nghĩa. Họ chỉ có một đảng cầm quyền là Đảng Hành Động Nhân Dân563   và đảng này, mỗi lần viết các văn bản nội bộ, thường bắt đầu bằng câu ‘Dear Comrades’ mà Việt Nam vẫn dịch là ‘Thưa các đồng chí’”. Trưa thứ Sáu, 30-9-1988, thông qua sự thu xếp của ông Hân, Canadian Business Association tổ chức cho Đoàn một cuộc gặp tại Tanglin Club, hội quán lâu đời và uy tín nhất ở Singapore.
Ông Hân kể: “Trước khi bước lên thang lầu để vào phòng họp, tôi đứng chụp một bức hình kỷ niệm với ông Khải nơi chân cầu thang. Thấy ông Khải rút điếu thuốc định bật lửa để hút, tay hơi run, tôi bèn nói: anh Khải ơi, mình đang ở trong phòng lạnh, họ không cho mình hút thuốc; rồi trấn an để ông ấy lên tinh thần: anh phải hăng hái lên vì thế giới họ vẫn coi mình là cọp đó! Ông Khải trả lời với giọng Nam rặc: cọp gì! cọp... đói!”.
Theo lời mời của CBA, sứ quán Mỹ và Canada tại Singapore  đã cử hai vị phó đại sứ đến tham dự. Ông Khải tự giới thiệu là đại biểu quốc hội, chủ tịch Thành phố564. Tuy không cấm vận thương mại Việt Nam nhưng để bày tỏ thái độ trước việc Việt Nam đưa quân tới Campuchia, Singapore không cho các công ty nhà nước và công ty nhận bảo trợ của nhà nước có quan hệ thương mại với Việt Nam. Chính quyền cũng phản đối các doanh nghiệp Singapore  cung cấp cho Việt Nam những vật tư chiến lược và giúp Việt Nam phát triển hạ tầng. Chính vì vậy, bài diễn văn của ông Phan Văn Khải được mở đầu bằng thông tin “việc rút quân khỏi Campuchia có thể hoàn thành trước năm 1990”. Ông Khải nói: “Chúng tôi hy vọng với việc rút quân này, Mỹ không còn lý do gì để tiếp tục áp dụng cấm vận thương mại lên Việt Nam”.
Ông Khải nói một cách chân thành: “Chuyến đi của chúng tôi là nhằm tìm kiếm một cái nhìn bên trong những thành tựu của các quốc gia Đông Nam Á. Những điều đã tạo nên sự phát triển kỳ diệu và giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội một cách thành công. Chúng tôi tin rằng những điều đó có thể trở thành bài học tốt cho Việt Nam”.
Ông Khải giới thiệu đôi nét về các chính sách mới ban hành kêu gọi đầu tư nước ngoài như Luật Đầu tư 1987, Nghị định 139, rồi ông nói: “Cánh cửa giờ đây đã mở ra. Chúng tôi muốn làm ăn với các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á”. Sau cuộc họp, CBA tổ chức một cuộc họp báo, mời bốn cơ quan truyền thông: Reuters, Straits Times Singapore, Sunday Times và một tờ báo Nhật Bản.
Chính quyền Singapore đã phản ứng sau khi tờ Sunday Times, số ra ngày Chủ nhật 2-10-1988 đưa tin về “tiệc trưa” tại CBA. Ông Khải đến Singapore cùng mười người khác theo visa cá nhân, “khách hàng” được hai công ty Singapore, Thai Hing  Long    Imkov Shipping,  mời    bảo  lãnh.  Nhưng  hoạt  động  của  ông  bị nhà  báo  Mike  Yeong    tả: “Khi  đến Singapore, họ hợp thành nhóm, cùng với hai quan chức từ cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Singapore, tự giới thiệu là phái đoàn thương mại Việt Nam và hoạt động ngoài khuôn khổ những gì được chỉ ra trong visa”.
Chính quyền, như được cảnh báo sau bài tường thuật của Sunday Times, đã nhắc nhở ông Lương Văn Tự, nếu vi phạm hơn thế hoặc tiếp tục vi phạm như thế thì sẽ “không được tha thứ” và “việc xin visa của các doanh nhân Việt Nam sẽ bị khó khăn hơn”. Bộ Ngoại giao Singapore cũng “dọa” trục xuất ông Võ Tá Hân. Theo ông Lương Văn Tự: “Khi thấy tôi bị Bộ Ngoại giao Singapore triệu tập phê bình vì tự tiện tổ chức họp báo, ở nhà cũng xôn xao, nhưng tôi bình tĩnh vì biết họ sẽ chỉ làm điều này như một thủ tục, chính quyền Singapore lúc đó bắt đầu muốn nối lại làm ăn với Việt Nam”565.
Sau chuyến đi, ông Phan Văn Khải có làm một bản báo cáo gửi Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng. Theo ông Nguyễn Văn Kích, người chấp bút bản báo cáo này, sau khi điểm qua những hoạt động và ghi nhận chính của Đoàn trong chuyến đi, ông Khải đưa ra ba kiến nghị: cần sớm xác lập quan hệ với ASEAN, phải coi ASEAN là đối tác thay vì đối đầu; chỉ có trong kinh tế thị trường các nguồn lực và tài nguyên của đất nước mới được phát huy đúng mức; các nước sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam miễn là mình có chính sách bảo vệ được đồng vốn cho họ. Ông Kích kể rằng, trong suốt chuyến đi, câu nói
của Lý Quang Diệu mà Đoàn tâm đắc nhất là: Kinh tế thị trường + tổ chức xã hội theo kiểu xã hội chủ nghĩa = Singapore.
Uy tín của ông Phan Văn Khải bắt đầu lên cao, nhưng khi ấy ông vẫn ở Sài Gòn lại thuộc thành phần tập kết. Ông Phan Minh Tánh kể, phó bí thư Thành ủy, ông Bảy Dự Nguyễn Võ Danh, từng nói: “Bắc Kỳ đã rất khó ưa nhưng còn đỡ hơn dân tập kết”. Ông Khải vẫn được coi là một người của ông Võ Văn Kiệt, trong khi thế hệ lãnh đạo mới ở Sài Gòn hiện đã ở trong tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Văn Linh. Tháng 4-1989, ông Phan Văn Khải được điều ra Hà Nội566.
Tuy nhiên, việc ông Khải ra Hà Nội giữ chức chủ nghiệm Ủy ban Nhà nước thay thế ông Đậu Ngọc Xuân đã giúp ông chứng tỏ khả năng nắm bắt các vấn đề vĩ mô và hình thành các chính sách ở tầm quốc gia. Vừa nhận chức, ông Khải đã được ông Đỗ Mười giao đứng đầu nhóm soạn thảo “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”, công việc mà những người chủ trì trước đó đã không làm ông Mười vừa ý. Ông Phan Văn Khải ngay sau đó được cử làm trưởng đoàn thực hiện một chuyến “khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế ở bốn nước châu Á”567.
Chuyến đi, theo ông Phan Văn Khải, có ảnh hưởng trực tiếp vào quá trình biên soạn “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”. Không chỉ làm việc trong những phiên chính thức, khi đã trở về khách sạn, ông Phan Văn Khải, ông Trần Đức Nguyên lại ngồi với Giáo sư Davis Dapice, ông Thomas Valleley 568. Ông Khải thừa nhận đây là những ngày ông ở trong tâm thế của một người đi học và những gì ông thu nhận được có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành các chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thập niên 1990.
Thật khó để nói ông Phan Văn Khải là “người của ai” như cách mà những người quan tâm đến chính trường vẫn thường lý giải khi có ai đó được cất nhắc lên hàng lãnh đạo. Ông được đào tạo từ Liên Xô, đủ độ tin cậy cho những người muốn duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng từng là chủ tịch một thành phố năng động như Sài Gòn, ủng hộ Bí thư Võ Văn Kiệt thời kỳ xé rào, tiếp tục phát triển những thành quả đổi mới dưới thời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, và vào Trung ương năm 1982 với hậu thuẫn của ông Lê Đức Thọ.
Năm 1991, Thành phố có một nỗ lực nữa để ngăn cản ông Phan Văn Khải vào Bộ Chính trị. Ông Khải kể: “Trước Đại hội, ông Hai Chí, Bảy Dự và giám đốc Công an Thành phố ra Hà Nội xin gặp Ban Tổ chức Trung ương để tố cáo tôi khai lý lịch không đúng nhưng Ban Tổ chức không tiếp, nói vấn đề đó đã được xác minh. Họ gặp ông Nguyễn Văn Linh. Khi vấn đề được đưa ra Bộ Chính trị, ông Võ Văn Kiệt nói: Chuyện buồn thời xưa, sao Bộ Chính trị cứ hạch sách người ta hoài. Nếu xét lý lịch thì xét anh Khải có làm gì phản động không, anh ấy có đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị không, còn chuyện anh ấy con ai thì tôi đề nghị Bộ Chính trị thôi”. Theo ông Phan Văn Khải: “Ngay từ khi bắt đầu tham gia cách mạng tôi luôn khai rõ tôi là con ngoài giá thú”.
Sau Đại hội, ông Phan Văn Khải được cử làm phó thủ tướng thường trực. Trong suốt hơn sáu năm làm thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã hành động như một đầu tàu, như một cỗ xe tăng đi trước, che chắn cho các ý tưởng cải cách và đưa ra những quyết định lớn. Việc điều hành sự vụ và tiến trình soạn thảo các chính sách được giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ông Kiệt đánh giá ông Phan Văn Khải là “một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”569   nhưng trong thâm tâm ông vẫn cho rằng ông Khải là một người thiếu quyết đoán để đóng vai trò đứng đầu. Đến phút chót, ông Võ Văn Kiệt mới chính thức giới thiệu ông Phan Văn Khải như một người kế nhiệm mình. Theo ông Phan Văn Khải: “Lúc đầu, ông Lê Đức Anh cản. Cùng lúc có nhiều tin đồn về con trai tôi được tung ra570. Vì những tin ấy, ở đại hội tôi mất hơn một trăm phiếu”571.
Ông Võ Văn Kiệt không hài lòng lắm về khả năng quyết đoán của ông Phan Văn Khải nhưng ông biết ông Khải là người tiếp tục tốt nhất các chính sách đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường. Những người như ông Đỗ Mười biết rõ người kế vị mình, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, vừa quá cứng rắn lại vừa hiểu biết không nhiều về kinh tế. Vai trò “nhà kinh tế hàng đầu” của ông Khải buộc các khuynh hướng quyền lực lựa chọn ông.
“Sân chơi” không bình đẳng
Tư duy của các nhà lãnh đạo đóng một vai trò vô cùng quyết định đối với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Xét dưới góc độ chính sách, trong thập niên 1990, hai nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất là Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Theo ông Phan Văn Khải, điểm khác nhau căn bản giữa ông Võ Văn Kiệt và ông Đỗ Mười là một bên, ông Kiệt, muốn đặt hiệu quả của nền kinh tế lên hàng đầu; một bên, ông Mười, muốn xác định quốc doanh là chủ đạo.
Giữa năm 1997, Chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt đầu soạn thảo một nghị quyết trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng để làm cơ sở cho việc ban hành những chính sách tiếp tục đổi mới và thúc đẩy kinh tế nhiều thành phần. Công việc đang dở dang thì tháng 9-1997, ông Võ Văn Kiệt bàn giao chức thủ tướng.
Để trình ra Hội nghị Trung ương, dự thảo nghị quyết này được Thủ tướng kế nhiệm Phan Văn Khải đặt tên là “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến nǎm 2000”. Dự thảo nghị quyết đề cập đến nhiều lĩnh vực như tín dụng, ngân hàng, đất đai. với ý định tạo ra một môi trường pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế.
Sau tháng 9-1997, ông Đỗ Mười tiếp tục làm tổng bí thư. Thư ký của ông Đỗ Mười, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, nói: “Đụng đến doanh nghiệp nhà nước là đụng đến vấn đề định hướng. Họp lên họp xuống mấy tháng trời mà cứ dẫm chân tại chỗ. Ông Phan Văn Khải và ông Trần Xuân Giá rất than. Tôi nói với ông Đỗ Mười: Hai bên đang có những nghi vấn lẫn nhau, anh nghi Chính phủ đổi mới quá, thị trường quá; Chính phủ nghi anh bảo thủ quá, tôn sùng cơ chế cũ quá. Anh không nên để tình trạng này kéo dài. Ông Mười trong thâm sâu rất sợ bị coi là bảo thủ”.
Dự thảo “đẩy mạnh đổi mới kinh tế” được đưa ra thông qua tại Hội nghị Trung ương 4, họp vào tháng 12-1997. Đây là hội nghị trung ương cuối cùng ông Đỗ Mười chủ trì với tư cách tổng bí thư. Những người soạn thảo trấn an các nhà lý luận của  Đảng  bằng  những  khẩu hiệu khẳng  định  quan  điểm  lập  trường:  “Tǎng  cường  sự  lãnh  đạo  của  Đảng”, “Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý”, đồng thời “cài cắm” không ít quan điểm mới: “Xoá bao cấp tín dụng”, “Đặt các doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh theo pháp luật”. Nghị quyết Trung ương 4 là cơ sở chính trị để Chính phủ Phan Văn Khải tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, bãi bỏ những tội danh trong Bộ Luật Hình sự vốn được hình thành trên cơ sở nền kinh tế tập trung quan liêu, xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999 trên nền tảng “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa VIII cũng là cơ sở chính trị để Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải thay thế Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp Tư nhân bằng một luật mới chung cho mọi loại hình doanh nghiệp. Ông Phan Văn Khải nói: “Một khi mà các sản phẩm chính vẫn nằm trong tay quốc doanh, một khi quốc doanh vẫn còn độc quyền thì không thể có cạnh tranh, không thể có bình đẳng trong kinh doanh, không thể có kinh tế thị trường thực thụ”.
Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mang một sắc thái mới khi khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng lớn dần572. Tuy nhiên, luật lệ vẫn được ban hành bởi bộ máy hành chính quan liêu, chính sách vẫn được hình thành dựa trên nền tảng tư duy “xin-cho” khiến cho việc thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn573. Người kinh doanh phải mất hàng tháng để xin một giấy phép chuyên ngành trong khi thời hạn mỗi giấy phép như vậy thường chỉ có giá trị trong vòng một năm. Giấy phép kinh doanh cấp ở địa phương này lại thường không có giá trị khi mở thêm một cơ sở kinh doanh ở địa phương khác.
Ngay trong năm 1998, Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải bắt tay soạn thảo Luật Doanh nghiệp, với tham vọng chỉ cần một luật này đã đủ để áp dụng cho không chỉ các loại hình kinh doanh tư nhân mà còn áp dụng cho cả các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Mục tiêu nhắm tới là tự do kinh doanh, Nhà nước chỉ duy trì những giấy phép thật sự cần thiết đối với một số ngành hạn chế, thay thế cơ chế xin cho bằng cơ chế đăng kí kinh doanh với những thủ tục được tối đa đơn giản hóa.
Tuy nhiên, thiết lập một “sân chơi bình đẳng” như ngôn ngữ của những năm cuối thập niên 1990 và đưa địa vị kinh tế tư nhân lên ngang hàng với kinh tế quốc doanh không phải là một con đường dễ dàng. Ngay trong Hội nghị Trung ương 4, tháng 12-1997, một trưởng ban của Đảng nói: “Sở hữu tư nhân mạnh lên là nền tảng để xây dựng lực lượng chính trị; để cho kinh tế tư nhân phát triển cũng coi như để cho chúng nó đào mồ chôn chúng ta”. Quan điểm ấy được nhiều ủy viên Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị tán đồng.
Ông Trần Xuân Giá, người chủ trì soạn thảo Nghị quyết Trung ương 4 và sau đó soạn thảo Luật Doanh nghiệp 574, nói: “Các nhà lý luận của Đảng, người thì tuyên bố công khai trên báo chí, người thì nói trong hội nghị Trung ương đều thể hiện bản chất đổi mới nửa vời, ép thì đổi chứ không mới. Cuộc đấu tranh dai dẳng về sở hữu, về mức độ phát triển tới đâu của kinh tế thị trường, đâu là phạm vi, đâu là giới hạn, vẫn không phân thắng bại. Đó là cuộc đấu tranh của tương quan lực lượng. Sau khi ông Kiệt nghỉ, nếu không có ông Khải là thua”.
Quan điểm người dân được làm những gì pháp luật không cấm, lập doanh nghiệp không cần khai vốn điều lệ, đăng ký thay thế cho xin phép, theo ông Trần Xuân Giá, bị phê phán ở các cuộc họp Bộ Chính trị bàn về Luật Doanh nghiệp. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ngồi nghe và khi giải lao đã nói với ông Trần Xuân Giá: “Tôi không muốn chống anh nhưng tôi hỏi thật, làm luật như thế này thì chúng ta có còn đi theo chủ nghĩa xã hội?”.
Chiều ngày 29-5-1999, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật Doanh nghiệp, Luật bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2000. Ngay trong năm 2000, số lượng doanh nghiệp mới được lập đã tăng gấp ba lần năm 1999575. Tuy nhiên cuộc đấu tranh cho một môi trường tự do kinh doanh chỉ mới bắt đầu.
Luật Doanh nghiệp ra đời làm mất hiệu lực của hàng ngàn thủ tục xin cho. Trong khi hàng ngàn giấy phép khác vẫn đang được các địa phương, các bộ ngành che chở. Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm tổ trưởng đã được Thủ tướng Phan Văn Khải thành lập. Các tổ viên gồm Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Vũ Quốc Tuấn và thư ký Nguyễn Đình Cung. Ngoài chức năng tư vấn trực tiếp cho thủ tướng, thời Chính phủ Phan Văn Khải, Ban Nghiên cứu của thủ tướng còn hoạt động như một chỗ dựa, đồng thanh tương ứng với Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp.
Hơn một tháng sau khi Luật Doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực, ngày 3-2-2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định bãi bỏ tám mươi bốn giấy phép con, quyết định này được coi là một món quà Tết của Thủ tướng đối với các nhà doanh nghiệp. Trước đó, Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp được báo chí ủng hộ, đã phải “chiến đấu” khá cam go với các bộ trưởng chỉ vì phía sau mỗi tờ giấy phép là bổng lộc và quyền hành.
Ngày 1-8-2000, quyết định bãi bỏ giấy phép lần thứ hai được đưa ra, lần này dưới dạng chính phủ ban hành một nghị định theo đó, bãi bỏ hai mươi bảy giấy phép và chuyển ba mươi bốn giấy phép thành điều kiện kinh doanh. Những năm sau đó, gần 500 giấy phép con đã bị Thủ tướng Phan Văn Khải bãi bỏ, trong đó có những loại giấy phép như giấy phép xuất bản catalog kèm theo máy ảnh, giấy phép hành nghề in roneo, giấy phép hành nghề photocopy, giấy phép đánh máy chữ, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phế liệu, phế thải kim loại, giấy vụn, thủy tinh vụn…
Sau ba năm thi hành Luật Doanh nghiệp, năm 2003, Việt Nam đã tăng được hai bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo bảng xếp hạng này, năng lực cạnh tranh tăng trưởng của Việt Nam năm 2003 tăng sáu bậc nếu xếp hạng trên tám mươi nền kinh tế của năm 2002, hoặc tăng hai bậc nếu xếp hạng trên 102 nền kinh tế của năm 2003576.
Cùng với việc bãi bỏ các loại thủ tục, các loại giấy phép, theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, thái độ cửa quyền của các cơ quan thuế, hải quan đã giảm đáng kể, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được những chi phí về thời gian và tiền bạc. Cho đến lúc ấy, kết cấu hạ tầng và bộ máy hành chính nhà nước của Việt Nam vẫn còn yếu kém577.
Nhưng, “sự trỗi dậy của hàng loạt giấy phép kinh doanh” vẫn tựa như “đầu Phạm Nhan”, cắt chỗ này lại mọc lên chỗ khác. Các bộ, ngành, khi dự thảo luật đã cài cắm các quy định để khi thi hành những quy định này lại đẻ ra giấy phép. Theo bà Phạm Chi Lan, đại biểu quốc hội cũng có thể bị “cài bẫy” bởi những điều khoản chung thì cơ quan soạn thảo viết hay đến nỗi có đại biểu Quốc hội phải kêu lên là mở quá, thoáng quá, để rồi khi thiết kế những điều cụ thể họ mới bắt đầu trói lại578.
Từ 2001-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ba lần ra chỉ thị yêu cầu các địa phương, các ngành bãi bỏ các quy định trái thẩm quyền nhưng, cứ bỏ giấy phép này thì lại nảy sinh thêm nhiều giấy phép khác. Cuối năm 2005, danh sách giấy phép cần bãi bỏ vẫn còn lên tới con số 300: bốn mươi mốt giấy phép thuộc ngành văn hóa thông tin; ba mươi bảy giấy phép thuộc ngành nông nghiệp; ba mươi tư giấy phép thuộc ngành ngân hàng; hai mươi tư giấy phép thuộc ngành tài chính.
Sự phục hồi các loại giấy phép con tiếp tục làm cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam chậm được cải thiện. Năm 2005, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam vẫn phải mất tới sáu mươi ba ngày để hoàn tất các thủ tục pháp lý kinh doanh trong khi việc này ở Úc chỉ mất khoảng hai ngày. Ở Đan Mạch, người khởi nghiệp kinh doanh không phải tốn một chi phí nào để có thể hoạt động thì ở Việt Nam phải mất khoản phí tổn bằng gần 30% mức thu nhập bình quân GDP579.
Từ giữa năm 2006, Tổ Công tác thi hành luật Doanh nghiệp trình danh sách 122 loại giấy phép cần bãi bỏ, sau khi nghiên cứu hơn 300 loại giấy phép được quy định trong 400 loại văn bản, đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi 247 loại giấy phép khác. Thế nhưng khi mới thảo luận ở tầm chuyên viên, số giấy phép đề nghị bãi bỏ đã bị cắt giảm từ 122 xuống còn bốn mươi hai và khi đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành thì ý kiến của Tổ Công tác đã bị các bộ, ngành đồng thanh phản đối.
Ông Phan Văn Khải chưa kịp ký quyết định bãi bỏ nốt số giấy phép này khi kết thúc nhiệm kỳ. Người kế nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không chỉ để cho các giấy phép cũ tiếp tục “hành dân” mà còn bỏ mặc các địa phương, các ban ngành nữa, sinh thêm nhiều “giấy phép”.
Chương XXII: Thế hệ khác
Cho dù trong Bộ chính trị khóa X (2006-2011) vẫn có những người trưởng thành qua chiến tranh, họ bắt đầu thuộc thế hệ “làm cán bộ” chứ không còn là thế hệ của những “nhà cách mạng”. Nếu có khả năng nắm bắt các giá trị của thời đại và có khát vọng làm cho người dân được ngẩng cao đầu, họ hoàn toàn có cơ hội chính trị để đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới. Ngay cả khi duy trì phương thức nắm giữ quyền bính tuyệt đối hiện thời, nếu lợi ích của nhân dân và sự phát triển quốc gia được đặt lên hàng đầu, họ có thể trao cho người dân quyền sở hữu đất đai, lấy đa sở hữu thay cho sở hữu toàn dân; họ có quyền chọn phương thức kinh tế hiệu quả nhất làm chủ đạo thay vì lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Vẫn còn quá sớm để nói về họ. Khi cuốn sách này ra đời, họ vẫn đang nắm giữ trong tay mình vận hội của chính họ và đất nước.
Người kế nhiệm
Theo ông Phan Văn Khải, khi thăm dò ý kiến chuẩn bị nhân sự cho Đại hội X, các ban ngành đánh giá ông Vũ Khoan cao hơn. Một trong những “ban, ngành” nhiệt tình ủng hộ ông Vũ Khoan là Ban Nghiên cứu của thủ tướng. Thời ông Phan Văn Khải, trước khi chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Các văn bản hay bị Ban Nghiên cứu có ý kiến lại thường được đưa lên từ Văn phòng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Khải thừa nhận, thâm tâm ông cảm tình với ông Vũ Khoan hơn, tuy nhiên, phần vì Vũ Khoan bị coi là thiếu thực tế trong nước, phần vì ông đã lớn tuổi - Vũ Khoan sinh năm 1937, cùng năm sinh với các ông Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An - nên việc giới thiệu ông là gần như không thể. Nhưng, chủ yếu, theo ông Khải: “Tương quan lực lượng không cho phép”.
Ngày 28-6-2006, Quốc hội bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Trước khi rời nhiệm sở, ông Phan Văn Khải tổ chức một buổi gặp mặt toàn thể Ban Nghiên cứu với sự có mặt của thủ tướng mới được bầu Nguyễn Tấn Dũng. Tiếp lời ông Phan Văn Khải, trong một  diễn văn ngắn, ông Dũng cũng đã dùng những  từ ngữ tốt đẹp để nói về Ban Nghiên cứu và tương lai cộng tác giữa ông và các thành viên. Cũng trong cuộc gặp này, ý tưởng hình thành văn phòng thủ tướng trong Văn phòng Chính phủ đã được cả ông Khải và ông Dũng cùng ủng hộ.
Trong đúng một tháng sau đó, công việc của Ban vẫn tiến hành đều đặn. Chiều 27-7-2006, ông Trần Xuân Giá được mời lên phòng thủ tướng. Ông Giá nhớ lại, đó là một cuộc làm việc vui vẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý để Giáo sư Đào Xuân Sâm, lúc ấy đã lớn tuổi, nghỉ hưu và ông cũng tỏ ra không bằng lòng với việc Tiến sỹ Lê Đăng Doanh vẫn hay phát biểu với vai trò thành viên của Ban Nghiên cứu. Cuộc nói chuyện kéo dài tới 17 giờ ngày 27, Thủ tướng thân tình đến mức ông Giá tạm thời gạt qua kế hoạch nghỉ hưu và trở về ngồi vẽ sơ đồ tổ chức văn phòng thủ tướng và chuẩn bị kế hoạch củng cố Ban Nghiên cứu.
Hôm sau, ngày 28-7-2006, khi ông Trần Xuân Giá đến cơ quan ở đường Lê Hồng Phong thì thấy Văn phòng vắng vẻ, nhân viên lúng túng tránh nhìn thẳng vào mắt ông. Ông Trần Xuân Giá làm tiếp một số việc rồi về nhà. Vào lúc 16 giờ cùng ngày, ông nhận được quyết định nghỉ hưu và quyết định giải thể Ban Nghiên cứu do văn thư mang tới. Cả hai cùng được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 28-7-2006, tức là chỉ ít giờ sau khi ngồi “hàn huyên” với ông Trần Xuân Giá. Theo ông Giá thì ông là người cuối cùng trong Ban Nghiên cứu nhận được quyết định này.
Ông Nguyễn Tấn Dũng sinh tại Cà Mau năm 1949. Mới mười hai tuổi đã theo cha vào “bưng” làm liên lạc, ông biết chữ chủ yếu nhờ các lớp bổ túc ở trong rừng do địa phương quân tổ chức. Sau đó, ông Dũng được đưa đi cứu thương rồi làm y tá cho Tỉnh đội.
Ngày 30-4-1975, Nguyễn Tấn Dũng là trung úy, chính trị viên Đại đội Quân y thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. Đầu thập niên 1980, theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi ấy, tôi là Phó chính ủy Quân khu IX, trực tiếp gắn quân hàm thiếu tá cho anh Nguyễn Tấn Dũng. Năm 1981, khi anh Dũng bị thương ở chiến trường Campuchia, tôi cho anh về nước đi học”. Năm 1983, từ trường Nguyễn Ái Quốc trở về, ông Dũng ra khỏi quân đội, bạn bè của cha ông, ông Nguyễn Tấn Thử, đã bố trí ông Dũng giữ chức phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Nhưng vị trí giúp ông có một bước nhảy vọt trong con đường chính trị là chức vụ mà ông nhận sau đó: bí thư Huyện ủy Hà Tiên.
Sau Đại hội V, ông Lê Duẩn có ý tưởng cơ cấu một số cán bộ trẻ và một số cán bộ đang là bí thư các ‘pháo đài huyện’ vào Trung ương làm ủy viên dự khuyết như một động thái đào tạo cán bộ. Ông Nguyễn Đình Hương 580 nhớ lại: “Trước Đại hội VI, tôi được ông Lê Đức Thọ phân công trực tiếp về địa phương gặp các ứng cử viên. Phía Nam có anh Nguyễn Tấn Dũng, bí thư huyện Hà Tiên, cô Hai Liên, bí thư huyện ủy Thống Nhất, Đồng Nai, cô Trương Mỹ Hoa, bí thư quận Tân Bình; phía Bắc có cô Nguyễn Thị Xuân Mỹ, bí thư Quận ủy Lê Chân, Hải Phòng”. Sau Đại hội VI, ông Nguyễn Tấn Dũng rời “pháo đài” Hà Tiên về Rạch Giá làm phó bí thư thường trực rồi chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh.
Trước Đại hội Đảng lần thứ VII, khi chuẩn bị cho Đại hội Tỉnh Đảng bộ Kiên Giang, ông Lâm Kiên Trì, một cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của tỉnh từ chức, mở đường cho ông Nguyễn Tấn Dũng lên bí thư. Theo ông Năm Loan, khi ấy là ủy viên thường vụ, trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang: “Ông Đỗ Mười vào T78, triệu tập Thường vụ Tỉnh ủy lên họp, duyệt phương án nhân sự và quyết định đưa Nguyễn Tấn Dũng lên làm bí thư”. Năm ấy ông Dũng bốn mươi hai tuổi.
Trong một nền chính trị, mà công tác cán bộ được giữ bí mật và phụ thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn của một vài nhà lãnh đạo, các giai thoại lại xuất hiện để giải thích sự thăng tiến mau lẹ của một số người. Trong khi dư luận tiếp tục nghi vấn ông Nông Đức Mạnh là “con cháu Bác Hồ”581, một “huyền thoại” khác nói rằng, cha của ông Nguyễn Tấn Dũng đã “chết trên tay ông Lê Đức Anh” và trước khi chết có gửi gắm con trai cho Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Quân khu IX Lê Đức Anh. Trên thực tế, cha ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Tấn Thử, thường gọi là Mười Minh, đã mất trước khi hai ông Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh đặt chân xuống Quân khu IX.
Ngày 16-4-1969, một trái bom Mỹ đã ném trúng hầm trú ẩn của Tỉnh đội Rạch Giá làm chết bốn người trong đó có ông Nguyễn Tấn Thử khi ấy là chính trị viên phó Tỉnh đội. Một trong ba người chết còn lại là ông Chín Quý, chính trị viên Tỉnh đội. Trong khi, đầu năm 1970, ông Lê Đức Anh mới được điều về làm tư lệnh Quân khu IX còn ông Kiệt thì mãi tới tháng
10-1970 mới xuống miền Tây. Họ có nghe nói đến vụ ném bom làm chết ông Chín Quý và ông Mười Minh nhưng theo ông Kiệt thì cả hai ông đều chưa từng gặp ông Mười Minh Nguyễn Tấn Thử. Mãi tới năm 1991, trong đại hội đại biểu tỉnh đảng bộ Kiên Giang, ông Võ Văn Kiệt mới thực sự biết rõ về ông Nguyễn Tấn Dũng và cho tới lúc này ông Kiệt vẫn muốn ông Lâm Kiên Trì, một người mà ông biết trong chiến tranh, tiếp tục làm bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Ông Nguyễn Tấn Dũng được điều ra Hà Nội tháng 1-1995, ông bắt đầu với chức vụ mà xét về thứ bậc là rất nhỏ: thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trước Đại hội VIII, theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi làm nhân sự Bộ Chính trị, anh Nguyễn Tấn Dũng gặp tôi, nói: ‘Anh em miền Nam yêu cầu tôi phải tham gia Bộ Chính trị’. Trong khi, thứ trưởng thường trực là anh Lê Minh Hương thì băn khoăn: ‘Ngành công an không thể có hai anh ở trong Bộ Chính trị’. Tôi bàn, anh Lê Minh Hương tiếp tục ở trong Bộ Công an, anh Nguyễn Tấn Dũng chuyển sang Ban Kinh tế”.
Tháng 6-1996, ông Dũng được đưa vào Bộ Chính trị phụ trách vấn đề tài chính của Đảng. Cho dù, theo ông Lê Khả Phiêu, ông Dũng đắc cử Trung ương với số phiếu thấp và gần như “đội sổ” khi bầu Bộ Chính trị nhưng vẫn được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị, một định chế mới lập ra sau Đại hội VIII, vượt qua những nhân vật có thâm niên và đang giữ các chức vụ chủ chốt như Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải. Ông Nguyễn Đình Hương giải thích: “Nguyễn Tấn Dũng được ông Đỗ Mười đưa đột biến vào Thường vụ Bộ Chính trị chỉ vì ông Đỗ Mười có quan điểm phải nâng đỡ, bồi dưỡng, con em gia đình cách mạng. Tấn Dũng vừa là một người đã tham gia chiến đấu, vừa là con liệt sỹ, tướng mạo cũng được, lại vào Trung ương năm mới ba mươi bảy tuổi”.
Ngay cả khi đã ở trong Thường vụ Bộ Chính trị, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn là một con người hết sức nhã nhặn. Ông không chỉ cùng lúc nhận được sự ủng hộ đặc biệt của các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, mà những ai biết ông Dũng vào giai đoạn này đều tỏ ra rất có cảm tình với ông. Theo ông Phan Văn Khải: “Nguyễn Tấn Dũng được cả ba ông ủng hộ, đặc biệt là ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Tấn Dũng cũng biết cách vận động. Năm 1997, trước khi lui về làm cố vấn, cả ba ông thậm chí còn muốn đưa Tấn Dũng lên thủ tướng, tuy nhiên khi thăm dò phiếu ở Ban Chấp hành Trung ương cho cương vị này, ông chỉ nhận được một lượng phiếu tín nhiệm thấp”.
Kinh tế tập đoàn
Trước Đại hội Đảng lần thứ X, tháng 4-2006, ông Nguyễn Tấn Dũng được Bộ Chính trị phân công làm tổ trưởng biên tập “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010”. Khi chủ trì các buổi thảo luận, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đưa vào văn kiện chủ trương tổ chức doanh nghiệp nhà nước theo hướng kinh doanh đa ngành.
Theo ông Trần Xuân Giá, tổ phó biên tập: “Cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành là ngược lại với chủ trương lâu nay của chính phủ nên chúng tôi không dự thảo văn kiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng. Đến gần đại hội, ông Dũng cáu, ông viết thẳng ra giấy ý kiến của ông rồi buộc chúng tôi phải đưa nguyên văn vào Báo cáo, phần nói về doanh nghiệp nhà nước: Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có một số ngành chính; có nhiều chủ sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối”.
Lúc ấy, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có đủ phiếu ở Ban Chấp hành Trung ương để tiến đến chiếc ghế thủ tướng. Ông khát khao tạo dấu ấn và nôn nóng như những gì được viết trong Báo cáo Kinh tế mà ông chủ trì: “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.
Mặc dù từ năm 1994, Quyết định số 91/TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói đến việc “thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh” nhưng cho đến năm 2005, Việt Nam chưa có một tập đoàn nào ra đời. Cuối nhiệm kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải cho thành lập hai tập đoàn: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam ngày 26-12-2005 và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin ngày 15-5-2006.
Hai tháng sau khi nhận chức, ngày 29-8-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ngành dầu khí được nâng lên quy mô tập đoàn, PetroVietnam, ngày 30-10-2006 thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su, ngày 9-01-2006 thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Tốc độ thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước có chững lại sau khi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết một thư ngỏ đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, yêu cầu thận trọng vì theo ông, trong khi những yếu kém của mô hình tổng công ty 90, 91 chưa được khắc phục mà lại làm phình to chúng ra bằng các quyết định hành chính là không hợp lý. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Các doanh nghiệp nhà nước của ta có truyền thống dựa vào bao cấp nhiều mặt, không dễ từ bỏ thói quen cũ, nếu từ bỏ thói quen cũ cũng không dễ đứng vững trong thế cạnh tranh… Không có gì đảm bảo khi các tập đoàn được thành lập sẽ hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp hiện nay”582.
Trong khoảng thời gian từ khi ông Võ Văn Kiệt mất, tháng 6-2008, cho đến năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kịp nâng số tập đoàn kinh tế nhà nước lên con số mười hai. Nhưng chính sách cho tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành chứ không phải số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước mới là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Theo ông Phan Văn Khải: “Khi thành lập Tập đoàn Vinashin, tôi nghĩ, đất nước mình có bờ biển dài hơn 3.000km, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu là cần thiết nhất là khi ngành công nghiệp này đang được chuyển dịch từ các nước Bắc Âu về Trung Quốc, Hàn Quốc. Chính tôi quyết định đầu tư cho Vinashin khoản tiền bán trái phiếu chính phủ hơn 700 triệu USD. Nhưng, sau đó thì không chỉ Vinashin mà nhiều tập đoàn khác cũng phát triển ồ ạt nhiều loại ngành nghề, ở đâu cũng thấy đất đai của Vinashin và của các tập đoàn nhà nước”.
Theo ông Trần Xuân Giá: “Ông Nguyễn Tấn Dũng coi doanh nghiệp nhà nước như một động lực phát triển, nhưng phát triển doanh nghiệp nhà nước theo cách của ông Dũng không hẳn chỉ để làm vừa lòng ông Đỗ Mười”. Cho phép các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành cũng như tháo khoán các kênh đầu tư mà nguồn vốn cho khu vực này lại thường bắt đầu từ ngân sách. Ông Phan Văn Khải giải thích: “Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành tích nổi bật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tấn Dũng muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm chỉ sau bốn năm. Ngay trong năm 2007, ông đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra từ ngân sách, từ ngân hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.
Theo ông Trần Xuân Giá: “Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, mỗi khi tổng đầu tư lên tới trên 30% GDP là lập tức thủ tướng được báo động. Trước năm 2006, năm có tổng đầu tư lớn nhất cũng chỉ đạt 36%. Trong khi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau khi nhận chức đã đưa tổng mức đầu tư lên 42% và đạt tới 44% GDP trong năm 2007”. Cho tới lúc đó những ý kiến can gián thủ tướng cũng chủ yếu xuất phát từ các thành viên cũ của Ban Nghiên cứu như Trần Xuân Giá, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan. Nhưng tiếng nói của họ không còn sức mạnh của một định chế sau khi Ban Nghiên cứu đã bị giải tán. Cả ba sau đó còn nhận được các khuyến cáo một cách trực tiếp và nhiều cơ quan báo chí trong nhiều tháng không phỏng vấn hoặc đăng bài của những chuyên gia này.
Năm 2006, tăng trưởng tín dụng ở mức 21,4% nhưng con số này lên tới 51% trong năm 2007583. Kết quả là lạm phát cả năm ở mức 12,6%. Các doanh nghiệp, các ngân hàng bắt đầu nhận ra những rủi ro, từng bước kiểm soát vốn đầu tư vào chứng khoán và địa ốc. Nhưng đầu năm 2008, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như hoảng sợ khi lạm phát lên tới gần 3% mỗi tháng và những “liệu pháp” được đưa ra sau đó đã khiến cho nền kinh tế dồn dập chịu nhiều cú sốc.
Cuối tháng 1-2008, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng dự trữ bắt buộc từ 10 lên 11%. Để có ngay một lượng tiền mặt lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ, các ngân hàng thương mại cổ phần buộc lòng phải tăng lãi suất huy động. Lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng mấy ngày cuối tháng 1-2008 tăng vọt lên tới 27%, trong khi đầu tháng, con số này chỉ là 6,52%. Ngày 13-2-2008, Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định, buộc các ngân hàng thương mại phải mua một lượng tín phiếu trị giá 20.300 tỷ đồng. Áp lực tiền bạc đã làm náo loạn các tổ chức tín dụng.
Thoạt đầu, các tổng công ty nhà nước rút các khoản tiền đang cho vay lãi suất thấp ở các ngân hàng quốc doanh, gửi sang ngân hàng cổ phần. Chỉ trong ngày 18-2-2008, các tổng công ty nhà nước đã rút ra hơn 4.000 tỷ đồng. Các ngân hàng quốc doanh, vốn vẫn dùng những nguồn tiền lãi suất thấp từ Nhà nước đem cho các ngân hàng nhỏ vay lại, nay thiếu tiền đột ngột, vội vàng ép các ngân hàng này. “Cơn khát” tiền toàn hệ thống đã đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng có khi lên tới trên 40%.
Lãi suất huy động tăng, đã khiến cho các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng buộc khách hàng chấp nhận lãi suất lên tới 24 - 25%, cao hơn nhiều mức mà Luật Dân sự cho phép. Các doanh nghiệp cũng “khát” tiền mặt, tình trạng bán hàng dưới giá, hoặc vay với lãi suất cao đang khiến cho chi phí sản xuất tăng đột biến. Không có gì ngạc nhiên khi lạm phát ba tháng đầu năm 2008 lên tới 9,19%. Các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước nói là chống lạm phát, nhưng đã trực tiếp làm “mất giá” đồng tiền khi đặt các ngân hàng trong tình thế phải nâng lãi suất.
Ngày 25-3-2008, Ngân hàng Nhà nước lại khiến cho tình trạng khan hiếm tiền mặt thêm nghiêm trọng khi yêu cầu thu về 52.000 tỷ đồng của ngân sách đang được đem cho các ngân hàng quốc doanh vay với lãi suất 3%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường tín dụng. Khoản tiền này theo nguyên tắc phải được chuyển vào Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, từ mười năm trước, theo “sáng kiến” của Bộ Tài chính, nó đã được đem cho các ngân hàng quốc doanh vay. Một mặt, nó tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, một mặt làm cho nền kinh tế lập tức rơi vào khủng hoảng do tín dụng bị cắt đột ngột và những khoản vay còn lại thì phải chịu lãi suất cao.
Thị trường chứng khoán nhanh chóng hiển thị “sức khỏe” của nền kinh tế. Từ mức trên 1000, ngày 6-3-2008, chỉ số VN-index xuống còn 611. Cho dù Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cố dùng uy tín chính trị của mình để cứu vãn bằng cách tuyên bố rằng đầu tư vào chứng khoán bây giờ là thắng vì đã xuống đến đáy nhưng chỉ hai mươi ngày sau, 25-3- 2008, chỉ số VN-index chỉ còn 492 điểm. Ngày 5-12-2008, VN-index chỉ còn 299 điểm. Xuất khẩu quý 1-2008 vẫn tăng 23,7%; nhập khẩu tăng 60,7%. Tại Sài Gòn, kinh tế vẫn tăng trưởng khá, ngân sách quý I vẫn thu tăng 72,6%. Nhưng các biện pháp chống lạm phát đã làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh hơn nửa năm trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu.
Từ cuối năm 2008, khuynh hướng quay trở lại nền kinh tế chỉ huy càng tăng lên cho dù điều này là vô vọng vì ở giai đoạn này, đóng góp của khu vực tư nhân cho nền kinh tế đã vượt qua con số 50% GDP của Việt Nam. Dù vậy, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn liên tục ban hành các mệnh lệnh hành chánh hòng kiểm soát trần lãi xuất, kiểm soát thị trường ngoại tệ, thị trường vàng584.
Khi ông Đỗ Mười nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, để có ngoại tệ, Chính phủ phải cho một nhà đầu tư của Nhật thuê khu nhà khách ven hồ Thiền Quang. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thủ tướng, Việt Nam có một khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 23 tỷ đôla. Nhưng, di sản lớn hơn mà Thủ tướng Phan Văn Khải trao lại cho ông Dũng là một Việt Nam đã hoàn thành thủ tục để gia nhập W TO. Trong khoảng thời gian 1996-2000, cho dù chịu mấy năm khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5% trong khi lạm phát chỉ là 3,5%. Trong khoảng thời gian 2001-2005, lạm phát có cao hơn, 5,1%, nhưng tăng trưởng vẫn dương: 7%.
Chỉ sau mấy tháng nhận chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa GDP tăng trưởng tới mức kỷ lục: 8,5% vào tháng 12-2007; đồng thời cũng đã đưa lạm phát vào tháng 8-2008 lên tới 28,2%. Tháng 3-2009, tăng trưởng GDP rơi xuống đáy: 3,1%. Trong sáu năm ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chứ Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế luôn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát. Năm 2007 GDP tăng trưởng ở mức 8,48% trong khi lạm phát lên tới 12,63%. Năm 2008 mức tăng trưởng giảm xuống 6,18% trong khi lạm phát là 19,89%. Năm 2009 GDP chỉ tăng 5,32% lạm phát xuống còn 6,52% do các nguồn đầu tư bị cắt đột ngột. Năm 2010 GDP tăng đạt mức 6,78% nhưng lạm phát tăng lên 11,75%. Năm 2011 tăng trưởng GDP giảm còn 5,89% trong khi lạm phát lên tới 18,13%. Năm 2012, nền kinh tế gần như ngưng trệ, lạm phát ở mức 6,81% nhưng GDP cũng xuống tới 5,03% thấp kỷ lục kể từ năm 1999585. Nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như không lối thoát.
Nông Đức Mạnh
Ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức thủ tướng sau Đại hội Đảng lần thứ X, một đại hội mà ông Nông Đức Mạnh cảm nhận được áp lực thông qua vụ án PMU 18. PMU 18 là một cơ quan quản lý các dự án giao thông sử dụng các nguồn vốn ODA lên tới gần hai tỷ USD. Thoạt đầu, gần như tình cờ, cảnh sát bắt được một vụ đánh bạc từ đó thu giữ một máy tính có chứa các dữ liệu cho thấy, Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc PMU 18 đã từng đánh bạc, cá độ với số tiền lên tới 1,8 triệu USD.
Nếu như vụ án “Năm Cam” hồi năm 2003 ảnh hưởng tới chính trị bởi cách triển khai mang tính anh hùng cá nhân thì vụ PMU 18 đã mang một màu sắc mới. Lực lượng công an biết sử dụng công cụ “làm án” của họ và các nhà chính trị cũng không còn để bị động. Kịch tính của vụ án PMU 18 được đẩy lên cao khi cơ quan điều tra cố tình rò rỉ các thông tin về sự dính líu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Việt Tiến và những tin nhắn tình nghi chạy án liên quan đến Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát.
Cả ông Tiến và ông Oánh đều là những người được Hội nghị Trung ương 13 đưa vào danh sách đề cử bầu Ban Chấp hành Trung ương.  Đặc biệt,  ông  Nguyễn  Việt  Tiến đích thân được Tổng  Bí thư  Nông  Đức Mạnh giới thiệu. Cái gọi là “đường dây chạy án” được đồn đãi lúc đó còn nhắc tới Đặng Hoàng Hải, con rể Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đang làm chánh văn phòng cho Bùi Tiến Dũng. Ngày 14-4-2006, tức là chỉ chưa đầy hai tuần trước khi khai mạc Đại hội Đảng lần thứ X, ông Nguyễn Việt Tiến bị bắt.
Ngoài hai ứng cử viên bị lỡ cơ hội vào Trung ương, Đại hội vẫn diễn ra như dự kiến, ông Nông Đức Mạnh vẫn được giữ ngồi lại ghế tổng bí thư nhưng vụ PMU 18 đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của ông. Nhiều tháng sau Đại hội, ông Mạnh gần như không ra khỏi khu Nguyễn Cảnh Chân. Các cáo buộc về ông Nguyễn Việt Tiến và ông Cao Ngọc Oánh hóa ra là bịa đặt. Các phóng viên trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt đã đăng bất cứ thông tin gì được mớm từ cơ quan điều tra bắt đầu phải đối diện với một cuộc điều tra mới dưới sự chỉ đạo của Tướng An ninh Nguyễn Văn Hưởng.
Quyền bính bắt đầu vận hành theo một sắc thái mới. Lần đầu tiên trong nền chính trị Hà Nội, mối quan hệ giữa Thủ tướng và công an thực sự có ảnh hưởng qua lại. Ngoài Bộ trưởng Lê Hồng Anh xuất thân từ Kiên Giang, bên cạnh Thủ tướng luôn là Tướng An ninh Nguyễn Văn Hưởng.
Trong suốt gần hai năm sau đại hội, hơn hai mươi lăm phóng viên của gần như đủ các tờ báo quan trọng nhất bị điều tra. Ngày 12-5-2008, Nguyễn Văn Hải, phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến, phóng báo Thanh Niên, bị bắt. Cùng với một cộng sự khác, Tướng Nguyễn Xuân Quắc, cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, người ra lệnh bắt ông Nguyễn Việt Tiến đã bị chính ông Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau khi nhận chức Thủ tướng, ký quyết định cho nghỉ hưu khi vẫn còn dở dang công việc của một trưởng ban chuyên án. Ông Quắc sau đó còn bị khởi tố.
Sau khi hai nhà báo phải lãnh án tù giam, theo yêu cầu của công an, Bộ Thông tin rút thẻ bốn nhà báo chủ chốt của hai tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Tổng Biên tập Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng, và Tổng Biên tập Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế, bị mất chức. Báo chí trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng gần như không còn nhuệ khí để phản biện các chính sách và đề cập đến các thông tin liên quan đến tham nhũng. Trong khi đó, người đứng đầu bên Đảng là Nông Đức Mạnh lại thể hiện rất giới hạn quyền lực Tổng Bí thư.
Về sau, ông Phan Văn Khải cũng đã nuối tiếc khi ủng hộ ông Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư. Ông Khải nói: “Ông Mạnh trình độ yếu lại thiếu bản lĩnh nên gần như không có tác dụng gì. Khi ông Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, nếu điều gì đã thống nhất với tôi thì cho dù ra Bộ Chính trị có ý kiến khác ông vẫn bảo vệ nhưng ông Mạnh thì không. Gật gù với nhau nhưng khi thảo luận thấy có vài ý kiến hơi khác là ông im lặng”. Theo ông Lê Khả Phiêu: “Sau Đại hội VIII khi anh Đỗ Mười giao cho tôi chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị và Thường vụ để bàn trước với các anh Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Nông Đức Mạnh gặp tôi nói: em biết thân phận em rồi, người dân tộc chỉ có thể làm đến thế”586.
Từ một người vô danh trên chính trường bỗng chốc được đặt vào ghế chủ tịch Quốc hội, ngay từ khi đó, Nông Đức Mạnh đã trở thành tâm điểm của những lời đồn đoán. Cha ông là Nông Văn Lại, mẹ ông là Hoàng Thị Nhị. Nhưng họ Nông của ông khiến nhiều người liên tưởng tới một người phụ nữ từng gặp gỡ Hồ Chí Minh, bà Nông Thị Trưng. Nhiều người còn cho rằng tuổi thật của ông là sinh năm 1942, một năm sau khi Hồ Chí Minh trở về hang Pac Bó, chứ không phải năm 1940, như ghi trong hồ sơ. Lại còn có giai thoại, năm 1965, khi ông đang là công nhân lâm trường, đích thân Đại tướng Võ Nguyễn Giáp lên gọi về đưa sang Liên Xô học587.
Tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa IX, tháng 7-1994, trong giờ giải lao, phóng viên Huỳnh Ngọc Chênh của báo Thanh Niên phỏng vấn: “Thưa, Chủ tịch có phải con của Bác Hồ?”. Ông Nông Đức Mạnh lúng túng mấy giây rồi trả lời: “Người Việt Nam ta ai cũng là con cháu Bác Hồ cả”. Cho dù sau đó, ông Mạnh rất tức giận 588 nhưng đấy là câu trả thông minh nhất trong suốt cuộc đời làm chính trị của ông. Từ đó cho đến khi làm tổng bí thư, ông Mạnh trở thành một người lúc nào cũng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhưng ăn nói nhạt nhẽo và có rất ít quyền lực. Ông xuất hiện trên truyền hình ở nhiều địa phương khác nhau với gần như chỉ có một câu nói: “Các đồng chí phải tìm ra thế mạnh của địa phương là nên trồng cây gì và nuôi con gì”.
Người lập hồ sơ để đưa ông Mạnh vào Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, nhận xét: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì Đảng ta có một tổng bí thư như vậy, Nông Đức Mạnh chỉ có trình độ ở tầm cán bộ cấp huyện”. Theo ông Phan Văn Khải: “Nhiều lần, đặc biệt là trước Đại hội Đảng lần thứ X, mấy ông cựu cố vấn đề nghị ông nghỉ nhưng ông Mạnh không chịu. Nhân sự thay thế cũng chưa rõ ràng nên các ông ấy cũng không kiên quyết”.
“Phương án” Nguyễn Văn An
Cố vấn Võ Văn Kiệt biết, cách làm nhân sự truyền thống sẽ không thể nào đưa một lãnh đạo trì trệ như Nông Đức Mạnh ra khỏi vị trí của mình. Ngày 11-1-2005, ông Kiệt viết thư đề nghị để: “Đại hội đại biểu toàn quốc bầu trực tiếp chức danh tổng bí thư…Áp dụng triệt để nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử… Người được bầu phải là người có năng lực và phẩm chất, không phân biệt tuổi tác, không theo cơ cấu vùng miền, không theo danh sách đã quy hoạch, không phân biệt giữa người ứng cử và người được để cử”. Ông cũng đề nghị: “Đại hội X nên bầu ra đoàn chủ tịch gồm những đại biểu ưu tú thực sự có năng lực điều hành công việc của đại hội”, thay vì theo truyền thống, đại hội vẫn do Bộ Chính trị cũ điều hành.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã không cho lưu hành bức thư này trong Trung ương. Ông Kiệt, lúc ấy đang ở biệt thự Hồ Tây, cho Thư ký Nguyễn Văn Trịnh “xé rào”, phát hành tận tay nhiều ủy viên Trung ương. Trong thư đề ngày 21-1-2005 gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ông Kiệt giải thích: “Tôi thấy không còn cách nào khác, vạn bất đắc dĩ tôi phải tự gửi trực tiếp thư của mình đến các đồng chí Trung ương ủy viên và một số đồng chí bí thư tỉnh uỷ dự Hội nghị Trung ương
11”. Bộ Chính trị yêu cầu ai đã nhận bức thư của ông Võ Văn Kiệt thì gửi lại Văn phòng. Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Phan Diễn nói trước Hội nghị Trung ương 11 rằng đó là những tài liệu “không phát hành theo con đường của Đảng” và giải thích với ông Kiệt, sở dĩ cho “thu hồi” bức thư ấy là vì: “Nhận thấy một số nội dung trong thư góp ý của anh nếu để lọt ra ngoài thì sẽ không có lợi, dễ bị lợi dụng, xuyên tạc”589.
Trung tuần tháng 4-2006, khi các đại biểu dự Đại hội X bắt đầu được triệu tập về Thủ đô, ông Võ Văn Kiệt lại bay ra Hà Nội. Từ khu biệt thự Hồ Tây, ông Võ Văn Kiệt nhờ Giáo sư Tương Lai đến gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, chuyển lời: “Nếu như trong đại hội có người đề nghị giữ anh lại, có người đề cử anh làm tổng bí thư thì anh đừng từ chối”. Tiếp đó, Giáo sư Tương Lai lại được cử đi “ăn tối” với ông Nguyễn Thiện Nhân, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối bữa cơm, Giáo sư Tương Lai nói riêng với ông Nhân: “Anh Sáu Dân nhờ tôi nói với anh, làm sao để Đoàn Thành phố đề xuất anh Nguyễn Văn An ở lại”. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận lời.
Ông Nguyễn Văn An đã từng là trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ khóa VIII, biết rõ mọi việc đã được hội nghị trung ương an bài. Ông An nói với Giáo sư Tương Lai: “Anh về nói với anh Sáu Dân, tôi hết sức cám ơn anh ấy đã tin tôi. Nhưng, đây là quyết định của tổ chức, tôi không làm trái được”. Ông Nguyễn Văn An thừa nhận: “Lúc ấy tôi cũng suy nghĩ, cũng có khá đông anh em muốn tôi ở lại, nhưng số đông ấy chưa đủ đông”.
Năm 1954, khi Chính phủ Hồ Chí Minh tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Văn An đang là công nhân nhà máy Điện Hà Nội. Năm 1961, ông được đưa đi học văn hóa hai năm rồi sang Liên Xô, học điện ở trường Đại học Bách khoa Donetsk. Ông An thừa nhận, người đồng hương Trần Xuân Bách đã đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp chính trị của mình: Năm 1972, tỉnh ủy viên dự khuyết, phó giám đốc công ty kỹ thuật Điện Nam Hà; năm 1980, chủ tịch tỉnh mới Hà Nam Ninh590; năm 1982, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Năm 1996, ông An năm mươi chín tuổi nói với lãnh đạo Ban Tổ chức là ông xin nghỉ. Theo ông An: “Lãnh đạo Ban biểu quyết nhất trí 100% nhưng Ban Chấp hành Trung ương vẫn giữ tôi ở lại”. Ở Đại hội VIII, ông được bầu vào Bộ Chính trị, trong khi người dự kiến làm trưởng ban là ông Lê Huy Ngọ thì không, ông An trở thành trưởng Ban Tổ chức. Cuối năm 1997, trước khi rời khỏi chức vụ tổng bí thư, ông Đỗ Mười đưa một danh sách bốn người ra thăm dò nhân sự thay thế mình, ông Lê Khả Phiêu được cao phiếu nhất, Nông Đức Mạnh chỉ được một phiếu, người về nhì là ông Nguyễn Văn An, dù ông An không nằm trong bốn người được ông Đỗ Mười đề cử. Sự xuất hiện quá sớm đã khiến cho ông An thêm thận trọng.
Ông Nguyễn Văn An thường tìm cớ vắng mặt trong các phiên họp mà Bộ Chính trị bàn nhân sự có liên quan đến mình: trước Đại hội IX thì lấy cớ về nuôi mẹ bệnh591; trước Đại hội X, ông công du các nước châu Mỹ Latin. Có mặt trong những phiên họp như vậy, nếu được giới thiệu mà từ chối thì không thật lòng, không từ chối thì dễ trở thành mục tiêu của các đợt tấn công chính trị. Ông An biết, sau một nhiệm kỳ trên cương vị trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ơn huệ cũng lắm mà oán thán cũng nhiều592.
Ông Nguyễn Văn An cho rằng: “Ông Kiệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và nhận thức về tôi cũng chậm. Ông Kiệt là một người rất khéo dùng người cho những công trình lớn nhưng ông thường quan tâm đến chính sách, đường lối chứ ít quan tâm đến công tác cán bộ. Ông Kiệt không nâng đỡ những người thân quen, không co cụm trong lợi ích riêng. Có lúc tôi phải nói: anh phải lo nhân sự, chứ chỉ chăm lo đường lối thì lấy ai làm”. Theo ông Nguyễn Văn An: “Công tác nhân sự rất phức tạp, chuẩn bị sai thì hỏng, chuẩn bị đúng mà không đúng lúc cũng không thành. Đảng ta sai lầm về cán bộ rất nhiều. Ngay từ Đại hội VI, chọn ông Nguyễn Văn Linh đã không đúng. Ông ấy không phải là người đổi mới. Ông Linh chọn ông Đỗ Mười cũng không đúng. Ông Mười chọn Lê Khả Phiêu cũng không đúng. Đến khi chọn Nông Đức Mạnh thì sai”.
Về sau, ông Nguyễn Văn An nhận ra vấn đề của Đảng Cộng sản Việt Nam là “lỗi hệ thống”. Nếu như năm 2001, ông không tán thành tranh cử trong Đảng593   thì năm 2010, ông công khai đề nghị trên báo Vietnamnet: “Công nhận sở hữu tư nhân, bãi bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; bãi bỏ chế độ ‘đảng chủ’, áp dụng tam quyền phân lập; thực hiện dân chủ theo nguyên tắc phải có tranh cử, phải công khai minh bạch”. Nhưng, hệ thống chính trị mà ông đã cả đời phục vụ nhanh chóng dập tắt sự lan tỏa của đề nghị này594. Đại hội XI vẫn diễn ra theo đúng truyền thống: bộ máy cũ sản sinh ra chính nó.
Sở hữu toàn dân
Chiều 18-1-2011, với số phiếu biểu quyết 61,70%, Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn định nghĩa đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” thay vì theo định nghĩa cũ trong “Cương lĩnh 1991” là phải “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu”.
Tuy nhiên, người thuộc về thiểu số bảo vệ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, ông Nguyễn Phú Trọng, đã trở thành tổng bí thư chứ không phải là một nhân vật thuộc số đông ủng hộ “quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp”595.
Công hữu là đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội, nó được xác lập trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản viết năm 1848. Mở đầu Tuyên ngôn, các giả của nó, Friedrich Engels và Karl Marx, tuyên bố rằng: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu”. “Mười phương pháp nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản” mà Marx và Engels kêu gọi gồm: “Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước; áp dụng thuế luỹ tiến cao; xóa bỏ quyền thừa kế; tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn; tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn; tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước; tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất…”.
Trong “tám đặc trưng” 596  của chủ nghĩa xã hội mà cương lĩnh của Đảng xác định cho đến trước Đại hội XI, chỉ có “đặc trưng thứ ba”, về mặt lý thuyết, là còn mang dấu hiệu của chủ nghĩa xã hội kinh điển. Nhưng hai ủy viên Trung ương sắp
sửa về hưu, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc và cựu Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy, chiều 13-1-2011, khi yêu cầu sửa đổi “đặc trưng” này đã không thể nói thẳng ra rằng, các đặc trưng mà văn kiện Đảng đề cập không hề mang dáng dấp của cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa mà Marx và Engels đã nói. Cuộc biểu quyết bằng phiếu kín hôm 18- 1-2011 chỉ có ý nghĩa như một hành động cách mạng khi các nhà lãnh đạo mới khai thác “chữ nghĩa” trong văn kiện Đảng.
Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục
tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất597.
Hiến pháp 1959 vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai” như Hiến pháp 1936 của Liên Xô mà nó được coi là một bản sao. Cho dù, từ thập niên 1960 ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970 ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc598   nói: “Trong Dự thảo Hiến pháp 1980 do Chủ tịch Trường Chinh trình Bộ Chính trị vẫn duy trì đa hình thức sở hữu đối với đất đai, trên cơ sở khuyến khích năm thành phần kinh tế. Nhưng Hiến pháp 1980 là Hiến pháp Lê Duẩn. Tổng Bí thư Lê Duẩn quan niệm: Đối với những nước lạc hậu phải dùng quan hệ sản xuất tiên tiến để kéo lực lượng sản xuất lên. Công hữu khi ấy được coi là quan hệ sản xuất tiên tiến. Đặc biệt, năm 1980 Lê Duẩn lại đang say sưa với làm chủ tập thể”. Ông Tôn Gia Huyên, năm 1980 là Vụ phó Vụ Quản lý đất đai, bổ sung: “Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và của Vụ chúng tôi là vẫn giữ ba hình thức sở hữu: sở hữu toàn dân (nhà nước), sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Biên bản ghi rõ thế. Nhưng về sau tôi biết, đêm trước khi bỏ phiếu, Bộ Chính trị quyết định chỉ giữ một hình thức: sở hữu toàn dân”.
Từ ngày 4 đến ngày 10-9-1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng “họp hội nghị toàn thể để xem xét bản Dự thảo Hiến pháp”. Trong phiên bế mạc, Tổng Bí thư Lê Duẩn có bài nói chuyện với tựa đề: “Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”. Sau khi điểm lại những “công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam”, phân tích mối quan hệ giữa “tư tưởng làm chủ tập thể” với chủ nghĩa Marx - Lenin, Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố: “Làm chủ tập thể là tinh thần cơ bản, là nội dung nhất quán của Hiến pháp mới… Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân”599.
Sau chiến thắng 1975, theo ông Nguyễn Đình Lộc: “Ông Lê Duẩn coi mình là trung tâm của lý luận và những người còn lại thì không ai phản đối”. Tuy Hiến pháp 1980 quốc hữu hóa đất đai nhưng theo ông Tôn Gia Huyên: “Ông Trường Chinh chủ trương giữ nguyên hiện trạng chứ không tịch thu ruộng đất như điều mà Lenin đã làm với kulak ở Nga sau năm 1917. Ông yêu cầu ghi vào Điều 20 của Hiến pháp 1980: Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật”.
Người có vai trò quyết định trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Tổng Bí thư Đỗ Mười thì theo Trưởng Ban Biên tập Hiến pháp 1992 Nguyễn Đình Lộc, “bị hạn chế trong tư tưởng của Lê Duẩn”. Theo ông Lộc: “Tổng Bí thư Lê Duẩn coi quốc hữu hóa đất đai là một tiến bộ của chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội là rất thiêng liêng. Khi chuẩn bị bài phát biểu về Hiến pháp cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi có trình bày, nhưng ông Đỗ Mười nghiêng về sở hữu toàn dân. Ông lập luận, trước sau gì cũng tới đó nên cứ để vậy. Khi ấy, không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm”.
Theo ông Phan Văn Khải: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tôi muốn sửa Hiến pháp theo hướng trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng không thành công, chúng tôi đành phải tìm ra khái niệm 5 quyền cho người sử dụng đất”. “5 quyền” mà ông Phan Văn Khải đề cập trên đây được ghi trong Luật Đất đai 1993 là một bước tiến so với những gì xác lập trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội VII thông qua hồi tháng 6-1991600. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, trưởng Ban Soạn thảo Luật Đất đai 1993, nói: “Tôi biết trong bụng một số ông muốn cho người dân quyền tư hữu đất đai, nhưng đã vào Bộ Chính trị là không còn ông nào dám đưa ra chính kiến. Ông Kiệt, ông Khải muốn cho tư nhân sở hữu đất đai mà không dám nói. Tôi cũng muốn cho tư nhân sở hữu đất đai và tuy chỉ là Trung ương ủy viên, tôi cũng không dám nói”.
Quan hệ ruộng đất thực hiện theo “các chính sách của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã làm kiệt quệ đời sống nông dân. Chỉ thị 100, ban hành năm 1981, từng được coi là một bước tiến trong nông nghiệp. Nhưng, theo chính sách này ruộng đất vẫn nằm trong tay hợp tác xã, trên vai người nông dân vẫn phải mang gánh nặng của bộ máy quan liêu. Tham ô, lãng phí trong các hợp tác xã đã lấy hết phần lớn sản phẩm của người nông dân601. Năm 1987, phần vì thiên tai, phần chủ yếu do chính sách đất đai, sản lượng lương thực giảm gần một triệu tấn, từ tháng 3-1987 nhiều địa phương bắt đầu bị đói.
Đầu năm 1988, nạn đói lan ra ở hai mươi mốt tỉnh, thành miền Bắc với hơn 9,3 triệu người thiếu ăn, trong đó có 3,6 triệu người “đứt bữa và đói gay gắt”. Quốc hội nhận được báo cáo: “Có nơi, xuất hiện người chết đói”. Theo nhà báo Thái Duy: “Gần như cả nước thiếu ăn, một vài tỉnh mang dáng dấp của nạn đói năm Ất Dậu (1945). Người ăn xin đổ về Hà Nội đông khác thường, không riêng lẻ như trước mà đi từng gia đình. Ở quê không có gì ăn cả”602. Cuộc sống và phản ứng của người dân đã làm thay đổi tư duy của một số nhà lãnh đạo và buộc Đảng phải thay đổi một phần chính sách trong đó có chính sách khoán trong nông nghiệp mà về sau gọi là “Khoán 10” hoặc “Nghị quyết 10”603.
Sau khi thừa nhận những chính sách trước đó, kể cả Chỉ thị 100, đã không khắc phục được tình trạng “tự cấp, tự túc, chia cắt và độc canh”, Nghị quyết 10 đã cho các hộ cá thể, tư nhân nhận “khoán đất ruộng, đất rừng và mặt nước để họ tổ chức sản xuất, kinh doanh”604, đặc biệt, nông dân còn “được giao quyền thừa kế” đất khoán này cho con cái, và trong trường hợp chuyển sang làm nghề khác được phép “chuyển nhượng quyền tiếp tục sử dụng cho chủ khác”. Cùng với quyết định bãi bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ”605, chỉ đơn giản là giao ruộng đất cho dân, Nghị quyết 10 đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong sản xuất nông nghiệp.
Tháng 3-1988, nạn đói vẫn đang hoành hành ở hai mươi mốt tỉnh thành. Tháng 7-1989, đã có 516.000 tấn gạo được đưa lên tàu xuất khẩu. Cả năm 1989, Việt Nam xuất khẩu gạo lên tới 1,4 triệu tấn. Người nông dân ngay sau đó đã “suy nghĩ trên luống cày” của mình và họ đã “đồng khởi” lần thứ hai để đòi lại đất đai trước đó bị ép đưa vào tập đoàn, hợp tác. Ông Nguyễn Văn Linh, cho dù gặp không ít khó khăn chính trị, đã chấp nhận để nông dân mang ruộng đất của mình ra khỏi các tập đoàn, hợp tác xã606. Bằng quyết định này, ông Nguyễn Văn Linh đã thêm một lần ra tay “cởi trói”, lần này là đối với nông dân.
Thế nhưng, những lợi ích to lớn mà quốc gia được hưởng nhờ ruộng đất được giao cho nông dân này đã không làm lung lay ý chí “sở hữu toàn dân” của các nhà lãnh đạo, kể cả Nguyễn Văn Linh. Trong Cương lĩnh mà Đại hội Đảng lần thứ VII (6-1991) thông qua (soạn thảo khi Nguyễn Văn Linh còn là tổng bí thư) vẫn coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Trước khi Dự thảo Luật Đất đai 1993 được đưa ra thảo luận, ngày 14-4-1993, ông Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 18, yêu cầu “lãnh đạo lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật đất đai”. Theo đó, phải “làm cho nhân dân, cán bộ, đảng viên nắm được những quan điểm cơ bản: toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân”. Đào Duy Tùng yêu cầu: “Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ, đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, các đoàn thể nhân dân khác” phải “theo dõi sát sao quá trình thảo luận trong phạm vi cả nước, kịp thời giải thích, uốn nắn những tư tưởng và việc làm lệch lạc”607. Cũng như thời làm Hiến pháp 1980, một chính sách liên quan đến toàn dân mà một tập thể nhỏ (Bộ Chính trị, Ban Bí thư) đã quyết định trước khi nhân dân được biết.
Luật Đất đai 1993 tuy trao cho người sử dụng đất 5 quyền (sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê) đã có một bước lùi khi đặt ra mức hạn điền và, thay vì “giao đất ổn định lâu dài” theo Điều 18 của Hiến pháp, Luật đã quy định thời hạn đối với người sử dụng đất.
Theo ông Tôn Gia Huyên, hạn điền và thời hạn giao đất là đặc trưng, là ranh giới cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu toàn dân. Nhưng, các chuyên gia luật cho rằng, đây là trao quyền sở hữu một cách trá hình. Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thừa nhận: “Vì không muốn xáo trộn chính trị mà phải vi phạm tính pháp lý”.
Hiến pháp 1992 chỉ giao cho người sử dụng đất “3 quyền”. Thế nhưng, theo ông Tôn Gia Huyên: “Ông Đỗ Mười vẫn cho là mở quá đà. Có những vấn đề Quốc hội định biểu quyết, thậm chí biểu quyết rồi, ông Mười cũng chặn lại. Cứ giờ giải lao là ông Đỗ Mười lại chạy vào phòng Chủ tịch Đoàn có ý kiến”. Điển hình là việc xét lại kết quả cuộc biểu quyết ngày 6-4- 1992.
Năm giờ chiều ngày 6-4-1992, khi Ban Soạn thảo đưa “quyền thừa kế” ra “xin ý kiến Quốc hội”, có 318/422 đại biểu biểu quyết đồng ý. Nhưng ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần phải thận trọng, xin Quốc hội để lại chỉnh lý. Đại biểu Trần Thị Sửu, Long An, nói: “Tôi có cảm giác ai đứng sau lưng giật dây Quốc hội”. Câu hỏi của bà Sửu đã làm cho ông Lê Quang Đạo, lần đầu tiên, mất bình tĩnh. Ông gần như đập mạnh tay xuống bàn: “Ai! Ai đứng sau lưng giật dây Quốc hội! Đây là một vấn đề phức tạp phải cân nhắc chứ không phải ai cả!” 608. Tối 6-4-1992, Đảng đoàn Quốc hội nhóm họp quyết định sẽ đưa “quyền thừa kế của người sử dụng đất” ra bàn lại. Nhiều đại biểu cho rằng “biểu quyết lại là vô nguyên tắc”609.
Tất nhiên, ông Lê Quang Đạo đã phát biểu với tư cách một uỷ viên Trung ương. Cũng như Chủ tịch, đa số đại biểu Quốc hội đều là đảng viên. Chiều 11-4-1992, khi biểu quyết lại, 302/411 đại biểu đã tán thành không ghi quyền thừa kế quyền sử dụng đất vào Điều 18 của Hiến pháp.
Sự thỏa hiệp giữa những người muốn coi đất đai là hàng hóa và những người muốn coi đất đai là tư liệu sản xuất đặc trưng của chủ nghĩa xã hội đã làm biến dạng các chính sách đất đai thời kỳ hậu Hiến pháp. Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 6-1993, qua bốn buổi thảo luận trên Hội trường, trong khi các đại biểu miền Nam đề nghị “giao đất lâu dài” như Hiến pháp, các đại biểu miền Bắc và miền Trung lại tán thành giao đất có thời hạn; thậm chí có đại biểu còn đòi rút ngắn thời hạn giao đất xuống còn từ 10-15 năm. Trong tính toán của nhiều người, giao đất có thời hạn nghĩa là sau đó Nhà nước có thể lấy đất lại để giao cho người khác610.
Luật Đất đai 1993 vì thế không gây phấn khởi như người dân chờ đợi. Đất đai của cha ông để lại, của chính họ đổ mồ hôi nước mắt khai khẩn hoặc bỏ tiền ra mua, sau khi có Luật còn phải ngồi chờ được Nhà nước làm thủ tục giao đất của mình cho mình. Trừ các giao dịch về đất đi liền với nhà ở, việc chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là chuyển nhượng đất đi kèm với chuyển quyền sử dụng thường bị hành chính hóa bằng quyết định Nhà nước thu hồi đất của người bán, giao đất ấy cho người mua rồi người mua còn phải đóng 100% tiền sử dụng đất. Người dân cho rằng họ đã phải trả tiền hai lần để có được tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất611.
Luật đất đai 1993 còn bỏ ngõ 18 vấn đề, trong đó có ba vấn đề Chính phủ phải trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định: Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước; Quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài thuê đất và Thuế chuyển quyền sử dụng đất.
Chính phủ khi điều hành các giao dịch về đất đai đã dựa trên quan điểm thị trường của mình, coi đất đai là hàng hóa trong khi, quyền sở hữu của người dân về đất đai vẫn là “trá hình”. Năm quyền của người sử dụng đất đã được ghi vào Bộ Luật Dân sự 1985 của Việt Nam nhưng trên thực tế, các quyền dân sự này vẫn có thể bị vô hiệu bởi các quyền hành chánh612. Chính phủ đầu thập niên 1990 cũng đánh giá tiềm lực nguồn thu từ đất đai rất lớn nên đã định ra một mức thuế quá cao, khiến cho thị trường địa ốc đóng băng ngay chỉ sau vài năm nhen nhúm613.
Thị trường địa ốc còn phải chịu rất nhiều tác động sau khi Nghị định 18 được ban nh614. Sau khi Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng (1-1994) đưa ra “bốn nguy cơ”, các chính sách trong đó có chính sách đất đai có khuynh hướng thắt chặt hơn và “sở hữu toàn dân” lại được đặt lên trên những lợi ích mà đất đai mang lại615. Nghị định 18 không những trở thành một trong những tác nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của các doanh nghiệp đầu tư quá rủi ro vào đất đai như Minh Phụng, EPCO và Tamexco616   mà còn gây thất thu lớn cho ngân sách617.
Ngày 2-7-1998, trong một Hội nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh có cả Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tham dự, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận xét: “Luật nói đất đai là tài sản vô giá. Nhưng quy định một hồi đất không còn có giá. Luật không công nhận thì thị trường đất đai sẽ hoạt động ngầm thôi. Vấn đề là phải biến cái thị trường ngầm đó trở thành công khai để Nhà nước quản lý”. Nhưng, ngày 2-12-1998, khi thông qua Luật “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai” tinh thần “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” vẫn lấn át quan điểm thị trường mà Thủ tướng đã trình bày trước đó.
Chính sách hạn điền được ban hành dựa trên tính toán bình quân ruộng đất của từng vùng của thập niên 1990, khi hơn 80% dân số vẫn sống trong khu vực nông thôn. Các nhà lập pháp đã không tính đến khả năng thị trường sẽ điều chỉnh quan hệ này, nhất là khi đô thị và các ngành kinh tế khác thu hút thêm nhiều lao động. Theo Trưởng Ban Soạn thảo Luật Đất đai 1993, ông Nguyễn Công Tạn, “hạn điền và thời hạn giao đất là đặc trưng, là ranh giới cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu toàn dân”.
Chính sách hạn điền đã cản trở chính chủ trương “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không cho tích tụ ruộng đất thì không thể hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ruộng đất manh mún khiến cho nông dân, đặc biệt là nông dân miền Bắc tiếp tục cuốc bẫm cày sâu, ruộng ít mà không ít nơi, người nông dân lại bỏ ruộng. Tiến trình công nghiệp hóa vì thế sẽ được thay thế bằng một con đường gây biến động xã hội nông thôn hơn: Nhà nước thu hồi đất của nông dân giao cho các nhà doanh nghiệp phá ruộng làm khu công nghiệp
Kể từ năm 1993, Luật Đất đai đã được sửa đổi 5 lần. Luật năm 1998 đã sửa đổi tương đối căn bản Pháp lệnh 14-10 và Nghị định 18618    nhưng phải đến Luật Đất đai năm 2003, thông qua ngày 26-11-2003,  Nhà nước mới công nhận đủ các quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp619. Điểm tiến bộ nhất của Luật Đất đai năm 2003 là bãi bỏ các điều kiện bắt buộc khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp áp dụng với hộ gia đình và cá nhân620.
Làm luật cũng là chính quyền, giải thích luật cũng là chính quyền. Khi đất đai càng mang lại nhiều đặc lợi thì “sở hữu toàn dân” lại càng trở thành căn cứ để các chính sách giao cho người ban hành nó có thêm nhiều đặc quyền. Chỉ riêng các điều khoản thu hồi, nếu như từng được quy định khá chặt chẽ trong Luật 1993, đã trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn trong Luật 2003.
Điều 20, Luật Đất đai 1993 quy định: “Khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng”. Luật Đất đai được sửa đổi vào ngày 2-12-1998 vẫn giữ nguyên quy định này ở Điều 20.
Đầu tháng 11-1998 khi Quốc hội bàn về Luật Đất đai sửa đổi, không khí thảo luận cho thấy một số đại biểu Quốc hội hiểu về thời hạn theo kiểu, giao đất 20 năm là để 20 năm sau thu hồi, chia lại đất đai một lần nữa. Trưởng Ban Soạn thảo Luật Đất đai 1998, Tổng Cục trưởng Địa chính Bùi Xuân Sơn giải thích: “Luật Đất đai không đặt ra vấn đề thu hồi đất chia lại. Luật chỉ qui định: sau 20 năm người sử dụng đất được giao tiếp tục sử dụng”621.
Nhưng, ý chí của nhà làm luật đã không được minh định thành giấy trắng mực đen. Năm 2003, khi Quốc hội viết lại Luật Đất đai, tại Điều 38, mặc dù Khoản 7 có ghi: Nhà nước chỉ thu hồi đất khi “cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế”; nhưng, tại Khoản 10 lại mở ra một rủi ro: Nhà nước thu hồi những phần đất không được gia hạn khi hết thời hạn. Hai mươi năm, rất tiếc, vẫn không phải là một thời gian đủ dài để chính quyền thay đổi nhận thức của mình về vấn đề sở hữu. Luật Đất đai nói người sử dụng đất được tiếp tục giao đất khi hết thời hạn nhưng không khẳng định đó là một điều kiện đương nhiên. Tài sản đất đai của người dân bị lệ thuộc rất nhiều vào chính quyền huyện, cấp được Luật giao cho quyền giao và thu hồi đất của cá nhân và hộ gia đình.
Điều 27, Luật Đất đai 1993, quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. Điều Luật tiếp theo còn đưa ra những điều kiện ràng buộc nhằm tránh sự lạm dụng của Chính quyền. Luật sửa đổi 1998 gần như giữ nguyên tinh thần này. Nhưng, đến Luật Đất đai 2003, Chính quyền có thêm quyền thu hồi đất để ử dụng cho mục đích “phát triển kinh tế”.
Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, “mục đích phát triển kinh tế” được minh định trong ba trường hợp: xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Các nghị định ban hành trong thời gian này tuy có đưa danh mục các trường hợp bị thu hồi đất tăng lên622   nhưng phải tới năm 2007, khi các nhà kinh doanh địa ốc thực sự trở thành một thế lực, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới sửa đổi chính sách làm cho đất đai của dân bị thu hồi dễ dãi623.
Người dân nhận đền bù theo chính sách “thu hồi” chỉ được trả một khoản tiền tượng trưng, rồi chứng kiến các nhà doanh nghiệp được chính quyền giao đất để “phát triển kinh tế” bán lại đất ấy với giá cao hơn hàng chục, có khi hàng trăm lần. Cho dù “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, người dân chỉ có các quyền của người sử dụng. Nhưng, sở dĩ ai cũng gắn bó với nó là bởi: Đất ấy không phải được giao không từ quỹ đất công như những quan chức có đặc quyền, đặc lợi; Đất ấy họ đã phải mua bằng tiền; Đất ấy họ phải tạo lập bằng nước mắt, mồ hôi; Đất ấy là của ông cha để lại. Đó là lý do mà gia đình anh Đoàn Văn Vươn, hôm 5-1-2012, và 160 hộ dân Văn Giang, hôm 24-4-2012, phải chọn hình thức kháng cự bằng cách hết sức rủi ro trước lệnh cưỡng chế thu hồi đất624.
Theo ông Nguyễn Đình Lộc: “Ban Soạn thảo Hiến pháp 1992 nhận thấy Hiến pháp 1980 đã quốc hữu hóa đất đai một cách máy móc, nhưng vẫn phải để yên vì nếu gỡ ngay sẽ trở thành một vấn đề chính trị”. Hai mươi năm sau, Đại hội Đảng lần thứ XI đã cho các nhà lãnh đạo Việt Nam một lối thoát chính trị khi định nghĩa đặc trưng của chủ nghĩa xã hội không còn coi “sở hữu công về tư liệu sản xuất là chủ yếu”. Thế nhưng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2012) vẫn “máy móc” bảo vệ sở hữu toàn dân với đất đai.
Khi hình thành chính sách đất đai, theo ông Tôn Gia Huyên: “Trước sau, ông Võ Văn Kiệt chỉ hỏi tôi một câu: Tại sao đất 5% giao cho nông dân tạo ra của cải nhiều hơn 95% ruộng đất trong hợp tác xã, tập đoàn mà không trả hết đất cho nông dân”. Sở hữu toàn dân đối với đất đai không phải là một kinh nghiệm quản lý của ông cha ta mà là một chính sách cop-py từ Liên Xô, một nhà nước đã bị nhân dân lật đổ. Hình thức sở hữu ấy chỉ được giữ để bảo vệ niềm tin của một thiểu số coi nó là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội thay vì căn cứ vào các phân tích dựa trên lợi ích của nhân dân và của quốc gia.
“Tập thể hóa” đã được cưỡng bức ở cả miền Bắc và miền Nam để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, tháng 12-1976, đưa ra: “Năm 1980 đạt ít nhất 21 triệu tấn lương thực quy thóc”. Để rồi, kết quả là: Năm 1976,
sản lượng lúa cả nước đang là 11,8 triệu tấn; Năm 1980 chỉ còn 11,6 triệu tấn. Trong các năm từ 1981-1987, nhờ khoán ruộng cho nông dân (theo Chỉ thị 100), sản lượng lương thực mới tăng được lên 17 triệu tấn. Trong khi chỉ trong vòng tám tháng sau khi Bộ Chính trị đồng ý giao ruộng cho nông dân với quyền chuyển nhượng và thừa kế thì người dân đã làm ra một sản lượng lương thực tăng thêm 2 triệu tấn625.
Chỉ cần có đất trong tay, chỉ sau hai năm, người nông dân đã đưa sản lượng lương thực đạt tới mức mà Đảng mất hàng thập niên để ước mơ. Sản lượng lương thực vượt qua con số 20 triệu tấn trong năm 1989 và lên đến 21,46 triệu tấn trong năm 1990, đạt mức 24,5 triệu tấn trong năm 1993. Năm 1988 đang là một quốc gia đói kém, năm 1989, Việt Nam đã có hơn 1,4 triệu tấn gạo dư đem xuất khẩu. Vậy mà, để bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa Đảng vẫn không trả lại ruộng đất cho nông dân. Vẫn đặt cuộc sống của những người thực sự làm thay đổi hình ảnh quốc gia trong những rủi ro: hạn điền, thời hạn sử dụng và bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị thu hồi đất. Đổi mới đã giúp cho cuộc sống của người dân Việt Nam khá dần lên: Tỷ lệ người nghèo giảm từ 51,8%, năm 1990, xuống còn 14,5%, năm 2008; Tỷ lệ người thiếu đói giảm từ 24,9%, năm 1993, xuống còn 6,9%, năm 2008626. Đổi mới đã biến hàng triệu người vô sản trở thành doanh nhân. Ở tuổi 17, 18, cô học sinh Lý Mỹ đã để cho Đoàn Thanh niên cộng sản dắt tay cùng cán bộ cải tạo đi kê biên tài sản của chính cha mẹ mình (tháng 3-1978)627. Đổi mới đã đưa Lý Mỹ trở lại truyền thống gia đình, trở thành một nhà tư sản. Nhưng Lý Mỹ đã phải bước qua biết bao đau thương. Cũng như Lý Mỹ, con đường trở lại làm doanh nhân của hàng triệu người dân Việt Nam cũng thấm đẫm biết bao máu và nước mắt628.
Nhớ khi “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia kiệt quệ, dân chúng lầm than, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Nhớ khi trả lại ruộng đất và một số quyền căn bản cho dân thì đất nước hồi sinh, đời sống người dân bắt đầu cải thiện. Bản chất của đổi mới là từ chỗ Đảng và Nhà nước cấm đoán, tập trung tất mọi quyền hành, đến chỗ để cho dân quyền được tự lo lấy cơm ăn, áo mặc.
Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”629. Không thể phủ nhận tầm nhìn của Hồ Chí Minh. Khi ông đưa ra tuyên bố này loài người chưa có Internet, thế giới chưa có toàn cầu hóa, độc lập dân tộc đối với người dân ở nhiều quốc gia vẫn được coi là vô cùng thiêng liêng.
Giá như không phải là ý thức hệ mà tự do và hạnh phúc của nhân dân mới là nền tảng hình thành chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, thì người dân đã tránh được chuyên chính vô sản, tránh được cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, tránh được Nhân văn - Giai phẩm, tránh được biết bao binh đao xung đột trong nội bộ dân tộc, gia đình.
Phụ lục: Đánh và Đàm
(Phần này sử dụng nhiều tư liệu lấy từ cuốn Ending the Vietnam  War [Simon & Schuster xuất bản năm 2003] của Henry Kissingger, tác giả có chọn lọc, đối chiếu với các cuốn sách, các bài báo của các nhà ngoại giao Việt Nam tham gia Hiệp định Paris hoặc nghiên cứu về Hiệp định Paris [có dẫn trong phần chú giải] và trao đổi trực tiếp thêm với nhiều nhân chứng)
Đàm phán
Washington đã từng yêu cầu thương lượng từ năm 1965, nhưng chỉ sau Mậu Thân, Hà Nội mới bắt đầu đàm phán. Đề nghị thương lượng của tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã được Hà Nội chấp nhận “trong vòng 72 giờ đồng hồ”. Giữa W. Averell Harriman, Cyrus R. Vance và Lê Đức Thọ đã có những cuộc thương lượng công khai và ngầm nhưng không có một thỏa thuận nào đạt được trong cái năm Mậu Thân máu lửa ấy.
Ngày 20-12-1968, một tháng trước khi nhậm chức Tổng thống, Richard Nixon đã gửi một thông điệp tới Hà Nội nói rằng ông sẵn sàng để tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc; nếu Hà Nội mong muốn “trao đổi một số ý tưởng chung trước ngày 20-1 (ngày Nixon nhậm chức), các ý kiến này sẽ được xem xét với một thái độ mang tính xây dựng và đảm bảo bí mật tối đa”. Nhưng “ Phúc đáp của miền Bắc Việt Nam ngày 31-12-1968 hầu như không quan tâm gì đến danh dự và tự trọng. Họ nêu một cách thẳng thừng hai yêu cầu cơ bản: Đơn phương rút toàn bộ lực lượng quân đội Hoa Kỳ và thay thế cái mà Hà Nội gọi là ‘bè lũ T hiệu-Kỳ-Hương’, cụm từ miệt thị chuẩn mà Hà Nội dùng để gọi giới lãnh đạo Sài Gòn”630.
Trong khi đó, ở Washington, các phong trào phản đối chiến tranh lại trở nên có tổ chức hơn và dứt khoát hơn. Gần nửa tổng số các trường hợp lính Mỹ chết ở Việt Nam trong thời gian Nixon cầm quyền xảy ra trong sáu tháng đầu tiên. Sau bốn tuần liên tục có số thương vong tổng cộng lên tới 1.500 lính Mỹ, Nixon đã phải hành động, và đòn quân sự đầu tiên mà Nixon nhắm vào là ở Campuchia.
Theo Kissinger, khi chưa chính thức vào Nhà Trắng, Nixon đã gửi cho ông một bức thư đề nghị có một báo cáo chính xác về những gì kẻ địch có ở Campuchia, đồng thời yêu cầu Kissinger nghiên cứu là phải làm gì để phá hủy các căn cứ được xây dựng ở đó. Người Mỹ ở Sài Gòn biết miền Bắc sử dụng cảng Sihanoukville để vận chuyển vũ khí vào miền Nam.
Một  tuần  sau  khi  Nixon  nhậm  chức,  vào  ngày 30-1-1969,  Kissinger,  Bộ  trưởng  Quốc  phòng  Melvin  Laird    tướng W heeler đã họp tại Nhà Trắng để xem xét khả năng tiếp tục ném bom miền Bắc hay tấn công vào các căn cứ của miền Bắc ở trên đất Campuchia. Trong khi Nixon đang chần chừ, ngày 22-2-1969, Quân Giải phóng đã tiến hành một cuộc tấn công trên khắp miền Nam. Ngay trong tuần đầu tiên, 453 lính Mỹ bị giết; tuần thứ hai, con số này là 336; tuần thứ ba là 351. Nixon giận dữ, nhưng khi ấy ông ta đang ở trên Airforce One bắt đầu chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên với tư cách Tổng thống.
Trong hai tuần đầu tháng ba, Quân Giải phóng tiến hành 32 cuộc tấn công vào các thành phố lớn ở miền Nam. Theo Kissinger, ngày 15-3-1969, Quân Giải phóng đã bắn năm quả Rốc-két vào Sài Gòn. Ngay trong ngày đó, Nixon gọi điện thoại cho Kissinger “ra lệnh tấn công ngay lập tức bằng B-52”631. Cuộc tấn công bằng B-52 bắt đầu vào ngày 18-3. Ngày 22-3-1969, Washington, thông qua phái đoàn Ngoại giao ở Paris, yêu cầu đàm phán. Theo Kissinger thì chỉ trong vòng 72 giờ, đề nghị nói trên đã được Hà Nội chấp thuận.
Chính quyền Nixon bắt đầu nghiên cứu việc rút quân ngay trong tuần đầu của nhiệm kỳ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng và tạo động cơ cho Hà Nội thương lượng. Ngày 10-4-1969, Tổng thống Nixon yêu cầu các bộ và cơ quan phải lên chương trình Việt Nam hóa cuộc chiến. Cuộc gặp ngày 8-6-1969 tại đảo Midway giữa Nixon và ông Thiệu là để bàn về kế hoạch này. Ngay sau cuộc gặp kéo dài một tiếng rưỡi đó, hai vị Tổng thống bước ra và Nixon đã tuyên bố đợt rút quân đầu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, không như Chính quyền trông đợi, quyết định của Nixon đã không hề mang lại chút thời gian nghỉ ngơi nào. Đa số những người chỉ trích tin rằng, các cuộc biểu tình của họ đã mang lại việc ngừng ném bom và hiện là quyết định rút quân. Sức ép vì thế càng tăng nhanh hơn nữa.
Trong một nỗ lực tìm kiếm cơ may thương lượng, ngày 15-7-1969, Trưởng Phái đoàn Pháp tại Hà Nội năm 1946, Jean Sainteny, được mời tới phòng Oval gặp Tổng thống Nixon. Sainteny sẵn sàng tới Hà Nội và mang theo một thông điệp và một bức thư riêng của Nixon gửi cho Hồ Chí Minh. Theo Kissinger, bức thư nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ đối với hòa bình - qua đó Việt Nam sẽ thấy Mỹ sẵn sàng và cởi mở trong một nỗ lực chung để “mang hạnh phúc của hòa bình đến cho dân tộc Việt Nam dũng cảm”. Nhưng Sainteny bị từ chối cấp visa. Bức thư được chuyển cho ông Mai Văn Bộ ở Paris thay vì đưa tận tay Hồ Chí Minh ở Hà Nội, có lẽ vì đây là thời gian mà Hồ Chí Minh đang ở trong tình trạng ốm rất nặng.
Ngày 4-8-1969, Sainteny thu xếp một cuộc gặp bí mật tại nhà riêng của ông ở Paris cho Kissinger và Bộ trưởng Ngoại giao  Xuân Thủy, cuộc gặp có ông Mai Văn Bộ đi cùng. Kissinger cảm thấy Xuân Thủy là người  không có thẩm quyền thương lượng. Hai ngày sau, Quân Giải phóng tấn công vào vịnh Cam Ranh, và 3 ngày sau đó, 11-8-1969, các cuộc tấn công lại diễn ra trên 100 thành phố, thị xã, và các căn cứ khác. Ngày 23-8-1969, Nixon tuyên bố sẽ trì hoãn việc xem xét đợt rút quân tiếp theo.
Vào ngày 30-8-1969, ba ngày trước khi Hồ Chí Minh mất, Tổng thống Nixon nhận được phúc đáp lá thư mà ông gửi đi hôm 15-7, thư có chữ ký của Hồ Chí Minh đề ngày 25-8-1969. Bức thư tuyên bố: “Dân tộc chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ đất nước mình và các quyền quốc gia thiêng liêng… Hoa Kỳ phải ngừng chiến tranh xâm lược và rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền của nhân dân miền Nam Việt Nam và của toàn đất nước Việt Nam tự giải quyết vấn đề nội bộ mà không có sự can thiệp của nước ngoài”632. Ngày 16-9-1969, Nixon tuyên bố giảm thêm 40.500 quân Mỹ nữa.
Trước đó, giữa chuyến công du vòng quanh thế giới, Nixon đã đột ngột tới Sài Gòn. Trong thời gian đó, các cuộc biểu tình diễn ra hàng tuần trước Lầu Năm Góc, trước những nơi mà Tổng thống dừng chân.
Ngày 3-9-1969, 225 nhà tâm lý học biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, gọi chiến tranh Việt Nam là “sự điên rồ của thời đại chúng ta”. Các nghị sỹ liên tục tấn công Tổng thống. Ngày 9-10-1969, Kingman Brewster, Hiệu trưởng trường Yale, yêu cầu rút quân vô điều kiện. Ngày 10-10, các hiệu trưởng của 79 trường đại học tư viết thư cho Tổng thống, yêu cầu có một thời gian biểu chắc chắn đối với việc rút quân. Ngày 14-10-1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Kissinger mô tả là đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi viết thư “bày tỏ sự ngưỡng mộ những khát vọng cao xa” của công chúng Mỹ.
Trước ngày 3-11-1969, ngày Tổng thống Mỹ có một phát biểu quan trọng về Việt Nam, Nixon đã gặp Đại sứ Liên Xô tại W ashington, gây sức ép: “Việc ngừng ném bom đã kéo dài một năm; nếu không sớm có tiến bộ, Hoa Kỳ sẽ phải thực hiện các phương pháp riêng của mình để kết thúc chiến tranh. Mặt khác, nếu Liên Xô hợp tác trong việc đưa chiến tranh tới một kết cục trong danh dự, thì chúng tôi sẽ ‘thực hiện điều gì đó đáng kể’ để cải thiện quan hệ Hoa Kỳ-Xô Viết”.
Ngày 3-11-1969, Nixon đã từ chối nhượng bộ những người phản đối chiến tranh, kêu gọi đa số dân chúng Mỹ im lặng để ủng hộ vị chỉ huy của họ. Nixon tiết lộ việc trao đổi bí mật với miền Bắc trước khi lên nhậm chức; các cuộc thảo luận nhiều lần với Liên Xô để thúc đẩy thương lượng; các bức thư bí mật trao đổi với Hồ Chí Minh và tuyên bố là “không có tiến bộ nào”.
Bài diễn văn đã làm cho tình hình trong nước Mỹ dịu xuống. Cuối tháng 11-1969, Tướng Vernon Walters, tùy viên quốc phòng Mỹ ở Paris, đưa đề nghị gặp Xuân Thủy. Theo Kissinger, đề nghị này nhanh chóng được chấp nhận. Ngày 12-12, Tướng Walter được mời đến nơi ở của đoàn miền Bắc tại Paris để nghe phàn nàn về “bài phát biểu hiếu chiến” ngày 3-11. Hai hôm sau, Tướng Walters gợi ý tổ chức một cuộc họp “vào một cuối tuần nào đó sau ngày 8-2”. Hà Nội đã bắt người Mỹ chờ cho đến ngày 26-1-1970, mới nhận được tín hiệu có thể sớm tiến hành thương lượng.
Ông Lê Đức Thọ được bắn tin là sẽ tới tham dự đại hội đảng Cộng sản Pháp sắp diễn ra. Cuộc thương lượng bí mật giữa Kissinger và Lê Đức Thọ được bắt đầu vào ngày 20-2-1970, và từ đó cho đến ngày 4-4-1970 có thêm hai cuộc gặp nữa. Ông Lê Đức Thọ đòi “các vấn đề quân sự và chính trị phải được giải quyết đồng thời”, theo đó, “loại bỏ lập tức Tổng thống Thiệu, Phó Tổng thống Kỳ và Thủ tướng Khiêm; thành lập một chính phủ liên hiệp gồm những người ủng hộ “hòa bình, độc lập và trung lập”.
Chiến tranh Việt Nam chịu không ít tác động bởi chính trường Campuchia. Ngày 23-3-1970, ông hoàng Sihanouk bị lật đổ bởi Lon Nol, người mà ông ta vừa mới chọn làm Thủ tướng hồi tháng 8-1969. Sihanouk khi ấy đang tiếp tục chuyến công  du sau những  ngày điều  dưỡng  thường  niên  tại  Pháp.  Kissinger nói    Mỹ đã  bất  ngờ  trước cuộc đảo  chính ở Campuchia trong khi miền Bắc Việt Nam thì cho rằng Lonnol là tay sai của Mỹ. Nhưng cả hai phía sau đó đều thúc đẩy các hoạt động quân sự tại địa bàn có giá trị bàn đạp xuống miền Nam này.
Ngày 27-3-1970, quân đội Sài Gòn đưa quân qua Biên giới Campuchia truy lùng Quân Giải phóng. Kissinger ngại rằng Chính quyền Nixon sẽ bị cáo buộc là đã bị Nam Việt Nam lôi kéo vào cuộc chiến tranh mở rộng nên đã yêu cầu Bunker gặp Tổng thống Thiệu đề nghị tạm hoãn các hoạt động trên Biên giới. Nhưng Nixon đã bác bỏ các lo ngại đấy và yêu cầu phải phục hồi các hoạt động xuyên biên giới. Cho đến thời điểm ấy, người Mỹ đã rút về nước 115.000 quân. Vào cuối tháng 4- 1970, Nixon quyết định rút thêm 150.000 quân nữa.
Một ngày sau khi thông báo quyết định rút quân của Tổng thống, vào lúc 7 giờ sáng ngày 21-4-1970, Kissinger nhận được tin báo “Bắc Việt Nam đang tấn công trên toàn Campuchia; Phnom Penh không thể chống đỡ cuộc tấn công này lâu được”.  Đêm  28-4-1970,  quân  đội Sài  Gòn  với  sự  tham  gia  của  50  cố  vấn  Mỹ  bất  ngờ  tấn  công  vào  Parrot’s  Beak, Campuchia. Tối 30-4-1970, Nixon đọc diễn văn giải thích: “Không thể chấp nhận sự đe dọa tính mạng của người Mỹ hiện đang ở Việt Nam sau khi rút thêm 150.000 lính”. Sáng hôm sau, 1-5, quân Mỹ và quân Sài Gòn mở đợt tấn công tiếp theo, trong ba tuần đầu tiên, mười hai vùng căn cứ được nói là của Bắc Việt Nam ở Campuchia bị tấn công.
Chính quyền Nixon cố gắng dùng các con số để chứng minh, nhờ đưa quân vượt  qua Biên giới Campuchia  mà mức thương vong kể từ tháng 6-1970 giảm còn một nửa so với trước đó (đến tháng 5-1971, chỉ còn 35 lính Mỹ chết mỗi tuần; tháng 5-1972, còn 10 lính Mỹ chết mỗi tuần), nhưng việc đưa quân sang Campuchia đã làm cho người Mỹ nổi giận633.
Sau những cuộc hành quân vượt Biên giới Campuchia, ngày 5-7-1970, Kissinger gửi thư đề nghị gặp Lê Đức Thọ. Mãi tới ngày 18-8, Kissinger mới nhận được trả lời, nhưng ông Thọ không đi. Ngày 7-9-1970, Kissinger gặp Xuân Thủy. Ngày 17-9-1970, tại Paris, Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, công bố một “chương trình hòa bình tám điểm”, yêu cầu “rút toàn bộ và vô điều kiện quân Mỹ trong vòng 9 tháng”. Ngày 7-10-1970, trong một bài diễn văn đọc tại Washington,  Nixon đề nghị một cuộc nói chuyện tại chỗ, trong đó ngừng  ném bom trên toàn  Đông
Dương. Ngày hôm sau, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy “bác bỏ thẳng thừng” những đề nghị đó.
Nixon cử người tới Sài Gòn, và tại đây, Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã đưa ra kế hoạch đột kích sang Lào, chia cắt Đường mòn Hồ Chí Minh. Cho đến thời điểm ấy, theo Kissinger, các sư đoàn quân đội miền Nam Việt Nam chưa bao giờ tổ chức các chiến dịch phản công lớn ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, họ sẽ phải tác chiến không có các cố vấn Mỹ ở bên, thậm chí không có cả sỹ quan Mỹ làm nhiệm vụ hướng dẫn không kích chiến thuật.
Ngày 8-2-1971, quân đội Sài Gòn bắt đầu vượt biên giới Lào, nơi, Tướng Lê Trọng Tấn đã dàn quân chờ sẵn 634. Theo Tướng Giáp: “Năm 1970, tôi phát hiện âm mưu địch cô lập miền Nam sau khi mở mấy cuộc hành quân lên Campuchia và đẩy các đoàn sư chủ lực của ta ra khỏi biên giới. Thời gian này, Sihanouk có sang ta và Chu Ân Lai cũng tỏ vẻ lo lắng. Nhưng tôi khẳng định chẳng có gì đáng ngại. Từ dự kiến đó, tôi bèn lập Binh đoàn 70, ‘B 70’, do anh Cao Văn Khánh làm tư lệnh và Hoàng Phương làm chính ủy”635.
Ngày 6-2-1971, Quân ủy Trung ương họp thông qua Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Tướng Lê Trọng Tấn ngay sau khi trình bày kế hoạch này đã lên đường ra trận. Tướng Lê Phi Long, “Chủ nhiệm Hướng” của Chiến dịch Đường 9 Nam Lào kể: “Cứ vài ba ngày Bộ chính trị lại cùng họp chung với Thường Trực Quân ủy Trung ương để nghe báo cáo và chỉ đạo chiến trường. Ngày 31-2-1971, khi tình hình trở nên căng thẳng, Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã cử thêm Tướng Văn Tiến Dũng vào Chiến trường. Ở “Tổng Hành Dinh”, Tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chiến dịch”. Người Mỹ chắc chắn không thể hình dung được rằng nơi làm việc được gọi là “Tổng Hành dinh” của vị tướng đã đánh bại họ lại chỉ được trang bị hết sức thô sơ, không chỉ so với Lầu Năm Góc636.
Quân đội Sài Gòn đã chiến đấu không quá tệ ở Lào trong Chiến dịch mà họ gọi là “Lam Sơn 719”. Tuy nhiên, những hình ảnh mà truyền thông chụp được về những quân nhân hoảng loạn, tìm cách bám vào càng hạ cánh của trực thăng để chạy khỏi chiến trường đã không tạo được niềm tin vào một một đội quân sắp phải đương đầu với những trận đánh quyết định. Kissinger thừa nhận: “Cuộc tấn công này đã không biến hy vọng của chúng tôi thành hiện thực, không những thế còn thất bại hoàn toàn”.
Lại hòa đàm
Nixon không chỉ phải đối đầu trên chiến trường. Ngày 22-6-1971, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu với tỷ lệ 57-42, thông qua điều khoản bổ sung Mansfeild, kêu gọi Tổng thống “rút toàn bộ lính Mỹ về nước trong vòng 9 tháng nếu Hà Nội đồng ý trao trả hết các tù binh chiến tranh”. Ngày 22-6, báo chí Mỹ đã đăng nhiều bài báo hoan nghênh Thượng viện. Ông Xuân Thủy đề nghị một cuộc gặp ngay trước tháng 7. Nhà Trắng được thông báo rằng Lê Đức Thọ trên đường đến Paris sau khi ghé Bắc Kinh và Moscow.
Lê Đức Thọ khi ấy không hề biết rằng Kissinger cũng bí mật đến Bắc Kinh, chuyến đi dẫn đến cuộc gặp giữa Nixon và Mao vào năm sau, một bước ngoặt không chỉ trong quan hệ Mỹ - Trung mà còn làm cho Việt Nam có nhiều thương tổn.
Tại Paris, Lê Đức Thọ đề ra hạn chót cho việc rút quân Mỹ là ngày 31-12-1971, thay vì tháng 9 mà bà Bình đã từng đề nghị. Lần đầu tiên, ông Thọ cũng đồng ý việc tù binh Mỹ sẽ được thả đồng thời với việc rút quân của Mỹ. Ngày 1-7-1971, Bà Nguyễn Thị Bình chi tiết hơn khi công bố “Kế hoạch bảy điểm mới”. Cả đề nghị của Lê Đức Thọ và bà Bình đã khuấy động sự phản đối của công chúng Mỹ.
Ngày 6-7-1971, Lê Đức Thọ trả lời phóng viên Anthony-Lewis của tờ New York Times, nhấn mạnh “điểm 1” của bà Bình - “Rút quân đổi lấy tù binh” - có thể được tách rời khỏi các điều khoản khác. Theo Kissinger: “Đây hoàn toàn là một lời dối trá, nó mâu thuẫn với đề xuất bí mật 9 điểm mà họ gắn mọi vấn đề với nhau và gọi chúng là một tổng thể không thể tách rời”. Nhưng cũng theo Kissinger: “Cả nhà báo lẫn các nhà lập pháp đều cho những gì Hà Nội nói là đúng còn những lời chúng tôi là dối trá”. Bà Bình và ông Lê Đức Thọ đã thành công, Quốc hội và báo chí Mỹ kết tội chính quyền Nixon “đã bỏ lỡ một cơ hội có một không hai để có thể đạt được hòa bình”.
Theo Kissinger, Nixon muốn rút khỏi Việt Nam trước kỳ bầu cử tổng thống năm 1972 mà không làm chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Khi chuyến công du bí mật đến Bắc Kinh thành công, Nixon trở nên cứng rắn hơn với Việt Nam.
Trong ngày 12-7-1971, Nixon nhắc lại với Tướng Haig ý định rút quân chóng vánh đồng thời tấn công tổng lực bằng không quân vào Miền Bắc. Kissinger gặp Lê Đức Thọ và Xuân Thủy vẫn bên một chiếc bàn hình chữ nhật có phủ một tấm vải xanh, "nhưng khung đàm phán thì không như xưa nữa; nó đã bị thay đổi cơ bản sau chuyến đi Bắc Kinh mặc dù Lê Đức Thọ vẫn chưa biết điều này”.
Cuộc họp được coi là gay gắt, tuy nhiên theo Kissinger, phía Bắc Việt Nam có vẻ thực sự muốn đàm phán. Hà Nội “yêu cầu bồi thường chiến tranh” và “khăng khăng đòi lật đổ chính quyền Sài Gòn”. Vấn đề bồi thường chiến tranh không phải là không thể nhân nhượng, nhưng theo Kissinger: “Chúng tôi sẽ không lật đổ chế độ Miền Nam Việt Nam để đổi lấy hòa bình”.
Ngay từ lúc này, ông Xuân Thủy đã “ngụ ý” rằng Tướng Dương Văn Minh có thể là một người mà Hà Nội có thể chấp nhận để thay thế Tướng Thiệu. Nhưng theo Kissinger, Minh sẽ là vị tổng thống dễ lật đổ nhất, trong khi Nguyễn Văn Thiệu là một lãnh đạo quân sự cứng nhất, là người có năng lực nhất trong số các chính khách Sài Gòn.
Ngày 16-8-1971, lại có một cuộc gặp nữa giữa Kissinger và Xuân Thủy. Kissinger đến chậm nửa tiếng, Xuân Thủy nói: “Mặc dù các ông đưa được người lên mặt trăng nhưng vẫn đến cuộc họp muộn”. Ông Xuân Thủy có thể sẽ không hài hước như thế nếu biết, trong nửa giờ đó, Kissinger đã có một cuộc họp bí mật với đại sứ Trung Quốc ở Paris, Huang Chen, người được coi là đồng minh của Bắc Việt Nam.
Trong suốt thời gian đàm phán, chiến tranh Việt Nam luôn được Kissinger đưa ra trả treo với Liên Xô thông qua Đại sứ Dobrynin, và với Bắc Kinh thông qua đại sứ Hoàng Hoa ở Liên Hiệp Quốc. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam chỉ biết được chuyến đi bí mật của Kissinger đến Bắc Kinh 36 giờ trước khi nó được công bố. Theo Kissinger: “Hà Nội tức điên đến mức họ biến các cuộc đàm phán trở thành băng giá”.
Theo ông Đống Ngạc, Thư ký riêng của Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn: “Sau đó, Trung Quốc có cho Chu Ân Lai sang giải thích. Anh Ba nói: Các đồng chí muốn vào Liên Hiệp Quốc các đồng chí cứ vào nhưng các đồng chí không được thay mặt Việt Nam bàn về vấn đề Miền Nam với Mỹ”. Ông Đống Ngạc nói tiếp: “Ta hiểu, sở dĩ Trung Quốc đạt được thỏa thuận đó với Mỹ là do cuộc chiến của mình. Có chiến tranh Việt Nam, thế Trung Quốc trên trường quốc tế cao hơn. Mỹ nghĩ vấn đề Việt Nam không giải quyết được là do chưa kéo được Trung Quốc”.
Không biết có phải là nhằm đáp trả hành động của ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình đã làm ở Paris, ngày 25-1- 1972, Nixon công bố các biên bản đàm phán trước người dân Mỹ và đọc một bài diễn văn cho thấy các đề nghị của ông đã bị Hà Nội bác bỏ. Nixon nói: “Chỉ có một điều, đó là ngả về phía kẻ thù để lật đổ đồng minh của chúng ta, điều mà nước Mỹ sẽ không bao giờ làm. Nếu kẻ thù muốn hòa bình họ phải nhận ra sự khác biệt quan trọng giữa thỏa thuận với sự đầu hàng”637.
Ngày 2-2-1972, miền Bắc ra tuyên bố công khai đồng ý tù binh sẽ được thả vào ngày người lính Mỹ cuối cùng được rút về nước. Nhưng vấn đề này phải được gắn với việc kêu gọi Thiệu từ chức ngay lập tức đồng thời giải tán lực lượng cảnh sát, quân đội Sài Gòn.
 “Mùa hè đỏ lửa”
Trong khi đó, từ tháng 5-1971, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dự thảo kế hoạch để Quân ủy xác định chiến lược 71-72, đẩy mạnh tiến công quân sự và chính trị trên cả ba vùng ở miền Nam.
Thoạt đầu, Quân ủy dự kiến: “Hướng tấn công chủ yếu 1” là chiến trường biên giới Campuchia và chiến trường Đông Nam Bộ; “Hướng chủ yếu 2” là chiến trường Tây Nguyên; “Hướng phối hợp quan trọng” là miền núi Tây Trị Thiên. Vào đầu tháng giêng năm 1972 sau khi nắm lại tình hình, thấy việc bảo đảm vật chất cho chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên không đạt được, Bộ Chính trị và Quân ủy quyết định lấy Trị Thiên làm chiến trường chủ yếu, như đề xuất ban đầu của Tướng Giáp, mặc dù khi đó ngày mở đầu Chiến dịch đã cận kề.
Theo Tướng Lê Phi Long, trong chiến dịch này, nơi đặt “Tổng Hành dinh” đã khang trang hơn, đã có đủ các phương tiện thông tin, máy ghi âm… Công tác bảo mật thì lại càng siết chặt: cửa phòng thường xuyên đóng kín, ngay cả cán bộ trong Cục không có nhiệm vụ tác chiến cũng không được vào. Ngày 30-3-1972, quân đội của Tướng Giáp mở đầu cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam.
Theo Kissinger thì Tướng Abrams biết trước cuộc phản công từ đầu tháng Giêng, và việc sử dụng B52 đã được tính tới. Nhưng Nhà Trắng cho rằng có thể sẽ can thiệp bằng chuyến đi Bắc Kinh; Bộ Ngoại giao lo B52 sẽ “thiêu rụi những triển vọng đàm phán với Hà Nội”; Bộ Quốc phòng sợ phải đưa ra những gánh nặng ngân sách mới. “Mọi người đều lo sợ làn sóng phản đối của nhân dân sẽ bùng lên không kiểm soát nổi nếu nối lại các cuộc ném bom miền Bắc, ngay cả chỉ ở một phạm vi hạn chế”, Kissinger nói.
Nixon ngay sau đó đã gửi một bức thư tới Brezhnev, một bức thư khác được chuyển tới Huang Chen, đại sứ Trung Quốc ở Paris người có quan hệ gần gũi với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Kissinger nhận định “Cả Bắc Kinh và Moscow đều đứng ngồi không yên. Cả hai bên đều không muốn bị coi lơ là nhiệm vụ với đồng minh Bắc Việt Nam của mình. Tuy nhiên, cả hai đều lo sợ rằng tình trạng bất trị của Hà Nội có thể phá vỡ những mục tiêu lớn với Mỹ”. Bắc Kinh không đếm xỉa gì đến các cuộc đàm phán, họ chưa bao giờ yêu cầu Mỹ thực hiện một cam kết nào đối với Việt Nam. Washington đánh giá sự ủng hộ thực tế của Trung Quốc với Hà Nội là không đáng kể do nguồn lực hạn chế, do đó, Mỹ không cần gây sức ép thêm với Trung Quốc nữa. Còn Moscow thì “đổ lỗi hoàn toàn cho Bắc Việt” trong việc “không ủng hộ những đề nghị mới nhất” của Mỹ.
Trước chuyến đi Trung Quốc của Nixon, ông Lê Đức Thọ đề nghị gặp Kissinger vào ngày 15-3, Kissinger đề nghị gặp vào ngày 20-3-1971. Ngày 29-2-1971, khi Nixon đã rời Trung Quốc, ông Võ Văn Sung, đại diện của Hà Nội tại Paris, mời tướng W alters đến để thông báo ông Lê Đức Thọ đồng ý gặp nhau vào ngày mà Kissinger đề nghị.
Thoạt đầu Kissinger ngạc nhiên vì sao Hà Nội lại muốn gặp vào thời điểm này, nhưng ngay sau đó, Kissinger nhận ra: “Hà Nội sẽ phát động cuộc tấn công mà họ đã chuẩn bị rất điên cuồng và sau đó sẽ sử dụng cuộc gặp của tôi với Lê Đức Thọ để ngăn cản các cuộc đáp lại quân sự của chúng ta, họ nghĩ chúng ta sẽ e ngại tấn công trong khi đang diễn ra cuộc đàm phán”.
Ở Quảng Trị, theo Tướng Lê Phi Long: Lực lượng của miền Bắc rất mạnh, không kể địa phương quân, chỉ tính riêng chủ lực có đến 5 vạn người, gồm 3 sư đoàn, nhiều trung đoàn độc lập và các đơn vị kỹ thuật. Sau 6 ngày đêm chiến đấu, ngày 4-4-1972, tuyến phòng thủ trên hướng chính của Quân đội Sài Gòn vị phá vỡ và bị buộc phải rút nhiều căn cứ và tháo chạy về co cụm ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, Quảng Trị... Nhưng đến chiều 8-4-1972 thì tình hình ngược lại, các mũi đột kích đều không phát triển được; các đơn vị đánh vào Đông Hà bị thiệt hại nặng. Trong khi Hà Nội vẫn không thống nhất được mục tiêu của Chiến dịch638.
Theo Tướng Lê Phi Long: “Vào lúc 5 giờ sáng ngày 24-4-72, pháo binh ta bắn gần 3 vạn quả đạn vào các cụm quân địch ở Đông Hà, Lai Phước, Ái Tử, La Vang. Lợi dụng lúc địch bị pháo ta chế áp, bộ binh và xe tăng, đặc công nhanh chóng chiếm các điểm cao phía tây, thọc sâu vào sân bay chiếm Đông Hà. Bị cánh vu hồi của quân ta phá cầu Lai Phước, địch hoảng loạn rút chạy, bỏ lại tất cả xe cộ, vũ khí nặng và đến 18 giờ 28-4 ta làm chủ hoàn toàn khu Đông Hà, Lai Phước. Trong khi đó, ta và địch quần nhau từng tấc đất ở cụm Ái Tử và cầu Quảng Trị”.
Ngày 4-4-1972, Nixon ra lệnh “không kích chiến thuật” ra đến Vinh bằng cách bổ sung 20 máy bay B 52, bốn phi đội máy bay ném bom F-4, thêm tám tàu khu trục được gởi đến Đông Nam Á. Trước đó một ngày, Kissinger gặp Dobrynin ở Phòng Bản đồ của Nhà Trắng, trách Liên Xô đã đồng lõa với cuộc tấn công của Hà Nội, và dọa: “Nếu cuộc tấn công tiếp tục, Mỹ có thể phải có biện pháp cho Moscow thấy những lựa chọn khó khăn trước cuộc họp thượng đỉnh”. Ngày 4-4, người phát ngôn báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nói khi họp báo: “Cuộc xâm lược Miền Nam của Bắc Việt Nam đã được thực hiện bằng vũ khí của Liên Xô”. Cùng lúc, Kissinger cử W inston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc để gửi một thông điệp bằng lời cho Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm”. Trước đó, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trong vòng 3 dặm, tức là trong phạm vi bao gồm lãnh hải Hoàng Sa của Việt Nam. Một cuộc họp kín giữa Lê Đức Thọ và Kissinger đã được đôi bên thỏa thuận vào ngày 2-5-1972. Tình hình chiến trường đã giúp Lê Đức Thọ đến Paris với một tư thế hoàn toàn khác với những lần trước đó639.
Sáng 1-5-1972, Quân giải phóng chiếm cầu Quảng Trị và sân bay. Ngày 2-5-1972, Quảng Trị  rơi vào tay miền Bắc. Một tuần trước đó, Quân Giải phóng đã triển khai một cuộc tấn công lớn đe dọa thủ phủ Kontum và Pleiku; tiêu diệt khoảng một nửa Sư đoàn 22 của Sài Gòn. An Lộc, một thị xã cách Sài Gòn hơn 100 km cũng gần như thất thủ. Gần sát cuộc gặp, Sư đoàn 3 của Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt hoàn toàn. Ở Quảng Trị, chính quyền Sài Gòn ước tính có khoảng 20.000 người miền Nam cả quân lẫn dân bị chết. Nhiều đơn vị Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy tán loạn.
Kissinger mô tả rằng cuộc họp kín ngày 2 tháng 5 diễn ra rất thô bạo. Nhưng ông Thọ khi ấy không biết Nixon đã dặn Kissinger rằng, cho dù kết quả đàm phán thế nào, ông vẫn ra lệnh cho ba máy bay B52 công kích Hà Nội và Hải Phòng vào những ngày cuối tuần, từ 5 đến 7-5-1972. Nixon nhấn mạnh với Kissinger ông chấp nhận hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow trừ khi tình hình được cải thiện. Tại một trang trại ở Texas, Nixon cảnh báo: “Hà Nội đang chấp nhận nguy hiểm rất lớn nếu tiếp tục tấn công miền Nam”.
Nison đã nhận kết quả cuộc gặp ngày 2-5-1972 một cách lặng lẽ và cam chịu. Ông tỏ ra kiên quyết với lệnh ném bom B52 hơn. Kissinger cho rằng trong ngày 2-5-1972, Lê Đức Thọ chỉ “giả vờ thương thuyết” vì “tin chắc rằng họ đang tới rất gần chiến thắng”. Theo Kissinger, “thái độ làm cao của Lê Đức Thọ” đã khiến cho Nixon trở nên “rất hùng hổ”. Thứ Sáu, ngày 5-5-1972, B52 bắt đầu trút bom xuống Hải Phòng và Hà Nội, đồng thời mìn ngư lôi được thả bao vây các cửa biển miền Bắc.
Sau khi nhận được thư của Brezenhev trấn an thái độ bi quan của Mỹ về cuộc họp ngày 2-5 với Lê Đức Thọ là không hợp lý, Washington trở nên quyết tâm hơn khi nhận thấy thư của Brezhnev “không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào”. Trong khoảng từ 25-4 đến 5-5-1972, Nixon đã đưa ra lệnh ném bom xuống đê Sông Hồng, tăng cường ném bom các trung tâm thành phố và dự định sử dụng cả “vũ khí hạt nhân”. Theo Kissinger: “Tôi kịch liệt phản đối các kế hoạch này, và Nixon thì đã không kiên quyết”.
Washington cũng đồng thời nhận được “tín hiệu” từ Trung Quốc qua bài Xã luận đăng trên  Nhân dân nhật báo số ra ngày 11-5-1972. Đằng sau những ngôn từ to tát như: “Kiên quyết ủng hộ nhân dân Việt Nam”; “Vô cùng phẫn nộ và mạnh mẽ lên án” đế quốc Mỹ, Washington nhận ra thông điệp của Trung Quốc khi thấy “bài xã luận” xác định Bắc Kinh chỉ làm “hậu phương” của Việt Nam. Bên cạnh bài xã luận “lên án Mỹ” đó, Nhân dân nhật báo đã cho đăng nguyên văn diễn văn của Nixon công bố một ngày trước đó giải thích vì sao mà ông ta đã phải ném bom miền Bắc.
Ở Quảng Trị, lúc bấy giờ, theo Tướng Lê Phi Long, sau 2 đợt chiến đấu liên tục, sức khỏe của bộ đội miền Bắc đã giảm sút, quân số bị hao hụt, các đơn vị binh chủng thì thiếu khí tài, sức kéo, đạn dược. Nhưng không hiểu vì sao Lãnh đạo Bộ và Tư lệnh chiến trường lại chủ trương mở tiếp đợt tấn công thứ ba nhằm giải phóng Thừa Thiên - Huế.
Ngày 4-5-1972, ba ngày sau khi chiếm được Quảng Trị, Bộ có điện số 32 chỉ thị tiếp cho Bộ Tư lệnh chiến dịch: “Kịp thời nắm lấy thời cơ phát triển tiến công với một tinh thần khẩn trương triệt để, liên tục, kết hợp tiến công của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng và phong trào cách mạng Huế, tiêu diệt đại Bộ phận lực lượng quân sự Mỹ; giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên, bao gồm cả thành phố Huế và căn cứ Phú Bài, sau đó phát triển về Đà Nẵng”. Đây là một chỉ đạo mà theo Tướng Lê Phi Long: “Chủ quan nặng!”
Sau Chỉ thị đó, dưới sự chủ trì của Tướng Giáp, các cuộc họp nối tiếp cuộc họp để hoàn chỉnh kế hoạch. Cơ quan Tác chiến làm việc tới 20 giờ/ngày. Vất vả nhất là khoảng từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm vì, theo Tướng Lê Phi Long, lúc này chiến trường mới điện báo cáo tình hình lên Bộ Tổng Tham mưu. Quảng Trị bắt đầu trở thành cối xay thịt khi Quân đội Sài Gòn, dưới sự phối hợp của không quân và pháo hạm Mỹ bắt đầu phản công, gây thiệt hại nặng nề cho quân miền Bắc640.
Một tuần sau, huyện Hải Lăng và một phần huyện Triệu Phong bị chiếm lại, quân đội Sài Gòn áp sát thị xã. Lực lượng miền Nam khi ấy gồm 3 sư đoàn được yểm trợ bằng hoả lực mạnh của không quân và pháo hạm Mỹ. Lực lượng miền Bắc, tuy có 5 đầu sư đoàn nhưng đã mất sức chiến đấu, quân số của mỗi đại đội chỉ còn từ 20 đến 30 người mà phần lớn là cán bộ. Gạo, đạn tiếp tế kiểu ăn đong. Theo “Chủ nhiệm Hướng” Lê Phi Long: “Ngày 30-6, mười ngày sau khi mở đợt 3 tấn công không thành công, Tướng Văn Tiến Dũng trở ra Hà Nội vì 1ý do sức khỏe”. Ngày 20-7 Tướng Trần Quý Hai được cử vào thay Tướng Lê Trọng Tấn; Tướng Song Hào thay Tướng Lê Quang Đạo. Các vị tướng này sức khỏe đều giảm sút và mệt mỏi.
Tình hình phát triển ngày càng xấu hơn, thế nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn chủ trương tiếp tục phản công và tiến công. Trong khi, theo Tướng Lê Phi Long, không đánh được một trận tiêu diệt nào dù 1à phân đội nhỏ. Thời tiết thì hơn nửa tháng 1iền, không mấy ngày được nắng ráo, nhiều trận mưa kéo dài, hầm hào lúc nào cũng ngập nước, trong khi B52, pháo mặt đất, pháo hạm liên tục dội bom. Bộ đội phải chiến đấu liên tục không có thời gian làm công sự. Thương vong ngày càng tăng.
Trong thời điểm nóng bỏng ấy, Văn Tiến Dũng đang đi an dưỡng ở Tam Đảo, Lê Trọng Tấn vừa ở chiến trường ra đang trong thời kì dưỡng bệnh, Tướng Giáp phải trực tiếp điều hành mọi công việc của Bộ Tổng tham mưu. Ông đọc cho Tướng Lê Phi Long viết bức điện gửi thẳng xuống đơn vị cho Nguyễn Hữu An, Sư trưởng Sư đoàn 308 và Hoàng Đan, Sư trưởng Sư đoàn 304. Bức điện viết: “An, Đan/Báo cáo ngay tình hình, chờ/V”. Bức điện cho thấy Tổng Tư 1ệnh rất sốt ruột.
Ngay ngày hôm sau, Nguyễn Hữu An gửi cho vị Tướng mà ông tin cậy một bức điện dài 4 trang, nói rõ: “Tôi thấy không nên tiến công, và nên chuyển vào phòng ngự. Ở đây công tác chỉ đạo chỉ huy vẫn ham tấn công và phản công, trong tình thế địch mạnh hơn ta, ăn hiếp ta, lực lượng ta đã suy giảm và đang rơi và bị động. Tôi nghĩ rằng sức ta yếu hơn địch, ta chuyển vào phòng ngự 1à cần thiết. Nhưng ở đây hễ nói đến phòng ngự cấp trên lại cho rằng đó 1à tư tưởng hèn nhát, thụ động. Đề nghị với Bộ quyết tâm dứt khoát chuyển sang phòng ngự. Tình hình này ta muốn tiêu diệt gọn một tiểu đội, một trung đội cũng khó”. Sư trưởng Hoàng Đan thì trả lời khéo léo hơn: “Theo kinh nghiệm của tôi thì một trung đoàn chủ lực của ta chỉ đánh được 2 trận tập trung là hết sức, nếu không được nghỉ ngơi củng cố thì không thể tiếp tục chiến đấu thắng lợi. Còn quân ta ở đây đã chiến đấu liên miên 2 đến 4 tháng rồi còn sức đâu mà đánh tiêu diệt”. Nhận được điện, Tướng Giáp rất lo lắng. Nhưng, lúc ấy không những giữa chiến trường và Đại Bản doanh có ý kiến khác nhau mà trong nội bộ Đại Bản doanh ý kiến cũng khác nhau641.
Tướng Giáp thận trọng lập một “Tổ Nghiên cứu” do Tướng Vương Thừa Vũ đích thân hướng dẫn. Trong cuộc họp kết luận, Tướng Giáp sau khi giảng hòa mâu thuẫn giữa các sỹ quan tác chiến đã phải chỉ vào đống sách do ông tự tay mang đến: “Các nhà 1ý luận quân sự của chúng ta cũng đều nói có tiến công, có phòng ngự. Engels cũng đã nói điều đó. Thực tế chiến trường đòi hỏi chúng ta phải chuyển qua phòng ngự. Cục tác chiến hãy điện cho chiến trường tham khảo ý kiến của các đồng chí trong mặt trận xem sao”.
Cục Trưởng Tác chiến lúc ấy là Tướng Vũ Lăng lệnh cho ông Long gửi một bức điện dài, theo Tướng Lê Phi Long: “Sau khi phân tích lý luận và thực tế, Điện gợi ý mặt trận nên chuyển sang phòng ngự”. Bức Điện ký tên Vũ Lăng phát đi 2 hôm thì Cục Tác chiến nhận được trả lời. Trong điện trả lời, Tướng Trần Quý Hai dùng lời lẽ gay gắt phê phán Cục Tác chiến không giữ vững quyết tâm, không quán triệt tư tưởng làm chủ và tiến công… Rồi Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh phản công mặc dầu đã trải qua 3 cuộc phản công không kết quả.
Trước tình hình đó, theo ông Phi Long, Tướng Giáp phải họp Thường trực Quân ủy Trung ương để thảo luận tiếp, và cuối cùng xác định dứt khoát phải chuyển sang phòng ngự. Cùng thời gian ấy, quân đội Sài Gòn tăng thêm lực lượng, hình thành thế bao vây, thường  xuyên bắn phá dữ dội các trận địa pháo của miền Bắc, đặc biệt  là chung quanh thành cổ Quảng Trị. Máy bay B52 rải thảm bờ bắc sông Bến Hải. Từ ngày 9 đến 16-9-1972, quân Giải phóng đồng loạt tiến công trại La Vang, Tích Tường, Như Lệ, Bích Khê, Nại Cựu và Thị xã. Nhiều trận phản kích đẫm máu của bộ đội sát chân thành cổ, giành giật nhau từng mô đất, bờ tường. Mỗi ngày, quân miền Bắc trung bình mất một đại đội. Đến đêm 16-9, một bộ phận nhỏ còn lại buộc phải rút khỏi thành cổ, sau 81 ngày đêm khốc liệt.
Tướng Lê Phi Long kể: “Sáng 17-9, Cục Tác chiến mới nhận được điện báo ‘Thành Cổ mất tối hôm qua’. Trong khi đó thì trên phòng họp, Quân ủy Trung ương vẫn đang bàn về ‘phối hợp đấu tranh quân sự chính trị và ngoại giao’ thông qua mặt trận Quảng Trị. Dự họp có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu và các vị trong thường trực Quân ủy. Lúc này Lê Đức Thọ đã có mặt ở Paris để hội đàm với Kissinger. Được tin dữ, anh Văn rời cuộc họp xuống chỗ Cục tác chiến đích thân nói điện thoại với mặt trận qua xe thông tin tiếp sức đậu trước sân Cục Tác chiến”.
Khác với thời làm Tư lệnh Chiến trường Điện Biên Phủ, “Tướng quân tại ngoại”, có đầy đủ quyền bính để quyết định. Trong cuộc chiến giành thống nhất, không phải lúc nào Tướng Giáp cũng có thể đưa ra những quyết định quân sự mà ông tin là đúng đắn. Những người chỉ huy chiến dịch Quảng Trị chịu rất nhiều áp lực từ các cuộc Hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ642.
Theo Tướng Lê Phi Long, trong thời gian diễn ra Chiến dịch Quảng Trị: “Ông Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc! Chúng tôi, cơ quan tham mưu, không đồng tình với cách làm này nhưng không biết than thở với ai, hình như anh Văn cũng cảm nhận được điều đó nên có lần đã nói với chúng tôi: Cần kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, nhưng mỗi lĩnh vực có quy luật riêng của nó, ví như về quân sự thì trước hết phải bảo đảm chắc thắng, nếu không diệt được địch, không phát triển 1ực lượng thì không phối hợp quân sự với ngoại giao được”. Tướng Lê Hữu Đức thừa nhận: “Cố đánh Quảng Trị là do nhu cầu đàm phán”.
Thành cổ Quảng Trị thất thủ khi quân miền Bắc đã gần như hoàn toàn kiệt sức. Theo tướng Lê Phi Long: “Lực lượng chiếm giữ Thành Cổ khi đó nói là có mấy tiểu đoàn nhưng trên thực tế chỉ còn phiên hiệu, mỗi tiểu đoàn chỉ còn ba bốn chục người. Việc bổ sung quân số tiếp tế qua sông hết sức khó khăn. Nhiều sinh viên đã phải rời giảng đường để nhập ngũ. Nhiều tân binh chưa gặp mặt người chỉ huy đã ngã xuống. Nhiều cán bộ chỉ huy ngày đêm vất vả, râu tóc mọc kín mặt mà không có thời gian cắt cạo. Trong hầm phẫu ở ngay dinh Tỉnh Trưởng cũ thường xuyên có trên dưới 200 thương binh, sặc mùi hôi thối. Các lực lượng trong Thành Cổ thì chiến đấu một cách tuyệt vọng, còn các đơn vị ở các hướng khác, tuy có cố gắng đánh vào cạnh sườn để hộ trợ cho lực lượng ở trong Thành nhưng cũng không tạo được hiệu quả. Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Ta đã tung hết lực lượng, đã kiệt quệ. Có lúc tôi đã phải điều học viên trường Lục Quân về gần thủ đô lập một lữ đoàn để bảo vệ Trung ương, vì hết cả quân”.
Cơ hội hòa bình
Nhưng việc Sài Gòn lấy lại Quảng Trị lại giúp phá vỡ những bế tắc trong đàm phán. Dươi sư chu toa cua Bô trương Ngoai  giao  Nguyên Duy Trinh, Hiêp đinh va môt sô Nghi đinh thư cân thiêt  đã được soạn. Ngay 26-9-1972, Trơ ly Bô trương Bô Ngoai giao Lưu Văn Lợi đa mang cac dư thao tới Paris.
Ngay 4-10-1972, sau khi Bô chinh tri xem xét lại dự thảo Hiệp định, Ha Nôi thông bao cho Lê Đưc Tho va Xuân Thuy: “Ta cân tranh thu kha năng châm dưt chiên tranh trươc ngay bâu cư ơ My, đanh bai âm mưu cua Nixon keo dai đam phan đê vươt tuyên cư, tiêp tuc Viêt Nam hoa chiên tranh, thương lương trên thê manh… Y êu câu lơn nhât cua ta hiên nay la châm dưt chiên tranh cua My ơ miên Nam. My rut hêt, châm dưt sư dinh liu quân sư cua My ơ miên Nam va châm dưt cuôc chiên tranh không quân, hai quân, tha min chông miên Băc… Chi ghi nguyên tăc vê quyên tư quyêt, tông tuyên cư, giư gin hoa binh, hoa hơp dân tôc va ghi môt câu ngăn ‘thanh lâp Chinh quyên hoa hơp dân tôc cac câp gôm ba thanh phân vơi nhiêm vu đôn đôc va giam sat cac bên thi hanh cac Hiêp đinh ky kêt”643.
Ngày 8-10-1972 khi Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo các điều khoản hiệp định đề nghị ký kết, Kissinger viết: “Các đồng nghiệp và tôi đều hiểu ngay tầm quan trọng của những điều mình vừa nghe. Ngay lúc nghỉ giải lao, W inston Lord và tôi đã bắt tay và nói với nhau: ‘chúng ta đã thành công rồi’. Haig, người đã từng phục vụ tại Việt Nam, thốt lên đầy xúc động rằng chúng tôi đã bảo toàn được danh dự cho các chiến binh từng phục vụ, đã chịu đựng và hy sinh ở Việt Nam”644.
Điều quan trọng nhất mà miền Bắc muốn - Mỹ rút quân mà Hà Nội không rút quân - thì ở trên bàn đàm phán, Kissinger đã chấp nhận từ năm 1971. Trên thực tế, cho đến khi ký Hiệp định Paris, Nixon đã đơn phương rút quân: từ 545.000 quân năm 1968 xuống còn 27.000 quân năm 1972.
Cuộc đàm phán tưởng như đã tới hồi kết thúc, Kissinger dự kiến sẽ quay lại Paris vào ngày 17-10 gặp Xuân Thủy, thống nhất nốt “hai tồn tại” về nhân viên dân sự bị giam giữ ở miền Nam và việc “thay thế thiết bị quân sự”, được ngầm hiểu như là một viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Ngày 18-10, từ Paris, Kissinger sẽ bay đến Sài Gòn, và tối ngày 22, sẽ đến Hà Nội. Hiệp định dự định công bố vào ngày 24 và được ký ngày 31-10-1972.
Khi bước lên máy bay, Kissinger đã nhận được một bức thư tay của Nixon, dặn: “Thứ nhất, anh cứ làm cái gì cho là đúng mà không cần chú ý đến bầu cử; thứ hai, chúng ta không thể để tuột mất cơ hội kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Nixon cũng gửi một bức thư cho Brezhnev, nhưng theo Kissinger, những yêu cầu của Nixon đều bị bỏ qua. Trong khi đó, tuy không trả lời gì, “viện trợ đạn dược của Bắc Kinh cho Hà Nội đã giảm tới mức ít ảnh hưởng tới kết quả của cuộc chiến”.
Nhưng, kể từ ngày 14-10, khi Đại sứ Bunker chuyển bản tóm tắt Hiệp định cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đến ngày 18-10, khi Kissinger đến Sài Gòn, ông Thiệu không hề trả lời. Ngày 19-10, khi đến dinh Độc Lập, Kissinger đã phải đợi tới 15 phút, Hoàng Đức Nhã - trợ lý của Tổng thống - mới ra đưa Đại sứ Bunker và Kissinger vào gặp ông Thiệu trao bức thư của Nixon. Ông Thiệu hẹn 2 giờ chiều hôm sau sẽ trả lời. Vào ngày 19-10, Kissinger nhận được phản hồi từ Lê Đức Thọ, theo ông: “Hà Nội đồng ý không chỉ với lập trường của chúng tôi mà còn cả với câu chữ do chúng tôi đề ra: Với việc ngừng bắn, tất cả tù nhân sẽ được trả tự do, trừ 10 nghìn cán bộ Việt Cộng trong nhà tù miền Nam Việt Nam”.
Trong khi đó, không có cuộc điện thoại nào từ văn phòng Tổng thống Thiệu gọi cho Đại sứ Bunker để xác nhận cuộc hẹn. Mãi tới 2 giờ 30 phút, Bunker mới nhận được điện thoại của ông Nhã báo là cuộc họp phải lùi tới 5 giờ. Năm giờ, đoàn xe hộ tống của Thiệu đi ngang qua sứ quán Mỹ hụ còi hết cỡ và bỏ mặc Bunker giận dữ, không một lời xin lỗi. Đêm hôm đó, Hoàng Đức Nhã mới báo với Bunker, Tổng thống sẽ làm việc với họ vào 8 giờ sáng hôm sau. Cuộc gặp vào 9 giờ sáng 20-10, theo Kissinger, là chỉ để nghe “cơn thịnh nộ” của ông Thiệu. Trong khi Kissinger cảm thấy bế tắc với Sài Gòn thì  ông  nhận  được  tin  vào  tối 21-10  từ Hà  Nội,  theo  đó,  các yêu  cầu  của  Mỹ về  các vấn  đề  liên  quan  đến  Lào  và Campuchia đều được chấp nhận.
Kissinger đang không biết sẽ ăn nói như thế nào với ông Lê Đức Thọ thì Hà Nội mời nhà báo nổi tiếng, Arnaud De Borchgrave, đến Việt Nam và được thu xếp để ông phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng645. Kissinger cho rằng: “Hà Nội đã phạm phải sai lầm khi đưa ra cớ để (cho W ashington) trì hoãn”.
Một Bức điện, nhân danh Tổng thống Nixon được gửi tới phái đoàn của Hà Nội ở Paris cho rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phá vỡ lòng tin và làm nảy sinh trách nhiệm đáng kể cho những mối quan hệ ở Sài Gòn khi cho Arnaud De Borchgrave vào phỏng vấn. Bức thư nhấn mạnh rằng phía Mỹ không thể hành động một cách đơn phương; những khó khăn ở Sài Gòn cho  thấy sự  việc diễn  biến  phức tạp  hơn dự  đoán; trong  hoàn  cảnh đó, Tổng  thống  đã  phải  triệu  tiến  sỹ Kissinger về W ashington để cố vấn những bước đi tiếp theo.
Kissinger “dọa” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nếu chiến sự còn tiếp diễn kiểu này trong 6 tháng nữa Thượng viện sẽ quyết định cắt viện trợ. Nhưng ông Thiệu với sự cố vấn của Hoàng Đức Nhã vẫn không lay chuyển. Trong khi đó, Hà Nội cáo buộc Washington “không thực sự nghiêm chỉnh” và cảnh cáo rằng “cuộc chiến ở Việt Nam sẽ tiếp diễn và phía Hoa Kỳ phải chịu tất cả trách nhiệm”. Mặc dù trong bức điện gửi tới Paris vài ngày trước, Nixon đã đề nghị hai bên chưa công bố những điều trong dự thảo Hiệp định, nhưng ngày 26-10-1972, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho công bố bản dự thảo này.
Ngày 27-10, người phát ngôn của miền Bắc tại Paris, ông Nguyễn Thành Lê, nói với báo giới: “Nếu như ngày ký là ngày 31, và vào ngày 30 nếu Kissinger muốn gặp Lê Đức Thọ hoặc Xuân Thủy để uống sâm banh trong khi chờ đợi việc ký kết, tôi nghĩ rằng sự hưởng ứng sẽ rất tích cực”. Nhưng phía Mỹ lại đề nghị có một cuộc đàm phán cuối cùng và hứa ngừng ném bom hoàn toàn trong vòng 48 giờ sau khi có một giải pháp. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phản đối “bằng giọng văn bực tức của Nhã”.
Nixon viết thư cho Thiệu: “Nếu như tình trạng bất đồng giữa hai chúng ta tiếp tục tiếp diễn theo một chiều hướng khác, thì những ủng hộ cần thiết của phía Mỹ đối với ngài và với chính phủ của ngài sẽ không còn nữa. Ngài không nên nuôi ảo tưởng rằng chính sách của tôi liên quan đến ước muốn đạt được hiệp định hòa bình một cách sớm sủa sẽ thay đổi sau khi cuộc bầu cử diễn ra”. Như Nixon dự đoán, cho dù Hiệp định Paris chưa ký, ông vẫn tái đắc cử Tổng thống với số phiếu hơn 60% vào ngày 7-11-1972.
Vài cuộc họp giữa Kissinger và Lê Đức Thọ đã được nối lại vào nửa cuối tháng 11-1972. Nếu như Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ là cái bóng của miền Bắc, và bà Nguyễn Thị Bình chỉ tuyên bố theo chỉ thị của Hà Nội như bà thừa nhận, thì Việt Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị mà người Mỹ không dễ khuất phục.
Do Tổng thống Nguyễn Văn Thiêu phản đối, Kissinger phải đưa ra 69 đề nghị mới của Việt Nam Cộng hòa. Trong đó có những đòi hỏi mà Hà Nội không thể nào chấp nhận: Đoi xoa bo tên Chinh phu Cach mang Lâm thơi Công hoa miên Nam Viêt Nam ghi trong Hiệp định; đoi rut tât ca lưc lương không phai Nam Viêt Nam ra khoi miên Nam. Chính Kissinger cũng thừa nhận đó là những đòi hỏi vô lý - đê tăng thêm sưc phan kich, Lê Đưc Tho đoi lâp hôi đông ba thanh phân 15 ngay sau ngưng băn, đoi tông tuyên cư ơ miên Nam 6 thang, đoi Thiêu phai tư chưc hai thang trươc tuyên cư.
Cho dù xác nhận sự đồng ý của Sài Gòn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Hiệp định, Kissinger vẫn chấp nhận đưa ra khỏi Hiệp định điều kiện “rút quân đội không phải của Nam Việt Nam ra khỏi miền Nam”; có giải pháp thỏa đáng xác nhận vị trí của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… nhưng Lê Đưc Tho thây My vân đoi sưa đôi nhiêu vơi ta, nên lai phê phan My lai co y đô chia căt Viêt Nam, keo dai đam phan”646.
Theo Kissinger: “Tổng thống rất thất vọng về tinh thần cũng như thực chất của cuộc họp cuối cùng với Lê Đức Thọ”. Nixon gửi điện cho Kissinger: “Nếu đối phương không thể hiện thiện chí phù hợp tương tự như chúng ta đang thể hiện, tôi chỉ thị cho anh phải ngừng đàm phán và rồi chúng ta sẽ nối lại các hoạt động quân sự cho đến khi đối phương sẵn sàng đàm phán. Phải làm cho họ tỉnh ngộ trước ý nghĩ cho rằng dường như chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc giải quyết theo hướng những điều khoản mà họ đưa ra”.
Ngày 23-11, sau cuộc đàm phán dài 6 tiếng đồng hồ, nhân dịp lễ tạ ơn, đoàn miền Bắc mời đoàn Mỹ dùng một bữa trưa thịnh soạn với thịt bò và thịt gà nướng. Ngay trong bữa ăn, Kissinger viết: “Tôi đưa ra hai lựa chọn cho Tổng thống: hoặc chấm dứt đàm phán và ném bom trở lại miền Bắc từ vỹ tuyến 20 trở lại (trên thực tế, trước đó 24 giờ tổng thống đã yêu cầu tôi đặt vấn đề đó cho ông Lê Đức Thọ suy nghĩ); hoặc có giải pháp cho những vấn đề nêu trong bản dự thảo cụ thể là các điều khoản về khu phi quân sự và vũ khí kèm theo một số thay đổi trong phần về chính trị như là việc giữ thể diện cho chính quyền Sài Gòn”647.
Giáng Sinh B52
Các cuộc đàm phán được đôi bên thỏa thuận là sẽ nối lại. Trong bức điện gửi tới Hà Nội vào ngày 27-11, Washington cho biết là Tổng thống ra lệnh giảm 25% các đợt ném bom. Theo Kissinger: “Đó là một sai lầm. Có vẻ như Bắc Việt Nam xem hành động đó như thể là chúng tôi buộc phải làm do yếu thế” .
Kissinger nói Nixon đã muốn ra lệnh tấn công bằng B-52 xuống Hà Nội-Hải Phòng ngay trước khi các cuộc đàm phán được bắt đầu lại vào ngày 6-12. Trong cuộc gặp vào ngày 7-12, theo Kissinger: “Chúng tôi bị dồn vào chân tường một cách tuyệt vọng. Điều mà Lê Đức Thọ muốn ở chúng tôi là tiến tới hiệp định, đủ gần để ngăn ngừa chúng tôi sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng cũng đủ xa để duy trì sức ép sao cho vào những phút cuối có thể hoàn thành những mục tiêu của Hà Nội trong việc làm tan vỡ cấu trúc chính trị của Sài Gòn”.
Trên thực tế, theo ông Lưu Văn Lợi, những tranh chấp còn lại là không quan trọng, phần lớn thuộc về kỹ thuật hoặc về cách dùng từ khác nhau do dịch ra tiếng Anh, tiếng Việt. Theo người phiên dịch của ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Đình Phương: “Đến ngày 13-12-1972, chỉ còn hai vấn đề tồn tại (khu phi quân sự và cách ký Hiệp định), hai bên quyết định về nước hỏi ý kiến chính phủ, trong khi các chuyên viên tiếp tục rà soát lại văn bản. Ngày 15-12-1972 anh Sáu rời Pari”648.
Kissinger cho rằng: “Nếu hồi tháng Mười Hà Nội chịu đưa ra một hoặc hai đề nghị thỏa hiệp về khu phi quân sự hay kỹ thuật viên quân sự thì Nixon có lẽ đã chấp nhận. ông không hào hứng với việc ném bom trở lại. Ông đã trải qua nỗi kinh hoàng khi xuất hiện trên truyền hình để thông báo bắt đầu một nhiệm kỳ mới với việc một lần nữa mở rộng chiến tranh… Nhưng Hà Nội đã trở nên quá tự tin. Được khuyến khích bởi sự bất đồng công khai giữa Washington và Sài Gòn, thêm vào đó, Quốc hội mới sẽ cắt ngân sách vào tháng Giêng tới, Bắc Việt Nam nghĩ rằng họ có thể buộc chúng ta nhượng bộ và làm Sài Gòn mất tinh thần. Bắc Việt Nam đã phạm một lỗi căn bản khi thương lượng với Nixon, họ đã dồn ông vào chân tường. Nixon nguy hiểm hơn bao giờ hết khi ông dường như không còn lựa chọn”.
Ngày 14-12-1972, từ Paris, Kissinger trở lại phòng Oval, nơi các cộng sự và ông trở nên “diều hâu” hơn. Trong cuộc họp đó Nixon quyết định “ném bom dày đặc và lần đầu tiên sử dụng liên tục B-52 trên miền Bắc”. Ngày 16-12, Đại sứ W. Porter, Trưởng đoàn Đàm phán của Mỹ tại Paris, đã gặp ông Xuân Thủy. Theo Kissinger, ông Xuân Thủy “đã đẩy sự kiêu căng của Lê Đức Thọ lên một mức nữa. Thay vì dừng lại ở những vấn đề cụ thể, ông đã lịch sự từ chối thảo luận về bất cứ vấn đề gì”. Cùng ngày, tại phòng Báo chí của Nhà Trắng, Kissinger giải thích về các cuộc đàm phán đang bế tắc.
Sáng 18-12, Kissinger gửi thông điệp cho Hà Nội, một mặt, buộc tội miền Bắc đã cố ý trì hoãn đàm phán, mặt khác đề xuất nối lại đàm phán bằng cách quay lại các thỏa thuận đã đạt được vào cuối vòng đàm phán đầu tiên được nối lại ngày 23 tháng 11, bao gồm cả những thay đổi mà Lê Đức Thọ đã đồng ý. Kissinger ngỏ ý sẽ gặp Lê Đức Thọ bất kỳ lúc nào sau ngày 26-12. Tướng Giáp gọi đây là một “tối hậu thư”.
Cũng trong chiều 18-12-1972, vào lúc 4 giờ 45 phút giờ Hà Nội, chiếc chuyên cơ vốn sử dụng để chở Hồ Chí Minh mang ký hiệu BH195 đưa Lê Đức Thọ từ Hội nghị Paris về tới sân bay Gia Lâm. Hơn hai giờ đồng hồ sau, khi Lê Đức Thọ đang ở trong nhà tắm, Tướng Giáp nhận được điện thoại Trực ban báo tin có nhiều tốp B52 bắt đầu rời Guam và Utapao. Liền đó là những hồi còi báo động phá vỡ sự tĩnh lặng đợi chờ của Hà Nội. Ngay trong đêm hôm đó, tất cả các sân bay quân sự xung quanh Hà Nội như Kép, Phúc Y ên, Hòa Lạc… đều bị phá hủy. Chiếc chuyên cơ BH 195 đậu ở Gia Lâm cũng bị bom B
52 phá hỏng hoàn toàn. Đài tiếng nói Việt Nam bị ném bom.
Theo Tướng Giáp, vào lúc 20 giờ 20 phút ngày 18-12-1972, ông nhận được tin 4 phút trước đó, Tiểu đoàn tên lửa 59 đã bắn cháy chiếc B52 đầu tiên, xác chiếc B52G này rơi xuống xã Phù Lỗ, Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Tướng Giáp mô tả: “Tin thắng trận xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng Hành dinh náo nức được thấy con ngoáo ộp B52 không còn ‘bất khả xâm phạm nữa’ trước những con ‘rồng lửa Thăng Long”649. Lúc 4 giờ 39 phút sáng hôm sau, 19-12-1973, Tiểu đoàn tên lửa 77 bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Mỹ bắt đầu sử dụng B52 trong chiến tranh Việt Nam từ giữa năm 1965. Phi vụ B52 đầu tiên ném bom miền Bắc diễn ra ngày 12-4-1966 ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình. Tháng 5-1966, Trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh để nghiên cứu đánh B52 và theo Tướng Giáp, 238 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên vào ngày 17-9-1967.
Chiếc B52 thứ hai, theo công bố của Bộ Quốc phòng Việt Nam, bị dính tên lửa của Trung đoàn 263 ở Nghệ An, và sau đó rơi xuống đất Nakhomphanom ngày 22-11-1972, cách Utapao 64 km. Đây cũng là chiếc B52 đầu tiên mà người Mỹ công nhận có tổn thất. Theo Tướng Giáp: Từ năm 1969, Liên Xô không viện trợ thêm một quả tên lửa nào650; khí tài cũng xuống cấp, buộc bộ đội phòng không phải cải tiến rất nhiều mới đánh được. Đêm 20-12-1972, bộ đội tên lửa hạ thêm “7 máy bay B52, 7 máy bay chiến thuật và một máy bay không người lái”. Hà Nội càng tự tin.
Nhưng Tướng Giáp không chỉ nhận được “tin chiến thắng”. Vào thời điểm ấy, ở khu vực Đông Nam Á, người Mỹ có  tới 207 chiếc B-52 đang ở tư thế sẵn sàng ném bom: 54 B-52D đậu ở U-Tapao RTAFB, Thailand; trong khi 153 chiếc khác gồm 55 B-52D và 98 B-52G đang ở căn cứ không quân Andersen ở Guam.
Đêm 18-12-1972, Mỹ sử dụng tới 129 máy bay ném bom, được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu F-4, F-105, máy bay đánh chặn tên lửa SAM, máy bay làm nhiễu sóng rada… Người Mỹ quả đã chịu tổn thất nặng nề khi ngay trong phi vụ đầu tiên, ba máy bay bị bắn rơi ngay bởi 68 quả tên lửa SAM: hai B-52G và một B-52D. Hai B-52D khác bị trúng đạn hư hỏng nặng phải đưa về sửa tại U-Tapao. Cũng trong đêm đó, một chiếc F-111 bị bắn hạ.
Trong đêm thứ hai, 93 chiếc B-52 khác lại được đưa tới vùng trời miền Bắc, các cơ sở công nghiệp ở Thái Nguyên, Y ên Viên và ga Kinh Nỗ trở thành mục tiêu và nhanh chóng bị phá hủy. Hàng chục tên lửa SAM được bắn lên nhưng chỉ làm hư hỏng một số máy bay. Các mục tiêu khác ở Y ên Viên, Ái Mỗ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Hà Nội, tiếp tục bị B-52 cày nát trong đêm thứ ba, ngày 20-12-1972, nhưng 4 B-52 đã bị bắn hạ với khoảng trên 30 quả tên lửa SAM trong đó có một chiếc đã rơi tại Lào trên đường bay về Thailand. Ngày 20-12, tại Paris, trong cuộc gặp đại diện Mỹ, Heyward Isham, ông Nguyễn Cơ Thạch đã mạnh mẽ phản đối hành động của Nixon.
Những tổn thất này đã khiến cho Ban tham mưu liên quân và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nao núng. Có những tiếng nói muốn dừng cuộc “tàn sát” lại. Nhưng Nixon ra lệnh cho Đô đốc Moorer tiếp tục cường độ oanh tạc và bắt vị tham mưu trưởng liên quân này phải đích thân chịu trách nhiệm về kết quả của chiến dịch oanh tạc.
Đêm thứ Tư, 21-12-1972, 30 B-52 từ U-Tapao vẫn được đưa vào vùng trời Hà Nội. Nhiều mục tiêu khác lại bị phá hủy trong đó có kho Văn Điển và sân bay Quảng Tế. Nhưng, thêm hai B-52 bị bắn hạ bởi SAM. Tên lửa SAM dường như chỉ có thể tập trung bảo vệ vùng trời Hà Nội. Những ngày sau đó, các cuộc oanh kích chuyển sang đánh phá Hải Phòng. Không có một chiếc máy bay nào bị bắn hạ thêm ở đây ngoại trừ một chiếc F-111 bị bắn rơi trên bầu trời Kinh Nỗ.
Ngày 22-12, Mỹ đề xuất một cuộc gặp giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Kissinger vào ngày 3-1-1973. Nếu Hà Nội đồng ý những điều khoản do phía Mỹ đưa ra, việc ném bom từ vĩ tuyến 20 sẽ chấm dứt vào nửa đêm ngày 31-12. Nhưng ngày 23-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lại đọc một bài phản đối khác.
Ngày 22-12-1975, một cuộc ném bom được nói là nhắm vào sân bay Bạch Mai và căn cứ Bộ chỉ huy của lực lượng không quân Bắc Việt Nam, nhưng toàn bộ lượng bom trên một chiếc B-52 đã rơi vào bệnh viện Bạch Mai và khu dân cách đó hơn một cây số. Ngày 23-12-1975 và các ngày sau đó, các oanh tạc cơ tiếp tục chiến thuật tránh Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Cho đến đêm 26-12-1972, 120 máy bay ném bom gần như đồng thời oanh tạc khu vực Thái Nguyên, Hà Nội và cả Hải Phòng: 78 B-52 bay từ căn cứ Andersen; 42 chiếc khác bay từ U-Tapao, theo sau chúng là 113 máy bay hộ tống các loại, cùng lúc tràn ngập vùng trời miền Bắc.
Khoảng 250 tên lửa SAM đã được bắn. Một B-52 bị bắn hạ gần Hà Nội, một chiếc khác bị bắn hỏng cố bay về U-Tapao nhưng đã bị rơi ngay gần đường băng. Tướng Giáp kể: “Có lúc căn hầm kiên cố của Tổng Hành dinh rung chuyển như động đất”. Đêm ấy, vào lúc 22 giờ 47 phút, B52 đã rải bom xuống Khâm Thiên và hơn 100 điểm dân cư ở Hà Nội,  Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc.
Trong ngày 26-12-1972, ngày mà lượng bom B52 được thả xuống miền Bắc ác liệt nhất, Kissinger nhận được “thông điệp” từ Lê Đức Thọ. Tuy bác bỏ “ngôn ngữ tối hậu thư” của Washington nhưng Hà Nội đã đồng ý với các điều khoản đưa ra từ phía Mỹ: nếu Mỹ ngừng ném bom, các cuộc họp cấp chuyên gia có thể nối lại trong khoảng thời gian sớm nhất; vì lý do sức khỏe Lê Đức Thọ không thể tham dự cuộc họp nào trước ngày 8 tháng Giêng.
Ngày 27-12, Mỹ đồng ý nối lại các cuộc gặp cấp chuyên gia vào ngày 2-1-1973; Lê Đức Thọ và Kissinger sẽ gặp nhau ngày 8-1; Mỹ sẽ ngừng ném bom trong vòng 36 giờ khi nhận được lời khẳng định cuối cùng về các bước thủ tục này. Theo Kissinger: “Hà Nội trả lời ngay trong vòng 24 tiếng - một kỳ tích về thời gian cần thiết để chuyển tin từ Paris; chuyển đến Paris và sự khác nhau về múi giờ”. Kissinger nói: “Chúng tôi đã thắng cược”651.
B-52 tiếp tục oanh tạc cho tới đêm 29-12-1972. Trong suốt “12 ngày đêm” ấy, người Mỹ đã huy động 741 lượt B-52 ném bom miền Bắc Việt Nam, 729 phi vụ được coi là thành công, 15.237 tấn bom đã được dội xuống 18 mục tiêu kinh tế và 14 mục tiêu quân sự; các loại phi cơ khác cũng đã dội xuống đầu người dân Việt Nam thêm 5.000 bom. Cũng trong thời gian đó, 212 phi vụ B-52 đánh phá các căn cứ Quân Giải phóng miền Nam. Mười máy bay B-52 bị bắn hạ trên vùng trời Việt Nam, 5 chiếc khác bị bắn hỏng sau đó bị rơi ở Lào và Thái Lan.
Những hình ảnh tang thương, đặc biệt là cảnh hủy diệt khu dân cư Khâm Thiên và bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã làm cho thế giới giận dữ. Nixon bị nguyền rủa từ trong nước cho tới khắp nơi trên Thế giới. Chính phủ Thuỵ Điển so sánh chính quyền Nixon với bọn phát xít. Chính phủ Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Bỉ cũng lên án các vụ ném bom. B52 đã giết chết hơn 1.600 thường dân Việt Nam trong khi cả hai phía đều tuyên bố là chiến thắng.
Đêm 28-12-1972, Tướng Giáp duyệt bản Thông cáo Chiến thắng do Cục Tuyên huấn dự thảo, theo đó: “Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 77 máy bay hiện đại, trong đó có 33 máy bay B52; 5 F111; 24 phản lực; 3 máy bay trinh sát; 1 máy bay lên thẳng; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ”652. Sáng 29-12-1972, các đài báo cho phát bản Thông cáo nói trên và Báo Quân Đội Nhân Dân đăng xã luận gọi “chiến công vĩ đại” này là “trận Điện Biên Phủ trên không”.
Tướng Giáp cho rằng chiến thắng B52 đã làm cho “hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Mỹ sụp đổ theo”653. Ông dẫn chứng bằng bức thư Nixon gửi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thúc ép phải ký Hiệp định Paris. Tuy nhiên, bức thư mà Tướng Giáp trích dẫn trong cuốn sách của ông đã được Nixon viết một ngày trước khi cuộc ném bom Hà Nội diễn ra.
Hiệp Định Paris 1973
Việc Nixon thúc ép Sài Gòn chấp nhận bản Hiệp định của Kissinger diễn ra từ nửa cuối tháng 10-1972. Trong bức thư do Tướng Haig mang tới Sài Gòn vào ngày 19-12-1972 này, theo Kissinger, đích thân Nixon viết thêm vào cuối thư: “ Cho phép tôi nhấn mạnh lần cuối rằng T ướng Haig không đến Sài Gòn để thương lượng với Ngài. Đã đến lúc chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết trong đàm phán với kẻ thù của chúng ta, và bây giờ Ngài cần phải quyết định xem Ngài muốn tiếp tục giữ mối quan hệ đồng minh của chúng ta hay Ngài muốn tôi tìm kiếm một giải pháp với kẻ thù chỉ để phục vụ lợi ích của Mỹ mà thôi”654.
Thái độ can đảm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho những sứ giả của Nixon khâm phục. Ngày 20-12-1972, ông Thiệu mới trao cho Haig bức thư mà Kissinger coi như "một lời từ chối đề nghị của Nixon”. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rút lại sự phản đối đối với các điều khoản chính trị, nhưng không chấp nhận các lực lượng Bắc Việt Nam tiếp tục có mặt ở miền Nam. Sự “can đảm” đã khiến ông phải trả giá. Ngày 2-1-1973, trong một cuộc họp kín, với tỷ lệ 154/75, khối nghị sĩ Dân Chủ tại Hạ viện đã thông qua việc cắt toàn bộ quỹ dành cho hoạt động quân sự ở Đông Dương; tỷ lệ này trong nhóm nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện là 36/12.
Ngày 8-1-1973, khi Kissinger gặp Lê Đức Thọ ở Gif-sur-yvette, các nhà báo có mặt khắp nơi, theo mô tả của Kissinger: “Lê Đức Thọ luôn từ chối bắt tay tôi trước mặt công chúng. Bề ngoài, có vẻ không có người Việt Nam nào mở cửa chào đón tôi. Cánh cửa đàm phán chỉ đơn giản được mở bởi một người nào đó bên trong. Điều đó đã tạo ra nhiều câu chuyện trên các phương tiện truyền thông về một không khí lạnh nhạt sau các cuộc ném bom của chúng ta. Trên thực tế, mối quan hệ bên trong, ngoài con mắt theo dõi của báo giới, lại khá tốt đẹp. Tất cả người Bắc Việt đều xếp hàng chào đón chúng tôi. Lê Đức Thọ rất nhanh nhẹn, hệt như phong cách một doanh nhân trong ngày đầu tiên, đẩy mạnh sự thân mật đó khi chúng tôi bắt đầu đạt tới thỏa hiệp”.
Ngày 9-1-1973, Lê Đức Thọ chấp nhận đề xuất ngày 18-12-1973 của phía Mỹ. Kissinger viết: “Ông ta đồng ý với bản thảo khi nó giữ đúng với lập trường ngày 23-11-1973 tại cuối phiên họp đầu tiên sau bầu cử, trong đó có cả 12 điểm thay đổi ông ta đã thừa nhận. ông ta đồng ý việc chúng tôi thành lập khu vực phi quân sự, điều mà vào tháng 12-1972, ông ta đã cứng rắn bác bỏ”. Ngày 13-1-1973, các nhà đàm phán Mỹ và Việt Nam ngồi xen kẽ với nhau, ăn cơm; Lê Đức Thọ và Kissinger nâng cốc.
Tướng Haig được phái đi Sài Gòn vào tối hôm sau, 14-1 với tối hậu thư nhấn mạnh Mỹ sẽ ký Hiệp định mà không có Thiệu nếu cần thiết. Nhưng Kissinger viết: “Chúng tôi vẫn không nhận được sự đồng ý của con người nhỏ bé nhưng gan góc ở Sài Gòn - Tổng thống Thiệu. Nixon quyết định thuyết phục”. Mãi cho đến ngày 20-1-1973, sau khi có thêm áp lực của hai thượng nghị sỹ từng ủng hộ Sài Gòn, ông Thiệu mới đồng ý ký vào Hiệp định.
Ngày 15-1-1973, Nhà Trắng tuyên bố ngừng ném bom. Ngày 23-1, Kissinger và Lê Đức Thọ gặp lại ở Paris để “hoàn tất Hiệp định”. Cuộc họp bắt đầu lúc 9 giờ 35 phút, ông Lê Đức Thọ đưa ra “điều khoản cuối cùng”, yêu cầu phía Mỹ đảm bảo một cách chắc chắn về việc sẽ viện trợ kinh tế cho miền Bắc. Kissinger cho rằng điều đó chỉ được thảo luận thêm khi Hiệp định đã được ký kết. Lúc 12 giờ 45 phút ngày 23-1-1973, cả hai ký tắt vào các văn bản rồi rời phòng họp, ra ngoài bắt tay nhau trước ống kính phóng viên.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh Việt Nam chính thức được 4 bên ký kết ở Paris. Nhưng hòa bình đã không thực sự diễn ra sau đó.

### HẾT ###
Tác giả
Huy Đức - Trương Huy San sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh nhập ngũ tháng 3-1979
học viên trường Sỹ quan Hoá Học (1980-1983)
chuyên gia quân sự ở Campuchia (1984-1987)
phóng viên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, và Sài Gòn Tiếp Thị (1988-2009)
blogger của trang Osinblog (2006-2010)
Humphrey Fellow về phân tích chính sách tại Đại học Maryland (2005-2006) Nieman Fellow về phân tích chính trị tại Đại học Harvard (2012-2013)
Liên hệ tác giả qua thư điện tử osinbook@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/BenThangCuocBook

Danh mục sách tham khảo
Sách:
1. Archimedes L. A. Patti (2007). Why Vietnam. Nhà Xuất bản Đà Nẵng.
2. Ban Tuyên giáo Thành ủy – Cục Chính trị quân khu 7 Viện nghiên cứu xã hội thành phố Hồ Chí Minh (2008). Sài Gòn
Mậu T hân 1968. Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Bernstein, C. (2008). Hillary Rodham Clinton - người đàn bà quyền lực. Nhà Xuất bản Công an nhân dân.
4. Bộ Ngoại giao (2006). Phạm Văn Đồng và Ngoại giao Việt Nam. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
5. Braestrup, P. (1977). Big Story. Presidio.
6. Bùi Diễm (2000). Gọng kìm lịch sử. Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai.
7. Chính Đạo (2000). Việt Nam niên biểu 1939 – 1975. Nhà Xuất bản Văn hóa.
8. Clinton, B. J. (2004). My life. Vintage Books.
9. Đặng Phong (2009). “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới. Nhà Xuất bản Tri thức.
10. Đào Xuân Sâm (2000). Viết theo dòng đổi mới tư duy kinh tế. Nhà Xuất bản Thanh niên.
11. Dương Đức Dũng (1992). Nhà doanh nghiệp cần biết - Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975. Nhà Xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
12. Duyên Anh (1987). Nhà tù hồi ký. Nhà Xuất bản Xuân Thu.
13. Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức (1996). T óm tắt Niên biểu Lịch sử Việt Nam. Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin.
14. Hoàng Dũng (2000). Chiến tranh Đông Dương I I I . Nhà Xuất bản Văn Nghệ.
15. Hoàng Minh Thắng (2003). Nơi ấy tôi đã sống. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
16. Học viện Chính trị Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (2007). Đồng chí T rường Chinh – Nhà lãnh đạo kiệt xuất của
Cách mạng Việt Nam. Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị.
17.Huỳnh Bá Thành (1983). Vụ án Hồ Con Rùa. Phụ bản báo Tuổi trẻ.
18. Karnow, S. (1983). Vietnam - A History: the first complete account of Vietnam at War. W GBH Educational
Foundation and Stanley Karnow.
19. Kissinger, A. H. (2003). Những năm bão táp (Cuộc chạy đua vào Nhà T rắng). Nhà Xuất bản Công an Nhân dân.
20. Kissingger, A. H. (2003). Ending the Vietnam War. Simon & Schuster.
21. Krenz, E. (2010). Mùa thu Đức 1989. Nhà Xuất bản Công an nhân dân.
22. Lê Duẩn (1985). T hư vào Nam. Nhà Xuất bản Sự Thật.
23. Lê Xuân Khoa (2004). Việt Nam 1945 – 1995. Nhà Xuất bản Tiên Rồng.
24. Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ (2002). Các cuộc thương lượng Lê Đức T họ - Kissinger tại Paris. Nhà Xuất bản Công an Nhân dân.
25. Marr, D. G. (1995). Vietnam 1945 - T he quest for pow er. University of California Press.
26. Nghiêm Xuân Hồng. Cách mạng và hành động (1789 – 1917 – 1933 – 1949). Nhà Xuất bản Quan điểm.
27. Ngô Thảo (2011). Dĩ vãng phía trước. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.
28. Nguyễn Đình Đầu (2009). T ìm hiểu T hềm lục địa – biển Đông hải đảo Việt Nam. Ủy ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh.
29. Nguyễn Duy Oanh (1974). Chân dung Phan T hanh Giản. Tủ sách Sử học, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.
30. Nguyễn Nhật Lâm (2012). T rở lại. Nhà Xuất bản Văn học.
31. Nguyễn Thế Anh (1970). Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Nhà Xuất bản Lửa thiêng.
32. Nguyễn Thị Ngọc Hải (2011). T rở lại xứ Ka Đô. Nhà Xuất bản Công an Nhân dân.
33. Nguyễn Thị Ngọc Hải (2012). Chuyện đời Đại sứ. Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ.
34. Nguyễn Tiến Hưng (2010). T âm tư T ổng thống T hiệu. Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh.
35. Nguyễn Văn Linh (1985). T hành phố Hồ Chí Minh 10 năm. Nhà Xuất bản Sự thật.
36. Nguyễn Văn Linh (1991). Đổi mới để tiến lên. Nhà Xuất bản Sự Thật.
37. Nguyễn Văn Linh (1999). Hành trình cùng lịch sử. Nhà Xuất bản Trẻ.
38. Nguyễn Văn Trung (1963). Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Nhà Xuất bản Nam Sơn.
39. Nguyễn Văn Vịnh (2003). Như anh còn sống. Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
40. Nguyễn Xuân Oánh (2001). Đổi mới - vài nét lớn của một chính sách kinh tế Việt Nam. Nhà Xuất bản Thành phố
Hồ Chí Minh.
41. Norodom Shihanouk & Kriser, B. (1999). Hồi ký Shihanouk. Nhà Xuất bản Công an Nhân dân.
42. Phạm Khắc Hòe (2007). T ừ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
43. Phạm Văn Trà (2009). Đời chiến sĩ - hồi ký. Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân.
44. Phan Lạc Phúc (2000). Bè bạn gần xa. Nhà Xuất bản Văn nghệ.
45. Short, P. (2004). Polpot: Anatomy of a nightmare. Henry Holt and Company, LLC.
46. Tạ Chí Đại Trường (2004). Sử Việt đọc vài quyển. Nhà Xuất bản Văn Mới.
47. Tạ Chí Đại Trường (2011). Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861 – 1945). Nhà Xuất bản Tri thức.
48. TGM F. X Nguyễn Văn Thuận (2000). Chứng nhân hy vọng. Công đoàn Đức Mẹ La Vang.
49. Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh & Viện lịch sử Quân sự Việt Nam (1998). Cuộc T ổng tiến công và nổi dậy Mậu T hân 1968. Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân.
50. Thụy Khuê (2002). Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và T ạ T rọng Hiệp. Nhà Xuất bản Văn Nghệ.
51. Trần Công Tấn (2009). Nguyễn Chí T hanh sáng trong như ngọc một con người. Nhà Xuất bản Văn học.
52. Trần Nhâm (2009). T rường Chinh – Một tư duy sáng tạo, một tài năng kiệt xuất. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
53. Trần Trọng Kim (1969). Một cơn gió bụi. Nhà Xuất bản Vĩnh Sơn.
54. Trần Trọng Kim (2002). Việt Nam Sử lược. Nhà Xuất bản Đà Nẵng.

55. Trần Văn Trà (1982). Những chặng đường của “B2 – T hành đồng”. Tập V - Kết thúc chiến tranh 30 năm. Nhà Xuất
bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
56. Văn phòng Quốc hội (2006). Quốc hội Việt Nam 60 năm hình thành và phát triển. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
57. Văn Tiến Dũng (1976). Đại thắng mùa xuân. Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân.
58. Viện nghiên cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (2008). Đô thị hóa ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh từ góc nhìn
Lịch sử - Văn hóa. Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
59. Viện nghiên cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (2009). Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Những vấn đề nghiên cứu. Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
60. Vĩnh Sính (1991). Nhật Bản cận đại. Nhà Xuất bản thành phố Hồ Chí Minh & Khoa Sử trường Đại học Sư Phạm.
61. Võ Nguyên Giáp (2000). T ổng Hành Dinh trong Mùa Xuân T oàn T hắng. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
62. Võ Nhơn Trí (2003). Việt Nam cần đổi mới thật sự. Nhà Xuất bản Đông Á.
63. Võ Văn Kiệt (1981). Quyết thắng trên mặt trận Văn hóa và T ư tưởng. Nhà Xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
64. Vogel, E. F. (2011). Deng Xiaoping and the T ransformation of China. The Belknap Press of Harvard University
Press.
65. Vũ Đình Hòe (1997). Hồi ký T hanh Nghị tập 1. Nhà Xuất bản Văn học.
66. Vũ Đình Hòe (2008). Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Nhà Xuất bản Trẻ.
67. Vũ Quốc Thông (1971). Pháp Chế Sử Việt Nam. Tủ sách Đại học Sài Gòn.
68. Y oshiharu Tsuboi (2011). Nước Đại Nam đối diện với Pháp và T rung Hoa 1847 – 1885. Nhà Xuất bản Tri thức.
69. Zhao Ziyang (2009). Prisoner of the State. Simon & Schuster.
Hồi ký, bản thảo, sách nhiều tác giả, và các văn bản khác:
1. Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ Cộng sản 1975 – 2005. Nguyệt san diễn đàn giáo dân và phong trào giáo dân Việt Nam hải ngoại cơ sở Đức quốc, 2005.
2. Báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học “Kinh tế vỉa hè” tại thành phố Hồ Chí Minh: Hiện trạng và các giải pháp. Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh & Viện kinh tế. Bản thảo, 1/2005.
3. Biên Niên sự kiện (1986 – 1995).Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh & Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy. Bản thảo, 2000.
4. Campuchia Hậu UNT AC. Trần Huy Chương. Hồi ký – bản thảo, 2002.
5. Campuchia nhìn lại và suy nghĩ. Ngô Điền. Bản thảo, 30/7/1992.
6. Chuyện kể về chị Ba T hi nữ anh hùng lao động. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, 1992.
7. Chuyện thời bao cấp tập 1. Nhà Xuất bản Thông tấn, 2011.
8. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975. Viện lịch sử quân sự Việt Nam. Bản thảo, 4/2005.
9. Đại Việt Sử ký toàn thư. Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin, 2003.
10. Đây là Đài Phát thanh Giải phóng. Nhà Xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
11. Đề án Quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, khắc phục tình trang ùn tắc giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Bản thảo, 11/2007.
12. Đời hay Chuyện về những người tù của tôi. Hồ Ngọc Nhuận. Bản thảo.
13. Giáo dục và đào tạo – mấy cảm nhận và đề xuất. Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Bản thảo, 6/2009.
14. Giáo giới trong đấu tranh đô thị qua hai thời kỳ Nam Bộ kháng chiến (1945 – 1975). Bản thảo tháng 6 năm 2004.
15. Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam 1945 – 1954. Xuân Giáp Thìn 1964.
16. Hồi ký Ngô Công Đức 1936 – 2007. Bản thảo.
17. Hồi ký Phạm Sơn Khai.
18. Hồi ký T rần Văn Giàu 1940 – 1945.
19. Hội thảo Khoa học: T uyển tập các báo cáo toàn văn. Văn phòng Chính phủ, 9/ 2000.
20. Hồi ức Mai Chí T họ. tập 2 - Theo bước chân lịch sử. Nhà Xuất bản Trẻ, 2001.
21. Hồi ức và suy nghĩ. Trần Quang Cơ. Bản thảo, 2003.
22. Kỷ yếu T hủ tướng Phan Văn Khải làm việc với Ban nghiên cứu và tổ kinh tế đối ngoại của T hủ tướng Chính phủ. Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Bản thảo, 13/2/ 2004.
23. Lịch sử Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định và các thành thị Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1928 – 1975). Bản thảo, 9/2004.
24. Mao T rạch Đông ngàn năm công tội. Thông tấn xã Việt Nam, 2008.
25. Một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài. Tạ Chí Đại Trường.
26. Nền Kinh tế trước ngã ba đường - Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2001. Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.
27. Ngã ba Đồng Lộc – Ngã ba anh hùng. Bản thảo, 1971.
28. Ngọn cờ tiên phong. Vũ Mão. Bản thảo, 2005.
29. Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ T hạch. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003.
30. Nhớ về anh Lê Đức T họ. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000.
31. Những kỷ niệm về Bác Hồ. Hoàng Tùng.
32. Những kỷ niệm về Lê Duẩn. Trần Quỳnh.
33. Những năm tháng làm việc bên anh T rường Chinh. Trần Quốc Hương. Bản thảo, 5/2002.
34. Những sự kiện lịch sử Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh (1975 – 1995) tập 1

35. Những sự kiện lịch sử Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh (1975 – 1995) tập 2
36. Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận Văn hóa – T ư tưởng. Nhà Xuất bản Văn hóa, 1980.
37. Phong cách Võ Văn Kiệt. Nguyễn Khánh. Bản thảo, 20/10/1009.
38. Phong trào đấu tranh của công nhân Nam Bộ 1945 – 1975. Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh. Bản thảo 6/2004
39. Phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài gòn – Gia Định trong Nam Bộ kháng chiến (1945 -1975). Bản thảo, 5/2004.
40. Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về con đường XHCN qua cuộc đổi mới. Chương trình Khoa học Công nghệ cấp nhà nước KX.01. Bản thảo, 1994.
41. Quốc triều Hình luật. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995.
42. Sắc lệnh điền thổ 21 tháng 7 năm 1925. Nguyễn Văn Xương lược dịch và chú giải. In lần thứ nhì, 1971.
43. T ài liệu Sử: Những ngày cuối cùng của T ổng thống Ngô Đình Diệm. Hoàng Ngọc Thành và Trần Thị Nhân Đức.
44. T ình bạn hay Những là thư tâm tình về tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Hồ Ngọc Nhuận. Bản thảo.
45. T uyển tập Đào Duy T ùng tập 1. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2008.
46. T uyển tập Đào Duy T ùng tập 2. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2008.
47. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1 (1924 – 1930). Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 1998.
48. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36 (1975). Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004.
49. Viết cho mẹ và Quốc hội. Nguyễn Văn Trấn.
50. Việt Nam - cộng đồng người Việt tị nạn trên thế giới 1975 – 2004. Nhóm nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, 2004.
51. Với các Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI – Mấy trao đổi, đóng góp. Đào Công Tiến. Bản thảo, 2005.
52. Vụ Nhân văn – giai phẩm từ góc nhìn Một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc Cách mạng văn học không thành. Lê Hoài Nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét