Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

81 NGÀY ĐÊM QUẢNG TRỊ...

 ( FB Phan Trí Đỉnh )


 

Trích một chút trong Hồi ức lịch sử - Tướng Cao Văn Khánh.

...”Bước ngoặt chiến trường thật bất ngờ và khốc liệt. Nhằm tạo sức ép chính trị trên bàn đàm phán Paris, các chỉ huy mặt trận Quảng Trị được lệnh phải tiến công liên tục dưới mưa bom đạn pháo và B-52 rải thảm bất chấp mọi nguyên tắc chiến thuật. Những tính toán chiến lược ban đầu bị chệch hướng, dẫn đến giai đoạn hai của chiến dịch (28 tháng 6 đến 15 tháng 9 năm 1972) đẫm máu với thương vong cao nhất trong lịch sử chiến tranh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.”

...”Sự căng thẳng không chỉ diễn ra trên chiến trường mà ngay trong Nhà Rồng-Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội. Thiếu tướng Chu Phác, nguyên bí thư của tướng Vũ kể lúc này ở Bộ có cuộc họp rất quan trọng, tại toà nhà 28 Cửa Đông, trong thành. Dự họp gồm các tướng lĩnh của Bộ, các Tư lệnh quân chủng, binh chủng, Giám đốc học viện quân sự, chính trị và Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân 1. Cấp phó, người đi thay, thư kí, văn phòng...đều không được dự. Lính Trung đoàn 144 gác hai vòng. Vệ sỹ, công vụ không được đến gần. Cửa phòng họp đóng kín mít.

Cuộc họp mới được nửa tiếng đồng hồ, bỗng cửa mở toang. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ cắp cặp đi ra, mặt đỏ gay, nói oang oang:

Tôi xin không họp, họp như vậy chỉ mất thời giờ vô ích!

Tôi nói đây không phải là nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng không phải nói Quân ủy Trung ương. Điều tôi quan tâm đến là máu xương chiến sỹ...

Nói xong, ông lảo đảo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai tay đỡ Tướng Vũ và gọi quân y:” Đưa anh Vũ sang phòng bên nghỉ ngơi đo huyết áp, xong dẫn anh về họp”.

Theo chỉ thị của Tướng Giáp, sáng hôm sau Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chủ trì cuộc họp để bàn tổ chức thực hiện cụ thể. Có vị tướng đứng lên nhìn về phía Tướng Vũ phát biểu một câu gì đó. Vương Thừa Vũ lập tức đúng lên nói to: “Đánh như thế chỉ tốn máu xương của chiến sỹ”. Dừng một chút, ông nói gay gắt hơn: “Đây không phải là chuyện tranh luận ai thắng ai thua, mà là chuyện xương máu của chiến sỹ, chuyện vận mệnh của Tổ Quốc”. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng mời Tướng Vũ ngồi, nói:” Anh yên tâm, đánh thế nào còn có tôi, có cấp trên nữa”.

Cuộc họp căng thẳng nên huyết áp Tướng Vũ và một vài người nữa lại lên cao, phải sang phòng cấp cứu.

Tướng Vương Thừa Vũ là người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ định phụ trách “Tổ nghiên cứu” bàn cách đánh Quảng Trị. Ông có hai con đi bộ đội hy sinh, trong đó con cả, thiếu uý thuộc E232, đã tử nạn ngày 21 tháng 3 năm 1972 ngay tại Thành cổ Quảng Trị.”

...”Chiến dịch Quảng Trị đã kết thúc một cách bi thảm. Chỉ trong phạm vi 16 ha Thành cổ và 3 km2 thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm, các đơn vị chiến đấu bị trút lên đầu 328.000 tấn bom, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hỉoshima (Nhật Bản). Số lượng bom mìn ở đây theo ước tính phải 300 năm nữa, Quảng Trị mới rà phá hết.”

...” Để phục vụ yêu cầu chính trị và đấu tranh ngoại giao, các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã giữ vững trận địa trong 81 ngày đêm dưới tầm hỏa lực bom pháo ác liệt trong điều kiện lực lượng chiến đấu rất chênh lệch”. Sinh lực quân đội đã bị vắt kiệt để phục vụ “những thắng lợi trên bàn đàm phán”.

Tài liệu tổng kết chiến dịch mùa hè 1972 của Bộ Tổng Tham mưu (mã số KHTM/1972-BQP) viết:” Chúng ta đã thiệt hại nặng nề nhất kể từ sau Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 mà cần phải một thời gian chừng 4 năm nữa mới có thể khôi phục lại...”. Ước chừng 225 xe tăng cùng pháo hạng nặng bị phá hủy. Theo sổ tay tác chiến:” Ta hy sinh 10.767, mất tích 1.550, bị bắt 98, bị thương 27.573, đào lạc ngũ 5.957, hàng 136. Tổng cộng là 46.081. Thiệt hại binh lực có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến”.

Chiến sỹ hầu hết là sinh viên các trường đại học,rất nhiều sinh viên Thủ đô Hà Nội xung phong vào chiến trường.”

*

...”Bí thư của tướng Lê Trọng Tấn, ông Phan Nhật Minh có kể:” Sau ngày 27 tháng 7 năm 1972, thấy ông Tấn buồn bực quá, tuy vẫn ở đó nhưng không thể ra lệnh, do công việc đã bàn giao cho tư lệnh mới, tôi bèn tìm mọi cách liên hệ để đưa anh ra nghỉ dưỡng bệnh sớm.”

Ông Lê Quang Đạo kể:” Khi nghe tin trên dự định kỉ luật Nguyễn Hữu An, chỉ huy cánh 308, anh Khánh mặt đanh lại, xăm xăm đi tìm ông H.(Tư lệnh mặt trận lúc bấy giờ). Anh hỏi lạnh lùng:” Vì sao anh định kỉ luật anh An.” Ông H. trả lời:” Vì không chịu đánh”. Anh Khánh gằn giọng:” Đánh để sống chứ đánh để chết à”.

...”Hội nghị về chiến lược phòng ngự tích cực sau Quảng Trị có sự tham dự của ông Lê Duẩn. Tuy chỉ luôn là phó nhưng lần này Cao Văn Khánh lại được phân công chủ trì hội nghị. Nghe kể là ông đã thẳng thắn đề nghị Đại tướng Văn Tiến Dũng kết luận hội nghị vì ông không thể nói những lời trái lòng mình.

Khi viết tổng kết cho Cục tác chiến về trận Quảng Trị, Đại tá Giang Hà nhận xét: “Tôi nhớ lại câu đồng chí Cao Văn Khánh nói với đồng chí Lê Trọng Tấn: “Phàm ở đời, việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc”. Và đồng chí Tấn cũng triết lý thêm: “Đúng đấy, tướng chiến thuật là tướng dũng cảm, tướng chiến dịch là tướng mưu trí, còn tướng chiến lược là tướng quyết đoán và nhân nghĩa”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét