TRỊNH ÁNH HỒNG
+ Lê Quỳnh dịch
(tiếp theo - Kỳ 6 - Hết)
... Các liên hệ cá nhân giữa các trí thức
phản kháng với Trung Quốc cũng dễ thấy. Ví dụ, vào cao trào giải phóng, Phan
Khôi, chủ biên của Nhân văn và là nhân vật nổi tiếng nhất của phong
trào, có mặt ở Trung Quốc đại diện cho trí thức Việt Nam tại buổi lễ kỷ niệm 20
năm ngày mất của Lỗ Tấn [21] . Việc chọn Phan Khôi làm đại diện cho
Việt Nam khó có thể nói là ngẫu nhiên, vì sự kiện kỷ niệm nhằm tôn vinh một trí
thức nổi tiếng vì sự độc lập tư tưởng và Phan Khôi lại có tiếng là nhà bình
luận độc lập.
Có một chi tiết khiến sự đại diện của Phan Khôi ở Trung Quốc lại có thêm ý nghĩa. Một năm trước đó, khi chính phủ yêu cầu Phan Khôi phát biểu về cùng đề tài Lỗ Tấn nhân kỷ niệm ngày mất của nhà văn Trung Quốc, ông đã phải nộp bản thảo cho Hội Văn nghệ và sửa chữa bài viết dựa trên các nhận xét. Một năm sau, gần như cùng lúc khi ông sang Trung Quốc dự sự kiện quan trọng hơn về Lỗ Tấn, Phan Khôi viết bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” trên Nhân văn [22] than phiền về thiếu tự do sáng tạo ở Bắc Việt, nhắc lại câu chuyện một năm trước cùng nhiều ví dụ tương tự về sự can thiệp của chính quyền, và đặt câu hỏi, “Tôi còn làm ăn gì được nữa cụ ơi! Tôi còn là tôi đâu được nữa cụ ơi!”[23]
Nhưng liên hệ Trung Quốc trong trường hợp Việt Nam còn có thể được khảo sát từ một góc nhìn khác, dựa trên sự riêng biệt của quá trình nói rộng tự do ở Việt Nam. Sự nới rộng tự do ở ViệtNam có khác biệt bởi vì con đường của nó nhiều va vấp và ở một số chặng thì tương ứng với hoàn cảnh ở Trung Quốc. Để hiểu điều này, tôi cần tóm tắt quá trình mở rộng tự do ở Việt Nam.
Từ tháng Tám đến tháng 11-1956, phong trào trải
qua thời điểm vàng son, giai đoạn Nhân văn - Giai phẩm. Rồi ngay sau
khi Liên Xô đàn áp cuộc nổi dậy ở Hungary, chính phủ Liên Xô bắt đầu đánh lại
trí thức bằng việc in các bình luận, xã luận và thậm chí “thư độc giả” lên án
các phần tử chống chủ nghĩa xã hội. Như một xã luận của báo Nhân
dân ở Việt Nam, xuất
hiện năm ngày sau cuộc đàn áp, viết rằng: “Chúng ta không thể cho phép bất kỳ
ai lợi dụng tự do dân chủ và tự do ngôn luận để tách rời nhân dân khỏi
Đảng.” [24] Sau hơn một tháng chuẩn bị tuyên truyền
như vậy, vào ngày 18-12, sau một nghị định của Chủ tịch nước, Ủy ban Hành chính
Hà Nội cho ngưng phát hành Nhân văn và Giai phẩm; đóng cửa
nhà xuất bản Minh Đức; tịch thu các số báo cũ; và cảnh cáo những ai còn sở hữu
và phân phối báo. Một chiến dịch báo chí nhanh chóng diễn ra để hạ uy tín hai
ấn phẩm và người viết.
Việc cấm hai tờ báo và chiến dịch báo chí phê
phán chúng là một trở ngại nghiệm trọng cho giới trí thức, nhưng cơn bão chính
trị tháng 12-1956 qua đi nhanh đến bất ngờ. Chỉ hai tháng sau, Nhân
dân ngừng chiến dịch phê phán Nhân văn - Giai phẩm, và toàn bộ những
người bị nhắm đến trong chiến dịch đều an toàn, không ai bị bắt hay mất việc,
mà họ chỉ phải tự kiểm thảo và một số bị giáng chức. Như Kim Ninh chỉ ra, các
trí thức “tiếp tục giữ chỗ làm nhà nước và, trong một số trường hợp, họ duy trì
cả vị trí lãnh đạo trong các nhà xuất bản quốc doanh và thậm chí trong Ban Chấp
hành của Hội Văn học Nghệ thuật.” [25] Trong tháng Hai, Đại hội Văn nghệ Toàn
quốc lần hai được triệu tập, và nghị quyết không nhắc gì tới vụ Nhân văn -
Giai phẩm, mặc dù nó ghi nhận sự cần thiết chống lại “các khuynh hướng sai
trái”. Đến tháng Năm, một tờ báo mới, tuần báo Văn, ra đời với tư cách là
cơ quan chính thức của Hội Nhà văn vừa thành lập. Dưới ngọn cờ của tuần
báo Văn, các cây bút của Nhân văn và Giai phẩm nhanh
chóng tụ họp lại. Honey chỉ ra, “Dù họ đã phải học tập những gì thì hoá ra tất
cả đều vô ích, vì họ nhanh chóng tiếp tục sự công kích Hội Văn học Nghệ thuật,
Đảng, chính thể, và mọi mục tiêu trước đó.” [26]
Nói cách khác, môi trường văn hoá tại miền Bắc
Việt Nam phần lớn năm 1957 ít nhất cũng là nhẹ nhàng và dễ thở. Ngay từ khi
ra mắt, báo Vănbị các tờ báo Đảng phê bình vì một số nội dung, nhưng sự
chỉ trích chưa khi nào đưa tới một chiến dịch phối hợp lên án của báo chí, hay
buộc các nhà văn phải im lặng. Hirohide Kurihara, trong nghiên cứu của ông về
chính sách văn hoá Bắc Việt từ 1956 đến 1958, ghi nhận có hai đường lối “linh
động” dẫn dắt tình hình trí thức trong năm 1957. Một “ngả về hướng tôn trọng sự
chủ động của các nhà văn và trí thức… không có biện pháp cụ thể nào nhằm buộc
người cầm bút tham gia học tập chính trị hay các hoạt động sản xuất”; đường lối
thứ hai “mang tính ôn hoà nhằm đạt các mục tiêu chính sách, một cách tiếp cận
nhấn mạnh vào việc đạt tới sự đồng thuận thông qua thuyết phục và thảo luận
kiên nhẫn.” Khi thực hiện chính sách đồng thuận này, “những người nắm chính
sách được cảnh báo không được hành động lỗ mãng.” [27]
Thời gian cởi trói tiếp theo này kéo dài được
khoảng nửa năm và cuối cùng chấm dứt vào đầu 1958. Ngày 6-1, Bộ Chính trị ra
“Nghị quyết Bộ Chính trị về công tác văn nghệ”, đòi trục xuất toàn bộ những
“phần tử phá hoại” ra khỏi các tổ chức văn nghệ và yêu cầu văn nghệ sĩ học tập
chủ nghĩa Marx–Lenin và tham gia lao động [28] . Theo sau nghị quyết là việc đình bản
tuần báo Văn vô thời hạn và từ đây bắt đầu chiến dịch mạnh và lâu dài
nhằm loại bỏ tận gốc mọi tiếng nói và thành phần đối kháng trong giới trí thức.
Nhiều trí thức bị bắt và năm người trong số họ, tất cả gắn với vụ Nhân văn
- Giai phẩm và do Phan Khôi đại diện, bị đưa ra xử và kết án vì “các hoạt
động tâm lý chiến núp dưới bóng Nhân văn - Giai phẩm”. [29] Cùng lúc đó, đa số các trí thức, bất kể
hoạt động chính trị của họ là gì trong giai đoạn Nhân văn - Giai phẩm, đã
phải đi cải tạo dưới hình thức học tập chính trị sát sao và lao động nặng nhọc
ở nông thôn và nhà máy – một hình thức vay mượn từ Trung Quốc.
Như thế, thời kì nới rộng tự do ở Việt Nam có hai giai đoạn nở rộ: từ tháng Tám đến tháng Mười Một 1956, và
từ tháng Năm 1957 đến tháng Giêng 1958. Đối với các sử gia, những câu hỏi tự
nhiên là: Tại sao chính phủ Việt Nam không
nhân sự biến ở Hungary mà dập tắt các tiếng nói đối kháng trong nước
bằng cách đẩy mạnh công cuộc đàn áp đã bắt đầu với việc cấm báo Nhân
văn và Giai phẩm hồi tháng 12-1956? Tại sao nhà nước vẫn cho
phép giới trí thức tiếp tục sự công kích chính thể vào mùa hè 1957?
Điều khiến các câu hỏi này càng thêm kích thích
sự tò mò là có một sự kiện đã có thể tạo nên môi trường thuận lợi hơn cho chính
quyền thẳng tay đàn áp trí thức vào thời điểm cấm báo Nhân
văn và Giai phẩm. Sự kiện đó là cuộc nổi loạn của nông dân ở tỉnh
Nghệ An chống lại chính sách cải cách ruộng đất. Nỗi bức bối của người nông dân
vì cải cách ruộng đất đã chất chồng mấy năm, và việc Đảng công khai thừa nhận
các sai lầm trầm trọng trong chiến dịch, được Trường Chinh thông báo (ông này
sau đó từ chức Tổng Bí thư để xoa dịu sự bất bình), chỉ cung cấp thêm cho nông
dân cơ hội bày tỏ phẫn uất. Cuộc nổi dậy bắt đầu từ ngày 5-11 và có đến hơn
20.000 nông dân tham gia. Nó kéo dài khoảng một tuần và bị một đơn vị đặc biệt
của quân đội Bắc Việt dập tắt. Sự kiện này làm lung lay tận gốc sự tự tin của
chính thể trong việc cai trị nông thôn – đặc biệt vì tỉnh Nghệ An là quê ông Hồ
Chí Minh và căn cứ đầu tiên của cách mạng Việt Nam – và nó là sự biến rất đẫm
máu trong thời kì hạ bệ Stalin, có lẽ chỉ kém các cuộc nổi dậy ở Ba Lan và
Hungary. Nhưng, thật không may là nó chưa được chú ý đầy đủ trong các nghiên
cứu về vấn đề hạ bệ Stalin từ góc nhìn toàn cầu. Cuộc nổi dậy là một đe doạ lớn
cho chính thể, và sẽ không ngạc nhiên nếu chính quyền siết chặt các chính sách
chung ở trong nước để dập tắt mọi dấu hiệu của xu hướng nổi loạn trong dân sau
vụ đàn áp nổi dậy này. Nhưng trên thực tế sự đàn áp trí thức – sau khi cuộc nổi
dậy nông dân bị dập tắt – đã diễn ra ngắn ngủi, nhẹ nhàng và thậm chí tiếp theo
sau ta thấy quá trình trả lại tự do cho văn nghệ sĩ còn được phục hồi.
Mặc dù tôi không tìm cách loại bỏ mọi khả năng
giải thích quá trình nới rộng tự do lúc lỏng lúc chặt ở Việt Nam, nhưng việc
xem xét mối liên quan Trung Quốc có thể cung cấp ít đầu mối. Do ảnh hưởng nặng
của Trung Quốc ở Việt Nam và quan hệ thân mật giữa hai đảng, và do thời kì nới
rộng tự do ở Việt Nam lấy cảm hứng từ mô hình Trung Quốc, sẽ vô lý nếu cho rằng
ban lãnh đạo Việt Nam đã tự ý tạm ngừng đàn áp vào đầu năm 1957 mà không theo
dõi thái độ của Trung Quốc. Vào mùa Xuân 1957, khi môi trường ở Việt Nam một
lần nữa trở nên thuận lợi cho sự mở rộng tự do dân chủ, đó là lúc ban lãnh đạo
Trung Quốc mở chiến dịch “chỉnh phong” quy mô cả nước để lấy ý kiến phê bình
của trí thức đối với Đảng. Giới trí thức Bắc Việt tái tục sự công kích chính
thể vào đầu mùa Hè, chính vào thời điểm phong trào chỉnh huấn ở Trung Quốc đạt
cao điểm và đa số những người phái hữu đang để lộ mình khi công khai chỉ trích
Đảng và đòi cải cách.
Nhưng vào ngày 8-7-1957, chiến dịch chống phái
hữu bắt đầu ở Trung Quốc. Cũng chính vào ngày ấy, vô tình hay hữu ý, ông Hồ Chí
Minh ghé Bắc Kinh trên đường đi Bắc Hàn, Liên Xô và Đông Âu. Trên đường quay về
Việt Nam, vào cuối tháng Tám, ông Hồ một lần nữa ghé thăm Trung Quốc và gặp các
lãnh đạo Trung Quốc lúc ấy đang bận rộn với chiến dịch chống phái hữu. Về mặt
chính thức, ưu tiên của ông Hồ là được Trung Quốc ủng hộ lời kêu gọi của ông
nhằm mở một hội nghị tham vấn về việc thống nhất đất nước thông qua tổng tuyển
cử tự do [30] . Nhưng đằng sau đó họ còn bàn
bạc chuyện gì? Họ có bàn về chiến dịch đang diễn ra ở Trung Quốc và những thách
thức mà giới trí thức Việt Nam đặt ra cho Đảng của ông Hồ? Mặc dù không có tư
liệu nào có thể cung cấp thêm thông tin, nhưng có một điều chắc chắn: ông Hồ
hẳn bị ấn tượng mạnh về chiến dịch và ý định thật cũng như chiến lược của Mao
nhằm buộc kẻ thù lộ mình. Ông Hồ giỏi tiếng Hoa (ông từng làm thông dịch viên
cho các phái viên Liên Xô và những người cộng sản Trung Quốc trong thập niên
1920), và có thể tự mình đọc báo tiếng Hoa. Các tờ báo Trung Quốc lúc ấy tràn
ngập các bài chống phái hữu và các phương pháp dùng để trấn áp, như vậy làm sao
tất cả những điều này lại không được ông Hồ chú ý cơ chứ? [31] Một bằng chứng cho ảnh hưởng của
Trung Quốc là khoảng hai tuần sau khi trở về nước, ông Hồ, dùng bút danh Trần
Lực, đã đăng một bài trên Nhân dân ngày 16-9 với tựa đề “Đập tan tư
tưởng hữu khuynh”. Theo Boudarel, bài báo dường như in đậm dấu ấn chiến dịch
đang diễn ra ở Trung Quốc. Cách ông Hồ tiếp cận vấn đề cũng tương tự như cách
nói ẩn dụ của Mao. Ông viết, “Tư tưởng hữu khuynh như cỏ độc. Hãy nhổ cỏ và
biến chúng thành phân để làm đồng lúa được màu mỡ.” [32]
Điều đáng nói là ít tác giả nào chú ý đầy đủ đến
các ảnh hưởng quốc tế đối với lịch sử Việt Nam trong giai đoạn 1957-1958, theo
nghĩa là liên kết những thay đổi trong nước với những diễn biến cụ thể trong
phong trào cộng sản quốc tế. Tuy nhiên có một ngoại lệ là tác giả Kurihara.
Kurihara nhấn mạnh những thay đổi tạo ra bởi Hội nghị Moskva của các đảng cộng
sản thế giới tháng 11-1957, mà trong đó Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc
hợp tác với Liên Xô để lên án “khuynh hướng xét lại”, ám chỉ nguy hiểm từ cánh
hữu. Vì thế, đối với Bắc Việt, tình hình quốc tế cuối năm 1957 và đầu 1958 rất
khác giai đoạn trước đó. Như Kurihara chỉ ra, “Cả Liên Xô, nước gây cảm hứng
cho Nhân văn – Giai phẩm nhờ sự lên án Stalin, và Trung Quốc, nước cũng
gây cảm hứng nhờ chính sách ‘Trăm hoa’, đã ký vào Tuyên bố, tức là bày tỏ ủng
hộ cho cuộc đấu tranh chống xét lại. Ngoài ra, chính sách ‘Trăm hoa’ đã biến
thành chiến dịch chống phái hữu ở Trung Quốc.” [33] .
Khi Nhân văn và Giai phẩm bị
cấm, một vài nhà quan sát phương Tây đặt giả thiết rằng các ấn phẩm là “các quả
bóng nhử, được thả với sự ngầm chuẩn thuận của chính phủ” và rằng “thí nghiệm
rõ ràng đang đi đến điểm kết thúc.” [34] Nếu nhận xét đó đúng, hẳn Hồ Chí
Minh cảm thấy nhẹ nhõm khi ông ở Trung Quốc chứng kiến chiến dịch chống phái
hữu quyết liệt và thán phục chiến thuật của Mao. Bốn tháng sau, ông Hồ bắt đầu
lại cuộc tấn công giới trí thức bằng cách đi theo mô hình Trung Quốc, một mô
hình mà hẳn ông đã cân nhắc trong lúc ở lại Trung Quốc: bóc trần tư tưởng chống
chủ nghĩa xã hội, chống Đảng, bằng việc đăng những lời “thú tội” của họ trên
báo, tổ chức các cuộc họp tập thể mà ở đó những người bị tố cáo phải tự phê
hoặc lên án chính mình, sa thải và bỏ tù nhiều người, trục xuất nhiều người
khỏi các hội nghề nghiệp, và gửi hàng trăm, hàng ngàn người xuống các vùng nông
thôn, nhà máy để cải tạo thông qua lao động nặng nhọc.
Toàn bộ những chương và diễn biến song song này,
khi đặt chúng cạnh nhau, rõ ràng chứng tỏ ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc trong
phong trào nới rộng tự do ở Việt Nam ngay từ năm 1955 cho tới 1958. Giống như
tại Đông Âu, sự liên hệ với Trung Quốc đã tạo cảm hứng ban đầu cho giới trí
thức, khiến họ duy trì quan điểm ngay cả sau khi Liên Xô đàn áp cách mạng Hungary. Nhưng rốt cuộc sự liên hệ với Trung
Quốc trở thành cú đánh cuối cùng, bất ngờ và có lẽ nặng nề nhất cho phong trào
nới rộng tự do dân chủ.
Kết luận
Phong trào hạ bệ Stalin và mở rộng tự do ở giữa
thập niên 1950 là một hiện tượng của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu và cần được
xem xét từ góc nhìn toàn cầu. Góc nhìn này có thể cho phép ta xem xét nhiều
nguồn tư liệu của nhiều nước cộng sản đóng góp vào hiện tượng này và những
tương tác phức tạp dính dáng đến các nước liên quan, thay vì chỉ nhìn hiện
tượng từ góc nhìn lấy Moskva làm trung tâm.
Là một ví dụ của cái nhìn toàn cầu này, những liên hệ với Trung
Quốc, thể hiện trong trường hợp Đông Âu và Việt Nam, có thể giúp mở rộng viễn
kiến của chúng ta nhờ việc đặt quá trình giải ảo Stalin trong một văn cảnh rộng
hơn. Đầu tiên, Trung Quốc đã đóng góp vào thay đổi chính trị với những nỗ lực của
riêng mình và hành động như một nguồn độc lập trước Moskva trước Đại hội 20 của
Liên Xô, chứ không phải là một nước ở vị trí ngoài rìa và phản ứng thụ động, và
Trung Quốc còn tiếp tục xác lập ảnh hưởng cả sau khi cuộc nổi loạn Hungary bị
đàn áp, khi mà không khí ở Đông Âu rõ ràng không thuận lợi cho một ảnh hưởng
như vậy. Ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ có trong những nhân vật cải tổ Đông
Âu, mà còn tạo nên hiệu ứng gây lo ngại ở Moskva, như chính Khrushchev thừa
nhận. Thứ hai, khi liên kết trường hợp Việt Nam với Trung Quốc, ta có thể thấy
có sự tồn tại của một mô thức phản kháng và phản đối trong thời kì hậu Stalin –
một mô thức châu Á, chủ yếu thể hiện qua phản đối bằng ngôn từ của trí thức chứ
không phải là những cuộc xuống đường của quần chúng hay thậm chí nổi loạn, mặc
dù Việt Nam cũng có một cuộc nổi loạn nông dân ngắn ngủi và Trung Quốc chứng
kiến một vài cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân. Mô thức phản kháng và
phản đối châu Á có vẻ khác với mô thức Ba Lan – Hungary, mà ở đó sự phản đối của trí thức ban
đầu quan trọng nhưng sau đó bị làm lu mờ bởi hành động bạo lực của quần chúng.
Thứ ba, mối liên hệ Trung Quốc và ảnh hưởng Trung Quốc đối với quá trình giải
ảo Stalin có tính hai mặt. Một mặt, Trung Quốc tán đồng – dù cố ý hay không -
sự giải phóng ở Đông Âu và Việt Nam, và sự tán đồng này là một phần quan trọng
trong việc hạ bệ Stalin mà Moskva phát động. Nhưng mặt khác, ngược với niềm tin
ngây thơ của nhiều nhân vật cải cách và trí thức Đông Âu và Việt Nam, Mao và ban lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ
thực sự tin vào dân chủ và tự do. Họ không chần chừ bộc lộ phản ứng cứng rắn
trước thách thức sự cai trị của Đảng Cộng sản trong trường hợp Hungary, nhưng
phải mất một năm trước khi nhiều người ở Đông Âu, Việt Nam và Trung Quốc nhận
ra điều này. Dù ý định ban đầu của những người cộng sản Trung Quốc có là gì
(khi họ cổ vũ cho Chính sách Trăm hoa và Chỉnh huấn), cuối cùng thì họ chấm dứt
phong trào giải phóng từng nảy nở bằng cách dùng biện pháp khác với cách đàn áp
cách mạng Hungary của Liên Xô, nhưng có tính toán hơn và có lẽ tiêu cực
hơn [35] . Vì thế, nếu Trung Quốc đã đóng
góp vào phong trào giải phỏng và tác động đến các nước cộng sản khác theo cách
riêng của mình, thì nước này cũng đóng góp vào sự đàn áp phong trào giải phóng
theo cách riêng của mình.
T.A.H - LQ
-----------
-----------
· Chú thích:
[21]Uy tín của Phan Khôi một phần là nhờ gốc gác gia
đình. Cha của ông là tổng đốc Hà Nội, người đã tự sát khi quân Pháp chiếm đóng
năm 1883. Phan Khôi trải qua phong trào chống Pháp của giới sĩ phu năm 1907 và
trở thành nhân vật đứng đầu giới trí thức. Ông ủng hộ phong trào cộng sản Việt Nam vì sức hút dân tộc và dân chủ trong cuối thập niên 1940 và đầu
1950. Con trai ông cũng tham gia cách mạng cộng sản và trở thành biên tập viên
của một tờ báo thuộc Mặt trận Tổ quốc, nhưng đã tự sát vào năm 1958, sau khi
phong trào nới rộng tự do bị dập tắt và Phan Khôi cũng qua đời. (Ghi chú của
talawas: 1. Trong bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” nêu trên, câu “Tôi còn làm
ăn được gì nữa cụ ơi! Tôi còn là tôi đâu được nữa cụ ơi” của Phan Khôi là hướng
đến cụ Đồ Chiểu. 2. Phan Khôi là cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.)
[22]Bài viết này của Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa Thu tập I (Ghi chú của taalwas)
[23]Turner, Vietnamese Communism, trang 153
[24]Như trên, trang 157
[25]Như trên, trang 155
[26]Honey, “Ho Chi Minh and the Intellectuals”, trang 163
[27]Hirohide Kurihara, “Changes in the Literary Policy of the Vietnamese Workers’Party, 1956–1958”, trong cuốn Indochina in the 1940s and 1950s, Takashi Shiraishi và Motoo Furuta chủ biên (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1992), trang 180
[28]Như trên, trang 183
[29]Ghi chú của talawas: Trong phiên toà xử "Vụ gián điệp Nguyễn Hữu Đang và Thuỵ An" ngày 19.1.1960 tại Toà án Nhân dân Hà Nội, năm người bị kết án là Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Lúc này Phan Khôi đã qua đời.
[30]Ang Cheng Guan, Vietnamese Communists’ Relations with China, the Second Indo-Chinese Conflict (Jefferson, N.C.: McFarland & Company, 1997), trang 58
[31]Một tình tiết, mặc dù xảy ra sau đó khá lâu, có thể xem là ví dụ chứng tỏ ông Hồ giỏi tiếng Hoa và dùng nó để tìm hiểu chính trị Trung Quốc. Tháng Năm 1966, khi ông Hồ ở Trung Quốc, ông gặp Mao tại Hàng Châu và theo lời khuyên của Mao, đã đến Đại học Triết Giang để đọc các “bích chương đại tự” để biết về Cách mạng Văn hoá đang diễn ra. Dẫn theo Wen Zhuang, “Ba cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, 1965-1966), Zhong Heng, tháng Tám 2003, trang 12–13.
[32]Boudarel, “The Nhan-Van Giai-Pham Affair,” trang 170–171
[33]Kurihara, “Changes in the Literary Policy”, trang 189.
[34]“In China’s Shadow: The Ho Chi Minh Way,” The Economist, 5-1-1957, trang 41. Bài báo được viết bởi đặc phái viên của tạp chí.
[35]Một ví dụ ở một số nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Hungary, là ban lãnh đạo thời kì sau 1956 đã có vài nhượng bộ trước đòi hỏi cải tổ kinh tế, và được sự đồng ý của Moskva. Sự đối xử với trí thức nói chung có cải thiện. Nhưng tại Trung Quốc và Việt Nam, cuộc đàn áp 1957-1958 đã loại bỏ thành phần cải tổ và những cải cách kinh tế đã không tái xuất hiện cho mãi tới đầu thập niên 1980, và giới trí thức đã chịu khổ trong Cách mạng Văn hoá còn hơn là thời kì những năm 1950.
[22]Bài viết này của Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa Thu tập I (Ghi chú của taalwas)
[23]Turner, Vietnamese Communism, trang 153
[24]Như trên, trang 157
[25]Như trên, trang 155
[26]Honey, “Ho Chi Minh and the Intellectuals”, trang 163
[27]Hirohide Kurihara, “Changes in the Literary Policy of the Vietnamese Workers’Party, 1956–1958”, trong cuốn Indochina in the 1940s and 1950s, Takashi Shiraishi và Motoo Furuta chủ biên (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1992), trang 180
[28]Như trên, trang 183
[29]Ghi chú của talawas: Trong phiên toà xử "Vụ gián điệp Nguyễn Hữu Đang và Thuỵ An" ngày 19.1.1960 tại Toà án Nhân dân Hà Nội, năm người bị kết án là Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Lúc này Phan Khôi đã qua đời.
[30]Ang Cheng Guan, Vietnamese Communists’ Relations with China, the Second Indo-Chinese Conflict (Jefferson, N.C.: McFarland & Company, 1997), trang 58
[31]Một tình tiết, mặc dù xảy ra sau đó khá lâu, có thể xem là ví dụ chứng tỏ ông Hồ giỏi tiếng Hoa và dùng nó để tìm hiểu chính trị Trung Quốc. Tháng Năm 1966, khi ông Hồ ở Trung Quốc, ông gặp Mao tại Hàng Châu và theo lời khuyên của Mao, đã đến Đại học Triết Giang để đọc các “bích chương đại tự” để biết về Cách mạng Văn hoá đang diễn ra. Dẫn theo Wen Zhuang, “Ba cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, 1965-1966), Zhong Heng, tháng Tám 2003, trang 12–13.
[32]Boudarel, “The Nhan-Van Giai-Pham Affair,” trang 170–171
[33]Kurihara, “Changes in the Literary Policy”, trang 189.
[34]“In China’s Shadow: The Ho Chi Minh Way,” The Economist, 5-1-1957, trang 41. Bài báo được viết bởi đặc phái viên của tạp chí.
[35]Một ví dụ ở một số nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Hungary, là ban lãnh đạo thời kì sau 1956 đã có vài nhượng bộ trước đòi hỏi cải tổ kinh tế, và được sự đồng ý của Moskva. Sự đối xử với trí thức nói chung có cải thiện. Nhưng tại Trung Quốc và Việt Nam, cuộc đàn áp 1957-1958 đã loại bỏ thành phần cải tổ và những cải cách kinh tế đã không tái xuất hiện cho mãi tới đầu thập niên 1980, và giới trí thức đã chịu khổ trong Cách mạng Văn hoá còn hơn là thời kì những năm 1950.
(Nguồn: Yinghong Cheng),
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét